Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - Một trường hợp đặc biệt của thi ca Việt Nam hiện đại

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - Một trường hợp
đặc biệt của thi ca Việt Nam hiện đại

Huỳnh Văn Nghệ là một trong những nhà quân sự tài ba, lập nhiều chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài tài năng quân sự, ông còn được trời ưu ái cho một tâm hồn thi ca mẫn cảm, được nhân dân yêu quý phong tặng danh hiệu “thi tướng”. Và nhìn trên phương diện văn học sử, có thể nói Huỳnh Văn Nghệ là một trường hợp đặc biệt của thi ca Việt Nam hiện đại nói chung và phong trào Thơ mới nói riêng.
Phong trào Thơ mới khởi phát từ năm 1932 và kéo dài đến 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Khi lựa chọn tác giả đưa vào trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân đã không đả động gì đến cái tên Huỳnh Văn Nghệ cũng như một vài tên tuổi khác. Nguyên do thật vô cùng. Chỉ có một sự thật chắc chắn rằng những sáng tác đầu tay của Huỳnh Văn Nghệ diễn ra trong thời kì Thơ mới và cũng hòa chung với âm hưởng chủ đạo của thơ ca giai đoạn này. Trong bài Chiếc lá thị thành, nhà văn Mộng Tuyết cho biết Huỳnh Văn Nghệ có những bài thơ tình “mùi mẫn” đậm chất lãng mạn của Thơ mới trên báoSống. Số 26 ra ngày 21 tháng 8 năm 1935 của báo này đăng bài Xé nát thơ tình của ông với những câu thơ: Chiều nay anh xé nát những thơ tình/ Thả tung theo gió chiều như đàn bướm/ Rủ nhau nhào xuống bể xanh sóng gợn/ Để hợp bầy cùng bóng bướm dưới dòng xanh/ Bỗng hai đàn ướt cánh nổi lênh đênh/ Vì anh sợ… rồi đây anh cũng thế/ Nên quá yêu em anh không buồn kể/…/ Vì yêu em anh nhúng ướt đôi cánh vàng/ Rồi âm thầm thương tiếc khoảng không gian.
Báo Sống số 27 ra ngày 28 tháng 8 năm 1935 đăng bài Trăng tàn trên sông phảng phất phong vị của Tì bà hành ngày trước. Bài thơ là cuộc trò chuyện giữa đôi tình nhân cũ: Bên bờ sông, tiếng cú gọi trên cây/ Trong bóng tối gieo mối buồn trên quãng vắng. Khi chàng trai vừa nghe thấy tiếng hò quen thuộc và vui mừng tìm tới mong nối lại tình xưa cũ Kìa ai ơi. Hãy đợi nhau cùng/ Trăng khuya sắp tắt, gió thổi lạnh lùng/ Anh đi tìm nàng Ái Ân yêu dấu/ Trên chiếc thuyền tự bao giờ chưa đậu/ Đã mỏi mê anh chửa gặp người yêu/ Ngày đêm trôi bên cảnh vật đìu hiu/…/ Em phải chăng người lau ráo lệ anh/ Vừa khuyên lơn an ủi, dỗ dành/ Cho anh bớt buồn, thương giữa chốn mênh mông bát ngát thì bị cô gái đáp trả một cách lạnh lùng, gay gắt: “Trăng đã tàn, đêm sẽ tối, ai ơi”/ Đi tìm bạn ái ân? Ôi, đã muộn rồi/ Người đã yêu anh, anh không muốn biết/ Bỏ ai lại bên sông với bao nhiêu thương tiếc/ Anh rứt ra đi phỉ chí tang bồng/ Để mặc ai ôm mãi vết thương lòng/ Mấy năm qua chỉ vì anh đau khổ/…/ Nay anh trở về than khóc bên sông/ Thì kẻ anh yêu nay đã có chồng/ Ái Ân nay không còn là Ái Ân ngày trước/ Đừng kiếm mất công không bao giờ tìm được/ Hãy về đi, trở lại con đường xưa/ Rồi quên em trong gió bụi nắng mưa.
Số báo 30 tiếp tục đăng bài Em không muốn của Huỳnh Văn Nghệ với những khát khao tình cảm nồng cháy như Xuân Diệu trong Vội vàng: Anh yêu em? Nơi nào? Anh hãy nói/ Mà mãi lắng tai nghe tiếng gọi/ Mà mãi âu sầu thương, nhớ vẩn vơ/ Để bên anh năm, tháng ai đợi chờ/ Này trông em: ánh xuân tươi sắp biệt/ Hãy yêu em kẻo trễ bạn lòng ơi.
Với nội dung thơ, giọng điệu thơ, âm hưởng thơ như thế, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng Huỳnh Văn Nghệ là một nốt nhạc trong dàn đồng ca Thơ mới 1932 – 1945. Tuy nhiên đây là một nốt nhạc đặc biệt. Bên cạnh những đặc trưng chung của Thơ mới, thơ Huỳnh Văn Nghệ giai đoạn 1932 – 1945 vẫn có những nét riêng khác biệt với các nhà thơ Thơ mới cùng thế hệ, trong đó điểm cốt lõi nhất là sự khác biệt về quan niệm thi ca. Đa phần các nhà Thơ mới đề cao nghệ thuật vị nghệ thuật, coi thơ ca là phản ánh tâm hồn lãng mạn của thi sĩ. Xuân Diệu từng viết Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Cảm xúc). Thế Lữ thì cho rằng mình chỉ là khách tình si/ Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể (Cây đàn muôn điệu). Tuy nhiên ở miền Nam, Huỳnh Văn Nghệ lại có một quan niệm khác về thơ ca. Mặc dù chưa quyết liệt, mạnh mẽ như Sóng Hồng Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền (Là thi sĩ) nhưng quan niệm thơ ca của Huỳnh Văn Nghệ rất rõ ràng: Dùng ngòi bút phục vụ cho công cuộc giải phóng đất nước, dân tộc khỏi họa xâm lăng. Trong Trăng lên, ông đã mượn lời một người thi sĩ bày tỏ khát vọng có được tiếng đàn gảy lên khúc ca hận để thức tỉnh nhân dân cùng đứng lên chống kẻ thù chung, thống nhất hai miền Nam – Bắc: Rồi âu sầu thi sĩ bảo tôi rằng/ Muốn làm sao ta có sợi dây đàn/ Đem giăng thắng nối hai chòm Nam, Bắc/ Chờ tiếng xôn xao ban ngày đã tắt/ Ta trỗi lên khúc “Hận ngàn thu”/ Nghe đàn ta hăm lăm triệu đồng bào/ Bỗng nhớ rằng mình cùng chung nỗi hận/ Như bầy chim cùng chung số phận/ Trong một lồng sắt cứng, cánh còn non. Bài Mộng làm thơ là một tuyên ngôn đanh thép của ông sẽ đứng về phía nhân dân cần lao: Chàng chỉ muốn đề thơ bằng máu/ Trên mây hồng cho gió rải cùng trời/ Để những người đau khổ khắp nơi nơi/ Ngừng đau khổ/ Và thương nhau/ Khi thấy hàng chữ máu. Quan niệm thơ ca trên khá gần gũi với nhận thức của Tố Hữu trong Từ ấy: Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Với một quan niệm như trên, thơ Huỳnh Văn Nghệ chan chứa giá trị nhân đạo. Ông bộc lộ tình cảm xót thương đối với những kiếp người nghèo khổ, bất hạnh. Nhìn đám ma của người đàn ông trong mưa lạnh, ông ngậm ngùi cho người nằm xuống, cảm thương cho người vợ trẻ cùng đàn con dại bước theo sau: Đám ma ai giữa mưa dầm gió lạnh/ Bốn người khiêng lắt léo chiếc quan tài/ Người vợ kêu trời khan cả giọng/ Ẵm con thơ lần bước dưới mưa rơi/ Sau góa phụ còn hai con trẻ dại/ Dắt dìu nhau nheo nhóc khóc không thôi/ Và sau nữa… không còn ai nữa hết/ Bầy chó theo sủa mãi đám ma côi(Đám ma nghèo). Ông ái ngại, xót xa cho người bà nghèo cứ mải miết bước đi như vô định để bán cau khô giữa trưa hè rực lửa nắng cháy da, cháy thịt: Trên đường cát xa thăm thẳm ấy/ Bà bán cau, gánh nặng trên vai oằn/ Lẹ làng đi, dưới chân cát cháy/ Nón, dù đâu? Nắng đốt chiếc khăn rằn/ Gió bốc khói tung lên cuộn bụi trắng/ Xóm mờ xa khuất dạng sau rừng tre/ Mồ hôi chảy vòng quanh đôi má rám/ Bà bán cau bước mãi dưới trưa hè (Bà bán cau).
Ngoài cảm hứng nhân đạo, tình yêu nước cũng là một chủ đề lớn trong thơ Huỳnh Văn Nghệ. Yêu quê hương, Huỳnh Văn Nghệ đã viết lịch sử đất nước bằng thơ. Bài Lịch sử quê hương của ông là lời nhắc nhớ với người dân miền Nam về cội nguồn của mình. Người miền Bắc và người miền Nam đều chung một nguồn cội, không thể phân chia thành các vùng miền khác nhau với các chế độ khác nhau như lời thực dân Pháp rêu rao, đầu độc: Ngày xưa có đoàn người từ miền Bắc/ Chán ghét vua quan áp bức/ Họ đạp núi rừng vượt sóng biển khơi/ Đi vào Nam làm lại cuộc đời/ Tìm đất mới gieo mầm hạnh phúc/ Có con sông cũng tìm hướng Bắc/ Vượt núi rừng ghềnh thác/ Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao. Ý thức Nam – Bắc chung nguồn cội ấy cũng biểu hiện rõ nét trong Nhớ Bắc, bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Nhớ Bắc thể hiện niềm tự hào về một dân tộc Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa, ngàn năm văn vật. Con người Việt dù đi đâu về đâu vẫn nhớ về nguồn cội con Lạc cháu Hồng, vẫn nhớ về Thăng Long ngàn năm văn hiến, trái tim, biểu tượng của người Việt: Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Trong tâm thức của Huỳnh Văn Nghệ, đất nước như một người mẹ hiền trải qua bao năm tháng vẫn vững vàng che chở, nuôi dưỡng đàn con thơ: Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỉ/ Gót Cà Mau, đầu tận ải Nam Quan/ Cửu Long Giang buông dài làn sóng tóc/ Dựa Trường Sơn đứng gác Thái Bình Dương (Việt Nam).
Đề tài lớn nhất, xuyên suốt trong phần lớn sáng tác của Huỳnh Văn Nghệ là cuộc sống, chiến đấu của quân và dân chiến khu Đ anh dũng, kiên cường. Chiến khu Đ là căn cứ địa cách mạng gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ. Cái tên chiến khu, như lời ông tâm sự, ra đời trong một cuộc thảo luận bên ấm trà giữa ông và những người đồng chí đồng đội. Sau cùng chiến khu Đ là cái tên được lựa chọn, mở ra một trang sử huy hoàng của quân và dân Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp: Sau Nam Kì khởi nghĩa/ Trước cách mạng mùa thu/ Có một nhóm đồng chí/ Ra thành lập chiến khu/ Ngồi quanh một ấm chè/ Thảo luận suốt trưa hè/ Tên chiến khu bất khuất/ Đồng Nai hay Đất Cuốc/ Rốt cuộc Chiến khu Đ/ Đã bao mùa lá vàng rơi từ ấy/ Chiến khu Đ vẫn đỏ máu quân thù.
Viết về chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời nơi đây: Rừng đẹp như một bài thơ cổ/ Cành cao vượn hú/ Ríu rít tổ chim/ Bờ suối đỏ hoa sim/ Thảm cỏ xanh điểm vàng quả bứa/ Đêm trăng một người một ngựa/ Lỏng cương cho gió ráo mồ hôi (Rừng đẹp).
Viết về chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ viết về những khó khăn, vất vả mà mình và đồng đội đã trải qua. Đó là những bữa ăn thiếu thốn, củ khoai, củ sắn chia nhau, là những buổi hành quân dài gian lao, mệt mỏi: Thương cả đoàn quân đi dưới nắng mưa/ Áo ướt rồi khô, khô rồi lại ướt/ Nước mắt ống tre, muối mè cơm vắt/ Nương áo nhu lần bước đêm rừng/ Mệt hoa mắt, mỏi rã chân (Hành quân).
Viết về chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ viết về những năm tháng chiến khu nguy ngập trước sức tấn công điên cuồng của kẻ thù: Mất bờ sông là mất một nửa chiến khu/ Mất nước ngọt bờ tre gió mát/ Thuyền tiếp tế lúa khoai chìm đáy nước/ Đường giao thông liên lạc đứt đôi bờ (Bờ sông bị chiếm).
Viết về chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ ngợi ca sự dũng cảm, kiên cường của người lính chiến khu. Mặc dù bị địch dọa nạt, tra tấn bằng hình thức dã man nhất là mổ bụng nhưng người lính trong Giữ bí mật vẫn nhất mực không khai: Tao quyết sẽ giết mày/ Khám phá điều bí mật/ Mổ bụng mày rõ ngay/…/ Nó rạch bụng ra coi/ Rồi mắt nó trắng nhợt/ Nhìn thấy mấy miếng khoai. Em gái nhỏ trong Em gái liên lạc chỉ cười trước lời hăm dọa cắt cổ, thả trôi sông của quân giặc: Lắc đầu em cố nói không/ Giặc hăm cắt cổ thả sông em cười. Và trong lúc thiếu thốn thuốc men, người lính đã cất cao tiếng hát để xua đi nỗi đau khi bác sĩ… cưa chân: Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/…/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi từng giọt đỏ hồng/ Hai tay anh siết chặt đôi hông/ Dồn đôi phổi vào trong tiếng hát/“Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc”/ Đã hát đi hát lại bao nhiêu lần/ Vẫn chưa đứt xương chân/ Vẫn chưa ngưng máu đỏ (Tiếng hát Quốc ca). Với bài thơ này, Huỳnh Văn Nghệ đã đưa tầm vóc của người lính chiến khu Đ lên tầm huyền thoại.
Viết về chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ viết về tình cảm gắn kết toàn quân một ý chí chiến đấu chống giặc: Cũng có người vừa đi vừa mơ ngủ/ Nhưng cả đoàn quân chung một giấc mơ (Hành quân); viết về niềm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng sau cùng của cách mạng: Giữa lòng dân hoa vẫn nở niềm tin/ Việt Minh sẽ về chiếm lại sông xanh (Bờ sông bị chiếm).
Viết về chiến khu Đ, giọng thơ Huỳnh Văn Nghệ vút cao hào sảng khi nói về những chiến công của quân ta trong trận đánh diệt thù: Trảng Bom lửa cháy ngập trời/ La Ngà xe giặc bời bời giữa trưa (Tình súng).
Bắt đầu từ một nhà thơ lãng mạn của phong trào Thơ mới, nhưng không cần đến một cuộc chuyển mình Theo bờ tư tưởng ta lìa ta/ Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà, Huỳnh Văn Nghệ đã trở thành nhà thơ – chiến sĩ một cách tự nhiên nhất. Trong con người ông, phẩm chất dũng tướng và thi nhân kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn. Cả cuộc đời vừa đánh giặc vừa làm thơ, mặc dù khiêm tốn tự nhận Gửi lại bạn những vần thơ trên cát/ Và giờ đây tôi qua bến lên đường (Bên bờ sông xanh) nhưng với những gì cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và thơ ca, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã trở thành huyền thoại trong nhân dân. Ông đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, thỏa mãn Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai nam bắc đông tây (Nguyễn Công Trứ) của một trang hảo hán trong thời loạn.
26/3/2023
Trần Thị Hồng Hoa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...