“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
(Qua đèo Ngang)
“Nhớ nước” - “Thương nhà” là hai dòng tình cảm sâu sắc của
Bà Huyện Thanh Quan. “Nhớ nước”, bà có bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”, “Thương nhà”, bà có bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà”. Dưới triều Tự Đức, bà được mời
về kinh nhậm chức Cung trung giáo tập để dạy các công chúa, cung phi. Sống
trong cung đình, nhưng bà tự coi mình như kẻ “lữ thứ”, tấm lòng của bà luôn
luôn hướng về chốn “Chương Đài”. Tâm sự thương nhà của bà được diễn tả một
cách tài hoa trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà”:
“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn,
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?”
Bà Huyện Thanh Quan đã chọn luật bằng vần bằng cho bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” (Bài “Thăng Long thành hoài cổ” là luật trắc vần bằng) hợp
với điệu hoài cảm của tâm hồn thi nhân. Mở đầu bài thơ là hình ảnh buổi hoàng
hôn với điệu nhạc chiều êm ái, thổn thức:
“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn”
Trong cả ba bài thơ nổi tiếng, bà Huyện Thanh Quan đều nói đến
chiều tà.
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà”
(Qua đèo Ngang)
“Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
(Thăng Long thành hoài cổ)
“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn”
Từ “bảng lảng” tả ánh sáng buổi hoàng hôn thật là đặc sắc.
Cảm nhận về ánh sáng như vậy thật là thi sĩ. “Bảng lảng” là ánh nắng đã nhạt,
loãng, yếu ớt của buổi chiều tàn. Ánh nắng hạ xuống thì nhạc chiều nổi lên. Điệu
nhạc trầm buồn của “tiếng ốc” từ xa đưa lại, tiếng trống cũng xa, chỉ nghe
văng vẳng nhưng dồn dập thổn thức. Cái tôi trữ tình của thi nhân lặng phía sau
hình ảnh và âm thanh. Cái gì nữ sĩ nhìn thấy, gần gũi thì nhạt nhòa, tàn
phai. Nữ sĩ lắng nghe, đón nhận những âm thanh vang từ xa, cho nên khúc nhạc
chiều trầm buồn đó cũng là khúc nhạc lòng của thi nhân.
Nhà thơ mở rộng không gian của buổi hoàng hôn, trở về với những
hình ảnh gần gũi thân quen của những người lao động:
“Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”
Bà Huyện Thanh Quan vẫn không thoát khỏi những đề tài “ngư,
tiều, canh, mục” quen thuộc trong thơ cổ điển. Nhưng bà vẫn có sáng tạo riêng.
Bà chỉ chọn hai nhân vật cho buổi “chiều hôm” là “ngư ông” và “mục tử”. Nét
linh hoạt của câu thơ là ở những cử chỉ của nhân vật. Hai cử chỉ nghịch nhau mà
lại cùng diễn tả một ý tưởng. “Gác mái” là ngư ông nghỉ ngơi, đảo vị ngữ “Gác mái” càng nhấn mạnh sự nghỉ ngơi thư thái của ngư ông.
“Gõ sừng” cũng được đảo ra phía trước để nhấn mạnh cử động của mục tử (người chăn trâu) nhưng là cử động trở về, nghỉ ngơi. Nhưng cả ngư ông và mục tử trên đường trở về đều có khoảng cách “ngư ông về viễn phố”, ngư ông về bến xa, “mục tử lại cô thôn”, người chăn trâu về xóm lẻ loi. Khoảng cách ấy cũng là khoảng cách trong lòng thi nhân với quê hương xứ sở của mình, thành ra có ba con người, ngư ông, mục tử và nữ sĩ chẳng gắn bó gì với nhau cả lại cùng giống nhau ở một điểm là chiều hôm, mỗi người đều hướng về nơi chốn thân yêu của mình. Tóm lại, hai câu thực đã thể hiện một cách tài hoa chủ đề “chiều hôm nhớ nhà”.
“Gõ sừng” cũng được đảo ra phía trước để nhấn mạnh cử động của mục tử (người chăn trâu) nhưng là cử động trở về, nghỉ ngơi. Nhưng cả ngư ông và mục tử trên đường trở về đều có khoảng cách “ngư ông về viễn phố”, ngư ông về bến xa, “mục tử lại cô thôn”, người chăn trâu về xóm lẻ loi. Khoảng cách ấy cũng là khoảng cách trong lòng thi nhân với quê hương xứ sở của mình, thành ra có ba con người, ngư ông, mục tử và nữ sĩ chẳng gắn bó gì với nhau cả lại cùng giống nhau ở một điểm là chiều hôm, mỗi người đều hướng về nơi chốn thân yêu của mình. Tóm lại, hai câu thực đã thể hiện một cách tài hoa chủ đề “chiều hôm nhớ nhà”.
Chuyển sang hai câu luận, không gian thơ được mở lên chiều
cao với những hoạt động của thiên nhiên trong buổi “chiều hôm”:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
Hình ảnh thật đẹp, thật gợi cảm. Nhà thơ đã chọn được những
tín hiệu thẩm mỹ có khả năng diễn tả tâm tình của thi nhân. Hình ảnh “ngàn mai
gió cuốn” vừa rộng lớn, thoáng, vừa sôi động. Rừng mơ bạt ngàn càng thấy sự lẻ
loi đơn chiếc của thi nhân, hình ảnh “gió cuốn” gợi sự xao động bên trong của
nữ sĩ. Hình ảnh cánh chim chiều “bay mỏi” cũng gợi tâm trạng của thi nhân.Làm
sao giữa không gian bạt ngàn của rừng mai mà nhận ra “chim bay mỏi”? Phải có
con mắt rất tinh, nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải là con mắt của tấm lòng. Còn
“dặm liễu” thì thơ mộng mà “dặm liễu sương sa” thì vừa thơ mộng vừa lạnh lẽo.
Cái lạnh của sương chiều đã thúc bước chân của người đi đường “khách bước dồn”.
Cái hay của hai câu luận là không gian được mở ra với những hình ảnh đẹp, thơ mộng,
gợi cảm và chủ đề “Chiều hôm nhớ nhà” cũng mở ra đến chiều sâu thẳm. Chỉ tiếc
là từ “dồn” (bước dồn) trong câu luận đã lặp lại từ “dồn” (trống dồn) trong
câu thừa đề khiến cho bài thơ nghèo đi một chút.
Dòng tình cảm ngầm chảy suốt qua các hình ảnh và nhạc điệu đến
đây lộ ra tha thiết, nồng nàn:
“Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?”
Nữ sĩ dùng những từ phiếm chỉ như “kẻ”, “người”, “ai” vừa
thuận với thi pháp “phi ngã” (không có cái tôi) thời bấy giờ mà cũng vừa hợp
với tâm tình của thi nhân, tha thiết nhưng không ủy mị (người trí mà!), nồng
nàn nhưng vẫn e ấp. “Kẻ chốn Chương Đài” là tác giả dùng điển cố. Xưa có người
gửi thư về cho vợ là Liễu Thị hỏi: “Cây liễu Chương Đài xanh xanh trước kia
nay còn không?”. Và từ đó “Chương Đài” thành ước lệ quê nhà trong văn chương.
“Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ” là kẻ ở quê nhà, người ở quán trọ (lữ thứ) xa xôi cách trở. Nữ sĩ dùng chữ “lữ thứ“ thật bất ngờ. Bà đang dạy học cho
các công chúa và cung phi trong cung vua, còn đâu hoa lệ và sang trọng hơn?. Vậy
mà nữ sĩ coi đấy cũng chẳng qua là quán trọ. Tác giả dùng từ Hán Việt “lữ thứ” phần nào trung hòa được tinh thần ngạo mạn của bà. Cho nên trong sâu thẳm
tình cảm nhớ nhà của bà là tình nhớ nước. Bà chẳng tha thiết, chẳng gắn bó gì với
triều đại đương thời, nữ sĩ cảm thấy như bị lưu đày nơi đất khách quê người. Và
câu hỏi tu từ “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” càng trào dâng lên nỗi nhớ nhà của kẻ
“lữ thứ”.
Bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” được Bà Huyện Thanh Quan viết
theo bút pháp tả cảnh gợi tình quen thuộc trong thơ cổ điển. Từng hình ảnh, từng
âm thanh đều gợi đến tâm trạng nhớ nhà của nữ sĩ. Nỗi nhớ nhà của nữ sĩ thật là
thâm trầm, sâu sắc, nhân bản. Trong quan hệ xã hội, bà không được chia sẻ, sống
với một triều đại mà bà chỉ hướng về ánh hào quang của quá khứ, “một mảnh tình
riêng ta với ta“ (Qua Đèo Ngang) nên bà dồn tình cảm nhớ thương cho gia đình, cho những người thân yêu. Trước tình trạng lỏng lẻo của những mối quan hệ gia
đình hiện nay thì một tiếng thơ (cũng là tiếng lòng) của Bà Huyện Thanh Quan
cũng có giá trị tinh thần nhân bản, cao quý của gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét