Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Đọc "Ấm lạnh pháp đình" Nguyễn Minh Tâm

Đọc "Ấm lạnh pháp đình"
Nguyễn Minh Tâm

Nguyễn Minh Tâm là hội viên thơ của Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông làm nghề luật sư (LS), được người trong giới coi trọng. Về thơ, “Ấm lạnh pháp đình” là tập thứ ba của ông, sau “Lời ru thầm” (Nxb Thanh niên 2005) và “Tóc đất” (Nxb Thanh niên 2006), do Nxb HNV ấn hành, quí I năm 2023. Tập thơ gồm 104 bài, mở đầu là “Tìm”, với “Đường nghề cứ mải miết đi/vẫn chưa tìm được cái gì/chán chưa”, và khép lại bằng “Vầng trăng”, với “Ta đã hiểu những gì cần hiểu/có điều chi cấn cá nữa đâu”. Ngoài ra còn có hai lời bạt, một của Lê Thiếu Nhơn “Lời thơ lặng lẽ xoa dịu tiếng oan thấu trời”, và một của  Nguyễn Quốc Văn “Bốn điểm lạ trong tập thơ Ấm lạnh pháp đình”.
Tôi đã đọc kỹ tác phẩm. Thế giới pháp đình của Nguyễn Minh Tâm ảo diệu lắm. Tác giả, có lúc xưng luật sĩ, lúc khác xưng thảo dân, có lúc như nhà tiên tri, như phán quan răn dạy điều này nọ. Ông dắt người đọc đi và rủ rỉ kể cho họ nghe những câu chuyện ông từng nghe, từng thấy. Ở đó có “Nước mắt” (từ trong ngoặc kép là tên bài thơ) của bị cáo chồng nhận hình phạt thêm cho bị cáo vợ trong vụ đồng phạm với sếp; có “Tranh luận”, Tranh luận là đối đáp/cho ra môn ra khoai/chỉ có đối không đáp/thật ra chả giống ai”; có “Đại, Tiểu”; “Tủi thân”; có “Cụ Đa” ở sân tòa; “Nói với em” trong vụ ly hôn; có “Em xin”, lời của người vợ xin đoàn tụ trong vụ án ly hôn, tai bay vạ gió khiến chồng tàn phế, sợ vợ con khổ liền đâm đơn ly hôn, người vợ thì cố níu lại, Em xin anh hãy rút đơn/nghĩa tình đừng tính thiệt hơn làm gì/cho dù đất chuyển trời suy/chân em đủ đỡ anh đi trọn đời; là “Nếu (I)”; “Nếu (II)”; là “Công lý”, Công lý vốn dĩ công bằng/chả phân biệt ông với thằng đâu em/chỉ vì thời buổi nhá nhem/thì thằng, ông mới nhập nhèm thế thôi; có “Được mất”; “Hai phiên”; “Vô danh”; “Trước sân tòa”; “Tiễn ông Táo”, Hôm nay ông lại về giời/liệu ông có tấu được lời nào không/hay là ông lại lòng vòng/coi như…tóm lại…nói chung…tốt mà; có “Lời nói cuối cùng của một bị cáo”; có “Chân dung một bị cáo”, nói năng khúc triết rất mực đàn ông chỉ tội là không có râu; “Khai-không khai”; “Câu thơ viết giữa pháp đình”; “Vầng trăng”.
Ông kể chuyện dí dỏm, thường là cuối mỗi câu chuyện, dĩ nhiên bằng thơ, lại đúc đôi triết lý, là sự chiêm nghiệm của bản thân ông. Trong “Ngụ ngôn”, tương tác giữa bụng-đầu-miệng, ông viết: “Cái cơ thể nó vậy/thì biết làm thế nào/cái cơ địa nó thế/thì biết tính làm sao/thong thả ngày thứ bảy/viết mấy câu ngụ ngôn/ngẩng lên trời bỗng thấy/tiếng vọng của vần…ồn”. Ngụ ngôn thế này đọc cười rụng rốn. Vô lượng thuật ngữ pháp lý, tố tụng, tranh tụng, hình phạt, buộc tội, gỡ tội, đương sự, phạm nhân, nhục hình, hồ sơ, thân chủ, suy đoán vô tội, cáo trạng, án sơ thẩm, phúc thẩm, kháng án, tội danh…được thơ hóa hết. Tuốt tuột, luật có thuật ngữ gì thì trong thơ ông có thuật ngữ ấy. Ôi chao, người thường nghe hai từ pháp đình, chưa rõ đầu Ngô đuôi Sở thế nào đã gai lạnh, vậy mà ông chơi trên trăm bài, đọc tốt.
Có thể nói thế này, đấy căn bản là những bài thơ hữu ích. Tôi đánh giá cao sự sẻ chia về thân phận con người trong thơ ông. “Đại án hay tiểu án/chỉ khác về quy mô/tiểu án là án nhỏ/đại án là án to/nhưng có điều không khác/là số phận con người/đại án hay tiểu án/cũng giống nhau cả thôi” (Đại, Tiểu). Minh định to nhỏ, trong thơ có thể coi đây là phát hiện. Chính sự sẻ chia thân phận con người, tôi thích thân phận hơn số phận, đã tôn vinh tác phẩm và tác giả. Thơ Nguyễn Minh Tâm ít chau chuốt, nhưng đủ khiến người suy tư. Trước thân phận con người và sự sẻ chia tự đáy lòng, những thô ráp, thì là mà đâu đó của văn xuôi trong thơ bỗng trở nên bé mọn, tầm thường. Xin chúc mừng tác giả!
TP HCM, 14/2/2023
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...