Nhạc tiền chiến 1930-1945
Phác thảo bìa sách “9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam”.
TÂN NHẠC VIỆT NAM và DÒNG NHẠC TIỀN CHIẾN
1. TÂN
NHẠC VIỆT NAM
Ca khúc tân nhạc VN ra đời vào đầu thập
niên 30 của thế kỷ truớc do sự giao lưu với văn hóa phương Tây và sự hình
thành một lớp người trí thức mới. Nhưng người Việt tiếp xúc với nhạc
Tây khá sớm: Đầu tiên chính là những bài thánh ca của nhà thờ. Tiếp đó
người dân được làm quen với "nhạc nhà binh" qua các đội kèn đồng. Tầng
lớp giầu có ở thành phố được tiếp xúc với nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển phương
Tây và người dân Việt bình thường được nghe các hãng đĩa của người Pháp như Odéon,
Béka thu âm các bài hát ta theo điệu Tây. Rồi sau đó, là rất nhiều
các bài hát của Pháp lời Việt như Marinella, C'est à Capri, Tant qu'il y aura des
étoiles, Un jour loin de toi, Celle que j'aime éperdument, Les gars
de la marine, L'Oncle de Pékin, Guitare d'amour, Créola, Signorina, Sous les
ponts de Paris, Le plus beau tango du monde, Colombella…
Thời ấy, các bài tân nhạc thường
được đệm bằng các nhạc cụ phương Tây: mandoline, guitare , violon, piano… Có
người đặt tên cho loại nhạc mới là "âm nhạc cải cách" (musiquerenovée).
Từ giữa thập niên 1930, nhiều
nhóm thanh niên yêu âm nhạc ở Hà Nội đã tập trung cùng sáng tác: Văn Chung, Lê
Yên, Doãn Mẫn… Tại Huế có Nguyễn Văn Thương… Tại Hải Phòng có Lê Thương… Tại
Sài Gòn có Nguyễn Văn Tuyên… Ca khúc lãng mạn, trữ tình của các nhạc sĩ nầy mở
ra một dòng nhạc gọi là Nhạc tiền chiến còn được các nhạc sĩ tiếp tục sáng tác
đến năm 1975.
Tờ Ngày Nay của Nhất
Linh, số 121 ra ngày 31 tháng 7 năm 1938 đã đăng lần đầu một bài hát tân nhạc, bài Bình minh (lời Thế Lữ) của Nguyễn Xuân Khoát, và sau đó là các
bản Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, Bản đàn xuân của Lê Thương, Khúc yêu
đương của Thẩm Oánh, Đám mây hàng, Cám dỗ của Phạm Đăng Hinh, Đường trường của
Trần Quang Ngọc… ở các số tiếp theo.
Từ đầu năm 1939, nhiều
ca khúc sáng tác từ trước được các nhạc sĩ phát hành, các bản nhạc của được bán
tại các hiệu sách. Tân nhạc Việt Nam chính thức hình thành.
NS Nguyễn Xuân Khoát.
Nhiều băng nhạc tân
thời được thành lập, trong đó những băng đã có những ảnh hướng lớn tới tân nhạc Việt Nam như: Myosotis (Hoa lưu ly) gồm
các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhượng, Trần Dư, Vũ Khánh…; Tricéa
gồm ba nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên và Doãn Mẫn; Đồng Vọng được thành lập bởi nhạc
sĩ Hoàng Quý, gồm nhiều nhạc sĩ tên tuổi Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn
Cao, Canh Thân và Hoàng Phủ (tức Tô Vũ); băng Tổng Hội Sinh Viên được thành lập
bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Cùng với Đồng Vọng, nhóm nhạc Tổng Hội Sinh
Viên mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam với thể loại hành khúc được
tiếp nối sau nầy trong nhiều dòng nhạc. Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến
việc dùng tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống Pháp và Nhật. Lưu Hữu
Phước cùng với nhóm Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá trị khơi dậy lòng yêu
nước. Vào giai đoạn cuối, cùng với nhóm Hoàng Mai Lưu mà Lưu Hữu Phước cũng là
một sáng lập viên, nhóm Tổng Hội Sinh Viên đẩy dòng nhạc cách mạng (nhac đỏ) Việt
Nam lên cao trào với một loạt ca khúc mới ra đời.
Nhưng ca khúc được cho là bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam ra đời rất sớm.
Theo nhiều tư liệu, trong đó có nhận định của GS - TS âm nhạc Trần Quang Hải và
nhà nghiên cứu Dương Viết Á, trên văn bản “khai sinh”, ca khúc tân nhạc được
hình thành từ năm 1930 với bài Cùng nhau đi hồng binh theo điệu March của tác
giả Đinh Nhu, viết lúc mới 20 tuổi, khi bị tù ở Côn Đảo (sau này được đưa vào
ca khúc Hồi tưởng, chương 2 tổ khúc hợp xướng Tổ quốc ta của NS Hoàng
Vân).
Như vậy, tân nhạc Việt Nam là
từ ngữ để chỉ chung 9 thập niên âm nhạc Việt Nam hiện đại theo âm luật
Tây phương phổ biến từ thập niên 30 đến nay với nhiều giai đoạn phát triển:
1930 - 1945, 1946 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - đến nay.
2. NHẠC
TIỀN CHIẾN
Thực ra, thời tiền chiến (trước
1946), tồn tại 3 loại nhạc: nhạc đỏ (nhạc cách mạng), nhạc hùng (hùng ca) và nhạc
tiền chiến (nhạc trữ tình). Nhưng người ta quen dùng cụm từ “nhạc tiền chiến” để
chỉ một dòng tân nhạc Việt Nam chiếm ưu thế trong giai đoạn nầy, mang âm hưởng
trữ tình lãng mạn với nội dung về tình yêu lứa đôi, quê hương và lời ca giàu chất
văn học xuất hiện vào nửa sau thập niên 1930, trước khi nổ ra cuộc kháng chiến
chống Pháp (1946-1954).
Về sau, khái niệm này mở rộng, bao gồm một số sáng tác
trong chiến tranh (1946-1954) và cả sau 1954 đối với một số nhạc phẩm ở miền
Nam có phong cách trữ tình lãng mạn và lời ca giàu chất văn học… như dòng nhạc
tiền chiến 1930-1945.
Đặc biệt, nhiều NS
kháng chiến trong thời 9 năm vẫn tiếp tục viết các ca khúc lãng mạng và được xếp
vào dòng nhạc tiền chiến như: Lời người ra đi, Sơn nữ ca của Trần Hoàn,
Ngày về của Hoàng Giác, Thiên thai, Suối mơ của Văn Cao, Dư âm của Nguyễn Văn
Tý, Tiếng hát quay tơ của Tử Phác, Nụ cười
sơn cước của Tô Hải, Tình quê hương của Việt Lang, Bên cầu biên giới, Thiên
thai, Cây đàn bỏ quên, Tình kỹ nữ, Tiếng thu (thơ Lưu Trọng Lư) của Phạm Duy,
Đoàn Chuẩn với Ánh trăng mùa thu (1947- ca khúc đầu tay), Tình nghệ sĩ (1947), Đường
về Việt Bắc (1948), Lá thư (1949)…
NS Đoàn Chuẩn.
Cũng trong 9 năm, nhiều nhạc sĩ ở vùng đô thị
cũng viết ca khúc theo dòng nhạc tiền chiến như: Văn Giảng dưới bút danh
Thông Đạt viết Ai Về Sông Tương (1949). Võ Đức Thu với Mưa đêm thu, Nhớ người
xa vắng; Nguyễn Hữu Ba với Sám hối, Xuân xuân (1947); Văn Phụng với Trăng sơn
cước (1949- lời Văn Khôi), Lam Phương với Chiều thu ấy (1952- lúc mới 15
tuổi); Lê Trọng Nguyễn với Nắng chiều (1952); Lê Hữu Mục với Hẹn một
ngày về; Phạm Duy viết Đàn tôi, Nụ tầm xuân (phổ ca dao), Tiếng sáo thiên thai (thơ
Thế Lữ), Tình ca, Tình hoài hương (1952), Thuyền viễn xứ, Viễn du, Hẹn hò (1954);
Hoàng Giác với Lỗi cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày
qua, Cô hái hoa, Quê hương; Hùng Lân với Vườn xuân, Hận Trương Chi, Hè về,
Cô gái Việt, Mùa hợp tấu, Ca xuân hẹn ước, Luống cầy mạch sống, Nhớ rừng, Sầu lữ
thứ, Tơ vương, Xóm nghèo; Phạm Đình Chương với Khúc giao duyên, Được mùa; Đoàn
Chuần với Thu quyến rũ (1950), Chuyển bến (1952), Gửi gió cho mây ngàn bay
(1952), Cánh hoa duyên kiếp (hay Dạ lan hương-1953), Lá đổ muôn chiều
(1954); Văn Phụng với Ô! Mê ly (1948), Bóng người đi (lời Hoài Linh), Trăng sơn
cước (1949 - lời Văn Khôi), Thuyền xưa bến cũ; Dương Thiệu Tước với Đêm tàn bến
Ngự (1946), Kiếp hoa, Áng mây chiều, Nhạc ngày xanh, Xuân mới, Thuyền mơ; Hoàng Trọng với Nhạc sầu tương
tư, Gió mùa xuân tới, Dừng bước giang hồ (1953 - lời Quang Khải), Phạm Mạnh
Cương với Nhạc chiều quê, Màu thời gian (1951 - thơ Đoàn Phú Tứ), Thu ca (1953);
Cung Tiến với Hoài cảm (1952- viết lúc mới 14 tuổi), Thu vàng (1953 - 15 tuổi);
Lâm Tuyền với Tơ sầu (ca khúc đầu tay), Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều,
Khúc nhạc ly hương, Tiếng thời gian (lời Dạ Chung, đạo diễn nổi tiếng Hoàng
Vĩnh Lộc, anh ruột của ông).
NS Hoàng Giác.
Ở Huế, Lê Mộng Nguyên viết Mùa lúa mới, Vó
ngựa giang hồ (1948), Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng Thủy Mỵ
Châu, Chiều thu, Mưa Huế (1949), Hoàng Hoa thôn, Bài thơ Huế, Cô gái Huế, Về
chơi thôn Vỹ Dạ, Đôi mắt nhung (1950). Qua Pháp, ông viết Mơ Đà Lạt, Ly hương,
Nhớ Huế (1950), Bên dòng sông Seine, Xuân tha hương, Lá thư cho mẹ, Trời Âu (1951)…
NS Doãn Mẫn
Ở
Miền Nam sau năm 1954, nhiều nhạc sĩ như Hoàng Trọng, Lê Thương, Phạm
Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh… và những nhạc sĩ trẻ hơn như Văn Phụng, Cung
Tiến, Phạm Mạnh Cương, Phạm Đình Chương… vẫn tiếp tục dòng nhạc tiền chiến.
Có thể kể đến những ca khúc của họ vẫn được xếp chung vào dòng nhạc tiền chiến
như: Ngàn thu áo tím, Lạnh lùng, Bạn lòng, Mộng lành, Tiễn
bước sang ngang của Hoàng Trọng; Mộng dưới hoa, Trường ca Hội trùng dương,
Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương; Hương xưa, Hương xuân của Cung
Tiến.
Các bản nhạc tiền chiến thường theo điệu
Valse, Tango, Slow Waltz, Boston, Blues, March, một số là các trường ca, hay
phong cách bán cổ điển. Hầu hết các ca khúc tiền chiến thuộc dòng thính phòng.
Dòng nhạc tình khúc ở miền Nam sau này cũng ảnh hưởng của dòng tiền chiến nhưng
thường theo điệu Slow Rock, Slow Ballad, Slow Fox, trong khi nhạc đỏ nhiều bài
cũng ảnh hưởng của nhạc tiền chiến về giai điệu.
Những nhạc sĩ tiêu biểu của
dòng nhạc tiền chiến: Đặng Thế Phong (mất lúc hơn 20 tuồi), Văn Cao, Lê Thương,
Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Hoàng Quý, Doãn Mẫn, Nguyễn Đình
Phúc, Hoàng Trọng, Bùi Công Kỳ, Hoàng Giác, Lê Yên, Nguyễn Thiện Tơ, Tô Vũ, Văn
Chung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Mỹ Ca…
Các ca khúc tiêu biểu như Đêm
thu (1937), Giọt mưa thu (lúc đầu tên là Vạn Cổ sầu), Con thuyền không bến của
Đăng Thế Phong, Trên sông Hương (1936 - lúc 17 tuổi) Đêm đông (1940), Bướm
hoa (1942), Mưa thu của Nguyễn Văn Thương, Cô hái mơ (thơ Nguyễn Bính 1942 - ca khúc đầu tay) của Phạm Duy, Xuân năm xưa (1936), Tiếng đàn âm thầm
(1937), Trên sông Dương Tử, Thu trên đảo Kinh Châu, Đêm tàn bến Ngự, Hòn vọng
phu (1945) của Lê Thương, Lời du tử (1943), Cô lái đò (thơ Nguyễn Bính) của
Nguyễn Đình Phúc, Ca khúc ban chiều, Trên thuyền hoa, Bóng ai qua thềm của
Văn Chung; Đêm trăng (1938 - ca khúc đầu tay - lúc 16 tuổi). Tiếng đàn
tôi, một trong những bản Tango VN đầu tiên, Một thuở yêu đàn của
Hoàng Trọng; Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu, Gió thu, Một buổi chiều mơ,
Bến yêu đương, Từ đâu tiếng tơ, Hương cố nhân, Nhạc chiều, Gió khơi xa, Biệt ly
(1939) của Doãn Mẫn, Con thuyền xa bến của Lưu Bách Thụ, Buồn tàn
thu (1939 - lúc 16 tuổi), Thiên thai (1941), Bến xuân, Về đồng quê, Trương
Chi của Văn Cao, Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa, Vườn xuân của
Lê Yên, Bình minh (1938- lời Thế Lữ), Mây trên cao, Hồn Xuân (thơ Thế Lữ), Màu
thời gian (thơ Đoàn Phú Tứ) của Nguyễn Xuân Khoát, Tiếng
xưa, Đêm tàn bến ngự của Dương Thiệu Tước, Dạ khúc (lời Hoàng
Mai Lưu) của Nguyễn Mỹ Ca, Ngày xưa của Tô Vũ, Trầu cau của Phan Huỳnh
Điểu, Cô hàng cà phê, Khúc ca mùa hè.
NS Hoàng Quý
Anh còn cây đàn của Canh Thân, Mơ hoa của Hoàng Giác, Nhớ quê
hương của Phạm Ngữ, Giáo đường im bóng của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng còi trong
sương đêm (viết năm 1944, khi đang làm nhạc công một phòng trà ở Vũng Tàu, và
được tác giả trình bày trong buổi lễ mit-tinh giành chính quyền ở Bà Rịa, sáng 25.8.1945 tại Nhà Tròn, chứ không phải viết khi đã tham gia kháng chiến
như thông tin từ nhiều nhà nghiên cứu) của Lê Trực (tức Hoàng Việt sau nầy), Xuân
và tuổi trẻ (lời Thế Lữ), Xuân sắc quê hương của La Hối, Tú Uyên, Chùa Hương, Dưới
bóng thông xanh, Chiều xuân, Chiều quê, Nắng tươi và Cô láng giềng, một
ca khúc trữ tình bất hủ của Hoàng Quý…
3. NHẠC
HÙNG TIỀN CHIẾN 1930-1945
Nhóm Hoàng Mai Lưu (trái sang):
Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ
Thực
ra, giới nghiên cứu có nói đến thể loại hành khúc xuất hiện trong giai đoạn này,
mà ít đề cập đến dòng nhạc hùng 1930-1945. Nhưng thực tế đã tồn tại một dòng nhạc
hùng tiền chiến với nội dung kêu gọi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu lịch sử vẻ vang dân tộc. Giai điệu là hành khúc
với nhịp đi hùng tráng, phù hợp với nhịp đi tập thể, bài hát cộng đồng.
Trong giai đoạn này, dòng
nhạc hùng gần gũi với dòng nhạc đỏ (nhạc cách mạng) và giao hòa với nhau vào cuối
giai đoạn.
Dòng nhạc hùng được đẩy
lên cao trào bởi các nhóm nhạc gồm các nhạc sĩ tài hoa có xu hướng dân tộc: Đồng
Vọng, Tổng Hội Sinh Viên, nhất là khi nhóm Hoàng Mai Lưu được thành lập (1941).
Nhóm Đồng Vọng được Hoàng
Quý thành lập vào năm 1939, với các nhạc sĩ tên tuổi:, Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu
Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân, Tô Vũ, trong 3 năm: 1943-1945 đã
sáng tác và phát hành hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 đến 12 bài với khoảng
70 nhạc phẩm, trong đó có nhiều tình ca, nhưng chủ yếu là nhạc hùng có nội dung
ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc. Trong đó, riêng
Hoàng Quý viết một loạt ca khúc: Trên sông Bạch Đằng, Nước non Lam
Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Gọi bạn lên đường, Lời vọng
ngàn xưa, Xuân về, Đêm trong rừng…
So với Đồng Vọng
thì nhóm Tổng Hội Sinh viên và nhóm Hoàng Mai Lưu mang tính chính trị nhiều
hơn. Nhóm Tổng Hội Sinh Viên được thành lập bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, khởi đầu
là nhóm sinh viên có khả năng văn nghệ ở Hà Nội trong đó nhiều sinh
viên miền Nam, nên sau đó ca khúc của nhóm lan tỏa ra khắp nơi. Trong
một bài viết, nhạc sĩ Lê Thương cho rằng: "… Từ 1943 đến
1945 thì Tổng Hội Sinh Viên đã chế ngự phong trào Tân nhạc và gây những ảnh
hưởng sâu đậm chưa từng có”. Nhóm Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến việc
dùng Tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống Pháp và Nhật.
Lưu Hữu Phước cùng với các sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc
giá trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là trong giới học
sinh, sinh viên. Những ca khúc đó thường lấy đề tài lịch sử ca ngợi những chiến
công, những anh hùng dân tộc, đặc biệt phải kể đến những bản nhạc của Lưu Hữu
Phước. Nhiều ca khúc như Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Hờn sông
Gianh… của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Góp công lớn trong nhạc hùng tiền chiến
là nhóm văn nghệ yêu nước Hoàng Mai Lưu gồm 15 người đủ các bộ môn nghệ thuật:
thi ca, nhạc, kịch họa mà mũi nhọn và có tiếng vang nhất là âm nhạc, nên ngày
nay nhắc đến Hoàng Mai Lưu công chúng thường nghĩ đến ca khúc của nhóm nầy. Hoàng
Mai Lưu là họ của ba sáng lập viên: Huỳnh (Hoàng) Văn Tiểng, Mai Văn Bộ
và Lưu Hữu Phước, gợi lên hình tượng bông mai vàng bay tỏa hương thơm, ra đời
vào mùa hè 1941 tại Sài Gòn. Trong giai đoạn này, nhiều ca khúc yêu nước và
cách mạng của nhóm được sáng tác, phát hành và lưu diễn khắp nơi. Có thể kể
thêm các ca khúc của họ, ngoài những nhạc phẩm nêu trên: Bạch Đằng giang(1941), Ải Chi Lăng (1942), Bài hát của thiếu nữ Việt Nam 1942), Việt nữ gọi
đàn (Bài hát của phụ nữ Việt Nam- 1942) của Lưu Hữu Phước với lời của Mai Văn Bộ.
NS Nguyễn Mỹ Ca
Bài hát suối Lồ Ồ (1943), Bài hát của đoàn hùng (1943-1945), Xếp
bút nghiên (1944) của Lưu Hữu Phước với ca từ của Huỳnh Văn Tiếng; và những ca
khúc khác với nhạc của Lưu Hữu Phước và lời của cả nhóm: Hội nghị Diên Hồng (1942),
Âu ca Việt Nam (1944), Hờn sông Gianh (1944)… (Năm sáng tác và tên của đồng
tác giả với Lưu Hữu Phước trong các ca khúc trên dẫn từ cuốn “Hoàng Mai Lưu
và Các ca khúc trong phong trào âm nhạc cách mạng” của Huỳnh Văn Tiếng và Bùi Đức Thịnh - NXB Trẻ, 2002). Như vậy, Lưu Hữu Phước là thành viên chủ chốt của
cả ba nhóm nhạc yêu nước kể trên và là sáng lập viên của hai nhóm nhạc: Tổng
Hội Sinh viên, Hoàng Mai Lưu, là người có đóng góp lớn lao trong việc hình
thành phát triển dòng nhạc hùng Việt Nam.
Gắn bó cùng hai
nhóm Tổng hội và Hoàng Mai Lưu, ở Nam bộ có Nguyễn Mỹ Ca, cháu nội của Nguyễn
Tri Phương, người được xếp hạng thứ 953 trong Danh sách Nhạc sĩ nổi tiếng trên
thế giới, ngoài tình ca nổi tiếng Dạ khúc, đã sáng tác nhiều hùng ca yêu
nước như: Đến trường, Vui đi học, Chiêu hồn nước…, trong đó thành công và có tiếng
vang nhất là Chiêu hồn nước.
Nhạc sĩ Phạm Duy
góp vào dòng nhạc hùng bài Gươm tráng sĩ (1944), La Hối với Gió thiêng liêng, Võ
Đức Thu với Quyết tiến, Một ngày đã qua…
Đỗ Nhuận cũng đóng góp
cho dòng nhạc nầy với Trưng Vương (1939 - ca khúc đầu tay lúc tuổi 17) và liên
ca khúc: Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc của vở ca cảnh Nguyễn Trãi -
Nguyễn Phi Khanh được ông viết trong 2 năm 1940, 1941.
4. NHẠC
ĐỎ TIỀN CHIẾN 1930-1945.
NS Phan Huỳnh Điểu
"Ca khúc cách mạng hình thành và
phát triển từ khi có phong trào yêu nước do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Theo nhiều
tư liệu, trong đó có nhận định của GS-TS âm nhạc Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu
Dương Viết Á, nhà sử học Trần Huy Liệu và nhà văn Nguyên Hồng, trên văn bản
“khai sinh”, ca khúc cách mạng được hình thành từ năm 1930, với bài Cùng
nhau đi hồng binh viết theo điệu March của tác giả Đinh Nhu, khi
bị tù ở Côn Đảo (với số tù 3641) cùng với những chiến sĩ cách mạng
khác sau trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam: Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Hoàng
Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh… Sau này, bài hát được đưa vào ca
khúc Hồi tưởng, chương
hai tổ khúc hợp xướng Tổ quốc ta của NS Hoàng Vân. Do biểu tượng của cách mạng trong quang phổ
chính trị là màu đỏ, nên người ta thường gọi nhạc cách mạng là nhạc đỏ".
NS Tô Hải (phải)
Các ca
khúc “nhạc đỏ” thường động viên tinh thần chiến đấu của quân dân, phục vụ kháng
chiến, khích lệ tình yêu lý tưởng dân tộc chủ nghỉa và lý tưởng xã hội chủ
nghĩa, đồng thời có những ca khúc trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu
quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động cống hiến, tinh thần lạc quan, yêu đời
và có tính cộng đồng. Các ca khúc nhạc đỏ thường mang tính lý tưởng hóa và lãng
mạn hóa cao, nhưng khác với dòng nhạc tiền chiến có tính lãng mạn tách rời đời
sống, thường không có không gian hoặc thời gian cụ thể, nhạc đỏ đặt tính lãng mạn,
lý tưởng hóa gắn với cuộc sống xã hội, có không gian và thời gian cụ thể, và thực
tế hóa.
Từng bước đi của ca
khúc cách mạng là sự phản ánh trung thực những thành tựu của lịch sử cách mạng
Việt Nam. Nhạc đỏ (nhạc kháng chiến, nhạc cách mạng Việt Nam) đã tồn
tại và phát triển qua 5 giai đoạn - thời đoạn của Tân nhạc Việt Nam: Tiền
chiến (1930-1945); Kháng chiến chống Pháp (1946- 1954); Kháng chiến chống Mỹ
(1854-1975); Hậu chiến (1975-1985); Đương thời (1986 đến nay).
NHẠC
ĐỎ TIỀN CHIẾN
Hình tượng
người chiến sĩ cách mạng Việt Nam được phản ánh rõ nét nhất trong các ca khúc
cách mạng giai đoạn này. Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập của Tổ quốc,
cho hạnh phúc của nhân dân.
Qua những hình tượng ấy,
có thể thấy cách thức lựa chọn thể hành khúc của những nhạc sĩ - chiến sĩ là
hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Bởi vì, hành khúc là phương tiện nghệ thuật
hữu hiệu nhất để tuyên truyền cổ động cho cách mạng. Do đó, thể hành khúc chiếm
vị trí chủ đạo trong dòng ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn này.
NS Đỗ Nhuận
Sáng
tác âm nhạc dạng hành khúc có xuất xứ từ châu Âu, nhưng khi vào Việt Nam, hành
khúc đã nhanh chóng hòa nhập và trở nên quen thuộc trong hoạt động văn hóa nghệ
thuật của người dân Việt Nam. Có được điều đó là do những người cộng sản làm
văn nghệ đã ý thức được bản sắc văn hóa và sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, vậy
nên trong tác phẩm, họ biết kết hợp những âm điệu gần gũi, quen thuộc trong âm
nhạc cổ truyền với những âm điệu mới hùng tráng.
Ca khúc cách mạng đã thể hiện đúng bản
chất văn hóa hai chiều của con người Việt Nam: một chiều tiếp thụ từ văn hóa
truyền thống, một chiều tiếp nhận từ văn hóa âm nhạc nước ngoài.
NS Nguyễn Văn Tý
Trong giai đoạn
1930-1945, những biến cố của lịch sử - xã hội đất nước luôn là động lực thúc đẩy
các nhạc sĩ viết nên những ca khúc cách mạng. Khi Mặt trận Việt Minh chính thức
thành lập (19.5. 1941), nhiều nhạc sĩ, nhóm nhạc đã gia nhập Mặt trận, hoặc chịu
ảnh hưởng của Mặt trận đã sáng tác nhiều ca khúc cách mạng và yêu nước như:
như: Không khuất phục, Cờ Việt Minh, Hò la, Côn Lôn (Vương Gia Khương); Tam
bình (Trần Văn Út), Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái); Thăng Long hành
khúc ca, Tiến quân ca (1944- Văn Cao); Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước,
lời: Hoàng Mai Lưu); Lên đàng (Lưu Hữu Phước - Huỳnh Văn Tiểng); Hát giang trường
hận (sau đổi tên là Hồn tử sĩ) của Lưu Hữu Phước; Diệt phát xít (Nguyễn
Đình Thi); Mười chín tháng tám (Xuân Oanh); Sa trường hành khúc, Cảm tử
quân (1944 - Hoàng Quý); Việt Nam phục quốc (Thẩm Oánh)… Trong đó, có những ca
khúc trở thành quốc ca, hội ca, đoàn thể ca, nghi lễ ca. Như Tiến quân ca
trở thành quốc ca của nước Việt Nam; Tiếng gọi thanh niên trở thành
Thanh niên hành khúc, bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau
này trở thành Tiếng gọi công dân, quốc ca của Việt Nam Cộng hòa.
NS Xuân Oanh
Với lời được sửa lại; Lên đàng trở
thành bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Hồn tử sĩ được
dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước của Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cũng được Quân lực
Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội.
Trừ Cùng nhau đi hồng binh (1930 -
Đinh Nhu), các ca khúc đỏ trên đều được sáng tác sau ngày 19 tháng 5 năm
1941, ngày Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập đến khi Cách mạng tháng Tám
thành công. Điểm chót của cao trào ở Bắc bộ là ca khúc Mười chín tháng tám
(19.8.1945) của Xuân Oanh và ở Nam bộ là Tám mươi năm (Bài hát của nông dân - lời:
Huỳnh Văn Tiếng) của Lưu Hữu Phước do một nhóm 3 người vừa đi vừa hát đã lôi cuốn
hàng ngàn người đi giành chính quyền trong ngày 25.8.45, ngày Tổng khởi nghĩa ở
Sài Gòn.
Từ năm 1943, trong gian
trong bị tù ở nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò và sau bị đày
lên Sơn La, Đỗ Nhuận đã viết nhiều bài hát cách mạng như: Chiều tù, Côn Đảo,
Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ tử sĩ, Du kích ca… và sau khi được trả
tự do, ông tiếp tục tiếp tục hoạt động cách mạng và sáng tác nhiều bài hát và
được phổ biến khá rộng biến khá rộng rãi thời bấy giờ: Quảng Châu công xã, Nhớ
chiến khu (1945)…
Những ca khúc đỏ này không những
phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ, mà còn khẳng định dấu son trên đường
phát triển của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.
NS La Hối
Trong quá trình hình
thành, phát triển của 9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam, tùy theo giai đoạn,
các dòng nhạc, các xu hướng trào lưu âm nhạc có khi cùng song song tồn tại, có
khi đối lập nhau, có khi vừa phân cực vừa giao thoa với nhau, bổ sung hỗ trợ lẫn
nhau, có khi hòa nhập vào nhau, hợp lưu lại với nhau… Trước hết là sự
phân cực và giao thoa giữa ba dòng nhạc Việt trong giai đoạn tiền chiến 1930-1945:
Do sự khác biệt về nhân vật
trữ tình, đối tượng trữ tình, nội dung phản ánh và cả giai điệu của ca
khúc mà phân định thành ba dòng nhạc: nhạc hùng, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến.
Nhưng ba dòng nhạc khác nhau nầy trong quá trình hình thành, đồng hành tồn tại
và phát triển thường giao thoa với nhau. Rõ rệt nhất là sự gần gũi nhau giữa
dòng nhạc đỏ (cách mạng) và dòng nhạc hùng (yêu nước). Hai dòng nhạc này về
giai điệu chủ yếu là hành khúc, về nội dung ca khúc, chúng gặp nhau ở hai điểm là
dân tộc và đấu tranh, nhất là vào cuối giai đoạn, khi Mặt trận Viêt Minh ra đời
(1941), nhiều nhạc sĩ nhạc hùng tham gia vào phong trào Việt Minh và trở thành
chiến sĩ Cách mạng hoặc chịu ảnh hưởng của Mặt trận. Khi đó, dòng nhạc hùng gần
như hòa nhập vào dòng nhạc đỏ (Nên phải xác định chính xác thời điểm bản nhạc
được viết, mới xếp loại đúng dòng nhạc của nó, mà có rất nhiều ca khúc, các nhà
nghiên cứu âm nhạc không thống nhất về năm sáng tác!).
Vì lúc này hai dòng nhạc hòa vào nhau nên có nhiều ca khúc xếp vào dòng nhạc nào trong hai dòng nhạc đó, nhạc hùng và nhạc đỏ, cũng được, như các bản nhạc của Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu: Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh… Còn nhạc hùng và nhạc tiền chiến dù khác nhau về giai điệu (một bên là trữ tình, nhẹ nhàng và một bên là hành khúc) và nhân vật trữ tình (một bên là cái ta - công dân và một bên là cái tôi - cá nhân), nhưng trong đối tượng trữ tình có một nội dung giống nhau là đề tài quê hương. Trước 1946, có những nhạc sĩ sáng tác cả ba dòng nhạc: Tô Vũ (Hoàng Phủ), Văn Cao, Hoàng Quý… Còn viết cả hai dòng nhạc thì nhiều. Nhạc tiền chiến và nhạc hùng có: Thẩm Oánh, Phạm Duy, Canh Thân, Phạm Ngữ, Nguyễn Mỹ Ca, La Hối…; nhạc hùng và nhạc đỏ là có: Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu… Đặc biệt là Đỗ Nhuận có “bước chuyển” sáng tác hai dòng nhạc nầy trong hai thời đoạn khác nhau của cuộc đời mình (trước và trong - sau khi bị tù, 1943).
Vì lúc này hai dòng nhạc hòa vào nhau nên có nhiều ca khúc xếp vào dòng nhạc nào trong hai dòng nhạc đó, nhạc hùng và nhạc đỏ, cũng được, như các bản nhạc của Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu: Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh… Còn nhạc hùng và nhạc tiền chiến dù khác nhau về giai điệu (một bên là trữ tình, nhẹ nhàng và một bên là hành khúc) và nhân vật trữ tình (một bên là cái ta - công dân và một bên là cái tôi - cá nhân), nhưng trong đối tượng trữ tình có một nội dung giống nhau là đề tài quê hương. Trước 1946, có những nhạc sĩ sáng tác cả ba dòng nhạc: Tô Vũ (Hoàng Phủ), Văn Cao, Hoàng Quý… Còn viết cả hai dòng nhạc thì nhiều. Nhạc tiền chiến và nhạc hùng có: Thẩm Oánh, Phạm Duy, Canh Thân, Phạm Ngữ, Nguyễn Mỹ Ca, La Hối…; nhạc hùng và nhạc đỏ là có: Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu… Đặc biệt là Đỗ Nhuận có “bước chuyển” sáng tác hai dòng nhạc nầy trong hai thời đoạn khác nhau của cuộc đời mình (trước và trong - sau khi bị tù, 1943).
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA
KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên cứu, nhận định - Lê Thiên Minh
Khoa - trang 16-21 và 175-176).
Lê Thiên Minh Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét