Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Nguyễn Du chia tay Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Sĩ Hữu tại Liễu Châu 1788

Nguyễn Du chia tay Nguyễn Đại Lang, 
Nguyễn Sĩ Hữu tại Liễu Châu 1788
Nguyễn Du gọi cuộc đời từ 20 đến 30 tuổi của mình là "Mười năm gió bụi" (1786-1796), gia phả và sách vở giáo khoa trăm năm qua lại viết 10 năm đó ông sống tại quê vợ. Thế thì những địa danh Nguyễn Du viết trong thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi Tập: Liễu cao lâm, Trung Châu, Giang Hán, Giang Nam, Giang Bắc, Nam Đài, Long Thủy... nằm ở đâu? Nguyễn Du có hư cấu tưởng tượng mình đi du lịch, lúc nằm ở Quỳnh Hải, Thái Bình không? Thơ chữ Hán là những trang nhật ký của Nguyễn Du. Tôi sắp xếp thời gian, khung cảnh bước đường, từng trang nhật ký đó và đi Trung Quốc du lịch, nghiên cứu sách vỡ địa lý từng nơi và khám phá ra những bước chân giang hồ của Nguyễn Du: từ Thái Nguyên sang Vân Nam, đến Liễu Châu đi Trường An xuống Hàng Châu, lại lên Bắc Kinh, xuống Hoàng Châu gặp Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ Tây Sơn, Nguyễn Du về Long Châu và trở về Thăng Long. Ba năm yêu cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai nơi Gác Tía cạnh đền Khán Xuân, rồi lại về Hồng Lĩnh, bị quận công Thận Tây Sơn giam 3 tháng vì toan vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh. Nguyễn Du ra Thăng Long trong cuộc tình lỡ làng,người yêu đã đi lấy chồng anh Lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Du tìm đến nhà người bạn văn chương Đoàn Nguyễn Tuấn rồi mới về Quỳnh Hải, Thái Bình cưới vợ chấm dứt 10 năm gió bụi.
Nguyễn Đại Lang tên thật là Nguyễn Đăng Tiến tước Quản Vũ Hầu, trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí gọi là Cai Gia, gốc người Choáng (người Việt Cổ) vùng Quế Lâm, Quảng Tây, nguyên là một tay "giặc già" phản Thanh phục Minh thất bại sang Việt Nam đầu quân dưới trướng Nguyễn Khản(1734-1786), Tiến Sĩ, Thượng Thư Bộ Lại, anh cả Nguyễn Du, dùng làm tân khách (thuộc hạ) dạy võ cho các em. Nguyễn Đại Lang kết nghĩa sinh tử với Nguyễn Du và có lẽ lớn tuổi hơn cả Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi) nên Nguyễn Du gọi là Đại Lang, anh cả.. Khi Nguyễn Khản làm Thượng Thư Bộ Lại (Tể Tướng) kiêm trấn Thủ Hưng Hóa và Thái Nguyên. Tại Hưng Hóa, Nguyễn Khản giao binh quyền cho con rễ Nguyễn Huy Tự (Tác giả Hoa Tiên, con Nguyễn Huy Oánh) và hai em Nguyễn Trứ, Nguyễn Nghi (tác giả Quân Trung Đối). Tại Thái Nguyên binh quyền giao cho Nguyễn Đăng Tiến quyền Trấn thủ cùng Nguyễn Du(1766-1820) và Nguyễn Quýnh(1761-1791) nắm giữ đội quân quan trọng nhất.
Theo Lê Quý Kỷ Sự của Sử Thần Nguyễn Thu :Khi Vũ Văn Nhậm, tướng Tây Sơn, ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Đăng Tiến khởi nghĩa cùng với những người Hoa sang khai mỏ tại Tư Nông, Thái Nguyên.. Tiến và người " em họ " tước Đô vũ bá (theo tôi là một tước của Nguyễn Quýnh vì có sự liên hệ cùng nghĩa giữa chức Trấn Tả Đội và tước Đô vũ) bị chỉ huy Giáo bắt được đóng cũi giải về cho Vũ Văn Nhậm. Nhậm trân trọng khí khái tha bổng và cho phép hoặc đầu hàng quy thuận dưới trướng hoặc muốn đi đâu thì đi. Từ Thái Nguyễn, Nguyễn Đăng Tiến và Nguyễn Du, Nguyễn Quýnh đi ngựa sang Vân Nam vào cuối năm 1787. Đến nơi Nguyễn Du không quen khí hậu bị bệnh ba tháng mùa xuân. Hết bệnh Nguyễn Du muốn " thoát vòng trần tục " xuống tóc thành nhà sư Chí Hiên..với dự định đi Trường An và và hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Miếu Nhạc Phi, Hàng Châu. Đến Liễu Châu hai người chia tay Nguyễn Đại Lang về Quế Lâm, chốn quê cũ thăm nhà, Nguyễn Du có 4 bài thơ tiễn biệt Nguyễn Đại Lang : một bài Lưu biệt Nguyễn Đại Lang và ba bài thơ ngũ ngôn Biệt Nguyễn Đại Lang. Các bài thơ này làm khoảng tháng tư năm 1788, sau ba tháng mùa xuân bị bệnh và sau đó hành trình đi từ Côn Minh, Vân Nam sang Liễu Châu..
LƯU BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG
Tây phong qui tụ liễu cao lâm. Vì gió Tây (Tây Sơn) nổi dậy nên chúng ta lưu lạc tụ hợp nhau nơi chốn Liễu Châu rừng cao nguyên. Câu thơ này cho ta suy đoán cuộc chia tay tại Liễu Châu. Liễu Châu nằm trên đường đi từ Côn Minh, Vân Nam về Quế Lâm và có nhiều đường khác đi Trùng Khánh hay đi về Nam Ninh. Gió Tây trong thơ Nguyễn Du còn có nghĩa là quân Tây Sơn.. Ông Lê Thước trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du không nghĩ đó là thị trấn Liễu Châu, nên sửa câu Tây phong qui tụ liễu cao lâm thành Tây phong liêu táp phất cao lâm (gió Tây thổi vào ống tay áo khi ra về chốn rừng liễu cao.) Uống cạn chén rượu biệt ly nói chuyện cho tới đêm khuya. Trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn.. Ở đất khách cùng bạn chia tay càng thấy bùi ngùi.. Khúc đàn cao sơn lưu thủy ai người hiểu cho. Câu thơ này cho thấy tình thân thiết giữa Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang hai người xem nhau như bạn tri âm tri kỷ.. Góc bể chân trời từ nay biết tìm anh ở đâu ? Còn đó mảnh trăng ở quê hương, đêm đến soi rõ chung tấm lòng hai ta.
CHIA TAY CÙNG ANH NGUYỄN
Gió Tây đưa tới Liễu rừng cao,
Tâm sự tàn canh chén rượu sầu.
Thời loạn thân trai gươm luống thẹn,
Bẹn bè đất khách lại xa nhau.
Cao sơn lưu thủy ai người hiểu,
Góc bể chân trời anh đến đâu ?
Còn mảnh trăng vàng quê cũ đó,
Đêm đêm soi rõ tấm lòng nhau.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LƯU BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG
Tây phong qui tụ Liễu cao lâm,
Khuynh tận ly bôi thoại dạ thâm.
Loạn thế nam nhi tu đối kiếm,
Tha hương bằng hữu trọng phân khâm.
Cao sơn lưu thủy vô nhân thức,
Hải giác thiên nhai hà xứ tầm ?
Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt.
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm.
Chú thích:
Liễu cao lâm:. Nguyễn Du cùng Nguyễn Đại Lang rời vùng núi tuyết Vân Nam, đến vùng rừng cao nguyên Liễu Châu. Liễu Châu tên xưa là Long Thành. Người Trung Quốc có câu: lấy vợ Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu. Lấy vợ ở Tô Châu vì Tô Châu có nhiều cô gái đẹp nuôi tằm dệt lụa, cuộc sống ở Hàng Châu êm đềm, Hàng Châu là một thủ đô văn hóa, kinh tế hàng đầu Trung Quốc ngày xưa, cuộc hạnh phúc, có cảnh đẹp với Tây Hồ. Quảng Châu là nơi nổi tiếng nhiều món ăn ngon, và Liễu Châu rừng gỗ quý nam mộc, gỗ tốt để đóng quan tài. Liễu Châu nổi tiếng có nhân vật Liễu Tông Nguyên(773-819), một nhà thơ, nhà cải cách chính trị đời Tống, ông làm thứ sử Liễu Châu và mất nơi đây năm 47 tuổi. Ông viết chuyện nổi tiếng người bắt rắn độc để tố cáo quan lại hà khắc hại dân hơn cả rắn độc. Liễu Châu có dòng sông Liễu Giang chảy qua. Câu nói này không biết ngày nay còn ý nghĩa không vì tại Tô Châu ngành dệt lụa nuôi tầm tập trung trong một công xưỡng kỹ nghệ to lớn để mời khách du lịch tham quan và móc túi mua hàng, dọc bờ kinh thuyền du khách đi qua năm 2009, các cô gái Tô Châu không còn giặt lụa, tôi chỉ thấy các cô gái đẹp giặt xì líp, sú chiên treo trước mũi du khách... Ăn cơm Tàu ngon bây giờ chắc phải ăn ở Vancouver hay San Francisco... Các công ty du lịch Trung Quốc, đi khắp các nơi danh tiếng các khách sạn 4, 5 sao, bữa nào cũng cho ăn mười món, xào nấu dầu mỡ giống nhau, ăn mười lăm ngày thì sợ... cơm Tàu.
Cao sơn lưu thủy: sách Liệt Tử chép chuyện hai người bạn tri âm Bá Nha, Tử Kỳ. Khi Bá Nha đàn nghĩ đến núi cao, dòng nước chảy Tử Kỳ đều hiểu cả.. Cao sơn lưu thủy là vùng Quế Lâm có sông Lý Giang chảy qua các núi đá vôi, nơi các họa sĩ vẽ tranh thủy mạc, người Trung Quốc có câu: Quế Lâm cảnh đẹp nhất trần gian. Dãy núi đá vôi này chạy dài cho đến Vịnh Hạ Long nước ta... Nơi đây là quê hương dân tộc Choáng (Tráng), hiện nay còn 15 triệu, là người Việt (Bách Việt) cổ thời Việt Vương Câu Tiễn, Triệu Đà vẫn giữ nguyên phong tục, chữ nôm, trống đồng, câu đối đỏ trước nhà, làng mạc với lũy tre làng, trồng lúa nước cày cấy, không đồng hóa với người Trung Quốc.. Tôi đã đến thăm vùng này năm 2009, một vùng hoàn toàn khác hẵn với các vùng khác ở Trung Quốc. Một mảnh Việt Nam cổ trên đất nước Trung Quốc. Tiếc thay ngày nay chúng ta chưa có nhiều những nghiên cứu về dân tộc Choáng, chữ viết của họ giống như chữ Nôm, 15 triệu dân, họ là người thiểu số đông dân nhất không bị đồng hóa Trung Quốc. Đến đây mới hiểu được vì sao vua Quang Trung ngày xưa muốn đòi vua Càn Long hai tỉnh Lưỡng Quảng.
Giang Nam: là lòng nhớ quê hương do bài Ai Giang Nam phú của Dữu Tín, người Nam Bắc Triều làm quan lâu ngày nhớ quê hương làm ra bài này.
BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG
Bài I.
Nguyễn Du tiễn Nguyễn Đại Lang qua sông Liễu Giang đi về quê Quế Lâm. Tôi cũng sắp sang sông đây, tiễn anh về quê cũ. Cả đất trời anh còn mái nhà tranh. Khi mưa gió tôi nằm trong chiếc thuyền đơn côi (Nguyễn Du sẽ đi chủ yếu là đường sông Giang Nam rồi Giang Bắc). Đêm thu rồng cá ẩn nấp. Rừng sâu hươu nai nhởn nhơ. Ngày vui sẽ không xa lắm nữa. sẽ gặp nhau ở Trung Châu. Trung Châu là vùng hạ lưu sông Hoàng Hà, sông Dương Tử nơi phát xuất nền văn minh Hoa Hạ, Trung Hoa. Người xưa ví vùng này như cái lòng đỏ trứng gà. Trung Châu có các thành phố lớn như Lạc Dương, Trịnh Châu, Khai Phong, Hàng Châu, Tô Châu.. Các văn bản Thơ Chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước, Đào Duy Anh, Bùi Hạnh Cẩn, Mai Quốc Liên biên soạn chú thích: Trung Châu là Hà Nội, Thăng Long. Nhưng xưa nay chẳng ai gọi Thăng Long là Trung Châu cả, chỉ có Trung Du là vùng Phú Thọ. Do đó Trung Châu là một địa danh một vùng Trung Quốc chứ không ở Việt Nam.
BÀI  I
Bến sông này tôi qua,
Tiễn anh về quê nhà.
Đất trời anh mái cỏ,
Thuyền côi tôi gió mưa.
Rồng cá đêm thu ẩn,
Hươu nai đùa rừng xa.
Ngày vui không xa lắm,
Gặp nhau Trung Châu mà.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG
BÀI I
Ngã tả phù giang khứ,
Tống quân qui cố khâu.
Càn khôn dư thảo ốc,
Phong vũ túc cô chu.
Thu dạ ngư long trập,
Thâm sơn mi lộc du.
Hưu kỳ bất thâm viễn,
Tương kiến tại Trung Châu.
Chú thích:
Rồng cá đêm thu ấn: lấy ý từ câu thơ Đỗ Phủ.
BÀI II
Tiễn anh về quê cũ vùng Quế Lâm, Tôi cũng sẽ đi sang sông Giang Hán (Nguyễn Du sẽ đi đường Trường Sa qua Động Đình Hồ đến Vũ Hán và theo sông Hán, và đi một đoạn đường bộ đến Trường An). Nghìn dậm dù vắng tin tức nhau, nhưng lòng tôi vẫn nhớ anh. Đêm đen tiếng gầm hổ sói, Đêm trăng sáng cánh hồng nhạn bay. Đôi ngã thường mong tin tức của nhau, lòng như đám mây bay mãi.
II
Tiễn anh về quê cũ
Tôi sang sông Hán đây.
Nghìn dậm dù tin vắng,
Một lòng nhớ hao gẩy.
Đêm đen gầm hổ sói,
Trăng sáng hồng nhạn bay.
Đôi ngã thường mong ngóng,
Bay bay hoài ngàn mây.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Tống quân qui cố khâu
Ngã diệc phú Giang Hán,
Thiên lý bất tương văn,
Nhất tâm vị thường gián.
Dạ hắc sài hổ kiêu,
Nguyệt minh hồng nhạn tán.
Lưỡng địa các tương vương,
Phù vân ưng bất đoạn.
Giang Hán: còn gọi là Hán Thủy hay Hán Giang. Sông Hán là con sông trên đường tới Trường An, sông dài nhất 1532 km nằm tả ngạn sông Dương Tử (Tràng Giang), bắt nguồn từ tỉnh Thiễm Tây tiếp nhận nước từ các sông Tư Thủy Hà, Đỗ Hà, Đan Long, Đường Bạch Hà; Sông chảy trên bình nguyên Giang Hán, chảy vào sông Dương Tử tại Vũ Hán, chia thành phố làm 3 khu vực: Vũ Xương, Hán Khẩu, Hán Dương. Nơi đây có lầu Hoàng Hạc, Nguyễn Du có đề thơ. .
Bài III.
Anh về quê cũ rồi tôi cũng đi, hai ta cùng trong buổi loạn lạc. Tình bạn đã thề nguyền sống chết vẫn giữ nguyên. Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang có làm lễ kết nghĩa ăn thề sống chết có nhau, tồn vong cùng có nhau câu này ám chỉ hai người cùng khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, Thái Nguyên, cùng bị bắt và cùng được tha.. Dưới trăng cổng sài thô bỏ ngõ. Trong gió thu chiếc nón rách long đong. Nghìn dậm từ nay không còn thấy nhau. Chỉ thấy mây trôi mù mịt trong trời.
III
Anh về tôi cũng đi,
Hai ta buổi loạn ly.
Sinh tử tình xưa vẹn,
Tồn vong cùng khổ khi..
Cổng sài lòng trăng đợi,
Nón rách gió thu lay.
Nghìn dậm không thấy nữa,
Mịt mù trời mây bay.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
III.
Quân qui ngã diệc khứ,
Các tại loạn ly trung.
Sinh tử giao tình tại,
Tồn vong khổ tiết đồng.
Sài môn khai dạ nguyệt,
Tàn lạp tẩu thu phong.
Thiên lý bất tương kiến,
Phù vân mê thái không.
Chú thích:
Sinh tử: ngày xưa hai bạn trai kết nghĩa ăn thề làm anh em sinh tử có nhau, rót hai chung rượu, chén sinh và chén tử, mỗi người cắt nhỏ ba giọt máu vào mỗi chung, rồi xưng tên, đọc lời thề nguyền khấn hoàng thiên hậu thổ sống chết có nhau, nếu sai lời sẽ bị trừng phạt..
Qua bốn bài thơ chia tay với Nguyễn Đại Lang, ta thấy tình nghĩa rất đậm đà. Nguyễn Du mất chanăm 10 tuổi, mất mẹ mẹ sớm năm 12, ở với ông anh Nguyễn Khản, tuổi anh ông còn hơn mẹ ông một tuổi. Khi Nguyễn Du 15 tuổi thì ông anh bị giam hai năm trong vụ án Trịnh Tông. Khi Trịnh Tông lên ngôi chúa ông được làm Tham Tụng Thượng Thư Bộ Lại nắm giữ triều chính chẳng bao lâu thì kiêu binh phá tan dinh thự, Nguyễn Khản phải chạy trốn lên Sơn Tây với Nguyễn Điều. May mắn thay lúc ấy Nguyễn Du sau khi đỗ Tam Trường ở Sơn Nam, được Nguyễn Khản bổ nhiệm đang làm Chánh Thủ Hiệu quân Hùng Hậu hiệu ở Thái Nguyên, không thì chẳng thoát với bọn kiêu binh..
Sử Thần Nguyễn Thu trong Lê Quý Kỷ Sự tr 33 có chép những ngày cuối cùng của Nguyễn Khản năm 1786, bàn mưu đánh quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy ra Bắc lần thứ nhất cùng Nguyễn Hữu Chỉnh:
Cựu Tham tụng Nguyễn Khản từ Nghệ An về kinh, khuyên: "Nhà chúa nên sai tướng ở lại đóng giữ kinh thành, còn chúa thì rước vua Lê đi Sơn Tây, khống chế miền thượng du để mưu tính cử sự sau này. Và thả phao nổi ở khúc sông thuộc bãi Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Tây) để cản thuyền địch. Còn hai bên bờ sông thì đóng binh xen lối " vẩy sộp"(hai hàng song song xen kẻ nhau), để phòng ngừa có sự xổng xểnh. Lại nên chiêu dụ bọn giặc cướp ở mặt thủy, ban chức tước cho chúng để chúng quấy rối phía sau thủy sư của Tây Sơn. " Giặc" nêu danh nghĩa tôn phù, nhưng một khi không được yết kiến vua Lê thì tiến hay lùi cũng đều không lợi, bấy giờ quân thì mệt mỏi, lương thì cạn, "giặc " tất không thể ở lại lâu được. Ta lại cho chạy thư đi các hào mục ở Thanh, Nghệ dặn họ đón chặn lối giặc rút về, thì dù chưa thể bắt sống được Huệ, nhưng cũng đủ làm cho "giặc" thiệt hại nặng nề, chứ nếu chiến đấu với giặc bây giờ thì kiêu binh tất không dùng đưọc: hể thua sạch một trận, việc nước hỏng mất. "
Nhà chúa toan làm theo kế đó, nhưng kiêu binh hợp nhau, ồn ào ầm ỷ, cho rằng Nguyễn Khản đưa "giặc" đến, rồi chúng mưu toan giết Khản. Khản phải cướp đường chạy đi SơnTây. Nguyễn Khản mất sau đó, bị cảm bệnh mất, linh cửu được đưa về làng Tiên Điền Hà Tỉnh.
Do hoàn cảnh này, gia phả chép "Nguyễn Du lấy vợ năm 17 tuổi, và sau khi nhà Lê Trịnh sụp đổ về sống quê vợ", điều này không đúng vì giữa lúc người trụ cột gia đình là anh Nguyễn Khản bị tù tội khốn đốn, vừa mới lên làm Tham tụng lại chẳng yên cho đến khi mất, cha mẹ Nguyễn Du đều mất, thì ai đi cưới vợ cho Nguyễn Du đây ? Các bài thơ tại Quỳnh Hải, Nguyễn Du đều nói mình "Góc biển chân trời 30 tuổi ".Đó là năm 1796, Nguyễn Du 30 tuổi chấm dứt mười năm gió bụi. Do đó Nguyễn Du cưới vợ năm 30 tuổi do Nguyễn Nể và Đoàn Nguyễn Tuấn thu xếp. Ông cha nuôi họ Hà, không biết có bà con gì với mẹ Hồ Xuân Hương cũng họ Hà ở Hải Dương, không thấy Nguyễn Du nói gì đến. Nhưng tình cảm Nguyễn Du đối với Nguyễn Đại Lang thì như người anh, người cha, gần gũi thân thiết, dạy võ và 18 thứ binh khí, binh thư cho Nguyễn Du, hướng dẫn Nguyễn Du những bước đi đầu đời. Có thể so sánh tình yêu thương giữa Nguyễn Đại Lang với Nguyễn Du như chuyện tướng già Phénix với Achille trong Sử thi Iliade (Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh. Sử thi Iliade thi hào Homère. Khuê Văn Paris 2009... câu: 5691 đến 5890 trang 172-178)
Trong Lê Quý Kỷ Sự ta còn thấy tên Quản Vũ Hầụ tức Nguyễn Đăng Tiến, Cai Gia, Nguyễn Đại Lang trong trận đánh quân nhà Trịnh với Nguyễn Hữu Chỉnh, trong trận này Phan Huy Ích bị bắt, và Quản Vũ Hầu trốn thoát. Trang 57: Tự hoàng (vua Lê Chiêu Thống) sai quyền phủ Nguyễn Trứ (anh em khác mẹ với Nguyễn Du) mật dụ phiên mục Hưng Hóa là bọn Đinh Công Hồ và Đinh Công Trinh dấy quân vào quân vệ (bảo vệ hoàng thành để gìn giữ cho nhà vua).
CHIA TAY NGUYỄN SĨ HỮU
Nguyễn Đại Lang về quê thăm nhà Quế Lâm sau bao năm sinh cư lập nghiệp ở Việt Nam. Nguyễn Sĩ Hữu muốn về Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn. Nguyễn Du muốn đi giang hồ phiêu du khắp Trung Quốc như Lý Bạch thời trai trẻ nên đành chia tay với anh. Bài Nguyễn Sĩ Hữu qui nam viết: Núi Nam có con chim ngậm tinh hoa, bay đi bay lại xem thường lưới dăng, nay trở về vùng Hồng Lĩnh. Núi Hồng từ nay có người về làm chủ. Hồng Lĩnh non cao đà có chủ, nghĩa là về khởi nghĩa làm chủ Hồng Lĩnh. Vậy Sĩ Hữu chính là Nguyễn Quýnh. Sĩ Hữu đối với chức Tả Đội, là người văn võ song toàn, Tả là võ tướng, hữu là kẻ sĩ.. Theo Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền : Nguyễn Quýnh tục gọi là Luyện, con trai thứ tư cụ Nguyễn Nghiễm và mẹ là bà Nguyễn thị Xuyên. Ông sinh năm 1761, hơn Nguyễn Du 4 tuổi. Năm 20 tuổi ông thi Hương đậu Tam Trường khoa Kỷ Hợi (1779) đời Cảnh Hưng vua Lê Hiển Tông. Giữ chức Trấn Tả Đội Thái Nguyên, nơi anh Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản kiêm Trấn Thủ Hưng Hóa và Thái Nguyên..Năm 1787 ông âm mưu kết nghĩa sĩ chống Tây Sơn, bị Trấn Thủ Tây Sơn là Lê Văn Dụ bắt, ông không chịu khuất phục nên bị giết năm ông tròn 30 tuổi (1791). Cả làng Tiên Điền bị làm cỏ.( Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Lê Thước, Trương Chính biên soạn. Văn Học Hà Nội 1965, tr 21.)
Phan Huy Ích trong Dụ Am ngâm lục nxb KHXH Hà Nội 1978, tập II. tr 60,68,84 có kể sự việc người em cũng khởi nghĩa trong vùng Nghệ An : Đầu mùa Đông năm Tân Hợi (1791) người em út, thứ năm tên là Hữu Trấn khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Hoan Lý, nhưng không thành trốn thoát vào rừng, mùa hè năm Quý Sửu (1793) quân Trấn Thủ Nghệ An lùng bắt được đem hành hình. Thi thể đưa về chôn ở khu dinh cũ. Phan Huy Ích đi sứ Tây Sơn sang nhà Thanh về, đang làm quan ở Bắc Thành lòng nơm nớp lo sợ dâng biểu trần tình tạ tội, nhận được chiếu truyền Vua Quang Trung: Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn chả vừa lòng được với con, huống chi anh với em, việc đã không dính líu đến, thì còn hiềm gì, và cho vào kinh triều kiến. Khi vào chầu lại được tới trước mặt căn dặn ân cần.
Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí sđd tr 379, 381, 382 cùng thời điểm với cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn còn có những cuộc khởi nghĩa khác: Duy Chỉ (1789-1790) em thứ ba vua Lê Chiêu Thống ở Cao Bằng Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An. Lê Ban ở Nghệ An. Trần Danh Bính ở Nghệ An. Trần Quang Châu ở Hải Dương Kinh Bắc. Dương Đình Tuấn ở Bắc Giang, Nguyễn Phủ ở Bắc Ninh, Phạm Đình Đạt ở Bắc Ninh nhưng cuối cùng đều bị Tây Sơn dẹp tan..
Nguyễn Du khâm phục anh Nguyễn Quýnh, nhưng lòng chỉ muốn đi khắp đó đây như thi hào Lý Bạch, như các nhà sư Thiếu Lâm đi giang hồ hành đạo, mở rộng tầm mắt, không ràng buộc trong danh lợi, dù đầu bạc cũng chưa về nhà. Văn chương trong thời loạn ly chẳng dùng làm gì, như chim phượng hoàng trong lồng nát. Công danh ư, triều đình Lê Trịnh đã sụp đổ, chúa Trịnh Bồng cũng thành Hải Đạt Thiền sư, mai danh ẩn tích đi đó đây, thì còn công danh với ai ? Anh trở lại quê nhà trăng thanh gió mát. Còn nghĩ đến trời xa, trong giấc mộng người em còn phiêu du đó đây.
TIỄN NGUYỄN SĨ HỮU VỀ NAM
Núi Nam chim lạ ngậm tinh hoa,
Bay lại bay đi khinh võng la,
Hồng Lĩnh non cao đà có chủ,
Bạc đầu vô lại chẳng về nhà.
Văn phong tựa phượng trong lồng nát
Danh thế rắn bò tuột hang xa.
Trở lại quê xưa trăng gió mát,
Song trưa chẳng mộng đến trời xa.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TỐNG NGUYỄN SĨ HỮU NAM QUI
Nam sơn hữu điểu hàm tinh hoa,
Phi khứ phi lai khinh võng la.
Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ,
Bạch đầu vô lại bất hoàn gia.
Sinh bình văn thái tàn lung phượng,
Phù thế công danh tẩu hác xà.
Qui khứ cố hương hảo phong nguyệt,
Ngọ song vô mộng đáo thiên nha.
Chú thích :
Nam sơn : núi ở phương Nam Lúc làm bài thơ này Nguyễn Du đang ở phương Bắc vùng Liễu Châu.
Võng la: do chữ thiên la địa võng, lưới giăng khắp trời đất
Tàn lung phượng: phượng trong lòng nát, người giỏi văn chương mà phải sống vất vả, lưu lạc giống như chim phượng ở trong lồng mục nát.
Tẩu hát xá: rắn chạy nấp trong hang. Công danh vuột khỏi tầm tay.
12-1-2013
Phạm Trọng Chánh
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...