Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Vào "Lặng lẽ vườn thơ" - Khám phá một hồn thơ nở muộn

Vào "Lặng lẽ vườn thơ"
Khám phá một hồn thơ nở muộn

Tháng 11/2022, có một người anh trong giới cầm bút gửi cho tôi tập bản thảo thơ. Với lời nhắn là đọc và ghi lại nhận định khi tiếp cận với cây bút rất mới này. Đó là bản thảo tập thơ “Lặng Lẽ Vườn Thơ” của một người phụ nữ gốc Huế dịu dàng – Nguyễn Thị Xuân Mãn. Chị đến với thơ khá muộn vào cái tuổi thất thập rồi nhưng tâm hồn thơ của chị vẫn dạt dào tươi mới.
Đây là tập thơ đầu tay của chị với có hai phần:
Phần 1 gồm 100 bài thơ là những niềm tâm sự của chị về tình đời, tình người và cũng có cả tình yêu rất ngọt ngào, lãng mạn.
Phần 2 là những bản ký âm của các nhạc sĩ đã tìm thấy sự đồng điệu trong thơ chị và phổ nhạc thành những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Ở cuối tập thơ là những dòng tâm sự của tác giả viết bằng văn xuôi.
Có thể nói Lặng Lẽ Vườn Thơ là tiếng lòng gửi gắm của nữ tác giả. Ở đó có những suy ngẫm, chiêm nghiệm về bao nỗi vui buồn nhân thế. Thơ chị viết từ cảm xúc trữ tình và có khi là cảm xúc tự sự được đan xen. Với ngôn ngữ dung dị và có phần mộc mạc gần gũi với đời thường. Có những câu thơ tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày mà vẫn tràn đầy xúc cảm. Để lại sự đồng điệu trong lòng người đọc. Thơ chị viết có tình cha, nghĩa mẹ, nỗi đau đáu về quê hương xứ sở. Qua thăng trầm dâu bể của đời người. Khi hạnh phúc sum vầy hay những cách xa của kiếp người nếm trải. Tất cả đọng lại trong thơ một niềm tâm sự riêng mang mà chạm tới lòng độc giả bởi những sắc thái tình cảm mà trong cuộc đời con người ai cũng từng trải qua hoặc biết đến. Lặng Lẽ Vườn Thơ là một tập thơ đầy tình người và lẽ đời như thế!
Mở đầu tập thơ, chị dành cho cha mẹ những câu thơ rất đỗi chân thành, hồn nhiên và đầy tự hào về người cha mà đối với chị là “ông Phật sống”. Trong thơ, hình bóng người cha của chị là một người học rộng, từng làm quan tri huyện, hiền lành và tài hoa:
“Ba vẽ rất đẹp
Và làm thơ rất hay
Có cả mấy ngàn bài thơ Đường luật
Có những bài đọc được cả ngược xuôi
Mà ai cũng ngợi khen tài
Cả một dãy niềm Trung
Nhiều Chùa đã in dấu ấn
Những câu Đối ba trao
Cùng tấm lòng thơm thảo”
(Ba Tôi- Ông Phật sống)
Và mẹ chị (người Huế thường gọi là mạ) là một người phụ nữ giỏi giang, hiền lành, chịu thương chịu khó, đảm đang chu toàn vén khéo gia nương và có tấm lòng nhân ái. Bà cùng chồng thường phát chẩn, từ thiện cứu dân với bát cơm ấm lòng những lúc mất mùa đói kém.
“Vào những năm Bốn Lăm
đói kém kinh hoàn
Mượn Công đường Mạ đã cùng Ba phát chẩn”
(Mẹ tôi)
Cảnh vật thiên nhiên đi vào thơ chị với những câu thơ nhẹ nhàng, lãng mạn.
“Vì sao mây lại bay
Làm cây lao xao gió
Lá xanh lấp lánh vội
Xô đẩy màu trời trôi…”
(Vì sao em khóc)
Mối tình đầu bao giờ cũng vậy, rất nhẹ nhàng những cũng lắm đắng cay. Để lại trong thơ nỗi buồn thuở vào đời. Thời thanh xuân, tình yêu ấy mấy ai đi trọn kiếp cùng nhau. Chỉ mình em biết lí do nước mắt rơi, có chăng chỉ thêm Trời mới hiểu.
“Hôm nay em lại khóc
Mưa bay ướt mái đầu
Trời và em cùng biết
Tại chúng mình không nhau.”
(Vì sao em khóc)
Những vần thơ khi viết về tình yêu thuở đầu đời có chút bâng khuâng, man mác buồn, nhìn cảnh vật cũng hiểu lòng người. Chị dùng nghệ thuật: tả cảnh ngụ tình là đây:
“Chút sương đọng trên lá
Như nỗi buồn vương mang”
(Xin hỏi nỗi buồn có cuốn trôi)
Đời vốn vô thường, chị hiểu điều đó nhưng khi phải chia tay vĩnh viễn với người chị của mình, tác giả không khỏi xót xa thương nhớ:
“Chị nay đã vắng bóng
Lặng lẽ một mình em
Dẫu biết vô thường gọi
Nhưng sao vẫn nặng lòng.”
(Vắng chị)
Ở chị toát lên một tâm hồn trong trẻo, nhìn đời thật hiền, thật đáng yêu. Chỉ bằng những câu thơ giản dị, trình bày dễ hiểu chị đã chấm phá vào bức tranh thiên nhiên những câu thơ đẹp. Quả là “Thi trung hữu họa”. Chị đã chọn lọc đưa vào thơ hợp lý để những vần thơ có hình ảnh và màu sắc, có giá trị biểu cảm.
“Thuyền nhỏ đầy mây trắng
Chở luôn cả chiều vàng
Với ngàn sao lấp lánh
Bốn mùa thơm ngày xanh”
(Thuyền Mơ)
Chúng ta hãy đến với những vần thơ của chị khi viết về tình bạn:
“Vòng tay mở rộng muôn phương
Tình thương là một con đường gấm hoa
Bạn bè tay nối bao la
Vòng tay lớn nối một nhà yêu thương”
(Tình Bạn)
Đọc thơ của chị Nguyễn Thị Xuân Mãn, chúng ta thấy ở đó hình bóng tác giả hiện ra trong thơ là một con người nhân hậu, rộng lượng và giàu cảm xúc. Tấm lòng nhân ái chị được hưởng từ truyền thống gia đình, đã hun đúc dung dưỡng nên tâm hồn đa cảm, giàu tình thương. Với mọi người, luôn yêu thương, kết nối bạn bè xa gần và ước muốn đối với nhau bằng tình thương mến thương của tha nhân.
Như chúng ta đã biết thơ được hình thành từ ba yếu tố: cảm xúc, ngôn từ và kỷ thuật. Trong đó cảm xúc vẫn là yếu tố quan trong nhất. Đọc thơ chị cho thấy những dòng thơ tràn đầy xúc cảm. Nhà thơ Sóng Hồng viết: “Làm thơ không phải dễ…Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng” *(1). Chúng tôi có cảm giác là chị mượn câu chữ để gửi gắm nỗi niềm chứ chị không có mục đích làm thơ, hay làm dáng văn chương gì cả. Nên vì thế không cần trau chuốt gì nhiều, chị cũng không đặt nặng phần kỷ thuật thi ca mà chỉ là từ cảm xúc chân thành, tiếng nói bắt nguồn từ trái tim, sẽ chạm đến trái tim bạn đọc. Khi đã bước vào tuổi thất thập – mùa thu của đời người chị mới bước vào thơ. Thơ chị có nhạc điệu, dù là thể thơ truyền thống hay thơ tự do. Như lục bát hay thể thơ năm chữ, bảy chữ hay  tám chữ… Những vần thơ đi vào lòng người khi có cùng tâm trạng, bạn đọc sẽ tìm thấy tiếng nói đồng cảm sẽ chia từ tác giả. Dù muộn, nhưng chị đã lưu lại trong thơ những kỷ niệm đẹp của tình người, của tấm lòng thơm thảo và hiếu nghĩa. Dù đến với bạn đọc khá muộn nhưng thơ chị vẫn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc.
Chú thích:
* (1) Sóng Hồng-Thơ tuyển tập. Nxb Văn Học, Hà Nội, 1967
Sài Gòn, 1/12/2022
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...