Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Nhà văn Phùng Quán: Câu chuyện nợ rượu độc nhất vô nhị

Nhà văn Phùng Quán: Câu chuyện
nợ rượu độc nhất vô nhị

Khoảng hơn 20 năm về trước, nhà văn Phùng Quán sống ở bên một cái chòi sát ngay mép nước Hồ Tây. Một buổi sớm tôi đến thăm anh, anh đang thả con cá chép vào bể cá mép cổng nhà. Theo anh tự nhận định về mình thì “Anh là người sát cá em ạ, cứ ngửi hơi nước anh biết là hôm nay cá mè hoa nổi, cá mè hoa thì phải xiên, chỉ có cá chép mới cắn câu thôi”.
Anh Quán bảo chỉ cần sớm ra ngửi hơi nước Hồ Tây thì cầm chiếc lao đi, lao được chú cá mè hoa, hoặc buông câu con trắm cỏ đủ luộc cho bạn uống rượu là hôm đó thắng lợi. Bạn anh rất đông nên nhà văn Phùng Quán hay nợ tiền rượu. Bà chủ quán lại có cách ghi nợ rượu của nhà văn Phùng Quán rất đặc biệt: Nếu mua 1 xị rượu tức là (1/4 chai) là dấu trừ (-); hai xị (tức nửa lít) là dấu cộng (+), nếu 1 lít thì ký hiệu là 2 dấu cộng; cứ thế tính tiền trả nợ.
Một lần anh Phùng Quán đi mua rượu, bà chủ quán nhắc đã nhiều dấu cộng rồi mà chưa thấy bác thanh toán tiền rượu. Anh Phùng Quán lại khất vì nhuận bút quá chậm, mà hàng ngày bạn đến chơi lại đông hơn, khổ thế. Bà chủ quán vẫn vui vẻ cho Phùng Quán nợ tiếp.
Không hiểu sao, có một lần đến chơi khác biệt là một người bạn lính bộ đội đặc công, ông ta nghe được chuyện ghi nợ rượu của nhà văn Phùng Quán, nghe xong ông ta lặng lẽ xin phép về sớm. Sáng hôm sau, bà chủ quán rượu khóc bù lu bù loa gọi bác Quán ra cửa than thở. Đứa nào đã bóc hết dấu cộng, trừ trên vỏ thân cây xà cừ rồi, giờ bà biết tính tiền rượu ra sao để đòi ông Phùng Quán đây?
Chả lẽ bác Quán xóa nợ kiểu này sao? Nghe xong anh Phùng Quán điềm tĩnh bảo: “Chị ơi, chị đừng lo, tôi sẽ trả hết số nợ rượu của chị, chị đừng khóc nữa. Tôi hứa. Chị tính bao nhiêu tôi cũng trả hết trả đủ”.
Hai hôm sau anh nhận được nhuận bút bài viết cho số Tết ở một tờ báo trong Sài Gòn, nhuận bút trả khá cao. Anh Phùng Quán đem nhuận bút trả hết tiền rượu mà bà chủ quán ước chừng. Xem ra số ước chừng đó còn nhiều hơn số rượu nợ thực mà Phùng Quán đã mua.
Rút kinh nghiệm từ đó, bà chủ quán rượu vẫn cho Phùng Quán ghi sổ nợ rượu kiểu đánh dấu nợ cộng trừ, nhưng ghi vào sổ sách đàng hoàng. Bà chả dại gì mà ghi sổ nợ trên vỏ thân cây xà cừ nữa.
Lại một cái tết nữa qua đi, đúng lúc nhà văn Phùng Quán đông bạn nhà thơ đến chơi, bà chủ quán đem cả lít rượu sang mừng tuổi bác Quán, mừng tuổi luôn cả hai dấu cộng của ký hiệu nợ rượu cũ. Đầu năm mới mà mừng tuổi rượu, nhà văn Phùng Quán vui lắm, coi như là hên.
Về sau người lính đặc công bạn ông còn đến thăm nhà văn Phùng Quán một lần nữa. Ông ta cũng không nghe thấy Phùng Quán trách cứ câu gì, không thấy nhắc lại chuyện cũ mà chỉ thấy ông ngồi rang thính, tính trời tối lại câu con cá thả vào bể chơi, bạn đến nhà lại luộc cá uống rượu. Anh chỉ kể những câu chuyện về cá và thường để phần kết câu chuyện bỏ ngỏ cho bạn đến chơi nhà muốn nghĩ gì thì nghĩ.
Đã có lần anh Quán khoe với tôi: “Số anh nếu anh chỉ cần ở nhà là rất hay có lộc văn chương, lộc ất ơ mà em. Hôm nọ anh đang ngồi ăn nhẹ, thấy có người hỏi thăm bác Quán có nhà không. Anh đáp: có tôi. Thấy anh ăn cơm nguội, ông khách trố mắt nhìn, không tin Phùng Quán lại vét cơm nguội ăn ngon lành thế. Rồi ông khách mang nhuận bút cho anh in ở chỗ nào chả rõ ở bên nước ngoài, bài thơ nhuận bút những 100 đô la. Trời ơi, bao nhiêu lít rượu em biết không?”.
Bà chủ quán rượu nghe tin anh có nhuận bút cả trăm đô la cười như được mùa. Chả là nếu có tiền thì việc đầu tiên Phùng Quán nghĩ đến là mua rượu thết bạn. Cá thì có sẵn ở hồ. Nhiều tay bảo vệ Hồ Tây cũng vẫn biết anh nghèo nên hay tảng lờ đi để cho anh kiếm cá đãi bạn. Hồ Tây chỉ nghe nước dềnh lên, nghe nước thở là Phùng Quán biết hôm nay có cá nổi. Hôm nào động trời, anh còn biết đi câu tôm, đi kéo vó tôm. Không ai giỏi hơn Phùng Quán việc câu cá, xiên cá, vớt tôm và làm món cá luộc thết đãi bạn.
Bạn văn mừng tuổi anh nhiều món quà, Phùng Quán không để tâm. Nhưng với anh, cái tết bà chủ quán mừng tuổi rượu thì anh gọi bà chủ quán là ân nhân. Ân nhân rượu.
Tôi cũng nghe nói khi anh mất, bà chủ quán rượu đến phúng nhà văn rượu, và khóc thương anh tài hoa mà sao số lại khổ thế.
Ôi nhớ sao những dấu cộng, dấu trừ và sổ nợ trên vỏ một thân cây xà cừ già ở một góc phố Hồ Tây, Hà Nội.
Chỉ có một Phùng Quán mới có kiểu nợ rượu độc đáo này thôi, và bạn biết không, tôi là người không biết uống rượu, nhưng mỗi lần nhớ đến Phùng Quán lại nhớ đến ngày động trời, ngày cá nổi, và là ngày Phùng Quán đi xiên cá mè hoa, đi câu cá chép, nhẩn nha luộc cá uống rượu đãi bạn. Cách đãi rượu của Phùng Quán cũng lạ, chỉ riêng với nhà thơ Tạ Vũ thì đến chơi với anh xong, lần nào anh cũng dúi cho Tạ Vũ  mấy đồng bạc: “Để em đi xích lô hay về bằng xe ôm, kẻo em uống rượu say ngã vào đâu thì khổ thân”. Tình bạn văn chương mà anh cư xử với bạn bè cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, ấm áp và ân tình. Nhớ đến nỗi khi viết đến những dòng chữ này thấy cay cay ở đuôi mắt, lòng lại ngập một nỗi da diết mênh mông.
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đói lòng ăn nửa chén cơm

Đói lòng ăn nửa chén cơm Mấy hôm nay thật buồn. Buổi mai chim không hót. Trời mùa đông rét ngọt. Và mưa. Mưa bay. Bay... Mùa đông trong vò...