Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Đi trong miền giao thoa ngôn ngữ với văn học qua Phê bình "Đi tìm dấu vân chữ" của Hoàng Kim Ngọc

Đi trong miền giao thoa ngôn ngữ với
văn học qua Phê bình "Đi tìm dấu
vân chữ" của Hoàng Kim Ngọc

Từ những hiện tượng lặp đi lặp lại của các từ ngữ, tác giả tìm ra hình ảnh, biểu tượng, khái quát lên những nét riêng về nội dung, cảm xúc, ý tứ và nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ. Có thể nói đó là cách thức đọc văn thơ của tác giả Hoàng Kim Ngọc trong tập sách “Đi tìm dấu vân chữ” và là cơ sở để đem lại cái mới cho bạn đọc.
PGS-TS. Hoàng Kim Ngọc, giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó Trưởng khoa Sáng tác và Lí luận phê bình văn học của trường Đại học Văn hóa, Hà Nội; hiện là Phó Trưởng bộ môn Việt Nam học, Đại học Thăng Long, Hà Nội, ngỏ ý nhờ tôi viết mấy lời giới thiệu cho tập tiểu luận phê bình sách “Đi tìm dấu vân chữ” của chị.
Tôi vui lòng vì đã từng viết lời giới thiệu cho hai tập sách của chị là “Ngôn ngữ văn chương”, “Thực hành phân tích ngôn ngữ văn chương” do chị chủ biên, hiện đang lưu hành trong khoa Ngữ văn các trường đại học. Hoàng Kim Ngọc là người say mê văn chương, chăm chỉ viết lách, dồi dào ý tưởng. Từ bấy đến nay chị đã có nhiều giáo trình, sách chuyên khảo; giờ lại có thêm tập tiểu luận, phê bình văn học này và tôi hi vọng sẽ còn những tập khác.
Nhan đề sách là Đi tìm dấu vân chữ, bạn đọc quen đọc tiểu luận phê bình văn học trên báo chí sẽ nhận thấy ở tập sách này một nét riêng nổi bật, đó là cách tiếp cận ngôn ngữ học, thế mạnh có tính chuyên ngành của tác giả. “Vân chữ” ở đây chủ yếu là “vân” ngôn ngữ thơ văn. 20 bài viết, dù đa dạng thế nào cũng không ra ngoài góc độ kiến tạo chữ nghĩa.
Tiếp cận ngữ học và tiếp cận văn học là hai lĩnh vực khác nhau nhưng giao thoa với nhau. Tiếp cận ngôn ngữ có một phạm vi rất rộng, từ thủ pháp tu từ nghệ thuật ngôn ngữ, văn bản đến diễn ngôn, mà đơn vị của nó là lời nói, phát ngôn, chứ không phải là từ ngữ và câu nữa, vấn đề nó quan tâm là chủ thể phát ngôn là ai, lời của ai, chiến lược diễn ngôn như thế nào. Theo đó thì thấy nghiên cứu, phê bình của Hoàng Kim Ngọc chủ yếu nằm ở bề mặt kiến tạo chữ nghĩa có tính truyền thống, đi trong miền giao thoa nói trên.
Truyền thống không bao giờ biến mất trong văn hóa đọc, những “nhãn tự” số ít có từ hàng nghìn năm nay vẫn đồng hành với chúng ta trong tiếp nhận văn học. Nhưng ngày nay các “nhãn tự” đã được hiểu mới, được liệt kê, thống kê theo số lượng, thành số nhiều để tạo nên những chủ đề của từ ngữ và từ đó rút ra thông tin về tư tưởng, tình cảm, cảm hứng và Hoàng Kim Ngọc đã tiếp cận văn thơ theo phương pháp đó.
Người đọc văn bản thông thường đọc chữ để tìm nghĩa, bắt được nghĩa rồi thì quên chữ. Thói quen đó không giúp đọc hiểu văn học. Nhà văn đặc biệt ở chỗ không cung cấp nghĩa sẵn, cho nên nếu bạn đọc bỏ chữ thì cũng sẽ đánh mất luôn nghĩa. Nhiều bạn đọc ít kinh nghiệm mấy khi dừng lại để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của một nhan đề, một kết hợp từ ngữ trong văn bản.
Hoàng Kim Ngọc trong sách này giúp độc giả đọc chậm, đọc “tỉnh thức” (xin phép dùng từ ngữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh), đọc ngắm nghĩa chữ trong trạng thái nhùng nhằng với nghĩa. Quả thực trong khi đọc thơ văn, nhiều bạn đọc vẫn ít dừng lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp, cái lạ, và nội dung hàm ẩn chứa đằng sau chúng. Đối tượng tìm hiểu “vân chữ” của chị chủ yếu là phương tiện biểu đạt mang chứa hàm ngôn, những tín hiệu thẩm mĩ, những biểu tượng, những trường nghĩa, những ngữ cảnh, những cách kết hợp từ ngữ đa dạng, phép đối, phép láy, những âm thanh, mùi vị, những nhan đề tác phẩm…nhằm phát hiện ra trạng thái dùng dằng chữ nghĩa nói trên. Từ những hiện tượng lặp đi lặp lại của các từ ngữ tác giả, tìm ra hình ảnh, biểu tượng, khái quát lên những nét riêng về nội dung, cảm xúc, ý tứ và nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ. Có thể nói đó là cách thức đọc văn thơ của tác giả Hoàng Kim Ngọc trong tập sách này và là cơ sở để đem lại cái mới cho bạn đọc.
Đối tượng phê bình của tập sách, tuy có vài tên tuổi mới, nhưng phần nhiều là những người đã nổi tiếng, có nhiều sáng tạo chữ nghĩa như Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Văn Giá, Hồng Thanh Quang, Đỗ Trọng Khơi … Đọc phần phê bình các tác giả này trong sách, do quen thuộc, bạn đọc có dịp ngắm nhìn ngôn ngữ của họ, kiểm nghiệm kinh nghiệm của mình với phê bình tu từ ngôn ngữ của tác giả.
PGS-TS. Hoàng Kim Ngọc với tập tiểu luận phê bình “Đi tìm dấu vân chữ”
Phê bình của Hoàng Kim Ngọc cụ thể, tỉ mỉ, dễ đọc đối với đông đảo bạn đọc và cũng dễ kiểm nghiệm. Có nhiều những phát hiện mới mẻ, thú vị, tinh tế giữa những thuật ngữ có vẻ khô khan.
Hoàng Kim Ngọc đã nói cụ thể những gì, thú vị như thế nào, đó sẽ là điều dành cho từng bạn đọc khi cầm đọc quyển sách này trên tay. Tôi nghĩ, người giới thiệu không nên nói nhiều. Tôi vui mừng đọc và viết lời giới thiệu cho tập sách này trong những thời khắc đầu xuân mới, và sau mùa xuân là mùa hạ, tôi mong rằng tác giả sẽ còn tiếp tục có thêm những tập sách mới và có nhiều dịp giao lưu hào hứng với người đọc.
11/3/2023
Trần Đình Sử
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...