Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Tuyết Phượng hay hiện thực một đóa tinh khôi trên lối về nhạc Trịnh

Tuyết Phượng hay hiện thực một
đóa tinh khôi trên lối về nhạc Trịnh

Trong lịch sử văn học nghệ thuật, có mấy khi một tác giả sau lúc lìa trần được người đời đều đặn nhắc đến ngày giỗ mỗi năm, như trường hợp Trịnh Công Sơn (mà tính đến nay cũng đã hơn hai mươi lần bốn mùa thay lá [1])?
Cũng thế, có mấy ai mà tác phẩm cứ trẻ mãi không già, và nhất là mang được cùng lúc vừa tính hiện đại qua một ngôn ngữ tân kỳ đôi khi bí hiểm, vừa tính đại chúng – trong ý nghĩa được nhiều người thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, tâm đắc đón nhận [2] –, như chính người nhạc sĩ biểu tượng (emblématique) tài hoa đã quá sớm ra đi của chúng ta?.
Thời sự điện ảnh gần đây, qua bộ đôi phim Trịnh Công Sơn cùng Em và Trịnh [3] đã cập nhật huyền thoại đương đại ấy trong trí tưởng tập thể, đồng thời cũng làm phong phú thêm cách hát nhạc Trịnh với những giọng ca mới kiêm sáng tác gia nhạc trẻ như Bùi Lan Hương và đặc biệt là Phan Mạnh Quỳnh, thật ấn tượng trong cách thể hiện bài Tình Nhớ. [3,4]
Song, cũng từ trong thời sự những ngày tháng Covid mịt mù đó, bỗng xuất hiện trên vòm trời nhạc Trịnh – bất ngờ và thú vị – điểm sáng lung linh một giọng hát lạ mà sự nhận diện, dẫu có đôi chút trễ tràng hay chỉ từ xa xôi hải ngoại đi nữa, hẳn sẽ vẫn làm tăng khả năng khẳng định như một sao mới: Nguyễn Tuyết Phượng. 
Bởi nàng không giống bất cứ một ca sĩ nào khác từ trước đến nay, về nội dung cũng như hình thức. Biên độ thao tác trên sân chơi văn nghệ và hiệu ứng nghệ thuật đến từ nàng đều đạt được cả hai mặt bề rộng lẫn chiều sâu, chưa kể còn cho thấy một tiềm năng triển khai nhiều hứa hẹn.
Này nhé, xin mời bạn hãy cứ thử tự nghiệm xem, có lẽ chỉ cần qua một tác phẩm thôi là đủ: Đóa Hoa Vô Thường [5] chẳng hạn, một bài hát đa điệu, dạng trường ca thu nhỏ tương đối hiếm hoi – chắc cũng gói ghém nhiều kỳ vọng nghệ thuật – của họ Trịnh, và hoàn toàn không dễ hát. Vậy mà Tuyết Phượng đã xuất sắc thành công.
Ca khúc mở ra như một ngày mới với đoạn pianissimo cực nhỏ, êm như hơi thở chớm dậy buổi hừng đông, xua đi lớp sương sớm mênh mang, mờ ảo. Để từng bước làm hé lộ ánh ban mai kỳ diệu – của sự sống, của Tình Yêu –, mỗi lúc một rõ dần qua giọng hát, với một mức làm chủ độ nhả chữ, lảy câu ngoại hạng. Người nghe có cảm giác như đang lửng lơ trong không gian vô trọng trường (apesanteur). Cho đến khi chuyển sang crescendo làm tung cao các cung bậc, như hối thúc nối theo mặt trời tiến qua thiên đỉnh (au zénith) của cảm quan, rực rỡ, nồng nàn.
Bài ca cứ lưu chuyển mượt mà như thế, không chút ngắt quãng giữa hai chương khúc (mouvements); người hát yêu kiều trong bộ áo dài thướt tha trinh trắng, khẩu hình đẹp, phát âm rõ và chuẩn; ý nhạc triển khai trung thực, thuần nhất ; phần đệm dung dị, kín đáo mà rất trọn vai, linh hoạt biến đổi, kể cả sự dấu mình trong im lặng ở đoạn a capella.
Thế mới hiểu vì sao nhà văn nổi tiếng trước 1975 Từ Kế Tường – có lẽ cũng là một trong những người đầu tiên khám phá sự kiện trên YouTube – đã chấp bút sớm nhất, với một đánh giá không chút do dự, kèm theo một so sánh thẳng băng, chẳng sợ mích lòng:
«… với giọng hát nhẹ như gió lướt qua vườn nhưng đủ độ ngân và rung cảm, Tuyết Phượng đã để lại cho người nghe cảm nhận những ca khúc của Trịnh Công Sơn ở một tầng suất thẩm sâu và rung động khác với những gì trước đây ta thường nghe nhạc Trịnh với những ca sĩ đã thành danh và rất hiếm sự thành công khi thể hiện dòng Trịnh Công Sơn».[6]
Còn đối với Trần Thanh Bình, trên tờ Thanh Niên, thì cũng chính những bài hát của Tuyết Phượng đã đưa ông về với một Trịnh Công Sơn bằng xương bằng thịt, gần gũi, kề cận những bạn bè và cả bản thân nhà báo, chỉ mới năm nào đây thôi:
«Đã gần 40 ngày vật vã, Sài Gòn trải qua mấy đợt giãn cách. Tôi ngồi nhìn ra hàng hiên, hoa mười giờ nở trong nắng sớm. Chợt nghe vút lên giọng của Phượng quyện lẫn trong tiếng đàn của người cha […] Cảm giác rất lạ. Như thấy lại mùa hè nào đó gót giày của Trịnh còn in trên hè phố, trong bóng nắng qua hàng me lốm đốm» [7]                       
Vẫn con đường, hàng me ấy, nhưng không phải ở đất Huế, Đà Lạt hay Sài Gòn, mà trong tâm tưởng. Âm thanh thủ thỉ những cơn mơ. Trời ươm nắng. Cho biển thêm nhớ. Cho mây thêm hồng. Để chắp cánh phượng cho những dự phóng ấp ủ bấy lâu, ngay từ thuở thiếu thời, bay cao về phía chân trời hiện thực…
Hành trình tuổi trẻ và những giao điểm nghệ thuật
Tuyết Phượng là người của biển, dáng thanh thoát in trên nền bể cả mây cao dễ gợi liên tưởng. Như thể, đâu đây, có một nữ thần Hy Lạp nho nhỏ, nghiêng nghiêng, vừa chợt mới nhô lên giữa vùng đại dương thần thoại:
«Em đứng lên gọi mưa vào hạ…» (Gọi Tên Bốn Mùa [8])
Sóng trời bao la, huyền diệu, hẳn đã để dấu ấn cơ duyên nơi người con của đất Nha Trang giàu đẹp ấy.
Nàng có cái tên ít khi trùng lặp: theo chú dẫn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì Phượng «là con vật linh trong bộ tứ linh […], là biểu trưng riêng cho hoàng hậu và nữ giới quý tộc nói chung », đặc biệt thường thấy trên các di tích thời Lý [9]; còn Tuyết, từ Hán Việt , đứng cạnh tên trong vai chữ lót, có thể được hiểu là «trong sạch, cao khiết»[10], rất khớp với tính chất sang trọng, trinh nguyên, toát ra từ giọng hát cũng như qua cung cách tiếp cận với nghệ thuật và cuộc đời.
Từ Kế Tường có cho biết: «Nguyễn Tuyết Phượng từ năm 3 tuổi đã được nghe nhạc, mê nhạc. Được người cha mê đàn, mê nhạc cho đi học Organ, sinh hoạt ca hát trong phong trào thiếu nhi».[6]
Thế rồi, rời quê quán khi xong Trung học phổ thông, Phượng vào sống Sài Gòn ít năm. Thời gian vừa đủ để lấy bằng cử nhân ngành Kiến Trúc Nội Thất trường Đại Học Kiến Trúc năm 2019, song song với việc học thêm – kể từ 2018 – chương trình Đại học Thanh nhạc Cổ Điển tại Nhạc Viện Thành Phố. Nhưng đến năm 2020, Covid bùng phát, cô sinh viên nhiều năng khiếu kia phải tạm ngưng học, để về quê tránh dịch. 
Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Giữa cơn phong toả thành phố, Tuyết Phượng đã có sáng kiến nhờ Ba đánh đàn cho mình hát, đăng lên kênh YouTube. Từ đó, kẻ yêu âm nhạc – nhất là nhạc Trịnh – được dịp thưởng thức khá nhiều ca khúc tuy rất quen thuộc nhưng lại là dưới một góc độ hình ảnh và âm thanh mới, như có người đã mô tả ngắn ngủi mà chân thực:
«Tình cờ gặp kênh âm nhạc Cha đàn Con hát của Tuyết Phượng khá độc đáo […] người cha luôn mang đôi kính trắng ngồi đệm đàn chân phương cho con hát. Người con Tuyết Phượng luôn mặc áo dài, quay góc nghiêng nhìn […] Giọng ca của nàng làm “trẻ hóa” các giai điệu được mặc định qua các giọng ca thời trước». [11]
Mọi sự không hẳn do ngẫu nhiên mà đã thành hình nhờ tính đam mê, lạc quan và ý chí quyết tâm của Tuyết Phượng, như cô đã từng thổ lộ:
«Ba Phượng không phải một guitarist chuyên nghiệp, không được học nhạc lý bài bản, nên mỗi khi cho Ba “lên sóng”, Ba thường sợ sẽ bị cộng đồng mạng “ném đá” (trong dấu ngoặc kép trích dẫn nguyên văn mấy chữ Ba hay nói). Phượng hay động viên Ba: “Có sao đâu Ba, có ai ném thì để con đỡ cho. Đừng có sợ. Hahaha”.» [11]
Ta bỗng vui lây với tiếng cười hồn nhiên đó, trong vắt và đầy tự tin, của tuổi trẻ (vâng, hình như khi ra mắt trên mạng, nàng chỉ vừa mới hăm ba).
Nhưng tuổi son không cấm sự vững vàng, nghiêm túc trong suy nghĩ và việc làm. Tuyết Phượng chọn Trịnh Công Sơn “vì thích những giai điệu đẹp của nhạc Trịnh và hiểu những điều nhạc sĩ muốn nói”. Riêng một chữ hiểu nàng dùng khi viết như vậy – qua trao đổi mới đây – cũng khiến không thể quên điều mà họ Từ đã bỏ công nhấn mạnh trong bài viết của ông, khai mào cho những cây bút khác về sau:
«Người ta cứ nghĩ rằng ca khúc của Trịnh Công Sơn từ điệu thức đến ca từ rất phổ thông, đại chúng, gần như ai cũng hát được: học sinh, sinh viên, trí thức, nghệ sĩ, đứa bé lang thang trong hẻm nhỏ tới cô công nhân trong nhà máy, chị bán vé số dạo đều thuộc và “nghêu ngao” nhạc Trịnh ở đời thường, trong tiệc cưới, trong bàn nhậu, quán ốc khi say xỉn. Nhưng để diễn đạt ca từ như thơ và hàm chứa tính triết lý nhân sinh đến độ tinh luyện trong nhạc Trịnh thì không phải ca sĩ nào cũng làm được, kể cả ca sĩ chuyện nghiệp» [6]
Không rõ do ý riêng hay nhờ được đào tạo, cô ca sĩ gốc Nha Trang có cả một phương pháp truy tầm công phu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng: nghiên cứu cách nhạc sĩ sử dụng hình ảnh-âm thanh trong tiếng Việt, hoàn cảnh ra đời bài hát, nỗi niềm, suy tư của ông,…; đọc 300 lá thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh, đọc những chia sẻ của tác giả trong các bài phỏng vấn, nghe nhạc sĩ nói chuyện, hát bài của mình thời đó…
Tất cả chỉ vì Phượng hát với tấm lòng trân trọng và mong muốn sử dụng giọng ca của mình “uyển chuyển bằng mọi cách” – như cô tâm sự -, để khả dĩ thể hiện câu chữ trong bài sao cho “gần nhất với hình ảnh - câu chuyện nhạc sĩ muốn nói”. Một cách vươn tới chân lý vừa thiết tha cầu tiến, vừa sáng suốt khiêm nhường.
Một tinh thần chuẩn xác khoa học, một kỷ luật nghề nghiệp tương đương với mức của những tài tử hàng đầu kỹ tính nhất xưa nay. Pha nghiền ngẫm, chuẩn bị, đã mẫu mực như vậy, thế mà đến phút chót, khi bắt tay vào việc «dợt hát, thu hình» thì, chỉ ai có vào xem «tư liệu» trên kênh Tuyết Phượng [12] mới thấy: cô đã cho phát đi nhiều hình ảnh, chi tiết thực tế, minh họa một cách cụ thể không che dấu con đường – quả không thiếu gai góc cam go – để đi cho kỳ được, tới khi đạt sự toàn bích sau cùng…
Đối với một người trong ngành kiến trúc như Tuyết Phượng, cộng thêm sự nghiêm túc của Cha nàng, thì khách thưởng ngoạn không hề ngạc nhiên về kết quả thiết kế (conception) đạt được, tạo nên khung cảnh phù hợp với mục đích chuyển tải chất thơ và giá trị âm nhạc: một thành tựu đáng tán dương, mà ta sẽ trở lại ngay dưới đây, sau khi mở xong món «bonus» bất ngờ Tuyết Phượng dành tặng cho chúng ta, nhân bài viết này, khởi đầu bằng bức họa một Trịnh Công Sơn say sưa tay đàn miệng hát ở đầu trang.
Thật thế, không rõ Tuyết Phượng học hội họa ở đâu và lúc nào, nhưng qua mấy bức tranh cô vẽ thời tránh Covid (chỉ đưa được một phần lên đây, trong khuôn khổ nội dung bài viết), bạn đọc chắc sẽ khám phá thêm những nét lạ khác trong tài năng đa dạng của nàng. 
Điểm đầu tiên đập vào mắt chẳng hạn, có lẽ là chất nữ tính và nét đôn hậu hồn nhiên nơi Tuyết Phượng, thể hiện trong cái nhìn của họa sĩ và được bộc lộ một cách thật dễ thương qua chủ đề cùng nét vẽ hai bức tranh người và vật cạnh đây.
Đúng là người ta cũng đã thấy toát ra những điều đó ngay cả trên trang nhạc YouTube : lúc hát tự đệm bài Mưa Hồng [13], nàng đã để yên cho chú mèo cưng leo lên vui giỡn cùng đàn…
Ở bức sau, lộng lẫy với toàn cảnh một hoàng hôn choáng ngợp, ta dễ nhận ra màu hồng cam ấm áp, hiện đại – hay đứng chung với các sắc tím, xanh, lãng mạn cổ điển – khá đặc thù, trông như chữ ký của «tông»  chủ đạo trong gam màu, hoặc của một giai đoạn sáng tác, mà nàng tâm đắc.
Cái đẹp gọi mời cái đẹp.
Tranh làm nghĩ ngay tới một tác phẩm kinh điển – gần với chủ đề – của Turner [14] cũng như gợi lại những hình ảnh nên thơ trong bài Tình Nhớ, mà chắc ai cũng có trong đời đôi chút kỷ niệm riêng tư gắn liền:
« … Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng con nước ròng [15] xóa một ngàу đìu hiu…»

Ở đây, thơ nhạc họa là một, trong thế giới đa sắc của những tài hoa. Bởi thế, sự gặp gỡ giao hòa nhạc-họa nơi Tuyết Phượng là một may mắn cho nàng, cho ta.
Sự đón nhận nồng nhiệt trên mạng, những lời chia sẻ đầy hứng khởi dành cho Tuyết Phượng ngay sau mỗi bài hát, như vậy, hẳn phải bắt nguồn từ một xuất phát điểm sâu xa nào đó, chung cho những tâm hồn đồng điệu. Hay nói một cách khác, mọi con đường kiếm tìm cái đáng yêu, cái tối ưu diễn đạt, cho nhạc Trịnh – trong chừng mực hiểu biết và hoàn cảnh hiện nay – dường như cuối cùng rồi cũng dẫn đến chỗ đồng thuận, nếu không phải là hơn cả thế nữa: một sự đồng quy.  
Mỹ học của giác cảm: từ đặc trưng đến đẳng cấp một giọng ca
Hát là thổi hồn, tạo dáng cho mỗi con chữ trong ca từ. Và hình như ai đó có nói rất xác đáng rằng cái riêng của một giọng hát nằm chính ở chỗ khoảng không giữa hai nốt nhạc.
Cách dấn bước (démarche) nghệ thuật của cô gái miền thùy dương cát trắng chúng ta, xem ra cũng thuộc vào khuôn khổ đó. Nó có lẽ đến từ một trực giác bén nhạy nhiều hơn là do suy ngẫm, không hẳn mới mà vẫn lạ so với những gì đã quá quen mắt quen tai, và nhất là đáp đúng «gu» của giới sành nhạc Trịnh: chạm tới tầng sâu mọi cá thể bằng giọng hát rất riêng, biết giữ đúng vị trí trung tâm để tỏa sáng, nghĩa là trình bày với tất cả ruột gan, phản ứng, tình tự, của mình, nhưng chỉ dựa trên tối giản hành trang nhạc đệm và cảnh trí, nếu có, nhằm phục vụ trọn vẹn cho ca sĩ, tức nhà phù thủy dắt ta vào cõi nhạc.
Sợi dây «chánh niệm» đó, nói chung, chỉ thành hình khi nào đã đạt được một sự «định» tâm cao độ nơi người phát đi tín hiệu, để rồi cái lõi cốt tác phẩm kia được truyền thẳng tới người nhận, không qua bất cứ một trung gian nào khác ngoài giác cảm.
Giác cảm là giao diện duy nhất cho phép ta sờ chạm đối tượng. Khi đối tương là một ca khúc, như ở đây, thì chính sóng nhạc, làn hơi người hát, sẽ giúp ta nắm bắt nó nhanh và trọn vẹn nhất. Có được thế là nhờ việc những dạng tướng nghệ thuật, ý nghĩa ngôn từ và tư duy tác phẩm đều đã được nghiền ngẫm tiêu hóa hẳn hoi, trước khi thành máu thịt của giọng ca. Nội dung lời hát – chủ yếu là thơ, trong trường hợp Trịnh Công Sơn – được chuyển tới người nghe trên những dao động vật lý của làn hơi ấy: nơi người nghe, mọi suy tư lo nghĩ, phân tích, giải mã đều tan biến, vì đã hóa thừa.
Người hát vận dụng sức quyến rũ tự nhiên của giọng cổ, ở cường độ nhỏ nhất (sự nhỏ nhẹ thường có sức thuyết phục lớn khó ngờ!). Nếu thanh quản tạo âm cho lời hát, thì chính hơi thở mới truyền đi cái khí, cái hồn, những chất chứa giao cảm đến người nghe. Khi kẻ thưởng ngoạn không thể dùng xúc giác để tiếp cận sự vật như thế – chỉ còn có tai, mắt – thì cũng chính là lúc mà những tiếng thì thầm đầy thi tứ ấy, từ làn môi tươi thắm kia ghé đến bên tai, tạo hiệu ứng thay thế : một thoáng mơn man ve vuốt, như được ngón tay ngà lần dở cùng ta từng trang đời diễm tuyệt. Đến bên tai, tựa hồ như có cơn gió thoảng nào xa xôi, vừa mới len khắp hoa đồng cỏ nội, để về gieo chùm hạnh phúc hương ngàn… Hạnh phúc ở đây đồng nghĩa với mỹ cảm. Nó đón nhận cuộc đời lẫn lộn buồn vui như đã sống, kể cả dư vị của những trải nghiệm không may hay những cuộc tình không trọn, nhưng vẫn đẹp, vẫn tồn tại dai dẳng trong ta, như để dọn mình cho cơ hội hóa thân lên một bậc nấc cao hơn, thành hạt mầm sáng tạo.
Hoàng Trúc Ly có lẽ là người đã đẩy mỹ học của giác cảm đó đi xa nhất. Đến độ nhà thơ đòi mượn cả giác quan của người yêu lấy làm của mình; sự thẩm thấu giữa hai tâm hồn khi tới cực điểm thì biến ra hòa nhập thân xác, hai thành một:
«Tôi muốn hôn bằng môi của em… » (Gửi Người Em)
Ước muốn được tan loãng trong tế bào xương thịt người mình đắm đuối si mê ấy, Đinh Hùng cũng đã từng sống qua – ngấm ngầm mà mãnh liệt –, khi ông viết:                     
«Có những buổi ta nhìn em kinh ngạc 
Hồn tan dần trong cặp mắt lưu ly
Đôi mắt say sưa, đôi mắt lạ kỳ
Ta trong đó thấy cả trời mơ ước…» (Đường Vào Tình Sử)
Nếu thay cụm từ “cặp/ đôi mắt” trong bài thơ bằng “giọng hát”, bạn sẽ có đúng trong tay một phiên bản mô tả – không xa gì mấy – cái tình huống của bất cứ ai đồng cảm với những Từ Kế Tường, Trần Thanh Bình, như đã dẫn: cũng ở trên đường vào, nhưng không phải để đến không gian “tình sử” thi sĩ họ Đinh, mà là thế giới Nguyễn Tuyết Phượng.
Thế giới ấy không chỉ dành riêng cho mỗi một Trịnh Công Sơn, nhưng được trải ra từ đó. Qua kênh YouTube, nói như cây bút lão luyện báo Thanh Niên, thì ta chỉ gặp chủ yếu hình ảnh một “không gian đơn sơ, hai tấm rèm che thỉnh thoảng lay động, nhưng màu áo dài đi liền với mỗi bản nhạc của nữ ca sĩ lại như cất tiếng nói, rất hợp với vẻ thanh thoát của một người yêu nhạc Trịnh hồn hậu.” [7]
Quả là tuyệt chiêu của một ngòi bút bậc thầy : chỉ cần qua có nửa câu mà gói ghém cực khéo – với cách diễn tả tinh tế, hiện đại – bao nhiêu là lời khen, ý đẹp!
“Đồng thanh…, đồng khí…”, những tâm hồn tri kỷ dù có vong niên đến mấy vẫn gặp nhau như vậy, trên nhiều điểm. Chẳng hạn, về nhạc Trịnh, Trần Thanh Bình có cho biết quan niệm được tự nhận là «hơi khắt khe» của mình:
«… Trịnh đã có một thời du ca, có thể nhạc của ông những lúc ấy có vài bản “bụi” một chút với ca sĩ quần jean áo pull. Nhưng nhìn toàn cảnh nhạc của ông, hơi khắt khe, tôi thấy hợp với những tà áo dài. Với guitar mộc mạc đơn giản! […] để nhạc Trịnh hay, có lẽ chỉ thấm với kiểu phối như vậy, hơn lúc dùng… quyền trợ giúp của dàn âm thanh điện tử» [7]
Thì, chính xác, đó cũng là hướng chọn lựa phải nói là “chiến lược” của hai cha con nghệ sĩ Tuyết Phượng từ khi ra mắt : tà áo dài dân tộc, đi với tiếng đàn thùng rất mộc, không tìm kiếm “ép phê’’ cầu kỳ, không lên gân nghe chói tai, lạc quẻ, như một số nghệ sĩ trong làng nhạc Việt. Và lại còn có thêm « chủ bài » độc đáo, tô đậm hình ảnh ấm cúng gia đình của tình cha con, được thăng hoa qua âm nhạc nữa (Tuyết Phượng có lẽ là người hiếm hoi đã nói đến giá trị trong câu viết để trên trang hát). Người cha cho thấy trước ống kính một sự tôn trọng tuyệt đối cô con gái ca sĩ, mà ông đi theo hỗ trợ với cây đàn, như đang thiền hành – có lúc che nắng với chiếc nón lá dân dã thay vì một cái mũ Tây, khi đi thu hình ngoài trời –, không một tia mắt hay cử chỉ nào thừa (triết lý «pho tượng», đúng như từ nàng ghi trên hình kênh YouTube [12]).
Chọn lựa tối ưu đó đã tỏ ra rất phù hợp với quan điểm nghệ thuật được chia sẻ bởi phần đông những người xem, mà chỉ lướt qua, không cần thống kê phần trăm kỹ lưỡng, ta cũng thú vị thấy ngay độ nhất trí và mức sành điệu cao đến bất ngờ, đặc biệt trong những lời bình viết bằng tiếng Anh (có lẽ do họ may mắn có kiến thức rộng về âm nhạc).
Trong không khí chung, không chỉ riêng cho Trịnh Công Sơn, mà cả trường hợp của Simon và Garfunkel chẳng hạn, các phản hồi qua YouTube sau những bài nổi tiếng của cặp «siêu sao» một thời này vẫn nhấn mạnh trên vẻ đẹp của sự giản dị trong cách diễn và đệm đàn cho người hát [16]. Như thể hiện nay đang hình thành rõ nét khuynh hướng có nhiều người đã quá ngán cái ồn ào rỗng tuếch « đương đại », mong được trở về với cái đích thực, trong sáng, đã cho ta những rung động ban đầu: những giá trị cơ bản nguyên thủy.
Tuyết Phượng xuất hiện đúng lúc. Nàng hát như thì thào tâm sự, bằng một giọng mềm mại, tự nhiên, chân thật, chan chứa nét thân gần, thiết tha, thầm kín (có thể tạm gọi tắt là thầm thiết ở đây chăng – tuy không hay bằng chữ sẵn có «tâm tình» thật đấy nhưng bao hàm nhiều nghĩa hơn –, để có được một từ tương ứng với “intimiste” của tiếng Pháp?).
Có nghe kỹ những bài như Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng [17] hay Ru Tình [18], ta mới đo lường hết mức tinh luyện trong cách nữ ca sĩ dẫn nhập vào bài hát, cũng như kết thúc nó. Dấu ấn đặc biệt đó, đôi khi nàng cũng để lại ở cuối một phân đoạn nằm giữa bài, như trong Còn Tuổi Nào Cho Em [19]: cô đọng trên hai chữ «Ôi buồn» đằm thắm, đắc địa.
Hình như trên mạng cũng có ý kiến «lo» cho nàng, do còn trẻ nên chưa đủ trải nghiệm để diễn đạt một cách thấm thía và sâu sắc hơn nữa. Thiện ý chắc không thiếu trong phát biểu ấy, song nếu chăm chú lắng nghe Tuyết Phượng ngay từ những album đầu, qua các bản đã nêu trên, hoặc thêm hơn thế nữa, chẳng hạn như Ru Ta Ngậm Ngùi [20], Vườn Xưa [21], ta sẽ nhận rõ hơn độ chín cả về nhạc thuật lẫn tâm hồn nơi cô gái Nha Trang mẫn cảm này. Cái gốc của nhạc Trịnh không phải là sự «dính mắt» trên sự vật mà là sự vượt lên trên; cho nên, việc lấy một độ lùi nào đó với tác phẩm thường là cần thiết khi hát, và như vậy hoàn toàn không có nghĩa là thiếu «nội tâm hóa» nó.
Cũng thế, Tuyết Phượng hát Bốn Mùa Thay Lá [1], theo thiển ý, trội hơn mọi «phiên bản» khác được biết cho đến giờ: một sự tươi mát, trong lành, một phong cách xử lý câu hát (phrasé) thông minh, lôi cuốn ta vào điệu luân vũ tứ thời của thiên nhiên mà Trịnh đã vẽ ra.
Như vậy, phải đánh giá thế nào đây, khi không ít khách hâm mộ trên mạng đã so sánh Tuyết Phượng với nhiều ca sĩ «đàn chị» khác? Trong ví dụ dưới đây của một bạn ký tên Thomas Phạm [22] chẳng hạn, lời khen của anh ta tuy có thể không được chia sẻ hết 100% nhưng ít nhất nó cũng nói lên một thực tế cảm nhận nào đó nơi quần chúng thưởng ngoạn:
«Ôi, tiếng hát ngọt đẹp như khói sương. Chết rồi, cứ tưởng là tiếng hát khàn khàn của Khánh Ly mới ma mị như lời nhạc của họ Trịnh nhưng không phải thế; cô bé này đánh đổ huyền thoại Khánh Ly của nhiều người rồi! […]»                                                    
Nếu muốn giản đơn hóa nhanh gọn, ta có thể nói chủ yếu có ba cách hát nhạc Trịnh.
Một là «trường phái» Khánh Ly, lấy khoảng cách gần như là có hệ thống đối với ca từ: người hát giữ thái độ trung tính, kín đáo, ít khi – hoặc hoàn toàn không – để lộ vẻ đã «cảm» bài hát thay cho người nghe. Còn có thể được xếp cùng loại, một lối hát tương tự, rất tự nhiên, «nguyên khối», nên thường người ta gọi đó là hát «mộc» (mặc dù từ này ngày càng biến dạng để mang thêm nhiều nghĩa mới). Ít nhiều, cách hát trong nhóm thứ nhất này có vẻ như… «vô ngã» (tạm nói thế, để so sánh với nhóm sau).
Hai là hát khoe giọng (tức «phô… ngã», nếu muốn cho có… ứng đối, so với trên), không đặt trọng tâm vào yếu tố tinh thần tác phẩm và phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn nói chung: đứng đầu, dường như không ai khác hơn là Hồng Nhung – càng về sau này càng lộ rõ –, cùng với một số ca sĩ chuyên nghiệp khác khi hát nhạc Trịnh. Trên điểm này, Từ Kế Tường đã có phân tích rành mạch như sau [6]:
«… với riêng tôi, Hồng Nhung cũng chỉ thành công được 2/3 khi thể hiện những ca khúc của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Bởi lẽ từ phong cách đến lối diễn đạt, biểu cảm khi trình diễn nhạc Trịnh, ca sĩ Hồng Nhung vẫn đưa kỹ thuật vào ca từ của Trịnh nhiều quá, một số bài lại mang tính cách hàn lâm, trình diễn sân khấu trong khi nhạc Trịnh không đòi hỏi như vậy. Nhạc Trịnh cần sự biểu đạt tự nhiên, gần gũi với công chúng và giao lưu, trải được lòng, trải được thâm ý trước khán thính giả của ông, dù bất cứ ở đâu».
Và ông đi đến kết luận:
«Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân... hát nhạc Trịnh ở mức độ trung bình, chưa chạm tới cái hồn sâu lắng của Trịnh và dùng kỹ thuật, phô diễn giọng hát hơn là khai thác độ rung cảm phía sau những ca từ mang tính triết lý và đẹp như thơ ấy».
Cuối cùng, cách hát thứ ba là hát kiểu «du ca», nói như họ Từ trong bài viết của ông khi ông hạ bút:
«Thế hệ trẻ gần đây như Nguyễn Hoàng Trang lại chỉ phù hợp với du ca. Còn tình ca thì thiếu sự sâu lắng, có lẽ Nguyễn Hoàng Trang còn quá trẻ»
Hoàng Trang cũng là người mà Tuyết Phượng mến mộ, bởi cô có lần tuyên bố:
«Trong số các giọng hát trẻ gần đây hát nhạc Trịnh, Phượng thích nhất chị Hoàng Trang. Vì giọng chị Trang rất hào sảng, hát rất ra chất những bản nhạc phản chiến của nhạc sĩ» [7]
Hào sảng, một tính từ quá thích hợp để nói về cách hát «lý tưởng» nhạc phản chiến của Trịnh: có lẽ nó cũng ảnh hưởng trên Tuyết Phượng trong cách nàng hát Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay [23]. Tuy vậy, trong những ca khúc khác như Bài Ca Dành Cho Những Xác Người  [24], người ta nhận ra ngay cái chất riêng của Tuyết Phượng, chẳng dính dáng gì với Hoàng Trang. Hơn nữa, Phượng có cái may là được cha nàng đệm theo cách hoàn toàn đối nghịch với bạn trẻ Nguyễn Đông, tay đàn chính thức hay trình diễn chung với Trang: cách phụ họa quá ư «nhiệt tình, phấn khích» của Đông có lúc khiến người ta thấy vô tình anh lấn át cả giọng hát ca sĩ [25] (ngoài việc anh còn có thói quen hay gảy nhiều nốt trầm bất tương thích với cấu trúc hợp âm của đoạn nhạc); tiếc thay!
Qua câu viết ngắn ngủi, Từ Kế Tường đã cho rằng Hoàng Trang chỉ chuyên lối hát du ca, chứ chưa thể hiện được chất trữ tình tế nhị của nhạc Trịnh. Điều đó có thể chỉ đúng cho giai đoạn cách đây vài năm thôi, vì với thời gian ca sĩ nào cũng có sự rèn luyện trau dồi và, do đó, không ngừng tiến bộ. Dẫu sao, vô hình trung, Từ như thế đã tạo tiền đề cho phép ta hân hạnh đặt giọng ca Tuyết Phượng vào lối hát thứ tư, bổ sung với ba cách vừa kể : hát tình ca Trịnh Công Sơn. Tình ca trong ý nghĩa thời đại, như đã từng được Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi nhận [26]:
«[…] tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là bông hồng dâng tặng, nó chứa đựng cả tâm trạng lo âu của con người nhạy cảm nhìn ra thế giới hiện đại»
Bí quyết của Tuyết Phượng phải chăng là sự bất phô trương, là nét thầm thiết gần như thường trực trong hơi thở lúc hát?
Hay đúng hơn, nàng biết «tự xóa mình» để tan biến đi trong sự phô diễn, lột tả, phơi bày cái hồn cốt của tác phẩm một cách tự nhiên, trực tiếp, chân phương, nhất có thể. Để cho người nghe sờ chạm lấy, dễ dàng và tức thì, như nhờ đốn ngộ.
Chẳng riêng gì nhạc Trịnh, mà cả với những Đoàn Chuẩn [27], Văn Cao – đặc biệt qua bản Bến Xuân [28], một ví dụ điển hình –, giọng nàng bay bổng theo với tác phẩm, khơi gợi một vẻ đẹp thánh thiện, một bầu khí dịu vợi, thoát trần…
Tuy thế, cũng cần lưu ý rằng cách hát nén giọng không phải lúc nào cũng thích hợp cho mọi bài mà ngược lại, đôi khi nó có thể làm hỏng những chỗ cao trào: việc đo liều lượng cân đối ấy là cần thiết, tùy theo ca khúc, và đòi hỏi ở ca sĩ một sự điều chỉnh liên tục cho ăn khớp với thực tại.
Thực tại, nhất là qua lăng kính nghệ thuật, thì muôn màu muôn vẻ.
Trong ý hướng mỹ học giác cảm như đã thấy trên, cách hát thủ thỉ của Tuyết Phượng dựa vào – và tôn vinh – cái khả sắc (le sensible), khiến ta thẩm thấu trong thịt da, hơi hướng những thực tại ấy, mỗi người từ góc độ cá biệt của mình; trong khi mỹ học của Trịnh Công Sơn – cũng như Văn Cao, Đoàn Chuẩn –, lại là mỹ học của chiêm nghiệm [29], tức tôn vinh cái khả tri (l’intelligible). Cho nên, hiệu ứng nghệ thuật độc đáo Nguyễn Tuyết Phượng về chiều sâu chính là cái khả năng xóa nhòa lằn ranh giới – nếu không là mối mâu thuẫn – này, giữa hai phạm trù triết luận cơ bản được xác lập từ Platon [30]: niềm hân hoan cuối cùng bắt gặp một mỹ cảm đa tầng, toàn diện, bất khả phân ly.
Tuyết Phượng không sống bằng ca nhạc mà bằng nghề kiến trúc. Cả hai bộ môn đều là đã qua đào tạo chính quy nên đứng chỗ nào thì nàng cũng đều thoải mái. Nếu thực sự muốn đi xa hơn trên sân khấu âm nhạc, chắc chắn cô ca sĩ sẽ tìm ra «phân khúc thị trường» thích hợp, sau một phân tích tiếp thị chiến lược (marketing stratégique) hữu ích cho mọi cuộc định vị (positionnement) nghiêm túc trên sân chơi nhà nghề. Trong viễn tượng này, Phượng sở hữu nhiều chủ bài có vẻ như chưa từng đụng tới, chẳng hạn hướng khai thác những nốt trầm, sức hơi dài (là những nhược điểm khá hiển nhiên của nhiều «đối thủ cạnh tranh» hiện nay) và kỹ thuật rung (hãy còn rộng đường cho phát triển)…
Cô gái của biển rộng trời cao lại thêm rất năng động trong nhiều lãnh vực như hội họa, dịch thuật (các trang hát trên mạng hầu như đều có phụ đề tiếng Anh), đùa vui với những cách tiếp cận mới, ví dụ việc ca bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới [31]: đa tài, nhiều ý, nàng là người tự do.
Ngày trước, Nguyên Sa đã có lần nhắn nhủ:
«Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông»
Áo lụa hay áo dài, với ta, là một: đến lượt mình, ta có phải nhắn gửi gì chăng để Tuyết Phượng giữ hộ, cho đẹp mãi giọng ca được vinh danh như «cơn gió thu phai nhẹ lướt qua vườn» [6], vườn của hồn thơ nhạc Trịnh, của lối xưa quê cũ, của trái tim vương vấn mộng đời? (***)          
Chú thích:
(***) Theo tin cập nhật mới nhất, Tuyết  Phượng  đang chuyển hẳn từ hoạt động của một kiến trúc sư chính thức sang làm việc như một nghệ sĩ: sáng tác, hát, chơi đàn, vẽ tranh (đã có những cuộc đi biểu diễn trong nước, nhưng chưa có cơ hội thực hiện ở nước ngoài).
1- Tên một bài hát với nội dung lạc quan ít gặp nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng nằm trong số những nhạc phẩm Tuyết Phượng đặc biệt yêu thích và có thể nói đạt tới mức mẫu mực khi thể hiện
(BỐN MÙA THAY LÁ | TRỊNH CÔNG SƠN | CHA VÀ CON | TUYẾT PHƯỢNG cover - YouTube)
2- Mời xem: Trịnh Công Sơn hay dấu nối đa thanh... - Diễn Đàn Forum (diendan.org)
3- a/Long Khánh & Trung Nghĩa (11/06/2022):
http://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202206/ca-si-moi-hat-nhac-trinh-cong-son-dang-che-hay-khen-3120405/index.htm ;
b/Ra mắt cùng lúc, hai phim Trịnh Công Sơn khác nhau như thế nào? | Điểm Nhạc-Phim-Sách | Vietnam+ (VietnamPlus)
4- Phan Mạnh Quỳnh hát Tình Nhớ (MV): https://www.youtube.com/watch?v=D-474JTNuD0
5- ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG | TRỊNH CÔNG SƠN | CHA và CON | TUYẾT PHƯỢNG ca - YouTube
6- Từ Kế Tường (27/1/2021): Tuyết Phượng thế hệ tiếp nối dòng nhạc Trịnh Công Sơn (chatluongvacuocsong.vn)
7- Trần Thanh Bình (7/7/2021) : Nghe nhạc Trịnh, giữa Sài Gòn mùa dịch! (thanhnien.vn)
8- https://www.youtube.com/watch?v=ORjEUze7oLg
9- Hình tượng chim phượng trong văn hóa truyền thống Việt Nam (baotanglichsu.vn)
10-Tra từ: 雪 - Từ điển Hán Nôm (thivien.net)
11- Quoc Sam (1/4/2021): Độc đáo Cha đàn Con hát của Tuyết Phượng - Samgoshare
12- ĐẰNG SAU NHỮNG VIDEOS CHA ĐÀN CON HÁT | CON CẢM ƠN BA  | TUYẾT PHƯỢNG - YouTube
13- MƯA HỒNG | TRỊNH CÔNG SƠN | TUYẾT PHƯỢNG cover - YouTube
14- Bức tranh mang tên Mặt trời lặn trên hồ được vẽ năm 1840 bởi danh họa Joseph Mallord William TURNER (1775-1851)
15- Hầu hết , nếu không muốn nói 100%,các phiên bản lưu hành hiện nay đều viết “ như từng cơn nước rộng ”, nhưng theo thiển ý thì đã có sự sai lầm khá nghiêm trọng và đáng tiếc , cứ bị lập đi lập lại, trong các bản in sau 1975, bởi vì:
a/bản thân người viết bài này đã nghe hát trong những năm 1960 “ như từng con nước ròng”
(và đó cũng là câu được viết ra, may thay, trong một bài nghiêm túc được đăng lại trên mạng: Thái Công Tụng, 
https://www.namkyluctinh.org/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/thai-cong-tung/nuoc-lon-nuoc-rong-mien-chau-tho-cuu-long.html);
b/ tiếng Việt không nói “ cơn nước” (khác với cơn gió, cơn mưa…), cũng không nói “ nước rộng” (mà biển rộng, đồng rộng…)
Mời đọc thêm:
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=22435
16- https://www.youtube.com/watch?v=WrcwRt6J32o=> “@trovey02:No dancers, no show, no fancy clothing...just a microphone and a singer, I love it, wished I would have seen them live (Like :410)”
17- Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng : https://www.youtube.com/watch?v=7pxFS4vHs08
18- RU TÌNH | TRỊNH CÔNG SƠN | CHA VÀ CON | TUYẾT PHƯỢNG CA - YouTube
19- Còn Tuổi Nào Cho Em : https://www.youtube.com/watch?v=Jck8JF2z-p4
20- Ru Ta Ngậm Ngùi : https://youtu.be/sYrRZGn3BfY
21- Vườn Xưa : https://youtu.be/6WM3nPNu-lA
22- Trên YouTube (@thomaspham1506), nguyên văn câu viết như sau :« Ôi tiếng hát ngọt đẹp như khói sương. Chết rồi cứ tưởng là tiếng hát khàn khàn của Khánh Ly mới ma mị như lời nhạc của họ Trịnh nhưng không phải thế, cô bé này đánh đổ huyền thoại Khánh Ly của nhiều người rồi. Đơn sơ thanh thoát dịu dàng quí phái lắm cô bé chứ không mộc mạc như nữ hoàng chân đất. »
23- Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay : https://www.youtube.com/watch?v=VRt0M_yu2VE
24- BÀI CA DÀNH CHO NHỮNG XÁC NGƯỜI | TRỊNH CÔNG SƠN | CHA và CON | TUYẾT PHƯỢNG ca - Bing video
25- Một ví dụ, tuy chưa phải là tiêu biểu nhất, về cách đệm đàn của bạn Nguyễn Đông cho Hoàng Trang hát: https://youtu.be/cm4TCsklKa
=>Trích lời bình của một người nghe ( ký tên @thanglongtb): “Cần chỉnh âm thanh cho tiếng đàn không át tiếng hát, và tiếng đàn cần mềm dịu hơn nữa đừng lúc nào cũng choang choang...”
26- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thay Lời Tựa, tập nhạc Thuở Ấy Mưa Hồng ( tr.7), Hội Âm Nhạc TP HCM, 1993
27- Gửi Người Em Gái (Đoàn Chuẩn-Từ Linh): https://youtu.be/U3tXRmmgJ5I
28- Bến Xuân (Văn Cao): https://youtu.be/S-RNDaIHbUo
29- Nhận định này hoàn toàn tương thích với quan điểm của Bửu Ý trong ” Thay Lời Tựa”, Tập nhạc “ Bên Đời Hiu Quạnh” của Trịnh Công Sơn (tr. 8), Hội Âm Nhạc TP HCM, 1993:
“… Tình yêu lên ngôi. Một đỉnh chiêm ngưỡng hơn là điểm hẹn. Đối tượng tình yêu trở thành ý niệm. Trịnh Công Sơn nguyện làm kẻ hái lộc chứ không phải hái trái […] Tình yêu được thăng hoa để trở thành điểm ngắm ”…
30- Mời đọc thêm phần liên quan, trong một bài viết trước đây, để rõ hơn về các khái niệm này:
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13471
31- https://youtu.be/hPpG89OMWwI
25/3/2016
Bùi Đức Hào
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Tên thực ứng với đời thực? Trái ngược với cái tên Minh Châu "đẹp như mộng", thuở mới lọt lòng, n...