Kết cấu nghệ thuật
“LÁ DIÊU BÔNG”
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống giạ
Chị bảo
- Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
- Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
Từ buổi ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hỡi!...
… ới Diêu Bông!...
Hoàng Cầm
Bố cục bài thơ khá đơn giản: chị đi tìm. Em đi tìm.. Kết cấu
nghệ thuật xem ra lại độc đáo. Giữa hai cuộc tìm luôn ẩn hiện một chiếc lá Diêu
Bông. Hư ảo và hiện thực. Cũng là một cái cớ, mà cớ chị là để chối từ, với em lại
là để bươn tới.
Duyên dáng và kiêu sa với nếp váy Đình Bảng buông chùng cửa
võng. Cô gái Kinh Bắc được gọi bằng “chị” ấy thẩn thơ tìm gì? Còn có gì khác
hơn là tình yêu, hạnh phúc mà tụ lại là hình bóng người tình lý tưởng của mình!
Với chị, đó là cái đẹp cần hướng tới. Tiếc thay, trước mắt chị chỉ là Đồng chiều - Cuống giạ, một khoảng hư không trống vắng, vô vọng.
Rồi chị thách: “Đứa nào tìm được lá Diêu Bông. Từ nay ta
gọi là chồng”. Chị gọi là đứa, chị xưng là ta! Chị chối từ hay đùa cợt? Nhận lời
thách hoang tưởng ấy, lá Diêu Bông khác nào “Voi chín ngà… gà chín cựa, ngựa
chín hồng mao…” Sơn Tinh là thần, Sơn Tinh tìm được, đứa kia là người, thậm chí
một chú “chíp hôi”, làm sao mà tìm nổi!
Thế là cuộc tìm kiếm của em chính thức bắt đầu, lẳng lặng mà
ráo riết, mà bền bỉ dẻo dai. Bởi vì, người đẹp lý tưởng của em chính là chị! Bi
kịch cũng bắt đầu từ đó. Giữa chị và em có một bức tường trong suốt, lạnh lùng.
Hiển hiện đó thôi mà quá tầm tay với. Mặc lòng, đã là khát vọng em chấp nhận mọi
giá trị để vươn tới, vươn tới cùng. Chiếc “diêu lá” chị nêu ra tưởng để chối từ
một cách chắc ăn nhất, lại là cơ may cho em có để tiếp cận chị một cách “hợp
pháp” nhất.
Từ sốt sắng, “hai ngày sau” đến tái hồi “mùa đông sau” từ oái oăm “ngày cưới chị” đến tàn tạ héo mòn “chị ba con”, em vẫn đeo đuổi, bám riết. Chị
“chau mày” kháu khỉnh, chị “lắc đầu” thờ ơ, chị “cười” quay lưng an phận,
chị “xòe tay phủ mặt” ai điếu khâm niệm thời son trẻ của mình… mặc, không gì dừng
được tình cảm em tha thiết chị. “Đành lòng vậy, cầm lòng vậy?” như khối tình
mang xuống tuyền đài chưa tan, nó không hề tan trong những chiều Diêu Bông, nó
sẽ nhập hồn vào gió quê mà cất lên cái tiếng kêu bạt gió u ẩn của mình… Khối
tình ấy, cũng đã quặn lên trong một bài thơ khác, bài “Quả vườn ổi”:
Lẻo đẻo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
Ai đã nói “chờ đợi là một điều khủng khiếp, nhưng không có gì
để chờ đợi lại càng khủng khiếp hơn ngàn vạn lần”. Người em gần như linh nghiệm
với vế thứ nhất, còn chị, oái oăm thay đã vận vào vế thứ hai. Chị cũng tìm, mà
cuộc kiếm tìm của chị mấy ai ngó ngàng. Chỉ có nỗi đau nhói lòng - Nỗi đau
không cất nổi thành lời như em. Chị như con chim tắt tiếng, chỉ biết “cau mày”,
“lắc đầu”, “phủ mặt”. Chị làm gì có cái để chờ đợi, hướng tới! Đến tuổi thì chị
đành đến với một người chị gọi là chồng và tìm lấy những niềm vui “chỉ ấm trôn
kim”, thế thôi. Em cầm chiếc lá xoay quanh chị, với em là mảnh hy vọng, với chị
là dao cứa lòng. Một bi kịch ngược chiều! “Xòe tay che mặt chị không nhìn” phải
chăng là một cách trốn chạy thực tế; là sự đau xót đến tận cùng của thân phận…
Kiếm tìm hay đuổi bắt, kẻ càng đến gần người càng lùi xa… Mỗi
đời người đều hướng tới người lý tưởng, có người không tìm thấy, có người đã thấy
nhưng dường như số phận không dành cho mình. Đau nhất là, do một ngẫu nhiên mù
quáng nào đó của định mệnh, hai người kia lại bị ghép thành một cặp!... Cuộc kiếm
tìm, đuổi bắt sẽ vĩnh viễn đau thương!.
Có phải đó là một lý do khiến “Lá Diêu Bông” cứ khắc khoải
xanh nơi đáy lòng của mỗi người đã từng yêu dấu, từng kỳ vọng khát khao.
Thảo Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét