Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Ngôi nhà trên đỉnh Thung Lau

Ngôi nhà trên đỉnh Thung Lau
Con đường như một dải lụa màu chàm dập dờn trên triền núi đá trắng, rồi bươn dăm cây số vượt qua cánh đồng lúa nước đến ngôi làng Khai Thung người Mường. Và, xa nữa, xa nữa nghe đâu con đường còn dằng dặc đến tít tận chân núi Ba Vì.
Trên đầu núi Thung Lau có ngôi trường mẫu giáo, tiểu học tường vàng, ngói đỏ và căn nhà xây một mái lợp tôn xi măng của vợ chồng Hùng - Mận. Cả ngôi trường và căn nhà đều dựng lên sau khi con đường được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ. Ngôi trường thu hút học sinh ở các bản rải rác trong núi và dưới thung cách vài ba cây số.
Hùng là chồng, trai Mường ở bản Khai Thung, Mận là vợ, nhưng là gái miền xuôi mãi tít dưới Thái Bình. Cái tên vợ chồng cũng được ghi ngay trên bảng hiệu “Hùng Mận - bách hóa bán lẻ - sửa xe - xay xát” mà người qua đường vẫn thường ơi ới gọi Hùng Mận đâu bán cho gói mì tôm, Hùng Mận, đổ lít xăng, Ớ... Hùng Mận, chiều tao mang ngô ra xay nhé...
- Bọn em lấy nhau đã được năm năm - Hùng trả lời câu hỏi thăm của khách.
- Mới bốn năm tám tháng thôi! - Mận đang lúi húi làm gì đó ở gian bên nói với sang chữa lời chồng; rồi cô cười vẻ ngượng nghịu. Chắc Mận thẹn vì chót nói ra con số đã vô tình tiết lộ chuyện ăn cơm trước kẻng của mình.
Mới nên duyên ngần ấy năm mà họ đã có cơ ngơi đáng nể. Căn nhà chính rộng bốn mét, sâu mười hai mét, phía trong làm buồng ngủ có ánh tivi lấp lánh, phía trước là chỗ “bách hóa bán lẻ” với tủ kính nhỏ, kệ sắt để đồ và dây thép treo san sát các gói hàng. Kế bên nhà chính là hai gian lớn không xây tường, lợp tôn, cột sắt dùng cho “khu vực sản xuất”, có bếp ăn, chỗ sửa xe và đặt máy xay xát... Tiền thu từ “bách hóa”, máy xay xát chạy đều đều hàng tháng, cũng có đồng ra đồng vào đủ đong gạo và mua sắm lặt vặt. Phía sau chừng hơn hai mét chiếm hết chiều ngang ba gian nhà là dãy chuồng gia súc gồm hơn chục con ngan, vịt và ba con lợn bản béo híp mắt. Lợn bảy tháng xuất chuồng, ngan vịt vừa để bán vừa mang về góp cho cha làm giỗ tết quanh năm. Sau khu chăn nuôi là triền dốc thoai thoải, đổ dài xuống thung lũng trồng lúa nước. Dưới đó hút tầm mắt là một thảm lúa xanh mơn man được điểm xuyết bởi những tà áo lung linh cùng mấy nếp nhà sàn thấp thoáng.
Cả ngôi trường và căn nhà của Hùng Mận đều bốn mùa hoa lá xanh tươi, lại dư dả nước để chăn nuôi trồng trọt thì quả là một điều lạ. Giải thích về chuyện này, Hùng khoe:
- Có ống nhựa bắt từ suối trên đỉnh núi lớn bên kia, ròng xuống cống thoát nước chui qua đường sang bên này - Và Hùng tự thêm một câu rành rọt không có trong câu hỏi - Tiền ống tự lo. Của trường, trường làm - của dân, dân làm.
Mận tiếp chuyện:
- Cái dốc này mai kia có thời gian, chồng em sẽ lấy đất về cho vào các hốc đá trồng ngô trồng bí như đồng bào người Mông trên cao nguyên Đồng Văn ấy.

Hùng, tên đầy đủ là Hoàng Quốc Hùng. Cái tên nghe thật hay và oai phong hệt như hình dong của Hùng vậy. Cao hơn mét bảy, cổ to, vai rộng, ngực nở, tay dài. To cao vậy nhưng Hùng không thô vì anh có một khuôn mặt đẹp trai với khóe môi luôn ẩn nụ cười. Xuất xứ của cái tên được Hùng giải thích, bố anh là bộ đội chống Mĩ, đã sáu năm ở dưới xuôi kéo pháo đi khắp nơi, lại vào cả miền Nam nữa. Hòa bình, bố về làm trưởng bản hơn hai mươi năm liền. Có lẽ vì vậy mà ông biết đặt tên con và tạo cho Hùng cái may mắn nằm trong diện nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc miền núi, được vào trường nội trú của tỉnh.
Hùng rất sáng dạ, học thẳng một mạch đến lớp mười một năm nào cũng là học sinh giỏi. Nhưng đến lớp mười hai thì Hùng bị một cú vấp ngã bổ chửng. Mười bảy tuổi Hùng trổ mã, sải chân nhẹ nhàng như con báo đã khiến các em mắt nai trong trường ngẩn ngơ chẳng còn tâm trí nào nhìn vào sách vở, trong đó đã có mấy đứa lớp dưới kéo áo rủ Hùng trốn “về nhà mình cưới nhau đi”. Rồi đến cái  hôm sắp đến kỳ thi tốt nghiệp thì cô giáo chủ nhiệm người Kinh đứng giữa lớp tuyên bố, em Hùng để cái tóc như thằng phỉ, nếu không cắt, cô sẽ không cho đi thi. Hùng tức lắm, chẳng hiểu thằng phỉ nó thế nào, nhưng đến chiều tìm trên mạng biết được thằng phỉ thì mới thấy mình nhục quá. Vậy là ngay đêm ấy, Hùng bỏ về nhà. Tội của Hùng nặng thêm khi có hai đứa con gái trong nhóm mình cưới nhau đi, hôm sau cũng trốn khỏi trường...
Hùng về tháng trước thì tháng sau vào mùa nghĩa vụ quân sự. Đang buồn chân buồn tay chưa biết làm gì, Hùng bèn tìm lên phòng y tế huyện khám sức khỏe và trúng tuyển. Về nhà Hùng báo tin cho bố. Đang ngồi vót nan, không ngừng tay nhìn Hùng, bố bảo “Đi thì đi, nhưng phải cắt cái tóc cho cao lên!”. Hùng buột miệng hỏi, sao lại phải cắt. Bố bập con dao ghim vào cái đòn gỗ, trừng mắt: “Mày vào bộ đội chứ không phải đi làm phỉ!”.
Nhập ngũ thời bình, Hùng không phải đi bắn thằng giặc, mà chỉ tập đội ngũ, xạ kích hơn hai tháng, bắn bia ba viên đạn trúng hai chín điểm đạt loại giỏi, sau đó được biên chế vào trung đội kiểm soát quân sự tỉnh, ngày ngày tập đi đều, bồng súng, quay phải quay trái, rồi quần áo chỉnh tề cùng tổ ba người đi tuần tra ngoài phố, tối tối lại thay nhau vào bản dạy lớp học tình thương... Hùng thích cái nghề này lắm, anh hăng say vui tươi khiến thủ phó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có lần gặp anh, bảo: “Quân dung đẹp lắm. Mai kia nếu có duyệt binh ở Hà Nội, nhất định tớ sẽ cho cậu vào đội hình”. Thủ phó nói thật, nhưng để có dịp diễu binh qua quảng trường Ba Đình đâu phải dễ. Thế là mùa gặt năm ấy Hùng giải ngũ, anh đăng kí vào lớp dạy nghề đào tạo thợ sửa xe máy. Cái khiếu sáng dạ lại chịu học hỏi nên ở đâu anh cũng đứng đầu. Chả thế mà sau sáu tháng học tập Hùng đã có một tay nghề khiến bạn bè nể phục. Không chỉ sửa được tất cả các loại xe máy mà cả ô tô nữa, anh đều nhận dạng được hỏng hóc của hai phần then chốt cơ và điện.

Với vốn liếng có thể “tay không bắt giặc” ấy Hùng định mở một tiệm sửa xe thật to ngay trung tâm thành phố, rồi kéo mấy thằng bạn cùng học nghề vào làm. Đang lúc lùng sục khắp nơi không tìm đâu ra chỗ thuê mặt bằng thì ở huyện của anh có dự án mở đường đăng tin chọn thầu, tuyển dụng lao động. Là con đường này đây, nhưng hồi ấy nó chỉ rộng hơn manh chiếu, lổng chổng toàn đá tảng, đá hộc, nguyên là lối đi của những chiếc xe máy Minsk lặc lè chở hai, ba cô gái Dao áo đỏ về bản, thỉnh thoảng lắm mới có chiếc ô tô đầu kéo rú ga leo dốc chở vật tư nông nghiệp chạy tắt lên tỉnh. Bố nhắn cho Hùng, bảo “Mày có kỹ thuật máy móc, về mà xin làm công nhân”.
Nhận tin, Hùng vắt tay lên trán nghĩ liền hai đêm, rồi sáng sớm ngày thứ ba anh không về bản, phóng xe máy xộc thẳng đến ban quản lý dự án xin một chân thầu. Tưởng cũng chỉ liều mạng thử xem, ai ngờ Hùng trúng ngay được gói hai phẩy năm ki lô mét đường, mà trúng thẳng với nhà thầu chính chứ không qua thầu phụ. Thì cũng chính là đoạn đường vắt qua đỉnh núi này đây, chắc là chỗ xương nhất không ai nhận hay sao đó, mà ông thầu chính chẳng buồn hỏi “năng lực tài chính” của Hùng. Đúng là tay không dám nhảy ra vồ gấu chó, được thầu rồi mới ngớ ra mình chẳng biết đầu xuôi, đuôi ngược gì về thi công đường sá. Thì cũng chỉ nghĩ đến việc gọi mấy thằng bạn xuất ngũ chưa có việc làm và ít dân trong làng ra đục đẽo, cào xới san phẳng là xong, chứ đâu có biết dự án phải có kỹ sư, tính toán các thông số kỹ thuật, vật tư, cán bộ quản lý thu chi tài chính ra sao; rồi máy móc, thiết bị thuê mướn ở đâu, cần lên kế hoạch như thế nào để khỏi lãng phí, ùn ứ chờ việc... Rất may là Hùng được ban quản lý dự án cử ra hẳn một bộ khung giúp anh - thực chất là làm thuê cho gói dự án để thực hiện các bước thi công với giá lương phải chăng và “cực kỳ nhân đạo”.
Nằm ba ngày ở ban chỉ huy dự án làm quen với các cán bộ khung, vừa học việc, vừa... bí mật mở mạng ra nghiền ngẫm cách thức thầu khoán công trình xong xuôi, Hùng mới phóng xe về nhà. Nghe chưa hết chuyện con được phong chức “chủ thầu”, bố Hùng trợn mắt lắc đầu, “Mày cưỡi hổ rồi con ơi! Đến cái doanh trại, trận địa pháo của tao ngày xưa cũng phải có ông sĩ quan kỹ sư đo vẽ, thiết kế. Mày đã làm trận địa bao giờ chưa mà dám làm chủ thầu, há?”.

Thì biết là cưỡi hổ rồi, nhưng bây giờ làm sao xuống. Mà anh cũng định bụng chỉ đến dự án xin một chân giống như trưởng nhóm công nhân, nhưng chẳng hiểu sao cái ông tổng thầu lại bảo cậu nhận luôn chân thầu phụ đi, có gì chúng tớ giúp đỡ. Nghe thế ai chả thích. Mới lại chuyện làm đường thì anh đã từng bao nhiều lần được biểu dương xuất sắc trong những đợt “ra quân giúp dân xây dựng nông thôn mới” hồi còn ở bộ đội rồi... Nghe con trình bày, bố Hùng đang ngồi trên sạp tre, đầu gối quá tai bỗng nói giọng tức tối: “Cái chữ của mày mới đong được lưng bát con mà mày tham lam, đem đựng vào bát ô tô lớn. Há!”. Tức quá, Hùng nổ máy xe ngay hàng hiên, rồ ga nhấc bổng bánh trước lao qua chắn cổng, phóng thẳng về ban chỉ huy dự án.
Kể từ hôm đó Hùng ở lỳ trong ban dự án tìm hiểu công việc. Đến sau ngày khởi công thì Hùng hệt như con cúi dệt thổ cẩm, anh lao như tên bắn, có mặt ở khắp nơi. Từ liên hệ thuê máy móc, công cụ, chạy lo vật tư đến lập lán trại, tổ chức bếp ăn cho công nhân; từ đốc thúc tiến độ trên công trường, đến bàn bạc thu chi tài chính, kỹ thuật trên bàn giấy; lại cả việc không có trong chức năng nhà thầu là tìm gặp các già bản hỏi về con suối, con khe hợp thủy để đặt đường rãnh, cống thoát nước... 
Nhưng rồi chính Hùng cũng chưa bao giờ có thể nghĩ, cái mớ lưới vây rối tinh rối mù lại được từng bước gỡ ra tuồn tuột, trơn tru đến thế. Công trình hoàn thành trước tiến độ hơn cả tháng. Tất cả, từ con đường đến các thủ tục hoàn công đều mượt mà, thông suốt. Kết quả nghiệm thu, chi phí vật tư, thu chi tài chính đều ăn khớp như hai bàn tay đan nhau. Hạch toán xong còn một ít lãi, Hùng chia đều cho số cán bộ khung mà không hề nghĩ - hay không kịp nghĩ - đến tiền cho mình. Phần vì anh biết không có họ mình không thể làm việc được. Họ là những cán bộ cực tốt, không ăn đầu chặt đuôi, những người ấy giờ hiếm lắm. Nhưng phần lớn hơn cả chính là con đường này.
Công trình vừa được hoàn thành là Hùng nằm lăn ra mặt đường, dạng chân dang tay để gào lên, hét lên cho bõ cái công vất vả, cho hả cái sướng tột đỉnh trước chiến công của mình. Hùng kể rằng anh đã lăn đi lăn lại hàng chục vòng, rằng nó mịn lắm, nhẵn lắm, êm hơn cái giường của anh tới ngàn lần. Rồi Hùng ngập ngừng, bảo... anh thích nó và yêu nó như yêu bản làng và những người thân của mình. Nó như một món lộc lớn dành cho những người dân quê anh.
Nhưng cũng còn một món lộc nữa chờ anh. Ngày liên hoan chia tay với những cộng sự thân thiết vừa xong thì anh được ban quản lý dự án cùng nhà thầu chính mời lên gặp. Mấy ông ấy nói khá dài, nhưng Hùng quen nghe ngắn gọn “quân lệnh như sơn” nên chỉ loáng thoáng tai nọ ra tai kia, song đến cái đoạn kết luận thì anh nghe rõ mồn một và suýt nhảy tưng lên vì sướng. Đó là do Hùng làm rất tốt công việc nên trên quyết định thưởng một khoản tiền và đề nghị địa phương cấp cho Hùng miếng đất ven đường để làm nhà ở.
- Là miếng đất này đây. Nó rộng gần hai trăm mét vuông vốn là nhánh “đảm bảo giao thông” cho công trình lúc thi công. Còn miếng lớn hơn, nó kia. - Hùng giơ tay chỉ - Trước là khu để máy móc vật tư xây dựng của tổng thầu thì dành cho xã dựng cụm trường tiểu học, mẫu giáo...

Nghe chuyện của Hùng vừa lạ, vừa thích. Cái gì đã cho anh may mắn được nhận thầu và hoàn thành công việc một cách ngoạn mục đến thế? Thôi, có lẽ hỏi mà cũng chẳng phải tìm câu trả lời bởi vì mọi việc quá mỹ mãn và trong sự mỹ mãn ấy ắt đã chứa đựng một chuỗi những hợp lý của số phận và đức năng thắng số. Nó gạt đi mọi sự vô lý, không cần phải giải mã. Cả cái chuyện nên duyên của Hùng và Mận cũng thế.
Vào giai đoạn con đường sắp hoàn thành, thỉnh thoảng có chút nhàn rỗi, Hùng lại cao hứng mò vào mục tìm bạn bốn phương. Khoản “bấm bấm” thành thục thì anh đã học được bạn bè từ hồi còn ở trường đào tạo nghề của tỉnh đội. Lúc đầu vào tìm bạn cũng chỉ vì tò mò và mong manh hy vọng tìm một chút vận may, nhưng càng chơi càng hẹn hò anh lại càng thấy hấp dẫn. Trên mạng, Hùng quen được khá nhiều bạn gái. Chưa có em nào như mấy đứa liều lĩnh rủ anh về bản mình cưới nhau trước đây, nhưng các bạn trên mạng cũng rất bạo dạn và thân thiện. Chính điều này đã động viên, kích thích, giúp Hùng trở nên mạch lạc, đối đáp trôi chảy. Song có lẽ thú vị hơn cả là các cuộc giao lưu này đã cho Hùng thấy con đường có thể đưa được một người con gái đến với cánh đồng hoa tam giác mạch quê anh không phải là quá xa vời. Đã có một em tít trong miền Tây Nam Bộ hẹn ra Hà Nội gặp Hùng để “đi đến quyết định”, song khi đó anh không đủ tiền và cũng không thể bỏ công trường được nên đành thôi... Cuối cùng là Mận đây. Như được bà tiên làm mối sắp đặt, Mận một cô gái xinh đẹp quê lúa Thái Bình đã hẹn gặp Hùng trong buổi giao lưu đại biểu thanh niên giữa miền xuôi, miền núi ở ngay thành phố của anh. Vậy là Hùng bỏ công trình một đêm, phóng xe hơn bảy mươi ki lô mét ra quảng trường thành phố, hồi hộp đứng ngóng xem ai là cái cô Mận trong điện thoại đang múa hát trên sân khấu kia... Cũng đã ướm lời, ngỏ ý từ trước trong các cuộc tâm tình trên mạng nên một tháng sau cuộc gặp gỡ thâu đêm ấy Mận xin bố mẹ, đeo chiếc ba lô du lịch lên Khai Thung làm vợ Hùng... Hỏi, thế đã về thăm quê vợ chưa? Hùng bảo chưa, nhưng lúc đẻ con bé này, cả bố mẹ Mận đã lên đây. Rồi anh cười tự hào:
- Ông bà thích lắm. Nhưng bảo ở lại luôn thì không ai chịu ở!
Tôi bật cười trước câu nói của Hùng. Nghe được câu chuyện thú vị về cặp vợ chồng đẹp đôi Hùng - Mận, bao nhiêu bực bội trước khi tới đây tự dưng tan biến. 
Chả là hai người chúng tôi đang trên đường chạy xe máy lên thăm một đồn biên phòng. Rủi làm sao khi đến chân núi Thung Lau thì xe bị thủng lốp. Đúng lúc đang phải è cổ đẩy trong vô vọng vì không biết đến đâu mới có được chỗ sửa thì một tốp thanh niên người dân tộc lao như bay từ trên núi xuống. Họ phanh ngay lại và không đợi hỏi đã chỉ lên đỉnh dốc: “Kia! Trên kia hơn trăm mét có quán sửa xe”, rồi còn nhiệt tình bảo có cần đẩy xe không, “làm giúp thôi, không lấy tiền”.
Hơn cả buồn ngủ gặp chiếu manh, chúng tôi ì ạch đẩy tiếp chừng mươi phút thì đến nhà Hùng - Mận. Ruột xe bị kẹp giấy đâm thủng và nghiền rách, săm có sẵn cộng mươi phút tháo lắp thay thế, tất tần tật là bảy mươi hai ngàn đồng. Thấy tôi ngỡ ngàng vì giá rẻ bất ngờ, Hùng giải thích: “Thế thôi! Săm em mua từ đại lý sáu mươi ngàn. Tiền công em lấy mười hai ngàn”. Hùng còn bảo: “Để chiều em cho quét lại hai đoạn dốc, kẻo mang tiếng đinh tặc thì chết. Vợ chồng em vẫn dọn luôn đấy. Mình đã hứa ở đây làm luôn việc trông coi con đường mà”. Ờ... thảo nào đoạn đường vượt qua đỉnh núi này có vẻ mượt mà sạch sẽ khác hẳn.
Tôi mở cốp xe lấy ra bốn lon bia, hai cho chúng tôi, hai mời vợ chồng Hùng - Mận.
Chúng tôi ngồi nhâm nhi ngắm cảnh bình yên trên đỉnh Thung Lau. Lúc chia tay, tôi nói với Hùng - Mận lời động viên có phần hơi đàn anh, nhưng thật lòng:
- Gia đình cô chú thật tuyệt vời! Cứ đà này phát triển lên là không có gì phải lo hết. Mà này, cũng đến lúc thêm đứa nữa được rồi.
- Sắp đấy. Nó đang trong bụng hơn ba tháng kìa.
Hùng nheo mắt cười cười nhìn vợ. Nghe chồng nói, Mận hơi ngượng nghịu nhưng nét mặt bỗng sáng ngời ngời.
Lào Cai, tháng 4/2018
An Bình Minh
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...