Ngày xuân, đọc thơ Giang Nam
Nhà thơ Giang Nam sinh năm 1929 tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông tên thật là Nguyễn Sung, Giang Nam là bút danh, cùng
nhiều bút danh khác như Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh,… nhưng là bút danh chủ yếu,
được đông đảo bạn đọc nhắc nhở, vì bút danh này gắn với những thi phẩm nổi tiếng: Quê
hương, Nghe em vào đại học.
Nhà thơ Giang Nam đến với cách mạng, cũng là đến với thơ từ
những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong tập hồi ký Sống và
viết ở chiến trường, ông viết: “Những ngày kháng chiến ban đầu ấy đúng là một
trường học lớn cho chúng tôi, đặc biệt đối với tôi là một cậu học sinh lơ mơ
chưa hiểu biết gì về chiến tranh. […] Xã phân công tôi phụ trách công tác thiếu
niên, tổ chức, hướng dẫn các em canh gác, tiếp tế, đưa đường cho cán bộ và sinh
hoạt văn nghệ (ca hát diễn kịch đề tài kháng chiến). Một thời gian sau, tôi được
phân công thêm công tác thông tin tuyên truyền, được đưa đi học lớp huấn luyện
cán bộ thông tin xã.”(1)
Bài thơ đầu tay của Giang Nam là bài Nhắn người chiến sĩ mang
âm hưởng ca dao với thể thơ lục bát, sáng tác khi ông đang làm Trưởng ban thông
tin xã. Bài thơ được đăng trên báo Thắng – tờ báo của Ty Thông tin Khánh Hoà, một
trong những tờ báo kháng chiến đầu tiên của các tỉnh Nam Trung Bộ. Vì vậy,
tháng 5.1948, ông được điều động về Ty Thông tin Khánh Hoà để làm báo.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đang là Phó trưởng Ty Thông
tin Khánh Hoà, ông được điều động ra Bắc để học lên đại học nhưng ông từ chối,
về lại Khánh Hoà hoạt động ở căn cứ Đá Bàn, rồi lên căn cứ Hòn Dữ (huyện Diên
Khánh), sau về Nha Trang hoạt động nội thành, phụ trách báo Gió mới. “12 số báo
của Gió Mới đó cũng là những ngày mà tôi không bao giờ quên của phong trào Nha
Trang, Khánh Hoà. Đó còn là thể nghiệm, là bước đầu của văn học yêu nước trong
lòng địch.”(2). Đây cũng là thời kỳ những bài thơ tình yêu ra đời, nổi tiếng nhất
là Quê hương.
Bài thơ Quê hương – bài thơ được đánh giá là hay nhất
của nhà thơ Giang Nam – được sáng tác năm 1960 ở căn cứ Hòn Dù (nay thuộc huyện
Khánh Vĩnh). Bài thơ, theo như tác giả hồi tưởng, được viết một mạch, không xoá
sửa, hình ảnh cứ như được xếp sẵn và hiện ra đầu ngọn bút. Bi cảm nhất là những
dòng cuối cùng:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Cô du kích-cô bé nhà bên trong thi phẩm chính là người vợ của
nhà thơ. Một buổi chiều, tại căn cứ Hòn Dù, nhà thơ nhận hung tin vợ và con gái
bị địch bắt trước đó hơn một năm, đã bị địch thủ tiêu. [May mắn thay, đây chỉ
là thông tin nhầm lẫn. Năm 1962, do không có chứng cớ buộc tội, địch buộc phải
trả tự do cho vợ và con gái ông]. Đêm đó, nhà thơ thức trắng, viết một mạch
trong tâm trạng “đau xé lòng anh, chết nửa con người”. Tác phẩm sau đó đoạt giải
Nhì giải thưởng Thơ 1960 – 1961 của tạp chí Văn Nghệ, một dấu son trong sự nghiệp
sáng tác của nhà thơ.
Cũng năm 1962, nhà thơ Giang Nam được điều động lên Khu VI, rồi
về chiến trường Nam Bộ. Chiến tranh càng ác liệt, thơ ông càng sung sức và càng
lạc quan, vì như chính nhà thơ đã nói: “Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu ấy
là ngọn nguồn cảm xúc lớn, là niềm vui lẫn nỗi đau trong thơ tôi. Thơ là trái
tim đồng thời là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của riêng mình.”(3)
Cảm hứng lãng mạn cách mạng đã tạo trong thơ ông hình tượng
người phụ nữ Nam Bộ trẻ trung, trong trẻo với đôi mắt đen tròn và tiếng cười
khúc khích cứ trở đi trở lại. Bài thơ đầu năm là món quà thơ nhà thơ dành tặng
cho những cô văn công “Đã đem mùa xuân về đẹp thêm cuộc sống
Giữa bom đạn, dầu sôi và lửa bỏng…”
Chú không thấy chiếc giỏ lam trong bàn tay cháu nắm
Chỉ thấy mùa xuân đang bước tới gần
[…] Chú nhìn lên: Kìa, đôi mắt đen tròn
Lấp lánh giữa tầng lá xanh biêng biếc.
Những cuộc sinh ly tử biệt đậm tính sử thi trong chiến tranh
qua thơ Giang Nam thành lời thầm thì tiễn biệt những người con gái mở to đôi mắt
đen tròn như muốn thâu nhận hết hình ảnh quê hương, đất nước trong giây phút
trước khi đi vào cõi bất tử:
Rừng núi mùa xuân hoa nở trắng
Em nằm đây nghe gió thoảng trên đồi
Với chim ca, với suối nguồn, nắng ấm
Mắt đen tròn nhìn mãi đám mây trôi.
(Gởi lại cây rừng)
Cùng với hình ảnh đôi mắt đen tròn, hình tượng người nữ trong
thơ Giang Nam còn tinh khôi, tinh nghịch với tiếng cười khúc khích dễ thương:
Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…
(Quê hương)
Trong Bài thơ tâm tình (sáng tác vào mùa xuân 1962), mùa xuân
– tiếng hát – tiếng cười khúc khích quyện hoà vào nhau khiến cho chiến tranh
như bị đẩy lùi ra xa, nhường cận cảnh cho những thanh niên mười tám tuổi “đầy
hoa hồng và mơ ước tương lai”:
Xuân sáng nay, xa cách mấy năm ròng
Tôi vẫn thấy người yêu tôi mười tám tuổi!
Tôi bỗng hát to: lòng vui phơi phới
Có tiếng ai cười khúc khích sau lưng…
Có thể thấy, với niềm tin lạc quan chiến thắng, thơ kháng chiến
của nhà thơ Giang Nam thường tìm đến với đề tài mùa xuân: Gởi lại cây rừng;
Đi để trở về; Hoa mùa xuân Nam Bộ; Bài thơ mùa xuân 1963; Bài thơ tâm tình; Có
một mùa xuân đẹp đã về; Bài thơ đầu năm; Giải phóng; Cho cháu yêu thương; Đón một
mùa xuân; Giữa mùa mai nở; Mùa xuân ơi, rất tuyệt vời;…
Với hình tượng mùa xuân, bầu trời xanh, ánh nắng, hoa – đặc
biệt là hoa mai – được tác giả tập trung khắc hoạ, làm thành một thế giới nghệ
thuật vừa đậm chất trữ tình vừa tràn đầy cảm hứng lãng mạn:
Mùa xuân đây rồi! Bầu trời xanh quá
Khói bếp bay quanh tàu cau, mái rạ
Từng tiếng trẻ reo cũng náo nức khác thường
Từng đôi mắt nhìn như nói được nhiều hơn,
(Bài thơ mùa xuân 1963)
Qua Nam Bộ giữa mùa xuân nắng ấm
Nhớ mãi những người lính trẻ mới quen…
[…] Khúc khích giành nhau từng hơi lửa ấm
Có những giấc mơ đầy hoa hồng ánh nắng
(Hoa mùa xuân Nam Bộ)
Chiến khu Đá Bàn: thác đổ rừng mai
Thấp thoáng quân đi, xanh rờn khoai lúa
(Đi để trở về)
Sau năm 1975, đất nước được hoà bình, thống nhất, nhà thơ
Giang Nam nhận công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Hà Nội. Đến năm 1989,
khi tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, ông trở về Khánh
Hoà, đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND Tỉnh. Đây là thời gian ông đi nhiều, nhất
là trở lại thăm những nơi đã từng công tác trong hai cuộc kháng chiến. Đi
và nhớ – thưởng lãm để vui sướng, tự hào; hồi cố để tưởng niệm, tri ân. Đó là
hai thao tác dường như không thể tách rời trong cảm hứng nghệ thuật của nhà
thơ.
Về thăm huyện Diên Khánh xuân 1976, qua cầu Sông Cạn, nhớ về
sĩ phu yêu nước Trần Quý Cáp bị hành hình tại đây, lòng dậy lên niềm biết ơn những
người đã ngã xuống, đã đổ máu cho cuộc sống được hồi sinh:
Lúa sắp vào vụ gặt, vườn đầy trái non
Công trường mới mọc lên ngổn ngang vôi gạch
Đôi mắt em cười, ôi đôi mắt miền Trung rất đẹp
Nơi ngày xưa máu đổ, nay bát ngát mùa Xuân.
(Qua cầu Sông Cạn, mùa xuân)
Ông trở về quê hương Ninh Hoà dịp xuân 2017, tưởng nhớ Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Trứ, ông viết bài thơ Em về thăm chị
mùa xuân, thủ thỉ trong xót xa:
Mùa trăng khuyết…chị nhớ không
Chợ Dinh, Phước Lý em không kịp về
Về lại tứ thôn Đại Điền (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) –
chiến trường cũ, “nơi anh viết”, “Nghe em vào đại học” – giờ đây lúa xanh mướt
đồng, trĩu hạt, lòng không khỏi hoài niệm về những chiến sĩ, dân quân đã dũng cảm
hi sinh:
Anh viết bài thơ hôm nay không phải dưới sao trời
Hạnh phúc lớn không chỉ là một giảng đường rực sáng
Tổ quốc ta, Tổ quốc những người dũng cảm
Mãi nhớ ơn người biết sống như em.
(Viết ở Đại Điền)
Những địa chỉ tâm hồn của thơ Giang Nam giai đoạn này trải từ
Bắc vô Nam, từ con sông Đà ở Tây Bắc đến tận đất mũi Cà Mau, và mùa xuân tươi
sáng vẫn là cảm hứng chủ đạo:
Ôi mùa xuân tôi đi dọc sông Đà
Hoa chuối đỏ như rất nhiều chấm lửa
(Sông Đà, mùa xuân)
Tết ngoài này rộn rã biết bao nhiêu
Cờ đỏ Hồ Gươm, sông Hồng áo đỏ
Dòng người đi trong mưa phùn trẻ lại
Đôi mắt cười như hạnh phúc tìm nhau
(Gửi Huế, xuân này)
Mùa xuân, con người thường tưởng nhớ cội nguồn. Đó là đạo lý
sống. Nhà thơ Giang Nam, đi trên quê hương Khánh Hoà, nhớ đến tổ tiên, nhớ những
bậc tiền nhân hơn 300 năm trước đã đi mở đất về phương nam, ông thấy mùa xuân
đã về:
Năm nay tôi về
dưới chân mộ cũ thắp nén hương thơm.
Xin lỗi tổ tiên
chưa hiểu hết tấm lòng bao la người đã khuất.
Tôi thấy mùa xuân
đã về với Người xưa đi mở đất…
(Mùa xuân, viếng Người đi mở đất)
Trong nhịp sống hoà bình, Tết đến xuân về, người sống ở đất
liền không thể không nghĩ đến chiến sĩ, nhân dân canh giữ hải đảo giữa trùng
khơi, nơi đầu sóng ngọn gió. Từ giữa đông, nhà thơ Giang Nam đã đau đáu nghĩ về
Trường Sa:
Cành mai nở sớm giữa đông
Xin mang theo chút ấm nồng trong cây
Ước làm cánh hải âu bay
Ước làm con sóng mãi say quên về
[…] Biển trời nơi ấy thiêng liêng
Tự ngàn xưa những con thuyền ra khơi
Ngàn thế kỷ đã qua rồi
Mà vùng đất ấy với người vẫn xuân.
(Bây giờ ngoài ấy Trường Sa)
Tính đến nay, nhà thơ Giang Nam đã xuất bản 12 tập thơ, đã
công bố chương đầu của trường ca Người đi mở đất. Ngoài ra, ông còn rất
nhiều những bài thơ đăng báo từ đầu thế kỷ XXI đến nay nhưng chưa tuyển để in
thành tập. Một sự nghiệp thơ ca như thế là niềm mơ ước của nhiều người. Hiện thực
đời sống, công tác và sáng tác qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, qua thời kỳ
hoà bình đã mang đến cho nhà thơ cảm hứng nồng nhiệt, thành tựu lớn lao (Giải
thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật), mang đến cho nền văn học dân tộc một
chân dung văn học. Điều đáng nói nhất là đọc thơ Giang Nam, ta có thể hình dung
chính con người nhà thơ – một tâm hồn, một tính cách rất chân thành, chân tình,
chân chất, chân mộc,… Với thơ Giang Nam, quả đúng là “văn tức là người”, đầy ắp
yêu thương-căm giận mà vẫn chừng mực, đúng như lối ứng xử truyền thống của người
Việt Nam.
Ngày xuân, đọc lại những vần thơ của Nhà thơ lão thành Giang
Nam, từ những bài thơ mộc mạc như ca dao thời kỳ mới bước vào tuổi thanh niên,
buổi đầu đến với cách mạng đến những tác phẩm lắng đọng suy tư của tuổi cửu tuần,
chúng ta càng hiểu về nhà thơ, hiểu về chức năng của thơ ca, nhất là hiểu về một
quan niệm sáng tạo: “Những bài thơ đầu tiên là tôi viết cho mình, để mình đọc,
để tự nhắn nhủ với người thân yêu của mình đang ở trong tù. Vì vậy nó rất thật,
cái hay và cái dở của thơ tôi cũng từ cái gốc ấy mà ra. Bây giờ đã lớn tuổi rồi,
tuy nhiên cái không thay đổi là tấm lòng người làm thơ đối với cuộc sống, đối với
con người.”(4)
Tài liệu tham khảo:
(1,2) Giang Nam (2004), Sống và viết ở chiến trường,
NXB Hội Nhà văn.
(3,4 Giang Nam (2014), Quê hương, Hạnh phúc từ nay,
Thành phố chưa dừng chân (Tác phẩm Văn học được Giải thưởng Nhà nước), NXB
Hội Nhà văn.
6/2/2022
Chế Diễm Trâm
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét