Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Hoằng Sơn ngày ấy bây giờ

Hoằng Sơn ngày ấy bây giờ

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có sông Trà Giang thơ mộng, có núi Băng Sơn gắn liền với những câu chuyện dân gian kỳ thú. Không biết tự bao giờ, cái xã Hoằng Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa quê tôi đã có tiếng về một vùng văn hóa với biết bao trầm tích đã được ghi vào sử sách. Không tự hào sao được, khi mà xã tôi là quê chính của danh nhân Lê Phụng Hiểu, người đã được lưu truyền trong văn học dân gian và được ghi vào quốc sử. Trước đây là như thế, còn bây giờ xã đang vươn rộng cánh tay dài, hòa cùng với các địa phương khác trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những chuyển động với những suy nghĩ và việc làm đi qua như dòng sông thao thức, ghi dấu những hạt phù sa, trao lại tay người qua bao thế hệ để rồi làm nên nét đẹp dáng vóc quê hương.
Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ hình ảnh quê hương đem lại niềm yêu nhiều nhất. Tôi nhớ lại những ngày bước chân vào ngành sư phạm, sau bao năm công tác ở huyện ngoài, trong lòng vẫn canh cánh muốn trở về quê hương Hoằng Hóa của mình để cống hiến. Thế rồi nguyện vọng cũng đã thành hiện thực. Thế mà từ ngày ấy cho đến hôm nay đã gần 40 năm công tác, mặc dù đã viết cho nhiều nơi nhưng viết về quê của mình bằng những trang văn máu thịt, vẫn còn có gì duyên nợ với quê. Bỗng sự tình cờ như một thiên duyên đưa tới trong một lần gặp lại những người bạn năm xưa học cùng trường đại học, khi về quê dự sự kiện xã Hoằng Sơn đón nhận danh hiệu xã đạt nông thôn mới nhắc tới. “Năm trước mình nhận được sách lịch sử Đảng bộ Hoằng Sơn do ông viết tặng. Lần này ông nhớ là phải có bài bút ký viết về đề tài xây dựng nông thôn mới của xã mình đấy nhé! Nhớ là phải viết cho khách quan đấy!”. Thêm nguồn kích lệ từ những người bạn và những người dân quê tôi, tôi nghĩ, đây là cơ hội mình phải cố gắng để không làm phụ lòng mọi người. Trong suy nghĩ viết về quê hương mình, tôi cũng đã có ý định từ lâu. Vì xã tôi, được thiên nhiên ưu đãi như suối nguồn tắm vào dáng đẹp của một cơ thể căng tràn sinh lực trong không gian tươi đẹp. Và trong khoảng vài ba năm trở lại đây, nếu ai đó đến thăm chắc phải ngỡ ngàng về diện mạo và khung cảnh khá phồn sinh tại mảnh đất này. Thiết nghĩ nếu không có phong trào xây dựng nông thôn mới, xã tôi chắc gì được như bây giờ.
Hoằng Sơn, những giá trị văn hóa in đậm hồn quê.
Ngày ấy, xã tôi nghèo lắm. Nhiều người dân đã phải đi nhiều nơi để bươn chải tìm nghiệp mưu sinh. Còn gia đình nào khá giả thuộc dòng dõi thì phấn đấu cho con cái học hành. Kiếm được nghề kha khá, sau đó chuyển đến nơi khác sinh sống hoặc ở thành phố. Chính vì vậy, dân số ít dần mỗi năm. Số học sinh mỗi khối chỉ có một lớp ở một trường bậc trung học cơ sở. Cơ sở hạ tầng đường xá giao thông lày lội khi gặp những ngày mưa. Muốn vào trung tâm xã phải đi bộ. Số hộ dân nghèo chiếm tỷ lệ cao. Với vị trí địa lý không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhiều cánh đồng chiêm trũng, nên hàng năm vào mùa mưa hay bị úng lụt. Mùa màng thất bát kinh tế kém phát triển.
Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng xã tôi lại có tiếng trong trường kỳ lịch sử, bởi dấu vết của một vùng trầm tích văn hóa được bắt nguồn từ làng cổ Băng Sơn trải dài một vệt. Với nhiều đền chùa, miếu mạo, văn chỉ được lưu truyền không chỉ trong văn tự mà còn có trong những câu chuyện truyền thuyết dân gian ghi đậm dấu ấn bao đời. Tôi còn nhớ cha tôi kể lại, xã tôi có rất nhiều chùa. Chùa lớn nhất là chùa Long Khám Tự có rất nhiều tượng Phật, đứng bề thế thâm nghiêm cổ kính, không kém các chùa lớn ngoài Bắc. Ngoài ra, xã tôi còn có Chùa Mã Yên Sơn trên núi Băng Sơn gợi nhớ về một thời xưa cũ, cảnh ông Bưng hay còn gọi ông Lê Phụng Hiểu sau mỗi khi luyện võ thường lên chùa cùng bà mẹ Tố Nương thắp hương cúng Phật. Đặc biệt là các đền thờ danh thần như đền thờ Lê Phụng Hiểu, Lê Liễu, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Nó góp phần tô thêm vẻ đẹp cho bức tranh sử Việt trong quần thể di tích lịch sử văn hóa xứ Thanh. Tôi có cảm giác, nếu khách du lịch đến với cảnh vật Hoằng Sơn không thể quên một vùng non xanh cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Hình thế “ Tả Thanh Long theo mái Đại An voi cúi đầu phục lại/ Hữu Bạch hổ quanh miền Cẩm Lủ  ngựa ngênh cổ chầu lên”. Với thế Long chầu hổ phục soi nhìn dáng võ. Sông Trà nước biếc in hình thi nhân như điểm thêm nét đẹp cảnh trí quê tôi thêm lung linh tỏa sắc. Những câu thơ của Vua Tự Đức đề tặng đến nay vẫn còn, cùng với nhiều bài thơ chữ Hán của các bậc thi nhân qua thăm đề thơ vịnh cảnh.
Ngày nhỏ, tôi nhớ nhất kỷ niệm đi chăn trâu cùng lũ bạn, thường thả trâu sườn đê sông Trà Giang rồi cùng chúng bạn ngồi trên lưng trâu phi qua đền thờ Thánh Bưng. Biết chuyện, cha tôi đã nhắc nhở không được làm thế. Vì ngôi đền thờ vị danh thần xã tôi rất thiêng. Xưa kia ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa. Chả thế mà đến nay, dư âm cái tiếng đền thiêng vẫn còn đến giờ. Hàng năm cứ đến dịp lễ tết, nhiều người dân hoặc các quan chức thường về cầu bình an để mong thăng quan tiến chức. Tôi nghiệm thấy nhiều năm nay khách thập phương về đông lắm. Trước đây, trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội, đoàn làm phim Trung ương đã về tại xã tôi quay phim phóng sự về nhân vật Lê Phụng Hiểu. Sau đó Bộ Văn Hóa cùng với Hà Nội có quyết định cho 42 tỷ để trùng tu tôn tạo khu di tích nhưng sau đó lại tạm hoãn. Đến bây giờ dự án đó đã thành hiện thực, hiện đang tiến hành thực hiện được 50% giá trị công trình. Các giá trị văn hóa như văn chỉ, võ chỉ và còn nhiều giá trị khác ở các làng hiện nay vẫn còn lưu giữ như một báu vật tôn thêm giá trị văn hóa của xã.
Có thể nói, những lát cắt về mảng văn hóa giàu bản sắc dân tộc có giá trị vật thể và phi vật thể ở quê tôi đã đưa cái tên Hoằng Sơn được nhiều người biết đến. Ngoài di tích xếp hạng Quốc gia, Hoằng Sơn có thêm ba di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh. Đó là đền thờ Lê Liễu, Đỗ Văn Gạo, Vương Đình Chiểu. Mỗi một di tích đều thể hiện bản sắc văn hóa riêng. Nó không chỉ nói lên truyền thống yêu nước đầy khát vọng của nhân dân Hoằng Sơn mà còn biểu hiện Hoằng Sơn từ ngàn xưa còn là nơi tụ hội của văn thần, võ tướng, có nhiều đền chùa miếu phủ, văn chỉ. Nơi đây có một vệt ngầm chảy dài trong quần thể di tích ẩn chứa hồn quê. Chính yếu tố này đã góp phần làm nên mảnh đất oai hùng vượng khí, sinh nhiều anh tài tuấn tú khi thành danh đã giúp quê hương một phần  trong chương trình xây dựng thành công nông thôn mới.
