Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Lược sử giáo phận Nha Trang

Lược sử giáo phận Nha Trang
A. Lược sử giáo phận Nha Trang
Ðược tách từ giáo phận Quy Nhơn năm 1957, nhưng Nha Trang đón nhận Tin Mừng từ thời các cha dòng Tên truyền giáo (cha P. Marques năm 1653 và cha P. Rivas năm 1655) giữa thế kỷ 17. Năm 1668 thêm các vị thuộc hội Thừa Sai Paris (M.E.P.), các vị thuộc Thánh bộ Truyền Giáo, dong Phanxicô...
Ngày 9-9-1659, Ðức Alexander VII thành lập hai giáo phận: Ðàng Ngoài và Ðàng Trong, giáo phận Ðàng Trong do Ðức cha P. Lambert de la Motte coi sóc. Ðêm 1-9-1671, Ðức cha Lambert de la Motte, một số linh mục thừa sai người Pháp (trong đó có những vị sau này là giám mục Ðàng Trong và Ðàng Ngoài) cùng hai linh mục Việt Nam là Luca Bền và Giuse Trang đến Chợ Mới (cách thành phố Nha Trang ngày nay khoảng 2km) ban phép Thêm Sức cho 200 em và một số tân tòng.
Ngày 2-3-1844, Ðức Gregorius chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận: Ðông và Tây; vùng Nha Trang thuộc giáo phận Ðông (từ Phan Rang ra tới sông Gianh), do Ðức cha E.T. Cuénot Thể coi sóc.
Năm 1850, theo đề nghị của giám mục giáo phận Ðông, Tòa Thánh lấy ba tỉnh phía Bắc gồm: Quảng Bình Quảng Trị, Thừa Thiên lập thành giáo phận Bắc Ðàng Trong (Huế); vùng đất Nha Trang thuộc giáo phận Ðông (Quy Nhơn) vẫn do Ðức cha Cuénot Thể coi sóc. Mặc dù trong cơn bách hại, số giáo hữu vẫn tăng, đặc biệt vùng Tây Nguyên.
Ngày 3-12-1924, giáo phận Ðông đổi tên thành giáo phận Quy Nhơn, theo địa bàn hành chính nơi đặt tòa giám mục. Nha Trang thuộc giáo phận Quy Nhơn. Tại Nha Trang, việc truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số phát triển mạnh từ năm 1939 tại những vùng: Gia Lễ, Ðồng Dài, Bà Râu và Tầm Ngân.
Ngày 5-7-1957, Ðức Piô XII ban Sắc chỉ Crescit Laetissimo, lấy hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận của giáo phận tông tòa Quy Nhơn và hai tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy của giáo phận tông tòa Sàigòn để thành lập giáo phận tông tòa Nha Trang. Ðức cha Marcel Piquet Lợi (M.E.P.) làm đại diện tông tòa. Khi thành lập, giáo phận Nha Trang có 72,199 giáo dân; hàng giáo sĩ có 90 linh mục: 14 vị gốc địa phương, 54 vị di cư và 22 thừa sai.
Năm 1958, xây dựng Tiểu Chủng Viện Sao Biển (Stella Maris) tại giáo xứ Thanh Hải. Năm 1958, Ðức cha thành lập dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ để thay thế hai dòng Mến Thánh Giá Tấn Tài và dòng Mến Thánh Giá Bình Cang, đặt Nhà Chính tại giáo xứ Bình Cang. Năm 1960, dòng Kín Carmel Thánh Hóa lập đan viện tại Nha Trang.
Ngày 24-11-1960, Ðức Gioan XXIII lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, giáo phận tông tòa Nha Trang được nâng lên hàng giáo phận chính tòa thuộc giáo tỉnh Huế, Ðức cha Marcel Piquet Lợi làm giám mục chính tòa đầu tiên, ngài nhận chức ngày 23-6-1961. Dưới thời Ðức cha M. Piquet, có tờ Ut Sint Unum để liên lạc giữa các linh mục.
Ngày 11-7-1966, Ðức cha Marcel Piquet Lội được Chúa gọi về sau hơn 50 năm phục vụ trên cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam.
Ngày 4-5-1967, Tòa Thánh đặt cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm giám mục chính tòa Nha Trang. Ngài đem tinh thần Công đồng Vatican II ứng dụng cho giáo phận. Ngài chú ý đến việc đào tạo giáo sĩ: năm 1968, ngài mượn một phần cơ sở của đại học Ðà Lạt để lập chủng viện Chúa Chiên Lành. Năm 1969, ngài thành lập Chủng Viện Lâm Bích dành cho các ơn gọi muộn; mở các lớp thường huấn cho linh mục và huấn luyện giáo dân trong các phong trào Công Lý Hòa Bình, Cursillos, Focolare. Ngài cũng quan tâm đến việc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số và lập một Trung Tâm Văn Hóa Chàm tại Ninh Thuận. Dưới thời của Ðức cha Thuận, có thêm tờ Dấn Thân, tờ báo của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận. Vì hoàn cảnh chiến tranh, giáo phận Nha Trang lại đón nhận hai đợt di dân:
Ðợt 1: Năm 1964 và 1965 từ Phú Yên và Bình Ðịnh đến lập nghiệp tại Cam Ranh.
Ðợt 2: Quảng Trị và Huế đến lập nghiệp tại các vùng Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Tuy...
Ngày 30-1-1975, Tòa Thánh ban sắc chỉ tách hai tỉnh phía Nam là Bình Thuận và Bình Tuy ra khỏi giáo phận Nha Trang và thành lập giáo phận Phan Thiết, đồng thời bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, thuộc giáo phận Ban Mê Thuột làm giám mục giáo phận Phan Thiết.
Như vậy giáo phận Nha Trang chỉ còn hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Giáo phận Phan Thiết có 68,482 giáo dân với dân số 480,000 người.
Giáo phận Nha Trang có 101,768 giáo dân với dân số 812,000 người.
Ngày 24-4-1975, Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được cử làm tổng giám mục phó giáo phận Saigòn, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm giám mục Nha Trang và Ðức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, giám mục phụ tá Saigòn, làm đại diện tông tòa Phan Thiết.
Ngày 7-5-1975, lễ bàn giao giữa hai Ðức cha tân (Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa) và cựu (Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) đã diễn ra tại Tòa Giám Mục Nha Trang.
Ngày 8-5-1975, Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận về Saigòn nhận nhiệm sở mới.
Ngày 25-5-1975, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nhận tòa trong hoàn cảnh rất sôi động và phức tạp về cả đạo lẫn đời. Nhờ đức hiền hòa và nhẫn nại, ngài đã tạo được sự thông cảm và hợp tác giữa các thành phần dân Chúa trong giáo phận, hàng giáo sĩ giáo phận mỗi ngày một thêm trẻ trung và tăng số. Tính từ năm 1975 đến cuối năm 2003, có 96 chủng sinh (70 triều và 26 dòng) được thụ phong linh mục. Ngài đã xây dựng được cơ sở mới của Ðại Chủng Viện Sao Biển và trùng tu nhiều nhà thờ, nhà nguyện.
Vì huyện Khánh Dương (nay là huyện Madrắc) sau này không thuộc tỉnh Khánh Hòa nhưng thuộc tỉnh Ðăklăk nên Ðức cha đã nhờ giám mục giáo phận Ban Mê Thuột cai quản giúp.
Ngày 1-5-1997, Tòa Thánh đặt cha Phêrô Nguyễn Văn Nho làm giám mục phó giáo phận Nha Trang, đậy là vị giám mục đầu tiên gốc Nha Trang. Tiếc thay, Ðức cha phó Phêrô Nguyễn Văn Nho, người được hãng tin Fides của Tòa Thánh gọi là vị Tông đồ các Ơn Gọi, được Chúa gọi về ngày 21-5-2003.
Năm 2003, giáo phận Nha Trang có 146 linh mục (104 triều và 42 dòng), 180,161 giáo dân
B. Ðịa lý và dân số
1. Ranh giới:
Giáo phận Nha Trang gồm hai tỉnh: tỉnh Khánh Hòa thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận thuộc miền Ðông Nam Bộ và huyện Khánh Dương thuộc tỉnh Ðăklăk, Tây Nguyên. (Huyện Khánh Dương từ năm 1975 đã nhờ Ðức cha giáo phận Ban Mê Thuột cai quản giúp).
Giáo phận Nha Trang: Ðông giáp biển Ðông, Bắc giáp giáo phận Quy Nhơn (Tỉnh Phú Yên), Tây Bắc giáp giáo phận Ban Mê Thuột (tỉnh Ðăklăk), Tây Nam giáp giáo phận Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng), Nam giáp giáo phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Gồm một thành phố loại II và hai thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) và Phan Rang (Ninh Thuận).
Tổng diện tích: 9,487 km2 (tính cả huyện Khánh Dương nay là huyện Madrắc); dân số 1,564,400 người. Phần lớn là người Kinh; ngoài ra còn có các sắc tộc: Hoa, Ra Glai, Trin, Êdê, Tày, Nùng, Mường, Thái, Ðan Hạ, H'mông.
Giáo phận Nha Trang chạy dọc theo duyên hải, dân cư một phần sống bằng nghề đánh cá bắt hải sản, nuôi thủy sản như tôm, cá..., làm muối; một phần sống bằng nghề nông, làm ruộng, làm rẫy, trồng mía đường, trồng nho.
2. Sông, hồ, núi:
Khánh Hòa và Ninh Thuận là những đồng bằng duyên hải hẹp do bị dãy Trường Sơn nằm theo thế hoành sơn đâm ra biển cắt đứt với các đồng bằng duyên hải khác; núi Ðèo Cả (407m) chia Khánh Hòa với Phú Yên; núi Cà Ná (339m) chia Ninh Thuận với Bình Thuận. Nằm dọc theo thế liên sơn, dãy Trường Sơn như bức tường ngăn Khánh Hòa, Ninh Thuận với cao nguyên Ðăklăk và cao nguyên Lâm Viên.
Tại Khánh Hòa: theo thế hoành sơn, các dãy núi còn chia tỉnh ra nhiều đồng bằng nhỏ khác như Núi Rọ Tượng với đèo Rọ Tượng cắt Ninh Hòa và Phú Hữu - Lương Sơn; núi Hòn Khô (324m) với đèo Rù Rì cắt Phú Hữu - Lương Sơn với Nha Trang... Theo thế liên sơn, dãy Vọng Phu ở Tây Bắc Khánh Hòa (2,051m, nay thuộc Ðăklăk) chia hai nhánh: một nhánh theo hướng Ðông đổ ra biển tại Ðèo Cả, có Hòn Giữ (1,264m), Hòn Ngang (1,128m), Hòn Gút (1,127m); một nhánh hướng về phía có Hòn Giữ (964m), Hòn Bà (1,339m).
Tại Ninh Thuận có hai hệ thống núi bao bọc theo thế liên sơn: phía Tây và phía Bắc có các núi cao nguyên Lâm Viên (Nam Trường Sơn); phía Nam các núi thuộc cao nguyên Di Linh theo thế hoành sơn đổ ra biển phía núi Dinh và thấp dần. Hai hệ thống núi này bọc Ninh Thuận theo hình bán cung.
Phía Bắc và phía Tây có các núi: Gia Rích (1,623m), Hòn Chàm (1,987m), núi Chuan (1,657m), núi Kanan (1,515m). Phía Nam các núi thấp hơn như núi Ðá Bạc (664m), núi Cà Ná (339m), Hòn Mây (220m).
Khánh Hòa và Ninh Thuận là những đồng bằng duyên hải hẹp do bị kẹp giữa dãy Trường Sơn và biển Ðông Hải, nên không có sông nào lớn. Khánh Hòa có 2 con sông chính là sông Cái và sông Dinh. Sông Cái còn gọi là sông Nha Trang hay sông Phú Lộc, dài chừng 60km. Sông Dinh, còn gọi là sông Vĩnh Phú hay sông Ninh Hòa, dài chừng 60km. Ninh Thuận chỉ có một con sông đáng kể: sông Dinh. Sông Dinh còn gọi là sông Cái hay sông Phan Rang, dài khoảng 100km.
C. Một số đặc sắc của giáo phận
1. Nhà thờ Chính Tòa Nha Trang:
Nhà thờ Chính Tòa Nha Trang còn gọi là Nhà Thờ Núi, được liệt kê vào di tích và thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa. Nhà thờ Chính Tòa do cha Louis Vallet khởi công xây dựng bằng bê tông cốt sắt ngày 3-9-1928 và hoàn thành tháng 5-1933 với diện tích 720 m2 (36mx20m).
Nhìn tổng thể, công trình có bố cục chắc, khỏe với những khối lập thể nhỏ dần từ thấp vươn lên, cao vọt lên trời xanh. Ðiểm cao nhất là nơi đặt Thánh Giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38m tính từ mặt đường. Dọc theo lối đi lên, phía bên phải là những hộc nhỏ đựng di cốt những người quá cố được ghép vào tường đá. Tuy đã xây dựng từ gần 70 năm qua nhưng quy mô bề thế và cách cấu trúc độc đáo vẫn còn nguyên giá trị.
2. Danh lam thắng cảnh:
- Di tích tôn giáo bạn: Chùa Long Sơn (Nha Trang)
- Các công trình khoa học: Viện Pasteur, Viện Hải Dương Học.
3. Di tích lịch sử và văn hóa:
- Thành cổ Diên Khánh.
- Khánh Hòa và Ninh Thuận là những phần đất của nước Chiêm Thành xưa kia. Ðối với người Chăm, Ninh Thuận được xem là kinh đô cuối cùng của họ sau Quảng Nam và Bình Ðịnh. Ở Khánh Hòa có tháp Pô Nagar; ở Ninh Thuận, các di tích của người Chăm còn nhiều như tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rômé, Ba Tháp...
4. Thắng cảnh thiên nhiên:
Vì thuộc miền duyên hải, hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có nhiều bãi biển đẹp. Khánh Hòa có Ðại Lãnh dưới chân Ðèo Cả, Dốc Lết, Ðảo Khỉ, Hòn Chồng, bãi biển Nha Trang, Hồ Cá Trí Nguyên và Thủy Cung, vịnh Cam Ranh. Ninh Thuận có bãi biển Ninh Chữ, Ðầm Nại, Mũi Dinh, Cà Ná...
Phía Tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận là dãy Trường Sơn, nên Khánh Hòa có các điểm tham quan như suối nước nóng Trường Xuân tại Dục Mỹ, Ninh Hòa; Ba Hồ tại Phú Hữu, Ninh Hòa; Suối Tiên tại Diên Khánh.
D. Hướng về tương lai
Ðường hướng mục vụ của giáo phận: là một giáo phận Ðông giáp biển Ðông Hải, Tây giáp dãy Trường Sơn, cộng vào đó nhiều vấn đề khác được đặt ra do thành phố Nha Trang nay được nâng lên thành phố loại 2, thị trấn Cam Ranh được nâng lên thị xã, thị xã Phan Rang cũng đang được mở rộng, giáo phận Nha Trang đang phải vừa nhìn vào thực trạng hôm nay và vừa nhìn về tương lai để tìm một phương hướng đi sâu vào lòng dân tộc.
1. Xã hội:
Giáo dục: Các nhà trẻ góp phần vào công tác giáo dục các thiếu nhi ngay ở tuổi măng non về mặt nhân bản, trí dục, đức dục và thể dục; các lớp tình thươg về mặt xóa mù chữ; các lớp bổ túc giúp các học sinh trung tiểu học theo kịp chương trình phổ thông, ngoài ra, còn giúp các trẻ em nghèo có được phương tiện để tiếp tục việc học.
Y tế: Giáo phận Nha Trang cũng góp phần vào việc chăm lo sức khỏe cho dân chúng, giúp cho bệnh viện có được một số trang thiết bị; phát thuốc cho dân, nước sạch cho dân, qua việc đào giếng hay xây dựng các hệ thống dẫn nước.
Các vấn đề xã hội khác: Giáo phận Nha Trang còn góp phần giúp giải quyết các vấn đề đang làm xã hội bận tâm:
- Người nghèo, nhất là những người nghèo thuộc các dân tộc thiểu số, đang được giúp đỡ để đia đến chỗ tự lực cánh sinh;
- Nhà tình thương cho trẻ em đường phố;
- Các trẻ em khuyết tật tại trung tâm trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa;
- Người bệnh phong cùi luôn được ưu ái chăm sóc, người mù cũng được giúp đỡ;
- Những người nghiện xì ke, ma túy, đặc biệt những người nhiễm bệnh HIV và AIDS từ lâu đã được quan tâm và đang được tìm cách tiếp cận;
- Thăng tiến phụ nữ cũng đã được đặt ra.
2. Ðào tạo nhân sự:
Giáo sĩ: Ngoài giai đoạn đào tạo chínht hức ở chủng viện, các linh mục được bồi dưỡng về một vấn đề nào đó qua tuần thường huấn hàng năm. Ngoài ra giáo phận cũng gửi các linh mục đi ngoại quốc học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm mục vụ và để nâng cao trình độ giảng dạy và hướng tới việc nâng đại chủng viện lên tương đương tầm đại học quốc tế.
Tu sĩ: Ngoài việc trùng tu hay xây cất các tu viện để đáp ứng nhu cầu đời sống, còn có việc nâng cao học vấn, nghiệp vụ qua các lớp bồi dưỡng thần học hàng năm. Một số tu sĩ được gửi đi nước ngoài học tập.
Giáo dân:
- Mục vụ chung: để đáp ứng các nhu cầu mục vụ, có việc phân chia thêm các giáo hạt và giáo xứ; phần nhiều các nhà thờ giáo xứ đã được trùng tu hay xây mới để đáp ứng nhu cầu phụng tự; nhiều nhà hội, nhà giáo lý cũng đã được xây dựng.
- Mục vụ cho dân di cư ra mặt lộ: với việc nâng cấp đường lộ và đô thị hóa, dân chúng di cư ra hai bên mặt lộ để sinh sống, trong đó có giáo dân. Vấn đề mục vụ cho những giáo dân di cư này đang được điều nghiên để làm sao đạt được hiệu quả cao.
- Các khóa bồi dưỡng giáo dân: Gần đây các khóa bồi dưỡng giáo dân về thánh nhạc, giáo lý, ban hành giáo hằng năm được tổ chức.
- Giáo dục đức tin: Vấn đề giáo dục đức tin cho giáo dân đang được quan tâm.
- Phụng vụ: cung cấp các bài hát phụng vụ về các mùa trong năm, lễ trọng và các chủ đề.
- Giáo lý: chương trình giáo lý phổ thông theo các lứa tuổi cho các thanh thiếu niên đã được áp dụng tại các giáo xứ. Tuy nhiên có một vướng mắc trong việc giảng dạy giáo lý là nhiều em học sinh phải đi học thêm giờ ngay cả ngày Chủ Nhật để theo kịp chương trình phổ thông trung, tiểu học.
- Ðối với các giáo dân lớn tuổi và giới trí thức: một chương trình lồng ghép Thánh Kinh và Phụng vụ đang được biên soạn để giúp cho họ sống đức tin vững vàng hơn giữa lòng đời.
- Truyền giáo: Vấn đề truyền giáo đang là một trăn trở của giáo phận bởi số người Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ 10,24% dân số. Vì vậy ngoài việc truyền giáo cho những người ở gần giáo phận đang tìm cách truyền giáo cho những người thuộc các lĩnh vực sau:
Những người sống ở vùng sâu, vùng xa trên đất liền,
Những người đang sống tại các hải đảo, đặc biệt các hải đảo xa xôi,
Những anh em thuộc dân tộc thiểu số Chăm, Thượng. Các giáo xứ miền núi thực tỉnh Khánh Hòa đều chú tâm đến các anh em người Thượng (tại Khánh Hòa số anh em người Thượng Công Giáo là 1,000; tại Ninh Thuận, số anh em người Thượng Công Giáo là khoảng 1,900 và số anh em người Chăm Công Giáo là 250).
(Dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)
Xem thêm:
Lịch sử giáo phận Nha Trang
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Giáo Phận Nha Trang
Nguyên Hương, Texas, Hoa Kỳ
Thay Lời Mở Ðầu
Từ căn cứ Thuận-Quảng tiếp tục cuộc Nam Tiến, năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần quyết định đưa dân quân vượt núi đèo đến tận Phan Rang. Chiếm đóng đất đai Chiêm Thành. Chúa Nguyễn đặt dinh mới Thái Khang (hay Thái Khương) gồm hai Phủ: Thái Khương và Diên Ninh. Năm 1695, chiếm đất Phan Rí, chúa Nguyễn Phúc Chu cải đổi Phủ Thái Khương làm Phủ Bình Khang. Mười mấy năm sau (1742) đến lượt Phủ Diên Ninh đổi thành Phủ Diên Khánh.
Ðầu đời Gia Long, Phủ Bình Khang đổi thành Dinh Bình Khang, mấy năm sau đổi thành Dinh Bình Hòa. Năm Gia Long thứ 7, Phủ Bình Hòa trở thành Trấn Bình Hòa. Gần 20 năm sau lại thay đổi lần nữa, Phủ Bình Hòa mang tên mới thành Phủ Ninh Hòa. Lần cuối cùng, thống nhất cơ chế hành chính toàn quốc, vua Minh Mạng đổi Trấn thành Tỉnh, tỉnh Khánh Hòa ra đời từ đó, cách đây đúng 170 năm.
Tỉnh Khánh Hòa gồm hai Ty Bố Chánh và Án Sát trực thuộc một viên quan kiêm lý hai tỉnh thành: Tuần Vũ Thuận-Khánh (Bình Thuận và Khánh Hòa).
Tùy theo tình hình chính trị mỗi kỳ, chức trưởng vị quan đầu tỉnh có khi được nâng cấp: Thuận-Khánh Tổng-Ðốc. Có khi trở lại chức vị cũ: Thuận-Khánh Tuần-Vũ quan phòng.
Năm 1901, Ninh Thuận tách rời khỏi Khánh Hòa trở thành tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang), từ đó đến năm 1945 tỉnh Khánh Hòa gồm bốn phủ, huyện: Diên Khánh (phủ), Vĩnh Xương, Ninh Hòa (phủ) và Tân Ðịnh.
Theo hiệp ước Patenôtre (06/6/1884), "trên danh nghĩa các quan lại An-Nam vẫn tiếp tục cai trị và làm nhiệm vụ của mình trong vương quốc An-Nam", tỉnh Khánh Hòa trực thuộc triều đình Huế gọi là chính phủ Nam Triều, tỉnh lỵ đặt lại Diên Khánh.
Dân chúng về sau thường vắn tắt gọi Diên Khánh là Thành vì ở đây ngày xưa có thành Diên Khánh thuộc địa phận hai xã Phú Mỹ và Phúc Thịnh, xây cất từ năm 1793 và được tu bổ sửa sang nhiều lần, như năm Minh Mạng thứ 4, thành Diên Khánh có đắp đê chắn ngang sông và đào thêm cừ dẫn nước ở phía Bắc.
Về phương diện hành chính, tỉnh Khánh Hòa thuộc quyền Nam Triều trong lúc thị xã Nha Trang thuộc quyền chính phủ Bảo Hộ qua trung gian một viên quan cai trị người Pháp gọi là Công Sứ (Résident Maire) trực thuộc Tòa Khâm Sứ Huế.
Nha Trang, vùng biển đẹp, thành phố Nha Trang, sau này Ðịa Phận Nha Trang.
Tìm về nguồn gốc địa danh này, trước nay có nhiều giải thích suy đoán khác nhau. Có người cho rằng Nha Trang do địa danh Kauthara mà ra. Người khác lại suy diễn do hai chữ Aia Trang khai sinh. Có thể đúng, có thể không, trong khi chưa tìm thấy dẫn chứng nào chính xác rõ ràng hơn.
Ngoài các sách báo ngoại ngữ xuất bản lâu năm, tìm hiểu thêm tài liệu bổ túc, gần đây đọc thấy các sử liệu do Hội Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Minh Champa phổ biến (International Office of Campa, San Jose, Califorlia). Qua bài viết của Abdul Karim giảng viên phân khoa Ngôn Ngữ Học trường Ðại Học Putra-Mã Lai, tình cờ thấy ghi địa danh Parik (Phan Rí), Pan Ran (Phan Rang) và Aia Trang trong một tập thơ tình dài 324 câu. Ðúng hơn, tập hồi ký bằng thơ "Ariya Nai Mai Mang Makak", theo các nhà biên khảo Tây phương là tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Chàm.
Nội dung tập thơ ghi lại chuyện tình giữa một hoàng thân Vương Quốc Champa-Panduranga và nàng công chúa Mã Lai:
"Nai mai mang Makak
Blaoh talai nai deh..."
"Nàng đến từ Makak
Rồi nàng dừng chân..."
Hai người hai hoàn cảnh riêng biệt. Nàng ra đi với sứ mệnh đưa hoàng tử Champa, hai vai gánh nặng trách nhiệm quốc gia đối với thần dân đang theo Ấn Ðộ Giáo, trở về với Hồi Giáo. Mặc dù nghịch cảnh, gặp nhau không chờ đợi, hai người yêu nhau tha thiết:
"Mắt em giếng nước trong xanh
Hạt kim cương rụng, giữa vòng, điểm tâm"
"Hồn anh rơi rụng đắm chìm
Chẳng ai kéo lại, chẳng người vớt lên"
Tình yêu say đắm, lãng mạn, chân tình:
"Sóng trào như nước lũ
Vọng tiếng ngàn xưa, tiếng sóng ngàn năm"
Nhưng rồi như sực tỉnh, chàng không thể vì tình yêu mà quên đi bổn phận mình đối với xứ sở quê hương và truyền thống dân tộc. Còn nàng, "Nàng đến từ Makak" không thể lập gia đình với một người không cùng tôn giáo, dù đó là vị hoàng tử.
Nàng trở về xứ Makak:
"Lênh đênh trôi dạt bến bờ
Trôi tít mù khơi, vào lòng biển cả".
Chàng ở lại, nhưng "tình anh trôi dạt nơi nào...".
"Ta còn chi nữa trong tay
Chỉ là con chim, bay vào vô tận..."
Cuộc tình dang dở "theo vào Parik (Phan Rí), tình lại Aia Trang". Chuyện tình buồn lãng mạn, nhưng là chuyện tình đẹp "tình mãi lưu danh, tình vào thiên cổ" trong văn học Champa; còn mãi với sông nước Kauthara, với con người Aia Trang, từ đó đến ngày nay, thiên thu bất tận.
AIA TRANG nồng nhiệt đam mê, mộng mơ tình tứ với nét buồn lãng mạn như điệu Nam Ai, Nam Bình, vương vấn âm hưởng Indrapura lâu đời. KAUTHARA thánh địa u huyền thời huyền sử như ca khúc Chiêm Thành Nọ, Ni, Nê, âm điệu từng đoạn mấy trăm năm sau rơi rớt nhẹ nhàng trong ca khúc Long Ngâm cổ nhạc Huế. Tất cả, còn lại "lẫn trong đồi cát, lẫn vào cỏ cây", di hương vang vọng. Bao nhiêu thế hệ chan hòa, người Việt Ðàng Trong, người Việt di dân cũ, di dân mới.
Người Việt Champa cội nguồn từ thuở Chiêm Thành Vương Campapura còn lại tại Khánh Hòa-Nha Trang ngày nay không nhiều, nếu không nói là không có hay ít quá so với đồng hương ở Sông Pha, Cà Ðú, Phan Rang, Phan Rí hay Mũi Né, Sông Mao, Tịnh Mỹ (Bal Pandarang), Phan Thiết (Malithit)...
Không còn tại nơi "chân trời xa vời vợi", "một cánh chim thu lạc cuối ngàn"; nhưng còn đó dấu tích sông nước hữu tình, mặn mà thắm thiết. Còn đó hình bóng lưu lãng, nét mơ hồ xa xăm nhìn thấy rõ trong ánh mắt long lanh tình tứ, trong nụ cười duyên kín đáo cô thôn nữ bên "cánh đồng vàng nhuộm nắng chiều tươi". Và còn đó, cả những thôn xóm đìu hiu trầm lặng ở Ðồng Hộ, Ðồng Găng, Ðồng Dài xa xưa, lấp lửng thướt tha theo chiều gió:
"Những thôn nữ mơ màng trong tiếng sáo
Cùng nhịp nhàng, uyển chuyển cuốn mình hoa"
Hết rồi, "cả một thời xưa tan tác đổ", nhưng còn đó cảnh vật thiên nhiên! Còn đó Khánh Hòa-Nha Trang với sức mời gọi quyến rũ lạ thường. Khách phương xa dừng chân ngắm cảnh, ngắm tình. Tưởng một đôi ngày, ngờ đâu đến nơi rồi ở lại lâu năm, rồi định cư mãi mãi. Ngày xưa quán trọ bên đường; lữ quán lâu năm trở thành quê quán, như câu ca dao địa phương còn lưu luyến đến ngày nay:
Ðến đây hãy ở lại đây
Bao giờ củi mục thành cây rồi về...
"Thành cây" là chuyện thường hay chuyện đã rồi đối với dân ngụ cư lâu đời ở Nha Trang. Huyền thoại Nha Trang-Khánh Hòa còn ghi dấu gỗ mục thành trầm hương, thành cây gió, cây Kì Nam như cổ tích đền thờ Thiên-Y-A-Na tại xã Ðại Ðiền.
Nàng tiên hóa thân vào cây gỗ già nam hương thơm nồng thắm, trôi theo dòng nước... gặp hoàng tử phương Nam kết đôi vợ chồng. Nhưng duyên nợ trần gian "có thế thôi". Người tiên trở về cõi tiên, để lại trần gian Khánh Hòa-Nha Trang trầm hương dìu dặt linh ứng, quyến rũ khách phương xa từ đó đến nay: "đến đây thì ở lại đây".
Như chuyện thần thoại Thiên-Y-A-Na, cô tiên nữ sống đời trần gian. Cô gái đồng quê một ngày đẹp trời bỗng nhiên làm cô thiếu nữ thị thành, khi Khánh Hòa-Nha Trang khánh thành trường học chữ quốc ngữ đầu tiên năm 1906. Khánh Hòa-Nha Trang huyền ảo thần tiên, lần hồi nhập thế biến đổi...
Thành phố miền thùy dương tân lập với Avenue de la Plage (sau này đại lộ Duy Tân), nhà hàng La Frégate, khách sạn Beau Rivage phía trên này, tận cuối đường là Cầu Ðá-Chụt. Qua cầu Xóm Bóng (cầu Hà Ra) nhìn xuống sông "nước giữa dòng bên trong bên đục". Mà thật như vậy, con sông nhẹ nhàng sóng vỗ lung linh hai màu xanh đục. Người địa phương còn nói rằng: nước trong xanh uống ngọt, bên kia màu đục uống vô mặn chát như nước muối!
Nha Trang miền cát trắng với những con lộ dài thẳng tắp; đường Yersin từ bờ biển đi tuốt lên Nhà Ga. Ðường Ðộc Lập từ Chợ Ðầm chạy song song, buôn bán rộn rịp một đoạn dài ở trên, vắng vẻ lần lần khi chạy tới Nhà Ga, gặp đường Phường Củi.
Có những con đường không dài không ngắn, dễ thương dễ cảm như đường Công Quán rợp bóng cây xanh. Phía trước ngôi biệt thự nhỏ số 10 có hai cây bàng, bên cạnh là rạp Ciné Việt-Quang mấy năm sau trở lại thấy đổi tên Minh-Châu. Gần đó, trường Kim Yến, gần thêm chút nữa trường nữ học của mấy "xơ" dòng Ðức Bà Truyền Giáo, trường Khánh Tâm. Ngày nay nhìn học trò lững thững đi về, khách phương xa mến cảnh mến người mấy mươi năm rồi gọi mãi không thôi, trường Minh Tâm!
Khánh Hòa-Nha Trang cổ xưa với chùa Kim Sơn, chùa Kỳ Lân, với Lũy Củ Chiêm Thành dân gian thường gọi là Ðồn Chiêm. Nha Trang thắng cảnh xinh tươi với sông Ba Ngòi (Tam Ðộc) với đầm Ô-Rô, khe Ồ-Ồ, với chợ Dinh, chợ Nại (Nại Tân), với nhà thờ Núi, những giáo hữu âm thầm dấn thân nhập cuộc "đi đạo" giúp đời... Tất cả đã tạo nên cơ duyên dồn dập phát sinh nguồn cảm hứng viết về "Ðịa Phận Nha Trang".
Bài Phóng Sự đăng trên Nguyệt San Văn Hóa, số 86, Saigon, tháng 10 năm 1963.
Tháng này, năm này, đầu thiên niên kỷ mới, Khánh Hòa-Nha Trang kỷ niệm 170 năm thành lập.
Và cũng là kỷ niệm 95 năm Khánh Hòa-Nha Trang lần đầu tiên năm 1906, nhất luật khai giảng cùng một ngày 24 trường tổng và một trường Kiểu Mẫu dạy chữ Quốc Ngữ tại thị xã.
Cùng một lúc hai ba niên đại quan trọng Khánh Hòa-Nha Trang đã trải qua, nhân dịp này tác giả cho đăng lại "Ðịa Phận Nha Trang", theo bản văn năm 1963 không sửa đổi, ngoại trừ những chú thích thông tin thấy cần thiết. Cập nhật hóa bài viết dễ đọc hơn, người viết đã kiểm điểm, đối chiếu thêm những tư liệu mới. Tìm gặp nhiều người hiểu biết hơn về Khánh Hòa-Nha Trang, tác giả may mắn gặp lại người quen cũ Trần Ðình Hảo, một công chức "cựu trào" quê quán Nha Trang, thổ công thổ địa tại địa phương. Cùng với cuốn sách nhỏ gửi tặng "Lịch Ðịa Phận Nha Trang năm 1975", nhiều lần nói chuyện qua điện thoại, bạn Trần Ðình Hảo đã cung cấp thêm nhiều thông tin về các họ đạo cũ mới rất hữu ích tìm hiểu thêm "Nha Trang Công Giáo" từ năm 1963 đến năm 1975.
Ðăng lại "Ðịa Phận Nha Trang" với nhiều tâm tình gắn bó, vui mừng cùng bạn đọc khắp nơi khi nhận được tin Ðức Cha F. X. Nguyễn Văn Thuận, nguyên Giám Mục Ðịa Phận Nha Trang từ năm 1967-1975 vừa được Tòa Thánh Vatican tấn phong Hồng Y, vinh dự lớn lao đến với Giáo Hội và quê hương Việt nam.
Saigon 1963. Nhờ Tạp Chí Văn Hóa Nguyệt San, từ Quảng Trị-Ðông Hà đến Bạc Liêu-Cà Mau, "Ðịa Phận Nha Trang" đến với bạn đọc khắp nơi; một số đông độc giả ngày xa xưa ấy vẫn ham đọc và thích thú tìm đọc. Rất nhiều độc giả thời ấy am hiểu địa dư mỗi địa phương cũng như lịch sử các vùng đất hay những nhân vật ít nhiều để lại dấu tích lịch sử trên làng xã cố hương mình. Qua vài thông tin ngắn ngủi, những mẩu chuyện địa dư - lịch sử đơn sơ trên báo, có khi những phóng sự rộn ràng xao động thoáng qua, tưởng chừng như mọi người đang cùng thắc mắc, cùng chung nhu cầu tìm hiểu hiện tình đất nước trong một giai đoạn đang chờ đợi biến động dự đoán sẽ xảy ra!
Cũng với tâm tư ước vọng bừng sáng ấy, lần này "Ðịa Phận Nha Trang" trở lại với độc giả người Việt tha hương trên dưới một phần tư thế kỷ: 1975-2001, những năm tháng ngậm ngùi xa quê nhớ nước.
Ðịa Phận Huế, Ðịa Phận Quy Nhơn, rồi Ðịa Phận Nha Trang, Ðịa Phận Saigon, tác giả và độc giả thủy chung vẫn là một, một tấm lòng, một tình yêu nồng thắm, đất nước và con người. Sẽ không có người viết nếu không có người đọc, độc giả ngày nay cũng như thời trước. Khác nhau qua thời gian và không gian, tác giả và độc giả trước năm 1975 hay ngày nay, năm 2001 trên đất nước người, đam mê nhiệt tình học hỏi và tìm hiểu những vấn đề Việt Nam, hiện tại và tương lai. Ðó cũng là thêm một lý do "Ðịa Phận Nha Trang" không mới, không cũ đến với bạn đọc hôm nay.
Giáo Phận Nha Trang
Gặp lại Ðức Giám Mục R. Marcel Piquet trong một ngày vui của địa phận, tuy là du khách chúng tôi không khỏi cùng với giáo hữu Nha Trang chung lời cầu nguyện, chung niềm yêu thương trong buổi lễ mừng năm mươi năm linh mục của vị Giám Mục tiên khởi địa phận. So với các địa phận khác như Huế, Saigon, Quy Nhơn, Kontum... địa phận Nha Trang tương đối mới mẻ. Mới, nhưng người cai quản địa phận, Ðức Cha R. Marcel Piquet lại không phải là người xa lạ đối với giáo hữu các tỉnh miền Nam duyên hải Trung Phần.
Sinh năm 1888 tại Ba-Lê, chịu chức linh mục năm 1912 xong, Ðức Cha Piquet sang giảng đạo ở Quy Nhơn và lấy tên Việt Nam, Cố Lợi. Bắt đầu học Việt Ngữ tại Hội Ðức, làm cha sở ở Ðồng Quả (Bình Ðịnh), một thời gian sau linh mục Piquet đổi về làm giáo sư tại Ðại Chủng Viện Ðại An.
Rời Ðại Chủng Viện, người được bổ nhiệm làm cha sở Dinh Thủy, rồi Hộ Diêm, Rừng Lai (Phan Rang)... Ðược cử làm cha chính địa phận năm 1941, một năm sau làm Bề Trên địa phận Quy Nhơn cho đến năm 1943 được tấn phong Giám Mục thay thế Ðức Cha Tardieu, trong buổi lễ long trọng cử hành tại nhà thờ Chánh Tòa Quy Nhơn ngày 18/01/1944.
Tháng 7 năm 1957, địa phận Quy Nhơn phân chia làm hai và Ðức Cha R. Marcel Piquet trở thành vị Giám Mục địa phận Nha Trang. Tính đến năm 1963, ngài đã ở Việt Nam 51 năm. Ghi công một vị giáo sĩ đã sống và làm việc ở Việt Nam trên hơn nửa thế kỷ, trong ngày lễ Kim Khánh Ðức Cha hôm ấy, ngày 07/8/1962, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ân tặng vị chủ chiên địa phận Nha Trang Chương Mỹ Bội Tinh hạng nhất.
Kể từ ngày chúa Nguyễn Hoàng sai phó tướng Văn Phong vượt đèo Cù Mông chiếm đóng Phú Yên, cuộc Nam Tiến của các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan... mỗi ngày một đi xa về phương Nam.
Biên giới Ðàng Trong Ðại Việt nối dài đến tận Mũi Nạy (Cap Verella) trong lúc lãnh thổ Champa thu hẹp lần với hai tiểu vương quốc Kauthara và Panduranga.
Ðến lượt thánh địa Kathaura rơi vào tay chúa Nguyễn trở thành dinh Thái Khương và Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa sau này - lãnh thổ cuối cùng còn lại của Champa là tiểu vương quốc Panduranga.
Cuộc Nam Tiến vẫn chưa ngưng nghỉ. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu tiến chiếm Phan Rang - Phan Rí; Paduranga của Chiêm Thành từ nay gọi là trấn Thuận Thành, phủ Bình Thuận.
Khởi đi từ căn cứ Thuận - Quảng, các chúa Nguyễn Ðàng Trong đã nới rộng biên giới đến Phan Thiết. Phần đất Nam Tiến này kể từ năm 1844 trở thành địa phận Quy Nhơn; và từ địa phận Quy Nhơn khai sinh địa phận mới Nha Trang bao gồm lãnh thổ hai tiểu vương quốc Kathaura - Paduranga trở thành phần đất Việt Nam gọi là Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Rang (Ninh Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận).
Ðịa phận mới trên vùng đất mới với nhiều triển vọng mới, hiện tại và tương lai.
Ðịa phận mới Nha Trang, kể từ ngày 22/7/1957, gồm một phần đất cũ thuộc địa phận Quy Nhơn từ Ðèo Cả đến Cà Ná và một phần đất trước kia thuộc địa phận Saigon nay sáp nhập vào địa phận Nha Trang, từ Cà Ná đến hết biên giới Bình Tuy.
Nằm dọc theo duyên hải miền Nam Trung Phần, đi từ các tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang), Ninh Thuận (Phan Rang) đến Bình Thuận (Phan Thiết) và Bình Tuy (Hàm Tân) địa phận bao gồm một diện tích trên dưới 20,000 cây số vuông với dân số gần 769,000 người, trong đó có 101,300 người Công Giáo. Ðịa phận Nha trang có 139 họ đạo do 116 linh mục trông coi, không kể các linh mục Dòng, trong đó phải kể 5 linh mục dòng Mỹ Ca, 7 linh mục dòng thánh Phanxico và 11 linh mục dòng Chúa Cứu Thế. Kể từ ngày thành lập đến nay, địa phận Nha Trang có thêm 36 tân linh mục.
Ðịa danh Nha Trang, qua sử liệu Việt Nam như Ðại Nam Nhất Thống Trí, đến nay còn chưa được giải thích rõ ràng. Chỉ thấy lờ mờ ghi lại trang này, trang kia một vài hàng ngắn ngủi như: "Thành Diên Khánh trước là thủ sở Nha trang", vũng Nha Trang, nguồn Nha Trang, cửa tấn Nha Trang...
Về phương diện hành chính, trước năm 1945, Nha Trang gồm nhiều đơn vị gọi là Phường, đặt tên theo thứ tự Phường Ðệ Nhất, Phường Ðệ Nhì... (1 er quatier, 2 er quatier...). Vùng ngoại ô Nha Trang gồm có Nha Trang Ðông (chợ Ðầm), Nha Trang Tây, Phường Sài, Phường Củi, Trường Ðông, Trường Tây...
Ngoài hai địa hạt hành chính biệt lập là tỉnh Khánh Hòa và thị xã Nha Trang, Nha trang còn có hai cơ quan hành chính đặc biệt gọi là Ðại Lý (Délégation) như Délégation de Ba Ngòi và Délegation de Suối Dầu do một viên chức người Việt điều khiển gọi là Bang Tá..
Thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Khánh Hòa gồm các quận Vạn Ninh, Ninh Hòa, Vĩnh Xương, Diên Khánh và Cam Lâm.
Khánh Hòa-Nha Trang, đất trầm hương bà chúa xứ Ponagar với nhiều ký ức, kỷ niệm lâu ngày còn đó, mất đó. Hơn đâu cả, nơi vùng đất "muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi" (thơ Chế Lan Viên), vật đổi sao rời là chuyện thường tình:
Mưa Ðồng Kè, gió Tu Bông
Cọp Ổ Gà, ma Ðồng Lớn
Núi Ðồng Kè hay núi Phú Mỹ ở Ninh Hòa. Núi cao, cao lắm, chọc trời, quanh năm mây mù bao phủ vì vậy thường có mưa, mưa Ðồng Kè!
Tu Bông gần núi Tô Hà, cũng gọi là núi Hoa Sen, bốn bề gió lộng từ những đồi cát xa xa. Mùa gió Nam, Tu Bông cát bụi mịt mù còn hơn Chợ Sãi Quảng Trị mùa gió Lào. Con nít ở đây thường bị đỏ mắt; gọi gió Tu Bông là vì vậy!
Núi Phú Như, tục danh núi Ổ Gà, cây cối um tùm rậm rạp, rừng xanh núi đỏ xa xưa cọp beo nhiều lắm; thợ săn, thợ rừng còn phải tránh xa "ông ba mươi". Núi Ổ Gà còn đó, nhưng cọp Ổ Gà hết rồi; theo dân làng kể lại từ ngày Cộng Sản lén lút về đây. Hay tại vì Cộng Sản quá bạo tàn sắt máu đến nỗi hung dữ như cọp Ổ Gà cũng phải lánh xa?
Ma Ðồng Lớn (hay Ðại Ðồng) cũng vậy! Vùng núi Ðại Ðồng tại quận Ninh Hòa ngày xa xưa là vị trí bản lề chiến lược từ Bắc vô Nam hay ngược lại. Với hai ngọn đèo, đèo Eo và đèo Bánh Ít (đèo Thanh Hà), khu vực Ðại Ðồng tự nhiên trở thành bãi chiến trường ác liệt Việt - Chiêm, tiếp đến giữa hai quân đội hai nhà Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Chiến trận nhiều, tử thương nhiều. Hồn xiêu phách lạc, hồn ma bóng quế nhiều, oan hồn hiện khắp nơi. Núi non rừng rậm như Ðồng Lớn còn nhiều hơn; chuyện mấy trăm năm cũ sau này còn ghi lại trong sử sách, phổ biến qua dân gian truyền khẩu: "ma Ðồng Lớn".
Kể về số lượng giáo hữu, trong bốn tỉnh thuộc địa phận, quan trọng hơn cả Khánh Hòa-Nha Trang: 37,754 người quây quần trong 62 họ đạo. Nha Trang quan trọng vì nơi đây có Tòa Giám Mục, có các dòng tu như dòng Phanxico, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Mỹ Ca; các cơ sở văn hóa, xã hội Công Giáo địa phận phần lớn quy hợp nơi đây.
Khung cảnh trầm lặng tự nhiên và khí hậu hiền hòa của Nha Trang là một trong những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển hoạt động tông đồ. Lòng mộ đạo và sức người đã chiến thắng được những cản trở khó khăn bên ngoài để hành đạo và sống đạo. Ngôi nhà thờ của thị xã Nha Trang làm toàn bằng đá là một bằng chứng của lòng sùng đạo cao cả ấy.
Nhà Thờ Núi Nha Trang, một trong những kiến trúc đại quy mô của địa phương, nay là nhà thờ chánh tòa, cách đây gần 40 năm là công trình xây dựng của linh mục họ đạo Chợ Mới, cha Vallet.
Năm 1929, Nha Trang còn là xóm đạo nghèo nàn với số giáo dân thưa thớt không qúa 300 người. Tuy nằm trong thị xã, nhưng Nha Trang lại là họ nhánh thuộc giáo xứ Chợ Mới. Ngày Chúa Nhật, cha sở Chợ Mới lên Nha Trang làm lễ tại ngôi nhà hiện nay là trụ sở Tòa Giám Mục. Nha Trang lúc bấy giờ trên phương diện kiến thiết cũng chưa có gì đáng kể ngoài khu chợ với vài dãy phố buôn bán và một số biệt thự của Pháp cất dọc theo bãi biển.
Nha Trang nhớ lại thời xa xưa ấy chưa có Chợ Ðầm, chợ Nha Trang, Nhà Thờ Núi.
Ngôi thánh đường đầu tiên chưa được to lớn bề thế lắm là nhàthờ Chợ Mới, sau này trở thành giáo xứ Chợ Mới, bổn đạo đông đúc lên đến con số 1,500 người. Ảnh hưởng lâu dài vang xa bên kia sông Cái với hai họ nhánh trù mật khang cát. Họ Phù Sa (xã Xuân Long) và họ Gò Dê (làng Ngọc Hội) thuộc thế hệ Nha Trang Công Giáo cựu thời, cựu tích.
Gọi Chợ Mới vì theo dân gian truyền tụng, đầu tiên hết và chưa có chi hết, chỉ có độc nhất cái chợ mới xây cất tại đây. Chợ mới thành lập nên gọi là Chợ Mới. Sự tích nôm na giản dị như bản tính con người Nha Trang bình dị chất phác, thành thật và cởi mở.
Nhà thờ Chợ Mới tọa lạc tại làng Ngọc Hội, riêng chợ (mới) tại làng Vĩnh Ðiềm. hai làng Ngọc Hội - Vĩnh Ðiềm cách nhau một cây cầu làm ranh giới giữa hai làng, cầu Bà Vệ. Bên này cầu Vĩnh Ðiềm, qua khỏi cầu mấy bước, làng Ngọc Hội là xóm đạo sơ khai, hằng ngày quen thuộc với hình bóng vị linh mục nhân đức khả kính, cha Vallet.
Chợ Mới Công Giáo truyền thống, cách đây thế kỷ là giáo xứ đã để lại dấu tích tôn kính tử đạo Việt Nam, vào những năm sau cùng triều đại Tự Ðức (1858-1862).
Cùng chung một mộ huyệt các đấng tử đạo Chợ Mới! Sau ngày bình yên trở lại, bảy quan tài tử thi các vị tuẫn đạo chôn sấp chôn ngửa các nơi trong thời gian gọi là "sát tả" được đưa về nhà thờ Chợ Mới cải táng chung. Nhục thể các ngài an nghỉ dưới nấm mồ chung có cây thánh giá đơn sơ bằng gỗ ghi dấu một giai đoạn đau thương bất hạnh trên quê hương trần gian. Trong các đấng tử đạo, giáo xứ Chợ Mới được vinh dự hiển dương hai chứng nhân của Ðức Tin: chú Giuse Hữu và chị Anê Dần.
Giuse Phaolô Trần Hữu sinh ngày 27 tháng 12 năm Ðinh Dậu (1837) tại Ngọc Toản; năm 1853, theo giúp linh mục Thới tại Phan Rang, chú Hữu bị bắt giam sau đó cùng với thân phụ và một số giáo hữu, cuối cùng bị hành quyết tại Sông Cạn, làng Phước Thịnh năm 1860.
Chị Anê (Agnes) Dần, họ đạo Bình Cang, gia nhập dòng Mến Thánh Giáđang tuổi thiếu niên, 16-17 tuổi. Không đầy hai năm Anê Dần bị bắt cùng song thân. Không chịu nổi cực hình tra tấn, nữ tập tu dòng Mến Thánh Giá Anê Dần qua đời trong ngục thất trước khi nhận được bản án tử hình.
Chị Anê Dần chết rũ tù tại ngục thất Khánh Hòa.
Chú Giuse Hữu bị trảm quyết tại Sông Cạn, xã Phước Thịnh.
Sông Cạn thuộc địa phận Cam Ranh-Ba Ngòi, theo Ðại Nam Nhất Thống Trí, tỉnh Khánh Hòa, "không có đầu nguồn, chỉ theo thủy triều lên xuống, nước cao chừng một thước, hành khách lội qua được nên có tên gọi như thế".
Sông Cạn vì Thiên Chúa, vì Tổ Quốc, đạo đời cùng một niềm tin, cùng chung dấn thân phụng sự.
Sông Cạn, cũng dòng sông oan nghiệt này, gần nửa thế kỷ sau, năm 1908, bên cầu Phước Thịnh, đã chứng kiến thêm cuộc hành quyết nhà chí sĩ cách mạng, giáo thọ phủ Ninh Hòa, tiến sĩ Trần Quý Cáp.
Xúc động vì cái chết bi hùng bên dòng Sông Cạn, cụ Huỳnh Thúc Kháng có bài thơ chữ Hán khóc bạn:
"Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng
Nha Trang thu khảo khấp anh hồn..."
... "Bồng đảo gió thu đưa chờ giấc mộng
Nha Trang cây cỏ (đã) khóc hồn thiêng...".
Trở lại với ký ức cha sở họ Chợ Mới Nha Trang, cách đây gần nửa thế kỷ. Việc đầu tiên của linh mục Vallet khi được cử làm cha sở Nha Trang là tìm đất cất nhà thờ. Ðịa điểm này không đâu đẹp hơn là ngọn đồi con ở hướng Tây thành phố. Chỉ công việc ban đất, lát đá tạm con đường để xe cộ có thể chuyên chở vật liệu từ dưới lên đỉnh đồi cũng đã phải kéo dài mấy năm. Xong đợt công tác này, đến năm 1932 mới thật sự bắt đầu công việc xây cất nhà thờ. Tìm đâu ra tiền với số giáo hữu quá ít ỏi. Ngoài năm ba người công chức, tất cả đều là công nhân, nông dân hay làm nghề chài lưới nghèo khổ!
Nhưng rồi cũng xong xuôi nhờ sự khôn khéo vận động của cha Vallet và sự hợp tác tông đồ của giáo hữu các nơi. Từ khi khởi công, tháng 02 năm 1929 đến sau lễ Phục Sinh năm 1933, nhà thờ "Núi" được Ðức Giám Mục Grangeon (Ðức Cha Mẫu) làm phép và đặt tên "Chúa Giêsu là Vua" làm bổn mạng ngôi thánh đường. Hơn một năm sau, nhà thờ Núi có thêm hai chuông lớn và đồng hồ còn lại cho đến ngày nay.
Từ khởi điểm Chợ Mới, đến đây cùng với khách phương xa thử tìm lại bóng hoài cảm Nha Trang Công Giáo qua dặm dài ký ức.
Qua khỏi Suối Dầu, đi xa hơn về hướng Tây vùng cận sơn, địa sở Ðồng Hộ. Dọc theo Ðường Cái Quan, một xóm đạo trước năm 1945 là họ nhánh của giáo xứ Bình Cang, ngày nay phát triển phồn thịnh vững vàng, họ đạo Hòa Tân.
Tìm đường đi Bình Cang, từ Nha Trang đến Diên Khánh theo Quốc Lộ I, còn cách thành chừng ba, bốn cây số, rẽ phía trái du khách sẽ dừng lại "giáo đường im bóng", nhà thờ Cầu Ké, họ đạo Cầu Ké. Cũng trên đường lục lộ thênh thang này, rảo bước thêm một đoạn ngắn nữa, rẽ tay mặt, từ xa nhìn thấy rõ cánh đồng mênh mông. Xã Võ Cạnh, quận Vĩnh Xương đây rồi, không còn sợ lạc đường lạc hướng nữa!
Võ Cạnh-Kauthara: dù quê quán Nha Trang hay không, dù đã qua đây một lần hay chưa nhưng đến đây rồi xin hãy dừng lại đây. Võ Cạnh, làng Võ Cạnh, quận Vĩnh Xương, nơi ghi dấu lịch sử LinYi-Champa qua tấm bia khắc bằng Phạn ngữ (Sanscrit). Bia bằng đá hoa, cổ vật không ghi năm tháng khai dựng, nhưng qua nội dung bản văn, các nhà khảo cổ biết chắc rằng tấm bia có từ xa xưa lâu đời, hồi chưa có bóng dáng người Việt trên nửa phần đất bán đảo Ðông Dương này. Cũng có thể, từ đầu thế kỷ thứ ba hay sớm hơn, từ thời đại vương quốc Champa đầu tiên Cri-Màra; K'iu Liên theo phiên âm tiếng Tàu, hay Khu Liên qua tài liệu Hán Việt.
Bia đá Võ Cạnh ghi dấu vương quốc Champa chịu ảnh hưởng sâu đậm văn minh Ấn Ðộ Giáo và văn hóa Phạn ngữ. Kauthara-Võ Cạnh, vùng trời đất mỹ lệ, thiên nhiên ở đây đẹp vô cùng. Từ cảm nhận cái đẹp, tôn trọng cái đẹp thiên nhiên, con người tôn thờ thiên nhiên như Ðấng thiêng liêng. Thiên nhiên trở thành đạo, con đường tìm đến cứu cánh chân lý sau cùng.
Từ Võ Cạnh-Kauthara buổi sơ khai, mười mấy thế kỷ sau khi cuộc Nam Tiến càng lâu càng bám chặt gốc rễ, đến lượt Võ Cạnh-Khánh Hòa chung hòa điệu sống an nhiên đạo vị trong cộng đồng chung, đất nước Việt Nam.
Như dòng sinh hóa sinh tụ tự nhiên, từ Võ Cạnh-Champa đến Võ Cạnh-Vĩnh Xương vĩnh an vĩnh tồn, bằng tâm tình cảm nhận, con người tìm về ánh sáng Phúc Âm. Cũng như người "đi đạo" thời trước, các thế hệ hậu bối tìm về Ðạo, sống với Ðạo bằng con tim, bằng Ðức Tin trước khi bằng khối óc: "đạo bất viễn nhân".
Cũng như Võ Cạnh liên lý liên chi Phú Vinh nằm về hướng Ðông, cả hai cùng bám chặt về sông núi quê hương, cái đạo tự tâm ấy đã gắn bó con người Nha Trang-Khánh Hòa bất cứ nơi đâu, Gò Dê, Gò Dừa, Cây Vông, Chợ Mới, Bình Cang...
Một mình một cõi giữa đồng rộng cò bay thẳng cánh, nhà thờ Bình Cang với cây thánh giá đang tỏa rộng trời đất non nước xứ trầm hương.
Là một giáo xứ lâu đời, nhắc đến Bình Cang không thể quên được vị cha xứ đã chung sống với bổn đạo hơn một phần tư thế kỷ và mất tại đây, linh mục Ernest Carrigues.
Ngày xa xưa không lâu Võ Cạnh là một vùng đất hoang vắng, dân cư thưa thớt; còn nói chi họ đạo Bình Cang tân lập sau này. Nhiệt tâm, nhiệt thành, cùng chung ước nguyện, kẻ chăn chiên và đàn chiên lần hồi đã biến cải Bình Cang thành giáo xứ phồn thịnh với ngôi thánh đường trang nghiêm. Bên cạnh nhà thờ, trường học Bình Cang mỗi năm thêm lớp, thêm học sinh và ông "giáo làng" không ai khác hơn là vị linh mục nổi tiếng thông thái, cha sở Ernest Carrigues.
Bình Cang vận hội mới còn gặp duyên lành đón tiếp dòng Mến Thánh Giá. Phát sinh từ Gò Thị (Quy Nhơn), nhập tịch địa phận Nha Trang, các nữ tu từ đây mang tên họ mới, dòng Mến Thánh Giá Bình Cang. Quen thuộc với bà con địa phương qua bộ đồng phục màu đen, các nữ tu Bình Cang mặc áo dài cắt may hơi đặc biệt, thân áo và tay áo rộng khác với các nữ tu dòng Khiết Tâm sau này, đồng phục màu xanh nước biển.
Vừa tận hiến công đức tu trì đạo hạnh, vừa lo việc xã hội và giáo dục con em trong ngoài giáo xứ, hoa trái đầu mùa các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Bình Cang vừa được gặt hái là hơn 50 thiếu nữ dự tu và tập tu khấn hứa dâng trọn đời mình vì Thiên Chúa, vì tha nhân.
Trở lại ga Phú Vĩnh xuôi Nam theo Quốc Lộ I, qua khỏi Cửa Ðông, cửa Tây thành Diên Khánh chừng cây số, đạo đời chung một, vui vẻ hiền hòa là giáo xứ Hà Dừa. Xa xa, bên kia con sông đò ngang hàng ngày nặng trĩu ân tình ân nghĩa, bổn đạo giáo xứ Cây Vông thuộc xã Ðại Ðiền Tây tiếp liền với Ðại Ðiền Ðông.
Còn muốn tiếp tục đi nữa, qua khỏi Phú Cốc, bên kia sông là giáo xứ Ðồng Dài trước nay có hai họ nhánh, họ Ðất Sét chạy dài theo ven núi miền cận sơn Ðồng Bò và họ Sình thuộc xã Cư Thịnh.
Lần theo dấu tích của họ đạo lâu đời đến tận Ba Ngòi-Cam Lâm; đến đây ngược chiều Quốc Lộ I, trở lại hướng Bắc đi tìm hình bóng xa xưa các giáo xứ Vạn Giả, Ninh Hòa, tạm kết thúc đoạn dài Nha Trang Công Giáo từ Nam ra Bắc.
Khoảnh đất hơi cao, không cao lắm như đồi, gọi là Gò. Ði lần vô Nam, miền Ðông miền Tây Nam Việt gọi là "Giồng". Ðịa thế Khánh Hòa-Ninh Hòa nổi tiếng nhiều núi, nhiều đèo cheo leo, đò đống trèo trượt ngổn ngang còn nhiều hơn: gò Thạch (lũy), gò Dê, gò Dừa...
Gắn bó nhiều kỷ niệm tôn giáo là Gò Muồng, một trong những giáo xứ lâu đời bên Sông Cạn cách quận lỵ Ninh Hòa chừng 3 cây số.
Qua gần hết một vòng giao thoa tiếp cận các họ đạo Khánh Hòa-Nha Trang trước năm 1930-1931, đến đây tạm dừng chân tại Nhà Thờ Chánh Tòa, nhìn lại những đổi thay thay đổi đô thị Nha Trang hai thập niên qua, từ đó nhận định rõ nét hơn sự tiến triển bên ngoài của Nha Trang Công Giáo và địa phận nhà nói chung.
Chỉ nhìn riêng con đường Duy Tân chạy dài theo bãi biển Nha Trang cũng đủ thấy rõ sự tiến triển của hoạt động Công Giáo ở đây. Khách sạn "Beau Rivage" một thời có tiếng là sang trọng và đông khách, ngày nay là Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế. Mới được thiết lập thêm ở Nha Trang từ năm 1954-1955, Dòng hiện có 11 tu sĩ và hơn 60 chủng sinh. Ngoài phạm vi phụng vụ và giảng dạy thông thường, hoạt động của Dòng còn lan tràn đến các mục tiêu xã hội, văn hóa. các buổi nói chuyện, diễn thuyết công cộng của các linh mục dòng Chúa Cứu Thế đã thành tập tục quen thuộc với dân chúng Nha Trang lâu nay.
Con đường bãi biển đẹp nhất của Nha Trang không những chỉ có tu viện dòng Chúa Cứu Thế, mà còn có Tòa Giám Mục, biệt thự Cuénot là nhà dưỡng lão linh mục và trường Trung Học Bá Ninh của dòng Sư Huynh, tấp nập với trên hai ngàn học sinh trung học.
Rời khỏi thị xã qua bên kia cầu Hà Ra, dọc Quốc Lộ là nhà Tập dòng Sư Huynh La San, Tu viện Phanxicô, nhà Nữ Tu Kín vừa khánh thành hồi tháng 9 năm 1961, Tiểu Chủng Viện Hoa Mai thành lập năm 1954 với 150 chủng sinh.
Nhà Tập dòng Sư Huynh La San và tu viện Phanxicô cùng nằm chung trên ngọn đồi cao, cùng chung một địa thế ngoạn mục. Từ tu viện dòng Phanxicô, phóng tầm mắt nhìn xa có thể thấy cả thành phố.
Xứng đáng với truyền thống đạo đức xa xưa, tu viện dòng Phanxicô vẫn thường đón nhận trong những dịp cấm phòng từng đoàn người từ xa tới. Có đến đây sống những giờ tĩnh tâm thiêng liêng mới thấy rõ cái an nhiên sâu lắng đẹp của tâm hồn. Ở đây ngăn cách với cuộc sống rộn rịp bên ngoài, nhưng ngăn cách mà không phân ly đoạn tuyệt, trái lại vẫn gần gũi chung hòa. Thì ra cái "thiên địa chi tâm" của Dịch Kinh đã đồng hòa cùng với tinh thần yêu thương hoan lạc của Ðạo Công Giáo. Ngoài kia, dù cho cuộc sống có đổi thay và xã hội có phân tán, con người ở đây đã tìm thấy sự bình an trong tâm hồn và tình hợp nhất trong ý nghĩ hướng thượng.
Trong lý tưởng đạo đức ấy, năm 1929, một linh mục dòng Phanxicô, cha Maurice Bertin đã đến đây khơi thêm nguồn sống đạo. Là linh mục thuộc thế hệ khai sơn phá thạch của dòng Phanxicô ở Việt Nam, sau khi xây dựng xong cơ sở ở Vinh và Thanh Hóa, cha Bertin đến Nha Trang bắt đầu công việc làm nhà thờ cùng với các cha Hugolin Lemestre, André Durand và Léonard Ramon. Ðó là vào khoảng tháng 6 năm 1938. Gần hai năm sau, tháng 7 năm 1940, tu viện Phanxicô hoàn tất.
Qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm vì chứng biến, vì chiến tranh tàn phá hận thù, cuối cùng dòng Phanxicô đã không tàn tạ vì ngọn lửa vô thần, trái lại còn ghi thêm công nghiệp tông đồ của mình trong việc đem hơn 10 làng rải rác xung quanh tu viện trở lại đạo. Họ Cù Lao hiện nay với trên 1,500 tân tòng và trường tiểu học mấy lớp là công lao truyền giáo gần đây của các cha dòng Phanxicô.
Nói đến tu viện Phanxicô Nha Trang không thể không nói thêm các công nghiệp tông đồ khác các cha dòng Áo Nâu đã thực hiện. Nhà Lạc Thiện dưới chân đèo Rù Rì với gần 70 bệnh nhân được chăm lo thường trực và mấy chục trẻ em mồ côi được Nhà Dòng nuôi dưỡng, chưa kể đến việc khám bệnh, phát thuốc mỗi ngày cho dân chúng trong vùng. Trại cùi Núi Sạn với gần 150 bệnh nhân, trú chứa hơn 10 gia đình vừa có thêm trường tiểu học riêng cho các em con nhà bệnh nhân, không sánh được với trại cùi Bến Sắn, Quy Hòa, nhưng đã góp phần công nghiệp xoa dịu tâm hồn những bệnh nhân bị đời hắt hủi.
Lần theo Quốc Lộ I, qua khỏi Cam Ranh, tiếp đến Du Long (Karom) du khách đang đi lần vào ranh giới Phan Rang (Ninh Thuận) với những địa danh Chàm được Việt Nam hóa từ lâu ngày: Bal Sri Banây (Ninh Chữ), Bal Pandarang (Tịnh Mỹ), Bal Huh (Cù Hũ)...
Nhớ lại gần 3 thế kỷ trước, khi Pan Ran (Phan Rang), Parik (Phan Rí) và Maléthih (Phan Thiết) trong phần đất Chàm còn lại gọi là tiểu vương quốc Panduranga dưới ảnh hưởng "bảo hộ" của Ðàng Trong, tên mới: trấn Thuận Thành. Chúa Nguyễn phong chức Khâm Lý (chức vị Chiêm Vương có tính cách tượng trưng) cho một nhân vật thuộc hoàng gia Chiêm Thành, Kế Bà Tử (tên viết theo sử liệu Việt Nam; ghi theo sử liệu Champa-Panduranga: Po Saktiraydaputih).
Phủ Bình Thuận được thành lập trong lãnh thổ Panduranga - trấn Thuận Thành - trên danh nghĩa pháp lý là vùng tự trị. Phần đất nhượng địa này được chúa Nguyễn Việt Nam hóa lần hồi: luật lệ, phong tục, cả y phục dân chúng tuần tự sửa đổi như người Việt Nam. Dù muốn dù không, dù được dù thua, cuộc sống chung Chàm-Việt tiếp nối thăng trầm theo các biến chuyển chính trị kéo dài cho đến năm 1832. Sau vụ nổi loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng chấm dứt hẳn danh hiệu Champa-Panduranga từ nay sáp nhập hoàn toàn vào bản đồ Ðại Nam Quốc.
Phan Rang trở thành Ninh Thuận; tính cách quan trọng hành chính khi "Phủ" khi "Ðạo" thay đổi nhiều lần cho đến năm Thành Thái thứ 13, chính thức trở thành Tỉnh, hợp thức hóa bằng Nghị Ðịnh Phủ Toàn Quyền Ðông Dương thành lập tỉnh Phan Rang kể từ ngày 20/5/1901. Quản hạt Tỉnh mới gồm có đạo Ninh Thuận, huyện An Phước, huyện Tân Khai và Ðại Lý Hành Chính Dalat (Délégation de Dalat).
Hơn mười năm sau, theo Nghị Ðịnh Toàn Quyền Albert Sarraut, ngày 09/02/1013, tỉnh Phan Rang đổi thành "Ðại Lý" (Délégation de Phan Rang) trực thuộc tỉnh Bình Thuận.
Phan Rang, đồng ruộng tốt tươi, phố thị trù mật, Phan Rang thuộc địa phận Nha Trang với 15,000 giáo hữu, tấp nập rộn ràng nhất là họ: Gò Ðền, Hộ Diêm, Tân An, Tấn Tài, Phước Ðức, Phước Thiện..., có ai ngờ rằng trước đây chỉ là vùng đất cát nóng hổi chói chang và xung quanh núi rừng hoang vắng.
Nhờ công lao của vị linh mục thừa sai, cha Villaume (Cố Ðề), hơn 500 mẫu tây đất trước kia hoang vu cằn cỗi, trở thành phì nhiêu màu mỡ. Cánh đồng Hộ Diêm mênh mông, bát ngát lúa vàng hiện nay là nhờ đập Ða Trinh, cũng như cánh đồng Dinh Thủy nuôi sống mấy trăm gia đình nông dân là nhờ có đập Lâm Cấm.
Họ Ðá Hàn, một trong những họ đạo xa xưa của Phan Rang, giáo hữu đầu tiên tất cả đều là những nông dân chất phác từ bốn phương về đây núp bóng cây Thánh Giá. Và chính nhờ Ðá Hàn, Phan Rang sau này có thêm họ Phước Thiện sầm uất với trên 2,500 giáo dân. Nơi này cách đây không lâu đã hân hoan đón mừng 200 đồng bào Thượng trở lại đạo, mở đầu cho những tân tòng khác cũng người Thượng đang dồn dập "trở lại" mỗi ngày một nhiều hơn.
Ngôi nhà thờ đang xây cất tại trung tâm tỉnh lỵ hợp chung với những cơ sở xã hội đã có lâu nay và đang được nuôi dưỡng tô bồi, càng làm tăng thêm vẻ phồn thịnh của một tỉnh Phan Rang nhiều hy vọng tương lai.
Ði hết một vòng các họ đạo Ninh Thuận, tìm về dấu tích văn hóa Phan Rang không thể không nhắc đến một vị linh mục và cũng là một học giả uyên thâm hiểu biết nhiều về các màu sắc dân Cham-Raglai về đủ mọi phương diện nhân chủng, ngôn ngữ và văn hóa, linh mục Gérard Moussay. Chính vị linh mục lâu năm nhiều tháng gắn bó với công tác tông đồ các sắc dân thiểu số địa phương là người đã thành lập duy trì Trung Tâm Văn Hóa Chàm tại Phan rang, một phần gia tài văn hóa quý báu ngày nay còn lại với thư viện trường Viễn Ðông Bác Cổ Paris (École Francaise d'Extrême-Orient).
Và Bình Thuận mà tỉnh lỵ là Phan Thiết, tuy rằng số giáo hữu không đông đảo lắm: 28,255 người trong dân số toàn tỉnh 300,000 người, nhưng nếu nhìn về phẩm chất Bình Thuận Công Giáo không phải là không có nhiều đặc điểm. Ma Ó, Phan Rí, Tầm Hưng, Long Hương, Kim Ngọc có tiếng là nơi "đạo thạnh" ngày trước, so với ngày nay đã thêm nhiều nét phong vận mỹ nhiều. Thêm vào đó, số giáo hữu di dân lập nghiệp đã đem lại cho Phan Thiết nhiều sắc thái, mới mẻ mà cổ kính, linh hoạt mà âm thầm chan chứa.
Nếu ngày trước, Phan Thiết là quê hương của những hàm hộ, nơi mà "chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương cá mòi" thì ngày nay cũng ngay tại trung tâm xứ sở của các nhà thờ hàm hộ ấy, một trường trung học Công Giáo, với trên 1,500 học sinh, kiến trúc đồ sộ vào bậc nhất nhì trong tỉnh, đã làm nổi bật thêm hơn sự tiến triển của thị xã Bình Thuận.
Giáo dân Giáo Phận Nha Trang
Nét đặc trưng của địa phận là có hơn 90% giáo hữu làm nghề nông hay chài lưới. Từ những giáo xứ xa xưa như Chợ Mới, Hà Dừa, Cây Vông, Hộ Diêm, Diên Thủy, đến những địa sở mới thành lập sau ngày có cuộc di cư năm 1954. Bình Tuy, với các dinh điền Tánh Linh, Võ Ðắt, Võ Xu... đa số giáo dân nếu không là nông dân chân lấm tay bùn thì cũng là những người chài lưới nghèo khó đến đây lập nghiệp sinh sống, theo đạo và giữ đạo một cách hồn nhiên, trung thực. Riêng tỉnh Bình Tuy không, trong số 30,000 người Công Giáo, đồng bào di dân đã có tới trên 20,000 người.
Trước ngày có thêm địa danh Bình Tuy trên bản đồ hành chính Việt Nam, quận Hàm Tân chỉ vỏn vẹn có một số giáo dân không quá 2,000 người; đông đảo nhất là Tân Mỹ, Cù My. Hai nơi này cách xa nhau gần 25 cây số nhưng chỉ có một linh mục.
Sự việc ngày nay đã đổi khác. Vào trung tâm tuần tháng 3 năm 1955, một đoàn giáo dân gần 400 người quê quán Nghệ tĩnh đến đây định cư lập nghiệp. Thế rồi đất lành chim đậu, các họ đạo mới như Vinh Tân, Vinh Thanh, Thanh Xuân được thành lập, con số giáo hữu từ đó càng ngày càng gia tăng. Các cơ sở phụng vụ, các trường học cũng được thiết lập hay kiến thiết lại, thích hợp hơn với nhu cầu mới của địa phương. Nhà thờ kể đến nay đã hai, ba lần trùng tu hay có nơi xây cất mới. Khởi đầu là những nhà nguyện làm bằng tranh tre, hay lợp "tôn", có nơi chỉ là những mái "tăng" dựng nên. Ngày nay có dịp trở lại Bình Tuy, du khách sẽ thấy những thánh đường tuy không nguy nga đồ sộ, nhưng thừa vẻ trang trọng mỹ quan, biểu hiện được sự cố gắng, cần cù kiên nhẫn và nhất là lòng nhiệt thành mộ đạo vốn là bản tính của đồng bào Nghệ Tĩnh xưa nay.
Phong trào di cư tỵ nạn Cộng Sản từ miền Bắc sau Hiệp Ðịnh Genève đã đem đến không những hai hạt Bình Tuy-Bình Thuận, mà nói chung cả vùng đất Nha Trang nối dài thêm nhiều chất men hội nhập mới, sống đạo và hành đạo vừa sinh động, vừa thầm lặng, nét đẹp thanh hương đặc sắc của địa phương nhà. Những ngày lễ hội tưng bừng, những lần rước kiệu linh đình nối tiếp quanh năm. Các trại tiếp cư, định cư lần hồi trở thành những họ đạo mới, nhiều giáo xứ tân hưng tân lập khắp nơi, núi cao bể rộng, đồng quê đến những vùng đồng chua nước mặn hoang vắng trước đây.
Tại trung tâm thị xã Nha Trang, nổi bật nhất vì đông đảo giáo dân nhất, hai xóm đạo Phước Hải và Bắc Thành. Thánh đường Phước Hải nằm trên đường Nguyễn Hoàng. Phước Hải thịnh thời thịnh thế, trên dưới 4,000 đồng bào Công Giáo sinh hoạt rộn ràng tạo thành thôn xóm mới, Nhà Thờ Xóm Mới.
Không xa Phước Hải-Xóm Mới, trên đường Lê Thánh Tôn, nhà thờ Bắc Thành. Sáng trưa chiều tối xóm Bắc Thành rộn rịp người đi. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang trang trọng vui mừng, giáo hữu hơn 3,000 người chung tiếng cầu kinh, chung lời khấn nguyện, đạo đời kết hợp.
Ngày xa xưa, hình như trước năm 1040, sau lưng Xóm Cồn, gần nhà bác sĩ Yersin có xóm đạo nhỏ. Ðồng bào di cư hôm sớm đến đây vui vầy sum họp với bà con địa phương, lại thêm sự giúp đỡ săn sóc của các linh mục dòng Phanxicô, nhà thờ Cây Bông nhỏ bé năm nào ngày nay trở thành xóm đạo mới tưng bừng, giáo xứ Thánh Giá.
Từ Xóm Bóng, theo Quốc Lộ I đến gần trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế, thêm một họ đạo di cư mới, giáo xứ Ba Làng. Sát bờ biển, hai họ đạo gần gũi nhau, tổng số giáo hữu hai nơi họp lại hơn 4,000 người cùng với đồng bào "bên Lương" họp thành một cộng đồng nhỏ sinh tụ hòa hảo ngày này qua tháng khác, những ai sống ở đây khó mà quên được.
Tiếp tục đi nữa qua khỏi đèo Rù Rì là giáo xứ Lương Sơn thuộc địa hạt Lương Sơn xã, làng đánh cá không giàu có sung túc, nhưng cuộc sống dễ dàng thanh thản.
Ði về phía Nam, theo hướng Ba Ngòi-Cam Ranh du khách ngạc nhiên nhìn thấy hai bên đường nhiều xóm đạo mới. Mới nhưng Ðức Tin truyền thống lâu đời, vững vàng hứa hẹn, biểu hiện qua những nhà thờ mới, tường vôi mái ngói đẹp đẽ khang ninh.
Mở đầu hạt Cam Ranh, không xa họ đạo Cửu Lợi (Hòa Tân) là giáo xứ Tân Bình với hơn 2,000 bổn đạo quê quán Quảng Bình. Vùng đất hứa chờ đợi đoàn giáo hữu từ phương xa, tân dân tân hữu. Tân Bình đúng là giáo xứ tân đức tân tâm, bình an bình dã, bình hòa bình thuận của địa phận Nha Trang thấm nhuần ơn kêu gọi. Phong trào di dân của những giáo dân Ðịa Phận Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Tuy Hòa tiếm về vùng Cam Ranh, tạo nên những họ đạo mới: Hòa Yên, Hòa Nghĩa,...
Cũng hướng đi Ba Ngòi, qua khỏi đường ray xe lửa về phía Tây, nhà thờ Ðồng Lác, Vĩnh Cẩm, Suối Cát... Thêm một cánh đồng cò bay thẳng cánh khác, nhìn bên mặt bên trái, ngó trước ngó sau thấy toàn Lác mọc hoang lâu ngày không ai khai thác.
Qua khỏi xã Thủy Triều, đây giáo xứ Xuân Ninh, làng ngư nghiệp do đồng bào di cư tạo dựng bên cạnh những làng đánh cá lâu đời tại Cam Ranh như Thạnh Xương, Bình Ba.
Hết Xuân Vinh đến xóm đạo Suối Vinh, xa xa bên kia sông họ đạo Mỹ Ca, bao la biển rộng sông dài... Ba Ngòi, Vinh Trang, Phú Nhơn... Xa xa chút nữa, giữa trời nước mênh mông, ngoài kia mấy hòn cù lao: Hòn Tai, Hòn Găng, Hòn Khô, Hòn Nội...
Ðến Mỹ Ca, hãy dừng lại đây không phải chỉ vì trời đất bao la, không gian vô tận, mà chính vì cảnh trí nơi đây phù hợp với tâm linh đời sống con người, xích lại gần hơn với Chân, Thiện, Mỹ.
Mỹ Ca, nguồn mỹ đức và mỹ cảm rạt rào. Núi sông biển cả hài hòa tuyệt diệu, thiên nhiên hòa điệu đẹp vô ngần. Ðời đâu phải là bể khổ! Hiện tại đang nhìn thấy và cảm nhận, vùng trời đất huyền mặc của địa phận Nha Trang: tu viện Mỹ Ca dòng Citeaux Lerins.
Khởi công từ năm 1933 do linh mục Paulin trực tiếp trông coi, có hai cha Placide và Charles phụ tá. Tu viện Mỹ Ca tại Ba Ngòi hoàn tất năm 1935 ghi thêm một cơ sở tu trì tại địa phận.
Trong thời kỳ còn xây cất ngổn ngang, tu viện Mỹ Ca đã một lần được vinh dự đón tiếp Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh Drapier. Ðó là vào hồi năm 1934. Cuộc tiếp đón vô cùng giản dị cũng như sự viếng thăm bất thần, giản dị của vị đại diện Tòa Thánh. Mấy trái dừa thổ sản địa phương làm thức giải khát giữa chủ và khách dưới căn nhà lá đơn sơ dùng làm nơi tạm trú của các linh mục trong khi việc xây cất tu viện còn chưa xong.
Mỹ Ca là một bán đảo nhỏ, liền với Nha Trang về phía Bắc và trông ra Vịnh Cam Ranh ở phía Ðông. Tu viện nằm ngay trung tâm bán đảo, cách bờ biển gần ba cây số ngàn, xung quanh toàn một màu cát trắng, xa hơn nữa dãy núi bao quanh.
Ðến thăm tu viện, đặt chân lên bãi cát trắng Mỹ Ca, du khách có cảm tưởng như vừa bỏ lại ở sau cả tập tục, đời sống thường nhật. Cuộc sống xô bồ rộn rịp tới tấp cách đây không lâu còn nối liền với hồn trí, tâm tư du khách, còn ăn nhịp với buồng gan, với thớ thịt, giờ đây như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Nghe tiếng chuông reo, vị linh mục lặng lẽ rời phòng khách, cuộc tiếp xúc sau đó với vị tu sĩ và khách viếng thăm làm hiển hiện thêm cái tĩnh mịch của khung cảnh Mỹ Ca, vắng vẻ giữa tiếng sóng vỗ chập trùng, quạnh hiu bên tiếng rì rào của hàng dương liễu trước mặt tu viện.
Thành lập đã lâu do công lao của cha Paulin, vị đầu tiên của dòng kể từ năm 1934, tu viện Mỹ Ca hiện có 6 linh mục tu sĩ, 8 trợ sĩ, 4 kinh sĩ, 3 tập tu và 25 đệ tử. Con số khiêm tốn, nếu kể về công nghiệp và thời gian xây dựng, cũng như cái khiêm tốn của địa phận Nha Trang so với các địa phận khác.
Nhưng dù khiêm tốn đơn sơ, trên địa hạt giáo dục địa phận Nha Trang cũng đang ghi thêm ít nhiều thành quả duyên dáng, trong đó nên kể trước tiên hoạt động của dòng Sư Huynh La San thành lập tại Nha Trang từ năm 1933. Ngoài hai dãy nhà kiến trúc đồ sộ làm sơ-tập-viện và tập-tu-viện nằm trên ngọn đồi La San (đối diện với tu viện dòng Phanxicô) là nơi đào tạo các Sư Huynh tương lai, Nha Trang Công Giáo còn có trường Giuse Nghĩa Thục và trường Trung Học Bá Ninh do các thầy dòng La San điều khiển.
Khởi sự với phong trào di cư, trường Giuse Nghĩa Thục khai giảng được là nhờ công lao cố gắng và nhẫn nại của sư huynh Thomas Hyacinthe từ Hải Phòng vào. Buổi đầu tiên không có gì cả; trường sở không, phương tiện tài lực và nhân lực không. Tất cả chỉ với một tấm lòng yêu thương, chia sẻ và ý chí đưa đạo đức vào học đường đúng với hoài bão và tôn chỉ vị sáng lập dòng: Thánh Gioan La San (Jean Baptiste de la Salle).
Ngày vui mừng đã đến, ngày 01/9/1956, cùng với các sư huynh trường Thiện Giáo ((Institut des Frères des Écoles Chrétiennes), trường Giuse Nghĩa Thục trên đường Bạch Ðằng mở cửa đón mời mấy trăm học sinh. Gọi Nghĩa Thục, vì đây đúng là một trường học (Thục) cưu mang đầy đủ ý nghĩa và đạo nghĩa hai chữ giáo dục. Trường Giuse Nghĩa Thục dạy miễn phí cho con em các gia đình nghèo khó, nghĩa là hơn 95% số học sinh nhà trường từ đó về sau. Trường lợp mái tôn, vách ván, bàn ghế học sinh, xin đầu này kiếm đầu kia. Bao nhiêu tấm lòng rộng rãi nhân từ và thiện nguyện xây đắp nên, nhờ đó không đầy 10 năm sau Giuse Nghĩa Thục trở thành một cơ sở có uy tín song song với trường Bá Ninh, cùng chung tổ chức, cùng chung truyền thống giáo dục.
Bên cạnh những trường nữ học của các chị dòng Mến Thánh Giá, dòng Khiết Tâm, dòng nữ Ða Minh, du khách đến Nha Trang vẫn thường dừng lại viếng thăm các cơ sở giáo dục và xã hội khác của các nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn (Les Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul). Dòng có mặt tại Nha Trang từ đầu thập niên 30 với cô nhi viện và trường tiểu học miễn phí trên một sở đất lớn vừa đủ rộng rãi để làm tu viện tại đường Nhà Thờ (Rue de I'Eglise) sau này đổi tên đường Gia Long. Từ nhà chính trên Ðồi Mai Anh Ðà Lạt (Domaine de Maria), các nữ tu Bác Ái Vinh Sơn hiện đang điều khiển một trường Trung-Tiểu-Học dạy theo chương trình Pháp. Cũng như các nơi khác, chương trình Việt đang áp dụng song song chờ đợi đến ngày thay thế hoàn toàn chương trình Pháp.
Rời Nha Trang, đến Phan Thiết tại ngay tỉnh lỵ với trường trung học Ngô Ðình Khôi của linh mục Nguyễn Viết Khai hay trở lại Phan Rang với các trung tâm giáo dục đồng bào thiểu số do các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres đang chăm lo tại Gò Ðen, tạm hết một đoạn đường giáo-dục-địa-phận nhà đang dấn thân phụng sự. Còn nhiều và nhiều nữa, còn cố gắng vẫn còn chưa đủ so với nhu cầu địa phương. Dự định của Ðức Giám Mục là làm sao thành lập thêm tại thị xã Phan Rang một trường trung học Công Giáo sau khi nhà thờ chính ở đây xây cất xong, có lẽ trong một ngày gần đây.
Dự định to tát, công nghiệp của những người đang xây đắp dự định sẽ còn to tát hơn.
Nguồn: http://www.catholic.org.tw/
Đức cha Giuse Võ Đức Minh, vị Giám mục thứ 4 của Giáo phận Nha Trang
Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Vị Giám mục thứ 4 của Giáo phận Nha Trang, kế nhiệm Đức cha Marcel Raymond Piquet Lợi (1957-1966), Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1967-1975) và Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (1975-2009).
Đức cha Giuse Võ Đức Minh sinh ngày 10 tháng 9 năm 1944, tại Mỹ Đức, thuộc Giáo xứ TamTòa, Đồng Hới, Quảng Bình.
Ngài là người con thứ ba và là con trai trưởng trong gia đình có 7 người con (3 gái, 4 trai). Ông cố là Giuse Võ Đức Mẫn (1912-2000) thuộc giáo họ Mỹ Đức, giáo xứ Tam Tòa; bà cố là Isave Nguyễn Thị Trà (1914-1997) cũng thuộc giáo xứ Tam Tòa.
Năm chú Minh lên 7 tuổi (1951), gia đình rời giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình, vào định cư tại giáo xứ Thánh Nicolas, Thành phố Đà Lạt. Thời niên thiếu, chú Minh theo học tiểu học tại Thành phố Đà Lạt, và từ năm 1956 học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Giáo phận Sài Gòn. Sau khi đậu tú tài, năm 1965 thầy Minh học Triết học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse - Saigon. Năm 1966, thầy được Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà Lạt gửi sang Đại Chủng Viện Thánh Carôlô của Giáo phận Fribourg, Lausanne và Genève tại Thụy Sỹ, để tiếp tục học Triết học và Thần học tại Phân Khoa Thần học của Đại học Fribourg, đồng thời được huấn luyện và học bổ sung về mục vụ tại Đại Chủng Viện Giáo phận Fribourg.
Mùa hè năm 1969, thầy Minh theo học Đức ngữ tại Goethe Institut, Passau ở vùng Niederbayern, nước Đức; và mùa hè 1970 thầy tham dự Khóa học hỏi và nghiên cứu về Kinh Thánh tại Thánh địa Giêrusalem.
Ngày 24 tháng 4 năm 1971, tại nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Fribourg, Thụy Sĩ, thầy đã được Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà Lạt truyền chức Linh mục; sau đó tân Linh mục tiếp tục học tốt nghiệp Cử nhân Thần học tại Đại học Fribourg.
Từ năm 1971 đến 1974, cha Giuse Minh được Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền gửi sang học chuyên về Kinh Thánh tại Giáo Hoàng Học viện Kinh Thánh Roma (Biblicum), và tốt nghiệp Cử nhân Kinh Thánh vào năm 1974.
Trong thời gian sinh viên, cha đã tận dụng các kỳ nghỉ hè để làm mục vụ tại một số giáo xứ: phó xứ tại Kranken und Erholungsheim tại Aachen, nước Đức; phó xứ tại giáo xứ Notre Dame ở Vevey, Thụy Sĩ; quyền quản xứ tại giáo xứ Notre Dame du Peuple ở Genève, Thụy Sĩ; phó xứ tại giáo xứ Notre Dame des Neiges ở Montréal, Canada.
Mùa hè năm 1974, cha Minh trở về Giáo phận Đà Lạt và được bổ nhiệm làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Minh Hòa Đà Lạt. Cha còn dạy Kinh Thánh và Thần học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Saigon, Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X Đalat, Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang và nhiều học viện Dòng tu nam nữ ở Việt Nam.
Năm 1975, cha được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm bổ nhiệm làm thư ký Tòa Giám mục Đà Lạt cho đến năm 1991.
Ngày 20 tháng 6 năm 1991, cha được đặt làm Quản xứ nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt, đồng thời làm Linh mục quản hạt Đà Lạt. Ngày 19 tháng 6 năm 1999, cha được bổ nhiệm làm Linh mục Tổng đại diện Giáo phận Đà Lạt.
Ngày 8 tháng 11 năm 2005, cha Giuse Võ Đức Minh đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phó Giáo phận Nha Trang. Ngày 15 tháng 12 năm 2005, tại Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, cha được tấn phong Giám mục do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam khóa thứ IX chủ phong. Hai Đức cha phụ phong là hai vị đàn anh của ngài cùng xuất thân từ giáo xứ Chánh Tòa Đà Lạt là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đaà Lạt và hiện là đương kim Chủ tịch HĐGMVN, cùng với Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN. Hiện diện trong Thánh lễ truyền chức hôm đó có tất cả 30 vị gồm các Đức Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục; khoảng 400 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ, chủng sinh và khoảng trên mười ngàn giáo dân tham dự.

Ngày 30 tháng 12 năm 2005, đích thân Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng đông đảo linh mục, đại diện tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đã đồng hành tiễn Đức cha Giuse từ Giáo phận Đà Lạt về Giáo phận Nha Trang. Đức cha Giuse và phái đoàn Đà Lạt đã dừng chân tại nhà thờ giáo xứ Sông Pha thuộc Giáo phận Nha Trang giáp ranh với Giáo phận Đà Lạt. Tại đây, Đức cha Giuse đã hôn phần đất của Giáo phận mới và chúc lành cho dân Chúa. Vào trưa cùng ngày, phái đoàn đã đến Tòa Giám mục Nha Trang. Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang cùng đông đảo linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đã chờ sẵn và nồng nhiệt đón tiếp Đức cha Giuse, Đức cha Phêrô và phái đoàn Đà Lạt.
Ngày 1 tháng 1 năm 2006, tại Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã chủ sự thánh lễ trọng thể trước cộng đoàn đông đảo thuộc mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Nha Trang; cùng đồng tế có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, người con của Giáo phận Nha Trang, hiện là Giám mục Giáo phận Thanh Hóa và một số đông linh mục Giáo phận. Ngay trong Thánh lễ này, Đức cha Phaolô đã cho công bố Tông sắc của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức cha Giuse làm Giám mục Phó Giáo phận Nha Trang và trân trọng giới thiệu ngài với Ban Tư vấn Giáo phận và mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.
Kể từ ngày hôm đó, trong cương vị Giám mục Phó của Giáo phận, Đức cha Giuse đã sát cánh bên Đức cha Phaolô trong mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo phận.
Ngoài ra, tại Đại hội của HĐGMVN lần thứ X vào năm 2007 diễn ra tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Đức cha Giuse đã được bầu vào Ban Thường vụ của HĐGMVN, với chức vụ Phó Tổng thư ký. Đức cha Giuse còn được bầu làm Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam và được bầu làm một trong hai đại biểu chính thức của HĐGMVN tham dự Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 2008.

Từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008, Đức cha Giuse tham dự Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ XII tại Roma về đề tài “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.” Tại Thượng Hội Đồng này, ngoài bài phát biểu chính thức tại hội trường với chủ đề “Lời Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh cho dân Chúa tại Việt Nam trong dòng lịch sử,” Đức cha Giuse còn được chọn là một trong số 12 Nghị phụ để chia sẻ Lời Chúa trong bài giảng tại hội trường trước phiên họp khoáng đại ngày 7 tháng 10 năm 2008 có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đề tài của bài chia sẻ hôm đó là: “Lời Chúa trong đời sống của người tín hữu.”
Vào ngày 4 tháng 12 năm 2009, tại Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn trọng thể dịp mừng Kim Khánh Linh mục của ngài. Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, trước mặt các Đức Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục đoàn đồng tế và đông đảo mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo phận Nha Trang, Đức cha Phaolô công bố: Năm nay ngài đã 78 tuổi, vượt qua tuổi hạn định theo giáo luật 3 năm, ý nguyện từ nhiệm sứ vụ Mục tử Giáo phận Nha Trang của ngài đã được đệ trình Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ hơn 3 năm trước, nay đã được Đức Thánh Cha chấp thuận.
Và như vậy, kể từ lúc này, Đức cha Giuse Võ Đức Minh tiếp nối sứ vụ Mục tử của ngài trong cương vị là Giám mục Chánh tòa thứ tư của Giáo phận Nha Trang, thể hiện tính tông truyền trong Hội Thánh Công Giáo.
Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa Kitô tuôn đổ trên Đức cha Giuse, Đức cha Phaolô và toàn thể Giáo phận Nha Trang thân yêu.
VP. TGM Nha Trang
 Theo http://www.giaoxugiaohovietnam.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...