Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Cố đô Huế - Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt

Cố đô Huế - Nơi hội tụ tinh hoa 
văn hóa Việt
Nhắc đến Huế là người ta liên tưởng ngay tới cố đô Huế nghiêng mình bên dòng sông Hương hiền hòa, núi Ngự, chùa Thiên Mụ… vẻ đẹp huyền ảo mộng mơ.
Cầu Tràng Tiền (Ảnh: Internet)
Trong thời kỳ phát triển của Văn Lang - Âu Lạc, tương truyền Thừa Thiên Huế vốn là một vùng đất của bộ tộc Việt Thường. Trong thời kỳ nước Nam Việt, Huế lại thuộc về Tượng Quận. Năm 116 TCN, quận Nhật Nam ra đời thay thế cho Tượng Quận. Thời kỳ Bắc thuộc, trong suốt thời gian dài gần 12 thế kỷ, vùng đất này là địa đầu phía Bắc của Vương quốc Chămpa.
Sau chiến thắng Bạch Ðằng lịch sử của Ngô Quyền (năm 938), Ðại Việt trở thành quốc gia độc lập và qua nhiều thế kỷ phát triển, biên giới Ðại Việt đã mở rộng dần về phía Nam. Thừa Thiên Huế trở thành địa bàn giao thoa giữa hai nền văn hóa của phương Ðông.
Kinh đô Huế - Kiến trúc và sự hoàn mỹ
Kinh Thành Huế (Ảnh: Internet)
Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của con sông Hương chảy xuyên từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc kinh thành  vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh Thành, Hoàng Thành, Tử cấm Thành, ba tòa thành lồng vào nhau được thiết kế theo một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Nơi đây còn có một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố tự nhiên kết hợp hài hòa đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế: núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh…
Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt.
Kinh Thành Huế tập hợp những kiến trúc như, Kỳ Đài, Trường Quốc Tử Giám, Điện Long An, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm, Tàng thư lâu, Viện Cơ Mật - Tam Tòa, Đàn Xã Tắc, Cửu vị thần công.
Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc Vauban, quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha.
Bên Trong Kinh thành Huế là Hoàng Thành, gồm Ngọ Môn, Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi, Triệu Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh, Điện Phụng Tiên.
Hoàng Thành gồm một bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình, có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính phía Nam là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.
Bên trong Hoàng Thành là Tử Cấm thành, gồm Tả Vu và Hữu Vu, Vạc đồng, Điện Kiến Trung, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường.
Tử Cấm thành là trung tâm sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc chặt chẽ và đăng đối. Các công trình đều đối xứng từng cặp qua trục chính (từ Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự) và ở những vị trí tiền, hậu; thượng, hạ; tả, hữu; luôn nhất quán (tả văn hữu võ, tả nam hữu nữ, tả chiêu hữu mục). Con số 9 và 5 được sử dụng nhiều trong kiến trúc vì theo Dịch lý, con số ấy ứng với mạng thiên tử.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, khi thì lát đá cụ thể, khi thì mang tính ước lệ, con đường chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc trọng yếu của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên.
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Đài án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam, Đan xen giữa các khu vực kiến trúc độc đáo ấy, còn có đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ Thần đất, Thần lúa; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ thời Nguyễn.
Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh, Thiệu Phương… Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan tỏa khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần dần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế. Đây là thành phố của những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng cố đô.
Hương sắc thiên nhiên tạo nét riêng cho Huế
Sông Hương (Ảnh: Internet)
Sông Hương hay Hương Giang có hai nguồn chính đều từ dãy núi Trường Sơn. Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng Tây Bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía Bắc khu vực lăng Minh Mạng). Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.
Con sông chảy chậm qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Nó từng là nguồn cảm xúc của du khách khi họ đi thuyền dọc theo dòng sông để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu hò Huế truyền thống. Các công trình kiến trúc hai bên bờ sông gồm thành quách, thị tứ, vườn tược, chùa chiền, tháp và đền đài… Ánh phản chiếu của chúng trên dòng nước khiến con sông mang theo nhiều chất thơ và chất nhạc, sự thanh bình, thanh lịch và một vẻ đẹp huyền diệu.
Núi Ngự (Ảnh: Internet)
Núi Ngự Bình gọi ngắn gọn là núi Ngự. Sông Hương và núi Ngự hòa quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế, và đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế từ rất lâu. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của “sông Hương - núi Ngự”
Văn hóa và tín ngưỡng
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây. Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Chùa Thiên Mụ (Ảnh: Internet)
Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ.
Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch. Nền tảng giáo dục của triều Nguyễn là nho Giáo và nơi đây từng là thủ phủ của Phật giáo, nên Huế cũng mang một nét văn hóa tâm linh và triết lý nhân sinh rất sâu sắc.
Nhã nhạc cung đình Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc còn được lưu giữ tại kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.
Đời Tự Đức, âm nhạc cổ điển, nhã nhạc cung đình và hát bội cung đình đạt tới đỉnh cao. Tương truyền chính vua Tự Đức đã sáng tác bản nhạc Tứ đại cảnh nổi tiếng. Say mê thơ, nhạc và hát bội hơn chính trị, vua lập nên Hiệu thơ phòng để cùng các danh nho trong triều đình xướng họa thơ văn, thưởng thức âm nhạc, sáng tác hay nhuận sắc các vở hát bội.
Nhã nhạc cung đình Huế (Ảnh: Internet)
Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ cung đình, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương. Có tổng cộng 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. Phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là các dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí. Ví dụ riêng dàn Đại nhạc có đến 42 nhạc cụ của 4 chủng loại nhạc khí của 2 bộ gõ và hơi. Riêng bộ gõ thuộc về loại màng rung có 20 trống.
Âm nhạc đã trở thành đại lễ, trở thành tiếng nói huyền diệu, có khả năng giao cảm với trời đất, thần linh, tổ tiên. Đó cũng chính là những giá trị vô giá và trường tồn của dân tộc. Nhã nhạc Huế, di sản văn hoá âm nhạc “cổ điển bác học Việt Nam”, ẩn chứa những nguyên lý cấu trúc của âm nhạc, cùng những tư tưởng văn hoá triết lý phương Đông.
Đặc Sản Huế
Bánh Trưng Nhật Lệ (Ảnh: Internet)
Bánh chưng Nhật Lệ Đây là món ăn nổi tiếng ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập trung hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt mỡ và nạc với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.
Cơm hến ngon nhất chỉ có ở Huế. Cơm hến tuy là món ăn dân dã có khắp mọi nơi dù ở thôn xóm hay đường quê, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị. Cơm hến được làm từ cơm trắng nấu chín và để nguội. Người ta cho phần thịt hến cùng các phụ gia, thêm tóp mỡ được chiên giòn. Cơm hến có thêm chút mắm ruốc Huế vừa bùi, chát, cay và hăng. Được ăn kèm với phụ gia là rau sống gồm có: rau sống, bắp chuối, giá đỗ và ít thân khoai môn trắng thái nhỏ. Lạc được rang vàng và phi dầu vàng cho có màu đẹp mắt.
Ông bà ta ngày xưa thường nói nếu ngoài Hà Nội có “36 phố phường” thì Huế cũng có “36 thứ chè”. Không ai biết chè hẻm có ở Huế từ bao giờ mà chỉ biết gọi là thế, bởi nó thường nằm sâu trong các ngõ ngách với rất nhiều loại chè khác nhau. Mỗi loại chè có một hương vị riêng, ngon bổ, tinh tế và cầu kỳ như chính con người nơi đây. Chè bắp ngọt mát tinh khiết, vừa thơm vừa bùi nấu từ bắp ngô non của cồn Hến, chè hạt sen với thứ hương trầm thật lạ của giống sen hồ Tịnh Tâm - loại sen “tiến vua”. Lại còn chè nhãn bọc hạt sen ngọt thanh, thơm bùi và nhiều loại chè như chè hạt lựu, chè trôi nước, chè khoai sọ, chè bột lọc…
15/3/2017 
Thanh Phong
Theo https://trithucvn.net/van-hoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...