Con đường dẫn tới thành công.
Tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, tôi quyết định gặp một số lãnh đạo chủ chốt của xã để được nghe, được hiểu, được tận mắt chứng kiến những nghị quyết, những số liệu cụ thể, kể cả việc ghép xã thành công vừa qua. Sau đó, đề nghị các anh gửi cho tài liệu để tham khảo. Vào một buổi sáng mùa hè, cái nắng đầu tháng 5 đã bắt đầu phả hơi nóng trong không gian tỏa rộng, tôi đã có mặt tại công sở xã Hoằng Sơn. Mục đích được nghe các anh chia sẻ về các giải pháp của địa phương trong quá trình xây dựng thành công nông thôn mới. Tiếp tôi tại công sở xã Hoằng Sơn là đồng chí Trịnh Văn Thường, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lê Hùng Mạnh Chủ tịch UBND xã. Sau cái bắt tay thân mật, tôi được các đồng chí giới thiệu những thành tựu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và việc ghép xã vừa qua. Như được tiếp thêm niềm vui trong câu chuyện, Bí thư Đảng ủy Trịnh Văn Thường đã tâm sự những lời gan ruột. Tôi biết tâm tư và nguyện vọng của các anh là rất lớn, luôn đau đáu với trách nhiệm của người con quê hương khi mỗi việc làm chưa xong còn dang dở. Trước hiện trạng thực tế lúc bấy giờ, bao nhiêu việc phải làm cho đủ các tiêu chí nông thôn mới, là cả một vấn đề đáng phải bàn. Như hệ thống hóa kênh mương nội đồng đã xuống cấp chưa sửa chữa kịp. Đường nhựa hóa và các con đường phải bê tông trong thôn xóm vẫn còn thiếu. Ba nhà trường cơ sở vật chất còn phải tu bổ thêm. Đặc biệt nhà Đa năng của bậc học THCS  đang xây dựng. Các nhà văn hóa các làng chưa được sửa chữa nâng cấp. Như hiểu được ý của tôi qua trò chuyện, Chủ tịch xã Lê Hùng Mạnh đã tạo cho tôi bước đầu niềm tin trong những việc làm xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hóa ra không phải nơi nào cũng giống nơi nào. Cán bộ chủ chốt bây giờ được học hành tử tế nên trong cách diễn ngôn trình bày khá tường minh những vấn đề tôi cần hỏi. Tôi hiểu ý anh, và cho rằng con đường các anh triển khai là đúng hướng. Cái gì thuận lợi lôi cuốn thị hiếu có lợi cho dân thì làm trước. cái gì khó thì làm sau. Với phương châm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phải huy động được sức mạnh toàn dân, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương vào cuộc. Phát huy nội lực là chính nhưng không thể không phát huy sự giúp sức của các mạnh thường quân là người quê hương đang công tác trong tỉnh và ngoài tỉnh.  Trong các vấn đề các anh nêu ra, tôi đặc biệt chú ý một nét riêng so với các xã khác. Đó là chăm nom các di tích lịch sử và xây dựng các Nhà văn hóa ở các làng trước. Vì tiêu chí này là một trong những tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới, khi xây dựng phải bỏ ra một lượng tiền khá lớn, nên việc huy động sức dân tham gia đóng góp là rất cần thiết. Trên cơ sở lấy tiêu chí văn hóa làm điểm khởi đầu để hướng về tương lai, tạo điểm nhấn để kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư vào các công trình phúc lợi của xã. Thực tế, muốn xây dựng nông thôn mới điều quan trọng là phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi giao thông thuận lợi thì nhiều nhà đầu tư sẽ tìm đến để xây dựng các công ty. Các cửa hàng dịch vụ thương mại theo đà phát triển. Hiển nhiên là đem lại quyền lợi và việc làm cho người lao động trong xã. Và khi lòng dân thuận thì mọi việc đều “xuôi chèo mát mái”. Suy nghĩ về cách làm của lãnh đạo xã, trong tôi bỗng liên tưởng đến nhiều khu di tích lịch sử tâm linh của các địa phương khác họ làm giàu lên, đem lại nguồn thu ngân sách khá lớn cũng từ cách làm này. Với địa phương xã Hoằng Sơn, lấy yếu tố di tích lịch sử làm trọng để kích thích lòng dân thì quả là khá cao tay trong cách vận động quần chúng trên con đường thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thành quả xây dựng nông thôn mới và việc ghép xã mới!
Sau khi xem qua báo cáo về việc xây dựng nông thôn mới, tôi được biết, Hoằng Sơn có số diện tích tự nhiên khi sáp nhập xã là 572,83 ha. So với nhiều xã, diện tích không phải là rộng nhưng với dân số sau khi sáp nhập 6590 người thì đất nơi đây không phải chặt hẹp mà có phần thoáng đãng trong quần tụ dân cư, canh tác. Đặc điểm có núi, có sông. Sau khi có nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ, và Hội đồng nhân dân xã, lãnh đạo xã đã đi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương có mô hình tốt để học tập kinh nghiệm. Từ đó rút ra cách làm, mang đặc điểm riêng phù hợp với điều kiện của xã. Trước mắt tạo niềm tin cho người dân hiểu được cái lợi trực tiếp từ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đem lại. Từ đó khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược lâu dài để nâng cao giá trị vật chất và tinh thần cho đời sống người nông dân… Đồng thời, đem đến nhận thức mới cho người nông dân có ý thức vai trò chủ thể của mình trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Có thể nói, những ý kiến đưa ra theo tinh thần nghị quyết của xã rất xác đáng thuyết phục đã đi vào ngõ ngách từng làng thôn ngõ xóm. Người dân vui tươi phấn khởi hưởng ứng. Tuy nhiên, trong quá trình vận động người dân thực hiện, vẫn còn có một số người không chịu hợp tác. Họ nêu ra những ý kiến khi bàn về mở rộng đường giao thông ảnh hưởng đến đất phần trăm tự túc lâu dài của họ khi lấy đi để xây dựng công trình phúc lợi. Giá đền bù lại thấp. Nhưng có lẽ ở một địa phương nào cũng luôn sảy ra những điều như thế và chính những tháo gỡ vướng mắc tưởng như “đường cụt” trong dân ấy mới chứng tỏ được năng lực của những người làm lãnh đạo dám “đứng mũi chịu sào”. Cốt sao vẫn được việc không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân, vẫn giữ được uy tín hình ảnh của Đảng và nhân dân địa phương. Mặt khác, qua những lời giải thích có tình có lý trên cơ sở pháp luật đi đôi với công tác dân vận tuyên truyền qua nhiều kênh nên công tác giải phóng mặt bằng đã thành công mĩ mãn.
Thấu hiểu nỗi lòng của người cán bộ và người dân nơi đây, tôi không còn ngạc nhiên băn khoăn về những điều còn nửa tin nửa ngờ. Bởi người đời có câu “cán bộ nào phong trào đó”. Tôi đã được chứng kiến xã làm được cả hệ thống giao thông ở đường hệ trục chính rải nhựa chạy dài 5 km cho đủ hai làn xe ô tô lớn chạy không chặt hẹp là một kỳ tích. Được biết, các anh trong cách làm có nhiều sáng tạo. Biết vận động sức dân. Mỗi một chủ trương đưa ra đều bàn bạc thấu đáo. Công khai dân chủ. Với phương châm “dân biết dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”. Nhiều lúc đã biết tận dụng ý kiến của các bậc cao niên có uy tín ở các dòng họ trong làng, hoặc những người con quê hương có học hàm học vị đang công tác ở xa để cùng với địa phương giải thích, tháo gỡ những việc khó khăn, nên mọi việc đã giải quyết thông suốt. Kết quả đã có gần 100 hộ hiến đất với diện tích 3000 mét vuông làm đường cho tập thể, và sân vận động văn hóa thể dục thể thao. Điểm khó khăn nhất đã vượt qua là số hộ dân đã thuận theo mức đền bù tiền đất theo giá qui định của Nhà nước. Đã tiếp nhận hàng nghìn ngày công lao động công ích trong việc xây dựng các công trình phúc lợi. Cùng với chủ trương đúng đắn, thuận lòng dân, sân vận động thể thao qui mô hoành tráng đã xây dựng xong bề thế với giá trị 6 tỷ đồng tính cả giải phóng mặt bằng. Sau khi lướt qua sân vận động chúng tôi nhìn ngang về phía đối diện một công trình có giá trị gần 5 tỷ đồng, mang dấu ấn kiến trúc độc đáo có 4 hiên và 4 mái ngói mầu nâu cong vút ở bốn góc mái nhà. Đó chính là Nhà thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng các liệt sĩ đã có công với nước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc qua các giai đoạn lịch sử. Tôi đã đến nhiều nơi nhưng có lẽ đây là Nhà thờ thuộc diện đẹp nhất. Nó được tọa lạc bên cạnh Công sở xã Hoằng Sơn, hoành tráng vào bậc nhất của Huyện Hoằng Hóa. Đi trong không gian với những giọt nắng tươi mầu cảnh sắc đan xen với hương ấm tình người, tôi có cảm tưởng như đang bước về một vùng quê căng tràn sức sống có đầy đủ yếu tố “ Thiên thời địa lợi nhân hòa”. Để thêm thông tin, có số liệu làm cơ sở, tôi tiếp tục đề nghị các đồng chí lãnh đạo xã cho biết làm cách nào để có được các công trình nói trên. Kinh phí được lấy từ nguồn nào? Bởi chỉ tính sơ sơ theo số liệu có trên tay để hoàn thành 18 tiêu chí, tính tổng giá trị tiền phải chi cho các công trình chính khoảng 60 tỷ Việt Nam đồng. Qua báo cáo của xã, tôi biết kinh phí được lấy từ 3 nguồn, nhân dân và những người con xa quê tự nguyện đóng góp 20%, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 35%. Số còn lại là tiền của ngân sách xã được lấy từ nguồn bán đất cho các hộ có nguyện vọng xây nhà, nằm trong qui hoạch khu dân cư theo hướng đô thị hóa. Điều đáng nói, Hoằng Sơn trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, những giá trị văn hóa đã có từ xưa để lại vẫn được gìn giữ bảo tồn. Những hình ảnh các khu văn hóa làng, từ dòng sông, bến nước, hay những cây đa đầu làng, cho đến những ngôi nhà cổ luôn được địa phương bảo vệ tôn tạo.
Tôi có thói quen, khi mỗi chiều về, thích ngắm nhìn ánh hoàng hôn thả bóng trên       dòng sông quê, hoặc qua những ngõ Chùa, ngõ Tây, ngõ Đông để được tận mắt chiêm ngưỡng những cây đa cổ thụ nghiêng mình soi bóng bên giếng nước trong veo của làng. Bây giờ đường đi về điểm ấy đều được đổ bê tông sạch sẽ. Kể cả đường vào thăm nhà thờ dòng họ Vương Đình và ngôi nhà cổ thờ tự cụ Vương Đình Chiểu danh nhân văn hóa của xã.
Điều đặc biệt, ở Hoằng Sơn bây giờ, trên các con đường chính nào cũng có hệ thống đèn cao áp chiếu sáng. Hai bên đường đều trồng hoa. Theo số liệu chúng tôi được biết, có tới hơn 10 km đường có hệ thống ánh sáng luôn đem đến cảm giác hưng phấn cho người dân mỗi lần đi qua con đường ấy. Đường vào làng các ngã tư ngã ba rộng dài thoáng đãng. Trông từ xa đã thấy ngôi trường ba tấng cao vút. Chúng tôi không bỏ qua cơ hội đến thăm trường. Đây là một ngôi trường ở vùng nông thôn thuộc diện đẹp nhất nhì trong tỉnh. Bên cạnh trường là trạm y tế Hoằng Sơn, một đơn vị điển hình tiên tiến toàn miền Bắc trong những năm chống Mỹ cứu nước của thế kỷ XX mà hiện nay là trạm chuẩn Quốc gia. Điểm để lại ấn tượng trong tôi nhiều hơn, đó là Công sở xã cao 3 tầng, cạnh bên là hội trường có sức chứa hơn 500 chỗ ngồi khá hiện đại với giá trị lên tới hơn 20 tỷ đồng, kể cả kinh phí giải phóng mặt bằng.
Khi dạo qua các làng theo con đường trục chính của xã, ta thấy hai bên đường là những cửa hàng cửa hiệu của nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó có hai doanh nghiệp bán xăng dầu và nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến lâm sản. Tiêu biểu là công ty chế biến đồ gỗ khá lớn Đại Bình Dương, Công ty TNHH kinh doanh đồ gỗ Hoa Ngân, Kim Thành, Văn Như, Hoa Vi. Công ty sơn jmec của gia đình anh chị Dũng Bé. Đặc biệt có công ty TNHH may xuất khẩu khá hiện đại Huy Linh chuyên xuất khẩu hàng đi Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này, hàng năm đều có sự chung tay góp sức cùng địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi còn có những việc làm chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn đối với người nông dân thuộc hộ nghèo, hoặc khen thưởng các cháu học sinh có thành tích trong năm học với nhiều phần thưởng xứng đáng. Tiêu biểu đi đầu là gia đình anh chị Dũng Bé, Chị Trần Thị Nụ chủ doanh nghiệp sơn cao cấp, anh Trần Văn Tuấn thôn Xuân Sơn giám đốc công ty TNHH chế biến vật liệu than và hàng loạt doanh nhân thành đạt khác.
Về vấn đề an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn từ chính sách của nhà nước và địa phương nên các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt mức so với kế hoạch.
Số hộ nghèo giảm còn 1,52%. Hộ cận nghèo: 4,8%. Tỷ lệ nhân dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 92%. Đặc biệt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa khu dân cư luôn được giữ vững là đơn vị dẫn đầu.
Các ngành công nghiệp- và dịch vụ thương mại: Toàn xã có 17 công ty doanh nghiệp đã giải quyết hơn 2000 lao động ở địa phương có công ăn việc làm ổn định. Ngoài ra còn có 120 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, đạt tổng giá trị hàng năm lên tới hàng tỷ đồng. Những công ty nói trên được đặt trên cùng một địa bàn xã đã nói lên Hoằng Sơn chính là mảnh đất tốt có nhiều hưng vượng cho nhiều doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh trỗ tài xuất hàng đi thế giới và trong nước. Không những thế, trong sản xuất nông nghiệp làm ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, vẫn là thương hiệu tỏa đi muôn nơi được nhiều người biết đến. Những cánh đồng thâm canh mùa vụ chọn giống lúa gạo thơm ngon luôn được lãnh đạo xã quan tâm đầu tư có trọng điểm. Mỗi mùa cấy, đến mùa thu hoạch, người dân Hoằng Sơn đều sử dụng bằng máy móc hiện đại, liên hoàn để rút ngắn thời gian sản xuất. Các hợp tác xã với nhiều dịch vụ thương mại cung cấp sản phẩm phân bón thuốc trừ sâu cho người nông dân đầy đủ kịp thời tạo nên năng xuất trồng lúa nước năm nào cũng bội thu. Tổng bình quân thu nhập trên đầu người ước tính 50 triệu đồng trên năm. Có thể nói, các công trình phúc lợi của xã như đường, trường, trạm, công sở xã, nhà thờ các anh hùng Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhà văn hóa các làng cho đến sân vận động chính của xã với giá trị hàng 100 tỷ Việt Nam đồng, khẳng định sức sống mới đầy tiềm năng của một xã đạt nông thôn mới rất thuyết phục.
Với kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Hoằng Sơn, nhìn từ bức tranh toàn cảnh, Chúng tôi cho đó là một kỳ tích. Một sự vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, Hoằng Sơn mới hôm nay còn bao nhiêu việc phải làm. Trước mắt tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, mang tính bền vững. Đây là cả một vấn đề mà Đảng bộ và nhân dân Hoằng Sơn cần phải nổ lực quyết tâm trong hành trình mới. Biết rằng, để hòa hợp được ý tưởng của hai xã cũ trở về điểm chung của xã mới vẫn còn nhiều điều trăn trở cần tìm thêm giải pháp.
Qua ý kiến tâm sự của lãnh đạo địa phương, tôi càng hiểu hơn, trong quá trình sáp nhập xã lúc đầu vô cùng khó khăn. Vì người dân hai xã theo phong tục tập quán lối sống sinh hoạt cộng đồng qua bao đời của họ khá quen với nếp cũ. Việc chuyển đổi tên xã và nơi làm việc trong quá trình sáp nhập xã vẫn còn có ý kiến phân vân chưa đồng thuận. Tuy nhiên, BCH Đảng ủy họp đã ra nghị quyết chỉ đạo kip thời. Chính quyền và các đoàn thể xã hội đã vào cuộc. Công tác tăng cường vận động thuyết phục người dân thực hiện theo hướng trở về tên xã gốc do yếu tố lịch sử để lại, đã tạo nên sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tôi thực sự cảm động khi Hoằng Sơn sau những lần tách xã bây giờ vẫn thống nhất giữ được chữ “Sơn” tiếng thứ hai đứng sau chữ “Hoằng” của xã Hoằng Sơn mới.  Đây là một điều thú vị trùng hợp với ý tự xưa mà ngày nay người dân xã mới vẫn giữ được.
Khát vọng hai tiếng Hoằng Sơn qua nhiều cung bậc cảm xúc, tôi lại càng hiểu hơn giá trị của quá khứ và hiện tại, qua những gì mà người dân quê tôi đã làm được. Tất cả đã nói lên một Hoằng Sơn có đầy đủ khí chất tự hào, xứng đáng với những gì mình có được.
Đúng là, mọi sự chuyển động của đời sống nếu không có tinh thần trách nhiệm cao và cái nhìn nhãn quan biện chứng đối với công việc ở một vùng nông thôn giàu bản sắc văn hóa cách mạng, thì mọi việc đều có thể xảy ra. Và ngược lại nó sẽ tốt hơn khi chúng ta đặt vai trò quyền lợi tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì sẽ đạt được những điều mong muốn. Đó chính là bài học trong cách vận động quần chúng thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới thành công ở xã Hoằng Sơn hôm nay.
Vui với niềm vui chung của quê mình trong tiếng hát ngân dài với bài ca chào mừng xã đạt nông thôn mới, có lẽ, ký ức về Hoằng Sơn ngày ấy cho đến bây giờ sẽ theo tôi mãi mãi đi suốt chặng đường. Nó không chỉ là nỗi niềm của riêng ai mà còn là nỗi niềm chung của nhiều người con Hoằng Sơn trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Ở họ, luôn mong cầu sự phồn vinh tiến bộ của xã nhà. Và khi hai tiếng quê hương ngân vọng, chắc chắn sự đóng góp chia sẻ bằng tinh thần và vật chất của người dân quê tôi sẽ không bao giờ vơi cạn. Đó chính là khát vọng vươn lên trong sự nghiệp đổi mới để Hoằng Sơn  cùng với các xã bạn hoàn thành các chỉ tiêu đưa huyện Hoằng Hóa đạt nông thôn mới năm 2019 thắng lợi.
4/5/2020
Trịnh Vĩnh Đức
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đói lòng ăn nửa chén cơm

Đói lòng ăn nửa chén cơm Mấy hôm nay thật buồn. Buổi mai chim không hót. Trời mùa đông rét ngọt. Và mưa. Mưa bay. Bay... Mùa đông trong vò...