Cách đây vừa đúng 63 năm, vào những tháng cuối năm 1954,
trong không khí chia tay bịn rịn giữa người đi kẻ ở nhằm thi hành Hiệp định
Giơ ne vơ; dưới những tàn dừa xanh Bồng Sơn (Bình Định), có một chàng thanh
niên 24 tuổi của Đoàn Văn công Quân khu V đã đứng giữa đám đông hô Bài chòi một
bài thơ mình vừa sáng tác làm lay động lòng người và đã được đồng chí Nguyễn
Chánh - Chính ủy Quân khu V lúc bấy giờ trực tiếp trao Huy hiệu Hồ Chủ tịch. Đó
chính là chàng thanh niên Hồng Mão. Và bài hát ấy là bài “Em vẫn đợi chờ anh”
trong bối cảnh chia tay của nhiều cặp vợ chồng son trẻ. Người vợ ở lại miền
Nam, người chồng tập kết ra miền Bắc với lời ước hẹn sắc son:
Hẹn ngày gặp dưới trăng thanh
Ôm trăng bên rặng dừa xanh quê mình.
Nhưng không phải đợi đến lúc ấy, người ta mới biết đến nghệ
nhân Hồng Mão! Sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo bên bến Tam Thương (Cửa
Bắc, thành phố Quảng Ngãi), trưởng thành trong sự dắt dìu của một người cha có
giọng Hò khoan say đắm lòng người, 16 tuổi đầu, chàng thiếu niên Nguyễn Hồng
Mão đã là đội viên Đội Văn nghệ xã Nghĩa Lộ. Và con đường nghệ thuật của anh bắt
đầu từ ấy cho đến hiện nay với danh hiệu cây bút lão thành 87 tuổi đời của làng
thơ Quảng Ngãi.
Tập kết ra Bắc, với tài năng thiên bẫm, đầu năm 1955, anh được phân công về Đài
Tiếng nói Việt Nam, làm biên tập Chương trình Dân ca nhạc cổ. Sự nghiệp sáng
tác dân ca chuyên nghiệp của anh bắt đầu từ đó. Mà dân ca khởi phát từ ca dao
dân gian, và vì vậy, có thể nói, sự nghiệp thơ ca của anh cũng khởi phát từ những
bài dân ca do chính anh sáng tác:
Nhìn lên tấm bản đồ Tổ quốc
Quê hương tôi - khúc ruột miền Nam
Nhớ Khu năm - nhớ Hải Vân
Đèo chen dốc ngược sương lam giăng màn (Nhớ Khu Năm - 1957).
Từ năm 1962, nhằm kịp thời phục vụ cuộc chiến đấu của nhân
dân miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng A ra đời, lập tức anh được biệt phái
sang công tác ở đó. Đây là thời gian mà anh tự gọi là mình là một “ẩn sĩ” cho
dù những bài ca của anh luôn vang vọng trên làn sóng làm nức lòng cả nước. Cũng
chính vì lẽ đó mà một Đài Phát thanh của miền Nam tồn tại ngay giữa lòng thủ đô
Hà Nội, nhưng kẻ thù ráo riết truy lùng vẫn chẳng biết tìm nó ở đâu! Và cũng từ
làn sóng phát thanh bí mật ấy, để kịp thời phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân
và dân miền Nam, bên cạnh tiếp tục sáng tác Dân ca Khu V, anh tự mày mò và sáng
tác những bài Cải lương Nam bộ trực tiếp phục vụ cuộc kháng chiến ở Nam bộ và kể
cả các làn điệu Chèo để phục vụ nhân dân miền Bắc. Hòa bình, thống nhất, thoát
khỏi giai đoạn “ẩn sỹ”, Hồng Mão về làm Phó ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt
Nam. Đến năm 1988, anh được điều động vào làm Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam 2
tại thành phố Hồ Chí Minh (về sau là Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam ở
phía Nam). Năm 1996, Hồng Mão chính thức nghỉ hưu và đến 2007, anh về định cư tại
quê nhà (Thành phố Quảng Ngãi).
Với một bài viết ngắn, thật rất khó để tái hiện đầy đủ chân dung một nghệ sĩ đa
tài, đa diện như Hồng Mão. Suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp sáng tác và biểu
diễn dân ca, là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho Chương trình
Dân ca nhạc cổ của Đài Tiếng nói Việt Nam, có thể nói, Hồng Mão là một nghệ
nhân thực thụ có công lớn trong sự nghiệp giữ gìn và phát triển dân ca và nhạc
cổ truyền dân tộc. Ở đây, chúng tôi xin chỉ được khắc họa chân dung thơ Hồng
Mão.
1. Sinh
năm Canh Ngọ (1930), anh tự ví mình là “con ngựa gian truân” trên nẻo đường vặn
dặm của thơ ca, nghệ thuật. Hồn thơ của anh chỉ thực sự được khai thông trở lại
sau khi đất nước thanh bình, đặc biệt là những năm tháng giã từ công việc để về
lại với quê hương. Xét về thơ, những bài thơ hay của anh chính là những bài viết
về quê hương yêu dấu của mình. Anh yêu quê đến tưởng chừng như suốt cả thời
gian xa quê của cuộc đời mình lại chỉ càng khiến cho lòng yêu quê hương thêm
sâu sắc. Điều này lý giải vì sao, công tác lâu năm ở Hà Nội, con cháu đã định
cư ở Thủ đô mà khi rời thành phố Hồ Chí Minh về hưu, hai vợ chồng già dắt díu
nhau về định cư bên bờ Nam sông Trà Khúc! Cái tâm trạng trở lại quê hương của
anh quyện chặt với những kỷ niệm khôn nguôi về một thời quá khứ khổ nghèo:
Con về cha khuất núi rồi
Mẹ thân yêu đã về nơi vĩnh hằng
Chị - Anh rời bỏ trần gian
Mang theo bao nỗi nhọc nhằn khổ đau.
“Khổ đau” là thế sao anh lại tự nguyện trở về với cái nơi đã
từng đau khổ ấy? Đó chính là cái tình quê. Đọc hai câu thơ này của anh, ta mới
hiểu hết cái tình nghĩa thẳm sâu của hai tiếng quê hương thiêng liêng réo gọi:
Buồn vương - một cánh chim trời
Về quê - nhưng phải tìm nơi ngủ nhờ (Về quê).
Không ngoa ngữ chút nào đâu, tôi xin cam kết với mọi người rằng,
đây là hai câu Lục bát đầy hồn vía quê hương, lay động cả đến nơi sâu thẳm nhất
của trái tim người đọc. Hòa bình, thống nhất về với quê, nhưng mẹ cha, người
thân đã biệt bóng; ngôi nhà cũ cũng chẳng còn, phải tìm chỗ để ngủ nhờ trên
chính quê hương mình… mới thấy hết cái sự hy sinh của những con người dấn thân
đi làm cách mạng, nhận thức đến ý nghĩa tột cùng của lòng yêu tha thiết quê
hương. Đúng là:
Cuối đời - về với quê hương (Thành phố Quảng Ngãi trong tôi).
Hòa bình, về quê, anh cảm nhận một cách đớn đau cảnh xác xơ của
quê hương sau cuộc chiến; những thắng cảnh kỳ vĩ, thơ mộng của một thời, nay phủ
ngập một màu tang tóc:
Sơn Mỹ phủ trắng màu tang
Sông Trà cạn dòng nước bạc
Thiên Bút phê vân ngơ ngác
Thiên Ấn niêm hà ưu tư
Đâu còn câu hát hố, bài chòi
Khúc ca buồn vương phố thị
Tan nát La Hà kỳ vĩ
Rào gai khóa chặc con tim (Thành phố Quảng Ngãi trong tôi).
Nhưng rồi gian khổ cũng đi qua, dù còn lắm những gian nan trên bước đường dựng
xây đất nước, nhưng Hồng Mão vẫn vững một lòng tin tưởng vào con đường phía trước
của quê hương:
60
năm, xa mẹ, xa cha
60 năm, bàn tay ta tự lập
60 năm, vượt đạn bom, áo cơm, bão táp
60 năm, vun đắp một mối tình
Phía trước Quê hương vẫy gọi Em và Anh (60 năm một mối tình).
Trong bức thư tay anh gửi tôi đề ngày 09/11/2017 - những ngày Quảng Ngãi và quê
hương miền Trung ngập chìm trong biển lũ của cơn bão số 12, “nằm nhà mà ngắm
mưa rơi”, anh “càng nhận biết nỗi khổ đau của bà con miền Trung quê mình”, và
thơ đã đến với anh trong nỗi đau của “con ngựa già” những ngày hưu trí mà trí
chẳng thể hưu:
Khi sông Hồng đón gió mùa Đông Bắc
Lúc Cửu Long con nước bắt đầu ròng
Là mưa dầm ập đến miền Trung
Là bão tố uốn cong vùng đất hẹp.
Trong thư, anh cũng lo cho tôi trong bối cảnh tình hình xã hội và thơ ca đương
đại sẽ khó viết về anh. Anh tâm sự: “Hồng Mão… Không phải Hồng từ Đầu mà toàn
thân đều nhuốm màu Hồng và Hồng từ những ngày còn chập chững bước vào làng thi
ca (1954)… nên anh có thể đọc được Niềm tin của tôi vào Đảng và Bác, dân tộc, đất
nước trước sau như một. Tôi biết với tình hình hiện nay,… vấn đề này có gây khó
khăn, suy nghĩ khi hạ bút viết về một người như tôi, nhưng tôi tin anh…”. Đọc
thư anh, càng thấy thương quý tình anh đối với một kẻ hậu sinh như tôi. Nhưng
anh không lo, chính thơ anh là giọt máu hồng đọng mãi trong thế hệ hậu sinh một
tình yêu quê hương thiết tha và bất diệt:
Phiêu dạt mười phương
Cuối đời - con lại về bến Tam Thương quê mẹ
Đọng mãi trong tôi một giọt máu quê hương (Bến Tam Thương).
“Giọt máu quê hương” đọng lại trong anh chính là cái “Bến Tam Thương” nơi anh
sinh trưởng, là một giọt máu hồng trên bản đồ chữ S Việt Nam. Hồng từ Đầu đến cả
toàn thân như anh cũng đáng một màu hồng làm sáng lên chất thơ của một hồn thi
sĩ. Người Cộng sản chân chính chính là người thi sĩ nhất vì họ rung cảm cùng và
nói lên được nỗi đau của đất nước, con người. Hồng được như thơ anh cũng xứng
đáng để thế hệ chúng tôi học cách hồng anh Mão ạ!
Không chỉ nặng nợ ân tình với nơi chôn nhau cắt rốn, hồn thơ Hồng Mão còn chan
chứa tình thương yêu trên mọi nẻo quê hương. Từ “đỉnh Fansipan lộng gió” “đến với
Sa Pa” - “thành phố trong sương”, xuôi tận chót “Mũi Cà Mau… đón gió Thái Bình
Dương”… qua “Tuần Châu bạc đầu sóng gọi”, lên “Đà Lạt tôi yêu… với màu hoa Dã
quỳ vàng” và đặc biệt là về với thủ đô ngàn năm văn vật:
Chưa được một giờ bay
Anh và em
Đã chạm tay vào năm cửa ô Hà Nội (Chạm tay).
Và vân vân các miền quê khác. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi
sáng tác dân ca của cả ba miền, ắt hẳn người viết phải lắng lòng mình để hiểu
sâu về vùng đất ấy mới gợi mở trái tim cất tiếng gọi thi ca.
2. Suốt cuộc đời dấn thân theo con đường cách mạng, cũng
như chính cuộc đời mình, thơ Hồng Mão dù có những lẫn lộn vui buồn trước cuộc đời
dâu bể vẫn sáng tươi những giọt hồng thủy chung, son sắt. Đó là “Một mối tình”
đã gắn bó giữa tình riêng với nghĩa chung trên suốt cuộc hành trình dài dằng dặc:
Hồi nhớ lại tháng ngày rời quê mẹ
Để lại sau lưng nắng xế trăng tà
Trà Khúc, Lại Giang nước pha máu lệ
Nửa thân mình Tổ quốc - mù sa.
Đường tập kết đưa ta ra miền Bắc
Anh về Thủ đô - Em dạt Thành Nam
Nhớ quê nội, buồn thương dằn vặt
Cái rét đầu đời, quặn thắt tim gan (Một mối tình).
Đó là người luôn luôn đặt lợi quyền của Tổ quốc, nhân dân lên
hàng đầu với những vần thơ sảng khoái niềm tự hào như một lời tuyên ngôn thủy
chung cùng đất nước:
Việt Nam
Dân tộc hiền như đất
Trước lũ xâm lăng - không bao giờ cúi mặt
Gắn bó với sự nghiệp chung, Hồng Mão đã có những vần thơ đầy ân tình cùng Đảng
cho dù anh thừa biết trên con đường đi tới ắt vẫn sẽ còn lắm vất vả, gian
truân:
Là những người yêu nước, thương dân
Mang nặng trong lòng trái tim Cộng sản
Chưa thể yên vui, khi trong vùng ánh sáng
Lãng đãng mây đen, loáng thoáng sóng ngầm
Giữa dòng đời còn lắm chuyện thương tâm
(Trường ca Đất nước, Nhân dân và Đảng).
Với lãnh tụ Hồ Chí Minh, cảm nhận sâu sắc sự nghiệp cùng đức
độ của Người, Hồng Mão đã có những áng thơ rất “hồng” nhưng cũng rất dịu dàng
ghi nhận một cách thật thà về một con người mà tư tưởng và đạo đức tỏa rạng khắp
thế gian như “một vồng sen đỏ”, sống mãi với thời gian dù mưa nắng bốn mùa:
Trời ngả nắng vàng đưa Hà Nội vào thu
Nắng ấm quanh lăng để Bác Hồ yên ngủ
Lăng của Người như một vồng sen đỏ
Nở suốt bốn mùa… con cháu tụ về đây (Hà Nội trong tôi).
Năm 2016, khi cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh đăng bài thơ “Đất nước mình ngộ lắm
phải không anh?” gây xôn xao dư luận. Kẻ khen cũng lắm người chê cũng nhiều.
Tôi thử trích bốn câu kết:
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Với sự mẫn cảm của một hồn thơ và là một hồn thơ “hồng” một
niềm tin về dân, về Đảng, dù chỉ là một cán bộ hưu trí bình thường, Hồng Mão vẫn
không thể lặng yên, anh lập tức có thơ trả lời câu hỏi đặt cuối bài thơ của cô
giáo trẻ:
Đất nước mình “Ngộ” lắm đó… phải không?
Một ngàn năm trong vòng “Bắc thuộc”
Vẫn vẹn nguyên điệu hát chèo tha thướt
Thấm đượm lời ru thao thức đêm đêm…
… Đất nước mình “Ngộ” lắm phải không em
Dẫu biết hy sinh, vẫn tìm về phía trước
Cỡi áo trao nhau khi lìa Tổ quốc
Nắm đất mang theo để nhớ nước, nhớ nhà
(Đất nước mình “Ngộ” lắm phải không em!).
Đúng là những vần thơ rút ruột viết ra, thấm đượm sắc hồng suốt một cuộc đời thủy
chung cùng đất nước.
3. Trở về với cuộc sống thường ngày, Hồng Mão là một người
nghệ sĩ trọn vẹn ân tình trong lòng bè bạn, trọn đạo nghĩa vợ chồng và tình yêu
thương con cháu. Nói với cháu con, Hồng Mão cũng thủ thỉ bằng một chất liệu
giáo dục vừa nhẹ nhàng vừa đầy tình cảm và trách nhiệm. Với con:
Mặc áo vá đến trường cùng chúng bạn (Một mối tình).
Với cháu:
Ông đã đi - đi khắp ba miền
Một góc quê cha chìm trong nỗi nhớ
Mái tóc xanh hoen màu đạn lửa
Đêm nằm mê súng nổ quanh mình
… Cháu nội ông bà cầm tinh con ngựa
Nước có giặc phải là chiến mã
Đất bình yên phải hóa rồng vàng (Ông và cháu).
Trong tình cảm riêng tư dù lỡ mối duyên đầu, đến với lương
duyên mới, anh vẫn thật thà tâm sự, nói thật lòng mình như một sự hàm ơn:
Gần suốt cuộc đời - Anh mang nặng tình em
Lỡ bước sang ngang - gặp thuyền nhân ái
Sáu mươi năm buồn vui trang trải
Thắp sáng chữ Tâm, một cõi Đi. Về (Một mối tình).
Và anh cũng không thiếu những câu thơ rất trẻ trung và đầy lãng mạn về tình yêu
thủy chung son sắt ấy:
Một ngày em vắng nhà
Căn phòng tia nắng át
Một tuần em vắng nhà
Bữa cơm ăn lưng bát
Một tháng em vắng nhà
Giấc ngủ chẳng tròn canh
Một năm em vắng nhà
Trái tim anh muối xát (Nắng rát).
Với bạn bè, đặc biệt là những bạn thơ, anh dành cho họ một sự tri âm và trân trọng
không phân biệt thứ bậc, tuổi tác, sang hèn. Phải là một người thơ thực thụ, Hồng
Mão mới cảm nhận được để trút nỗi nhớ thương, kính trọng của mình với những bậc
tài danh, vừa khái quát vừa cụ thể ân tình:
Lưng tựa tháp Chàm nhớ Chế Lan Viên
Về Vỹ Dạ không quên Hàn Mặc Tử
Vượt núi leo đèo đọc thơ Tố Hữu
Hồn Nguyễn Du mát rượi đến nao lòng
Thơ tình gửi em viết dưới tán rừng
Câu nhớ câu thương vấn vương Xuân Diệu
Nghe tiếng hát tuồng giãi bày trung hiếu
Đào Tấn Mãi còn với điệu Nam Xuân (Khúc ruột miền Trung).
Có thể nói, phần lớn thơ Hồng Mão thuộc dạng thơ chính luận, gắn chặt với hiện
tình đất nước, thở trong hơi thở của cuộc đời, cho nên thơ anh nặng về chất tự
sự. Điều này cũng dễ hiểu bởi xuất phát điểm của hồn thơ anh là làm thơ để hát
lên là chính. Nhưng cho dù nặng chất tự sự của dân ca, Hồng Mão vẫn có những
bài, những đoạn những câu đủ sức níu giữ chất thơ giữa bộn bề sự kiện. Đã gần
90 tuổi đời, Hồng Mão vẫn khiêm tốn thốt lên những lời thơ, mà theo tôi, mỗi giọt
thơ anh là một giọt hồng ngời lên sắc đỏ thủy chung, đầy tình cảm và tinh thần
trách nhiệm trước vận nước, trước cuộc đời:
Hãy làm một đóa hoa
Dẫu hương tàn sắc nhạt
Đừng làm chiếc lá bạc
Quay cuồng trong gió hoang (Gởi cô gái thành đô).
Xóm Chòi Dầu, Quảng Ngãi sáu Bão số 12/2017
TRANG THƠ HỒNG MÃO
Một ngày em vắng nhà
Căn phòng tia nắng át
Một tuần em vắng nhà
Bữa cơm ăn lưng bát
Một tháng em vắng nhà
Giấc ngủ chẳng tròn canh
Một năm em vắng nhà
Trái tim anh muối xát.
Tháng 2/1994
ĐÀ LẠT TÔI YÊU
Đà Lạt tôi yêu
Thành phố của ngàn hoa
Sáng phơ phất hương xuân
Trưa nắng hè oi ả
Chiều nghiêng giọt mua thu
Đêm - sương giá giăng màn
Đà Lạt tôi yêu
Thành phố thở gió ngàn
Màu hoa Dã quỳ vàng “Đồi thông hai mộ”
Đôi tình nhân sánh vai bên “Hồ Than Thở”
“Thiền viện Trúc Lâm”, chuông chiều đổ thu không
Đêm nằm nghe
“Thác Prenn” hối hả tuôn giòng
Đà Lạt tôi yêu
Hoa phượng tím đường cong góc phố
Cô gái học trò, tóc cài hoa phượng nở
Gió đẩy đưa - hoa cặp bờ môi
Tiếng ve râm ran… trỗi khúc nhạc đường đời
“Cam ly! Cam Ly!”… mùa mưa nước nổi
Bọt trắng tung bay
Vương mái nhà ai… phố, vườn, đồng nội
Gieo mát lành - xua bớt nỗi gian lao
Đà Lạt vươn cao… Rộng cánh tay chào
Khách muôn phương về với Đà Lạt ngàn hoa đang nở rộ
Thành phố của Cao nguyên
Đêm đêm điện thay trăng sáng tỏ
Nâng bước em đi quanh “Hồ Xân Hương”
Huyền ảo mơ màng
Đà Lạt tôi yêu
Dẫu hoa tàn… vẫn sực nứt mùi hương…
Đà Lạt, tháng 7/2016
ĐẤT NƯỚC MÌNH “NGỘ” LẮM PHẢI KHÔNG EM!
Đất nước mình “Ngộ” lắm phải không em
Bốn ngàn năm - đi trên đất bỏng
Bốn ngàn năm - vượt qua biển động
Vang vọng câu hò - Hy vọng - Ước mong…
Bão tố không sao ngăn được Lạc Long
Tay bế tay bồng đàn con xuống biển
Mười tám vua Hùng đất Rồng Tiên bay liệng
Một cõi Văn Lang - Văn hiến Lạc Hồng
Đất nước mình “Ngộ” lắm đó… phải không?
Một ngàn năm trong vòng “Bắc thuộc”
Vẫn vẹn nguyên điệu hát chèo tha thướt
Thấm đượm lời ru thao thức đêm đêm
Đất nước mình “Ngộ” lắm phải không em
Cọc Bạch Đằng giang xuyên tim bầy giặc Thát
Một Quảng Trung - quân nhà Thanh tan tát
Chui rúc ống đồng mong thoát thân… hèn
Đất nước mình “Ngộ” lắm phải không em
Dẫu biết hy sinh, vẫn tìm về phía trước
Cỡi áo trao nhau khi lìa Tổ quốc
Nắm đất mang theo để nhớ nước, nhớ nhà
Đất anh hùng vang mãi khúc quân ca
Triệu triệu con người xông ra tiền tuyến
Thân xác chôn vùi lòng sông đáy biển
Rực sáng lên… hai tiếng Việt Nam
Đất nước mình “Ngộ” lắm đó… phải không?
Pháp, Mỹ cuốn cờ, Bắc Nam chung đất Tổ
Đảng tiên phong - vầng dương chói lọi
Việt Nam ơi! Một cõi Đi… Về
Đường đời… tránh sao được tiếng Khen, Chê
Chỉ mong em tìm về vùng sáng
Tìm nhân tài - khi quê hương vượt cạn
Tìm yêu thương trong thác loạn xa hoa
Tìm nụ cười khi bóng xế trăng tà
Tìm niềm vui lúc đường xa gánh nặng
Đời là thế! Đảng ta là thế
Sinh ra đâu phải để sống nhờ
Nếm trải đắng cay mới tìm được bến bờ
Vinh - Nhục - Nghèo - Giàu đang chờ ta phía trước
Bốn ngàn năm lao đao dựng nước
Bốn ngàn năm quyết vượt đầu thù
Mỗi tấc đất giang sơn - một dòng máu đổ
“Ngộ” lắm phải không em? Hoa sen đỏ Việt Nam
Phía trước chúng ta… Còn lắm thác ghềnh
Dẫu là đường cao tốc - vẫn còn ổ gà - ổ voi đứt gãy
Mong em góp phần làm sạch đường quang bến bãi
“Ngộ” lắm phải không em? Người con gái Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét