Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Màu xanh dưới đại ngàn

Màu xanh dưới đại ngàn
Khoảng trời đất biên viễn như một lão gàn khó tính và kẻ cả, mới chợt mưa thoắt đã hanh hao nắng. Núi non xứ này tựa những ngón tay chĩa lên trời, tự do bát ngát xanh. Và nơi đỉnh trời ấy lại mọc một làn tóc mây mở về phía trước chênh chao theo con đường mười một kilômét ruổi vào Đồn biên phòng Cà Xèng…
Mười một kilômét đường kể trên như bị kẹp dưới hàng vạn vỉa tầng đá vôi khiến người đi luôn rờn rợn. Nghĩ dại, trong một giây nào đó những phân tầng kỳ vĩ kia mà ụp xuống thì... Đã vậy, dưới vệ đường lại hằn rõ dấu tích tàn phá của những cơn lũ quét với những gốc tràm bùn in tận ngọn, vài ba cái xác thuyền chỏng chơ khung gỗ...
“Chúng tôi ở đây lúc nào cũng thường trực hiểm nguy, nên cái sự nguy hiểm cũng thành đơn giản đi”.
Đó là lời chắc nịch của Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn biên phòng Cà Xèng. Người đàn ông tóc đã muối tiêu, ba mươi bảy năm tuổi quân, công tác khắp các đồn rừng, đồn biển của cái eo miền Trung từ khi còn là anh lính binh nhì đến sĩ quan cao cấp. Giọng Ba Đồn hơi nặng luyến láy nhưng trầm ấm, những câu chuyện về cuộc sống của lính biên phòng khi “bốn cùng” với nhân dân, đặc biệt với một tộc người “em út” của đại gia đình các dân tộc Việt cứ cuốn hút chúng tôi, giúp chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn câu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” được lính biên phòng thuộc nằm lòng.
Đứng từ Đồn biên phòng Tà Xèng phóng tầm mắt ra xung quanh chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn và trập trùng núi dựng nên ý niệm về đường biên giới trong tôi rất mênh mông trừu tượng. Nhưng đối với những người lính biên phòng thì không. Đồn phó nghiệp vụ Nguyễn Minh Tiến khoát tay cho chúng tôi hình dung đường biên giới chạy theo hướng nào và cười bảo: “Biên giới đối với lính biên phòng rất cụ thể, đó là những cột mốc chủ quyền. Có những cột mốc gần đồn, nhưng cũng có những cột mốc anh em phải cuốc bộ mấy ngày mới tới. Dù địa hình hiểm trở thế nào thì từ đồn trưởng, chính trị viên đồn, đồn phó thay nhau cùng anh em gùi lương thực, thực phẩm rảo hết các cột mốc để thực hiện quản lý quyền chủ quyền biên giới quốc gia. Biên giới với lính biên phòng, còn là cả những bản làng, nơi đồng bào là những cột mốc sống giữ gìn phên giậu biên cương”. Rồi anh chỉ tay xuống núi. Dưới đó là cánh đồng Rục Làn của một tộc người sáu mươi năm vẫn đang trong hành trình “ly cốc, hạ sơn” đầy ly kỳ và bộn bề thương cảm.

Chúng tôi theo chân Đại úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Vận động quần chúng xuống núi. Hải là một anh chàng mộc mạc, thư sinh với đôi kính cận lấp lóa, là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của lực lượng Bộ đội Biên phòng được vinh danh với thành tích tận tụy, bám bản, nắm chắc dân, hiểu tâm tư của đồng bào. Anh cho biết, từ đường Hồ Chí Minh vào đồn có ba bản là: Bản Ón, bản Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Ba bản này bà con đều là người dân tộc Chứt với các tộc: Sách, Mày, Arem, Mã Liềng và Rục… Nói rồi anh lấy máy điện thoại ra gọi Bí thư chi bộ và Trưởng bản Mò O Ồ Ồ sang nhà sinh hoạt cộng đồng để cùng nói chuyện.
Thoáng đã thấy Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long dựng xe giữa sân. Qua lời giới thiệu của Hải mới biết Long năm nay hai mươi bốn tuổi, đã làm Trưởng bản được hai năm. Lát sau, thêm một cụ ông có khuôn mặt hốc hác, miệng rộng, thân hình đen nhẻm, gầy gò lộc cộc bước đến không nói không rằng kéo cái ghế băng ra ngồi chăm chú nghe. Cao Tiến Thuỳnh, cụ ông ấy mới sáu mươi ba, nhưng đã thuộc hàng cao tuổi nhất bản. Bản Mò O Ồ Ồ đa số là tộc người Rục. Người Rục không có họ, vì pháp lí dân số nên tất cả lấy họ Cao. Quê hương của người Rục ở hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch của Quảng Bình nhưng do những biến thiên lịch sử, họ chạy vào Trường Sơn nương náu. Theo gia phả của một số dòng họ Việt trong vùng thì nhóm người Rục, người Sách cư trú tại vùng này ít nhất đã trên 500 năm...
Bùi Văn Hải kể, người Rục còn giữ những tập quán nguyên thủy sơ khai, lấy vỏ cây làm khố, kiếm thức ăn từ săn bắt hái lượm. Lương thực chủ yếu của họ lấy từ bột cây nhúc, củ rừng... Họ sống trong hang đá, gốc cây; lúc ốm đau hái lá cây rừng làm thuốc, khi sinh đẻ người phụ nữ không được ở trong hang mà phải ở ngoài hang (trong rừng) xa nơi ở, đẻ xong đợi khoảng ba ngày thì ôm con về; người ốm gần chết phải để ở ngoài hang chờ chết, khi chết không chôn mà để xác giữa trời lấy lá cây rừng phủ kín làm mộ... Những năm 1958, 1959 đã có lời đồn về “người nguyên thủy” sinh sống tại miền tây Quảng Bình. Đầu năm 1959, tổ tuần tra biên giới Đồn công an nhân dân vũ trang Óc Sách phát hiện nhóm người lạ, khi thấy chiến sĩ tuần tra, họ bỏ chạy. Nhận được báo cáo, Ban chỉ huy công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ thị “Dù bất cứ giá nào cũng phải tìm cho được họ”. Sau năm tháng lăn lộn ở đại ngàn Trường Sơn, đương đầu với núi cao vực sâu, thú dữ, ngày 12/8/1959, một tiểu đội công an nhân dân vũ trang Quảng Bình đã phát hiện ra tung tích những “người rừng” trong một lán cư trú, nhưng do động tác của chiến sĩ ta thiếu nhẹ nhàng, họ lại bỏ chạy vào rừng sâu. Tiếp tục tìm kiếm, được sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, chỗ trú ẩn mới của người Rục lại được phát hiện trong hang sâu vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Lần này, bằng sự thuyết phục chân thành, khôn khéo, một tuần sau các cán bộ đồn đã đưa được họ ra khỏi hang về định cư tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Lúc đó tổng số người Rục có 34, gồm 11 nam, 23 nữ; trong đó có 4 em bé, ông cụ già làng tên là Vịt.

Người Rục được vào hợp tác xã, cuộc sống dần ổn định nhưng chưa được bao lâu đế quốc Mỹ lại leo thang chiến tranh, một lần nữa người Rục rơi vào tình trạng gần như bị lãng quên. Khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh, chiến tranh phá hoại, rồi những năm tháng khó khăn của đất nước sau chiến tranh, nhất là trận dịch sởi năm 1989 đã cướp đi sinh mạng của 20 người Rục, có những gia đình không còn ai sống sót. Hoảng sợ, người Rục quay trở lại hang đá tiếp tục cuộc sống nguyên thủy. Năm 1991 họ được đưa lại về khu định cư ở bản Ón, Mò O Ồ Ồ với 41 hộ, 212 nhân khẩu. Nhưng năm 2000 có 11 hộ với 44 khẩu lại bỏ vào hang đá hoặc dựng lều trong rừng để sống...
Nghe xong lịch sử vắn tắt của một tộc người với bao nỗi thăng trầm, tôi bần thần nắm lấy bàn tay ông Thuỳnh, trong lòng trào lên nỗi xót xa. Bàn tay ông cũng như bàn tay những người già ở bản tôi, gầy guộc, chai sạn, cả người nồng nã mùi sương muối vì suốt đời lăn lộn kiếm ăn nơi rừng thiêng nước độc. Theo phân tích của anh em biên phòng thì người Rục luôn mang ý nghĩ “đói không lo, no không mừng”. Họ không có khả năng tổ chức sản xuất nông nghiệp nên không quen với cuộc sống định canh, định cư. “Tiếng gọi nơi hoang dã” luôn thường trực trong không ít người Rục, chỉ cần một tổn thương nhỏ trong cuộc sống là ý nghĩ vào hang động lại trỗi dậy. Việc cứu sống người Rục, không để cho tộc người này bị diệt vong là vấn đề đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước. Và trách nhiệm vận động người Rục quay trở về với cộng đồng lần thứ hai được đặt lên vai những người lính biên phòng... Với sự giúp sức của địa phương, Bộ đội biên phòng triển khai, bố trí người Rục ở xen kẽ với các tộc người: Sách, Mày, Kinh ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Cánh đồng Rục Làn ra đời và phát triển từ đó đến nay đã trên mười hécta, có đập nước tưới tiêu bê tông hóa. Nhưng nhân công chủ yếu từ làm đất, gieo trồng đến chăm bón, thu hoạch đều do bộ đội của đồn đảm nhiệm. Mỗi khi thu hoạch xong đồng bào cứ việc đến lấy thóc về ăn. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Đồn biên phòng Cà Xèng lại có cả kho nông cụ với máy kéo, máy gặt, máy cày, máy tuốt... “Tất cả những vật tư này một phần của Nhà nước cấp, một phần do anh em trong đồn vận động các nhà từ thiện, hảo tâm đóng góp” - Bùi Văn Hải nhỏ nhẹ cho biết.
Nhìn những vạt lúa đang thì con gái mơn mởn xanh giữa đại ngàn Trường Sơn, trong tôi dâng lên một cảm xúc bồi hồi. Tôi hỏi năng suất lúa ở đây thế nào, một chiến sĩ biên phòng quần còn xắn tới gối, áo loang lổ vệt nước mưa đáp: “Hi vọng vụ này cũng sẽ đạt hoặc vượt chỉ tiêu ba tấn rưỡi một hécta như vụ trước”. Câu trả lời đậm chất nhà nông khiến tôi rưng rưng. Những người lính đang đứng trước mặt tôi đây là những nông dân chính hiệu. “Những nông dân khoác áo lính” đã giao việc nương rẫy, lúa nước nhà mình cho vợ lo toan, còn các anh tới đây vừa làm nghĩa vụ bảo vệ biên cương, vừa gánh trách nhiệm là người “bạn nông” của những đồng bào đang bỡ ngỡ với văn minh lúa nước.
Chia tay những người lính Đồn Cà Xèng, chia tay những người Rục chân chất, nghèo khó, chúng tôi tiếp tục ngược lên Cha Lo, cửa khẩu biên giới Việt - Lào. Ngước mắt nhìn những thượng đạo xa mờ trên mảnh đất Tuyên Hóa này, tôi mường tượng như còn dấu chân của Vua Hàm Nghi từng buôn ruổi, tránh giặc Pháp khi rút khỏi căn cứ sơn phòng Tân Sở - Quảng Trị mà tiếp tục nuôi lửa Cần Vương (1885-1896); cũng tại chính mảnh đất này, những kẻ túc mã manh tâm suất đội Nguyễn Đình Tình, lãnh binh Trương Quang Ngọc đã bội phản đem quân bắt sống vị vua trẻ tại khe Tả Bảo (gần thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa ngày nay) giao cho thực dân Pháp để rồi Ngài phải vong thân nơi xứ người, kết thúc một phong trào yêu nước chống chủ nghĩa thực dân. Thế sự đổi thay, kí ức dân gian nơi đây về vị vua trẻ giờ không gì hơn ngoài những đồn đoán về kho báu được vua cho chôn trong hành trình trốn chạy mà bao kẻ hám lợi đã lao vào cuộc kiếm tìm và không ít người đã phải bỏ mạng.
Dằng dặc quốc lộ 12A hơn một trăm kilômét ấy đã khiến tôi nhận ra mình đang trôi trên con đường huyền thoại, khi quốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mc Namara. Quốc lộ 12A từng là con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, khí tài, nhân lực ngược lên miền tây Quảng Bình vòng qua Lào rồi vào chiến trường miền Nam. Đây đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, làng Ho, phà Xuân Sơn..., như còn thấy bóng người con gái ngồi lên quả bom nổ chậm để đồng đội yên tâm thông đường cho những chuyến xe ra mặt trận trong câu thơ của Xích Bích, nhà thơ đất Quảng Bình: Đang ngồi đó cưỡi lên đầu cái chết/ Bóng đè lên bóng núi Trường Sơn. Đây Đồi 37, Cổng Trời, Bãi Dinh, Khe Ve, La Trọng, còn thấy trận địa pháo phòng không và dáng hình hiên ngang của người Anh hùng liệt sĩ, Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân với câu nói bất tử “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”.
Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Trung tá Dương Đình Hoàn là người đón và đưa chúng tôi qua từng địa danh. Nhìn những chứng tích chiến tranh đã ngủ yên dưới tầng tầng lá mục Trường Sơn, thời gian xóa mờ tang thương trên da thịt đất mẹ, chúng tôi cùng ngưỡng vọng, thắp nén hương trên tấm bia ghi công đặt giữa Cổng Trời rồi ngắm núi ngắm rừng. Ngọn núi mang dáng hình của nàng I Leng và chàng Thông Ma tựa đầu, quyện vào nhau hàng vạn năm trong huyền tích, sừng sững hiên ngang, thi gan cùng bom đạn giặc thù, nghiêng lưng che chở từng đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến. Chạm vào đá, tôi gặp rất nhiều kỉ niệm: Một dòng chữ viết bằng đá xanh nhắn gửi đồng đội, một chữ kí hoặc kí hiệu khắc vội, còn đó khẩu hiệu khắc trên đá của một chiến sĩ vô danh “Tim còn đập, đường không tắc”... Ở bên trái đường có một hang động là nơi làm lễ “truy điệu sống” các chiến sĩ Tiểu đoàn 12 công binh trước đêm ra mặt trận làm nhiệm vụ... Tôi nghe những mạch ngầm của từng thớ đất, thớ đá ấy đang kể với mình những câu chuyện như là cổ tích. Họ chưa bao giờ chết đi, anh linh của họ đã hóa thành bất tử, hóa thành vòm mây trắng trên đỉnh Trường Sơn đang canh dõi yên bình cho nước Việt thân yêu!

Xuôi con dốc ngoằn ngoèo, một bên vực thẳm sâu hun hút, một bên vách đá vôi sừng sững chúng tôi đến Bãi Dinh. Đồn Cha Lo có một tổ công tác hai người, một anh đi họp, còn lại Trung tá chuyên nghiệp Đinh Minh Thanh. Anh Thanh đúng là dân đường rừng, dáng người khắc khổ, bận quần đùi, áo lót, đầu đội mũ cối. Anh bảo mình đi thăm đồng trong Ka Ai. Tò mò, tôi bảo anh đưa chúng tôi đi thăm cùng. Đường xe ô tô không vào được nên anh “kẹp ba” luôn. Qua một đập tràn, những khung cảnh tuổi thơ ùa về trong tôi khi thấy một lũ trẻ con trần truồng tắm táp, nô đùa thật vui mắt. Xuyên qua một bản làng khá lớn, dân cư ngụ là người Khùa (Bru-Vân Kiều), Mày, Sách (Chứt). Họ quần tụ ở đây không biết đã bao nhiêu đời, trải bao biến cố lịch sử thì thành bản, thành làng dưới chân núi Giăng Màn này. Nhìn những ngôi nhà sàn bé nhỏ, thấp lè tè, vách nứa đan chằng chịt, đường đi là lối trâu bò, lợn gà, đi lâu thành đường... mà lòng đầy thương cảm. Họ sống vô tư, nguyên thủy quá. Dường như cái ăn, cái mặc đã chiếm hết tâm trí nên những thứ khác không khiến họ bận tâm.
Theo lời anh Đinh Minh Thanh, những năm trước người dân ở đây chưa biết làm ruộng, trẻ con nheo nhóc bâu quanh chiếc nồi chỉ có ít bồi (loại lương thực được xay từ ngô, sắn) để ăn. Gạo hỗ trợ không phải không có, nhưng người lớn đã mang đi đổi rượu uống hết cả. Sáng sớm, nhiều người trong bản đã say ngật ngưỡng, có người lăn ra ngủ bên vệ đường. Không biết tự sản xuất, lại nhiều hủ tục đè nặng khiến cuộc sống của bà con càng tăm tối...
Từ thành công của dự án lúa nước Rục Làn tạo nguồn lương thực cho bà con người Rục, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xây dựng đề án phát triển cây lúa nước ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa. Địa điểm khai hoang chính là vùng đồi thấp khá rộng quanh bản. Vừa bằng sức người, vừa dùng phương tiện, trong ba tháng liền, Bộ đội Đồn biên phòng Cà Xèng “nhổ” từng hòn sỏi, tảng đá, bóc tách được toàn bộ số đất hữu cơ trên mặt các quả đồi thấp bỏ sang một bên. Tiếp đó, hạ thấp các quả đồi để hình thành từng thửa ruộng. Đất bị phong hóa mang đổ đi nơi khác. Khi ruộng thành hình, bộ đội lại đưa phần đất hữu cơ trở lại, cùng với nguồn nước được đưa về từ suối, biến đồi thành ruộng... Công cuộc ấy rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của anh em trong những tiết trời mùa khô khắc nghiệt. Ngày đó, những bàn tay cầm súng đã chuyển sang cầm cuốc, xẻng, xà beng lật từng viên đất, hòn đá...

Mặt mũi ai cũng bắt nắng đen sắt lại, nhưng nụ cười vẫn thường trực vì những người lính hiểu ý nghĩa việc mình làm. Đinh Minh Thanh vui vẻ bộc bạch: “Từ một cán bộ vận động quần chúng, tôi đã trở thành một nông dân chính hiệu. Từ việc chọn giống, ươm mạ, cấy hái, bón phân gì, phun thuốc diệt sâu bọ lúc nào... tôi đều phải rành rõ như lòng bàn tay. Có như thế mới thực hiện đúng phương châm miệng nói, tay làm, bà con mới tin tưởng!”.
Nắng đã tàn trên đỉnh Giăng Màn, hoàng hôn sâm sẫm màu trên những ngọn lúa đang thì con gái. Khói nhà ai đã chờn vờn quanh nóc. Chiếc xe “kẹp ba” trở lại trạm của tổ công tác, có rất nhiều đôi mắt từ những nếp nhà dõi theo. Bằng trực giác của người miền núi, tôi đã thấy những ánh mắt ấy lấp lánh niềm tin và sức sống...
Chúng tôi trở về Đồn biên phòng Cha Lo khi trời đã tối. Trong đêm, giữa trời mưa lành lạnh, Chính trị viên Dương Đình Hoàn nhỏ giọng kể chuyện nhà, chuyện đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn, chuyện “ba bám, bốn cùng” với nhân dân. Ba bám ở đây là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; còn bốn cùng tức cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào. Không gian chững lại khi anh kể đến sự hi sinh, mất mát của đơn vị đảm trách quản lý biên giới trong đó có cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Mới một tháng trước, một chiếc xe container kéo theo rơmoóc vận chuyển hàng hóa từ Lào qua cửa khẩu, vừa qua khu vực kiểm soát thì bị hỏng máy. Tài xế dừng xe sửa chữa, xong nổ máy rồi ra chỗ khác rửa tay. Bất ngờ chiếc xe bị trôi, tông mạnh vào bốt gác làm Trung tá Lê Quang Trung 48 tuổi, quê xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tử vong. Đơn vị đang làm các chế độ cho đồng chí Trung. Chỉ thương vợ anh và hai cháu nhỏ ở quê...
Những người lính là những người đặc biệt. Đặc biệt vì nhiệm vụ của người lính là đem thân xác, linh hồn mình phụng sự cho Tổ quốc, cho dân tộc. Thời bình vẫn có những sự hi sinh. Văng vẳng đâu đó giọng hát từ chiếc radio của người chiến sĩ nào đó đưa tôi vào giấc ngủ. Có chúng tôi đây vững vàng trên điểm tây/ Đêm Cha Lo, đêm biên giới, nghe rì rầm đoàn xe, hay nhịp tim ta đó...
Hà Nội, tháng 12/2018
Lý Hữu Lương
Theo http://vannghequandoi.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...