Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Nguyễn Thanh: Người nghệ sĩ tài hoa

Nguyễn Thanh:
Người nghệ sĩ tài hoa

Thực lòng tôi không ngại gọi bạn tôi Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Với khả năng đa dạng có được, mỗi thể loại sáng tác, anh gắn liền với một bút danh: Nguyễn Thanh, Ngũ Lang, Đan Thanh, Tương Như, Phương Đình, Diễm Thi, Thanh Huyền, Lan Đình, Minh Thư, Minh Văn, Chàng Văn… Có thể xem Nguyễn Thanh là người nghệ sĩ có nhiều bút danh nhất trên văn đàn Đồng bằng Sông Cửu Long. Tác phẩm của anh có mặt hầu hết trên các tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương.    
Những năm 1965-1966, tôi thường đến thăm nhà biên khảo văn học Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế. Ông Nguyễn Bá Thế ở hẻm Vú Sữa, đường Duy Tân (nay là Hoàng Văn Thụ). Nhà ông Thế ở củng hẻm với Nguyễn Thanh chỉ cách nhau mấy căn. Nhà văn Nguyễn Bá Thế thường nói với tôi: “Ông có biết Ngũ Lang (có nghĩa là Chàng Năm) không? – một cây bút có tâm huyết, có triển vọng. Có dịp ông nên tìm gặp ông ấy để kết bạn”. Nhưng tôi chỉ thật quen với Nguyễn Thanh từ năm 1967 khi anh chủ biên tạp chí Văn nghệ Miền Tây – một tờ tạp chí văn nghệ tiến bộ ở Miền Tây mà tôi là một cộng tác viên thường xuyên. Và càng thân thiết hơn khi anh từ Trung học Cái Răng đổi về dạy Văn chung với tôi ở Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ từ năm 1974 đến hơn thập niên sau năm 1975.
Trong lời ngỏ “Cùng bạn đọc” ở tập truyện ngắn Bến tâm hồn, anh chân thành tâm sự: “Bạn đọc không ngạc nhiên khi thấy nhân vật chính trong mỗi truyện mang tính hư cấu này gần như phảng phất bóng hình của tác giả. Nguyễn Thanh vốn là một nhà giáo cặm cụi suốt đời chăm lo cho sự nghiệp trồng người mãi cho tới ngày hôm nay. Dù ở tuổi đáng được nghỉ ngơi, tácgiả vẫn còn tự nguyện cầm phấn đứng lớp dạy cho sinh viên học sinh bằng tất cả tâm huyết vì sứ mệnh giáo dục để phục vụ cho thế hệ ngày mai…”
Thật vậy, trong tất cả truyện ngắn của Nguyễn Thanh, nhân vật chính dù mang tên khác nhau như thầy Thư, thầy Đan, thầy Tâm, thầy Văn, thầy Sinh, thầy Thu… nhưng tất cả đều phảng phất hình ảnh cuộc đời thực không che giấu của người thầy giáo ở hẻm Vú Sữa. Bà con ai cũng biết là thầy Nguyễn Tấn Thành. Đó chính là một thầy Thành có dáng dấp thư sinh hơi nhỏ người, trông ốm yếu mà sức dạy, sức viết dẻo dai rất đáng nể phục.
Đó chính là thầy Thành tài hoa nhiều mặt nhưng đời lại quá lận đận truân chuyên: người hiền phụ mẫu mực đảm đang yểu mệnh mất sớm khi chưa đầy tuổi ba mươi, nên anh phải làm thân gà trống nuôi con. Người nghệ sĩ kém may mắn ấy phải bươn chải đủ nghề để nuôi đàn con dại: viết thuê, vẽ mướn cả chạy xe ôm miễn sao có tiền để trang trải cho gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn. Đã vậy trong nghề nghiệp lại không nhận được sự hanh thông, phải đi dạy ở vùng sâu, vùng xa trong thời binh lửa sinh tử khôn lường. Đó là “tài bất thắng thời” như câu văn tế của Cao Bá Quát khóc vợ mà ngậm ngùi cho anh:
“Ô hô! Hồng nhan bạc mệnh
Tài tử vô duyên
Ngẫm chỉ có mình với ta, như vậy ư?”
Nguyễn Thanh là một nghệ sĩ có số đào hoa, nhưng anh là một người rất chung tình. Anh tâm sự: “Và bao nhiêu cánh thư màu xanh còn thoảng mùi nước hoa bất chợt đến với chàng mỗi ngày từ những phương trời xa lạ… Những giai nhân ấy với Đan bao giờ cũng là hình bóng những người con gái đẹp đáng yêu trong giấc mơ tiên của chàng… Nhưng đó chỉ là những trận mưa mây, chưa phải là hiện thực tình cảm trong sâu thẳm con tim chàng. Vì lẽ đằng đẵng mấy mươi năm qua trong trái tim Đan chỉ ngự có một bóng người…” Bóng người đó chính là Thanh Thúy, người vợ hiền vắn số đã sớm xa anh, bỏ lại một đàn con dại, đứa nhỏ nhất chưa đầy hai tháng tuổi. Nỗi đau tử biệt sinh ly ấy đã giày xéo tim óc anh suốt cả một đời: Thúy ơi, sao em nỡ để các con thơ sớm mồ côi mẹ, sao em đành bỏ anh một mình! Giờ đây anh đệm đàn cho ai hát, đàn con dại của chúng mình cũng không còn cơ hội để được hồn nhiên gọi em mỗi ngày hai tiếng: Mẹ ơi!” (Yêu chỉ một lần).  
Hai truyện ngắn xứng đáng gọi là bức tranh chân dung tự họa thật trung thực của tác giả là “Hồn chữ” (trang 32) và “Gã thất tình” (trang 80) trong tập truyện “Bến tâm hồn”. Trong “Hồn chữ”, cậu bé tên Mực mê học lạ lùng, lại mê vẽ, mê nhạc và mê cả võ thuật. Nhưng với cơ thể ốm yếu, sau một lần té sông chết hụt, Mực lại bị chó dại cắn từ đó mắc phải bệnh suyễn trong suốt quảng đời thơ ấu. Đó chính là hình ảnh tuổi thơ của tác giả từ lúc học ở Tiểu học đến Trung học luôn là con ngoan trò giỏi. Lên Đại học trở thành thầy giáo Văn “cầm phấn dạy văn chương, ngoại ngữ cho học trò. Tay phải cầm bút viết văn, tay trái cầm cọ vẽ tranh và là một phiên dịch viên có đủ tư cách pháp nhân dịch hơn mười ngoại ngữ: Anh – Pháp – Đức – Hoa – Hàn – Nga -Ý – Nhật -Tây Ban Nha – Mã Lai…
Nhưng “chữ tài liền với chữ tai”. Vì tài mà Văn “cam chịu hệ lụy không hay của một con người suốt kiếp vương mang hồn chữ”. Không ít người đố kỵ với Văn, làm mai một tính nhân văn ở con người trí thức…” Nhưng Văn cũng chẳng màng nghĩ đến việc họ coi mình ra sao, anh dửng dưng sống nội tâm với nhân sinh quan lành mạnh của mình. Duy có điều còn khiến Văn nhiều lúc cảm thấy đau đáu trong lòng” (trích Hồn chữ  – trang 45).
Trong “Gã thất tình”, tác giả thú nhận “bẩm sinh vốn là con người đa hệ, ngoài việc học chữ còn say mê các bộ môn nghệ thuật khác”. Lòng yêu ca nhạc, võ thuật, hội họa là những mối tình say đắm của anh khi ngồi trên ghế nhà trường. Hai mối tình si còn lại lớn nhất trong đời anh là lòng yêu sự cô đơn và tình cảm quê hương có thể xem là một đại dương bao la không đáy, không bờ. (trích Gã thất tình – trang 84).
Gọi Nguyễn Thanh là người nghệ sĩ có kiến văn quảng bác, tôi không chỉ nhắc đến việc anh vừa làm giáo viên dạy tốt cho cả Văn lẫn Toán và Mỹ thuật, anh thông thạo và dịch thuật được hơn 10 ngoại ngữ, là cộng tác viên chính thức của 5 phòng Công chứng trong thành phố trực thuộc sở Tư pháp. Tôi còn muốn nói đến kiến thức phong phú và trí nhớ siêu việt của Nguyễn Thanh khi anh viết về kỷ niệm tuổi thơ và các sinh hoạt độc đáo của miệt vườn (thường xuyên trên tạp chí kiến thức Ngày nay, báo Văn nghệ…) – nơi anh sinh ra và lớn lên giữa tình thương bao bọc của cha mẹ và anh chị em.
Nhà văn Nguyễn Thanh có biệt tài miêu tả thật tỉnh tế, tỉ mỉ, chính xác những sinh hoạt ở nông thôn. Những sự việc xảy ra chưa phải là lâu lắm, nhưng kể cả những người sống cùng thời với anh, ai cũng biết cũng nhớ mà rất khó kể lại được hấp dẫn như anh. Ta hãy đọc “Mùa nước nổi quê tôi” để cùng tác giả thưởng thức cái thú đi “Soi cá”. Và lối bắt cá có tính cách phong lưu tài tử thật đa dạng với nhiều hình thức: câu cần, câu vụt, câu cắm, câu rê, giăng câu… Còn nhiều cách bắt cá khác như: đăng cá, đặt lờ, đặt trúm, Thú vị nhất là việc đặt trúm bắt lươn.
Đọc “Ra giêng” để học với tác giả cách bắt cá: cá lóc, cá rô mề, cá sặc đồng, cá trê trắng, cá trê vàng. Dọc theo các triền sông còn bắt được các loại cá nhỏ như: cá bống trứng, bống cát, tôm lóng, tôm trứng, tép bạc… Thú vị nhất là việc bắt chuột đồng. Lớn con nhất là chuột cống nhum. “Món ăn khoái khẩu nhất đối với nông dân là món chuột bằm nhỏ xào khô với lá cách hay lá lốt ăn không hay xúc bằng bánh tráng béo nướng nhâm nhi với chút rượu nếp than và xoài chua là rất tuyệt vời”. Tác giả đúng là một tài tử ẩm thực sành điệu. Cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả khiến người đọc phải thèm thưởng thức món chuột bằm xào.
Hai truyện ngắn “Nợ bút nghiên” (trong Yêu chỉ một lần ) và “Thèm trang sách xưa” (trong Bến tâm hồn) là những tài liệu quí mang tính lịch sử  giúp các bạn trẻ hôm nay hiểu về cách học, cách thi và các loại sách giáo khoa, sách học làm người – những tài liệu quí như kim chỉ nam đối với học sinh hiếu học của giai đoạn lịch sử Miền Nam  trước 1975. Đọc những trang viết của anh, tôi nghĩ lại giật mình bao kể xiết. Quả là thuở ấy việc thi cử nghiêm túc mà quá khắt nghiệt, Qua cửa ải bài viết, lại lâm vào trận đồ vấn đáp một mất một còn. Các kỳ thi mỗi năm tổ chức 2 lần. Rớt vấn đáp cả hai lần là năm sau phải thi lại từ đầu. Không có chuyện bảo lưu kết quả thi viết. Học vất vả, thi khó khăn nhưng chưa hề có chuyện học giả đậu thật. Cho nên đi thi có kết quả là một niềm tự hào lớn cho những thí sinh hiếu học.
          Bài “Đèn quê” trong Bến tâm hồn gợi nhớ thời khó khăn, thiếu thốn của người dân quê Nam bộ – cái thời lắm lúc bà con phải mặc “quần áo bằng bố tời” và phải dùng dầu dừa, dầu mù u, mỡ cá để thắp đèn. Tác giả miêu tả khá tỉ mỉ cách làm dầu mù u, cách thắng dầu dừa. Dù thời gian đã qua 60 năm, tác giả vẫn nhớ từng chi tiết.
“Chiếc nóp quê hương” (trong Bến tâm hồn ) thời kháng chiến chống Pháp trong giai đoạn đầu còn thiếu thốn quân dụng, chiếc nóp là một hình tượng đặc biệt mang đậm màu sắc quê hương, không chỉ thiếu cho nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam bộ sống cách đây khoảng bảy thập niên đều biết đến. Thế hệ trẻ hôm nay có thể không biết hình dạng của chiếc nóp nhưng lòng không khỏi xao xuyến bồi hồi khi bất chợt nghe lại câu hát “Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”. Nguyễn Thanh đã nhắc lại hình ảnh chiếc nóp với niềm hoài cảm tự hào về cuộc kháng Pháp gian khổ mà hào hùng của dân tộc ta.
Thật bất ngờ và vô cùng thích thú khi tôi đọc bài “Đò xưa” (trong Yêu chỉ một lần). Nguyễn Thanh kể với chúng ta chiếc đò không phải là đò ngang, đò dọc, đò máy quen thuộc với mọi người mà là chiếc “đò đạp”. Đó là chiếc đò độc đáo chỉ có ở quê tác giả, mỗi ngày chở khách, chở hàng từ chợ xã Tân Quới đến thành phố Cần Thơ. Tác giả tả rất kỹ về cấu tạo và cách điều khiển chiếc đò này. Tôi không nhắc ở đây, chỉ ghi lại tâm trạng bồi hồi của tác giả khi hoài niệm chiếc đò độc đáo ngày xưa.: “Làm sao tôi có thể quên được những lần đi lại bằng phương tiện thô sơ ngập tràn kỷ nệm thơ mộng êm đềm trên chuyến đò đạp năm xưa gắn liền với hình ảnh thân yêu của ba mẹ, anh chị suốt cả cuộc đời hy sinh tận tụy vì tôi”.
Gọi Nguyễn Thanh là một nghệ sĩ có bút lực sung mãn vì sức làm việc, sức viết ở tuổi anh ít ai bì kịp. Gặp anh ngoài các buổi đứng lớp bao giờ cũng thấy anh ngồi cặm cụi gõ phím trên máy tính. Thân còm cõi, ốm mòn mà anh không yếu, làm việc không biết mệt mỏi. Anh thường khoe với tôi : ở cái tuổi này (quá tuổi hiếm) mà đi khám sức khỏe toàn diện không hề có bệnh gì đáng kể. Cô thư ký – con gái anh ở trường học của anh – một lần cháu than với với tôi: “Các con có khuyên ba ở tuổi này ba nên nghỉ ngơi, vui cuộc sống an nhàn. Ba trả lời: Chừng nào ba còn thở là còn làm việc. Có ai lại chết trước khi vô quan tài!”. Đúng là bạn tôi quá tham công tiếc việc. Nhưng đó là một tính tham đáng yêu! Nhờ có cái tham này mà tác phẩm xuất bản của Nguyễn Thanh ngày một ngồn ngộn ở mấy tủ sách lớn trong căn nhà nhỏ hẹp nơi một xóm lao động nghèo. Với kiến văn quảng bác và bút lực sung mãn, những bài viết đủ thể loại của anh đã có mặt hầu hết ở các báo uy tín và tạp chí trung ương (Văn nghệ, Thơ, Hồn Việt, Kiến thức Ngày nay, Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh..) và cả địa phương. Đến những trang Web văn nghệ ở trung ương, thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh cũng là ngòi bút cộng tác thường xuyên dạt dào sinh lực.
Một lần gặp anh, vui miệng, tôi gọi anh là “lão tiên sinh”, anh có vẻ không vui. Anh mê làm việc và không thích ai nói mình già “lão lai tài tận”. Dù đã qua tuổi trung niên, ta vẫn cảm thấy trong lòng hừng hực ngọn lửa thanh xuân. Với nghệ sĩ, còn sáng tác ra những tác phẩm giá trị nhân văn , có ích cho đời, là còn xanh mãi với màu xuân. Người gặp nhau hay hỏi tuổi là người sợ mình già. Quan tâm đến tuổi tác càng làm cho mình thêm héo hon vì tuổi tác!” (Tiếng chổi khuya).
Không chỉ văn hay, tôi còn thầm khâm phục nét chữ tài hoa của anh. Nếu hiểu nét chữ là tính cách, là sức khỏe của con người thì qua nét chữ bay bướm, cứng cáp, chưa hề có nét run rẩy, thậm chí nguệch ngoạc của người lớn tuổi vì tay rung mắt mờ, thì rõ là anh còn dồi dào sức trẻ, nội lực còn thâm hậu. Có phải “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai” (Inamori Kazuo)
Tóm lại, Nguyễn Thanh bạn tôi là một nghệ sĩ đa tài, một kẻ sĩ “vi bách nghệ” (kẻ sĩ có thể làm được trăm nghề). Nhưng “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” (Kiều). Tài hoa mà trớ trêu đời anh thăng trầm lắm nỗi, lận đận nhiều phen. Nhưng Nguyễn Thanh là kẻ biết người biết ta, với một sự tự tin mãnh liệt, anh đã ngẩng cao đầu, vượt qua hết thử thách gian lao. Dù vậy, tôi biết lòng anh vẫn đau đáu vì những điều bất như ý đè năng lên tấm thân ốm gầy còm cõi của anh. Nhưng anh luôn tự nhủ: “Ừ, tuy ta cô độc mà không cô đơn. Quanh ta dù có kẻ đố kỵ nhưng cũng không thiếu người đã tỏ ra hiểu, thương ta và cũng từng chân thành chia sẻ cùng ta từ vật chất tới tinh thần” (Tiếng chổi khuya).
Nguyễn Thanh! Bạn hãy yên tâm! Vẫn có những người đồng cảm ở phương trời xa biết thương và cùng chia sẻ với bạn.
“… Người xem thường bạn rất nhiều, bạn không cách nào làm vừa mắt tất cả mọi người. Cách tốt nhất là ai không quan tâm đến bạn, bạn cũng đừng để ý đến người ta. Không vì một hai câu nói của người khác mà phải thay đổi cách nhìn về bản thân. Bạn như thế nào thì hãy tiếp tục như thế ấy. Sự cố gắng của bạn chỉ vì chính bản thân bạn mà thôi !” (Trích bức thư thứ 40 – trong 999 là thư gửi cho chính mình” của Miêu công tử – một nữ sĩ Trung Quốc).
Cần Thơ, 22/3/2023
Mai Duy Khôi
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...