Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Phía sau người đàn ông

Phía sau người đàn ông

Thằng Hai cưới vợ. Dù đã mong mòi chuyện này từ lâu lắm rồi, vậy mà khi nó đến, đến một cách nghiêm túc thì vợ chồng tôi, chẳng ai bảo ai, cả hai đều ngấm ngầm cảm thấy đôi chút ngỡ ngàng. Chỉ một chút thôi. Thằng con ngót nghét ba mươi rồi còn gì nữa. Ơn trời, mình chỉ một mà nên người. Chẳng tài ba lỗi lạc gì nhưng người ta trình độ đại học thì nó cũng có bằng đại học; người ta có xe thì nó cũng có xe; người ta có nhà thì nó cũng xoay xở kiếm miếng đất cất căn nhà tàm tạm. Dù đất và nhà ở khá xa trung tâm thành phố và tậu được bằng cách thế chấp… căn nhà vợ chồng tôi đang ở để vay vốn ngân hàng. Thôi thì cứ để từ từ đi làm trả nợ. Nó còn trẻ, đời còn dài, lại cần cù chăm chỉ.
Nói không phải huênh hoang gì, thời buổi này kiếm được một thằng biết ăn biết làm, tư cách như thằng Hai đâu phải là chuyện dễ. Cũng năm bảy cô rồi đó chứ. Lần lượt đến rồi đi. Chẳng qua không phải duyên phải số. Riết rồi tôi chán ngán , không còn để tâm ngắm nghía cô này, chấm điểm cô kia nữa. Đùng một cái, nó tuyên bố cưới. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Nhìn lại con bé… Nó là con bé thật, còn trẻ lắm. Váy hoa, giày gót cao, vừa đi vừa tung tẩy một bịch trái cây. Lần ra mắt đầu tiên là như thế đó. Và y như rằng khi mở gói quà ra thì một chục quả hồng giập bảy còn ba. Kiểu này chắc thằng con sắp rước một tiểu thư kẻ hầu người hạ, không hề mó tay đến việc nhà. Rồi làm sao đây? Nhà mình vốn tuềnh toàng quen nếp rồi, con ơi, giàu mà làm gì! Nói điều này với ông xã, ông tỉnh bơ: “Bà sợ giàu à? Tui đâu có sợ. Hồi đó bà mà giàu tui cũng cứ cưới.” Cái giọng ngang phè phè. Tôi quay ngoắt đi, ấm ức. Vợ chồng khắc tuổi nhau là thế đó. Chẳng chia sẻ, bàn bạc với nhau được nửa lời. Mở miệng chỉ có dấm dẳng cải nhau. Tôi dè dặt hỏi thăm cho rõ ngọn nguồn thì thằng con đủng đỉnh “Giàu có gì đâu. Gia đình người ta cũng mua bán thường thôi. Mà mẹ thắc mắc làm gì. Ba mẹ cứ lên thăm một chuyến rồi sắp xếp giùm con. Tụi con quyết định tiến tới. Cũng đã tìm hiểu kỹ rồi mẹ ạ”. Thời buổi này con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Vẫn biết vậy nhưng tôi không khỏi băn khoăn. Con bé có cái tên điệu đàng, rất tiểu thư, Lê Quỳnh Châu, thua thằng Hai sáu tuổi. Giật mình, thì tôi cũng thua ông xã sáu tuổi. Nó cũng tuổi Dần giống tôi. Tôi đâu có mong điều này. Vợ chồng tôi suốt đời lận đận chẳng bằng ai. Lấy nhau rồi tiếp theo là một chuỗi dài đầu tắt mặt tối. Đẻ được thằng con ổng hứng chí gọi ngay “thằng Hai”, cười hể hả “Rồi mình sẽ có thêm thằng Ba, thằng Tư, con Năm, con Sáu…” Tính ông xã tôi là vậy. Lạc quan bất cần thực tế. Hơn ba chục năm trời rồi, chúng tôi chỉ dám có mỗi thằng Hai. Chạy vạy chật vật lắm mới được chỗ ở ổn định, ông xã xin được chân bảo vệ cho một trường cấp hai. Có đôi chút chữ nghĩa dần dần ông phấn đấu được làm giám thị rồi tổ trưởng tổ giám thị mà ông vẫn tự phong là Tổng giám thị. Tôi biết, con đường “thăng tiến” của chồng tôi chỉ đến đó là cao. Dù sao thì cũng có “chức sắc” với đời. Mấy bà phụ huynh quanh xóm vẫn gọi tôi bằng “cô”. Học sinh quen biết gặp tôi cũng chào thưa đàng hoàng lễ phép. Một số đồng nghiệp của chồng vẫn coi tôi là chỗ quen biết thân tình. Số là ông xã tôi tuy “chức sắc” vậy đó nhưng thu nhập chẳng đâu vào đâu. Cũng chỉ đủ chi tiêu vặt vãnh. Mọi thứ phải trông chờ vào “cơ sở” vắt sổ và làm khuy nút của tôi. Tôi lại liên hệ được một số vải khúc đem về bán. Vải đầu khúc ngắn có, dài có. Tôi cân ký bán lại giá cực rẽ. Đồng lương giáo viên eo hẹp lắm. Chuyện shopping với hàng hiệu vô cùng hạn chế. Các cô thường ghé tôi, chọn lựa vài khúc vải về xoay xở cũng thành cái áo. Khéo léo một chút cũng mốt này, mốt kia. Tôi vốn biết đôi chút về kỹ thuật cắt may trở thành một tư vấn sáng giá. Thân tình lắm.
Ông xã tôi đi làm về cứ im ỉm làm như tôi là cái thứ không hiểu biết gì, không đáng để ông kể chuyện này chuyện kia. Coi thường nhau quá đấy. Nói thật, cổng trường đó tôi không hề bước vào nhưng tôi biết hết. Cái trường bé chút xíu thế mà cứ sôi lên sùng sục như một chính trường thật sự. Công đoàn đấu tranh. Phát biểu, phê bình, đơn từ kiện cáo… Ông này xuống, ông kia lên. Lên lên xuống xuống đến chóng mặt.
Hôm nay, không hẹn mà gặp, cả ba cô cùng “họp” ở nhà tôi cùng một lúc. Cô Linh dạy Lý, cô Mùi dạy Sử, cô Nga dạy Sinh. Chắc các cô nghe tin có đợt vải mới về. Ai cũng muốn nhanh tay lựa chọn. Căn phòng nhỏ xíu của tôi rôm rã tiếng nói cười quanh “bãi chiến trường” ngổn ngang màu sắc. Tôi đang hoan hỉ tư vấn bán hàng thì cô con dâu tương lai xuất hiện. Quần jean bó sát, áo rộng thùng thình lại thêm cặp kính sậm màu rất đúng mốt. Trông nó cứ y như trong phim Hàn quốc bước ra. Nó gỡ kính chào thưa lễ phép. Mặt hoa da phấn thoang thoảng hương thơm chẳng biết hương gì. Ngây ngất! Nó đưa tôi một xấp hồ sơ bảo là của thằng Hai gởi đem về. Rồi nó rút điện thoại ra quẹt quẹt í ới gọi một hồi mới lên xe phóng vút đi. Các cô thì thào đầy ngưỡng mộ:
– Chắc giàu lắm há chị Năm?
Tôi lắc đầu quầy quậy nhưng hả hê nở từng khúc ruột:
– Tui đâu biết. Mà tui đâu có ham giàu. Cưới vợ giàu đôi khi… khó ăn khó nói.
– Ừ, thì bà chị chê tiền. Mà nó gốc gác bự không? Tiền còn thua thế. Nhất thế nhì tiền..
– Đúng, quá đúng. Cứ xem ông xếp mới của mình. Xếp mình hét ra lửa…
Kênh thời sự đột ngột chuyển đề tài. Tôi quăng cây thước trước mặt  ngồi xổm lên đống vải bừa bộn đủ màu há hốc mồm chăm chú tiếp nhận thông tin nóng hổi. Nghe đâu ông xếp mới vốn gốc gác trên phòng Giáo dục, về trường ngồi ghế phó chừng hơn năm đã nhảy lên ngai là nhờ phu nhân gốc gác chi chi đó trên Quận ủy. Nghe vậy biết vậy. Chẳng ai mục sở thị cái chi chi cả. Nhưng từ ngày đăng quang nhậm chức cơ sở vật chất nhà trường được chiếu cố nhiều hơn. Kinh phí được duyệt xây cái này, nâng cấp cái khác. Có tiền, bộ mặt nhà trường thay đổi thấy rõ. Đi kèm vào đó bao nhiêu vấn đề mới phát sinh. Tiền trường đẻ ra trăm thứ để thu. Tội nghiệp tụi nhỏ vốn ở địa bàn con em lao động. Người ta lại kháo nhau những nhập nhằng khuất tất. Lại mâu thuẫn mới phát sinh. Truyền thống trường này vốn dữ dằn mà. Lãnh đạo một tập thể mà tình hình luôn mấp mé ở điểm sôi thì cứ như ngồi trên đống lửa. Đây là đất nghịch. Tâm hồn tôi đang phơi phới bay lên thì cô Linh xùy một tiếng:
– Chuyện đó xưa rồi. Bao nhiêu việc rành rành trước mắt có thấy ai thưa kiện gì đâu. Chẳng qua liệu thế mình thưa không được thì… hổng thưa.
– Cứ việc góp ý, cứ việc phê bình cứ việc họp hành phát biểu. Chúng tôi xin tiếp thu rồi… để đó. Việc tôi, tôi cứ làm. Nghĩa là… đoàn lữ hành cứ đi.
Cả ba cô cười phá lên. Tôi chẳng hiểu gì mấy cũng chống tay lên đống vải cười theo. Cô Hoa với tay lấy túi xách rút ra một tờ báo:
– Thấy cái này chưa? Phía sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ.
Hai cô kia nhao nhao lên:
– Biết rồi, người ta chuyền nhau khắp trường.
– Ờ, ai vẽ vô tình mà giống y chang chuyện mình. Mà ở đâu bà có tờ báo đó?
Cô Hoa hươ hươ tờ báo sôi nổi:
– Tui tìm mua. Hay quá mà. Mua về coi cho đã.
Tôi rướn người với lấy tờ báo. Một góc biếm họa nho nhỏ. Một cái ghế bốn chân. Hai chân trước là chân ghế nhưng hai chân sau là… chân người. Chân một phụ nữ thì đúng hơn. Không phải loại chân dài siêu mẫu mà là một cặp giò múp míp, bề thế vững vàng. Tôi há hốc mồm ngồi xem. Thần kỳ! Biếm như thế mới là biếm chứ. Cực kỳ sâu sắc.
Tiếng xe máy ngừng trước cửa. Ông xã về. Tôi nhanh tay gác tờ báo lên nóc tủ. Cô Hoa nháy nhó nhưng tôi lờ đi. Ý chừng mình có làm điều gì không đúng cả ba cô len lén nhìn nhau, giả lả đôi câu rồi rút. Ông xã tôi lầm lì vào thẳng phòng trong. Đang cơn hưng phấn, bất chấp bộ mặt hình sự của chồng, tôi hí hửng rút tờ báo trên nóc tủ chạy theo. Hươ hươ tờ báo trước mặt chồng, mắt tôi sáng lên, giọng tôi lãnh lót:
– Ông coi này, phía sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ.
Ông xã tôi thả người đánh phịch xuống giường, vò đầu bứt tóc:
– Biết rồi, khổ lắm. Còn phía sau lưng tôi là một cái chợ chồm hỗm.
– Bà chuẩn bị hành lý. Đi bốn ngày.
Tôi quay ngoắt lại, phản ứng không cần suy nghĩ:
– Đi thăm sui gia ở làm chi bốn ngày.
– Thăm một buổi, ở bốn ngày. Ở khách sạn.
– Khách sạn năm sao hả?
Không thèm trả lời câu hỏi móc máy của tôi, ông xã bỏ lên gác. Tôi chợt khựng lại bên mớ áo quần ngổn ngang. Mới hôm bữa đây thôi, mấy cô khúc khích bảo tôi: “Chuyến này ông xã bà xin nghĩ dài ngày, kết hợp hỏi vợ cho con và… hâm nóng ái tình”. Mặt tôi nóng bừng lên. Tôi nhìn chiếc va li đặt ở góc phòng, áo sơ mi ông xã, áo hoa của tôi. Những chiếc áo rẻ tiền mà tôi xoay xở bằng ngân sách eo hẹp của gia đình. Tôi sẽ xếp chúng vào chiếc va li kia. Ừ, lạ thật, từ trước đến giờ chúng tôi rất ít khi đi du lịch với nhau. Bù đầu vì cơm áo. Cuối năm ông xã theo trường đi chơi. Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… Không bao giờ ông đăng ký cho tôi theo. Đi một mình với bạn bè để còn bù khú nhậu nhẹt. Tôi cũng không đòi hỏi. Ông nói ngược bà nói xuôi, phơi ra trước mắt mọi người khó coi lắm. Tôi có nguồn vui của tôi. Tôi đi chùa. Theo nhóm bạn bè tập thể dục mỗi sáng, nếu có dịp là rủ nhau đi năm bảy chùa. Tha hồ cầu tài, cầu lộc thoải mái Thôi, đàn bà miễn sao có chồng có con là được. Tôi đi coi thầy, mười ông như một đều bảo vợ chồng tôi khắc tuổi. Mà tôi tuổi dần. Con gái tuổi dần xếp hàng đầy ra đó. Ai dám rước. Kêu ca gì nữa. Cũng tội ông xã tôi lận đận cũng bởi tại tôi. Biết đâu cưới một bà khác ông không dại dột đưa đầu vào ngôi trường cấp hai đó để làm ông “quan Tổng”, cuộc đời lại phất lên. Tôi cầm chiếc áo sơ mi sọc xanh, chiếc áo mới giặt xong còn thơm mùi nắng gió. Áp lên mặt, tôi hít một hơi dài nhè nhẹ…
– Nhớ chuẩn bị áo ấm. Mùa này trên đó lạnh lắm đấy.
Tôi quay người thả chiếc áo xuống dấm dẳng:
– Ai chẳng biết. Làm như tôi quê mùa cả đời không biết Đà Lạt.
– Đi bốn ngày.
– Thì bốn ngày. Một tuần, một tháng cũng được miễn có tiền. Mà ông mắc cái chứng gì vậy? Trước giờ ông ôm khư khư cái trường. Vợ đau, con ốm nghĩ một bữa là cắt tiên tiến, cắt khen thưởng, cắt… cắt…
– Cắt cái gì cũng mặc. Có làm có nghĩ.
– Luật lệ ở trong tay ông chắc. Ờ, cứ đóng góp ý kiến, cứ phát biểu, cứ phê bình. Chúng tôi xin tiếp thu rồi để đó. Đoàn lữ hành cứ đi.
Như bị điện giật, ông xã tôi quay ngoắt lại:
– Bà bảo ai là chó?
Tôi ngơ ngác:
– Hay chưa. Ông chưa già đã nghễnh ngãng. Tui đâu nói ai chó. Tui nói đoàn lữ hành mà.
Ông xã tôi thả người xuống giường, nhìn tôi hạ giọng nói chậm rãi, nhấn từng lời như một ông thầy đau khổ kiên trì giảng giải cho một học sinh chậm tiếp thu:
– Này, khổ lắm! Khi nói phải hiểu mình nói cái gì. Đừng nghe ai nói sao mình cũng học nói theo làm vậy. Có ngày mang họa vào thân
Tôi cố chống chế:
– Nghe sao nói vậy thì đã sao. Tui là… dư luận quần chúng mà. Dư luận vậy đó. Nghe được thì nghe, không nghe được, bỏ.
Vứt đống áo quần ngổn ngang đó tôi đi xuống bếp. Đàn bà phải lo trăm thứ chuyện. Lo đến mất ăn mất ngủ. Lần đầu làm sui lại bất ngờ cập rập quá nên chẳng biết phải làm sao. May mà còn có bạn bè quen biết mỗi người một câu góp ý. Họ bày vẽ cho tôi phải ăn nói thế nào, ứng xử ra sao để nắm được thế chủ động. Mình nghèo nhưng người ta phải nể trọng mình.
Tôi mang tất cả mớ hổ lốn đó lên đường. Lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt thật. Cái tổ thể dục của tôi đâu đủ điều kiện rủ nhau lần mò đến đây. Tôi choáng ngợp trước không gian xanh bạt ngàn nắng gió. Xe đi dần vào thành phố. Những ngôi nhà chìm dưới bóng cây. Mỗi ngôi nhà một kiểu. Hoa và hoa. Đâu đó trong những ngôi biệt thự này có biệt thự của chị em tiểu thư Lê Quỳnh Châu. Năm chị em gái. Lê Quỳnh Châu, Lê Quỳnh Lan, Quỳnh Nga, Quỳnh Anh, Quỳnh Chi. Tôi bắt đầu thấy khớp, lo lắng ra mặt len lén nhìn ông xã. Nhưng ổng tỉnh bơ. Cái tỉnh bơ cố hữu lầm lì.
Hai đứa tụi nó đón chúng tôi ở bến xe và đưa chúng tôi về khách sạn.
Ngày đầu tiên, chẳng có gì vội vàng, chỉ để dành thư giản. Buổi sáng, chẳng ai bảo ai, vợ chồng cùng dậy sớm, gởi chìa khóa cho khách sạn rồi đi loanh quanh. Trên con dốc vắng có hai chiếc bóng đi sát vào nhau. Cô gái váy hoa mềm mại, tóc bay, áo bay, khăn quàng bỏ lửng. Và chàng trai, chẳng khó khăn gì để nhận ra vóc dáng to cao quen thuộc đó. Triền đồi thoai thoải, mặt trời phớt hồng hé rạng một ngày vui. Một điều gì lạ lẫm dâng trào lên trong tôi. Tình yêu. Có phải như vậy gọi là tình yêu không?. Ông xã lặng lẽ rẽ vào một lối khác. Cả hai chúng tôi im lặng sóng đôi. Một chiếc lá khô chạm vào vai tôi rồi rơi xuống, khẽ khàng trong màu nắng mới lên. Tôi có cảm giác như mình đang khoác lên người một tà áo mới, lạ lẫm đến bồi hồi. Cả người sóng đôi bên tôi cũng đầy lạ lẫm. Hai tay đút túi, bờ môi mim mím và cái nhìn xa xăm… Một anh chàng lãng tử với mái tóc bồng lên vì gió. Tình yêu… tình yêu… không, tôi lấy chồng khi còn trẻ lắm. Cả nhà lăn lưng ra cuốc đất bữa đói bữa no trên vùng kinh tế mới. Và tôi lấy chồng. Lấy anh nông dân chống cán cuốc nhìn tôi cười mỗi buổi chiều khi tôi lấm lem trên đường trở về từ nương rẫy. Tiệc cưới chúng tôi là vài ba dĩa bánh kẹo, mấy ly nước trà giữa bà con quen biết. Lấy nhau như một mảnh đất cần khai hoang, như thửa ruộng đến mùa gieo gặt. Nhưng ơn trời, ông xã cũng có dăm ba chữ. Lên thành phố tôi động viên anh học thêm được cái bằng Tú tài rồi chen chân vào nơi chữ nghĩa. Việc học dở dang. Tôi thèm chữ đến chừng nào. Lương ba cọc ba đồng, đầu tắt mặt tối, chật vật thiếu đầu này hụt đầu kia, tôi chấp nhận hết, chỉ để được dăm ba đứa học trò gọi mình bằng “cô”. Còn tình yêu. Ôi, đó là thứ xa xỉ, sang trọng, có cũng được không cũng được. Chết ai đâu.. Ờ, nhưng giá cuộc sống lúc nào cũng thoải mái như thế này, ông xã tôi lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng như thế này…
Buổi chiều, ông xã gạt hết mọi đề nghị đón đưa của hai đứa nhỏ một mình đưa tôi đến thung lũng Tình Yêu. Một chiếc máy ảnh nhỏ trên tay, ông nhảy lên từng bậc đá, bắt tôi đứng chỗ này, ngồi chỗ kia và bấm máy. Một anh thợ chụp ảnh cở tuổi thằng Hai đột ngột đề nghị:
– Chỗ này cảnh đẹp, cô chú đứng vào kia con chụp cho.
Rồi sợ chúng tôi hiểu lầm, anh tiếp:
– Con chụp bằng máy của chú.
“Thế… thế… cô chú đứng sát vào nhau đi. Chú hơi cúi xuống một chút, cô ngước lên một chút… Con chụp nhé. Rồi. Cô cứ để tóc bay tự nhiên như thế. Chú… quàng tay vào cô đi.”
Chúng tôi ngượng ngập rồi cười bùng vui vẻ. Không phải một tấm mà năm bảy tấm. Khi từ giả chúng tôi cậu ta nhỏ giọng: “ Cô chú cũng cở tuổi ba mẹ con ngoài quê. Cả năm nay con chưa về…” Tôi bùi ngùi nhìn theo. Đất và người. Ở đây sao cái gì cũng đẹp. Buổi tối tôi mở máy xem tới xem lui mấy tấm hình. Ông xã giục đi ngủ sớm vì mai mới là ngày quan trọng.
Ngày thứ hai, ngày quan trọng đã đến. Tất cả chóng vánh đến không ngờ. Một chiếc taxi chạy loanh quanh, dừng lại một nơi vắng vẻ. Không cổng rào, không biệt thự.Lúp xúp trong đám lá xanh um một ngôi nhà nhỏ xíu, không biết có thể gọi là nhà cấp bốn được không. Một đám hoa bất tử hồn nhiên mọc tràn lan trước ngỏ. Ở đó có một gian quán xập xệ bán tạp hóa. Hai ba chiếc bàn con, vài chiếc ghế lăn lóc cho các chú xe ôm ghé chân uống cà phê đón khách. “Mua bán thường thôi” là thế này đây. Thế mà tôi cứ tưởng thằng con vốn kín tiếng kiệm lời. Tôi đủ khôn ngoan để thấy mình như một thí sinh trật tủ và bị tủ đè. Chẳng câu cú nào áp dụng được vào tình huống này cả. Tôi chẳng nhớ mình nói những gì, đối đáp ra sao. Chỉ nhớ là mới mở đầu đôi ba câu người ta đã tươi cười thuận gả. Tiễn tôi ra về, bà sui hạ giọng thân tình: “Con Quỳnh Châu nhà tôi còn khờ dại lắm, nhờ chị rộng lượng bảo ban”. Câu này có trong đề cương ôn tập, tôi chộp ngay liền hể hả: “Chị yên tâm, con cái trong nhà cả. Tui đi xin là xin cái dại chớ chẳng ai dám xin cái khôn.” Chúng tôi ra ngỏ. Cô út Quỳnh Chi đang lúi húi trong góc quán với một rỗ hoa bất tử và mấy cái giỏ mây nho nhỏ. Mấy giỏ hoa này tôi thấy người ta bày bán trên vỉa hè, một góc phố đêm.
Cảm giác náo nức của ngày hôm qua biến đâu mất. Sao thế? Mục tiêu đề ra đã đạt được. Thằng Hai được vợ mà nói như các cô thì mình nghèo nhưng người ta vẫn nể trọng mình. Thế nhưng tôi vẫn thấy bứt rứt khó chịu trong người. Cả cái tướng ngồi của ông xã tôi nữa kìa, cái tướng ngồi nông dân cố hữu. Hai chân cho lên nệm, khoanh tay, bó gối, miệng tủm tỉm cười. Ổng cười cái gì? Tôi muốn nổi cáu, đi tới đi lui trong căn phòng hẹp. Không kìm nổi, vẫn cần ai đó để trút hết ra. Tôi ngồi phịch xuống giường:
– Nhà đến năm chị em, ông nhỉ?
– Ờ, ngủ long công chúa.
Tôi lườm mắt:
– Đẻ cho lắm, lấy gì nuôi.
– Ơ, bà hay chưa. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhả mỗi cảnh. Ngày xưa tui bảo bà cứ đẻ bà dứt khoát không. Bà nhịn. Giờ thấy người ta thoải mái lại … ấm ức.
Giọng điệu đổ dầu vào lửa làm tôi tức điên lên. Không tức sao được. Hai cô em kế xuống Sàigòn, đứa Đại học, đứa Trung cấp đang ở nhà trọ. Mai mốt cưới về…
Tôi dấm dẳng:
– Một mình thằng Hai thì mới gầy dựng cái này cái nọ, có cửa có nhà…
– Ừ há, bà nhắc tui mới nhớ. Chuyến này về tui với bà tranh thủ xuống nhà thằng Hai ở chơi mấy bữa. Nhà cao cửa rộng… mấy tháng nữa là cưới rồi đó.
– Ông còn đùa được.
– Bà ngộ chưa. Có gì mà gắt gỏng. Người ta hoan hỉ gả con. Mà bà sợ cái giàu thì được cái … không giàu. Còn đòi gì nữa.
Tôi cố nuốt, nuốt cái gì không biết nữa nhưng nó cứ chực trào lên trong tôi. Tôi nói từng câu, từng chữ, rành rọt đến bất ngờ:
– Ông đừng tưởng tui tham giàu phụ khó. Mình cũng nghèo, đã từng nghèo sát đất. Nhưng nó không giống mình. Gia đình như thế, nhà cửa như thế, mà nó… như thế…
– Ờ, cái đó người ta gọi là “giao diện” đẹp.
– Tui thấy nó tối ngày hết chạy lông nhông thì ôm cái điện thoại quẹt quẹt. Đàn bà mà không biết thu vén, không lo nhà cửa cơm nước chợ búa… Rồi thì nó bỏ đói con mình , ông ơi.
– Thôi, đủ rồi . Thằng Hai dư sức quyết định. Đã đến lúc nó không thích ăn cơm của bà mà thích ăn… cái khác. Đừng nghĩ luẩn quẩn nữa. Thay áo, đi chợ đêm thư giãn.
Đêm xuống lạnh. Tôi đi giữa phố đêm nhấp nháy đèn sao. Lạc vào một khu toàn áo ấm khăn len. Hàng hóa tràn xuống lòng đường. Tôi chen vào. Không chủ tâm mua nhưng cũng ngắm cái này, chọn cái nọ. Hai ba người xô đẩy nhau. Cái túi xách quàng trên vai bị dồn ép kéo ra đằng sau. Tôi quay lại. Chớp nhoáng. Tôi phát hiện ngay chiếc máy chụp hình biến mất.
Ngày thứ ba, trời âm u ngay từ sáng sớm. Rồi mưa. Mưa thật. Lòng dạ rối bời , tôi chẳng thiết đi đâu. Thằng Hai, vì công việc đã về Sàigòn từ sáng sớm. Ông xã cũng đòi về quách nhưng tôi nấn ná. Chẳng lưu luyến gì đất này. Cái tôi tiếc là chiếc máy ảnh, tiếc lắm. Một con nhỏ bán áo gió đã nhiệt tình hứa giúp tôi thương lượng với tụi móc túi chợ này. Tôi chờ điện thoại. Con nhỏ gọi lại “Tụi nó đòi một triệu cô ạ. Thôi, bỏ quách đi cô”.Ông xã tôi trợn tròn mắt: “Một triệu? Tụi nó tưởng mình khùng chắc.” Cái máy ảnh cũ rích chỉ đáng vứt đi. Thì thằng Hai vứt rồi đó. Ông xã tôi lượm xách đi chơi chụp hình cho hách. Bán lại chưa chắc được mấy trăm. Ông đứng dậy dứt khoát: “Bỏ. Tui đi đăng ký vé xe đây. Chuẩn bị, chiều về”
Thì bỏ. Nhưng tôi không đành. Cho đến khi ra bến xe rồi, cầm vé xe trong tay rồi tôi còn ngơ ngẩn. Tiếc cái gì đó. Không hẳn là cái máy ảnh. “Thế… thế… cô chú đứng sát vào nhau đi. Chú hơi cúi xuống một chút. Cô ngước lên một chút… Chú quàng tay vào cô đi…” Những tấm hình vừa gần gũi vừa xa xôi lạ lẫm. Tôi chưa kịp khoe ai, chưa kịp ngắm nhìn thỏa mắt. Tôi ngồi thẩn thờ ngó núi đồi mù mịt mưa, nói như nói với mình:
– Tụi nó đòi tiền triệu vì tui dại dột bảo là trong đó có nhiều tư liệu quan trọng. Tụi nó biết mình cần…
– Chớ cái tư liệu gì mà quan trọng dữ vậy bà?
Tôi nhìn qua ông xã. Vẫn cái kiếu cười cười cố hữu. Như một cô gái mới lớn. Tôi đỏ mặt lên. Ông xã ngó lơ đứng dậy xách va li:
– Lên xe đi, bà. Ngồi dưới này gió lạnh quá.
Tôi bước theo nhưng còn ngoái lại. Mưa nhỏ hạt vậy mà trời đất mịt mù. Vấp phải bậc cửa đau điếng người làm tôi chợt tỉnh. Xe còn vắng lắm. Tôi ngồi bên cửa vén màn ngó xuống. Lòng dạ bồn chồn. Phía dưới áo xanh áo đỏ tới lui nhộn nhịp. Người ta chào hỏi, dặn dò, tiễn đưa nhau. Những khuôn mặt lạ lẫm, những cái nhìn lạ lẫm….
– E hèm, bà nói bà đi xin cái dại mà hình như nảy giờ bà đang đợi… cái khôn..
Tôi lại nghe nóng bừng mặt và cảm thấy rõ ràng mấy ngón tay run lên. Tôi cắn chặt môi, áp mặt vào cửa kính. Một bàn tay đặt lên tay tôi rồi khép lại. Một làn hơi ấm từ từ lan tỏa trong tôi. Giọng ông xã tôi chùng xuống:
– Khôn dại mà làm gì. Đừng đem tụi nó so sánh với mình. Tụi nó có cách nghĩ khác, cách nhìn khác, cách sống khác, cách sử dụng đồng tiền cũng khác…
– …
– Nhà mình nghèo, nhà người ta cũng nghèo. Nhưng điều đáng mừng là gia đình đó giữ được cái nếp, biết trọng cái học. Bà coi, ba chị em đứa Đại học, đứa Cao đẳng rồi. Đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ rồi thì sẽ khá… Mình không nên tính toán hẹp hòi bà ạ.
– Thì tui có tính toán gì đâu. Chỉ sợ… nó tuổi dần giống tui. Rồi thằng Hai cả đời lận đận như ông với tui.
– Cầu trời cho tụi nó được như tui với bà. Ngày trước mình cầm cây cuốc. Bây giờ con cái chen chân được vào nơi học thức. Công ty này, cơ quan nọ như ai. Bà đòi gì nữa. Mà tui nói thiệt với bà, đời tui thế này là thỏa mãn. Công việc đàng hoàng, nhà cửa, vợ con vững vàng, đầm ấm. Người đàn ông chỉ cần thế thôi. Xã hội là vậy, việc gì cũng có cấp trên cấp dưới, có va chạm, có mâu thuẫn, có đối đầu. Mệt mỏi lắm… Nhiều lúc chỉ cần một chỗ phía sau mình để tựa vào, để ngả lưng thế này thôi…
Ông xã tôi ngả người vào lưng ghế, lim dim đôi mắt, giọng nhỏ dần…
Ông xã tôi nói đúng. Đàn ông muốn chen chân với đời phải đối đầu bao nhiêu chuyện. Đó, cái trường nhỏ xíu mà đầy bão táp phong ba. Mới rồi quần chúng làm cách mạng lật đổ bà Chủ tịch Công đoàn với bao nhiêu tội danh. Hống hách, lộng quyền, bòn rút phúc lợi, chi thu nhập nhằng. Đại hội Công Đoàn, một ban chấp hành mới toanh được bầu ra. Rồi gợi ý, vận động, lèo lái thế nào không biết, chức Chủ tịch Công đoàn vào luôn tay… bà Hiệu phó. Thôi rồi còn chi đâu em ơi! Đất nghịch! Người ta ngơ ngác rồi chỉ biết ngó nhau … cười, trong khi “thầy Tổng”, linh hồn của cuộc đấu tranh chưng hửng đứng chôn chân tại chỗ như Từ Hải. Đại hội Công nhân viên chức, ký hợp đồng trách nhiệm giữa chính quyền và công đoàn thì Hiệu trưởng và Hiệu phó ký với nhau. Quần chúng vỗ tay. Tội nghiệp ông xã tôi, mắc nghẹn ngang cổ. Người ta đi ra ngó ổng cười, đi vô ngó ổng cười. Nghe các cô xì xầm kháo nhau tôi nóng rát cả mặt. Thì tôi chính là người phụ nữ đứng ngay sau lưng ổng chớ đâu.
Tiếng cửa xe đóng sầm làm tôi bừng tỉnh. Tài xế đã ngồi vào ghế chuẩn bị khởi hành. Một vài hành khách vội vã leo lên xe chộn rộn tìm chỗ ngồi. Bỗng nơi cánh cửa một mái đầu thò vào ngơ ngác dáo dác nhìn quanh. Con bé Quỳnh Châu. Mắt nó sáng rỡ lên khi nhìn thấy chúng tôi. Tay nó xách giỏ đồ nặng trĩu chới với hướng về phía tôi:
– Ba mẹ quyết định về bất ngờ quá. Con chỉ kịp tranh thủ ghé lò mứt mua một ít để mẹ làm quà biếu bà con bạn bè.
– Ơ… mẹ cũng tính lát ghé Bảo Lộc…
Câu nói của tôi bị ngắt nữa chừng vì xe nổ máy. Con bé hấp tấp nhảy xuống. Chiếc xe lăn đi. Cái bóng nhỏ nhoi của nó chìm trong đám đông, trong màn mưa, trong sương mù phố núi. Mắt tôi cay sè. Ông xã đập đập vào tay tôi:
– Chuyến này về tui sẽ để dành tiền mua cái máy ảnh thật xịn. Rồi tui lại đưa bà lên… thung lũng Tình Yêu…
4/7/2021
Ngô Thị Ý Nhi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đói lòng ăn nửa chén cơm

Đói lòng ăn nửa chén cơm Mấy hôm nay thật buồn. Buổi mai chim không hót. Trời mùa đông rét ngọt. Và mưa. Mưa bay. Bay... Mùa đông trong vò...