Đọc tập thơ "Thân phận"
của Hoài Khanh
của Hoài Khanh
Nếu Thượng đế hữu hình người sẽ khóc một câu thơ của Hoài
Khanh nghe dường như muốn ràn rụa nước mắt.
Tôi đã đọc nhiều câu thơ thật buồn:
Chao ôi ghê qua trong tư tưởng
Một vũng hoang liêu cũ vạn đời
Nhưng tưởng muốn cảm thấy nỗi buồn ghê rợn, ma quái ấy phải
mang trong thân phận một căn bịnh hủi như Hàn Mặc Tử. Nỗi buồn bệnh lý kia vẫn
xa xôi.
Tôi đã ngậm ngùi với nỗi xa vắng, mênh mông, đằng đằng của
Huy Cận:
Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
Nhưng lại là nỗi buồn vạn cổ của thi nhân theo lời Xuân Diệu,
làm tâm sự cơn gió nức nở trên rặng phi lao hay bóng mây bay qua cảnh lưng đèo
quán chật.
Đọc Hoài Khanh, tôi cảm thấy sống dậy trong lòng nỗi buồn
chính mình vừa bắt gặp hôm qua.
Nếu Thượng đế hữu hình người sẽ khóc. Tôi chạnh nhớ đến Heine
qua một câu thơ dịch sang tiếng Pháp:
Ces larmes qui n’ont pas été pleurées
(Những giọt lệ chưa bao giờ được khóc)
Hoài Khanh còn là một nhà thơ trẻ, trưởng thành trong cảnh xô
bồ của một xã hội chưa tìm được lối đi. Anh đã làm quen với độc giả, với tập
Dâng Rừng xuất bản năm 1957.
Hoài Khanh của Dâng Rừng là một chàng trai, vui tươi, hý hửng
với những buổi mai hồng hẹn hò một hoàng hôn ngập nắng:
Thế hệ hai mươi vườn hoa thơm nắng
Nghe diụ hiền thắm thiết với sao trăng
Bước chân đi đường rộng mấy mươi lần
Mơ hay tỉnh hỡi thiên đàng rực rỡ?
Dâng Rừng tr. 28
Niềm vui dễ dãi ấy đã tìm đến những vần điệu cổ điển, cổ điển
đến thành khuôn sáo. Đọc Dâng Rừng sẽ bắt gặp những lời, những ý, những cảm
xúc, những vần điệu tiền chế:
Nát từng nếp áo hoàng hoa
Tâm tư lạnh cả bài ca độc hành
Dâng Rừng tr. 30
Tâm hồn dễ dãi như vậy, kỹ thuật làm thơ khuôn sáo như vậy,
thi phẩm đã không tạo cho Hoài Khanh một chỗ đứng nào cả.
Sang đến Thân Phận con người thực Hoài Khanh và nhà thơ Hoài
Khanh đã đổi khác. Trong khoảng năm năm, nỗi buồn của một thế kỷ đã chồng chất
tâm sự Hoài Khanh.
Trong thơ chàng luôn luôn có cái ám ảnh của thời gian; bài
thơ đầu là Sau lưng ngày tháng, bài thứ hai là Thời gian, tiếp theo là Ngày
tháng trôi qua, Hao mòn… và cứ như thế dòng thời gian liên tục xoáy vào tâm hồn
Hoài Khanh những vũng hoang liêu:
Tháng ngày qua hôm nay nữa dần trôi
Rồi như thế tôi biết làm sao được tr. 14
Tượng trưng cho thời gian là những dòng sông. Thi nhân vốn
yêu dòng nước chảy từ một Apollinaire:
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne.
(Dưới cầu Mirabeau xuôi chảy nước sông Seine
Và tình ta
Cần chi mà nhớ mãi)
Đến một Nguyên Sa:
Hãy đưa tôi ra bờ sông
Để tôi nhìn cho rõ
Tôi nhìn dòng nước chảy
Tôi nhìn tôi bơ vơ.
Trong Hoài Khanh, dòng nước luân lưu là khung cảng thường
xuyên của thi hứng:
Thôi em đời một lần quên
Dòng sông thuở ấy lênh đênh mất rồi. tr. 70
Nước ơi sông vẫn còn đây
Hồn ơi thơ vẫn lên đầy không trung tr. 12
Khi Huy Cận viết:
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Thì giòng sông và thi nhân vẫn là hai thực thể xa nhau. Con
sông của Hoài Khanh là một linh hồn, một tri kỷ:
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi tr. 24
Những hình ảnh khác trong Thân Phận cũng lại là những sự vật
luân chuyển. Những áng mây bay đi sẽ không bao giờ trở lại:
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa tr.16
Ánh sáng trong Thân Phận cũng mong manh, ánh nắng hoàng hôn
ngả sang bóng tối, với những sợi khói tan mờ trong gió thoảng.
Âm thanh trong Thân Phận là một điệu nhạc mơ hồ, đìu hiu
trong lau lách, xa vắng như từ một kiếp nào thổi lại.
Hoài Khanh chỉ mến thương những chiếc lá sắp sửa không còn là
lá:
Những ngày xanh những mầm xanh
Tôi nhìn chiếc lá rơi cành mà thương tr. 68
Rồi đến tà áo của người yêu cũng chỉ xuất hiện để chợt biến
trong niềm ly biệt thường xuyên của mây nước:
Màu áo đó phất phơ màu vĩnh biệt
Bay về đâu xin còn lại linh hồn. tr. 29
Trong sự thay đổi của linh hồn, Hoài Khanh nhìn sang những sự
vật bằng hữu chung quanh đều thấy muôn màu đều chợt biến:
Nhưng núi rừng ngày tháng đã là mây
Bay vô định, tôi một loài vô định tr. 58
Hoài Khanh chấp nhận ngoan ngoãn số phận thoảng qua. Niềm biệt
ly thường trực và chua xót trong lòng chàng đã được gói ghém trong một bài thơ
thật hay. Tôi xin trích trọn vẹn vì bài thơ này tượng trưng cho hồn thơ và lời
thơ của Hoài Khanh. Thiết tưởng viết một trăm trang trình bày không bằng để cho
tác giả tự nói trọn vẹn tiếng nói của mình:
Người em gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
màu cô đơn trên suối tóc la đà
còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở laị bến hoang sơ
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
(Ngồi lại bên cầu tr. 16)
Tôi tưởng đây là một trong những bài thơ hay của Hoài Khanh
và của thi ca hậu chiến. Tình ý rất bình thản và kín đáo gây được những cảm xúc
lâu dài và thắm thía. Hình ảnh trực tiếp tạo cho ngôn ngữ một gia tài riêng
phong phú, và vượt hẳn những ngôn ngữ không phải là thi ca. Âm điệu nhịp nhàng
và uyển chuyển, nhẹ như mây bay, buồn như nước chảy, êm đềm như một cuộc chia
ly, trong tâm trạng của kẻ lẩn trốn vì thấy mình không thể…
Thỉnh thoảng người đọc Thân Phận đã bắt gặp nỗi buồn thản
nhiên, ngậm ngùi, chua xót của một Verlaine.
Mỗi con người đều bị thời gian cuốn đi. Sở dĩ Hoài Khanh thường
nói đến thời gian, vì chàng có một ý thức lưu đày trong thời gian: mỗi ngày mỗi
tháng trôi qua, mòn mỏi một ít cô đơn, mà Hoài Khanh thì vẫn còn trơ vơ với số
phận.
Sau lưng là một khoảng hư vô, trước mặt là con đường vô định:
Nước xuôi lạnh một giòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian tr. 24
Hoài Khanh tự biết mình đã luân hồi lộn kiếp, kiếp người - nhất
là con người đa mang sầu hận - là một sự lưu đày mà chàng vô tình gánh chịu.
Chàng tự hỏi kiếp sau sẽ làm gì.
Ta sẽ chết và rồi em cũng sẽ
Đành bỏ đi những luyến nhớ một thời
Những buồn giận cùng tấm lòng ước vọng
Có lẽ trong tiềm thức chàng cũng chỉ ước mong như người xưa
làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Con người từ chối tương lai ấy luôn luôn có cái thái độ ngoái
lại:
Ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng
Lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo
Gió heo hút dường nghe niềm u hận
Em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo tr. 29
Hoài Khanh run sợ sự cô độc, phải chăng là trong sự cô độc
kia, loài chim mù sẽ tiếc nuối đôi cánh trắng như sương? Chàng sẽ vui sướng
trong gặp gỡ, dù chỉ là gặp gỡ mong manh của sự sống, dù chỉ là sự sống xa lạ:
Tiếng xe đò bỗng gặp giữa rừng mưa
Vui biết mấy một tiếng còi đơn độc
Rồi chuyến xe đi đường dài nối dốc
Biết làm sao tìm lại dẫu qua rồi
Tiếng còi buồn thông cảm đã xa xôi
Thế là hết mỏng manh niềm hạnh ngộ tr.19
Trong Hoài Khanh là tiếng còi tàu đang tắt ngấm, là chiếc
khăn tay đang mờ trong sương khói, là mùi hương trong mái tóc còn vương trong
hơi gió, là tiếng ân tình còn thì thầm trong lau lách. Trong Hoài Khanh là sự
giã biệt muôn đời của vật đổi sao dời, của người đi kẻ ở. Cuộc sống của người
thơ chỉ là một âm thanh lướt nhẹ trên phím tơ, lúc gặp tri kỷ thì đã trở thành
dư âm của một thời xưa thiên cổ.
Những câu thơ hay của Hoài Khanh là những cảm giác đong đưa dịu
nhẹ:
Em đi lạnh một giòng mưa
Nguồn thanh xuân đó già nua nhánh cành
Bãi tràn phơi nắng chiều hanh
Gió thương cây lá long lanh giọt đàn tr. 27
Nhưng mối sầu của Hoài Khanh trái lại đôi khi mãnh liệt xô bồ
như một tản núi u sầu vĩ đại cuốn theo dòng thời gian âm thầm thác lũ. Tấn thảm
kịch bi thiết đó diễn khi Hoài Khanh, con người của một kiếp khác, muôn xưa đã
sống trong rực rỡ huy hoàng nay muốn trở về trần gian tìm lại cuộc đời sang
chói:
Ta là gió của nghìn năm xưa cũ
Tiếc huy hoàng một thuở trở về đây
Ta là nhạc của luân hồi chín kiếp
Hồn trầm luân thắm máu những bàn tay tr. 34
Tâm tình của Hoài Khanh còn bi thiết gấp mấy lần của Lưu Thần
Nguyễn Triệu lúc đòi trở lại trần gian. Vì loài đà điểu của sa mạc, loài hải âu
của đại dương, loài đại thọ ở rừng già đã hồi sinh trong một căn phòng hẹp.
Loài đà điểu kia vẫn tiếp tục nuôi trong linh hồn chân trời sa mạc, loài hải âu
kia vẫn tương tư muôn trùng sóng gió cũng như loài đại thọ vẫn tìm mãi trong
không gian lớp khói rừng bay lên từ những hốc đá của dĩ vãng. Cho đến một ngày
kia, đôi chân đà điểu, đôi cánh hải âu, rễ cành đại thọ tàn lụi và mối sầu muôn
thế kỷ chồng chất vào một giấc mơ muôn đời tuyệt vọng:
Vai mình mang một quê hương
Nỗi tuyệt vọng của Hoài Khanh bắt nguồn từ một tấm lòng vị
tha đọa đày trong một xã hội tăm tối. Ôi đẹp làm sao giấc mơ của tuổi trẻ như đại
dương:
Ta từng mơ một con đường dẫn lộ
Kết tình thương giữa tất cả người người
Và hạnh phúc tuôn tràn như thác nước
Trên cuộc đời không ai thét: cho tôi tr. 36
Hoài Khanh dễ yêu ở mối tình quê hương và nhân loại bàn bạc
trong ý thơ. Tâm hồn chàng có lóe lên một tia nắng ấm, tia nắng ấy chàng sẽ
trao về cho đồng loại. Tôi nhớ đến thuyết le pessimisme actif của Camus, tôi nhớ
đến những thanh niên đi tìm lãng quên trong hạnh phúc của đồng loại.
Bao giờ đem nắng mười phương lại
Rộn rã nhân gian những tiếng cười tr. 47
Hoài Khanh nuôi dưỡng tình vị tha cao quý đó trong tình yêu của
một người con gái:
Em giúp tôi thấy lại hồn mình
Gìn giữ lại những mối tình đã mất
Tình yêu
Tổ quốc
Quê hương tr. 53
Làm sao đọc những vần thơ tình như thế mà ngăn được ngậm
ngùi, cảm động?
Loài người vốn thường hay nuôi dưỡng những mối tình rộng lớn
bằng những niềm mến thương nho nhỏ. Quê hương đâu phải chỉ là một cành hoa cải
lung linh trong nắng chiều hay mùi hương hoa cau phảng phất trong hơi gió những
lúc nửa đêm về sáng? Nhưng đó lại là những hương sắc nuôi nấng tình yêu quê
hương. Hoài Khanh vùng vẫy để vượt qua nỗi bi quan bằng mãnh lực của một mối
tình nhỏ bé.
Rồi em đến một chiều xưa man rợ
Khói sương tan trong vũng máu thiên đường
Ta cúi đầu giữa một trời thê lương
Ôm sự sống trong bàn tay bé nhỏ
Và như thế đóa hoa tình đã nở tr. 83
Hoài Khanh sẽ bắt chợt đôi niềm vui tình cờ nhưng thành thật,
thiết tha:
Em đã đến ta mừng ra nước mắt tr. 81
Qủa thật đây là một lời tâm sự giản dị thật thà đến rớm lệ.
Còn giản dị hơn nữa là bài thi ca tình ái:
Buổi em về hai đứa hát yêu thương tr. 77
Hoài Khanh không thuộc vào hạng thanh niên nổi loạn “chống hư
vô” của thời đại. Ngay cái đề “Thân Phận” đã ngụ một ý chấp nhận. Hoài Khanh
chỉ là một loài cỏ hiền lành ngoan ngoãn vâng theo lời gió dạy, theo một ý của
Tô Thùy Yên. Hoài Khanh thú nhận điều đó:
Hiền lành ngoan ngoãn như thế, Hoài Khanh vẫn giữ kỹ thuật
làm thơ cũ: lục bát thật thà, hay thơ tám chữ chừng mực. Từ nội dung đến hình
thức Hoài Khanh không phá phách, thách đố.
Thỉnh thoảng có những ý những lời rất cũ, làm nhớ một Vũ
Hoàng Chương:
Rưng rưng ý cũ
Hẹn thắm bình minh trải lối về
Người ơi chừ hẹn ước
Nằm đây ấm lạnh hồn phong vũ
Hơi buồn trong gió cứ lê thê tr. 47
Cho đến những câu:
Ai ngàn xưa? ai ngàn sau?
Tháng năm vàng xuống bờ lau tội tình tr. 62
làm nhớ đến Trần Tử Ngang:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả…
Toàn tập chỉ có một bài thất ngôn, âm điệu trầm buồn, bâng
khuâng.
Trong mắt những người tâm sự ấy
Mây ngàn năm cũ bay lênh đênh tr. 60
Đọc những câu trên chưa ai quên được âm điệu xa xăm của một
Quang Dũng:
Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống
Nhà ai pha luông mưa xa khơi
Cũ không có nghĩa là sáo; trái lại đôi khi cố ý làm ra mới lại
thành sáo. Trong lúc thi ca Việt Nam chưa tìm ra được một đường lối mới, chưa
khai thác được những giá trị của ngôn ngữ, những vần điệu cổ điển của Hoài
Khanh còn đủ mãnh lực để quyến rũ người đọc.
Phải tóm tắt thế nào những nhận xét về Thân Phận?
Hoài Khanh con người giàu lòng vị tha bất mãn trước xã hội,
con người cô đơn đi tìm niềm vui trong mối tình nhỏ bé, con người ngoan ngoãn
vâng theo lời định mệnh đã bị dòng sông thời gian ám ảnh. Hoài Khanh bám víu
vào hiện tại để quay lại nhìn dĩ vãng trung thành với kỷ niệm. Một tâm hồn như
thế dễ dàng chấp nhận một kỹ thuật thi ca cổ điển. Thơ Hoài Khanh thuộc loại lời
cũ ý mới nếu ta tạm dựa theo cách sắp xếp cũ kỹ của Vũ Ngọc Phan lúc ông xếp Lưu
Trọng Lư và Vũ Hoàng Chương vào hàng thi sĩ nửa cũ nửa mới.
Do đó Hoài Khanh có lẽ đáp đúng nhu cầu của đa số độc giả thi
ca hiện nay, chưa tách rời ra được truyền thống Thơ Thơ và Lửa Thiêng và bất
mãn với loại thơ Nhị thập bát tú.
Và khi tôi phân tích cái hay của Thân Phận không phải tôi đứng
trên quan điểm “trẻ chưa qua già chưa tới” nhưng vì trong ngành xuất bản thơ xô
bồ hiện nay, một tác phẩm trong sáng, thành thật đáng được khuyến khích.
Nếu loại ra một Đinh Hùng, một Vũ Hoàng Chương cả lời lẫn ý đều
rất cũ vì họ thuộc vào một thế hệ khác, thì bây giờ còn nhóm thơ Huế với Thế
Viên, Diên Nghi, Tạ Ký còn trung thành với những rung cảm xa xưa; lâu nay nhóm
này lại im hơi lặng tiếng.
E rằng Thân Phận của Hoài Khanh sẽ ghi dấu thời kỳ tàn tạ của
lối thơ cổ điển chăng?
Nhưng giá trị nghệ thuật của một tác phẩm không phải ở chỗ cực
thịnh hay cực suy của một môn phái, cũng không phải ở chỗ được hay không được độc
giả tán thưởng.
Trường hợp Thân Phận được nhiều người nhắc nhở đến, điều đó tỏ
ra anh được lòng độc giả trung bình chứ không chứng tỏ Thân Phận là một tuyệt
tác, hoặc ngược lại là một tác phẩm bình dân hạ cấp.
Trước đây có một người làm thơ khoe rằng tác phẩm mình bán chạy
mỗi ngày bốn, năm trăm cuốn, thậm chí có cặp tình nhân nào đó đã rủ nhau xuống
suối Lồ ồ tự vận mang theo tập thơ kia. Nếu đó là một sự kiện có thật, thì sự
kiện đó không chứng minh được gì cả. Cũng không phải là một sự thật đáng buồn,
vì nếu nước mình còn nhiều người thích thơ T.T.KH thì ở Pháp còn khối người ưa
Lamartine, và điều đó không ngăn được khúc quanh vĩ đại của thi ca Pháp.
Phong trào xuất bản thơ tại Việt Nam hiện nay thật dồi dào đến
cái độ hỗn loạn nhất là trong giới tuổi trẻ. Mỗi linh hồn thanh niên là một trời
thơ, rồi làm được dăm ba bài là rủ rê dăm ba người bạn cùng nhau xuất bản.
Thành ra rất khó nhận định được thực chất của thi ca hôm nay. Vì không thể bỏ
qua các tác giả vô danh - biết đâu họ chẳng là thiên tài - mà đọc họ thật không
xuể. Hơn nữa, giải thưởng văn chương toàn quốc những năm nay lại tưởng thưởng những
tác phẩm thi ca không lấy gì đặc sắc, nên không khuyến khích các tác giả rèn
luyện kỹ lưỡng bút pháp, chỉ gia tăng hỗn loạn cho các bạn trẻ quá tự tin.
Trong đám rừng hoang tăm tối này, tập thơ Thân Phận của Hoài
Khanh xứng đáng được nhắc nhở giới thiệu.
Trong cái tinh thần gạn lọc đó chúng tôi trình bày Thân Phận
và sự bình phẩm của chúng tôi cũng dựa trên tinh thần đó.
Trận bão Lucy thổi tạt qua Sài Gòn những ngụm nhớ thương lạnh
lẽo. Tôi đã kéo lê nỗi buồn của Hoài Khanh trên các hè phố trong khi viết dở
bài này. Tôi thấy gần gũi với Hoài Khanh hơn khi đi dưới những lùm cây ướt đẫm
tình yêu, hoặc qua cầu nghe dĩ vãng thổi lọt dưới chân.
Các trường hôm nay đóng cửa, lạy trời cho mưa bão quanh năm,
để tuổi trẻ trở về với hè phố. Hãy đóng cửa các học đường, các phòng trà, các
tòa đại sứ, hãy đóng cửa các thành phố để trả tuổi trẻ về với rừng xanh, ôi những
khu rừng, những dòng sông thân yêu của vũ trụ thi ca!.
Hãy trở lại hoang vu để cùng với Hoài Khanh nắm tay tự nhủ
nhau rằng:
Tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi.
Đặng Tiến
10-12-1962
Ghi chú: Đọc lại bài viết tại Sài Gòn cách đây đã 44 năm,
không khỏi thấy những chỗ vụng về non nớt. Nhưng được cái ngay thẳng và hồn
nhiên của tuổi trẻ, nên xin giữ nguyên văn, hầu lưu lại một giọng nói. Một thời.
Một tuổi.
30/4/2006
Đặng Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét