Cảm âm ca khúc "Biết đâu nguồn cội"
của Trịnh Công Sơn: Nhân
gian trăm năm đời
ngắn ngủi, yêu ghét buồn vui mấy kiếp người?
Trịnh Công Sơn mượn hình ảnh trăng và sông để nói lên một triết
lý cuộc đời, cũng mang một ý nghĩa tâm linh và tín ngưỡng. Bản thân tên bài hát
“Biết đâu nguồn cội” cũng trùng với tên một bài giảng trong Kinh thánh. Đều là
để nói rằng, con người cần được biết nguồn gốc thật sự của mình. Khi còn hoang
mang về nguồn cội, con người sẽ còn hoang mang về mục đích thực sự của cuộc sống.
Nếu như thế gian này chỉ là cõi tạm, thì hành trình của ta đi
vào cõi đời này cũng tựa như một vị khách lên một chuyến đò dọc theo dòng sông
cuộc đời, cái nhìn đầu tiên với mọi thứ trong cuộc đời cũng giống như nhìn tĩnh
vật. Nhưng mà trong sự luân hồi vô cùng của sinh mệnh, cuộc đời này có khác chi
là một quán trọ, ở đó được mấy ngày rồi vội vã ra đi?
Cuộc đời này có khác chi là một quán trọ…
(Ảnh:
Actualized.org)
Những thứ những việc mà ta gặp trong đời cũng như trăng, như
một tên lãng du, đến rồi lại đi; trăng nay tròn rồi mai lại khuyết, bây giờ còn
trẻ đó, nhưng ngày sau sẽ già, như thế đã thành chu kỳ, đã thành quy luật bất
di bất dịch. Nhưng trong bề bộn của cuộc sống thực tại, ta thường quên mất điều
này. Ta thậm chí còn muốn những hạnh phúc ngắn ngủi vô thường trong đời sống
không bao giờ rời xa ta.
Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ, và trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò (ối a), con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già.
Con sông là quán trọ, và trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò (ối a), con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già.
Để đến khi một ngày nào đó, vẫn trên con đường ấy, ta phát hiện
mọi thứ trong cuộc đời này đã trở nên già cỗi. Trong sự giành giật những miếng
cơm manh áo, những đời sống trong đó đã tạo nên bao nhiêu tội nghiệp, đã thiếu
nợ cuộc đời những gì mà không thể trả hết.
Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ,
con sông là
quán trọ, và trăng tên lãng du…
(Ảnh: 500px.com)
Lặng yên mà suy ngẫm, mà quan sát, mà chiêm nghiệm, ta sẽ
phát hiện ra có một sự oán trách khôn nguôi của cuộc đời đối với ta, dường như
những muốn ta dù có đi xa nhưng nhớ quay trở lại chốn này; quay lại mà trả cho
hết những nợ nào ta còn thiếu. Vòng quay của cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử;
ta không ai có thể trốn tránh cái chết nhưng kiếp luân hồi sẽ mang ta trở lại
chốn này, để ta trả nợ người và người trả nợ ta..
Em đi qua chuyến đò (ối a), trăng nay đã già
Trăng muôn đời thiếu nợ, mà sông không nhớ ra
Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể
Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về.
Trăng muôn đời thiếu nợ, mà sông không nhớ ra
Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể
Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về.
Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể,
trăng ơi trăng
rất tệ, mày đi nhớ chóng về.
(Ảnh: bihu.com)
Nhịp điệu vui tươi của bài hát như muốn cho ta một lời khuyên
rằng cuộc đời đã diễn ra theo một quy luật rồi thì ta còn có gì phải lo buồn cơ
chứ. Ta có lo hay không lo thì sự việc cũng sẽ vẫn xảy ra như vậy thôi. Thế
nên ta hãy cứ đến với cuộc đời này như đến với một buổi hội vui vẻ, thản nhiên
mà đãi đằng người khác, vô tư mà tiếp đón người.
Biết đâu làm như thế cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, và ta
cũng sẽ trả nợ cuộc đời nhanh chóng hơn. Ta thậm chí hạ mình trước thiên hạ một
chút, để tùy kỳ tự nhiên mà theo gót chân người. Người vội vàng sống gấp, ta
hãy làm hòn cuội lăn mà níu kéo người lại một khoảng thời gian, đừng để người
đi mất quá nhanh.
Em đi qua chốn này (ối a) vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi, buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này (ối a) sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài.
Tôi xin làm quán đợi, buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này (ối a) sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài.
Con người sống nơi trần gian này, chính là trong cõi mê,
không biết được nguồn gốc thực sự của bản thân mình. Trong mê ấy, con người cứ
mải miết vui chơi tùy ý, để cho nước chảy bèo trôi.
Ta chỉ còn biết vui buồn với sự biến thiên của vạn vật; cây
thu bóng thì ta cũng thu mình tránh nắng, giọt mưa tan thì hồn ta cũng tan theo
không vương vấn, để mặc cho cảm xúc của ta trôi chảy, vậy cũng là một cách sống,
một cách chia sẻ với cuộc đời.
Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng dài, và tôi thu bóng tôi
Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.
Cây trưa thu bóng dài, và tôi thu bóng tôi
Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.
… trong cõi mê, không biết được nguồn gốc
thực sự của bản thân
mình (Ảnh: flickr)
Triết lý chủ đạo mà Trịnh Công Sơn gửi gắm trong ca khúc này
có lẽ là: Dù tôi là ai thì tôi cũng vẫn sẽ vui sống, dù người đời đối xử với
tôi như thế nào thì tôi vẫn không hận thù mà vẫn thiện đãi, dù tôi không biết cội
nguồn sinh mệnh của mình nhưng tôi biết chắc rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ
trở về hòa cùng với bao la trời đất. Thế nên hai câu hát cuối mới được nhạc sĩ
nhấn mạnh, cho lặp lại thành điệp khúc kết thúc:
Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.
Tác giả Võ Anh Minh cũng đã có nhận xét về đoạn cuối của bài
hát thế này:
“Người nghe dễ dàng hình dung cái Tôi dần dần thu bé lại rồi
tan vào hư không. Đó không phải là một phép màu, mà đó là một sự đốn ngộ. Mọi
thứ thành hình rồi sẽ tan biến. Thân này thành người với mọi hỉ nộ ái ố, tham
sân si rồi cũng đến lúc trở về cát bụi… Trong cõi nhân sinh này, mỗi người đều
có một lý do riêng để xuất hiện, và có muôn vàn lý do để tồn tại, để sống.
Trong đó, có người sinh ra, sống và cứ thế đi tìm rồi bắt gặp chính mình trong
cõi hư không. Cái Tôi của Trịnh Công Sơn trong bài hát “Biết đâu nguồn cội” là
một cái Tôi mải miết kiếm tìm như thế!”
Sinh thời, Trịnh Công Sơn cũng từng nói:
“Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người
vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc
sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người
mình yêu…”
Khi không biết được nguồn cội thực sự của sinh mệnh chính
mình, thì mục đích sống của chúng ta tại thế gian này cũng sẽ mơ hồ lắm; đời ta
đến thế gian này cũng chỉ như một cuộc dạo chơi nơi trần thế, nếu không tỉnh
táo thì còn ganh đua theo những trào lưu và được mất hiện hữu trong dòng chảy
xã hội mà tạo bao tội nghiệp, từ đó quay ngược lại làm hại chính bản thân mình.
Hơn nữa, ai cũng đều biết rõ một điều rằng: khi đến cuộc đời
này là với hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng chỉ là trắng tay. Đã là như thế,
thì việc sống theo cách nào phải chăng cũng chỉ là lựa chọn nhất thời của từng
cá nhân mà thôi, và tương lai của một cá nhân cũng hoàn toàn phụ thuộc vào điều
mà họ chọn trong hiện tại? Biết được nguồn cội và quay về với nguồn cội mới là
con đường hạnh phúc nhất của một kiếp nhân sinh.
Như thường lệ, giọng hát Khánh Ly vẫn là một khuôn mẫu cho
các ca khúc của Trịnh Công Sơn và với ca khúc này cũng không phải là ngoại lệ.
Tiếng hát Khánh Ly (thu âm trước năm 75)
Khánh ly - Biết đâu nguồn cội
Ca sĩ Ngọc Lan thì mang đến cho bài hát này một vẻ trong sáng
và thơ mộng đặc trưng giọng hát của cô.
Tiếng hát Ngọc Lan
Tài tử Ngọc Lân cho ta một chút vị hương đậm đà khác biệt cho
bài hát, với Việt ngữ trau chuốt, chân thực.
Tài tử Phạm Ngọc Lân
Cuối cùng, lời nhận xét đáng giá nhất đối với mỗi quý vị
thính giả phải chăng chính là cảm nhận riêng của quý vị khi nghe ca khúc này.
Hãy cùng lắng nghe và chiêm nghiệm. Biết đâu tiếng lòng chưa từng được khám phá
của quý vị sẽ được dội lại vang vọng từ tác phẩm độc đáo này của người nhạc sĩ
tài hoa họ Trịnh.
Hoài Ân
Theo https://www.dkn.tv/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét