Quá trình hình thành, phát triển
dòng nhạc nhẹ đương đại Việt Nam
Chín thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt, tính từ năm 1930, khi bản
tân nhạc đầu tiên của Việt Nam “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu ra đời, được tác
giả chia thành nhiều giai đoạn. Theo đó, quá trình phát triển ca khúc tân nhạc Việt có 4 giai đoạn: GIAI ĐOẠN
1930-1945: GIAI ĐOẠN 1946-1954, GIAI ĐOẠN 1954-1975 và GIAI ĐOẠN
ĐƯƠNG ĐẠI - từ 1975 đến nay. Trong mỗi giai đoạn âm nhạc, lại tồn tại
nhiều xu hướng, trào lưu âm nhạc được gọi là dòng nhạc như cách gọi phổ
biến hiện nay.
Riêng GIAI ĐOẠN CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI - từ 1975 đến nay, lấy mốc để phân ranh là
năm 1986, năm bắt đầu thời Đổi mới, có hai thời đoạn: thời đoạn hậu
chiến- 10 năm sau Thống nhất 1975-1985; thời đoạn đương thời - sau Đổi mới 1986
đến nay và thực tế hiện hữu hai dòng nhạc song song tồn tại: dòng nhạc nhẹ
chính thống và dòng nhạc thị trường bị thương mại hóa. Bài viết này đề
cập đến quá trình hình thành, phát triển dòng nhạc nhẹ đương đại và chia thành hai kỳ.
Những bước “khởi đầu nan” của dòng nhạc nhẹ Việt trong thời đoạn hậu chiến - 10
năm sau thống nhất (1975-1985).
NS Văn Cao và NS Hồng Đăng,1984
Nền ca nhạc đương đại đã có nhiều
thành tựu đáng kể, có những
đóng góp chung cho nền văn hóa, văn nghệ hiện đại của dân tộc và hiện nay dòng
nhạc nhẹ đương thời đã được chính thức công nhận. Nhưng dòng nhạc nhẹ đương
thời được hình thành, phát triển không phải mới bắt đầu từ
sau Đổi mới (1986) mà đã có khởi nguồn từ giữa thập niên 70, sau Thống nhất đất
nước, với những bước “khởi đầu nan” của ‘cả quá trình diễn
ra từ từ và không thực sự dễ dàng, suôn sẻ” (NS Nguyễn Thị Minh Châu -
“Âm nhạc thời kinh tế thị trường và thời hội nhập - phần 1”) trong
cả hai thời đoạn: hậu chiến và đương thời.
Sau
ngày thống nhất, nẩy sinh nhiều nhân tố mới: không khí hòa bình, xây dựng đất
nước, tâm lý vui tươi, lạc quan, xu thế phản ánh hiện thực mới của văn nghệ,
ảnh hưởng của trào lưu ca nhạc nhẹ thế giới, nhất là sự phát triển nội tại tất
yếu của phong trào ca nhạc nước nhà, nhu cầu thẩm mỹ ca nhạc mới của công
chúng… Những nhân tố khách quan và chủ quan đó đã thúc đẩy nền âm nhạc Việt
phải có chuyển hướng mới, nhất là sự chuyển hướng nội dung đề tài ca khúc từ
thời chiến sang thời bình đã làm cho hình thức biểu hiện nghệ thuật của ca khúc
cũng thay đổi để phù hợp với nội dung cần phản ánh đã hình thành dần dần
dòng ca nhạc nhẹ Việt Nam. NS Tuấn Giang trong cuốn “Thành tựu ca nhạc
Việt Nam thời kỳ đổi mới” (NXB Thanh Niên- 2007) đã viết về ca khúc
thời đoạn này: “Bắt đầu từ những ca khúc êm dịu đầu tiên nmang hơi thở cảm
xúc của một dòng âm nhạc mới, dần dần tạo ra bước ngoặc ca nhạc phản ánh đời sống hòa bình của nhân dân”.
Nhạc sĩ Tuấn Giang
Nhưng bước
ngoặc ca nhạc đó không phải dễ dàng một sớm một chiều mà có, mà phải trải
qua bao khó khăn cản trở do những nhân tố khách quan và chủ quan. NS Tuấn Giang
(sách đã dẫn) cũng đã bàn luận về điều này, xin hệ thống lại theo từng
phương diện (nhân tố khách quan và chủ quan) và phân tích, bổ sung thêm.
Về
phía khách quan, do quan điểm nghệ thuật vốn bị ràng buộc quá chặt, bị chi phối
hoàn toàn bởi những định kiến chính trị đã kéo dài trong 30 năm chiến tranh của giới lảnh đạo, giới quản lý văn nghệ và thói quen thẩm mỹ âm nhạc cũ
đã hằn sâu trong tâm trí một bộ phận công chúng.
Ca khúc Gởi
nắng cho em (1975 - thơ Bùi Văn Dung) được Phạm Tuyên viết trong những
ngày đầu tiên ông vào Sài Gòn. Khi bài hát vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói
Việt Nam, đầu tiên là giọng ca mượt mà của ca sĩ Kiều Hưng rồi sau đó là giọng
ca trong sáng của ca sĩ Trung Kiên, được đông đảo bạn nghe đài ưa thích, yêu
cầu phát lại, nhiều đoàn nghệ thuật lấy làm tiết mục biểu diễn, thì ngay lập
tức bị một “lệnh cấm bất thành văn” truyền đến tai các ca sĩ và các đơn vị nghệ
thuật: “không được phổ biến bài hát "Gửi nắng cho em" ở bất
cứ đâu”. Vì một số người quản lý nghệ thuật đã rỉ tai nhau lên án: “Mới
giải phóng Sài Gòn chưa bao lâu mà Phạm Tuyên đã ăn phải bả của chủ nghĩa thực
dân mới rồi, chưa chi đã vội gửi nắng từ miền Nam ra miền Bắc, chẳng hóa ra là
ngoài này âm u lắm hay sao?!”
Thế là ca khúc "Gửi nắng cho
em" bị chết yểu, bị cấm trong một thời gian khá dài! Sau cả chục
năm bị cấm, đầu mùa xuân năm 1986, nhạc sĩ Bửu Huyền phụ trách phòng ca nhạc
Đài Truyền hình TP HCM quyết định cho ca sĩ Ngọc Tân hát ca khúc "Gửi
nắng cho em" đúng vào buổi giao thừa trên sóng truyền hình thành
phố.
Nhạc sĩ Văn Ký và nhạc sĩ Dương Thụ
Sau đó, Đài Truyền hình Trung ương cũng mạnh dạn phát bài đó nhiều lần trên sóng
và lại được người nghe hâm mộ. Từ đó “lệnh cấm bất thành văn” kia đối với ca
khúc "Gửi nắng cho em" mới không còn hiệu lực nữa.
Ca
khúc nổi tiếng Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao được sáng tác
vào đầu năm 1976, được in trên báo Sài Gòn
giải phóng số Xuân 1976 và cũng trong năm ấy, được dịch lời Nga và in ở
Liên Xô, ngày nay đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam, là một trong những
bài hát hay nhất về mùa xuân. Nhưng tuyệt phẩm này rất “cao số”, cũng có số
phận long đong như chính người tạo nên nó. Với giai điệu valse nhẹ
nhàng, dìu dặt, mượt mà, sâu lắng, với ca từ có
ý nghĩa rất sâu sắc, bài hát khắc sâu vào tâm hồn người Việt tình cảm chan
chứa, khát khao yêu thương và niềm tự hào khiến lòng người trở nên
thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc xúc cảm chân thành, dung dị về một
“mùa xuân đầu tiên” của ngày toàn thắng. Nhưng
ca khúc bị coi là “lạc điệu” với hầu hết bài hát được sáng tác cùng thời
điểm đều mang âm hưởng hào hùng, ngợi ca với tiết tấu mạnh, khỏe, hân hoan. Phải mất 20 năm sau khi ra đời, khi tác giả đã qua
đời, nó mới được dàn dựng, công diễn, phổ biến và mới thực sự “đóng đinh” vào
đời sống âm nhạc Việt Nam.
Trần
Tiến có nhiều ca khúc nhạc nhẹ, nhạc trẻ được công chúng say mê nhưng lại có
nhiều “vấn đề” nhất. Ca khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn
(1979) của Trần Tiến có nội dung động viên mọi người bảo vệ Tổ quốc và vừa ra
đời đã nhanh chóng đến với công chúng, được hân hoan đón nhận và gây dư
luận sóng gió trong và ngoài nước. Nhưng không ít người lại nói đó là đôi
mắt hận thù“phải gắp những viên đạn ra khỏi những đôi mắt đó”… Nhiều
ca khúc nữa của ông lại có “vấn đề”: Điệp khúc tình yêu bị
cấm vì có chữ “hôn” (Nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em), Thành
phố trẻ bị cấm vì có nói đến chuyện uống rượu (Anh đi đâu về/
Dầu máy đầy tay/ Lưng trần gió bể/ Chung vài xị đế/ Nhậu cùng bạn bè), Rock
đồng hồ bị cho là “kích động bạo loạn”, mà sau này theo lời Trần
Tiến thuật lại, khi gặp ông, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bảo: “Trần Tiến
không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động lòng yêu nước”, nhưng
lúc đó bài hát đã khiến ông bị 6 chiến sĩ công an đuổi bắt và trốn
được nhờ một bà cụ già ở bên kênh Nhiêu Lộc (TP HCM) giúp.
Trần Quang Lộc (phải) và tác giả
ở TP Bà Rịa, tháng 7.2018
Định
kiến hẹp hòi, sai lầm của giới quản lý văn nghệ, một số nhà chính trị,
một bộ phận công chúng có ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng ca nhạc nhẹ.
Nhiều ca khúc nổi tiếng của những nhạc sĩ nổi tiếng ở TP. HCM bị coi là “lập lờ
hai mặt”: Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Đi qua
vùng cỏ non của Tôn Thất Lập, Ngõ vắng xôn xao của Trần
Quang Huy…
Cũng
do định kiến với khái niệm nhạc nhẹ, nên vào cuối thập niên 70, khi một dòng
nhạc nhẹ đã hình thành với hàng loạt ca khúc với giai điệu, nội dung phản
ánh và nhân vật trữ tình mang đặc trưng của nhạc nhẹ nhưng được
gọi là nhạc trẻ. Khái niệm nhạc trẻ là nhạc nói về tuổi trẻ, tình yêu của họ và
dành cho tuổi trẻ thưởng thức, mà thực sự công chúng nhiều lứa tuổi đều yêu
thích, nên cách gọi nhạc trẻ có hàm ý tế nhị trước một vấn đề nhạy cảm là
dòng nhạc nhẹ đã thực sự ra đời.
NS Trần Quang Huy
Năm 1979,
khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, phong trào ca khúc chính trị (CKCT) ra
đời cùng với nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nhiều thế hệ và nhiều nhóm CKCT được
thành lập, chủ yếu ở thành phố HCM. Nhóm CKCT đầu tiên của âm nhạc chuyên
nghiệp Việt Nam là Rạng Đông cũng ra đời tại đây năm 1979 do nhạc sĩ
Chánh Trực phụ trách. Về cấu trúc giai điệu, CKCT và nhạc nhẹ có khác nhau đôi
chút, đặc biệt là đoạn điệp khúc của CKCT nêu bật chủ đề tư tưởng chính trị của
bài hát, nhưng hai trào lưu nầy đều thể hiện cùng một nhịp điệu âm nhạc, cùng
là những bài hát viết ở thể một, hai hay ba đoạn đơn. Từ năm 1982, khi
nhạc nhẹ được chấp nhận, thì các nhóm CKCT không còn tồn tại nữa, CKCT đã hoàn
thành nhiệm vụ cuả mình là động viên lòng yêu nước của toàn dân vào công cuộc
xây dựng đất nước, hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, là bước đệm
trong quá trình tiếp thu, chấp nhận ca nhạc nhẹ và hình thành, phát triển nền
ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp ở nước ta.
NS Hoàng Lương (trái) và tác giả
ở TP Vũng Tàu, tháng 6, 1018
Về phía chủ quan tức ở giới sáng
tác, ca khúc của họ dịch chuyển theo động tử “chậm dần đều” từ dòng nhạc chính
thống thời chiến từ từ sang nhạc nhẹ chính hiệu, cả về nhân vật trữ tình, nội
dung trữ tình lẫn giai điệu thể hiện. Nhân vật trữ tình trong ca khúc đi từ cái
ta chung, qua cái ta có cái tôi ẩn mình, đến cái
tôi hiện rõ trong hài hòa với cái ta và cuối cùng là cái
tôi chủ thể. Nội dung trữ tinh đi từ đề tài lớn lao quê hương đất nước, qua
cuộc sống thanh bình xây dựng, rồi cuộc chiến đấu hy sinh trong chiến tranh
biên giới của tuổi trẻ, đến nhiều khía cạnh của tuổi trẻ, trong đó có tình yêu
của họ. Giai điệu ca khúc đi từ “nhẹ hóa” ca khúc trong các ca khúc có khuynh
hướng nhạc nhẹ, qua nhạc trẻ, nhạc xanh như ca khúc chính trị đến nhạc
nhẹ chuyên nghiệp với nhịp điệu của Slow, Sur, Disco… rồi Pop, Rock…
Bước
đầu của ca nhạc nhẹ Việt là “nhẹ hóa” các ca khúc với ca từ thơ mộng, lãng mạn,
giai điệu trữ tình nhẹ nhàng, êm dịu hoặc bay bổng như trong Tình em biển
cả (1975) của Nguyễn Đức Toàn, Biển hát chiều nay (1975) của Hồng Đăng… Đây là những ca
khúc có phong cách nhạc dịu nhẹ, giai điệu thiết tha trong sáng, nhưng tác giả
còn đứng giữa cái ta để ca ngợi những cảm nghĩ riêng chung. Bài Tình em
biển cả của Nguyễn Đức Toàn giai điệu sâu lắng phơi phới
mênh mông, ẩn chứa niềm vui sướng tự hào với ca từ kiêu hãnh: Chưa có bao
giờ đẹp như hôm nay/ Non nước mây trời lòng ta mê say/ Sóng nước trùng dương
dài theo bờ cát/ Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát.
NS Nguyễn Trọng Tạo
Bài
Biển hát chiều nay của Hồng Đăng giai điệu dịu dàng đằm thắm biểu hiện tâm trạng hạnh phúc, khoáng đãng với lời ca ngọt ngào: Ơi
biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu
dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện
quê hương…
Chỉ ba năm sau đó, ca
khúc đã chuyển hướng sáng tác - lời ca, giai điệu được viết theo hướng nhạc
xanh: Chiều trên bến cảng (1978) của Nguyễn Đức Toàn, Nha
Trang mùa thu lại về (1978), Trời Hà Nội xanh (1978)
của Văn Ký, Làng quan họ quê tôi (thơ Nguyễn Phan
Hách - 1978) của Nguyễn Trọng Tạo, Một mùa xuân (thơ Thanh Hải -
1978) của Trần Hoàn, Tình ca Tây Nguyên (1978) của Hoàng Vân, Giai
điệu Tổ quốc (1978), Mùa xuân gọi (1978) của Trần Tiến, Em
chọn lối này (1978) của An Thuyên, Sợi nhớ sợi thương
(thơ Thúy Bắc-1978) của Phan Huỳnh Điểu, Bài ca biên giới (1978)
của Xuân Giao…
Nha
Trang mùa thu lại về của Văn Ký mở đầu với chất suy tư nhưng giấu cái
tôi cá nhân trong cái ta rộng lớn: Ơi Nha Trang mùa thu lại về/ Trong nụ cười
và trong ánh mắt mê say/ Cờ đỏ tung bay cuộc đời mới/ Buồm căng gió
lộng thuyền ra khơi xa…
Sau đó, sang đoạn hai,
là sự bay bổng niềm vui rộn rã, cái tôi được bộc lộ để hát cùng
cái ta quê hương đất nước qua lời ca tự sự anh - em: Mùa
thu sang anh cùng em lên đường/ Đi xây dựng mảnh đất quê hương/ Theo nhịp bước
của đoàn quân chiến thắng/ Anh ơi có nghe chăng mùa thu tới với muôn vàn yêu thương…
Trong Chiều
trên bến cảng của Nguyễn Đức Toàn, cái tôi cá nhân “chia tay
nhau” với người yêu “trong lòng bao
lưu luyến” trên bến cảng nhưng cũng vì nhiệm vụ của cái ta
công dân “nghe đất nước đang gọi mình
đi”:
Một
chiều mùa hè gặp nhau trên bến cảng/ Ta gần nhau hơn qua mỗi lần xa
cách/ Trong những chuyến đi xa có biết bao nhiêu điều mới lạ/ về đất nước về con
người về cuộc sống và tình yêu…
NS Nguyễn Đức Toàn
Ra
đời chậm hơn sau đó vài năm, nhưng Điệp khúc tình yêu của Trần
Tiến với nhịp điệu slow dìu dặt, ca từ rạo rực, cháy bỏng trong
danh xưng anh - em với tình yêu của một thời trai trẻ “đã đi qua chiến
tranh” nhưng tình yêu ở đây là một tình yêu cao cả, tác giả vẫn đứng trên
cái ta để nói về thân phận con người sau chiến tranh và còn lại sau
chiến thắng là tình yêu, nên:
Hãy hát
lời lửa cháy bằng trái tim tình yêu/ Hãy hát lời tình yêu bằng trái tim lửa
cháy/ Hãy hát lời lửa cháy bằng trái tim yêu thương/ Hãy hát lời yêu thương bằng
lửa cháy trong ta…
Trước đó, cái
tôi đã hòa nhập với cái ta sớm hơn trong Gởi nắng
cho em (1975 - thơ Bùi Văn Dung) của Phạm Tuyên. Ở đây tình cảm riêng tư
đã hòa vào tình cảm rộng lớn của cả dân tộc, cái tôi “riêng” đã nhập vào
cái ta “chung” một cách hài hòa, chúng không đối lập nhau nhưng cũng
không hòa tan lẫn nhau:
Khi
hai miền cùng vào một vụ chiêm/ Hai vựa thóc cũng nặng tình của đất/ Cùng vào
mùa một ngày vui thống nhất/ Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em…
Những ca
khúc “nhạc xanh” thời điểm này mang giai điệu nhẹ nhàng, dịu êm, sâu lắng của
nhạc nhẹ, nhưng ca từ có nội dung chính trị (giới trí thức và sinh viên Sài Gòn
thưở ấy gọi đùa là nhạc da cam, là màu do màu đỏ chồng lên màu vàng tạo
thành).
NS Phạm Tuyên
Những đại từ anh - em chỉ là cách
xưng hô gần gũi, thân mật trong sự phản ánh chủ đề tư tưởng của ca khúc là ngợi
ca quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, niềm hân hoan của những con người đang xây dựng cuộc sống mới… Cái tôi
của Văn Ký còn nặng về cái ta chung là “đoàn quân chiến thắng”, cái
tôi của Nguyễn Đức Toàn “là bản hùng ca biển khơi… sáng chói chiến công”, cái
tôi của Hồng Đăng là “tình ca biển kể
chuyện quê hương”… Nhưng đây là bước chuyển trong sáng tác, là
cầu nối giữa cái ta đến cái tôi, từ nhạc đỏ qua nhạc xanh đến nhạc nhẹ.
NS - NSND Trọng Bằng
Tiếp sau những
nhạc sĩ đàn anh có nhiều sáng tác mang nhân tố nhạc nhẹ như: Văn Cao, Nguyễn
Đức Toàn, Văn Ký, Trọng Bằng, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Phạm
Tuyên, Thế Song…, là các các ca khúc nhạc nhẹ mà thưở ấy gọi là nhạc trẻ của
các nhạc sĩ trẻ hơn: Trần Tiến, Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Tạo, Tôn Thất Lập,
Hồng Đăng, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Long, Trần
Quang Lộc, Quang Lộc, Quang Minh, Nguyễn Tôn Nghiêm, Thập Nhất, Giáp Văn Thạch,
Vũ Công Anh, Nguyễn Hải, Hoàng Lương (HN), Hoàng Lương (BR-VT), Nguyễn Phú Yên,
Bùi Công Thuấn, An Thuyên, Nguyễn Văn Hiên, Lư Nhất Vũ, Trọng Vĩnh, Trần Tích,
Văn Thành Nho…
Mở
màn cho nhạc trẻ, nhạc nhẹ ở phía Bắc là Trần Tiến. Sau những Giai
điệu Tổ quốc (1978), Mùa xuân gọi (1978), Điệp khúc
tình yêu…, nhiều ca khúc nhạc nhẹ chính hiệu ra đời:
Tạm biệt chim én (1980), Vết chân
tròn trên cát (1981), Mặt trời bé con (1982), Chiếc vòng cầu hôn
(1982), Ngọn lửa cao nguyên (1983)… là những bài hát nổi tiếng do
ca sĩ Lê Dung thể hiện rất bốc lửa, nhiệt tình được công chúng vô cùng hâm mộ.
Còn
ở phía Nam, người được coi là khởi đầu cho dòng nhạc nhẹ qua đề tài tình yêu là
nhạc sĩ Thanh Tùng. Lúc đầu anh nổi tiếng bằng những bản phối khí nhạc nhẹ từ
những bản nhạc nước
ngoài, như Tình ca du mục, Xương
rồng… Sau đó, từ đầu thập niên 80, anh tiếp nhận và chuyển hóa
thành công ngôn ngữ âm nhạc cổ điển Âu châu vào các sáng tác ca khúc nhạc nhẹ
sâu sắc và hấp dẫn với một phong cách độc đáo, mới lạ làm xôn xao giới
trẻ: Cảm ơn mùa thu, Hát với chú ve con, Giọt Nắng Bên Thềm, Chuyện tình
của biển, Nhịp điệu Slow Sur, Lời tỏ tình mùa xuân, Hoa tím ngoài sân, Ngôi sao
cô đơn, Em và tôi, Lối cũ ta về, Mưa Ngâu… Những sáng tác sau này
của Thanh Tùng dù nói đến cái ta chung là Chuyện tình của biển nhưng
cái tôi, chủ thể vẫn bao trùm cảm xúc lời ca:
Ôi tình yêu tình yêu,
tình yêu… lỗi tại tình yêu!
Nếu em không biết gì về chuyện tình của biển
Nếu thật em không biết gì, tôi sẽ kể… em… nghe…
Nếu em không biết gì về chuyện tình của biển
Nếu thật em không biết gì, tôi sẽ kể… em… nghe…
Nhạc
sĩ Trần Quang Lộc nổi tiếng với những tình khúc trước 1975, như Về đây nghe em (thơ A Khuê - 1968),
Có phải em mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu - 1972),
Em theo đoàn lưu dân (thơ Phạm Hòa Việt - 1973)…, sau Thống nhất,
im hơi lặng tiếng một hồi, anh bắt đầu sáng tác trở lại. Một trong những bài
đầu tiên anh viết lúc nầy, bản Băn khoăn về một tình yêu với
giai điệu Pop Ballad trữ tình sâu lắng, dịu ngọt, nhân vật trữ tình là anh -
chủ thể, đối tượng trữ tình là Em - “một vì sao” của anh,
không gian trữ tình là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng:
NS Thanh Tùng
Sao trên trời hôm nào không mọc
Chỉ còn mưa mang ký ức mù sương…
… Mây trên trời lững lờ phiêu bạt
… Mây trên trời lững lờ phiêu bạt
Và sương khuya từ chừng ấy dòng sông…
Hoa trên cành không hiểu được lá
Mây trôi hoài trăng không hiểu nổi
Mây trôi hoài trăng không hiểu nổi
nhưng nội dung trữ tình của ca khúc vẫn
là thuần tình yêu - một tình yêu thủy chung, luôn hướng về nhau:
Nhưng bao giờ trong lòng anh cũng mọc
Một vì sao lóng lánh tựa mắt Em.
Một vì sao lóng lánh tựa mắt Em.
Như vậy, các nhạc sĩ đã từ cái ta để
nói cái chung, rồi cái ta có cái tôi ẩn mình để nói cái tôi
trong cái ta, sau đó chuyển sang anh - em để nói cái ta cùng
cái tôi và cuối cùng dù nói đến cái chung vẫn là cái tôi chủ thể.
Rồi cái tôi cá thể này lại được cá biệt hóa trong ca nhạc thành những
cái tôi cao thượng, cái tôi tội tình, cái tôi đời thường…
Đến
đầu thập niên 80, nhạc nhẹ phát triển rộng khắp từ phong trào ca nhạc quần
chúng ở các địa phương, đơn vị sản xuất đến các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp
và được sự nhiệt tình ủng hộ nhiệt tình của công chúng là sự đổi mới nhận thức
về âm nhạc từ nhiều phía.
NS Văn Thành Nho (trái) và NSND Đinh Bằng Phi
Từng bước
phát triển ca nhạc nhẹ trong nước có sự kết hợp tuyên truyền thông tin giới
thiệu của các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt các đài giới phát thanh,
truyền hình thường xuyên giới thiệu những ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu thế giới như
(số lượng % sau là chỉ số người ủng hộ theo tư liệu của Tạp chí âm
nhạc - NXB Trẻ): Michall Jackson 90%, Madonna 84%, Beck 94%, Ma Riah Cary
53%, Tori Amos 91%, Stinh 22%, Alanis Morissette 54%… Đài truyền hình còn giới
thiệu những ban nhạc hay nhất thế kỷ: The Beatles, The Jackson, The Doors,
ABBA, Queen, Hanson, R.E.M, The Spieceairis, Aqua, Backstreet Boys, Lauryn -
Hill… Băng đĩa của các nhóm nhạc nầy và của các ca sĩ nổi tiếng trên tràn
ngập ở các cửa hàng băng đĩa toàn quốc và tâm nhập vào
các gia đình.
Đầu thập niên 80, Đài truyền hình trung
ương giới thiệu chương trình ca nhạc nhẹ thế giới vào tối thứ bày hàng tuần
được người xem nhiệt tình chờ đón. Đầu năm 1982, nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam
cử đoàn ca nhạc nhẹ gồm có các ca sĩ nổi tiếng: Mạnh Hà, Vũ Dậu, Ái Vân, Lệ
Quyên… sang Đức tập huấn. Nhà nước mở cửa cho một số đoàn ca nhạc nhẹ sang biểu
diễn tại Việt Nam như nhóm ca khúc chính trị Đức sang Hà Nội năm 1983…
Tất cả các
nhân trên cùng với xu thế phát triển có tính toàn cầu hóa của phong trào ca
nhạc nhẹ đã tác động sâu sắc đến các đoàn ca nhạc chuyên nghiệp, đến các nhạc
sĩ và đông đảo công chúng, mở ra một bước ngoặc có tính lịch sử hình thành một
hình thức âm nhạc mới ở nước ta.
Gần
cuối thời đoạn này, ca nhạc nhẹ dần dần được mặc nhiên chấp nhận.
Những bước nhập cuộc “không suôn sẻ” của
dòng nhạc nhẹ Việt đương thời - sau Đổi mới đến nay.
Chín thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt, tính từ năm 1930, khi bản
tân nhạc đầu tiên của Việt Nam “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu ra đời,
được tác giả chia thành nhiều giai đoạn. Theo đó, quá trình phát triển ca khúc tân nhạc Việt có 4 giai đoạn: GIAI ĐOẠN
1930-1945: GIAI ĐOẠN 1946-1954, GIAI ĐOẠN 1954-1975 và GIAI ĐOẠN
ĐƯƠNG ĐẠI - từ 1975 đến nay. Trong mỗi giai đoạn âm nhạc, lại tồn tại
nhiều xu hướng, trào lưu âm nhạc được gọi là dòng nhạc như cách gọi phổ biến
hiện nay.
Riêng GIAI ĐOẠN CA
KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI - từ 1975 đến nay, lấy mốc để phân ranh là năm 1986,
năm bắt đầu thời Đổi mới có hai thời đoạn: thời đoạn hậu chiến - 10 năm
sau Thống nhất 1975-1985; thời đoạn đương thời - sau Đổi mới 1986 đến nay và
thực tế hiện hữu hai dòng nhạc song song tồn tại: dòng nhạc nhẹ chính thống và dòng nhạc thị trường bị thương mại hóa. Bài viết này đề cập đến quá
trình hình thành, phát triển dòng nhạc nhẹ đương đại và chia thành hai kỳ.
Từ năm 1986, sau Đại hội VI
của đảng CSVN, với chủ trương “đổi mới”, đất nước VN có những biến đổi sâu
rộng về cả mặt tinh thần, tư tưởng lẫn văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội.
Cũng như giới văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ được “cởi trói”, rồi dần
dần đi đến “tự cởi trói”, “chuyển mình” theo thời cuộc mới và sáng tác ca khúc
của họ đa dạng, phong phú hơn cả về nội dung, đề tài, thể loại, lẫn phong cách
thể hiện.
Điều
ấn tượng và dễ thấy nhất là khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới thì các loại nhạc: tiền
chiến, tình khúc, rồi nhạc vàng… dần dần được chính quyền, chính xác là
giới quản lý văn hóa- nghệ thuật, xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ
theo tác giả và tác phẩm. Rồi sau đó, “mở cửa” thả giàn để các dòng nhạc nầy và
dòng nhạc- thị- trường- mới được sáng tác, quảng bá và trình diễn công khai,
gần như thả lỏng, không định hướng chặt chẽ, không kiểm soát, quản lý.
Theo nhạc
sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam trong chuyên đề
“Âm nhạc thời kinh tế thị trường và thời hội nhập (phần 1)” thì “yếu
tố đầu tiên tác động đến đời sống âm nhạc là những thay đổi thuộc về ý
thức”. Theo bà, sự dịch chuyển của đời sống âm nhạc lúc nầy “là cả quá trình
diễn ra từ từ và không thực sự dễ dàng, suôn sẻ với chủ thể sáng tạo cũng như
với giới quản lý văn hóa nghệ thuật”, khi từ quan điểm nghệ thuật vốn bị
ràng buộc quá chặt, bị chi phối hoàn toàn bởinhững định kiến chính trị đã kéo
dài trong 30 năm chiến tranh và “hơn chục năm thời hậu chiến (1975-1986) sang
tinh thần chung là mở cửa, nhập cuộc và đổi mới”.
NS Nguyễn Thị Minh Châu
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh
Châu (tài liệu đã dẫn) trong quá trình nầy diễn ra các sự kiện âm
nhạc tác động đến sự nhập cuộc của âm nhạc thời Đổi mới. Xin nêu lại và bổ sung
thêm.
Sự
kiện khá đặc biệt trong đời sống âm nhạc khá phẳng lặng của những năm giữa thập
niên 80 là những đêm tác giả của các nhạc sĩ “lão làng” như Văn Cao, Đỗ Nhuận,
Huy Du. Điều được cho là “mới” ở các chương trình này là ngoài hành khúc, ca
khúc thuộc diện bài hát truyền thống, lần đầu tiên lọt vào danh mục biểu diễn
là những tình ca cũ trong dòng “nhạc tiền chiến” như Bến xuân, Suối
mơ, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu của Văn Cao; Chim
than, Đường lên ải Bắc của
Đỗ Nhuận; Sóng nước Ngọc Tuyền, Ba Vì năm xưa, Sẽ về Thủ đô, Những
gác chuông giáo đường của Huy Du.
Sự
kiện mở màn cho âm nhạc nhập cuộc là chương trình Trần trụi 87 của
nhạc sĩ Trần Tiến diễn ra như một hiện tượng bất thường vào lúc những chương trình ca nhạc tuyên truyền ngợi
ca khô cứng giáo điều đã khiến người nghe mệt mỏi và dị ứng, và những
chương trình nhạc tiền chiến lãng mạn, trữ tình từng xoa dịu tâm lý căng
thẳng thời hậu chiến cũng bớt đi sức thu hút ban đầu.Sự bất thường khiến các
nhà quản lý thấy bất an, nhưng lại được công chúng hưởng ứng. Lần đầu
tiên có một chương trình mang dáng dấp một tùy bút âm nhạc, một phóng sự âm
nhạc mang đậm cái tôi. Với phong cách rock tác động trực diện vàhình
thức biểu diễn gọn nhẹ- có lúc chỉ cần tác giả hát với cây đàn guitare thùng,
với những lời ca táo bạo và xoáy vào tâm can (Ðồng hồ báo thức, Trắng
đen, Ý nghĩ trong phòng hải quan, Ðóa hoa tôi tìm, Trần trụi 87…),
chương trình đã lôi cuốn người nghe, nhất là giới trẻ vào câu chuyện tâm tình,
suy tư về những nỗi đau rất đời thường mà trước đó luôn bị tránh chạm tới như
một điều cấm kỵ. Dù bị phê phán dữ dội, thì Trần trụi 87 rút
cục vẫn được nhìn nhận là sự hưởng ứng kịp thời cho tư duy đổi mới, là lời
khẳng định cho khả năng nhập cuộc của giới nhạc.
NS Phú Quang và ca sĩ Minh Chuyên.Ảnh: Hải Bá
Cuối thập niên 80, mặc dù đã
bước vào giai đoạn Đổi mới, nhưng quan niệm khắt khe cứng nhắc như một dư âm
chiến tranh còn đè nặng trong quản lý âm nhạc. Sự kiện đáng nhớ trong thời điểm
là những tình ca giá trị được tuổi trẻ yêu thích sau nầy trở nên nổi tiếng,
chịu số phận lận đận, bị phê phán, thậm chí bị cấm đoán, tác giả bị khiển
trách, kể cả các nhạc sĩ có uy tín nhưHoàng Hiệp và Xuân Hồng từng là lãnh đạo
Hội Âm nhạc TP HCM. Trong trường hợp này có thể thấy người sáng tác “nhập
cuộc” nhanh hơn người quản lý. Và sự nhập cuộc- theo nghĩa tác phẩm phản ánh
được tâm trạng công chúng đương thời và được tiếp nhận trong đời sống xã hội
không hẳn lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Rồi,
bốn đêm biểu diễn ca khúc tuyển chọn Nửa thế kỷ ca khúc Việt Nam
vào năm 1994 như một cuộc tổng kết thành tựu quá khứ, qua đó thấy được sự nhìn nhận
lại giá trị của những bài hát lãng mạn thời đầu tân nhạc, cũng như sự khích lệ
giới nhạc sĩ nhập cuộc vào đời sống âm nhạc đương đại. Đó là thời điểm mà
không khí “mở cửa” và “đổi mới” có phần thông thoáng hơn...
Sự kiện âm nhạc được nhớ nữa là sự ra đời của
nhóm Những người bạn từ sáng kiến của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn năm 1991, ngay vào lúc cơn sóng nhạc hải ngoại đang ở cao trào mạnh
mẽ, và âm nhạc Việt nhiều năm khủng hoảng thiếu tình ca.
Tam ca Ba Con Mèo (Phương Uyên - giữa)
Những người bạn gồm bảy nhạc sĩ TP HCM: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,
Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng đã đem đến cho công
chúng những món ăn tinh thần mới, những ca khúc trữ tình đầy sức sống không chỉ
đi vào đời sống xã hội lúc đó, mà còn được yêu thích cho tới nay, như Sóng
về đâu (Trịnh Công Sơn), Tình yêu mãi mãi
(Tôn Thất Lập), Xin làm người hát rong (Trần
Long Ẩn)…
NS Phạm Đăng Khương
Có thể bổ sung thêm một sự kiện sau đó một năm trở thành một hiện tượng âm
nhạc ấn tượng bậc nhất của nhạc trẻ TP. HCM, và có tiếng vang khắp cả
nước, khi ban nhạc gia đình Tam ca Ba Con Mèo,
gồm ba chị em (Phương Uyên, Cẩm Tú và Ngọc Diệp, do Phương Uyên đứng đầu giành
giải cao nhất tại liên hoan Pop-Rock 1992. Nhiều khán giả đến nay vẫn nhớ phong
cách rock cuồng nhiệt cùng những bài hát đã trở thành “thương hiệu” 3 Con
Mèo như Ngẫu hứng ngựa ô (Trần Tiến), Cô
bé u sầu (Nguyễn Ngọc Thiện)… và đặc biệt bài hát có thể coinhư
tác phẩm đầu tay của Phương Uyên, báo trước một tài năng sáng tác nổi bật, ca
khúc Đến với tình yêu. Giữa những năm 1990, đúng vào cuộc
thăng hoa của nhạc Việt, Phương Uyên nổi lên như một nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam,
cả về số lượng, chất lượng bài hát và sự phong phú đề tài.
NS Từ Huy
Nhiều bài hát Phương Uyên viết cho Ba Con Mèo nhanh chóng trở
thành những bài hit bậc nhất như: Mẹ yêu, Sài Gòn cô tiên năm 2000,
Yêu yêu yêu, Bên nhau mùa đông, Tuổi mộng mơ…
NS Trọng Vĩnh (ngồi) và tác giả ở Vũng Tàu tháng 5.2018
Sau đó, Phương Uyên trở thành nhạc sĩ sáng tác nhạc quảng cáo nhiều
bậc nhất Việt Nam và cũng rất đặc biệt là nhiều ca khúc của Phương Uyên vốn
viết cho quảng cáo sau đó đã ra với thị trường ca nhạc và trở thành những bài
hit. Rồi Phương Uyên vào vai vừa ca sĩ , vừa nhạc sĩ trong đĩa nhạc Gia
đình tôi, với những bài hát được chính cô sáng tác từ những câu chuyện
của bản thân và gia đình, giàu tính riêng tư nhưng lại được đông
đảo khán giả yêu thích, vì cho thấy rõ nhất chân dung một Phương Uyên mạnh mẽ
nhưng vẫn rất nữ tính, dữ dội mà vẫn ngọt ngào. Có thể coi Phương Uyên là nữ
nhạc sĩ thành công nhất của thị trường nhạc Việt trong khoảng 25 năm trở lại
đây với với phong cách rock cuồng nhiệt, sôi
động , trẻ trung nhưng không “sến” và thành công của cô tạo cảm hứng cho
rất nhiều nữ nhạc sĩ thế hệ sau, cũng như đã kích thích rất nhiều ca sĩ
tham gia sáng tác ca khúc, để ngày nay, khái niệm ca sĩ/nhạc sĩ trở nên phổ
biến và quen thuộc trong nhạc Việt.
Nhiều ban
nhạc, nhóm nhạc nhẹ chuyên nghiệp được thành lập trên cả nước. Năm 1993, Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc được tổ
chức tại Đà Nẵng với thành phần ban giám khảo là các nhạc sĩ tên tuổi bao gồm
nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Dương
Thụ, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng những
nhạc sĩ khác.
NS Bảo Chấn
Ban nhạc Phương Đông,
bao gồm ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Quốc Trung (keyboard, hòa âm -
phối khí chính), cùng "bộ sậu anh tài của nhạc nhẹ Hà Nội" lúc bấy
giờ là Ngọc Quân (trống), Vũ Hà (bass), Lương Bình (guitar chính)
và Trần Mạnh Tuấn (saxophone). Ban nhạc đã đoạt giải nhất tại cuộc
thi. Hạng nhì thuộc về Hoa Sữa, ban nhạc của nhạc sĩ Vũ
Quang Trung, giúp giọng ca 17 tuổi Mỹ Linh khi ấy giành giải "Ca
sĩ trẻ gây ấn tượng". Hạng ba của liên hoan đã thuộc về nhóm nhạc
rock Đen Trắng của cặp đôi Ngọc
Lễ và Phương Thảo.
Việt Nam thời đoạn này giao lưu
với âm nhạc thế giới ngày càng rộng rãi hơn với mật độ dày hơn. Ấn tượng
nhất là nhóm nhạc Rock Michall Learns To Rock (viết tắt là MLTR) là một ban nhạc
nổi tiếng Đan Mạch với các ca khúc bằng tiếng Anh, gồm có
các “thần tượng” của giới trẻ yêu âm nhạc: ca sĩ
kiêm tay đánh keyboard Jascha Richter, tay trống Kåre Wanscher, tay
guitar Mikkel Lentz, tay bass Søren Madsen. Họ sang biểu diễn tại Hà Nội
và TPHCM vào tháng 12 năm 1997 được sự nhiệt tình chào đón của truyền thông và
người hâm mộ. Sau này, họ còn sang Việt Nam đến lần thứ ba và lần nào nọ
cũng được các fan cuồng nhiệt tung hô ở sân bay, ở khách sạn và hân hoan đổ
nhau về sàn diễn để xem các thần tượng của mình biểu diễn.
Các sự kiện âm nhạc trên hầu hết
xảy ra ở TP HCM. Điều đó chứng tỏ rằng dòng nhạc nhẹ đương thời khởi phát từ
đây rồi tỏa ra cả nước.
Lúc này, quan niệm về nhạc nhẹ lúc này đã thay đổi từ chỗ phủ nhận hoàn toàn đến
tiếp nhận có chọn lọc rồi mặc nhiên chấp nhận và cuối cùng là chính thức công
nhận.
Tác giả giữa 2 NS Phan Thiết và Hồng Vân (phải)
Khái niệm "nhạc nhẹ" đã chính thức xuất hiện, được
xếp vào một trong ba dòng nhạc chính (cùng với nhạc cổ điển thính phòng và nhạc dân gian) và từ ngữ
này được sử dụng hiều trong các báo chí, phương tiện đại chúng và cả
trong các cuộc thi, liên hoan… với những cụm từ: ca sĩ nhạc nhẹ, phong cách
nhạc nhẹ, ban nhạc nhẹ,… gần như đồng hóa với nhạc phổ thông. Đó là loại nhạc nhẹ nhàng, êm dịu có chức năng
chủ yếu là giải trí, có nội dung, hình
thức đơn giản, dễ nhớ và thường có tính chất vui tươi, yêu đời, dễ dàng
được đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ tiếp nhận, yêu thích.
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên cứu, nhận định - Lê Thiên Minh Khoa - trang 74 (PHẤN IV: CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI GIAI ĐOẠN 1975 - NAY).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét