Những ai yêu
thơ Nga không thể không biết đến những vần thơ trữ tình thấm đẫm của Anna
Akhmatova. Sức sống của thơ bà không phải ở những cái mới lạ, độc đáo hay sự
cầu kỳ, trau chuốt mà chính là ở sự nhẹ nhàng, đằm thắm, lắng sâu với nhiều
tầng ý nghĩa. Những vần thơ tình của Anna Akhmatova là những lời thủ thỉ, tâm
tình của một trái tim phụ nữ đong đầy yêu thương, tinh tế và nhạy cảm. “Đừng vò
nát thư em” là một nốt trầm xao xuyến trong cung đàn thơ tình ấy của bà…
Anh thân yêu,
đừng vò nát thư em
Hãy kiên nhẫn
đọc đến cùng, anh nhé
Em đã chán
làm người xa lạ
Chán vật vờ
trên bước đường anh.
Đừng nghi ngờ
em, đừng giận, đừng buồn
Em là của
anh, là người yêu anh đó
Không phải cô
bé lọ lem, chẳng là công chúa
Em cũng không
phải là tu sĩ nữa rồi.
Em giản đơn
mặc áo bạc màu
Em trong đời
thường, đi giày vẹt gót...
Nhưng vẫn như
xưa, vòng tay riết chặt
Vẫn nỗi kinh
hoàng trong đôi mắt mở to.
Anh thân yêu,
đừng vò nát thư em
Đừng khóc vì
sự dối lừa thánh thiện
Trong hành
trang nghèo, chỉ giàu kỷ niệm
Tận đáy túi
của mình, anh hãy giữ thư em
Cả bài thơ là
nỗi niềm khắc khoải, lo lắng của cô gái gửi tới người yêu thương. Bốn khổ thơ,
không có sự mới mẻ trong cách viết, không có sự độc đáo trong hình ảnh, không cả
sự tăng cấp của dòng cảm xúc. Vậy cái hay, cái làm nên sức sống lâu bền của bài
thơ nằm ở đâu? Đó chính là ở những dòng tâm tình đầy tha thiết, một tâm hồn dịu
dàng với một ước mong giản dị mà rất đỗi chân thành: Đừng vò nát thư em.
Ước mong ấy được thể hiện ngay từ câu thơ đầu tiên:
Anh thân yêu,
đừng vò nát thư em
Một câu thơ
nhẹ nhàng, một giọng điệu trìu mến! Ta có thể cảm nhận được bao yêu thương chất
chứa trong ba tiếng Anh thân yêu. Ba tiếng ấy được đảo lên đầu, trở thành
trung tâm thông tin của câu thơ, chính vì vậy, lời khẩn cầu đừng vò nát
thư em trở nên tha thiết hơn, nhẹ nhàng hơn và không bị rơi vào sự van xin
qụy lụy. Đó cũng chính là điểm mạnh trong thơ Anna Akhmatova - chân thật, giản
dị. Tình yêu chân thành tự có tiếng nói riêng của nó. Những câu thơ của bà
giống như một lời thủ thỉ hết sức tự nhiên:
Hãy kiên nhẫn
đọc đến cùng, anh nhé
Kiên quyết,
nhẹ nhàng - thái độ đó chỉ có thể có ở một người con gái đầy nữ tính và cũng
đầy bản lĩnh. Bởi chỉ có bản lĩnh thì mới có được thái độ kiên quyết như vậy và
phải có bản lĩnh thì mới có thể thốt lên:
Em đã chán
làm người xa lạ
Chán vật vờ
trên bước đường anh.
Đằng sau thái
độ mạnh mẽ, người đọc dễ dàng cảm nhận được một tâm trạng yếu đuối, mệt mỏi thể
hiện qua từ chán được lặp lại hai lần, cộng hưởng với từ vật vờ.
Tuy nhiên, ngay sau đó cô gái lại giãi bày lời tâm sự, lời khẩn cầu tha thiết:
Câu thơ được
ngắt làm ba nhịp với ba cung bậc khác nhau. Sự xuất hiện của ba trạng
thái nghi ngờ, giận, buồn đâu phải là ngẫu nhiên, nó là một quá trình
từ nguyên nhân (nghi ngờ) đến kết quả (giận, buồn). Căn nguyên của nỗi niềm ấy
là từ sự dối lừa thánh thiện của cô gái và để giải tỏa nỗi lòng của
chàng trai, cô đã khẳng định:
Em là của
anh, là người yêu anh đó
Cả hai vế của
câu thơ đều khẳng định: em là của anh. Câu thơ giản dị như lời nói thường
nhưng lại chứa đựng một sức nặng phi thường, sức nặng ở lời khẳng định đinh
ninh, một sự xác tín tuyệt đối:
Không phải cô
bé lọ lem, chẳng là công chúa
Em cũng không
phải là tu sĩ nữa rồi.
Em giản đơn
mặc áo bạc màu
Em trong đời
thường, đi giày vẹt gót...
Nhưng vẫn như
xưa, vòng tay riết chặt
Vẫn nỗi kinh
hoàng trong đôi mắt mở to.
Em là một con
người bình thường, dung dị như cuộc đời thực. Em không phải là cô bé lọ
lem hay nàng công chúatrong câu truyện cổ tích; cũng không phải là
một tu sĩ thoát tục, xa rời mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Em giản đơn
là chính em với những khó nhọc, nhếch nhác đời thường, mặc áo bạc màu, đi
giày vẹt gót. Em không phải là một mẫu hình lý tưởng và khát khao mong đợi một
tình yêu không phải là ảo ảnh, một tình yêu hết mình, mãnh liệt với vòng
tay riết chặt. Nhưng em vẫn là em, vẫn là một trái tim yêu yếu đuối
với nỗi kinh hoàng trong đôi mắt mở to. Những vần thơ cuối cùng vẫn là
những lời tha thiết chân thành, một sự mong mỏi, cầu khẩn:
Anh thân yêu,
đừng vò nát thư em
Đừng khóc vì
sự dối lừa thánh thiện
Trong hành
trang nghèo, chỉ giàu kỷ niệm
Tận đáy túi của
mình, anh hãy giữ thư em
Xuyên suốt cả
bài thơ, người đọc gặp cô gái với một tình yêu da diết, một thái độ chân thành
của một tâm hồn thiếu nữ nhạy cảm, ưu phiền. Sức lắng đọng của bài thơ không
phải là sự êm dịu của một tình yêu đẹp, lãng mạn mà chính ở sự chua xót, dở
dang của nó. Bởi chính trong sự không trọn vẹn, ta mới cảm nhận rõ hơn, sâu sắc
hơn cái nồng nàn, chất nữ tính đằm thắm của một trái tim yêu.
Đừng vò nát
thư em được Anna Akhmatova sáng tác năm 1912. Lúc này, bà đã lập gia đình
với nhà thơ, nhà phê bình tài năng Nikolai Gumilyov được hai năm. Có nhiều ý
kiến cho rằng Đừng vò nát thư em được Anna Akhmatova viết cho chồng
mình, sau những khoảng thời gian hai người không hiểu nhau và cuộc sống hôn
nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên cũng có ý kiến phủ nhận và cho đây là những vần
thơ được bà viết cho người bạn trai trước đây của mình. Thật khó để thừa nhận
hay bác bỏ ý kiến nào. Ta chỉ nên xét yếu tố không hạnh phúc và may mắn trong
tình duyên của bà đã ảnh hưởng đến bài thơ. Đó là dư vị xe sót về một tình yêu
dở dang đã xa.
Anna
Akhmatova là một nhà thơ nhưng trước hết bà là một phụ nữ, một phụ nữ cá tính,
sống hết mình với tình yêu và khao khát một tình yêu chân thành tha thiết.
Chính điều đó đã làm nên chất trữ tình thấm đẫm, lối tư duy đầy nữ tính trong
thơ bà. Và đây chính là cội nguồn làm nên sức sống lâu bền của thơ Anna
Akhmatova nói chung, của Đừng vò nát thư em nói riêng.
Sao Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét