Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Tết trong con mắt Tú Xương

Tết trong con mắt Tú Xương

Nhà văn Nguyễn Tuân đã xem thơ Tú Xương là “một cái phần hương hỏa trong gia tài tiếng nói Việt Nam” và “Tú Xương là một chứng từ về đạo học thành Nam tàn cục” vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Công Hoan tôn vinh Tú Xương là bậc “thần thơ thánh chữ”, còn Nguyễn Khuyến đã viếng Tú Xương bằng đôi câu đối theo lối chơi chữ:
Kìa ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
Trong số 151 bài thơ, văn của Tú Xương còn lại hiện nay thì có tới 16 bài viết về Tết. Mỗi bài lấp lánh một vẻ đẹp riêng và mang một giọng điệu cười độc đáo. Có cái cười nước mắt lặn vào trong:
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,
Thôi cũng được: rượu có, bánh chưng cũng có, thừa chơi”.
Cái gì cũng có nhưng hóa ra chẳng có cái gì, bởi vì hoàn cảnh của ông Tú
Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
Muối và vôi là hai thứ rất rẻ, ấy thế mà có lúc ông phải van nài họ cho thiếu nợ. Bài “Cảm Tết” là một lời kể chua xót bằng giọng  tự trào:
Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẫy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành Tết khác
Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo.
Ông kể ra đủ thứ nào là tiền bạc, rượu cúc, trà sen, bánh chưng, giò lụa…thừa để ăn một cái Tết thật to, nhưng đành phải đợi “Tết khác” vậy. Có lẽ ít nhà thơ nào “vong bần lạc đạo” được như Tú Xương. Cái mà ông mong mỏi nhất suốt đời là cầu cho thiên hạ: Sao được cho ra cái giống Người. Ngày Tết nghe tiếng pháo nổ lẽ ra vui lắm, nhưng ông lại bình luận mỉa mai:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Rồi ông cười ruồi, cười khẩy cái xã hội nhí nhố lố lăng, Tây Tàu lẫn lộn và đã sinh ra đủ hạng người “vừa dốt lại vừa ngu”. Ngày Xuân, bọn người ấy khi đã “thịt xôi lèn chặt dạ” cũng tập tành, võ vẽ thơ phú, ngâm vịnh đến nỗi “cho nên con tự mới thòi ra”. Đó cũng là loại “thi sĩ” mà bà chúa thơ Nôm- Hồ Xuân Hương, gọi là “lũ ngẩn ngơ”. Có năm Tết vừa sang được một ngày, ông đã có thơ viếng cô Ký- một cô gái tơ lẳng lơ hám danh, hám tiền đã làm lẽ thầy Ký để kinh doanh “xe tay”. Cô tự nguyện hiến dâng tất cả cho tên cẩm Tây để được hắn bao che cho việc kinh doanh của mình. Ông Tú đã viết ngay về cái chết bất đắc kỳ tử ấy giữa ngày mồng hai Tết:
Cô Ký sao mà vội chết ngay
Ô hay giời chẳng nể ông Tây
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày.
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy.
Bài thơ là một màn hài kịch dí dỏm, sâu cay như một mũi tên xuyên táo bốn nhân vật: một là vạch ra thói hám lợi của cô Ký, hai là sự hờ hững của thầy Ký coi nhẹ tình nghĩa vợ chồng, ba là “tiếc” cho ông Tây mất một mối hoan lạc, và bốn là sự thờ ơ của hàng phố. Tình người, tình đời thật đen bạc trong cái xã hội kim tiền ấy!
Nhưng có lẽ độc đáo và sâu cay hơn cả trong 16 bài thơ Tết của Tú Xương là bài Năm mới chúc nhau, một bài thơ khá tiêu biểu cho thi pháp Tú Xương. Năm mới thiên hạ chúc nhau những điều tốt lành đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống của dân tộc. Nhưng cũng không ít hạng người chúc nhau bằng những lời lẽ khách sáo giả dối, có khi tỏ ra tham quyền cố vị, ích kỷ, hám giàu, càng nghe càng buồn cười. Tú Xương đã văng vào mặt cái xã hội đầy những hạng người hám danh, hám lợi đó những lời chúc hết sức có lý. Trước hết ông khuyến cáo mọi người Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau. “Nó” ở đây là chúng nó, là cái bọn giầu sang, hãnh tiến, trọc phú. Nó chúc nhau om sòm đủ thứ mà hàng xóm phải “lẳng lặng” mới nghe lọt tai. Nếu chúng chúc nhau ham sống lâu “trăm tuổi bạc đầu râu” thì Tú Xương quyết làm người “đi buôn cối” giã trầu. Nếu nó chúc nhau đứa thì bàn tước, đứa  mua quan thì ông quyết đi buôn lọng/ vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng. Còn nó mừng nhau cái sự giàu thì gà nhà ông tha hồ “ăn bạc”, chẳng thèm ăn thóc. Nó mừng nhau lắm con “sinh năm đẻ bảy” thì ông chỉ cho chúng “bồng bế nhau” lên non, lên núi mà ở với lũ vượn, lũ khỉ. Ông Tú đã bỡn cả cái lũ rỡm, lũ hợm hĩnh đó. Ở bài này Tú Xương đâu có cười to như các bài khác. Tiếng cười ẩn đằng sau các sự kiện. Ông yên tĩnh, “lẳng lặng” quan sát màn hài kịch, dù cho những tiếng chúc tụng kia có om sòm, có làm cho ông chối tai gai mắt.
Ở một số bài thơ Tết khác, chất trữ tình lại nổi trội hơn chất trào phúng. Bài “Gần Tết than việc nhà” viết trong cảnh bố con xa nhau thật cảm động:
Bố ở một nơi con một nơi,
Bấm tay tháng nữa hết năm rồi.
Và ông còn viết thơ Tết cho đủ hạng người, cho cả “cô đầu” nữa. Ông viết liền hai bài “Tết cô đầu” và “Tết tặng cô đầu” để tỏ lòng thương cảm với các cô gái bán phấn buôn son do hoàn cảnh trớ trêu tạo nên, Tết đến mà không cửa không nhà. Thậm chí có Tết ông còn định “kinh doanh” cả món “mứt rận” có rưới thêm nước hoa vào, rồi ông ngồi nhâm nhi với rượu: “Phong lưu rất mực ba ngày Tết/ Kiết cú như ta cũng rượu chè” (Năm mới). Một tiếng cười gằn bật ra thật xót xa cho thân phận thi nhân. Nhưng không vì thế mà bức tranh Xuân của ông kém phần vui vẻ. Trái lại cảnh Tết của dân tộc vẫn tưng bừng, rộn rã với biết bao âm thanh, màu sắc:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Lòe lọet trên vách bức tranh gà. (Xuân)
Đó là cái vui nho nhỏ của người bình dân với tranh dân gian Đông Hồ, với tràng “pháo chuột” đì đẹt, rẻ tiền, chứ làm gì có được những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng và những quả “pháo đùng” như của bọn nhà giàu.
Địa chỉ số 247 phố Hàng Nâu (nay là nhà xây mới thuộc đường Minh Khai), nơi Tú Xương sinh ra và lớn lên
Tiếng cười trong thơ Tết của Tú Xướng thật lắm cung bậc và sắc độ khác nhau trước cảnh, trước người. Có cái cười to sằng sặc, có cái cười gượng lấp lững khen đó mà chê đó, lại có cái cười gằn ấm ức như nuốt hận vào trong, và có cả cái cười mang chất uy-mua của phương Tây, mà ta thường gọi là “cười ruồi” nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, càng nghĩ lại càng muốn cười. Đằng sau những tiếng cười ấy có khi ta thấy lấp lánh những giọt nước mắt chua chát của ông trước sự bạc bẽo của nhân tình thế thái. Cái cười của Tú Xương như một thứ vũ khí đặc biệt làm mất mặt bao kẻ nhố nhăng đồi bại, tham lam trong cái xã hội nửa Tây nửa ta. Cũng có khi ông hướng tiếng cười vào mình để “tự trào” làm vơi đi nỗi đau cơm áo đời thường để vui Xuân, đón Tết. Một nhà hiền triết đã nói: Mọi vật đều sợ thời gian, nhưng thời gian lại sợ vĩ nhân. Bởi vì chỉ có thời gian mới đủ minh chứng cho vẻ đẹp trí tuệ của vĩ nhân. Ông Tú của chúng ta là một trường hợp như thế. Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã ngợi ca:
Ông Nghè, ông Thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một Tú tài.
Tết đến Xuân về, ta hãy cười vui một chút với Tú Xương để làm dịu đi nỗi đau của nhà thơ ở thế kỷ trước, và mừng cho thời đại mới hôm nay xã hội đã lên đường (Huy Cận).
31/1/2023
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...