Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Đọc phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ

Đọc phê bình sinh thái
với văn xuôi Nam bộ

Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ, tập sách của nhiều tác giả do PGS-TS. Bùi Thanh Truyền chủ biên, cùng với Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hồng Anh, Trần Kim Thanh, Văn Thành Lê, Phạm Ngọc Lan, Đặng Thị Thái Hà(*). Đây là tập sách chuyên khảo về lý luận phê bình sinh thái và ứng dụng lý thuyết này vào việc nghiên cứu văn xuôi Nam Bộ hiện đại. Vì lẽ đó, tập sách mạng lại dung lượng thông tin hữu ích và tạo điều kiện cho người đọc đi vào chiều sâu lẫn chiều rộng của đời sống văn chương; đồng thời vừa phác họa bối cảnh phê bình sinh thái trên thế giới, vừa cho thấy quá trình vận động phát triển của văn xuôi Nam Bộ trải qua tầm một thế kỷ. Người đọc sẽ nhận ra đâu đó những điều thú vị, những hiểu biết mới – lạ mà quen, xa mà gần – một cơ hội giúp người đọc nhận thức và đánh giá sâu sắc hơn thực trạng môi trường sinh thái hôm nay.
1. Từ lý thuyết…
Nhằm thuận tiện cho việc tiếp nhận của bạn đọc, tập thể tác giả bố cục các bài viết từ lý thuyết đến thực tiễn nghiên cứu và sáng tác. Mở đầu tập sách, “Dẫn vào Phê bình sinh thái” của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy. Bài viết này, chuẩn mực và quy phạm đủ sức quảng bác rộng rãi. Rõ là, bài viết thể hiện tính dẫn luận – vị trí đầu tập sách – đi từ nền tảng đến nâng cao, từ nông đến sâu, từ rộng đến hẹp; và như vậy, cũng tức là đi vào chi tiết, cụ thể; mang chỉ dấu định hướng với vai trò phác họa toàn cảnh giúp bạn đọc có “căn cơ” nhất định trước khi đọc các bài viết của những tác giả tiếp theo (có tính cách ứng dụng nhiều hơn).
Nguyễn Thị Tịnh Thy, dành nhiều công sức nghiên cứu và ‘nhập cảng’ lý thuyết, góp phần mở mang thêm lĩnh vực phê bình sinh thái hiện nay – một sự đóng góp đáng được trân trọng. Với tính chất dẫn nhập, lẽ đó, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy đã trình bày rất đa dạng và chi tiết nhiều giả thuyết/học thuyết khác nhau làm nền tảng cho phê bình sinh thái. Ví như “Giả thuyết Gaia” (Gaia hypothesis). “Ngược lại với quan điểm cho rằng Trái đất này chỉ đơn giản là một hành tinh đặc và có một nhiệm vụ duy nhất là cung cấp tài nguyên cho con người, giả thuyết này đề xuất rằng “Trái đất là một nhân vật sống độc lập, … một nhân vật phức tạp bao gồm hệ sinh thái, bầu khí quyển, đại dương và đất”. Hành tinh của chúng ta biết thở và là một sinh linh thực sự. “Nó là một lựa chọn khác đi so với cái nhìn tiêu cực cho rằng thiên nhiên là một thứ nguyên thủy cần bị chinh phục và chiếm lĩnh”” (tr.15). Thuyết này, khiến người nhà quê Nam Bộ bỗng bồi hồi nghĩ tưởng mẹ xưa. Từ quan niệm đi tới tín ngưỡng rồi trở thành hành động sống thực tế, tất cả cấu tạo một chỉnh thể đời sống thống nhất đến mức không còn thấy luận lý/lý luận hay học thuyết/giả thuyết ở đâu nữa, nó chỉ còn mối thâm tình cố cựu giữa đất và người, giữa quê và nhà, giữa sinh vật với sinh cảnh. Đất sinh quê, người sinh nhà – nông dân nghèo khó gọi quê nhà, chẳng đã nói trọn cái tương giao sâu nặng giữa người và đất hay sao! Ngẫm lại mới thấy một tiếng gọi “quê nhà” vốn đã hàm ý nói đến sinh thể có linh tính.
Trong nhận thức, người nhà quê vẫn luôn biết “hồn cốt quê nhà” đó thôi! Hồn cốt quê nhà của người nhà quê Nam Bộ không phải luận thuyết nên không cần luận chứng. Chỉ cần thấy cách dân quê sống với trời đất, với thiên nhiên, với non nước vạn vật, bấy nhiêu đủ xác thực linh tính đất quê. Không có “khí cụ” trí thức hàn lâm, người nhà quê chỉ bằng trải nghiệm trực tiếp căng trải chung sống với thiên địa, ứng để cảm – cảm rồi nghiệm – nghiệm rồi hiểu.- hiểu rồi lấy đó để sống. Bà con quê mùa không biết nữ thần Gaia bên trời Tây nhưng ai cũng biết mâm cúng đất đai để tỏ lòng thành kính trước thiên địa. “Quê nội tôi lấy tên rạch đặt tên xóm nên thường gọi xóm Bà Tàu. Dân xóm Bà Tàu có một quy ước bất thành văn trong việc cúng đất đai. Ngoài tháng Hai và tháng Tám (âm lịch) cúng đất đai chính thức, còn có mâm cúng đất đai mỗi khi gia đình giỗ chạp. Lại nữa, tuy cùng tháng cúng, nhưng mỗi gia đình tự định riêng ngày, giờ cúng đất đai để không ai trùng ai. Điều đó, thể hiện tấm lòng luôn tưởng nhớ công ơn Thổ thần và coi trọng đất đai”[1]. Và cảm ứng, nghiệm hiểu đó không tồn tại như lý thuyết, hệ thống lý luận mà người dân quê lấy đó làm đường sống trải. Ấy là cuộc đời thực hàng ngày của họ! Người nhà quê Nam Bộ – thời Nam Kỳ thuộc địa, phần đông (nếu không muốn nói là hầu hết) một chữ bẻ đôi có khi không biết, thì làm sao lập ngôn lập thuyết. Nhưng, nông dân trồng trọt còn biết bồi sức đất (bằng cách cho đất nghỉ sau vụ mùa thu hoạch). Và, khi nhận được huê lợi từ đất, người nhà quê không ai không biết cúng lễ tạ ơn đất! Đất không phụ lòng người – người không phụ lòng đất. Người bình dân Nam Bộ xem hoạt động ấy là chuyện tâm linh – tín ngưỡng. Bởi, “đất có thổ công, sông có hà bá”.
Dù rằng, ai biết thổ công với hà bá hình hài ra sao? Chỉ có thể chắc rằng, trong nhận thức dân quê, đất có linh tính. Mà nói rộng ra, trời đất vạn vật (kể cả cục đá gốc cây) đều có linh tính. Cho đến vũ trụ tam thiên đại thiên thế giới cũng là hồn linh vĩ đại ấy thôi! Nghe đâu, trời Tây có bàn “Toàn tâm luận”[2]! Đâu đó cũng có người bàn đến Anthropocosmicism (tạm hiểu nhân loại vũ trụ luận). Đỗ Duy Minh/Tu Weiming (杜維明, 1940-) bàn về sự thống nhất phổ biến giữa hiện hữu vi mô (microcosmic being) và bản thể vĩ mô (supernal macrocosm) trên cấp độ vũ trụ và đi vào cả tôn giáo[3]. Chợt nghĩ, việc tìm tòi nghiên cứu lý thuyết phương xa (ví như trường hợp bài viết của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy) quả có ích lợi rất lớn. Trong đó, lợi ích đáng kể chính là kích hoạt cho người dân bản xứ nghĩ lại chính nền tảng tư tưởng và cuộc sống thực truyền đời của giống nòi.
Đánh giá chủ nghĩa phi nhân loại trung tâm, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy cũng nhấn mạnh tính mới mẻ của quan điểm cho rằng tự nhiên là chủ thể. Có lẽ, nhà nghiên cứu muốn nói đến tính mới mẻ của quan niệm này trong dòng chảy tư tưởng sinh thái Âu Tây. Từ ‘chủ thể’ khiến tôi nhớ lại bài học của người Thầy học cũ – GS. Nguyễn Khắc Dương – về tính liên chủ thể/liên ngã vị[4]. Thầy cho rằng con người với khả năng liên ngã vị (relation intersubjective/ interpersonnelle) mới có thể vượt qua chính ngã biệt và thiên lệch cố hữu của chủ thể. Dù xem con người hay thiên nhiên là chủ thể thì đều thiên lệch đều là “trung tâm hóa” một cái nào đó, khó đạt tới cân bằng và hài hòa. Nhưng, điều đáng quý là nhà nghiên cứu đã chỉ ra tác động tích cực của thuyết này. “Chủ nghĩa phi nhân loại trung tâm tấn công vào lý luận của chủ nghĩa nhân loại trung tâm truyền thống, đề xuất một hệ thống đạo đức mới nhằm giải cứu nguy cơ sinh thái. Xác lập vị trí luân lý của thế giới phi nhân loại, dùng lương tâm, đạo đức để hạn chế quyền lực và dục vọng của con người đối với tự nhiên, đồng thời nhìn mối quan hệ giữa con người với tự nhiên từ góc nhìn khác, đó là thế giới quan và giá trị quan mới mẻ của học thuyết này”(tr.18-19). Có lẽ, thuyết này dẫu đả phá khuynh hướng “duy trung tâm luận” nhưng dừng lại ở việc kiềm chế/tiết chế dã tâm của con người, chứ chưa giải quyết một cách triệt để cường quyền áp bức thượng tôn/độc chủ của nhân loại với thiên nhiên. Tây phương trung tâm luận, Hán trung tâm luận, cho tới nhân loại trung tâm luận, cho tới phi nhân loại trung tâm luận…, liệu có phải chỉ là ‘tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’.. Phi trung tâm luận liệu có phải sự phản ứng trước thiên lệch này để tạo ra một sự thiên lệch khác. Còn chấp nệ tư tưởng cái nào là trung tâm, tức là còn phân biệt, giữa ngã và tha, giữa ta và phi-ta, giữa người và phi người. Chính sự phân tiệt/tách biệt giữa người và những cái không phải người là căn nguyên tạo ra khủng hoảng môi trường. Nói rộng ra, là nguyên do tạo nên thảm trạng nhân sinh trên cõi thế. Bấy giờ, chợt nhớ lại lời dạy ông bà xưa.
Dân nhà quê Nam Bộ không biết tới cái nghĩ “trung tâm” hay “phi trung tâm”, bởi họ biết vạn vật nhất thể. Vì vậy, họ biết “thương người như thể thương thân”. Người với người không còn khác biệt, người với trời đất không còn khác biệt, bấy giờ có thể bình đẳng, hài hòa, cùng tồn tại. Nếu, không còn tách biệt nữa thì làm gì còn cái nào là trung tâm với phi trung tâm. Lối nghĩ trung tâm với phi trung tâm bao trùm cả một kỷ nguyên mà Âu Tây vẫn quen gọi với mỹ tự “hậu hiện đại”. Mỹ tự này chỉ có nghĩa là một cuộc khủng khoảng mà con người đang giãy thoát khỏi “tính hiện đại” lần hồi gây ra “chaos”; tức là thoát khỏi một sinh thế đi ngược lại tồn tại cân bằng, để tiến tới một sinh thế khác đương xảy ra. Về chuyện này, khiến ta nhớ lại lời dạy một người thầy khác hồi nẳm, người bình dân Nam Bộ – nói rộng ra là dân Việt, vốn bám chặt vào thế sự tại đây, ngay bây giờ, không ưa viễn vông quảng thuyết[5]. Bởi trực diện sống trải nên không có cái gọi là hiện đại hay hậu hiện đại, chỉ có “dịch”. “Dịch” duy chỉ và mãi mãi ở thì hiện tại tiếp diễn. Nói dịch, có thể bậc đại trí thức lại nghĩ tới Nho ở phương Bắc. Nhưng, Dịch ở đây lại mang bản sắc Việt/căn cơ Nữ tính mà các thầy học trước đây dạy cho[6]. Dịch-Dung: với lối tư duy ấy, người Việt (mà cụ thể người nhà quê) không sa vào lối nghĩ trung tâm-hay phi trung tâm mà lấy dịch để dung, vì dung cho nên dịch[7]. Và, không phải “dịch dung” để “nói dóc” uống trà – “dịch dung” có thể nhìn thấy trong từng hoạt động sống hàng ngày. Trồng cam quýt nuôi kiến vàng, trồng hàng bông phải giữ cỏ. Phải nói, những chia sẻ, đề dẫn của nhà nghiên cứu giúp ta có cơ hội nhìn lại rõ hơn đời sống và quan niệm “sinh thái” vốn có trong cuộc sống của bà con làng xóm quê mình. Nhờ trang nghiên cứu, ta mới biết rằng, ở trời Tây từ hồi đầu thế kỷ trước bỗng rộ lên phong trào/vận động sinh thái rất sôi nổi. Ở quê mình thì không có phong trào hay vận động, hồi mới đẻ ra đời đã thấy ông bà tổ tiên tới giờ vốn đã sống chan hòa với trời đất vạn vật.
Ở Việt Nam, việc du nhập phê bình sinh thái được TS. Trần Thị Ánh Nguyệt nêu ra như một yêu cầu bức thiết và phù hợp với thời đại. “Từ năm 2011 đến nay phê bình sinh thái đã bắt đầu được chuyển dịch, giới thiệu và thực hành nghiên cứu ngày một nhiều hơn ở Việt Nam. Điều đó, xuất phát từ nhu cầu bức thiết của dân tộc, nó cũng chứng tỏ sự hòa chung vào xu hướng toàn cầu hóa trong nghiên cứu văn học Việt Nam”(tr.91-92). TS. Trần Thị Ánh Nguyệt cũng không quên nhắc rằng vấn đề tương giao giữa con người và thiên nhiên vốn đã có từ thời cổ đại, có trong văn học dân gian, văn học trung đại; … Do đó, nghiên cứu vấn đề sinh thái trong văn học vốn đã có từ lâu.
TS. Hà Thanh Vân trong Bàn tròn Văn học Nghệ thuật Kỳ 1, ngày 14.12.2022 và Kỳ 2, ngày 11.12. 2022 (trên VOH) cũng đã có cách nhìn rộng rãi về văn học sinh thái[8]. Theo TS họ Hà, văn học sinh thái gồm có truyền thống và hiện đại. Với cách nhìn này, TS. Hà Thanh Vân nhận thấy màu sắc/biểu hiện sinh thái vốn đã có trong Kinh Thi, Thơ Đường của Trung Quốc; thơ Tanka, Haiku của Nhật Bản; thơ Sijo/ 시조 /Đoản ca/Thời tiết ca của Triều Tiên; thơ Rubaiyat của Ba Tư, thể sonnet ở châu Âu,… Cùng sự vận động cái nhìn về văn học sinh thái thì phê bình sinh thái cũng thay đổi nội hàm ngoại diện hoặc sáng tạo ra các khái niệm mới sao cho phù hợp. Từ đó, phê bình sinh thái định hình từ nửa sau thế kỷ XX. Ở Việt Nam, từ thập niên 2000-2010 trở đi, phê bình sinh thái được du nhập, quảng diễn, áp dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn, có nền tảng lý thuyết chặt chẽ hơn để đánh giá và nhìn nhận văn học sinh thái đúng nghĩa (như cách hiểu chúng ta hiện nay).
Dẫu rằng muộn màng, nhưng phê bình sinh thái ở Việt Nam đã có những bước đi vững chãi. Trang nghiên cứu của TS. Trần Thị Ánh Nguyệt cho thấy sự quan tâm theo dõi của nhà ngiên cứu về vấn đề này đã có từ rất lâu. Quãng thời gian đủ chín muồi giúp nhà nghiên cứu phác họa toàn cảnh phê bình sinh thái ở Việt Nam với góc nhìn thấu đáo (từ vấn đề lý thuyết, dịch thuật, đến ứng dụng). “Các nghiên cứu về phê bình sinh thái chủ yếu xuất hiện tại các hội thảo khoa học, các luận văn, luận án ở các trường đại học. Phê bình sinh thái Việt Nam đang đi đúng theo hướng mà phê bình sinh thái thế giới đã từng đi trong giai đoạn đầu, nó là phong trào mang tính hàn lâm từ các trường đại học, các viện nghiên cứ”(tr.94). Đồng thời, nhà nghiên cứu còn khẳng định con đường đi đúng đắn của phê bình sinh thái Việt Nam. Lẽ đó, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng phê bình sinh thái Việt Nam ngày càng có nhiều thành tựu hơn.
Phê bình sinh thái tính đến nay cơ hồ đã trải qua ba quá trình/ba chặng vận động phát triển: 1.Tiếp cận giải lịch sử hóa về tự nhiên (có khuynh hướng lý thuyết hóa và hướng về thái độ chính trị); 2. Lý thuyết hóa và tái cấu trúc quan niệm con người trung tâm (human-centered); 3. Hướng đến toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, để thực sự phác thảo về con đường hình thành và phát triển của phê bình sinh thái không là việc một sớm một chiều, chẳng phải dễ. Bởi không riêng gì phê bình sinh thái, ngay cả các lĩnh vực nghiên cứu khác của thời hậu công nghiệp/hậu hiện đại cũng cho thấy bức tranh hiện hoạt mau chóng, liên tục và thâm nhập lẫn nhau. Như Cheryll Glotfelty và Harold Fromm[9] có ý nói rằng gần như mỗi năm mỗi khác. Đời sống luôn dịch chuyển và mỗi năm người ta phải sắp xếp lại từng giới hạn nghiên cứu của mỗi lĩnh vực. Hoặc là tô dậm thêm, hoặc là cơi nới ra, hoặc là bỏ đi xây lại, bức tranh sinh hoạt nghiên cứu mau lẹ khiến cho việc “lịch sử hóa” tiến trình nghiên cứu gần như “bất khả thi”. Điều này cũng cho thấy, công việc của các nhà nghiên cứu dường như luôn luôn mang tính tương đối. Bởi chăng đời sống hiện hoạt trong tất cả sự phồn thịnh tròn đầy muôn vàn của nó, trong khi dù cho khoa học có gắn kết với nhau đến độ nào thì cũng chỉ phản ảnh một vài khía cạnh đời sống mà thôi.
Trên thế giới, nếu không tính Hoa Kỳ, thì Trung Quốc là quốc gia có số lượng nhà nghiên cứu và cơ quan ngôn luận/trung tâm/viện nghiên cứu làm việc trong lãnh vực phê bình sinh thái đông đảo nhất thế giới[10]. Nhưng, không chỉ số lượng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn có thế mạnh trong việc kết nối/khai mở các vấn đề-khía cạnh có thiên hướng sinh thái trong hệ thuyết cổ thời (Nho-Đạo)[11]. Tuy nhiên, dẫu số lượng đông đảo hùng hậu, nghiên cứu rầm rộ, nhưng bức tranh phê bình sinh thái ở Trung Quốc có phần thiên lệch (nếu không nói méo mó). Nhất là vấn đề công lý sinh thái (environmental justice) và cộng đồng sinh thái (ecological community). Ở Đài Loan, thời kỳ đa nguyên hóa tạo điều kiện cho phê bình sinh thái phát triển đa dạng. Đồng thời với việc kết nối phê bình sinh thái với các tư tưởng cổ đại, giới nghiên cứu Đài Loan cũng có nhiều hướng nghiên cứu mới, rất đáng chú ý, như: nghiên cứu văn học theo hướng địa thẩm mỹ (地理美學), sinh thái lữ nhân (生態旅人),… Cơ hồ, phê bình sinh thái Đài Loan có thế mạnh ở sự vận động về phía đương đại và gần gũi với khuynh hướng phê bình sinh thái Âu Mỹ. Giống như Trung Quốc, giới nghiên cứu sinh thái ở Ấn Độ cũng có khuynh hướng quay về với tư tưởng Ấn Độ cổ thời mà Rabindra Nâth Tagore[12] được xem như người tiên phong cho thời kỳ hiện đại của phê bình sinh thái xứ Ấn. Do đó, thực nghiệm sinh thái gắn liền thực nghiệm tâm linh để đạt được sự hòa điệu với thiên nhiên (hữu hình lẫn siêu hình).
Lược qua một số vấn đề sinh thái khắp nơi, chúng ta thấy nhận định của nhà nghiên cứu Trần Thị Ánh Nguyệt rất chính xác: phê bình sinh thái du nhập và phát triển ở Việt Nam là điều tất yếu và rất cần thiết. Với bối cảnh khủng hoảng sinh thái hiện nay, liệu các nhà nghiên cứu có thể khiến Việt Nam trở thành một trong số trung tâm nghiên cứu văn học-môi trường trên thế giới?
2. Tới ứng dụng…
Việc sử dụng hệ thuyết Tây phương tân thời để nghiên cứu văn xuôi Nam Bộ quả thực góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều giá trị của đối tượng văn học. Vừa thổi luồng gió mới vừa khai mở thêm nhiều địa hạt (bản thân chủ thể sáng tạo cũng được hiểu biết thêm). Việc này, giúp bạn đọc nhận ra rằng sử dụng hệ quy chiếu để xác định đối tượng trước hết có lẽ cần xác định tính khả thi và phù hợp của hệ quy chiếu. Nông dân Đồng Tháp Mười nhập máy gặt đập liên hợp ở nơi khác về, nhiều phen lao đao vì máy nằm im giữa ruộng. Từ đó, họ rút kinh nghiệm, cần phải chỉnh sửa và “thiết kế” lại thích hợp với môi trường hoạt động giúp máy vận hành hiệu quả trên vùng đất trũng ngập nước.
Đưa lý thuyết ứng dụng vào nghiên cứu văn chương nói riêng, nghiên cứu khoa học xã hội-nhân văn nói chung; bạn đọc hẳn đã thấy tấm lòng và nỗ lực của giới trí thức trước vấn nạn môi trường. PGS.TS. Bùi Thanh Truyền thể hiện mối quan tâm và nỗ lực đó. “Xã hội với bao phẩm tính, quan hệ phức tạp, trong bối cảnh hiện nay, là mối quan tâm hàng đầu của các ngành khoa học, trong đó có khoc học văn chương, để góp phần hóa giải bài toán về sự phát triển bền vững của nhân loại. Vừa lên án sự tàn nhẫn, vô trách nhiệm của con người đối với sinh thái, cảnh báo nguy cơ sinh thái đối với con người, văn xuôi của vùng đất phương Nam cũng khẩn thiết kêu gọi, cổ vũ chúng ta biết sống vô sự, sống có trách nhiệm với tự nhiên, biết tự điều chỉnh nhận thức, hành xử của bản thân với môi trường để xứng với danh hiệu “người ta-hoa đất” – một triết lý sống mang đậm tinh thần sinh thái nhân văn của dân tộc”(tr.130). Từ văn chương của vùng đất phương Nam, áp dụng lý thuyết sinh thái, nhà nghiên cứu đã nhận ra tinh thần dân tộc, chỗ gặp gỡ với truyền thống nhân văn của dân tộc. Đây là, điểm đáng quý trong trang nghiên cứu của PGS-TS. Bùi Thanh Truyền. Theo đó, bạn đọc – nhất là bạn đọc trẻ, có thấy rằng, việc áp dụng nghiên cứu dựa trên khung lý thuyết Âu Tây không tách rời nền tảng tư tưởng con người quê hương xứ sở. Bởi, đó là nền tảng nhận thức, xuất phát điểm của việc tìm tòi nghiên cứu lý thuyết phương xa, nhưng cũng là mục đích của việc nghiên cứu ấy. Lẽ vì, quê hương là nơi ta có thể áp dụng các khung lý thuyết “phương xa” ngõ hầu khai mở thêm một trắc diện nào đó của chính tâm hồn mình trong tâm hồn rộng lớn của xứ sở. Từ đó, bạn đọc trẻ/nhà nghiên cứu trẻ có thể tự rút kinh nghiệm cho bản thân: để khung tham chiếu phương xa không “áp” chỉ “ứng” vào thực tiễn nơi đang sống.
Bằng cái nhìn so sánh, Đặng Thị Thái Hà đã chỉ ra được tính chất đặc hữu – thế kỷ này, có thể đặt văn minh phương Đông ở vị trí tiên phong trong vấn nạn môi trường sinh thái đang diễn ra. “Ở phương Đông, quan hệ con người-thiên nhiên được đánh dấu bằng lòng kính trọng, gần với tình yêu – điều vắng mặt ở phương Tây” (tr.245.). Không trực tiếp đưa ra so sánh bằng dẫn chứng riêng, nhà nghiên cứu sử dụng các nhận định có sẵn của nhà phê bình sinh thái ngoại quốc để giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan trong việc so sánh Đông-Tây. Cũng với cách viết như thế, Đặng Thị Thái Hà còn nhấn mạnh ở tính chất tiên phong/dẫn đạo của “minh triết phương Đông” trong vấn đề môi trường sinh thái trong thiên niên kỷ mới. Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Lý Tiển Lâm “Trong lịch sử văn hóa nhân loại không có nền văn hóa nào được truyền thừa vạn đời. Bởi vậy, từ thế kỷ 21, văn hóa phương Đông sẽ trở thành văn hóa lãnh đạo thay vì văn hóa phương Tây…. Khoa học kỹ thuật phương Tây hoàn toàn không thể cứu chữa được kết cuộc tồi tệ do sự phá hoại thiên nhiên mang đến. Bởi vậy điều quan trọng với tư tưởng phương Đông là … cứu lấy sự khốn cùng trong tư tưởng phân tích của văn hóa phương Tây … Chúng ta phải phát triển toàn thể văn hóa nhân loại đến một mức độ cao hơn và mới hơn về Tư tưởng và Trí huệ”[13]. Có lẽ, đây là con đường dẫn dắt để nhà nghiên cứu đi từ phê bình sinh thái trên thế giới đến phê bình sinh thái ở Việt Nam. Đặng Thị Thái Hà phác họa quá trình du nhập và phát triển của phê bình sinh thái ở Việt Nam, bước đầu ghi nhận những thành tựu và tiềm năng trong tương lai. Đây sẽ là ngành học hấp dẫn, có ý nghĩa thiết thực. Không chỉ trong môi trường học thuật hàn lâm, phê bình sinh thái còn có thể tác động ngược trở lại đời sống, giúp con người nhận thức sâu sắc hơn vấn nạn môi trường sinh thái đang diễn ra xung quanh mình.
Từ lý thuyết đến ứng dụng, Đặng Thị Thái Hà cũng như tập thể tác giả luôn thận trọng trong việc đưa ra các nhận định, đánh giá về mặt lý luận cũng như thực tiễn đời sống. Chủ yếu, các nhà nghiên cứu đưa ra vấn đề lý thuyết của học giả ngoại quốc để từ đó vọng chiếu vào thực trạng phê bình sinh thái ở trong nước (qua trường hợp văn sĩ cụ thể nào đó). Sự thận trọng này cơ hồ trao quyền cho bạn đọc, những người sẽ tự đưa ra nhận định, tự có suy nghĩ riêng đối với vấn đề được bàn đến. Do đó, vấn đề lý luận được nêu ra trong tập sách này không nặng nề mà mang tính mở – như một “kết cấu vẫy gọi”. Việc đề đặt khung lý thuyết, đưa ra nhận định của học giả ngoại quốc (ví dụ ý kiến của Thornber) khiến bạn đọc tự băn khoăn, sau đó tự soi chiếu lại thực tiễn đời sống mà mình đang sống thực mỗi ngày. Bấy giờ, bạn đọc tự có nhận định riêng. Ví như ý kiến của Karen Thornber về sự mơ hồ giữa “lý tưởng và thực trạng”. “Cái nhìn phê bình sinh thái về phương Đông không nên lấy điểm tựa một chiều vào tình yêu tự nhiên, coi nó như một mô hình tư tưởng thuần nhất và có khả năng quy định, chi phối hành động. Phù hợp hơn, cần phải thay thế nó bằng quan điểm về sự mơ hồ sinh thái: “Chắc chắn là sự mơ hồ sinh thái phổ biến hơn cả trong văn học Đông Á so với những dữ liệu văn bản khác. Và trớ trêu thay, chắc chắn là cũng sâu sắc hơn, bởi nó liên quan đến lịch sử lâu dài của khu vực này trong việc ca tụng mối quan hệ giao hòa mật thiết giữa con người với tự nhiên, ngay cả khi môi trường của các dân tộc ấy đang phải chịu sự hủy hoại nghiêm trọng””(tr.247). Sự mơ hồ sinh thái được Karen Thornber nói tới quả có lý nếu nhìn từ bên ngoài như cái nhìn của nhà học giả Tây phương nhìn về Đông phương. Tuy nhiên, nếu bạn đọc nhìn từ góc độ người trong cuộc, và nhìn bằng góc nhìn lịch sử của nhà nghiên cứu “hậu thực dân”. Hay nói khác, nếu nhìn từ góc độ phê bình sinh thái hậu thuộc địa (Postcolonial Ecocriticism)[14] sẽ thấy rằng “sự hủy hoại nghiêm trọng” các dân tộc Đông Á hiện nay gánh chịu có phải hậu quả từ làn sóng/guồng quay của nền văn hóa Tây phương xâm lấn tới hơn mấy trăm năm qua (ví như trường hợp những người Âu Tây đầu tiên đến truyền giáo ở Đàng Trong). Vậy nên, sự mơ hồ của Thornber, kỳ thực, chính là sự mơ hồ trong ánh mắt của người học giả Tây phương (với tư duy phân tích đặc hữu) nhìn về diện mạo Đông phương trong hiện tình giao thoa văn hóa Đông-Tây, cũng như mơ hồ giữa căn cơ và biểu hiện của nền minh triết phương Đông (trong đó có minh triết Việt), cũng như mơ hồ giữa lịch đại và đồng đại của nền minh triết ấy. Chưa kể, nhà nghiên cứu liệu có phân định rõ ràng nền minh triết phương Đông như biểu hiện của chính thể hay dân gian, của hàn lâm hay bình dân!
Căn cơ minh triết phương Đông thuộc về vận động đời sống của “chủ thể” nào? Phải chăng, biểu hiện của cơn sốt sinh thái hôm nay ở Đông Á là hệ quả của việc lao mình theo nền văn minh kỹ nghệ Tây phương? Thường thì người ta từ gốc đi tới ngọn, ít khi từ ngọn trở về gốc. E rằng vị học giả ngoại quốc ấy chỉ ghi nhận dựa trên dữ liệu ô nhiễm môi tường được báo cáo bằng văn bản, hoặc “vi hành/vi vu/du ngoạn” Đông Á, nhưng vẫn chưa thực sự cảm thấu minh triết Đông phương như kẻ trong cuộc. Nhất là, nền minh triết của người bình dân (chớ không phải nền minh triết của chính thể đại diện hay tầng lớp tinh hoa). Có lẽ, nhìn thấy điều này, Đặng Thị Thái Hà (cũng như các nhà nghiên cứu khác trong tập sách) nêu lại nhưng khá thận trọng trong việc đánh giá ý kiến của học giả ngoại quốc (như trường hợp Karen Thornber). Và, khi Đặng Thị Thái Hà bàn đến việc “dỡ bỏ cái nhìn huyền thoại về phương Đông như một “thiên đường sinh thái”” là việc làm cần thiết, thì có lẽ cần bổ sung thêm rằng ““vec tơ liên vùng” về sự mơ hồ sinh thái” do Karen Thorber đề xuất, kỳ thực là hệ quả/di căn của nền văn minh kỹ nghệ Tây phương nhất thời thượng phong trên vùng trời Đông phương. Một loại cây ghép với hệ rễ “mọc ngang hông” sớm muộn gì cũng tàn lụi cùng với thiết chế xã hội sản tạo ra nó. Cho nên việc “tìm kiếm trong lịch sử văn học Châu Á một dòng chảy nhỏ/phụ: những văn bản văn học “lệch” ra bên ngoài truyền thống cố hữu về tình yêu tự nhiên để trực diện đối mặt với những tác động làm biến đổi cảnh quan và sự suy thoái môi trường. Sự tìm kiếm này khảo sát tất cả các văn bản văn chương từ cổ đại đến đương đại, “từ những văn bản sáng tạo tập trung hoàn toàn vào sự suy thoái tới những văn bản chỉ đề cập đến nó một cách ngắn gọn, từ những văn bản viết về sự tàn phá vùng hoang dã đến những văn bản bàn đến khu ổ chuột ở các thành phố lớn đông đúc, từ những văn bản ca ngợi sự suy thoái đến những văn bản chỉ trích nó…” (tr.253); nói đúng hơn, là tìm kiếm ung nhọt văn minh Tây phương. Giá như, thay vì vậy hãy tìm về căn cơ minh triết phương Đông (trong đó có minh triết Việt) để nhận diện cơ thức sinh thái: Cộng sinh-Hòa hợp-Chuyển hóa, tàng ẩn trong nhận thức và đời sống người bình dân.
Quả thực các nhà nghiên cứu trong tập sách “Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ” đánh thức nhiều suy nghĩ trong lòng bạn đọc. Nhất là, đánh thức để tự bạn đọc nhìn nhận lại biểu hiện “quan niệm sinh thái” trong đời sống con người của quê hương xứ sở. Có lẽ, giá trị một tập sách không chỉ ở nội dung/trữ lượng thông tin, còn ở khả năng kích hoạt/khuếch trương tư duy rộng rãi. Tập sách do PGS.TS. Bùi Thanh Truyền (chủ biên) là một tập sách như thế!
3. Và văn xuôi Nam Bộ
Dưới góc nhìn của nhà phê bình sinh thái, PGS.TS. Bùi Thanh Truyền đã chỉ ra được quá trình diễn biến của quan niệm/nhận thức sinh thái qua các thế hệ nhà văn từ đầu thế kỷ XX đến nay. Ông có những nhận định thấu đáo về con người và vùng đất Nam Bộ. Nhất là, nhận ra con người Nam Bộ với khí chất trượng nghĩa, thủy chung – anh hùng trong kháng chiến, “một tấc không đi, một li không rời”.  “Cánh đồng hoang” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là minh chứng cụ thể. “Vợ chồng Ba Đô-Sáu Xoa (Cánh đồng hoang – Nguyễn Quang Sáng) giữ gìn “sự sống duy nhất còn sót lại trên cánh đồng”. Không gian truyện hầu như chẳng có gì khác ngoài đồng nước, cỏ dại. Trong cảnh ấy, thiên nhiên và con người có một sợi dây giao cảm, nhiều lúc như hòa làm một. Mùa nước nổi, cánh đồng ngập trong nước, hai vợ chồng sống bằng tôm cá, lợi dụng con nước nuôi giấu bộ đội. Đến mùa khô, họ lại trồng lúa; những cánh đồng cỏ, những bụi lau sậy thành lớp áo ngụy trang đưa bộ đội vào chiến khu. Không gian sống của gia đình này phản ánh sự gian khổ của người Nam bộ trong kháng chiến, chứng minh sức sống tiềm tàng cùng vẻ đẹp tâm hồn của những người con chân đất anh hùng”(tr.137). Như vậy, vấn đề sinh thái/sinh cảnh không tách rời vận động lịch sử thời đại, khẳng định người Nam Bộ quyết tâm giữ đất giữ nước, xây dựng cuộc sống mới.
Theo đó, các nhà nghiên cứu trong tập sách “Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ” mang lại góc nhìn mới, phát hiện mới về văn xuôi Nam Bộ cho chính những người con của mảnh đất Nam Bộ. Cơ hồ, những người con của Nam Bộ nhận ra thêm khía cạnh mới trong chính sinh hoạt chữ nghĩa của quê hương mình. Có lẽ, đây là điều đáng quý nhất mà tập thể tác giả quyển chuyên khảo này mang lại. Một góc nhìn phát hiện: mới mẻ, thú vị, thậm chí kinh ngạc! TS. Phạm Ngọc Lan với bài viết “Tìm về với mẹ thiên nhiên: Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn nữ quyền luận sinh thái” giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn, thậm chí đưa chúng ta quay về tái kết với nền tảng tâm thức sâu kín mà cơ hồ ta đã lơi lạc. Bằng nền tảng luận thuyết chặt chẽ, tiên phong, TS. Phạm Ngọc Lan giúp độc giả tiếp cận hệ thống lý thuyết tân thời, tiên tiến. “Là một nhánh đặc biệt của phê bình nữ quyền, nữ quyền luận sinh thái (ecofeminism) nở rộ mạnh mẽ từ khoảng những năm 1980 đến nay, tập trung nghiên cứu những trào lưu và lý thuyết liên kết nữ quyền với những vấn đề sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cặp quan hệ thống trị và bị trị song song: nam giới-nữ giới, văn hóa-tự nhiên. Nền tảng cơ bản và mối quan tâm chủ yếu của lý thuyết này là mối liên hệ tương quan và tương quả của nền văn hóa phụ quyền hình thành từ thời nguyên thủy và phát triển đến đỉnh cao trong chủ nghĩa nhị nguyên nhận thức và chủ nghĩa công cụ cấp tiến vào những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong lịch sử nhân loại” (tr.219). Theo chủ quan tôi, điểm sáng trong bài viết của TS. Phạm Ngọc Lan chính là từ góc nhìn nữ quyền luận sinh thái, nhà nghiên cứu luận giải/hóa giải Nam quyền đi tới nữ quyền, rồi từ nữ quyền đi tới nữ tính và sau cùng đi tới nhân tính. “Viễn cảnh phác ra trong hình dung về tương lai của Nương rất đậm màu sắc nữ quyền sinh thái: đó là sự trở về với vườn địa đàng của ấp ủ và sinh thành, của người mẹ yêu thương, nuôi dưỡng, chở che và tha thứ. Từ những đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang “khuôn mặt rắp tâm của cha tôi”, đến đứa trẻ tên Thương, tên Nhớ “tươi tỉnh và vui vẻ sống hết đời vì được mẹ dạy” là sự dịch chuyển từ thế giới hận thù cảu nam tính gia trưởng sang thế giới khoan dung của nữ tính tự nhiên, hồn nhiên và vĩnh cửu” (tr.228). Thế nên, nữ quyền luận sinh thái là hệ quy chiếu để nhà nghiên cứu minh định nữ tình-nhân tính của văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Bấy giờ, bạn đọc có thể nhận ra một viễn cảnh rộng hơn: văn xuôi Nam Bộ tràn ngập “nhớ thương”.
Hơn thế, tập sách “Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ” đánh giá cao ý thức trách nhiệm công dân của người cầm bút đối với thực trạng xã hội-môi trường hiện nay. PGS-TS. Bùi Thanh Truyền, nhấn mạnh khía cạnh này như đặc trưng nổi bật của văn xuôi Nam Bộ. “Sự hồi đáp của nghệ thuật ngôn từ trước môi trường là tư tưởng xuyên suốt trong văn xuôi hiện đại Nam bộ. Việc gắn nối với những vấn đề quan thiết như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sinh hoạt, văn hóa khiến mảng sáng tác này bộc lộ rõ tính thời sự, dân tộc và nhân loại. Điều đó cũng cho thấy sự nhạy cảm, bản lĩnh, vái tâm và trách nhiệm công dân của nhà văn đối với thực trạng xã hội hôm nay trên tinh thần môi trường kêu gọi, văn chương đáp lời”(tr.130). Gián tiếp, trang nghiên cứu cho thấy mối gắn bó hữu cơ, mật thiết của con người Nam Bộ vốn đã là truyền thống trong văn xuôi Nam Bộ. Liệu rằng, nhà nghiên cứu có khiến bạn đọc nhận ra truyền thống này chính là truyền thống nhân nghĩa Nam Bộ và nhân nghĩa không chỉ với đồng loại – nhân nghĩa với muôn loài. Con cá dưới nước, con chim trên trời hay cây cỏ trong vườn nhà đều là tình thân, máu mủ ruột rà. Ấy là, quan niệm sinh thái của người nhà quê ở Nam Bộ với nét đẹp nhân văn, vốn đã biểu hiện rất rõ từ trong ca dao-dân ca.
Ý thức của người lưu dân từ buổi đầu đến vùng đất mới bộc lộ ít nhiều quan niệm sinh thái. “Lấy “chủ nghĩa nhân văn mới” như cách nói Tây phương, song theo lời ăn tiếng nói Nam Bộ thì ấy là hàn gắn vết thương lòng của mẹ quê và biết trả lại cho mẹ quê vẻ đẹp hồn hậu tự nhiên vốn có cũng nhờ đó, con người sống được bằng chính vẻ đẹp thuần khiết chất phác của từng cây mận, cây quýt, cây ổi…, từng con cá con chim con gà con vịt…, thấm đẫm tình quê, đong đầy nhung nhớ! Nhìn lu “mái vú”, lu da trơn đựng nước mưa, bất chợt thấy nhớ chái bếp sau hè; ngó giàn bầu bí trổ bông bên bờ, bỗng dưng thấy nhớ cầu ao mẹ tắm con những ngày trưa hè đầy hoa nắng… Người thành phố dẫn con trẻ về lại quê nhà, chỉ tay cho con biết cây ra hoa kết trái như thế nào; dẫn con ra thăm cánh đồng để con trẻ ngó biết đồng ruộng Cửu Long; cho con bước khoan xuống tát nước để con trẻ cảm nhận được cái mát ngọt phù sa trong dòng nước sông quê… Những trải nghiệm đó, đánh thức sự biết thấy của con trẻ và sau nữa, sẽ trở thành vốn liếng cho con mai này sống với nhân quần khắp cõi thế gian. Không những vậy, chính những người trưởng thành xa quê, luân lạc mưu sinh khắp các bờ bến cũng bỗng dưng chợt nhớ ra hình bóng tổ tiên, ông bà, cha mẹ với nhà cửa vườn tược thời thơ ấu, gắn kết lại phần tâm hồn tưởng đã bị bụi đường sinh nhai phủ mờ”[15].
Thông qua góc nhìn của phê bình sinh thái, PGS-TS. Bùi Thanh Truyền còn giúp cho bạn đọc có điều kiện hình dung toàn cảnh văn chương Nam Bộ. Việc sắp xếp các thế hệ nhà văn Nam Bộ từ hồi đầu thế kỷ XX đến nay, giúp bạn đọc nhận ra trữ lượng dồi dào, phẩm lượng đa dạng, sinh hoạt phong phú sôi động hơn thế kỷ qua trong sinh hoạt chữ nghĩa ở vùng đất phương Nam. Khoan nói đến ý thức/quan niệm sinh thái, nhà nghiên cứu đã có đóng góp cho việc “kiểm kê” và “hệ thống” bức tranh văn học Nam Bộ. Sự thao tập/nghiên cứu phê bình sinh thái: -tập hợp kiểm kê bức tranh và lực lượng sáng tác có màu sắc sinh thái; – diễn trình ý thức/quan niệm/màu sắc sinh thái trong văn xuôi; – thông điệp hiện lên từ diễn trình đó. Sự triển khai này dựa trên khung lý thuyết/hệ quy chiếu và các khái niệm của phê bình sinh thái Tây phương. Cho bên, trang nghiên cứu vừa đậm tính học thuật song chẳng kém phần gần gũi và thiết thực. Giá trị thực tiễn biểu hiện ở chỗ: “Bài viết bước đầu phác thảo tiến trình văn xuôi hiện đại Nam bộ nhìn từ sự chuyển dịch của tinh thần sinh thái bằng cách tái dựng con đường giải huyền thoại của tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn đối với quan niệm “nhân loại trung tâm luận” của chủ nghĩa nhân văn, tiến đến “trái đất trung tâm luận” hay “tự nhiên trung tâm luận” của phê bình sinh thái. Đây cũng là cơ sở quan trọng khẳng định tính cấp thiết, những nỗ lực đổi mới quan niệm, lối viết, sự đồng hành giữa tính dân tộc với tính nhân loại của những sáng tác này”(tr.134-135). Nỗ lực của nhà nghiên cứu trong việc kết nối tính dân tộc với tính nhân loại quả thực rất đáng ghi nhận.
Bên cạnh phân kỳ theo dòng thời gian, PGS-TS. Bùi Thanh Truyền còn phân chia theo thể loại nhằm nắm bắt văn xuôi Nam Bộ. Việc này, cho thấy các văn nhân ở Nam Bộ trải nghiệm/thử nghiệm ngòi bút ở nhiều địa hạt khác nhau, để hướng tới việc thể hiện vấn nạn môi trường sinh thái hôm nay. Nhất là, ông chỉ rõ được ưu nhược của thể tản văn trong việc chuyển tải thông điệp sinh thái. “Dễ viết (nhưng viết hay thì không dễ), có sự giao thoa giữa văn chương và báo chí, tự sự với trữ tình, phi hư cấu và hư cấu, những tri nhận lý tính “người thật việc thật” với rung ngân cảm tính, bó buộc và tự do, thói “bới bèo ra bọ” và chất nghệ sĩ, nét tuyền thống và hiện đại trong xuất bản, tương tác với độc giả, sự phối hòa các thủ pháp tả, kể, liên tưởng …. , những ưu thế này khiến tản văn có uy lực không hề nhỏ trong việc thể hiện tiếng nói sinh thái, trở thành một viện bảo tàng mini của cuộc sống”(tr.132). Với nhận định này, nhà nghiên cứu tỏ ra tinh tường, sâu sắc với thế đứng của người trong cuộc. Ông phóng tầm nhìn rất rộng, rất bao quát để đánh giá diễn biến văn xuôi sinh thái – tản văn với khuynh hướng/ý thức sinh thái – nhất là trong phạm vi văn học nữ. PGS.TS. Bùi Thanh Truyền rất gần gũi và thấu hiểu văn học nữ (tản văn nữ) với ưu điểm của thể loại và sở trường của nữ giới với thể loại này, giúp cho tản văn sinh thái nữ phát triển mạnh mẽ, đa dạng (tr.133). Sự quan tâm đến tản văn nữ nói riêng, văn học nữ Nam Bộ đương đại nói chung, ông cũng cho thấy dường như tâm hồn nữ có mối tương giao sinh thái mạnh mẽ với rung cảm mãnh liệt vượt trội trong việc cảm ứng với vấn đề sinh thái môi trường. Mà có lẽ, chẳng riêng gì vấn đề môi trường sinh thái, cơ hồ tâm hồn nữ có khả năng rung cảm nhạy bén khiến ta khó có thể lý giải nổi.
Nét chung trong nghiên cứu của các tác giả, chính là từ vấn đề nhỏ khai triển đến vấn đề rộng lớn với góc nhìn đa chiều bao quát. Nguyễn Hồng Anh đi từ trang văn của Trang Thế Hy đến diễn trình văn xuôi Nam Bộ thông qua cặp khái niệm “pastoral-wilderness”. Từ đồng quê đến với đô thành Sài Gòn trước 1975 và thành phố Hồ Chí Minh sau 1975, từ thế giới cũ hiền lành thương mến đến thế giới mới đầy bất trắc đe dọa, nhà nghiên cứu đã kết hợp góc nhìn lịch sử với quan niệm sinh thái học văn hóa để phác họa bức tranh văn xuôi Nam Bộ thế hệ Trang Thế Hy, Sơn Nam giai đoạn trước và sau 1975. “Có thể lý giải điều này dựa vào thời điểm lịch sử của vùng đất nhà văn sinh sống: Sài Gòn trước và sau 1975 đối với nhà văn đều là một New World: trước 1975 là sự mới mẻ của một Sài Gòn chưa ổn định sau giải phóng. Trong khi đó, miền Tây Nam bộ sau khoảng thời gian khai phá của lưu dân đã định hình cả về địa chất và văn hóa, nên sự dữ dội, thử thách của vùng đất mới trong văn Sơn Nam ngày nào đã trở thành Old World hiền lành trong văn của Trang Thế Hy” (tr.189). Nhìn rộng ra, vận động mở cõi từ thời chúa Nguyễn vào Đàng Trong cho đến hôm nay chính là quá trình dịch chuyển nhận thức thế giới từ Old World đến New World, từ vùng Thuận-Quảng đến mũi Cà Mau, từ nông thôn đến thành thị, từ xưa đến nay, từ ký ức tới thực tại; căn cơ là giữa cũ-mới, quen-lạ, gần gũi-xa cách, đã biết-chưa biết, đã thích nghi-chưa thích nghi. Nói khác đi, quá trình vận động mở cõi-Nam tiến cũng chính là quá trình biến “đất mới” thành “quê nhà”. Do đó, vận động nhận thức sinh thái không tách rời nhận thức lịch sử-văn hóa giống nò, như chính Nguyễn Hồng Anh đã nhấn mạnh ngay từ đầu rằng: “để xác định ý niệm con người thì không thể tách rời lĩnh vực văn hóa”.
Thay lời kết
Trang nghiên cứu có sức quảng bác rộng rãi với dung lượng kiến thức đồ sộ. Nói về văn xuôi Nam Bộ, nhưng bạn đọc có thể hình dung cả hiện tình văn học sinh thái và phê bình sinh thái Âu-Tây qua những dấu hiệu khơi mào từ thời Phục Hưng cho tới buổi đương thời. Chưa nói gì đến sinh thái, chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ khiến bạn nhà quê choáng ngợp bởi diễn trình đời sống văn hóa tinh thần Âu-Tây được trình bày trên trang sách. Trang nghiên cứu tưởng mỏng song dè đâu thâu chứa cả vận động đời sống phương Tây hiện đại-đương đại. Và, văn xuôi Nam Bộ được nhà nghiên cứu minh định như bộ phận trong diễn trình văn học thế giới hôm nay. Quả thực, công sức này không hề nhỏ! Từ bài viết phác họa lý thuyết nước ngoài (của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy) tới bức trình phê bình sinh thái ở Việt Nam (của TS. Trần Thị Ánh Nguyệt) đến việc tiếp cận văn xuôi hiện đại Nam Bộ (của PGS.TS. Bùi Thanh Truyền)…, cũng như những bài viết về trường hợp tác giả văn xuôi Nam Bộ khác (Trang Thế Hy, Sơn Nam, Lê Văn Thảo, Nguyễn Ngọc Tư, …) cho thấy chiều kích vừa sâu vừa rộng; vừa đồng đại vừa lịch đại, vừa xa vừa gần của tập sách này. Do đó, tập sách có thể đáp ứng “tầm đón đợi” của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau.
Thêm nữa, giá trị tập sách không riêng về dung lượng thông tin, còn ở khả năng kích hoạt/khai mở/khuếch trương tâm tư về vấn đề đặt ra. Có thể nói, từ hệ thuyết sinh thái đến phê bình sinh thái và phê bình sinh thái ở Việt Nam, thì tập sách “Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ” đã khiến cho bạn đọc có lúc hoài nghi, có khi choáng ngợp, rồi băn khoăn và ngẫm suy! Tập thể tác giả với những góc nhìn khác nhau xoay quanh vấn đề phê bình sinh thái, mang lại cho tập sách những nhận định đa dạng, phong phú. Từ giả thuyết Gaia, sinh thái học tinh thần, thấu cảm môi trường, … tới nữ quyền luận sinh thái, mơ hồ sinh thái-ảo tưởng du lịch sinh thái, rồi vệt sinh thái, … văn xuôi Nam Bộ được minh định với giá trị mới, đóng góp mới. Từ Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Hoàng Văn Bổn, Lê Văn Thảo cho tới Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Dạ Ngân, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Hà Thanh Vân, … được bàn luận, chia sẻ thấu đáo.
Và, có lẽ, không quá khi cho rằng, tập sách “Phê bình sinh thái văn xuôi Nam bộ” đã tích cực góp phần đặt nền móng và bước đầu, khẳng định địa vị văn học sinh thái Nam Bộ trong dòng chảy văn học Việt Nam đương thời.
Chú thích:
[*] “Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ”, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2018
[1] Trần Bảo Định (2018). Bóng chiều quê (tập truyện ngắn). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.269.
[2] Arne Johan Vetlesen (2019). Cosmologies of the Anthropocene: Panpsychism, Animism, and the Limits of Posthumanism. London and New York: Routledge.
[3] Tu Weiming (2010). An “Anthropocosmic” Perspective on Creativity. Procedia Social and Behavioral Sciences 2 (2010), pp.7305–7311.
[4] “Đối với tôi, bao giờ bị rơi vào một môi trường thiếu cái khí quyển tương giao liên ngã vị ấy, tôi có cảm tưởng như cá bị lên cạn…. Tôi sợ nhất là cái hờ hững lãnh đạm quay cuồng của những cơ chế quay như guồng máy một cách phi nhân tính (inhumain). Thậm chí tôi còn cho rằng thà còn có tương quan vô nhân đạo còn hơn là phi nhân tính một cách hoàn toàn, hoặc còn hơn là phi ngã vị một cách có thể nói là trừu tượng mông lung”. Nguyễn Khắc Dương (2020). Hồi ức Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.79-80.
[5] Kim Định (2017), Cơ cấu Việt Nho, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.235.
[6]Nguyễn Đăng Thục (1970). Từ Dịch đến Trung Dung. Tạp chí Tư Tưởng Bộ mới Năm thứ III số 7 (01/11/1970). Viện Đại học Vạn Hạnh. tr.20 (9-25).
[7] Phan Khoang (1944). Trung dung chú giải. Triết học tùng thư. Hanoi: Mai Lĩnh tu thư cục, tr.7-8.
[8] Văn Học Sinh Thái (Kỳ 1 & 2) – Bàn Tròn Văn Học Nghệ Thuật ngày 4 & 11/12/2022. Nguồn: https://radio.voh.com.vn/ban-tron-van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-sinh-thai-ban-tron-van-hoc-nghe-thuat-4-11.12-2022-459235.html
[9] Cheryll Glotfelty and Harold Fromm (ed.,1996). The Ecocriticism Reader – Landmarks in Literary Ecology. Athens and London: The University of Georgia Press, p.xv.
[10] Scott Slovic. New Developments in Chinese Ecocriticism: Toward a Global Environmental Dialogue[J]. Foreign Literature Studies, 2020, 42(1): 14-21.
[11] Ning Wang (2018). Introduction: Ecocriticism and Ecocivilization in the Confucian Cultural Environment. Comparative Literature Studies Vol. 55, No. 4, SPECIAL ISSUE: Ecocriticism in East Asia: Toward a Literary (Re) Construction of Nature and Environment (2018), pp. 729-740.
[12] Rabindra Nâth Tagore (1973), Thực hiện toàn mãn (Sâdhanâ – Nguyễn Ngọc Thơ dịch), An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, Saigon, tr.16.
[13] Nhiều tác giả (2010). Đạo Phật và môi trường (Thích Nhuận Đạt dịch). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.110.
[14] Graham Huggan and Helen Tiffin (2015). Postcolonial Ecocriticism: Literature, Animals, Environment (2nd Edition). London: Routledge.
[15] Trần Bảo Định (2022). Lá rụng mùa – Mấy vấn đề môi trường sinh thái Nam bộ. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.60-61.
19/1/2023
Trần Bảo Định
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...