10 phụ nữ quyền lực nhất
Võ Tắc Thiên là hoàng đế nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc,
còn Thái hậu Lý Trang dạy bảo hai hoàng đế nhà Thanh và biến họ thành minh
quân.
Hoàng hậu Võ Tắc Thiên trong một phim
của Trung Quốc. Ảnh: qulishi.com |
Võ Tắc Thiên (624-705), hoàng hậu của Hoàng đế Đường Cao
Tông, là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Bà cũng
là người lên ngôi ở độ tuổi lớn nhất (67 tuổi) và là một trong những hoàng đế
thọ nhất (82 tuổi). Giới học giả đánh giá Võ Tắc Thiên là nữ chính trị gia, chiến
lược gia kiệt xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hóa thời Đường
phát triển thịnh vượng.
Vào cung từ năm 14 tuổi, Võ Tắc Thiên xuất thân từ một tài
nhân, sau xưng đế "Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế". Bà ghi dấu ấn trong
lịch sử bằng việc ổn định biên cương, đóng góp cho nền kinh tế cũng như
triều chính thời bấy giờ.
Nữ hoàng đế thúc đẩy nông nghiệp phát triển, dạy nông dân trồng
trọt, quản lý đất đai, khiến nông dân trồng cấy thuận lợi, thương nhân
và nghề thủ công phát đạt, xã hội ổn định, an ninh vững vàng. Mức tăng
trưởng kinh tế trung bình của Trung Hoa dưới thời Võ Tắc Thiên là 0,7%, một con
số cao của thời cổ đại.
Người ta cũng đánh giá cao Võ Tắc Thiên vì cách dùng người
và góp công cho nền văn hóa đời Đường phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bà
cũng để lại nhiều tiếng xấu trong dân gian với việc lộng hành và giết hại những
người vô tội.
Nhân vật Lý Trang trong một bộ phim
của Trung Quốc. Ảnh: qulishi.com
Hoàng hậu Lý Trang (1613-1688), trải qua ba đời hoàng đế,
giúp lập nên hai đời, được ca ngợi bởi tài năng và sự đức độ, nhân từ, không
buông rèm nhiếp chính và âm thầm, cần mẫn trợ giúp các hoàng đế Thuận Trị,
Khang Hy trị vì đất nước.
Hoàng đế Sùng Đức - Hoàng Thái Cực -
mắc bệnh qua đời khi chưa chọn được thái tử, đẩy triều đình vào cảnh tranh quyền
đoạt ngôi. Theo sự điều đình sắp đặt hợp lý của Lý Trang, con đẻ của bà lên
ngôi và trở thành hoàng đế Thuận Trị khi mới 6 tuổi. Tuy Thuận Trị không thật sự
chăm chỉ nhưng dưới sự đốc thúc của thái hậu Lý Trang, hoàng đế cũng học hành
thành tài và có những đóng góp lớn cho việc triều chính.
Tuy nhiên, Thuận Trị mất sớm. Trong số các hoàng tôn, thái hậu
Lý Trang lựa chọn người kế vị là Huyền Diệp, tức hoàng đế Khang Hy. Một lần nữa,
bà lại đảm nhiệm nhiệm vụ nặng nề là dạy bảo, giáo dưỡng một hoàng đế trẻ.
Sau này, Khang Hy trở thành một trong những hoàng đế tài năng
và kiệt xuất nhất của nhà Thanh cũng như lịch sử phong kiến Trung Quốc. Dưới
triều Khang Hy, xã hội Trung Quốc cũng phồn vinh, ổn định, thịnh vượng và là thời
đại hoàng kim.
Ảnh: qulishi.com
Tiêu Xước (953-1009), nữ thống soái quân sự và chính trị gia
nhà Liêu, triều đại phong kiến do người Khiết Đan lập nên trong lịch sử
Trung Quốc, đối đầu với triều Tống ở phía nam trong thời gian dài. Vì hoàng đế
Liêu Cảnh Tôn đau yếu thường xuyên, Tiêu hoàng hậu thường phải phụ giúp việc
triều chính. Khi chồng qua đời, Tiêu Xước mới 30 tuổi. Bà ổn định tình hình triều
chính để giúp hoàng đế mới 12 tuổi. Năm 1004, bà ký hiệp ước hòa bình Tống
- Khiết Đan. Tới năm 1009, bà trả lại quyền triều chính cho con trai.
Dưới sự điều hành của Tiêu Xước, triều đình nhà Liêu tiến vào
giai đoạn huy hoàng, thịnh vượng nhất trong lịch sử 200 năm của vương triều. Bà
chuyển nhà nước Liêu từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến và hóa giải xung đột
liên miên với nhà Tống.
Người ta đánh giá cao thái hậu Tiêu vì thưởng phạt phân minh,
lắng nghe ý kiến đúng đắn. Bà có quan điểm "dùng người thì không nghi ngờ,
nếu nghi ngờ thì không sử dụng". Nhờ đó mà bà xây dựng đội ngũ quần thần
và quân đội hùng hậu. Thời của Tiêu thái hậu góp phần chuẩn bị bước đệm cho sự
phát triển thịnh vượng về kinh tế, thương nghiệp và chính trị cho thời Minh,
Thanh.
Ảnh: qulishi.com
Lữ Trĩ (241-180 trước Công nguyên), là người phụ nữ nắm thực
quyền triều chính đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, cai trị nhà Hán
trong 16 năm và là người phụ nữ duy nhất được ghi vào cuốn Sử ký của Tư Mã
Thiên. Lữ hậu giúp Lưu Bang, Hán Cao Tổ, dẹp yên nhiều nước chư hầu. Sau khi
Lưu Bang qua đời, Lữ hậu nắm quyền triều chính và thể hiện xuất sắc vai trò và
khí chất của người an bang trị quốc. Bà kế thừa tư tưởng của Lưu Bang chăm
lo cho dân để khôi phục kinh tế, trị mà không trị, từ đó khuyến khích sản xuất,
sửa đổi luật lệ của nhà Hán, cổ vũ hoạt động kinh tế và thương nghiệp.
Ảnh: qulishi.com
Đậu Y Phòng (205-129 trước Công nguyên), xuất thân từ thường
dân rồi trở thành cung nữ, sau trở thành người phụ nữ xuất sắc, phò trợ ba đời
hoàng đế trị vì giang sơn Đại Hán. Dưới sự điều hành của bà, nhà Tây Hán tiếp tục
kế thừa tư tưởng của thời Lưu Bang, trở thành triều đại đỉnh cao của thịnh vượng.
Không can dự triều chính nhưng nhiều hoàng hậu dưới thời
phong kiến Trung Quốc vẫn tạo ra quyền lực lớn bởi hình ảnh mẫu mực của họ khi
phò trợ hoàng đế trị quốc.
Ảnh: Qulishi
Lưu Thị (968-1033), trong dân gian thường gọi là Thái hậu
Lưu Nga. Bà là hoàng
thái hậu nhiếp chính đầu tiên của thời Tống, thực hiện quá trình chuyển giao
quyền lực từ thời Chân Tông sang thời Nhân Tông một cách êm thấm, tạo cơ sở cho
sự phát triển phồn vinh của nhà Tống ở thời vua Nhân Tông. Bà thường được so
sánh với Lữ hậu thời Hán và Võ Tắc Thiên thời Đường với lời ca ngợi: "Có
tài năng của Lã hậu, mà không có sự độc ác của Võ hậu".
Khi là hoàng hậu, Lưu Thị không giống với những phi tần khác
chỉ biết tranh nhau sự sủng ái của vua. Bà thông tường sách sử cổ kim, am hiểu
chính sự, giúp đỡ được vua Chân Tông. Hoàng đế vốn yêu mến sự thông minh và sắc
đẹp của Lưu Thị càng không thể rời xa bà. Mỗi ngày phê đọc tấu chương và
đi vi hành, Lưu Thị đều phải ở bên vua. Khi Chân Tông lâm trọng bệnh, các việc
chính sự tâu lên thực chất đều do một tay Lưu Thị thu xếp. Sau này, bệnh của
vua ngày càng nặng, liền hạ chiếu chính thức giao việc triều chính cho hoàng hậu.
Chính chiếu thư này đã xác nhận quyền lực chính trị của Lưu Thị.
Năm 1022, vua Chân Tông qua đời, Thái tử Triệu Trinh mới 11
tuổi, mọi việc chính sự đều do Lưu Thị thâu tóm. Lưu thái hậu ra lệnh nghiêm
minh, thưởng phạt đúng mức, trong những lúc khó khăn, bà càng coi trọng ý kiến
của sĩ phu, trọng dụng người tài, do vậy không để xảy ra việc xấu hại nước nào.
Quần thần trọng phục, Hoàng đế Nhân Tông cũng rất hiếu thuận với bà dù không phải
con đẻ.
Ảnh: Qulishi
Âm Lệ Hoa (5-64), là hoàng hậu thứ hai của Hán Quang Vũ Đế
Lưu Tú. Bà nổi tiếng trong lịch sử bởi vẻ xinh đẹp và tính cách nhu mì nhân hậu.
Khi lập triều Đông Hán, Lưu Tú vốn muốn lập Âm Lệ Hoa làm hoàng hậu, nhưng bà từ
chối, cho rằng Quách quý nhân lên làm hoàng hậu sẽ giúp củng cố sức mạnh cho
vua, hơn nữa Quách quý nhân đã sinh được hoàng tử. Với tấm lòng trọng xã tắc,
không màng tư lợi, Âm Lệ Hoa chấp nhận làm vai trò "thiếp" liền 16
năm.
Năm Kiện Vũ thứ 17, vua phế Quách hoàng hậu và đưa Âm Lệ Hoa
lên. Bà tại vị trong vòng 24 năm. Sau khi bà mất, người ta chôn bà trong lăng mộ
Hoàng đế Lưu Tú. Sử sách vẫn còn ca ngợi bà "hữu ái thiên chí", nghĩa
là nhân ái lương thiện vô cùng, không muốn làm đau kẻ khác. Hậu thế đánh giá bà
rất cao, không chỉ do tính tình nhân hậu đúng mực của bà, mà còn do chính bà đã
đề ra quy tắc "Hậu cung không can dự chính trường", giúp các triều đại
sau tránh nhiều rắc rối.
Ảnh: Qulishi
Trưởng Tôn Thị (601-636) là người rất khiêm tốn, hòa nhã và
tiết kiệm. Nếu người đời sau đánh giá Đường Thái Tông là một minh vương biết tiếp
thu những ý kiến sáng suốt thì Trưởng Tôn hoàng hậu chính là động lực của hoàng
đế.
Tuy vua sủng ái nhưng mỗi khi vua kể chuyện chính sự, Trưởng
Tôn hoàng hậu không bao giờ nêu ý kiến để không ảnh hưởng tới chính sự. Trước
khi mất, bà còn dặn các quan "không lập bia, không xây phần mộ, chỉ dùng gỗ
và ngói để làm mộ, đưa tiễn đơn giản". Trưởng Tôn hoàng hậu là hình ảnh mẫu
mực về hoàng hậu phò giúp vua trị nước. Trong lịch sử Trung Quốc, bà không phải
là hoàng hậu có nhiều quyền lực nhất, cũng không phải danh tiếng nhất, nhưng là
người có tiếng thơm lớn nhất.
Ảnh: Qulishi
Mã hoàng hậu, tên Tú Anh (1332-1382), sinh ra trong thời kỳ
phụ nữ phải bó chân mới trở thành cành vàng lá ngọc, nhưng bà kiên quyết không
chịu nên người đời sau gọi bà là "Mã chân to". Bà lấy Chu Nguyên
Chương năm 21 tuổi, sau đó cùng chồng trải qua 15 năm chinh chiến.
Bà là người nhân từ, lương thiện và giản dị. Yêu dân, bà dám
lên tiếng khuyên nhủ Minh Thái Tổ khi ông tiến hành bạo chính, cứu mạng rất nhiều
trung thần. Hoàng hậu cũng rất chăm lo phi tần trong hậu cung, không để các
nương gia mưu tư lợi, tránh việc hậu cung và ngoại thích (gia đình bên vợ) can
dự việc triều chính trong suốt đời nhà Minh. Bà cũng chăm lo con cái, khuyên nhủ
chúng học tập chăm chỉ và sống giản dị. Đối với con nuôi, bà cũng yêu thương
chăm sóc như con đẻ.
Mã hoàng hậu xử lý quan hệ với mọi người rất khéo léo. Bà
luôn dựa vào quy tắc "Khoan với người, nghiêm với mình" để làm mọi việc.
Hành động của Mã hoàng hậu khiến cho hoàng đế hết mực tôn trọng. Sau khi bà mất,
Chu Nguyên Chương không lập thêm hoàng hậu nào nữa để tỏ lòng kính trọng và nhớ
thương. Sách "Minh sử" cũng tán dương Mã hoàng hậu, gọi bà là "Mẫu
nghi thiên hạ, từ đức nổi tiếng".
Ảnh: Qulishi
Từ Nghĩa Hoa (1362-1407) là con dâu của Mã Tú Anh hoàng hậu.
Vì Từ Thị tính tình ôn hòa nhân hiếu nên Mã hoàng hậu thường khen con dâu trước
mặt mọi người. Năm 1381, bà theo Minh Thành Tổ - Chu Đệ về ấp Bắc Bình. Năm
1399, Chu Đệ lên kế hoạch cướp ngôi. Trong lúc Chu Đệ đang đi nơi khác mượn
binh, 50 vạn quân đến vây thành Bắc Bình. Đích thân bà cùng thái tử Chu Cao Chí
lên thành điều quân, bảo vệ thành công thành Bắc Bình. Năm 1402, Thành Tổ tấn
công kinh thành, lên ngôi vua, phong Từ thị thành hoàng hậu.
Khi Chu Đệ đang cố gắng xây dựng tính "chính danh",
năm 1403, Từ hoàng hậu cho ban hành trong cả nước sách "Nội huấn" và
"Khuyến Thiện Thư", chủ yếu để giảng công đức cho nữ giới, khuyến
khích tu đức tích thiện, từ đó giúp chồng lấy lòng dân. Ngoài ra, bà còn nhờ
Chu Đệ tập hợp phu nhân của các quan thần trong triều, giảng giải cho họ rằng
phụ nữ không nên chỉ quan tâm chăm sóc cơm nước quần áo cho chồng, mà còn phải
chú ý đến những điều có ích cho sự nghiệp tiền đồ của chồng, phải tìm cách
khuyên nhủ chồng những điều có lợi. Từ hoàng hậu không sống lâu. Bà chỉ ở ngôi
hoàng hậu 4 năm và mất vào năm 1407. Chu Đệ phong cho bà hiệu Nhân Hiếu Sau đó
ông không lập thêm hoàng hậu nào.
Phương
Hà - Thùy Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét