Hãnh diện 100 năm âm nhạc Việt Nam
Nhìn lại 100 năm âm nhạc Việt Nam, Báo Người Lao Động khởi
đăng loạt bài của nhà báo - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về những nhạc sĩ tiêu biểu
góp phần làm nên sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, trên các số báo ra
ngày thứ bảy hằng tuần.
Bây giờ, khi ở thời điểm qua thế kỷ mới được 17 năm, nhìn lại
100 năm trước, cũng là thời điểm bước qua thế kỷ mới (thế kỷ XX) được 17 năm,
thấy rõ một bước tiến xa của âm nhạc Việt Nam qua 100 năm.
Bảy đường xâm nhập của âm nhạc phương Tây
Ngày đó, vào năm 1917, tình hình âm nhạc của nước nhà ra sao?
Khi ấy, người Pháp vào Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ. Sự bành trướng mãnh liệt của
âm nhạc phương Tây đi theo bước chân thực dân vào Việt Nam bằng 7 con đường
khác nhau.
Con đường đầu tiên là xâm nhập dưới hình thức tôn giáo. Trong các
trường học của nhà thờ Thiên Chúa giáo (còn gọi là trường dòng) đều có ban hát
lễ và học trò đều được học nhạc. Bởi thế, nhiều thầy dòng người Việt Nam đã đặt
lời Việt cho các bản thánh ca nước ngoài, sáng tác những bài ca tôn giáo bằng
tiếng Việt như thầy dòng Ta đê Đỗ Văn Liu, linh mục Đoàn. Giáo dân còn được học
kèn để lập nên dàn kèn của giáo xứ.
Album "Dư âm" gồm những bản nhạc
tiêu biểu của tân
nhạc Việt Nam thời kỳ đầu
Con đường thứ hai là thông qua nhạc kèn nhà binh. Năm 1918,
dàn kèn hơi Huế được thành lập do ông Bùi Thanh Vân tổ chức gồm 3 bộ (gõ, đồng,
gỗ) dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Pháp Fraineau. Năm 1919, dàn kèn hơi Cung Đình
(thời Khải Định) do ông Trần Văn Liên chỉ đạo. Năm 1924, dàn kèn hơi nhà binh ở
Hà Nội được thành lập do Camille Parmentier chỉ huy, ông Đinh Ngọc Liên làm trợ
lý chỉ huy.
Con đường thứ ba là dạy nhạc tại trường và tại các lớp ở tư
gia. Khi ấy, tại các trường đều có dạy nhạc và những người Pháp mở lớp dạy nhạc
tư gia. Đến năm 1927, ở Hà Nội đã mở trường Pháp Quốc Viễn Đông Âm Nhạc Viện
(Concervatoire Francais d’Extrême Orient) do các ông Poineignor và Bilewsky làm
giám đốc. Năm 1928, ở Sài Gòn thành lập một tổ chức là Ủy ban Nghệ thuật Sài
Gòn (Comité artistique de Sai Gon) do Charles Maritn làm tổng thư ký, chuyên tổ
chức các cuộc biểu diễn âm nhạc cho người Sài Gòn thưởng thức, sau có cả lớp dạy
đàn piano.
Con đường thứ tư là thông qua các buổi hòa nhạc ở các TP Hà Nội,
Sài Gòn, Hải Phòng khá phong phú về thể loại. Nhờ thế mà sau khi được xem những
người nước ngoài biểu diễn, những nghệ sĩ Việt Nam cũng nhóm họp nhau lại để biểu
diễn các tác phẩm nước ngoài, để đến một ngày sẽ biểu diễn các tác phẩm của
chính mình.
Con đường thứ năm là thông qua phong trào hướng đạo sinh. Để
sinh hoạt trong hướng đạo sinh, nhiều đội viên đã tham gia học nhạc, ca hát những
ca khúc "điệu Tây, lời ta" để rồi đến một ngày sẽ hát những bài ca hướng
đạo của chính mình.
Con đường thứ sáu là thông qua phim ảnh, đĩa hát, đài phát
thanh. Nhờ phim ảnh, đĩa hát, đài phát thanh, người Việt Nam thời đó đã biết đến
nhiều tác phẩm nước ngoài và các danh ca nước ngoài như Tino Rossi, Luciene
Boyer…
Con đường thứ bảy là thông qua những nhóm hoạt động cách mạng
ở nước ngoài mang những bài ca cách mạng từ nước ngoài trở về. Cuối năm 1924,
Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã phỏng dịch lời "Quốc tế ca"
ra tiếng Việt bằng thơ lục bát để dễ truyền bá. Đến năm 1929, Trần Phú dựa vào
bài thơ này làm lại thành ca từ cho sát với giai điệu nhạc để hát lên. Và sau
đó là Lê Hồng Phong cùng Trần Bình Long sửa lại một lần nữa để thành ca từ phổ
biến như ngày nay.
Sức mạnh tự cường của âm nhạc cổ truyền
Trong khi âm nhạc phương Tây xâm nhập Việt Nam theo 7 con đường
nói trên thì âm nhạc cổ truyền Việt Nam lại khiến các nhạc sĩ phương Tây bàng
hoàng khi Ban Cổ nhạc Việt Nam đi biểu diễn ở Pháp vào năm 1911. Nhạc sĩ Claude
Debussy khi nghe nhạc tuồng Việt Nam đã từng nhận xét: "Người An Nam giới
thiệu một mầm mống của thứ opera có cấu trúc theo công thức bộ bốn. Chỉ có điều
ở đó nhiều thần thánh hơn, ít trang trí hơn. Một cây kèn (chắc là kèn bóp) nhỏ
bé, cuồng nhiệt dẫn dắt cảm xúc. Một trống to tạo nên nỗi kinh hoàng… và chỉ có
thế thôi. Không cần có nhà hát cầu kỳ, không có dàn nhạc giấu kín. Chỉ có nhu cầu
bản năng nghệ thuật tự sáng tạo để tự thỏa mãn mình… Nó không gào lên những cảm
xúc mà làm cho cảm xúc được che mờ đi. Nó không trưng ra thành giao hưởng nhưng
vẫn là ẩn dụ. Nhưng sự che mờ và ẩn dụ ấy lại nằm trong một hình thực được chọn
lựa cực kỳ cẩn thận và tóm lại, rất rõ ràng…"
Chính trong bối cảnh hai phía của thực trạng đó, âm nhạc Việt
Nam lại nhấn thêm một nét tự cường nữa bằng bản lĩnh từ âm nhạc cổ truyền. Đó
là việc nhạc sĩ Cao Văn Lầu lần đầu sáng tác bản "Dạ cổ hoài lang".
"Dạ cổ hoài lang" được Cao Văn Lầu viết trong một tâm trạng đặc biệt,
khi ông lấy vợ mà không sinh con suốt 3 năm ròng. Luật lệ phong kiến đã gây nên
bi kịch chia lìa vợ chồng ông do mẹ yêu cầu. Trong tâm trạng đó, Cao Văn Lầu đã
viết "Dạ cổ hoài lang" để nói lên tình yêu của người vợ khi vợ chồng
xa nhau. Sau khi "Dạ cổ hoài lang" ra đời thì ít lâu sau, vợ chồng
ông sinh cậu quý tử đặt tên là Cao Văn Hùng. Ông Cao Văn Hùng khi đi làm cách mạng
thì lấy tên là Cao Kiến Thiết, từng là đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ. Bản "Dạ
cổ hoài lang" là một sáng tác âm nhạc của Cao Văn Lầu, sau được nhân gian
phát triển tiếp các nhịp để trở thành những bản vọng cổ lưu truyền trong nhân
gian và phát triển thành cải lương.
Cuộc hôn phối mang dấu ấn thời đại
Trong thuở ban đầu thai nghén, nếu "Dạ cổ hoài
lang" là một sáng tạo âm nhạc theo hướng bảo tồn âm nhạc cổ truyền thì những
bài thánh ca của thầy dòng Ta đê Đỗ Văn Liu, linh mục Đoàn lại là những sáng tạo
âm nhạc tiếp nhận tinh hoa âm nhạc phương Tây. Khi người Nam Bộ khoét lõm phím
guitare và lên lại dây (chỉ có 5 dây) theo cao độ hò, xừ, xang, cống, líu thì
nhiều người Việt Nam khác lại học chơi thành thạo các bản nhạc nước ngoài bằng
guitare Espagnole (Tây Ban Nha) hay guitare Hawai’enne (Ha Viên hay Hạ Uy Di).
Theo hai phía của ứng xử đó, âm nhạc Việt Nam bắt đầu làm mới mình trên sân khấu
cải lương, sân khấu chèo, sân khấu tuồng, sân khấu bài chòi và cũng bắt đầu dần
dà có những bài hát Việt Nam ký âm theo khuông nhạc và nốt nhạc thất cung của
Tây phương bên cạnh việc hát những bài hát Tây mà lời Việt.
Sau cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại, nhiều chiến
sĩ cách mạng của Đảng bị bắt vào tù. Những ngày ở trong ngục tù, bằng cách truyền
miệng với các đồng chí xung quanh, nhạc sĩ cách mạng Đinh Nhu đã sáng tác hành
khúc "Cùng nhau đi hùng binh" năm 1930. Nếu thời gian trước là thuở
ban đầu hoài thai thì việc hành khúc "Cùng nhau đi hùng binh" của
Đinh Nhu có thể coi như sự khai sinh của tân nhạc hay không? Cũng đã có rất nhiều
bàn luận. Vì hành khúc chỉ được truyền miệng, sau này mới được nhạc sĩ Đỗ Nhuận
ghi lại nên dù có thể đã khai sinh nhưng tờ khai sinh (bản nhạc) thì lại chưa
có. Đến năm 1935, nhạc sĩ Trần Ngọc Quang đã viết bài hát "Nghề cinema"
và ấn hành bản nhạc tại nhà in Đông Tây 193 Hàng Bông. Song xem vào văn bản đã
in, thấy rằng bài hát đã không được ký âm chuẩn mực, chính xác. Bởi thế, cái mốc
quan trọng này cũng chỉ được dùng để tham khảo. Chỉ đến khi các nhạc sĩ Nguyễn
Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương… có những sáng tác của mình, được ký âm
chuẩn mực và ấn hành trên tờ Ngày nay tháng 9-1938, thì lúc đó, tờ khai sinh
Tân nhạc Việt Nam mới chính thức được công nhận.
Suốt 100 năm qua, tân nhạc Việt Nam đã được vun đắp, phát triển
bởi các thế hệ nhạc sĩ của các thời kỳ: Tiền chiến (1938-1945), chống Pháp
(1945-1954), chống Mỹ (1954-1975), hậu chiến (1975-1986), đổi mới (1986 - đến
nay), trong đó có những nhạc sĩ tiêu biểu cho từng thời kỳ, ít nhất cũng đủ 100
người đáng để hãnh diện với 100 năm trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Giao hoan hai chiều
Cuộc giao hoan với âm nhạc phương Tây đã cho Việt Nam đầu thế
kỷ XX có những năm tháng hoài thai, sinh nở và có tờ khai sinh cho một nền âm
nhạc mới mà ta thường gọi là "tân nhạc", cũng giống như các nhạc sĩ
Pháp khi giao hoan với âm nhạc phương Đông đã sinh ra trường phái âm nhạc ấn tượng
và nhóm "Nước Pháp trẻ".
Nguyễn Xuân Khoát - Anh cả tân nhạc
Sinh thời của ông và cho đến hôm nay, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt
Nam đương đại đều gọi nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát bằng cái tên trìu mến "Người
anh cả tân nhạc"
Vào đầu thế kỷ trước, phố Nhà Thờ Hà Nội nơi Nguyễn Xuân
Khoát sinh ra là nơi vang lên tiếng chuông nhà thờ Lớn, ngoài đường thường vọng
trong không gian những giai điệu nhạc châu Âu, nhưng những âm thanh phương Tây
đó không lấn át được những âm thanh phương Đông thuần Việt. Đó là tiếng trống lễ
đình Phạm Ngũ Lão, tiếng sáo diều vi vút bãi cỏ sau nhà chung, tiếng dô hò của
bác phu xe bò, tiếng hòa điệu dàn bát âm vỉa hè, tiếng trống quân dịp rằm trung
thu. Và cuối cùng, lá chắn hiệu nghiệm nhất không cho tâm hồn Việt nhiễm chất
Tây là lời ru con của mẹ. Tất cả đã thấm vào Nguyễn Xuân Khoát, dinh dưỡng
trong cậu bé một tài năng âm nhạc Việt Nam đầy tự hào và trân trọng.
Tìm đến chân trời mới
Ông từng kể lại với tôi những kỷ niệm học nhạc thời thanh
xuân mơ mộng. Năm 27 tuổi (1927), Nguyễn Xuân Khoát cùng các bạn Nguyễn Hữu Hiếu,
Nguyễn Văn Giệp… vào học "Viễn Đông Âm nhạc viện". Sau 3 năm, người
Pháp quyết định đóng cửa trường nhạc này và buông thõng một câu nhận định:
"Người Việt Nam không có khả năng âm nhạc".
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát
Ảnh: TƯ LIỆU
Ảnh: TƯ LIỆU
Nguyễn Xuân Khoát cùng các bạn đã ở tuổi "tam thập nhi lập"
đành lủi thủi bước ra đường, kiếm ăn bằng việc đi chơi đàn ở các hộp đêm. Song
chính trong những ngày tuyệt vọng nhất, âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã cứu sống,
hồi sinh Nguyễn Xuân Khoát. Chính trong nỗi mệt mỏi và chán chường từng đêm vác
đàn đi về từ hộp đêm, Nguyễn Xuân Khoát lại nghe vẳng đâu đây tiếng đàn từ chơi
một giai điệu cổ, tiếng phách bay ra từ xóm ả đào. Tình cờ đâu đó, vọt căng tiếng
đàn bầu. Những âm thanh ấy cùng những âm thanh thuở ấu thơ đã dắt đưa Nguyễn
Xuân Khoát bước sang một chân trời mới. Ông lặng lẽ học chèo, học ca trù, phổ
những bài ca dao như "Thằng Bờm", "Con voi", "Con cò
mày đi ăn đêm"… và viết những bài hát mới mang âm hưởng dân ca như
"Bình minh"…, đặc biệt là độc tấu piano "Trống Tràng thành"
lấy cảm hứng từ "Chinh phụ ngâm". Không tham gia nhóm Myosotis của Thẩm
Oánh, Dương Thiệu Tước…, cũng không tham gia nhóm Tricea của Văn Chung, Lê Yên…
nhưng Nguyễn Xuân Khoát rất ủng hộ Nguyễn Văn Tuyên trong việc đi xuyên Việt vận
động truyền bá nhạc cải cách. Chính ông và Nguyễn Văn Tuyên đã có bài hát in
trên Báo Ngày Nay mùa thu năm 1938, như tờ khai sinh cho tân nhạc Việt Nam đã
nhiều năm hoài thai. Ở Nguyễn Văn Tuyên là "Kiếp hoa", còn ở ông là
"Bình minh".
Một lần khác, ông hỏi tôi về tiếng chũm chọe. Thấy tôi lúng
túng, ông cười. Càng dấn thân vào tìm hiểu âm nhạc dân tộc, Nguyễn Xuân Khoát
càng thấy cái riêng, cái độc đáo của nhạc Việt. Rút kinh nghiệm từ các nhóm nhạc
trên, ông cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh và
Nguyễn Xuân Sanh lập ra nhóm Xuân Thu Nhã Tập đầu tháng 6-1942 với tư tưởng hướng
về dân tộc nhưng có tuyên ngôn rõ ràng và sắc sảo: "Nhạc phát sinh muôn
ngàn khúc điệu, tiết tấu trong vạn vật, trong văn thơ, trong nghệ thuật, trong
tư tưởng, hành vi. Không có nhạc là không có gì hết…". Hướng theo tư tưởng
này, Nguyễn Xuân Khoát đã phổ bài thơ "Xây mơ" của Nguyễn Xuân Sanh
và đặc biệt là "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ với một phần đệm piano
đặc sắc đến tận bây giờ. Ngày ấy, nếu Lưu Hữu Phước kết hợp với Thế Lữ làm ra
ca kịch "Tục lụy" thì Nguyễn Xuân Khoát lại kết hợp với Thế Lữ làm ra
ca kịch "Trầm Hương Đình". Ca khúc "Chào người chìm bóng"
là ca khúc rất hay mà Nguyễn Xuân Khoát viết cho ca kịch này từ phần lời của Thế
Lữ.
Tiếng lòng thời "Uất hận"
Mang bao khát vọng tuổi trẻ mong dấn thân vào đóng góp cho âm
nhạc nước nhà nhưng với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Xuân Khoát đã
nhìn thấy sự bế tắc của một nghệ sĩ trong đất nước nô lệ. Ông đã bỏ lại những
lê lết chán chường tại các hộp đêm. Đầu năm 1945 Ất Dậu, khi nạn đói từ nông
thôn kéo về Hà Nội, cũng là lúc Nguyễn Xuân Khoát nhập Đoàn kịch Anh Vũ với Thế
Lữ, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Văn Chung… biểu diễn xuyên Việt. Trong vốn liếng
nhạc phẩm mang theo có thêm bài "Uất hận". Cách mạng Tháng Tám bùng nổ,
khi ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Hiếu đã chơi bằng đàn acmonium bản "Tiến quân
ca" của Văn Cao vào chiều 17-8-1945; ở miền Trung, Nguyễn Xuân Khoát vừa tự
đệm bằng accordion vừa hát "Uất hận". Khi trở về Hà Nội, Nguyễn Xuân
Khoát đã có bài viết quan trọng "Nguyện vọng âm nhạc" trên Tạp chí
Tiên Phong của Hội Văn hóa cứu quốc và tham gia hoạt động cho Hội Khuyến nhạc của
ông Lưu Quang Duyệt cùng Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Văn Giệp. Các ông cũng lập
thành dàn nhạc chơi ở quán Nghệ Sĩ (Nhà Khai Trí Tiến Đức - Hàng Trống). Dàn nhạc
của đất nước tự do vừa thoát khỏi xích xiềng nô lệ đã có một ứng xử ấn tượng
trước những tên lính thực dân đang lăm le cướp lại đất nước này.
Sau đêm 19-12-1946, Nguyễn Xuân Khoát gia nhập Đoàn kịch
Tháng Tám của Bộ Nội vụ rút ra Vân Đình. Lại những đêm trình diễn ở vùng tự do.
Từ đó, Nguyễn Xuân Khoát cứ đi dần lên Việt Bắc theo kháng chiến. Trên đường
đi, ông đã chứng kiến cảnh các nhà thờ bị tàn phá. Ngay khi lên tới Việt Trì,
ông đã viết ra một tác phẩm lớn cho kháng chiến. Đấy là "Tiếng chuông nhà
thờ" độc đáo, mang âm hưởng phảng phất "Trấn thủ lưu đồn".
Sau khi viết xong "Tiếng chuông nhà thờ", Nguyễn
Xuân Khoát đã rời Đoàn Văn nghệ Kháng Chiến, nhập ngũ. Là nhạc sĩ mặc áo lính,
bên cạnh việc đeo trên vai chiếc đàn gió hành quân và biểu diễn, Nguyễn Xuân
Khoát đã có thêm những sáng tác mới như "Đoàn quân cứu thương",
"Chiều Việt Bắc"…, đặc biệt là "Hát mừng chiến thắng" chỉ
ngắn gọn một đoạn đơn với 16 nhịp 2/4. Mọi hy sinh, mọi đau thương lớn lao của
kháng chiến được cô đọng, được tinh chất thành niềm vui chiến thắng nhỏ bé
nhưng rất tầm vóc. Với nét lạc quan ấy, Nguyễn Xuân Khoát đã tự vượt qua mọi phức
tạp của kỹ thuật để đạt tới độ giản dị đầy tự tin với âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Từ
sự tự tin ấy, sau thời gian ngắn tham gia quân đội, giữa lúc nhiều đồng nghiệp
rời bỏ chiến khu "dinh tê vào thành", Nguyễn Xuân Khoát lại nhận trọng
trách ở Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương như một lời khẳng định đích thực về nền
văn nghệ cách mạng "Dân tộc - hiện đại - đại chúng".
Tạo sự chung sống giữa thanh nhạc dân tộc và phương Tây
Lúc ở đoàn văn công, sau những thử nghiệm ấu trĩ dùng dương cầm
đệm cho hát chèo theo kiểu cộng minh, Nguyễn Xuân Khoát đã cùng các đồng nghiệp
tạo ra bộ phận nghiên cứu thanh nhạc dân tộc làm nền tảng cho nền kịch hát mới
Việt Nam, tạo nên sự chung sống giữa thanh nhạc dân tộc và phương Tây như ngôi
nhà có móng và tường, có thể xây nhiều tầng. Còn âm nhạc ta như ngôi nhà chỉ có
cột và nền. Hai kiến trúc khác nhau đều bền vững trong mỗi vẻ đẹp khác nhau. Nốt
của phương Tây là nốt định âm; còn nốt của ta là nốt nhấn nhá, nhiều phụ âm nên
không cần sự nâng đỡ của hòa âm. Sự chung sống này giống như một quần thể kiến
trúc giữa nhà cao tầng với những đình chùa, miếu mạo.
Sau giải phóng Điện Biên, mang quan niệm ấy, Nguyễn Xuân
Khoát đã thực hiện một bản hành khúc hợp xướng mở đầu thời kỳ hòa bình mang tên
"Ta đã lớn", sử dụng một đoạn khá dài trong bài thơ dài "Ta đi tới"
của Tố Hữu. Bản hành khúc hợp xướng mang âm điệu hào sảng với bút pháp của sự
gân guốc, khỏe khoắn pha sắc thái kịch tính đan xen, điểm xuyết có tính chấm
phá giữa đặc điểm truyền thống dân tộc với phong cách hành khúc phương Tây. Thủ
pháp bao quát toàn tác phẩm là điệp cụm từ thay vì cho âm nhạc cổ truyền dùng
tiếng đệm. Hình tượng "lớn dậy" kiểu "Phù Đổng" được khắc họa
rõ trong những mô phỏng với bước nhảy quãng 7 và quãng 8. Âm hưởng dân ca đồng
bằng Bắc Bộ đã mềm mại luồn vào hành khúc dường như khẳng định sức mạnh chính
nghĩa mang đạo lý Việt Nam. Đoạn Coda với quãng 8 mở đầu và những bước lùi đồng
âm mang âm hưởng dân ca Nam Bộ như Lưu Hữu Phước đã từng làm với "Lên
đàng". Sức mạnh Việt Nam mãi mãi như đợt sóng trào dâng…
Với tầm vóc như vậy, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập cuối
năm 1957, Nguyễn Xuân Khoát được bầu làm chủ tịch hội. Suốt những năm tiếp theo
của chiến tranh chống Mỹ, cùng với Tổng Thư ký Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát đã tạo
dựng được một đội ngũ âm nhạc hùng mạnh như một binh chủng đặc biệt với sức
công phá của âm thanh còn lớn hơn bom đạn, tạo nên bức tranh âm nhạc thời kỳ chống
Mỹ hoành tráng nhất, rock nhất từ trong bản thể âm thanh…
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát sinh ngày 11-2-1910 tại phố Nhà Thờ
Hà Nội, mất ngày 7-5-1993 tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Sinh thời của ông và cho đến
hôm nay, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đương đại đều gọi ông bằng cái tên trìu
mến "Người anh cả tân nhạc" hay "Người anh cả làng nhạc" hoặc
thân thiết hơn: "Cụ Cả Khoát". Có lần mời ông đến uống rượu ở phố Nhà
Thờ, ông đã từng rất vui yêu cầu: "Nào rót cho cụ cả một chén".
Nguyễn Xuân Khoát đam mê âm nhạc trong một niềm ám ảnh kỳ dị.
Ngay cả ở tuổi già, lúc đau ốm tưởng chừng không thể gượng nổi, thế nhưng, nếu
có ai đến bàn điều gì về âm nhạc thì con người âm nhạc của ông lại bừng sáng, tỉnh
táo lạ thường. Ông hiểu âm nhạc đến cốt lõi, rung động trong từng nhấn nhá của
nốt để mường tượng, để bay về nhiều phía mơ hồ của tâm linh. Và có lẽ vì thế,
ông thường buồn nhưng không nặng nề suy nghĩ. Sống trong một căn phòng đơn sơ,
nội thất tuềnh toàng của cuộc sống thanh đạm, gia tài lớn nhất mà ông dành tặng
cho đời là nhân cách nghệ sĩ và những bản thảo đã hoàn chỉnh hay còn dang dở.
Những năm gần cuối đời, dù sống trong cảnh túng thiếu thường trực, ông vẫn
không hề ngừng làm việc. Nhiều bài hát trẻ thơ được ông viết ra bằng tâm hồn
lão nhi. Ông hình như sinh ra để làm âm nhạc và đón nhận cảm xúc ở cuộc đời. Vừa
cặm cụi làm việc, ông vừa hoàn toàn tin tưởng về triển vọng của nền âm nhạc hiện
đại Việt Nam. Với lớp đàn em, lớp trẻ, ông có một cái nhìn vô tư, công bằng trước
những tài năng âm nhạc.
(*) Xem Báo Người Lao Động các số thứ bảy từ ngày 26-8
Nguyễn Thiện Tơ - Một thời in bóng
Bằng tình yêu với người vợ thân thương và tình yêu âm nhạc,
ông cùng bà dìu dắt các con cháu dâng hiến cho âm nhạc trong một cuộc sống thực
rất tùng tiệm.
Ở Hà Nội, tại số nhà 22 Mai Hắc Đế (khi xưa là phố Charron),
bao quanh là những cửa hàng hoa tươi, cửa hàng thời trang và những nhà hàng đặc
sản, có một người nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu Tân nhạc vẫn sống lặng lẽ trong căn
buồng nhỏ với đầy hồi ức của một thời in bóng. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nổi
tiếng với ca khúc "Giáo đường in bóng" (thơ: Phi Tâm Yến) được mọi thế
hệ yêu chuộng.
Kết quả của mối tình đầu
Nguyễn Thiện Tơ quê ở Thanh Oai - Hà Đông (nay là Hà Nội)
nhưng sinh ra ngay tại căn nhà 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội năm 1921. Ông là một trong
rất ít các nhạc sĩ Tiền chiến còn minh mẫn, khỏe khoắn ở tuổi 97.
Vào kỳ nghỉ hè 1938 của Trường Thăng Long mà Nguyễn Thiện Tơ
là học sinh, ông được mời xuống Nam Định tham gia biểu diễn guitar trong buổi từ
thiện. Trong khoảnh khắc ấy, tâm hồn chàng trai 17 tuổi chợt xao xuyến khi bắt
gặp vẻ đẹp của nàng thiếu nữ tên là Hà Tiên cũng đến tham gia hát. Nhưng khi biết
nàng là người theo đạo Thiên chúa, thì chàng vô cùng thất vọng trong tâm trạng
là kẻ ngoại đạo. Nhưng điều trớ trêu là nàng cũng nhiều cảm tình với chàng. Bởi
thế mà chàng đã viết ra bài hát "Giáo đường in bóng" với lời lẽ mộc mạc,
sau được nhà thơ Phi Tâm Yến hoàn chỉnh ca từ và phổ biến rộng rãi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và vợ
Ảnh: Tư Liệu
Mối tình đầu và là mối tình duy nhất của chàng và nàng đã phải
vượt qua nhiều năm tháng khó khăn trong quan niệm lương giáo của hai gia đình.
Chàng về lại Hà Nội, muốn nói gì với nàng thì phải ra Bưu điện Bờ Hồ đánh điện
tín (xưa quen gọi là đánh dây thép) cho nàng. Đầu tiên là đánh xuống Nam Định,
sau khi gia đình nàng vào Vinh thì đánh vào Vinh. Thời ấy, tìm được một thiếu nữ
xinh đẹp và hát hay quả là hiếm hoi. Nhạc sĩ Lê Thương khi còn ở Nam Định cũng
đã thầm yêu nàng. Mối tâm sự đơn phương ấy, sau này được ông gửi vào bài hát
"Nàng Hà Tiên". Còn nhạc sĩ Phạm Duy trên đường hành phương Nam cùng
gánh hát, khi tới Vinh gặp nàng, cũng thầm yêu trộm nhớ.
Mùa xuân 2000, khi Phạm Duy về Hà Nội, người viết bài này đã
đưa Phạm Duy tới thăm bạn đồng niên (cùng sinh năm 1921) Nguyễn Thiện Tơ và
bóng hồng Hà Tiên - nay đã là bà Nguyễn Thiện Tơ và là mẹ của 5 con trai, 3 con
gái - tại 22 Mai Hắc Đế. Hồi ấy, chàng và nàng đã phải "đánh dây thép"
cho nhau tới 6 năm ròng. Cũng nhờ "Giáo đường in bóng" mà dần dà hai
gia đình dần thông cảm cho chàng nàng, cho phép làm đám cưới năm 1944 tại nhà
thờ Mỹ Dụ thuộc ngôi làng nhỏ ven thành Vinh.
Vừa chơi đàn vừa sáng tác
Sau sáng tác đầu tay nổi tiếng, Nguyễn Thiện Tơ vẫn vừa chơi
đàn cho các dàn nhạc vừa sáng tác ca khúc. Nhiều sáng tác của ông được ấn hành
như "Trên đường về", "Tiếng trúc bên sông", "Chiều
quê", "Nhắn gió chiều"… Tôi còn nhớ y nguyên hồi ở Hải Phòng tạm
bị chiếm, một chiều theo các chị tới chơi chùa Dư Hàng, bỗng chị cả hát khẽ:
Chiều nay sớm về với xác thu đẫm u buồn/ Cùng gió vàng với sương thu mờ buông/ Ai
có về nẻo xưa/ Cho nhắn cùng người xa…
Không hiểu sao chỉ thoáng nghe vậy mà giai điệu đã nhập vào hồn,
khiến nó cứ vương vấn trong lòng đứa bé ngây thơ trẻ dại là tôi. Vậy mà phải đến
nửa thế kỷ sau, tôi mới đem chia sẻ niềm vấn vương xưa, khi đưa "Nhắn gió
chiều" của Nguyễn Thiện Tơ và "Nhớ trăng huyền xưa" của Nguyễn
Văn Quỳ vào một chương trình ca nhạc của Truyền hình Việt Nam. Cũng năm đó, dịp
Giáng sinh, tôi lại đưa "Giáo đường in bóng" vào chương trình
"Thanh ca" biểu diễn hai đêm tại rạp Hồng Hà (xưa là Olimpia) ở Đường
Thành. Cũng nơi ấy, khi xưa "Giáo đường in bóng" cũng lần đầu tiên được
vang lên.
Cũng như Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước, trong chiến tranh,
Nguyễn Thiện Tơ ở lại Hà Nội dạy đàn, sáo và chơi trong dàn nhạc như đã từng là
những nhạc công đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam hồi mới độc lập. Những nhạc
phẩm của ông vẫn khiêm nhường xuất hiện qua ấn hành của Nhà Xuất bản Tinh Hoa
như "Giấc mơ xưa" (lời Văn Khôi), "Nhạc đồng quê",
"Trên đường về", "Khúc nhạc canh tân", "Đêm trăng
xưa", "Chiều tà", "Qua bến năm xưa"… Trong những nhạc
phẩm mà Nguyễn Thiện Tơ đã tặng cho tôi, còn có một tác phẩm nhạc không lời
mang tên "Ngày vui đã qua" được ông viết từ năm 1940. Tác phẩm được
viết ở nhịp 3/4 valse và ở cung mi thứ. Giai điệu cho thấy Nguyễn Thiện Tơ còn
rất tinh tế trong tư duy khí nhạc. Nếu được nhạc sĩ hôm nay chuyển soạn cho dàn
nhạc, sẽ có một tác phẩm hay.
Truyền tình yêu âm nhạc đến đời cháu
Có lẽ bởi có tư duy khí nhạc nên Nguyễn Thiện Tơ, sau ngày
hòa bình ở miền Bắc, đã trở thành một trong những thành viên của Dàn nhạc Giao
hưởng Việt Nam, sau đó là Dàn nhạc Xưởng phim truyện Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục
dạy đàn, sáo. Trong các học trò của ông, có nghệ sĩ Diệu Hồng là cây flute độc
tấu vào hạng bậc nhất của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia hiện nay và đồng thời là
con dâu ông. Diệu Hồng cùng chồng là nghệ sĩ clarinette Nguyễn Thiện Thắng trở
nên những thành viên trụ cột của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia bằng tình yêu âm
nhạc được bố Nguyễn Thiện Tơ truyền cho.
Không chỉ thế, ông còn truyền tình yêu mãnh liệt này đến đời
cháu. Cháu Hồng Ánh (con gái của vợ chồng Nguyễn Thiện Thắng) giờ cũng là một
cây flute ngồi cùng dàn nhạc với bố mẹ. Anh Nguyễn Vũ Hà (anh trai Nguyễn Thiện
Thắng) một thời trong dàn nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ. Con trai anh, cháu Nguyễn
Vũ Long cũng trở thành nghệ sĩ saxophone và clarinette.
Cứ thế, bằng tình yêu với người vợ thân thương và tình yêu âm
nhạc, ông đã cùng bà dìu dắt các con các cháu dâng hiến cho âm nhạc bằng tình
yêu dào dạt trong một cuộc sống thực rất tùng tiệm. Nỗi buồn sâu lắng trong
lòng ông là sự ra đi về cõi vĩnh hằng của "Nàng Hà Tiên" đã vài năm
trước, nỗi buồn như đã được ông dự đoán trước trong nhạc phẩm "Ngày vui đã
qua".
(*) Xem Báo Người Lao Động số thứ bảy từ ngày 26-8
Thầy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi
Nguyễn Thiện Tơ là con trai một người thợ in nhưng lại mê hát
trống quân và sống rất hào hoa phong nhã. Nếp sống và tình yêu âm nhạc của ông
đã ảnh hưởng rất lớn tới cậu con trai. Ngay từ năm 10 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ đã
tìm đến thầy Trần Đình Khuê học guitar Hawaiian. Điều kỳ lạ là chỉ ba tháng
sau, trò đã được thầy cho trình diễn cùng trên đài phát thanh Philippines. Sau
đó ông lại học guitar Espagnol của người thầy Pháp và bắt đầu tham gia dàn nhạc
phòng trà. Trong nhóm Myosotic, có lẽ Nguyễn Thiện Tơ là người ít tuổi nhất,
tuy ông là người dạy đàn rất sớm. Các nhạc sĩ như Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ, Đoàn
Chuẩn, Đỗ Liên… đều bắt đầu học chơi đàn từ Nguyễn Thiện Tơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét