Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Hồ Xuân Hương: "Mười năm phong trần như ăn trộm bịt tai đi trộm chuông" (1801-1811)

Hồ Xuân Hương: "Mười năm phong trần như 
ăn trộm bịt tai đi trộm chuông" (1801-1811)
1. Nàng Tiểu Thanh của Tổng Cóc 
(1801-1804)
Trong Lưu Hương Ký, Hồ Xuân Hương có một câu thơ chữ Hán kỳ lạ: "Thập tải phong trần quán nhỉ linh" nghĩa là: "Mười năm phong trần như ăn trộm bịt tai đi trộm chuông". Khi Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán, nguyên Quan Cai Bạ doanh Quảng Đức (chức Quan Trấn Thủ vùng Thừa Thìên Kinh đô Phú Xuân) vừa mới đến Thăng Long đã đến tìm gặp nàng, và viết bài thơ ra mắt:
Thổ phượng tài cao nhất thế kinh
Long thành hà hạnh thỉnh huyền linh.
Dịch:
Tài cao nhã phượng thế gian kinh,
Nay đến Long Thành được thấy danh.
Một vị quan lớn Hiệp Trấn (từ 1831 gọi là Tổng Đốc) từ kinh đô Phú Xuân, vừa mới đến Thăng Long nhậm chức Hiệp trấn vùng Hà Nội và Hưng Yên ngày nay, đã tìm đến làng Nghi Tàm thăm nữ sĩ, khen ngợi nàng có tài làm thơ mỗi câu thơ như phượng múa, làm thế gian kinh phục. Nay đến thành Thăng Long được hân hạnh gặp nàng nghe tiếng vang như chuông. Còn vinh dự nào hơn. Hồ Xuân Hương đã đáp lại bằng bài thơ Họa Thơ Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Hầu, hai câu đầu:
Quỷ vô tài điệu sử nhân kinh,
Thập tải phong trần quán nhỉ linh.
Dịch:
Tài tôi thẹn kém có ai kinh,
Lận đận mười năm tự dối mình (như ăn trộm bịt tai đi trộm chuông)
Hồ Xuân Hương đã đối với "thỉnh huyền linh" bằng " quán nhỉ linh", tiếng danh vang như chuông bằng ăn trộm bịt tai đi trộm chuông, thật là tài tình, dí dỏm, tài nghệ chơi chữ Hán thật siêu việt, chứng tỏ Xuân Hương có khả năng đùa bỡn rất thanh tao, trong chữ nôm lẫn chữ Hán, không thể dịch hết ý ra thơ nôm trong câu thơ 7 chữ được được. Câu thơ mở ra những câu hỏi:
Mười năm đó là thời gian nào? Hồ Xuân Hương làm gì trong mười năm đó? tình duyên thế nào? Sinh sống ra sao? Hồ Xuân Hương làm gì mà tiếng danh vang như chuông, vang tận đến kinh đô Phú Xuân? Hồ Xuân Hương làm gì mà nàng tự thẹn cho rằng: mình như ăn trộm bịt tai đi trộm chuông, đi ăn trộm tưởng không ai hay ai biết, nào ngờ đâu mỗi bước đi tiếng chuông kêu vang, mọi người đều hay theo dõi bước đi của mình!
Giải quyết những câu hỏi này tôi cho rằng là nối liền được hai nhân cách: Một Hồ Xuân Hương làm thơ chữ Hán tài tình, kiến thức sâu rộng, tinh thông Tam Giáo: Phật, Nho, Lão và một Hồ Xuân Hương vui tánh thích làm thơ đùa bỡn.
Một Hồ Xuân Hương dạy học, con cụ Đồ Diễn có tiếng tăm làng Nghi Tàm, em họ quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống(1739-1785), từng đứng hàng đầu trong triều đình chúa Trịnh Sâm, từng làm Phó Sứ sang nhà Thanh. Theo Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, bài Thi Ca tr 164, quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, tước Hoàn Hậu Công là một trong ba bậc thầy trung hưng thi ca đường thời cùng Nguyễn Tông Khuê (1692- ?) và Nguyễn Huy Oánh (1722-1799). Hồ Xuân Hương người yêu đầu tiên của Đại Thi hào Nguyễn Du. Hồ Xuân Hương là thầy của Nguyễn Thị Hinh (bà Huyện Thanh Quan) cùng sinh trưởng tại làng Nghi Tàm và một Hồ Xuân Hương chật vật trong cuộc sống ăn "ở không yên ổn" và lận đận lao đao trên đường tình ái và cuối cùng là vợ thiếp vị quan Trần Phúc Hiển,Tham Hiệp trấn Yên Quảng bị tội tử hình.
Một Hồ Xuân Hương dạy học, xướng họa với 28 thi sĩ Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường và Thi Tướng Tao Đàn là quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán, và một Hồ Xuân Hương, đi đó đây, đi buôn qua những di tích: Kẽm Trống, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Quán Khánh, Đèo Ba Dội..
Trước nhất là nên trả lại danh hiệu "Bà Chúa Thơ Nôm" mà Lê Tâm, và Xuân Diệu đã gán cho Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương không cần làm vua, chúa ai. Hồ Xuân Hương chỉ nhận mình làm ăn trộm bịt tai đi trộm chuông ! Trả lại cho ông " Vua Thơ Nôm" là Vua Lê Thánh Tông. Bài thơ Đánh Đu, Chợ Trời, Đền Khán Xuân.. Thơ rõ ràng của Thiên Nam Động Chủ, khắc trên đá, chép trong thi tập Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, không thể sửa vài chữ và gán cho Hồ Xuân Hương vì làm như thế là mang tội đạo văn. Nếu cái chuông của vua Lê thì phải trả lại cho vua Lê. Sở dĩ có thơ vua Lê Thánh Tôn lẫn lộn trong thơ truyền khẩu của Hồ Xuân Hương, chỉ vì Hồ Xuân Hương là học trò Vua Lê, học thơ của vua Lê Thánh Tôn, đó là những bài thơ Hồ Xuân Hương yêu thích, thường đọc, học trò (con cháu Tử Minh) vì không biết xuất xứ nên chép lầm lẫn. Của vua Lê nên trả lại cho vua Lê và vinh danh vua Lê những bài thơ này không nên cải càng, cải bướng thơ Hồ Xuân Hương sửa chữa hay hơn thơ vua Lê Thánh Tông, nên phải công nhận là thơ Hồ Xuân Hương. Ngày nay, những người học thơ Xuân Diệu, không ai có thể lấy thơ Xuân Diệu sửa vài chữ và ký tên mình, bảo hay hơn thơ Xuân Diệu, không ai có thể làm đó với Xuân Diệu, thì không thể đạo văn Vua Lê Thánh Tông.(Xem Xuân Diệu: Hồ Xuân Hương, Bà Chúa thơ Nôm trong Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, nxb Văn Học Hà Nội 1982. ) Cũng như thế bài thơ Vịnh trái mít của Đặng Thị Huệ đã chép trong Minh Sử, bài thơ Rắn của Lê Quý Đôn, các bài thơ chép đề rõ ràng của Chúa Trịnh Sâm cũng nên trả về cho "Ông Chúa Thơ Nôm". Các bài tồn nghi chưa tìm ra xuất xứ, thì chúng ta nên để tồn nghi, để người đi sau có thể sẽ tìm ra xuất xứ liên hệ.
So sánh ngày tháng xuất hiện từng bài thơ, từng chữ bị sửa trong các bài thơ ta có thể loại bài Đánh Cờ Người mới xuất hiện trong sách Đoàn Khuê năm 1917 và những bài thơ nhảm nhí trình độ kém cỏi ra khỏi thơ Hồ Xuân Hương. Bài thơ nào của Hồ Xuân Hương thì hay ngay từ đầu không cần qua nhiều tay sửa chữa. Những bài thơ bị sửa chữa, chúng ta tìm lại nguyên gốc "hiện tượng thích sửa đổi lời ca" hay "chế bài hát " thường thấy xưa nay tại Việt Nam: ví dụ "thềm đá" đối với "cửa son" thay vì hòn đátrong bài Đèo Ba Dội. Hay những bài thơ nhằm đánh đổ Phật Giáo xuất hiện trong thời kỳ các cuộc khởi nghĩa các nhà sư Vương Quốc Chính, Nguyễn Văn Quý, Võ Trứ, Phan Xích Long bị đàn áp, bị truy lùng, khám đường chật ních các nhà sư.. trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu thời Pháp thuộc, những câu thơ mạo danh Hồ Xuân Hương đã xuất hiện : "Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo ? " "Chái gió cho nên phải lộn lèo."..
Những bài thơ sử dụng "nói lái", không nên xem là một tác phẩm văn học chính thức, đó là một đòn đánh hạ tiện của kẻ tiểu nhân, đánh lén, không phải là văn chương của bậc chính nhân quân tử. Cuối thời Lê - Trịnh đã xuất hiện nhiều chữ nói lái như: Chiêu Thống là chóng tiêu. Yến Đô là Đố Yên.. để nói Vua Lê Chiếu Thống và Yến Đô Vương Trịnh Bồng.. Các cụ nho học ngày xưa rất ghét loại chơi chữ đó. Phạm Đình Hổ trong Tuyển tập có viết một bài kích bác loại này. Không nên xem những bài có chữ nói lái hạ cấp ấy là của Hồ Xuân Hương.
Lấy gì để làm bằng chứng Hồ Xuân Hương có làm thơ đùa bỡn, và sự đùa bỡn thanh tao tế nhị và " dừng lại trong lễ nghĩa", như bài tựa Lưu Hương Ký Tốn Phong viết:
-Ông Hồ Trọng Chuyên trong Hương Biên làng Quỳnh Đôi có thuật chuyện năm 13 tuổi nhân về thăm quê cha, Hồ Xuân Hương đã xướng họa thơ với danh sĩ Dương Tri Tạn. Dương Tri Tạn đã mượn cớ Vịnh cái điếu bát để đùa với nàng:
Eo lưng thắt đáy thật xinh xinh,
Điếu ai hơn nữa điếu cô mình,
Thoát châm, thoát bén duyên hương lửa,
Cáng núc, càng say nỗi tính tình.

- Tốn Phong, trong 31 bài thơ viết cho Hồ Xuân Hương, bài số 4 viết năm 1807:
Hứng lai dã giáo thi sinh quỷ
Sầu khứ phương tri tửu hữu thần.
Vị vấn Cao Đường tri mộng khách,
Sỡ đài phong vũ ký phiêu tân
dịch:
Hứng về lại thấy thơ sinh quỷ,
Sầu đến rồi hay rượu có thần.
Ướm hỏi Cao Đường ai đoán mộng,
Gió mưa đài Sở được bao lần.
Hồ Phi Mai có cho Tốn Phong xem những bài thơ quỷ, do đó Tốn Phong mới đùa nghịch lại với nàng, Hỏi nơi Cao Đường, vị quan đoán mộng cho Sở Tương Vương, có đoán được Thần Nữ Vu Sơn giao hoan cùng nhà vua mấy lần.?
-Phạm Đình Hổ trong thơ chữ Hán cũng đã trêu chọc một thiếu nữ nhỏ tuổi hơn ông, yêu hoa mai, thích làm thơ, không ai khác hơn là Xuân Hương Hồ Phi Mai : Khi nàng " Ôm đàn cười chẳng gảy, Sợ làm ai chạnh lòng". Khi nàng đứng trước gương "uốn éo như đoạn trường "(đứt ruột), vì nàng đã yêu một công tử đang viết Đoạn Trường Tân Thanh. Khi nàng lấy chồng thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm, Phạm Đình Hổ cũng nhại thơ Thôi Hộ: Năm xưa hoa đào nở, Em tôi học cài trâm, Năm nay hoa đào nở, Mẹ gã xóm Tây gần, Em nhìn hoa mà khóc, sầu vương nét mi cong. (Xem bài Phạm Trọng Chánh, Hình bóng Hồ Xuân Hương trong thơ Phạm Đình Hổ, site Văn hóa Nghệ An, Khoahocnet, chimvietcanhnam..)
-Trong bài Xuân Đường Đàm Thoại của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San viết năm 1769 hư cấu cho Nguyễn Du và Phạm Quý Thích sống lại mỗi người làm một bài phú phúng điếu Hồ Xuân Hương.. Thác lời người mừng là Hùng Lĩnh Xuân Mai (Nguyễn Du) viết:
Vần thơ nàng chừ người ta chê là trêu chọc,
Nay bặc tiếng ngâm, chừ biết đâu là trêu chọc là văn chương ?
Thay lời người thương Hoa Đường Ngọc Như (Phạm Quý Thích):
Đền đáp nụ cười ngâm dỡn khúc,
Mười ba ba chữ nặng đau thương.
Tam Nguyên Trần Bích San còn biết tới mối tình Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du có thể viết nên trang tình sử: Lời người mừng: Tôi lúc trẻ đã có một lần giao du. Nào đàn, nào cờn nào rượu nào thơ, có thể viết nên thiên Phong tình tân lục.
MƯỜI NĂM GIÓ BỤI HỒ XUÂN HƯƠNG
Không hẹn, mà Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương cùng có tên trong sổ mười năm Phong trần, hay gió bụi. Có điều không phải Hội Chủ, thần Bạch Mi, ghi tên vào sổ Đoạn Trường như nàng Kiều. Đạm Tiên đã về cõi âm, trình qua Hội Chủ xem tường, xét hồ sơ lý lịch, lục sổ Hội Viên Hội Đoạn Trường cho nàng Kiều biết, mà do chính tác giả thổ lộ trong thơ mình: Cái án phong lưu khách lụy sầu (Phong vận kỳ oan ngã tự cư) .
Thời gian Nguyễn Du: Mười năm gió bụi (1786-1796) từ 20 đến 30 tuổi, là thời gian dinh thự cha anh bị kiêu binh đốt, hai ông anh cột trụ gia đình cùng mất, Nguyễn Du tham dự cuộc khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, Thái Nguyên, với Cai Gia Nguyễn Đăng Tiến tức Nguyễn Đại Lang, quyền trấn thủ Thái Nguyên, bị bắt và được tướng Vũ Văn Nhậm tha chết, cho muốn đi đâu thì đi. Nguyễn Du cùng Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Quýnh sang Vân Nam, rồi từ đó đi giang hồ đến Liễu Châu, qua Quảng Tây lên Trường An rồi xuống Hàng Châu, đi Yên Kinh rồi lại về Hoàng Châu, Long Châu rồi về Thăng Long. Một cuộc giang hồ muôn dậm (5000km) trong ba năm. Trở về Thăng Long, câu cá bên Hồ Tây, ở Gác Tía bên đền Khán Xuân yêu cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai, mối tình ba năm vẹn. Rồi lại phải chia tay về Tiên Điền xây dựng lại gia trang bị đốt phá trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh. Nguyễn Du làm Hồng Sơn Liệp Hộ, lại tính làm Nam Hải Điếu Đồ, toan vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh thì bị bắt. Trở ra Thăng Long thì tình duyên dang dỡ, Hồ Xuân Hương đi lấy chồng. Nguyễn Du cũng được anh Nguyễn Nể đi sứ về, cùng Đoàn Nguyễn Tuấn mai mối cưới cô Đoàn Nguyễn Thị Huệ từ đó chấm dứt cuộc đời Mười năm gió bụi.
Còn Hồ Xuân Hương: Mười năm gió bụi khởi đầu từ năm 1801 đến 1811, tôi chia làm ba thời kỳ:
1. Thời kỳ làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà (1801-1804) sống tại Vĩnh Yên: Sau khi Mai Sơn Phủ về Vinh để cậy cha mẹ hỏi cưới, lại chết trong chiến tranh, làng xóm xôn xao, nói xấu chê cười Hồ Xuân Hương. Trong cơn ly loạn trận chiến sắp xảy ra, vua Gia Long trên đường ra Bắc đánh vua Cảnh Thịnh, nhân có người học trò cũ của cha là Nguyễn Công Hoà ngỏ ý cưới, Hồ Xuân Hương nhận lời và lánh nạn lên Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), ngờ đâu lại rơi vào số phận làm lẽ, vợ cả ghen tuôn Hồ Xuân Hương có thai lại đau ốm, thân phận như nàng Tiểu Thanh, nàng viết các bài thơ: Cảnh làm lẽ. Già kén kẹn hom, Tức cảnh Tề Sở, Thân phận người đàn bà. Dệt vải , Tát nước. Năm 1804, Nguyễn Du làm Tri phủ Thường Tín cạnh Hà Nội, vợ mất. Nguyễn Du tìm về thăm Cổ Nguyệt Đường gần đó, cảnh nhà, vườn cảnh Tây Hồ hoang vắng tiêu điều vì thiếu bàn tay nàng chăm sóc. Bên song cửa Nguyễn Du viết bài Độc Tiểu Thanh Ký, khóc thương cho số phận nàng như nàng Tiểu Thanh.Bài thơ được bà mẹ đưa lên Vĩnh Yên. Sau khi nhận được bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương viết bài Giả từ Tổng Cóc, bỏ Tổng Cóc trở về lại Cổ Nguyệt Đường, Hồ Xuân Hương viết bài thơ Chơi Tây Hồ nhớ bạn trả lời bài Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du .
2.Thời kỳ mở hiệu sách (1804-1807) tại Phố Nam Thành Thăng Long: Trở về Cổ Nguyệt Đường: viết bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn trả lời bài Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du, thì Nguyễn Du đã đi về Hồng Lĩnh, một tháng nghỉ ngơi rồi vào Phú Xuân nhậm chức Đông Các.. Hồ Xuân Hương vay tiền Phạm Đình Hổ và bạn bè mở hiệu sách bán: sách, giấy bút tại Phố Nam thành Thăng Long bên cạnh trường ông Nghè Phạm Quý Thích. Viết các bài thơ: Cô hàng sách, Vịnh Tranh Tố Nữ, Vịnh cây quạt, Giễu Quan Thị, Giễu Quan Hậu. Dê cỏn.. Tốn Phong có đến thăm Hồ Xuân Hương nơi này qua sự giới thiệu của Cư Đình năm 1807.
3.Thời kỳ đi buôn các nơi: (1807-1811). Hiệu sách không lời vì bọn học trò "Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa " cứ đến ngắm bà chị " trông mòn con mắt", mà chẳng buôn bán gì, chỉ có quan Thị và quan Hậu bổ đến. Quan Thị thì thất nghiệp vì nhà Lê đã suy tàn, quan Hậu bổ thì chưa ra làm quan, lấy gì tiền mua sách, Hồ Xuân Hương đem sách, tơ lụa làng Nghi Tàm, Lĩnh đen làng Yên Thái, giấy làng Yên Thái đi bán khắp nơi, gia nhập vào tầng lớp thương nhân phụ nữ đương thời: bán cho các bá hộ, các quan các trấn hay các hội làng hội đình, tại Nam Định, Hồ Xuân Hương quen biết với Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh. Quang Tĩnh tán tỉnh nàng, năm 1809 Quang Tĩnh được đổi vào Nam, nhân đến chào từ biệt Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành, đến Cổ Nguyệt Đường từ giả nàng, một cuộc tiễn đưa dưới trăng xướng họa. Hồ Xuân Hương sẵn sàng như nàng Sãnh Nương thoát xác theo chồng nhưng Quang Tĩnh lại hờ hững. Thời kỳ này Tốn Phong cho rằng Hồ Xuân Hương vì "mẹ già nhà túng, nên nàng ăn ở không yên ổn ". Do phải chống chọi với đời thanh có tục có. Xuân Hương mang bản lĩnh của một thị dân thành thị hoà nhập vào cuộc sống mới, thơ nàng làm để vui đùa với các bạn trong cùng chuyến đi buôn. Thời kỳ đi buôn cắt nghĩa được sự ngang tàng bản lĩnh trong thơ truyền khẩu Hồ Xuân Hương, và cắt nghĩa được vì sao thơ Hồ Xuân Hương không được in ra mà phổ biến mạnh trong một địa bàn rộng lớn. Cắt nghĩa được vì sao Hồ Xuân Hương thẹn mình: cho rằng mình như ăn trộm bịt tai đi trộm chuông. Thời kỳ này Hồ Xuân Hương viết các bài: Chùa Hương, Qua Kẽm Trống, Quán Khánh, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Dỗ người đàn bà khóc chồng, Qua sông phụ sóng.. Thời kỳ này chấm dứt năm 1811, vì có loạn Đặng Trần Siêu, Vũ Đình Lục, thường chận đường cướp bóc các thương nhân vùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ và nhân người bạn thân Tử Minh mất, để lại lớp học, trước uy tín Hồ Xuân Hương, được các quan lớn đến thăm và phục tài, các thi nhân tới tấp nập thành lập tao đàn Cổ Nguyệt Đường, dù còn có người chê nàng là "thèo đãnh" nhưng làng Nghi Tàm đã hãnh diện lại mời nàng dạy học cho trẻ con (bài Cảm cựu tống tân xuân chi tác. Lưu Hương Ký).
Tại Tam Đái (Vĩnh Tường) từ năm 1811 Hồ Xuân Hương đã quen biết với Quan Tri phủ Tam Đái Trần Phúc Hiển và tháng 12 năm 1813, Trần Phúc Hiển được vua Gia Long thăng chức Tham Hiệp trấn Yên Quảng (Tỉnh Trưởng). Trần Phúc Hiển trên đường đi nhậm chức đã đến Cố Nguyệt Đường làm lễ đính hôn ra mắt bà Đồ Diễn và tiệc tiễn hành hai người xướng họa thơ với nhau: Bài Tương phùng quan Tham Hiệp Yên Quảng (Hàn danh cửu ngưỡng hỉ tương phùng) và quan Tham Hiệp đã họa lại bằng bài thơ(Hoa viện hoa nhân thử độ phùng) chép trong Lưu Hương Ký. Sau đó Hồ Xuân Hương theo chồng đến Yên Quảng rồi trở về, chờ chàng trấn nhậm xong sẽ làm lễ cưới.
Trở về Cổ Nguyệt Đường, Tốn Phong năm ấy lại thi hỏng trở ra Thăng Long, viết tiếp 20 bài tặng Hồ Xuân Hương, những bài thơ cuối cùng đành ngậm ngùi chúc nàng sớm lên kiệu hoa với chồng và từ nay có một người: Từ nay lòng khổ vì thương nhớ, Gối lạnh phòng không nỗi đoạn trường. Chẳng may sau đó bà Đồ Diễn mất, Hồ Xuân Hương phải cư tang mẹ một năm, đến năm 1815 mới theo chồng về Yên Quảng.
Ngược lại với quan điểm ông Trần Thanh Mại, năm 1964 khi tìm được Lưu Hương Ký, nên sắp xếp toàn bộ thơ truyền khẩu Hồ Xuân Hương vào thơ khuyết danh. Tôi chỉ loại trừ các bài thơ đã tìm ra tác giả, và các bài thơ xuất hiện muộn năm 1917, 1930 ra khỏi thơ Hồ Xuân Hương và chứng minh sắp xếp thơ Truyền Khẩu vào hai thời kỳ: Thời Thơ ấu: Con Cua, Vịnh Bánh Trôi, Cái Cắng.. và Thời Mười năm phong trần (1801-1811). Những bài thơ này Hồ Xuân Hương không xem là những bài thơ tình hay thơ đứng đắn mà chỉ xem là thơ đùa bởn nên không chép trong Lưu Hương Ký hay Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập.
1. NÀNG TIỂU THANH CỦA TỔNG CÓC NGUYỄN CÔNG HÒA
Năm 1801 sau khi Mai Sơn Phủ về quê ở làng Liên Cừ, Vịnh Phố (Vinh) để cậy cha mẹ hỏi cưới thì biệt tích trong chiến tranh.(Xem bài Mối tình Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ site Vanhoanghean,khoahocnet,  chimvietcanhnam ..) Vua Gia Long đã chiếm được kinh đô Phú Xuân, các tướng lĩnh Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, Nguyễn Văn Thận.. lần lượt bị bắt, hai trăm tướng lãnh Tây Sơn dũng cảm ra pháp trường nhận lãnh những hình phạt khốc nghiệt voi dày, ngựa xé.., mộ ba anh em Tây Sơn bị khai quật, đầu lâu bị lấy làm máng tiểu cho quân lính để trả thù cho các Chúa Nguyễn bị Tây Sơn giết, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc. Vua Gia Long đuổi theo truy lùng, trận chiến khốc liệt sắp diễn ra tại Thăng Long. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế, những tiếng đồn thì thầm to nhỏ lại chê cười Hồ Xuân Hương, mỉa mai nàng có cái số tướng "sát phu" hết anh Lang làng Nghi Tàm chết, nay đến Mai Sơn Phủ chết. Bài Tự Thán I trong Lưu Hương Ký, Hồ Xuân Hương viết:
" Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt,
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn,
Một đời riêng mấy tiếng chua cay".
Đang lúc nàng mang tiếng chua cay " sát phu ", quán nước ế khách, Cổ Nguyệt Đường thiếu học trò, sinh kế bấp bênh, chiến tranh sắp xảy ra khốc liệt.. bổng dưng có anh chàng Nguyễn Công Hòa, học trò cũ của cha, nổi danh với tên Tổng Cóc "vác đơn đến xin tự tử" xin rước nàng về dinh, hứa hẹn xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. Có lẽ vì đến trong thời điểm nàng mang tiếng "sát phu " nên suốt mấy trăm năm bị mang tiếng Tổng Cóc chết nên Hồ Xuân Hương khóc chồng!
Theo Nguyễn Hữu Nhàn trong bài phóng sự điền dã: "Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc" theo tài liệu cụ Dương Văn Thâm cung cấp cho biết. (Hồ Xuân Hương thơ và đời. Văn Học Hà Nội. 1989 tr 218-219): Tổng Cóc là người Tứ Xã, tên là Kình, tự là Nguyễn Công Hòa. Cóc là tên gọi lúc bé để ma quỷ khỏi quấy nhiểu. Tôi không đồng ý điểm này: theo ông Đào Duy Anh. Chữ Nôm nxb KHXH, Hà Nội 1975 tr 29. Cóc nghĩa xưa có nghĩa là biết. Bài Đắc thú lâm tuyền của vua Trần Nhân Tôn có câu: "Ai hay cóc được, Cóc hay thân ảo". Như thế con cóc là con biết được trời mưa. Mưa là chuyện sống chết trong xứ nông nghiệp nước ta: Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm.. Nghe tiếp cóc kêu ta biết được trời sắp mưa: Con cóc là cậu ông trời. Ai mà đánh nó thì trời đánh cho. Trời mưa, nước ta nhà vách đất phên tre trét đất phân trâu với rạ rơm, mái tranh, cóc hay vào nhà trốn bên xó bếp, gầm giường, không ai dám đánh nó, lấy cây khều nó ra xa nó cũng quay trở lại, bắt nó thì nó xịt mọc " mụn cóc đầy tay, đầy người " ngứa ngáy rồi mọc mụn như cóc thì "xấu như cóc" chỉ ma nó lấy. Chỉ có cách lấy cái que bết tí vôi ăn trầu bôi vào đầu nó, thì nó lắc lư nhảy xuống ao đi trốn biền biệt không bao giờ dám bén mảng trở lại. Nhưng chỉ bôi vôi chín, vôi ăn trầu, chứ vôi sống bằng võ sò mới nấu, gặp nước sôi sùng sục thì cóc chết tươi, không ai báo trời mưa thì trời đánh chết nhăn răng như cóc. Trong tiếng dùng hằng ngày ngày nay còn có chữ: cóc cần, cóc biết có nghĩa là chẳng cần biết.
Tổng Cóc, làm chức Phó Tổng vốn dòng dõi Nguyễn Quang Thành, đỗ Tiến sĩ năm 1680. Tổng Cóc là một nho sinh đã từng lều chỏng, nhưng thi không đỗ, ông nhận chức phó Tổng, một chức vụ trung gian giữa quan Tri huyện và Lý Trưởng làng xã. Chức Tổng là người biết chữ để đọc sắc, sớ tế thần hay tờ lệnh của quan, hay báo cáo với quan việc làng xã, do đó Tổng Cóc không phải là người dốt như nhiều người lầm tưởng, như lời truyền tụng. Tổng Cóc là ông Tổng Biết, là người thông thái trong làng xã, có học như thầy thuốc, thầy bói, thầy địa lý.. chứ không phải là người dốt.
Tổng là một vùng gồm mấy làng hay xã, có một Cai tổng và một Phó tổng, do Hội đồng kỳ dịch các làng cử ra coi việc thuế khóa, đê điều, và mọi việc trị an trong tổng, nhất là việc đắp đê cần nhiều làng họp lại. Làng hay xã là đơn vị căn bản trong tổ chức xã hội Việt Nam, có quyền tự trị rộng rãi "Phép vua thua lệ làng "
Làng thì có đình làng, hội đồng kỳ dịch . Thời Nguyễn, trước cải cách năm 1904 thời Pháp thuộc: có Hương cả, Thủ chỉ, Hương chủ, Hương sư, Hương lão, Hương trưởng, Hương chánh, Câu đương, Hương quản, Thủ bộ, Hương thân, Xã trưởng, Hương bộ, Hương Hào. Một làng lớn chia ra làm nhiều thôn, có thôn trưởng. Làng là một đơn vị hình thành, từ một nhóm người đến khai phá một vùng đất, từ vài gia đình rồi đông dân lập thành làng. Có làng chạy dài theo một dòng sông, hay một con đường dài trên 15 cây số. Có làng chỉ vài trăm dân, nhưng cũng có làng lên đến hàng chục ngàn dân. Làng ngày xưa được bao bọc bởi một lũy tre xanh, có cổng làng. Quan tri huyện hay triều đình đến làng được tiếp rước nơi đình hay chùa làng. Khái niệm làng, ấp, xã thay đổi qua từng thời đại. Có nơi có thời kỳ lại phân chia: ba làng thành một xã, ba xã thành một tổng, ba tổng thành một huyện. Làng Khánh Hậu, ở miền Nam được các phái đoàn đại học Hoa Kỳ những năm 1960, nghiên cứu rất công phu, rất lớn có trên mười ấp, có nhiều nơi khác ấp là một làng, thôn là khu. Tuy nhiên chỉ có làng và huyện là có trị sở.
Hương cả là người cao tuổi nhất, có uy tín nhất trong làng. Thủ chỉ giữ văn khố. Hương chủ cố vấn chính trị, Hương sư: giữ nhiệm vụ trung gian giữa làng và các quan lại, Hương lão: cố vấn Hội đồng, Hương trưởng : cố vấn trong việc thi hành mệnh lệnh cấp trên, Câu đương: nhiệm vụ thẩm phán. Hương quản: hay trương tuần làm trưởng công an lo việc tổ chức thanh niên canh gác bảo vệ làng chống trộm cướp. Thủ bộ: nhiệm vụ thủ quỹ, Hương thân: chịu trách nhiệm hành chánh tổng quát, Xã trưởng: nhiệm vụ trung gian giữa làng và chính quyền, Hương bộ: giữ các sổ thuế, Hương hào: chịu trách nhiệm hành chánh cùng với Hương thân. Có Thằng mõ, là một người cùng đinh, giọng tốt đi rao cho mọi người biết tin tức. (Toan Ánh. Làng xóm Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tr 99, 100). Các làng đề cử ra Cai Tổng và Phó Tổng, quan Huyện đồng ý, nhưng Cai Tổng không có quyền bổ nhiệm làng, xã. Các chức vụ làng xã tổng không có lương, nhưng làng xã quản lý ruộng công điền, công thổ, học điền, thu thóc lúa từ người thuê mướn để tổ chức chi phí đình đám, cúng tế, mướn đoàn hát tuồng, hát chèo, tiệc tùng, giúp thầy đồ, giúp học trò nghèo. Có nơi chức vụ quan trọng được trợ cấp, tùy theo lệ làng. Việc chi thu cũng không nơi nào để lại giấy tờ sổ sách rành mạch.
Huyện thì có huyện đường, có ông quan đỗ kỳ thi Hương do triều đình bổ nhậm. Nơi quan trọng thì gọi là Phủ, như Phủ Hoài Đức gồm Thăng Long và vùng phụ cận. Vùng các dân tộc ít người gọi là Châu, có quan Tri Châu. Quan huyện sống nhờ bổng và lộc. Bổng là số lạng bạc do triều đình chu cấp, lộc là tiền thưởng của triều đình, hay lễ vật của dân chúng. Có khi triều đình thưởng bằng sắc lệnh ban cho một số ruộng, đất công điền của làng nơi quan lại sinh trưởng. Có khi cho bằng thóc lúa trên số thóc thuế thu được. Lính tráng, nhân viên thì được trả bằng tiền kẽm có lỗ, đặt trên ba cây cọc tre nhỏ, mỗi cọc là một đồng: "ba cộc là ba đồng", nên có thành ngữ "lãnh lương ba cọc ba đồng". Do độ dày tiền tốt tiền xấu do sở đúc tiền, lại phân biệt tiền gián và tiền quý. Một tiền gián có 36 đông, một tiền quí có 60 đồng. Tiền xâu vào dây vác trên vai. Đem về nhà thì bỏ trong các ống bằng sành dấu trong vách tường vôi hay chôn dưới gầm giường. Ngày xưa thường có ăn trộm khoét vách tường, rồi cầm cái cây đút cái nồi gọ vào trước, đề phòng chủ nhà phòng thủ có cái rựa chực sẳn chém đứt đầu.
Nhiều huyện hợp lại thành Trấn, có quan Hiệp Trấn, nơi trấn nhỏ như Yên Quảng thì chỉ có quan Tham Hiệp, năm 1831 đời Minh Mạng mới đổi thành Tỉnh danh từ này tồn tại cho đến ngày nay. Huyện thì có huyện đường, làng thì có đình làm trụ sở. Còn chức Tổng, coi nhiều làng, có nơi ba bốn làng, có nơi chín mười làng, chỉ là chức trung gian truyền lệnh từ quan Tri huyện xuống làng xã do Hội đồng Hương chính bầu ra, Hội Đồng Hương chính do dân bầu ra, dân đi bầu gồm những người đàn ông có thế lực, tài sản, trai tráng có sổ đinh đóng thuế. Đàn bà, con trẻ, tôi tớ, dân cùng đinh, dân mới nhập cư không được bầu. Các làng xã cử người làm Cai Tổng với sự đồng ý của quan huyện. Cai Tổng thường là người giàu có, có chút chữ nghĩa, không bận rộn trong việc cày cấy vì có tá điền hay trai bạn làm thuê, nên có thì giờ đi hầu quan huyện và công việc là hàng ngày vác ô đi ăn tiệc đình làng, hay ăn đám giổ các nhà giàu. Do bận công việc phải đi ăn giỗ mỗi ngày như thế. Tổng Cóc giao hết việc nhà cho bà cả. Căn nhà Tổng Cóc đã cưới Xuân Hương hiện nay là nhà ông Kiều Phú, xã Sơn Dương, xã này nay cạnh Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú, xưa thuộc Vĩnh Yên. Vách ván bằng gỗ còn lờ mờ vết chữ của Xuân Hương. Trên bàn thờ gia tiên của ông Bùi Văn Thắng, xã Tứ Mỹ, còn đôi bình bằng gỗ mít, bị cưa chổ loe miêng. Trên mỗi bình còn hai câu thơ chữ Hán chính tay Xuân Hương viết:
Thảo lai băng ngọc kính,
Xuân tận hóa công hương.
Độc bằng đan quế thượng,
Hào phóng bích hoa hương.
dịch:
Tấm gương trong như ngọc,
Cũng chịu lúc tàn xuân.
Lúc vin cành quế đỏ,
Hào phóng tỏa hoa hương.
Nhà thờ họ Tổng Cóc nay là nhà ông Nguyễn Bình Lưu, tiếc thay gia phả đã mất từ năm năm mươi, cách đây hai mươi năm, ông Lê Trí Viễn có dựa vào gia phả viết bài: "Tổng Cóc không phải là một trọc phú mà là một nho sĩ từng có phen lều chiếu ".
Tổng Cóc đã từng xướng họa với Xuân Hương. Xuân Hương ra vế: Tối ba mươi khép cánh càng khôn, kẻo ma vương đưa quỷ tới. Tổng Cóc đối: Sáng mùng một mở then tạo hóa, để cho thiếu nữ rước xuân vào.
Khi về Vĩnh Yên, Hồ Xuân Hương mới nhận ra cái cảnh lấy chồng chung, một tháng đôi lần: Tổng Cóc dày vò, hùng hổ như chó ngao nhưng làm tình thì như chuột vọc, có như không, nàng tưởng rằng cố chịu đấm ăn xôi, nhưng chẳng ngờ xôi lại hẩm, chẳng ăn được. Nàng chỉ là người làm mướn không công, dưới sự chỉ huy cai quản của vợ Cả Tổng Cóc, nàng tự than biết thế thì thà ở vậy cho xong:
LẤY CHỒNG CHUNG
Kẻ đắp chăng bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm khi mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
Chú thích:
Có bản chép câu: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung là câu đầu nhưng viết như thế là trật niêm luật.
Tổng Cóc rất nhát với vợ cả khi chiều chuộng nàng thì nói thế này, nhưng khi gặp vợ cả thì nói khác. Xuân Hương viết:
TỨC CẢNH TỀ SỞ
Đằng quốc tôi nay phận nhỏ nhen,
Hai bên Tề, Sở giữa mà len,
Ngoảnh mặt lại Tề e Sở giận,
Quay đầu về Sở sợ Tề ghen.
Chú thích: Ca dao có câu: Em là con gái họ Đằng, Bên Tề bên Sở biết rằng theo ai ?
Nước Đằng là một nước nhỏ, kẹt giữa hai nước lớn Tề, Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc, kẹt giữa hai nước lớn, theo Tề thì Sở giận, theo Sở thì Tề giận. Ở đây nói cảnh một chồng hai vợ, khi vợ lớn, vợ bé không biết nói đàng nào. Bài thơ cho thấy Hồ Xuân Hương cũng không vừa là nước lớn ngang hàng với vợ Cả, Tổng Cóc chỉ có xuống nước nhỏ, có khi cóc thành chuột vọc chẳng nên cơm cháo gì !
Đôi khi Xuân Hương tự trách mình vì quá kén chồng nên ra thế này, câu Tiếc dĩa hồng ngâm cho chuột vọc, nói lên sự thật phủ phàng tình ái của nàng. Thời đó chưa có giống hồng dòn như ngày nay, trái hồng hái lúc còn chát trên cây, đợi hồng chín rớt xuống thì vỡ nát, hồng muốn ăn phải ngâm nước nóng cho hết chát, hồng thơm tho, tinh khiết, ngọt ngào, mà Tổng Cóc chẳng biết thưởng thức, chỉ vọc nhấm nhá, liếm láp chút đỉnh rồi bỏ đi, mâm bánh ngọt nào phải của thừa mà chó ngao vầy vò cho phí của.
GIÀ KÉN KẸN HOM
Bụng làm dạ chịu trách chi ai,
Già kén kẹn hom, ví chẳng sai.
Tiếc dĩa hồng ngâm cho chuộc vọc,
Thừa mâm bánh ngọt để ngao vầy.
Miệng khôn, trôn dại đừng than phận,
Bụng ỏng lưng eo chớ trách trời,
Đừng đứng núi này trông núi nọ,
Đói lòng nên mới phải ăn khoai.
Chú thích:
Tục ngữ có câu: Già kén kẹn hom, lấy phải thằng còm cho sáng mắt ra. Kén chồng mãi thì khi quá lỡ thì lấy chồng chẳng ra gì. Không biết Tổng Cóc có còm như cóc không, không thấy ai nói đến.
Ngao vầy: nhiều bản chép ngâu vầy, tôi cho là vô nghĩa, Ngao là loài chó lớn hùng hổ đối với chuột, chuột vọc đối với ngao vầy.
Bài thơ là một tuyệt tác trong việc sử dụng thành ngữ: Bụng làm dạ chịu, Già kén kẹn hom, Hồng ngâm chuột vọc, Miệng khôn trôn dại, Đứng núi này trông núi nọ.
Bài Thân phận đàn bà, Xuân Hương phân trần cùng vợ cả. Chồng con là cái nợ, chị cũng khổ sở, thân phận đàn bà là thế đó.
THÂN PHẬN ĐÀN BÀ
Hỡi chị em ơi có biết không?
Một bên con khóc một bên chồng.
Bố cu lõm ngỏm bò trên bụng,
Thắng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tất cả những là thu với vén,
Vội vàng nào những bóng cùng bông.
Chồng con cái nợ là như thế,
Hỡi chị em ơi có biết không ?
Câu thơ " Bố cu lõm ngỏm bò trên bụng, thằng bé hu hơ khóc dưới hông " cho ta liên tưởng đến câu ca dao : " Trong khi lửa tắt cơm sôi. Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem ". Lợn đòi quyền lợi của Lợn, con đòi quyền lợi của con, chồng đòi quyền lợi của chồng. Người phụ nữ vật vã phải thỏa mãn ba quyền lợi cùng một lúc : đặt ngang ông chồng, với lợn, với con quả đảo lộn luân thường đạo lý Khổng Mạnh. Người phụ nữ bản lĩnh nào dám viết như thế ? Phụ nữ Trung Quốc thời nhà Thanh phải bó chân, đi đâu cũng kiệu son, người rước người đưa, gọi là " gót sen vàng diễm ảo " đi đứng như trẻ thơ, để thỏa mãn tình dục cho chồng. người phụ nữ Nhật học đủ cách chiều chuộng chồng, từ rót trà đến cắm hoa, chồng đi làm về ghé qua các quán nghe ca nhi đàn ca hát xướng.. Người phụ nữ Việt Nam, vợ cả, vợ lẽ đều tất bật thu với vén, hết lợn đến cá bống, cho cá bống, cá bông ăn. Tổng Cóc vác ô đi ăn giổ về.. đòi quyền lợi như lợn, như con..
Làng Nghi Tàm, xưa đời nhà Lý, nhà vua thải cung nữ ra cho lấy chồng trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa nên có tên là Nghi Tàm, làng Ngọc Hà trồng hoa, làng Yên Thái làm giấy, dệt lĩnh đen nhưng quê Vĩnh Yên của Tổng Cóc thì trồng bông vải và dệt vải. Bài thơ Dệt vải cho ta phỏng đoán được Hồ Xuân Hương viết tại quê hương Tổng Cóc.
DỆT VẢI
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắt,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng hẹp, nhỏ to vừa vặn cả,
Ngắn dài khuông khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu.
Chú thích:
Con chò: con chim bằng gỗ để ở chỗ trên đầu, người ngồi dệt có sợi dây ở mỏ và đuôi để kéo xuống tấm go.
Ngâm cho kỹ: muốn vải tốt phải ngâm sợi trước khi dệt bằng nước hồ hay nước cơm cho kỹ. Vải dệt xong đợi ba tháng mùa thu nắng hanh dịu mới dãi nâu hoặc nhuộm mầu.
Lời thơ trong sáng như chuông tả cảnh dệt vải thanh tao như tiếng chuông, nhưng ai muốn hiểu nghĩa ăn trộm thì hiểu.
Bài thơ Tát nước, cũng trong không gian vùng Vĩnh Yên, dùng nhiều gàu giai, gàu sòng, vùng cao nắng hạn nên cần phải tát nước. Tổng Cóc có nhiều ruộng, nên khi nắng hạn cả nhà lớn bé phải xúm nhau ra tát nước cho lúa khỏi chết. Ngôn ngữ bài thơ chứng tỏ Xuân Hương có tát nước chứ không nhìn người tát nước mà làm thơ. Ở đây dùng gàu dai, dai là dây, gàu có buộc bốn sợi được bốn người kéo ở hai đầu, phải xuống thật thấp để thả gàu, rồi phải ngửa mạnh đằng sau ném mình nghiên ngửa, lưng nhấp nhỏm, đít vắt ve. Trong bài này gàu dai có ba góc chụm, sử dụng hai dây ở miệng gàu múc nước lên, một dây ở đáy để kéo cho nước đổ ra ruộng.
TÁT NƯỚC
Đang cơn nắng cực chữa mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẻo chiếc gàu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve,
Mải miết làm ăn quên cả mệt,
Dạng hang một lúc đã đầy phè.
Trong Thanh Hiên thi tập, Nguyễn Du có bài Độc Tiểu Thanh Ký nằm ở cuối tập. Các bản chép nguyên tác đều như thế. Không ai hiểu làm sao vì sao nó nằm trong thời gian Nguyễn Du làm Tri phủ Thường Tín năm 1803-1804. Một số các bài thơ khác các nhà nghiên cứu đầu tiên Thơ chữ Hán như ông Trương Chính, Lê Thước có hoán đổi vị trí một số bài thơ cho phù hợp với nhận định các ông, các bài thơ viết tại Quỳnh Hải để trước và các bài thơ cho rằng viết tại Hồng Lĩnh để sau. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tại Paris đã tìm ra toàn bộ thơ Chữ Hán Nguyễn Du tại Thư Viện Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris, gửi về tặng Viện Văn Học trong đó có tập Nam Trung Tập Ngâm không còn trong nước. Ông Đào Duy Anh đem bài Độc Tiểu Thanh Ký bỏ sang tập Bắc Hành Tạp lục, nhưng cũng không giải quyết được vấn đề, vì trên đường đi sứ năm 1813 Nguyễn Du không ghé Hàng Châu, ông lại trả về vị trí cũ cuối Thanh Hiên Thi Tập.
Một số tác giả cho rằng Nguyễn Du đã ghé thăm Tây Hồ của nàng Tiểu Thanh năm 1813, nhưng tại sao bài này không nằm kế bài Miếu Nhạc Phi, Tần Cối, Vương Thị ở Hàng Châu ?. Tôi đưa ra giả thuyết để chứng minh vì sao bài Độc Tiểu Thanh Ký nằm cuối Thanh Hiên Thi Tập.
Năm 1804. Vợ Nguyễn Du bà Đoàn Nguyễn Thị Huệ sau bốn lần sinh đã mất, ba con đầu chết non, để lại con Nguyễn Tứ , Nguyễn Du có câu đối phúng điếu vợ : " Vỗ quan tài mà than thở với hồn, đau ín nhẽ khúc cây không biết nói. Ôm hồn bạch những nỉ non cùng phách, xót xa thay tất lụa chẳng còn hơi. " 
Sau khi an táng vợ, một hôm Nguyễn Du đi thăm dân tình trong huyện Thường Tín nhân tiện ghé qua Cổ Nguyệt Đường ở Tây Hồ tìm lại người xưa, thì bà Đồ Diễn cho hay tin Xuân Hương Hồ Phi Mai đang làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hòa, nàng đang đau ốm, tâm sự như nàng Tiểu Thành đời nhà Minh ở Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc. Bên song cửa Cổ Nguyệt Đường, Nguyễn Du xúc cảm làm bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký gửi Xuân Hương Hồ Phi Mai.
ĐỘC TIỂU THANH KÝ
Tây Hồ hoa uyển tẩn thành khư,
Độc điếu song tiền, nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lũy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư,
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp tố như.
Chú thích :
Tiểu Thanh họ Phùng tên Huyền Huyền, một người con gái tài sắc, sống vào đầu thời Minh cách năm 1804 ba trăm năm lẻ. Nàng lấy lẽ một người tên Phùng, nên tránh tên chồng gọi là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen bắt ở một ngôi nhà trên núi Cô Sơn cạnh Tây Hồ, chẳng bao lâu buồn mà chết, lúc bấy giờ mới mười tám tuổi. Nay ở Cô Sơn tỉnh Triết Giang hãy còn mộ. Trước khi chết nàng có nhờ họa sĩ vẽ tranh truyền thần cho nàng, vẽ ba lần nàng mới vừa ý. Tiểu Thanh có một tập thơ nói lên tâm sự mình, nàng chết rồi vợ cả ghen đốt cả tranh lẫn thơ, còn sót lại một số bài nàng gói đôi xuyến vàng để lại cho con gái. Nhà thơ Từ Sĩ Tuấn chép lại gọi là Phần Dư Cào.
Hoa uyển : có bản chép mai uyển, theo thơ Tốn Phong trước nhà Hồ Xuân Hương ở Tấy Hồ, Nghi Tàm có trồng nhiếu mai trắng, Tốn Phong gọi nhà Xuân Hương là Mai Đình. Tại Tây Hồ, Hàng Châu của nàng Tiểu Thanh xưa cũng có một rừng mai rộng bát ngát. Lâm Bô nhà thơ đời nhà Tống đi vào rừng mai thưởng hoa lạc không biết lối về.
tố như: Theo Tự Điển Hán Việt của Thiều Chửu: Tố là tơ trắng, nghĩa bóng chỉ người có phẩm hạnh cao khiết, như là như cũ, như vậy, giống như. Như thế thì hai câu: Bách tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp tố như có nghĩa là Không biết rồi đây ba trăm năm lẽ nữa. Thiên hạ ai khóc người phẩm hạnh cao quý giống như nàng Tiểu Thanh.
Hóa ra vì cứ đinh minh tố như là tên tự hay bút hiệu, cho đến nay chưa ai tra tự điển về hai chữ tố như cả.
ĐỌC TIỂU THANH KÝ
Tây Hồ vườn cảnh đã hoang vu,
Bên cửa viếng nàng một áng thư,
So phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương vô mệnh cháy còn dư.
Mối hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách lụy sầu.
Ba trăm năm nữa trong thiên hạ,
Còn nàng ai khóc một niềm đau ?
Thơ Nguyễn Du Thanh Hiên thi tập, Nhất Uyên dịch thơ.
Nhận được bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký, từ Nghi Tàm, do mẹ nhờ người mang lên Vĩnh Yên. Hồ Xuân Hương thức tỉnh: Nàng không thể để mặc thân phận trôi theo dòng đời, buồn phiền, bệnh hoạn và mất như nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước. Xuân Hương dứt khoát từ giả Tổng Cóc nhân một chuyến ông đi chơi bài bạc nơi xa. Theo ký ức truyền lại do ông Dương Văn Thâm kể, trong bài Nguyễn Hữu Nhàn sđd tr 218 -219, Xuân Hương đang có thai 6 tháng, nàng sinh con nhưng không nuôi được con mất sớm. Sự kiện này được xác định bởi câu thơ của Tốn Phong: Xuân Hương đã sinh con sau khi trở về làng Nghi Tàm. Nàng than thở nổi khổ một mình, vất vả khi trở về và sinh con.
Tối thị hàn mai tự ái khổ,
Thiêm cư trùng lệnh nhất chi tân
Bài 15 (31 bài thơ tình Tốn Phong tặng Hồ Xuân Hương)
dịch: 
Mai lạnh vẫn thường than nỗi khổ,
Chốn dời mai đã nẩy thêm cành.
Hồ Xuân Hương trở về Tây Hồ, để lại bài thơ :
GIÃ TỪ TỔNG CÓC
Chàng cóc ơi, Chàng Cóc ơi !
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi,
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
Chàng Cóc ơi, duyên tôi với chàng chỉ có thế thôi. Từ nay tôi xin dứt tình dứt nghĩa với chàng như nòng nọc đứt đuôi thành con cóc bỏ đi. Dù chàng có cho tôi nghìn vàng, tôi như cóc bị bôi vôi rồi, không bao giờ tôi trở lại nhà chàng nữa.
Nhân gian ta có câu: Dứt tình dứt nghĩa, như nòng nọc đứt đuôi, nghĩa là bỏ nhau mà đi, ngày nay ly dị, phải ra toà án, ngày xưa chàng ăn ở không phải, thì nàng cuốn khăn gói về lại nhà cha mẹ, chàng có đến năn nỉ cũng không thèm, chẳng phải giấy tờ, luật sư gì cả. Ca dao có câu: Thà rằng chết mất thì thôi, Sống còn như cóc bôi vôi lại về. Cóc trốn gầm giường, xó bếp xua mãi chẳng đi cứ trừng mắt ngó, bôi tí vôi ăn trầu vào đầu thì bỏ đi biền biệt. Chàng trai vẫn còn hy vọng thà nàng không chết thì thôi, nàng còn sống thì như cóc bị bôi vôi, nàng chỉ bỏ về nhà mẹ thôi, có ngày nàng sẽ trở về với tôi. Ở đây thì Xuân Hương dứt khoát: chàng có cho tôi nghìn vàng , tôi cũng không về với chàng. (Tổng Cóc không phải là triệu phú xứ Huê Kỳ, không có hơn nghìn vàng để trả giá, đành mất vợ bé).
Xuân Diệu: trong Các nhà thơ Cổ Điển Việt Nam. Hồ Xuân Hương nxb Văn Học Hà Nội tr 10 cũng lầm lẫn khi viết: " Xuân Hương đã khổ lắm với người này, thì mới lấy tên Cóc ra mà day nghiến, Nòng nọc đứt đuôi, Xuân Hương bảo Tổng Cóc chết hẳn đi, chết không phản hồi, Xuân Hương muốn chôn Tổng Cóc hai lần, và bôi vôi vào, đánh dấu vào, thật là đào sâu, chôn chặt. "
Hai ông Xuân Diệu, Huy Cận rất thích người tìm ra cái sai của ông, lúc còn sống hai ông xem tôi là bạn tri kỷ, tri âm, và ông Huy Cận mỗi năm qua Paris nhiều lần, mỗi lần đến Paris xong công việc, chán những nghi lễ tiếp tân trịnh trọng, ông tìm tôi cùng đi lang thang khắp Paris như thi sĩ bụi đời, để tâm sự, ông Xuân Diệu ký thác toàn bộ di cảo cho tôi để soạn Tự điển Tình Yêu, vì tôi tìm ra những cái sai của ông.
Một thế kỷ qua các thầy cô giáo lên bảng: đời trước dạy Khóc Tổng Cóc thì đời sau cứ tiếp tục Khóc Tổng Cóc, truyền từ đời này sang đời khác. Đời trước Khóc Tố Như, đời sau cứ tiếp tục Khóc Tố Như. Cái học nước ta trăm năm qua đã quên mất chữ vấn, là hỏi ngày xưa đi đôi với chữ học : học hỏi, học vấn. Có em nào hỏi thầy cô: Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi là gì thưa thầy( cô )? Tại sao Nguyễn Du đòi ba trăm năm lẻ nữa có người khóc mình ? Ông đòi có vớ vẫn không ?
Hồ Xuân Hương trở về Tây Hồ , viết bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn trả lời bài Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du, chép trong Quốc Âm thi tuyển văn bản Landes.
CHƠI TÂY HỒ NHỚ BẠN
Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa,
Người đồng châu trước biết bao giờ.
Nhật Tân đê lỡ nhưng còn lối,
Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn thơ.
Nọ vực Trâu vàng trăng lạt bóng,
Kìa non Phượng đất khói tuôn mờ.
Hồ kia thăm thẳm sâu dường mấy,
So dạ hoài nhân dễ chưa vừa.
Chú thích:
Vực Trâu vàng: tích Sư Minh Không đời nhà Lý (Lý Quốc Sư) xin đồng nhà Tống về đúc chuông, tiếng chuông ngân xa, con trâu vàng trong cung điện nhà Tống ngỡ tiếng mẹ kêu chạy sang và biến mất trong khu vực nay. Nơi đây có đền Kim Ngưu, làng Nghi Tàm.
Non Phượng đất hay mõ phượng, gò đất nhỏ nhô ra ở Hồ Tây nay thuộc khu vực trường Bưởi, Chu Văn An.
Phi Mai đã trở về, em không chết như nàng Tiểu Thanh đâu ? Em đã trở về chăm sóc khu vườn Cổ Nguyệt Đường, phong cảnh Tây Hồ lại trở lại như xưa. Nguyễn Du, người đồng quê Châu Hoan với em bao giờ trở lại. Đê Nhật Tân dù lỡ như duyên em lỡ làng vẫn còn lối vào. Chùa Trấn Quốc rêu phong, nơi ta đề thơ lời thơ vẫn còn vang vọng trong ngấn nước. Nơi ta từng hẹn hò nhau Vực Trâu Vàng bóng trăng đã nhạt. Non Phượng đất phía Nam Hồ Tây khói lên mờ. Hồ kia dù sâu thăm thẳm, nhưng sao bằng lòng em nhớ chàng. Bài thơ có câu Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn thơ, Xuân Hương nhắc lại bài thơ Trấn Quốc Tự nàng làm khi đi chơi cùng Nguyễn Du khoảng năm 1793, chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập.
ĐỀ TRẤN QUỐC TỰ
Trang lâm thùy thị cánh trung nhân,
Tế tế thanh phong phiến phiến huân.
Thủy nguyệt ba lung liên quải choát,
Hương Vân bảo thoại lộ liên vân.
Tẩy không trần lự hoa hàm thoại,
Hoán tỉnh mê đồ thảo diệc xuân.
Đáo cảnh linh nhân hồi thủ vấn,
Đông nam phất tự nhạn thành quần.
dịch 
ĐỀ CHÙA TRẤN QUỐC
Ai người đến đó khách đài trang,
Nhẹ bước êm êm cơn gió Nam.
Trăng nước sóng lồng sen nõn cánh,
Khói hương tàn báu hạc bay ngàn.
Rửa niềm trần tục hoa hàm tiếu,
Gợi tỉnh niềm mơ cỏ thấm xuân.
Đến cảnh quay đầu người muốn hỏi,
Đông Nam tay vẩy nhạn tung đàn.
Thơ Hồ Xuân Hương, trong Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, Nhất Uyên dịch thơ.
Người khách đài trang trong bài là Nguyễn Du, cùng nhẹ bước đi thăm chùa Trấn Quốc, trong thời gian "chữ tình chốc đã ba năm vẹn"(1790-1793), trăng nước sóng nhẹ lồng cánh hoa sen vừa mới nở, cò bay trong mây chiều cùng khói hương, lòng lâng lâng như rửa niềm tục lụy, cây cỏ cảnh chùa cũng gọi tỉnh niềm mơ trong mùa xuân mướt xanh. Đến cảnh Xuân Hương ngây thơ quay đầu muốn hỏi. Nguyễn Du lòng đang muốn về Hồng Lĩnh để xây dựng lại từ đường, tung tay áo vẫy gọi đàn hồng nhạn, đàn chim sâm cầm bay thành đàn hướng đông nam. Tây Hồ gọi là chim sâm cầm vì tin rằng, loài chim này ăn sâm ở Cao Ly, Triều Tiên nên mập mạnh, mỗi năm tránh rét phía Bắc bay về ở Hồ Tây, Hà Nội. Sâm Cầm rợp bóng là một trong tám cảnh đẹp Hồ Tây được một thi xã đời Vĩnh Hựu (1735-1739) ca tụng trong Tây Hồ Bát Cảnh. Bài thơ này tuyệt đẹp, Nguyễn Du phục tài ứng khẩu của Hồ Xuân Hương thơ chẳng kém gì Tiểu Thanh, Tạ Huệ Liên, Tô Tiểu Muội.., nên nàng nhắc lại cùng chàng.
Trong Lưu Hương Ký, Hồ Xuân Hương còn có bài thơ không đề, tôi đặt tựa Mộng tan, nói lên tấm lòng nàng dù sâu thẳm như nước Hồ Tây nhưng " so dạ hoài nhân dễ chưa vừa" lòng thương nhớ Nguyễn Du còn sâu hơn nước Hồ Tây thăm thẳm.
MỘNG TAN
Mấy tiếng gà thôn mộng đánh tan,
Mở rèm bóng ác đã treo ngàn.
Gót hài trông thẳng người đi vắng,
Con mắt đi theo lệ chứa chan.
Nửa khắc phồn hoa xuân mải miết,
Một trời sương tuyết bóng cô đơn.
Ả Hằng biết có soi chăng nhẽ !
Mặc khách chiều thu xiếc thở than.
Bài thơ viết ngày Nguyễn Du đi về Hồng Lĩnh, Hồ Phi Mai con mắt đi theo chàng, lệ chứa chan, chàng đi mãi không về, để lại một trời lạnh giá cô đơn. Vầng trăng có soi thấu lòng đôi ta chăng, hay để mặc chiều thu, một mình nàng than thở một mình.
9-1-2014
Phạm Trọng Chánh
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...