Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Nguyễn Du: Những mỹ nhân trên đường mười năm gió bụi (1786-1796)

Nguyễn Du: Những mỹ nhân trên đường 
mười năm gió bụi (1786-1796)
Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm "Chữ tình chốc đã ba năm vẹn", lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương. Thời gian đó anh Nguyễn Nể làm quan triều Tây Sơn, tại Thăng Long. Nguyễn Nể lên làm quan đã cho dựng lại một phần nào trong khu dinh thự cha anh, bị bọn kiêu binh đốt phá ở cạnh Giám Hồ, Bích Câu, cạnh Văn Miếu ngày nay, vì dù sao trong gia đình cũng còn các bà chị dâu, vợ anh Nguyễn Khản và con. Nguyễn Công con Nguyễn Khản và Nguyễn Thiện con Nguyễn Điều có tham gia Sùng Chính Viện của Nguyễn Thiếp do Tây Sơn lập ra tại Nghệ An. Anh Nguyễn Điều, tháng 3-1784 đang làm Trấn Thủ Sơn Tây cũng bị giáng chức về Thanh Chương. Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Các con và gia đình ông ở lại đây lập chi Nguyễn Tiên Điền tại đây. Chi họ này ngày nay có khoảng 400 người. Khi nghe kinh thành thất thủ, ông chịu không nổi, buồn uất thành bệnh mất ngày 31-7-1786. Mộ được an táng xã Đại Đồng, huyện Nam Đàn, Nghệ An, sau được cải táng về xã Sơn An huyện Hương Sơn.
Có hai bài thơ lưu dấu vết Nguyễn Du trong thời kỳ này tại Thăng Long là bài Long Thành cầm giả ca. Nguyễn Du viết năm 1813 khi đi sứ ngang Thăng Long, gặp một người nhạc nữ đã già tiều tụy nhớ ngày xưa hai mươi năm trước từng gặp nàng trong tư dinh của anh, và nghe nàng đàn trước các quan Tây Sơn. Bài thứ hai là bài Mộng đắc thái liên. Viết năm 1805 tại Huế, nhớ ngày xưa từng hái sen ở Hồ Tây với cô hàng xóm, Nguyễn Du gọi Xuân Hương Hồ Phi Mai là lân nữ. Nguyễn Du ở nơi Gác Tía nơi câu cá của anh Nguyễn Khản, cạnh đền Khán Xuân của Chúa Trịnh Sâm. Nay là khu đình làng Nghi Tàm, cạnh Cổ Nguyệt Đường nhà Hồ Phi Mai.
Nguyễn Du, không thích nhà Tây Sơn, nên khoảng năm 1790-1794 ở Tây Hồ làm Lã Vọng câu cá chờ thời, đi hái sen với Hồ Phi Mai, lâu lâu đến thăm anh, mang hoa sen tặng anh và các bà chị dâu Hoa tặng người mình kính, Gương tặng người mình thương và các bà chị đong tặng cho chú vài đấu gạo, nếp, sống qua ngày. Tương truyền Lã Vọng tánh tình thẳng thắng không thích cong quẹo, nên người đời đùa : lưỡi câu của ông cũng thẳng, câu cá để mà vui thú, chứ không cốt bắt cá. Nguyễn Du chắc cũng thế, không ăn cả ngó sen vì Nguyễn Du lo xa : Hái chớ làm lìa ngó, năm sau sen chẳng sinh. Tây Hồ có món cá trắm làm gỏi với ngó sen, món ăn vương giả nhà vua thết đãi bọn kiêu binh. Chỉ vì món ăn này mà bảy kiêu binh bị chém, kiêu binh nổi giận, dinh thự cha anh bị phá tan thành bình địa, anh Nguyễn Khản phải chạy trốn, nước không ai quản lý, cả triều đại Lê Trịnh bị sụp đổ. Xưa có chuyện: một cái móng ngựa bị rớt, làm con ngựa bị què, làm chết một viên đại tướng, làm thua một trận, làm mất một nước. Một cái móng ngựa làm mất một nước, một món gỏi cá trám ăn với ngó sen làm sụp một nhà Trịnh 243 năm, và nhà Lê hơn 300 năm. Nguyễn Du đọc chương Vấn Thiên của Khuất Nguyên, mọi chuyện trong vũ trụ đều có liên hệ nhân quả với nhau, "một cánh bướm đập cánh ở Bắc Kinh, có thể trở thành cơn bão ở Paris", nên tóc đã bạc trắng. Không lo sao được khi, một tổ kiến kia làm để vỡ có ngày, một tàn thuốc đủ thiêu khu rừng hạ. Người thức giả nhìn xa trông rộng không đợi lúc bị chìm trong dòng nước mới biết có tổ kiến trên đê, không đợi lúc đất nước cháy thiêu mới thấy lòng dân nóng bức như khu rừng hạ.
Nguyễn Du có viết ba bài thơ để tả những mỹ nhân "hồng nhan đa truân", những nàng Kiều người Việt Nam: Đó là cô Cầm trong Long Thành cầm giả ca; Điếu La Thanh ca giả, và bài Ngô gia đệ cựu ca cơ. Chúng ta thử đi vào tâm tình Nguyễn Du qua bài Long Thành Cầm giả ca. Bài thơ này là một tuyệt tác trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Bài thơ thật cảm động. Chuyện kể một nàng ca nữ nhan sắc, tiếng đàn nổi tiếng một thời, Nguyễn Du buổi hàn vi tại Thành Thăng Long (1790-1794), đứng trong bóng tối nhìn nàng gảy đàn, các quan Tây Sơn đua nhau thưởng tiền lụa nhiều vô số kể. Hai mươi năm sau Nguyễn Du làm Chánh Sứ đi qua Thăng Long, một người gầy gò, mặt đen xấu như quỷ, áo vải bạc phếch nhiều mảnh vá trắng. Nghe tiếng đàn Nguyễn Du nhận ra người xưa. Nguyễn Du bồi hồi không yên khôn xiếc cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay.
BÀI CA NGƯỜI GẢY ĐÀN Ở LONG THÀNH
Người gảy đàn đất Long Thành không rõ tên họ là gì. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học đàn Nguyễn (tức đàn Nguyệt do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra) trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nữ nhạc cũ kẻ chết người bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng gảy đều là những khúc cung phụng gảy cho vua nghe, người ngoài không hề biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời.
Hồi còn trẻ, tôi đến kinh đô thăm anh tôi (Nguyễn Nể làm quan Tây Sơn ở Bắc Thành từ năm 1790 đến khoảng năm 1794), trọ ở gần Giám Hồ (Hồ Gương, cạnh Văn Miếu phường Bích Câu). Cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến vài chục người. Nàng nổi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo nói lời khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống hết ngay, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán gió, mặt gãy, không đẹp lắm nhưng nước da trắng trẻo, thân hình đầy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lú cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi, mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn bè có chê trách cũng không để tâm đến. Sau đó vài năm tôi dời nhà vào Nam, mấy năm liền không trở lại Thăng Long.
Mùa xuân năm nay (1813), tôi phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Thăng Long. Các quan mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ cho nên gọi hết nữ nhạc trong thành, con hát trẻ đến mấy chục người, tôi đều không biết đến tên. Họ thay nhau ca múa. Rồi nghe vút lên một cung đàn cầm trong trẻo, nghe khác hẳn các khúc nhạc đương thời. Tôi lấy làm lạ nhìn người đàn, thì thấy người gầy võ, thần sắc khô khan, mặt đen xấu như quỉ, quần áo toàn bằng vải thô, bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi lặng lẽ ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, duy nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan tôi đến người chơi đàn, thì ra chính là người gảy đàn ngày xưa đã từng gặp. Than ôi, người ấy sao đến nổi này. Tôi bồi hồi , không yên, ngẩng lên cúi xuống. Khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay. Đời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được. Sau khi từ biệt, suốt trên đường đi tôi cảm xúc vô hạn, nên làm bài ca để gửi mối cảm hứng.
Giai nhân Thăng Long,
Chẳng biết rõ tính danh.
Thạo đàn Nguyễn cầm,
Nên trong thành gọi nàng Cầm là tên.
Nàng học khúc Cung phụng trong cung vua triều trước,
Khúc nhạc hay như thiên giới xuống trần gian.
Thuở thanh niên tôi từng đã gặp nàng,
Bên Hồ Giám trong một lần dạ tiệc.
Nàng khi ấy tuổi chừng hăm mốt,
Áo hồng long lanh sáng mặt hoa đào,
Má long lanh hồng rượu dễ thương sao,
Tay réo rắt năm cung đàn nhẹ lướt,
Tiếng khoan như gió rừng thông tha thướt,
Tiếng trong như đôi hạc vút trời xanh,
Tiếng mạnh như bia Tiến Phúc sét đánh tan,
Buồn như Trang Tích nằm rên ngâm tiếng Việt.
Người say mê nghe không biết mệt,
Khúc nhạc vua từ đại nội Trung Hòa,

Quan Tây Sơn trong tiệc rượu say sưa,
Mảng vui suốt một đêm không biết chán.
Phía tả hữu tranh nhau gieo thưởng,
Tiền bạc xem rẻ tựa đất bùn.
Vẻ hào hoa lấn át bậc vương tôn,
Bọn niên thiếu đất Ngũ Lăng chẳng kể.
Ba mươi sáu cung xuân trần thế,
Đúc chung thành vật báu đất Trường An.
Bữa tiệc xưa ngoảnh lại hai mươi năm.
Tây Sơn bại tôi vào Nam từ thuở,
Gang tấc Thăng Long không còn thấy nữa.
Huống tiệc vui múa hát trong thành!
Nay Phủ Tuyên tiễn sứ cuộc truy hoan,
Các ca kỹ tiệc xuân đều trẻ tuổi,
Duy có một mái hoa râm phía cuối,
Bé nhỏ khô khan thần sắc võ vàng,
Mày bơ phờ không trang điểm dung nhan,
Nào ai biết người tài hoa nhất thành thuở trước?
Khúc đàn xưa tôi thầm rơi nước mắt.
Tai lắng nghe mà xót lòng đau,
Bổng nhớ xưa hai mươi năm nao,
Bên Hồ Giám từng thấy nàng trong tiệc.
Thành quách đổi dời việc người cũng khác,
Bao nương dâu giờ hóa biển xanh,
Cơ nghiệp Tây Sơn đều thảy tiêu vong,
Còn sót lại một người ca nữ,
Thấm thoát trăm năm là bao nữa,
Nước mắt rơi thấm áo lòng thương.
Tôi từ Nam tóc bạc trắng phong sương,
Trách chi người đẹp đã tàn phai nhan sắc,
Hai mắt rưng rưng tưởng về chuyện trước,
Gặp mặt nhau mà chẳng nhận ra nhau.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Bắc Hành tạp lục, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LONG THÀNH CẦM GIẢ CA (Phụng sứ thời tác)
Tiểu dẫn: Long Thành cầm giả, bất tri tính thị. Văn kỳ ấu niên tòng học bát Nguyễn Cầm ư Lê cung Hoa tần bộ trung. Tây Sơn binh khởi, cựu nhạc tử tán, kỳ nhân lưu lạc thị triền, hiệp kỹ dĩ ngao, thuộc tản bộ. Sở đàn giai Ngự tiền Cung phụng khúc, phi ngoại nhân sở văn, toại xưng nhất thời tuyệt kỹ. Dư thiếu thời, thám huynh đế kinh, lữ túc Giám Hồ điếm. Kỳ bàng Tây Sơn chư thần, đại tập nữ nhạc, danh cơ bất hạ sổ tập. Kỳ nhân độc dĩ Nguyễn cầm thanh thiện trường, phả năng ca, tác bài hài ngữ, nhất tọa tận điên đảo, xác thưởng dĩ đại bạch, triếp tận, triền đầu vô toán, kim bạch ủy tích mãn địa. Dư thời nặc thân ám trung, bất thậm minh bạch. Hậu kiến chư huynh xứ, đoản thân, khóa kiểm, ngạch đột, diện ao, bất thậm lệ, cơ bạch nhi thể phong, thiện tu sức, đạm mi nùng phấn, ý dĩ hồng thúy tiêu thường, xước xước nhiên hữu dư vận. Tích thiện ẩm, hý lãng hước, nhãn hoắc hoắc, khuôn trung vô nhất nhân. Tại huynh gia mỗi ẩm triếp tận túy, ẩu thổ lang tạ, ngọa địa thượng, đồng bối phi chi, bất tuất dã. Hậu sổ tài, dư tỷ gia nam quy, bất đáo Long Thành nhược can nhiên hỹ. Kim xuân, tương phụng mệnh Bắc sứ, đạo kinh Long thành, chư công nhục tiễn vu Tuyên Phủ nha, tất triệu tại thành nữ nhạc, thiếu cơ sổ tập, tịnh bất thức danh diện, điệc khởi ca vũ, kế văn cầm thanh việt, quýnh dị thời khúc, tâm dị chi. Thị kỳ nhân, nhan sấu thần khô, diện hắc, sắc như quỷ, y phục tịnh thô bố, bại hôi sắc, đa bạch bổ, mặc toạ thị mạt, bất ngôn diệc bất tiếu, kỳ trạng đãi bất kham giả, bất phục tri vi thùy hà. Duy ư cầm thanh trung tự tầng tương thức, trắc nhiên vu tâm. Tịch tán, chất chi nhạc nhân, tức kỳ nhân dã. Ta hồ! thị nhân hà chí thử đa! Phủ ngưỡng bồi hồi, bất thăng kim tích chi cảm. Nhân sinh bách niên, vinh nhục ai lạc, kỳ khả lượng đa! Biệt hậu, nhất lộ thượng, thâm hữu cảm yên, nhân ca dĩ thác hứng:
Long Thành giai nhân,
Thính thị bất kỳ thanh.
Độc thiện Nguyễn cầm,
Cử thành chi nhân dữ Cầm danh.
Học đắc tiên triều cung trung Cung phụng khúc,
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.
Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến,
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến.
Kỳ thời tam thất chính phương niên,
Hồng nhan yểm ái đào hoa diện.
Đà nhan hám thái tối nghi nhân,
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến.
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm,
Thanh như song hạc minh tại âm.
Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái tích lịch,
Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm,
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện,
Tiện thị Trung hoà đại nội âm.
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo,
Triệt dạ truy hoan bất tri bão.
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.
Hào hoa ý khí lăng vương hầu,
Ngũ Lăng thiếu niên bất túc đạo.
Tính tương tam thập lục cung xuân,
Hoạt tố Trường An vô giá bảo.
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên.
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên,
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến,
Hà huống thành trung ca vũ diên.
Tuyên phủ sứ quân vị dư trùng mãi tiếu,
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu.
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa,
Nhan sấu thần khô hình nhược tiểu.
Lang tạ tàn mi bất sức trang,
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu.
Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy,
Nhĩ trung tĩnh thích tâm trung bi,
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự,
Giám Hồ tịch trung tằng kiến chi.
Thành quách suy di nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải,
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,
Ca vũ không di nhất nhân tại.
Thuấn tức năng kỷ thì,
Thương tâm vãng sự lệ triêm y.
Nam hà qui lai đầu tận bạch,
Quái để giai nhân nhan sắc suy.
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng,
Khả liên đối diện bất tương tri.
Chú Thích :
Tiến Phúc bi : bia chùa Tiến Phúc ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang Tây chữ viết rất đẹp. Tương truyền ông Phạm Trọng Yêm đời Tống, lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay, ông muốn giúp đỡ, cho rập một nghìn bản văn bia, bán lấy tiền. Chưa rập xong một đêm thì bia bị sét đánh vỡ tan.
Trang Tích: Người nước Việt làm quan nước Sở. Khi ông ốm, Sở Vương hỏi mọi người: "Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt nay làm quan nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?". Viên ngự thị đáp: "Phàm người có nhớ nước cũ hay không, thường người tỏ ra lúc ốm đau. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt thì tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng Sở." Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích rên bằng tiếng Việt.
Trung Hòa: tên một điện của triều Lê ở Thăng Long.
Triền đầu: lấy khăn quấn đầu. Đời Đường vua đãi yến, ai đứng dậy múa được ban gấm để quấn đầu làm vật tặng thương. Về sau các món tiền thưởng cho người ca múa gọi là triền đầu.
Ngũ Lăng : Nơi có lăng tẩm của đế vương đời Hán, nơi này bạn hào hoa phú quý thường ở.
Trường An : đây chỉ Thăng Long.
Năm 1790-1794 Quan Tây Sơn Bắc Thành quan Võ có: Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Tiến Đông, Nội hầu Lân, Đô đốc Lộc, Đô Đốc Bảo, Đô Đốc Long.. Quan văn có: Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn Nể, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn..
Năm 1813 Khi Nguyễn Du làm Chánh Sứ đi sứ sứ đoàn 27 người, quan Bắc Thành Tổng Trấn là Nguyễn Huỳnh Đức (1810-1814), Phó Tổng Trấn Lê Chất . Ba người giữ chức ba tào hàng Tham Tri là Nguyễn Văn Khiêm, Tào Hình, Đặng Trần Thường, Tào Binh, Và Phạm Văn Đăng, Tào Hộ (Tài Chánh).
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ (Viếng ca nữ đất La Thành). La Thành chỉ thành Nghệ An. Còn gọi là Lam Thành, Triều Khẩu Thành, Nghĩa Liệt Thành, Nghệ An Thành. Do tướng Trương Phụ nhà Minh đắp ở bến Phù Thạch nơi La Giang và Lam Giang gặp nhau. Đời Lê, trấn ti đã dời bỏ Phù Thạch mà lập ở xã Yên Trường tức Vinh bây giờ bên bờ sông Dũng Quyết.
Đời Tây Sơn Vua Quang Trung cho xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An. Trong Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn Phu Tử . Minh Tân Paris 1952 tr 168 có chép một bức thư đề năm Cảnh Thịnh thứ 8, ngày 26 tháng chạp (đầu năm 1801) gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp gửi biếu tết cụ : Lợn một cũi, gạo nếp một mâm, sáp ong hai cân. Người mang đến là Công bộ hữu thị lang Thiệu Quang Hầu. Bức thư ký tên Nghệ An trấn, trấn thủ Đại đổng lý Thận quận công. Nhập thị nội Đô sát ngự sử Hy quang hầu. Trung thư lĩnh, hữu đồng nghị Nghi Thành hầu.
Nghi thành hầu là Nguyễn Nể, qua bức thư này ta biết cuối đời Tây Sơn. Nguyễn Nể giữ chức Trung thư lĩnh ngang hàng với Trần Văn Kỷ, chức vụ cố vấn bên cạnh vua Cảnh Thịnh. Nguyễn Nể giám sát việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An mà người phụ trách chính là Công bộ hữu thị lang Thiệu quang hầu. Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận, cung cấp thợ xây dựng và tài chánh. Sau đó Nguyễn Nể được chiếu chỉ Cảnh Thịnh đưa La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân, trong khi ở Phú Xuân thì chiến cuộc xãy ra. Vua Cảnh Thịnh và tướng tá chạy ra Bắc. Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân lên ngôi vua Gia Long. Nguyễn Thiếp và Nguyễn Nể đều được triệu đến. Nguyễn Thiếp được tha cho về quê, và Nguyễn Nể dâng sớ, được Gia Long ban thưởng và cho đi theo trong đoàn quân tiến ra Bắc Hà. Đến Hà Tĩnh, Thận Quận Công, Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận bỏ chạy ra Thanh Hóa, bị bắt và bị giết năm 1802.
Nguyễn Du đã trở về làng Tiên Điền năm 1794, nằm nơi bến sông cạnh Giang Đình, để tiếp nhận vật liệu gỗ đá, để xây dựng lại từ đường họ Nguyễn Tiên Điền, đình làng, cầu tiên, chùa Trường Ninh, bị đốt phá trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh, mọi việc xây dựng do Nguyễn Ức chỉ huy tính toán. Cũng tại Nghệ An từ năm 1790, vua Quang Trung cho xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô bên bờ sông Dũng Quyết. Công việc xem đất do cụ Nguyễn Thiếp, do cụ không muốn nên có phần trể nãi. Lúc này Nguyễn Du đã diễn ca gần xong Truyện Kiều, nên lòng đầy những cảm thông thương tiếc cho những người kỹ nữ. Bài thơ thương tiếc một nàng ca nữ danh tiếng một thời, hồng nhan bạc mệnh. Cành hoa đẹp thắm từ cõi tiên xuống. Sắc đẹp uyển chuyển làm rung động sáu thành. Thiên hạ ai người thương kẻ bạc mệnh? Dưới mồ chắc cũng hối hận cho cái kiếp phù sinh. Nghiệp chướng phấn son lúc còn sống đã không rửa sạch. Sau khi chết chỉ còn lại tiếng trăng gió. Chắc nghĩ rằng người đời không ai hiểu mình. Nên dưới suối vàng chỉ làm bạn với Liễu Kỳ Khanh.
VIẾNG NGƯỜI CA NỮ ĐẤT LA THÀNH
Một cành hoa đẹp cõi tiên bồng,
Xuân sắc hương lan vọng sáu thành.
Thiên hạ ai thương người bạc mệnh,
Dưới mồ riêng hối kiếp phù sinh.
Phấn son không xóa khi còn sống,
Trăng gió còn lưu chút tiếng tăm.
Ai hiểu mình trong trần thế nhỉ ?
Suối vàng làm bạn Liễu Kỳ Khanh .
Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ
Nhất chi nùng điểm há hồng danh,
Xuân sắc yên nhiên động lục thành.
Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh,
Trủng trung ưng tự hối phù sinh.
Yên chi bất tầy sinh tiền chướng,
Phong nguyệt không lưu tử hậu danh.
Tưởng thị nhân gian vô thức thú,
Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh.
Chú thích:
Liễu Kỳ khanh (987-1053) tức Liễu Vĩnh, một nhà làm từ nổi tiếng đời Tống. Về già mới đỗ Tiến Sĩ và giữ những quan chức nhỏ. Thuở thiếu thời thường lui tới các xóm thanh lâu. Là một nhà văn bất đắc chí ông làm nhiều bài từ tả cuộc sống những người kỹ nữ bị đau khổ và tỏ mối đồng tình với họ. Ông thay họ nói lên nỗi lòng mong mỏi được sống hạnh phúc như mọi người. Tương truyền Liễu Vĩnh chết, kỹ nữ góp tiền chôn cất, tổ chức bảy ngày viếng Liễu, Hội Viếng Liễu.
BÀI NGÔ GIA ĐỆ CỰU CA CƠ : Gặp người hát cũ, người yêu cũ của em Nguyễn Ức . Bài thơ có lẽ viết khi trở lại Thăng Long khi làm quan tại Bắc Hà năm 1802-1804. Nguyễn Ức em trai cùng mẹ cùng cha chỉ kém Nguyễn Du một tuổi, sinh năm 1767. Được tập ấm Hoàng tín đại phu trung thành môn vệ úy. Vì còn nhỏ tuổi nên không dự được kỳ thi Hương cuối cùng của nhà Lê Trịnh năm Quí Mão 1783. Năm Kỷ Dậu 1789, khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Bắc Quốc, ông về làng Phù Đổng, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Ông có tài khéo tay như anh Nguyễn Khản, người chỉ huy các công trình xây dựng cung vua Lê phủ chúa Trịnh. Ông là người chỉ huy xây dựng lại làng Tiên Điền, từ đường, đình làng Tiên Điền, chùa Trường Ninh, cầu Tiên thay anh Nguyễn Nể vì việc quan cho nên không trực tiếp trông coi. Có lẽ từ đó ông nổi tiếng là người có tài khéo léo vẽ kiểu, chỉ huy tính toán việc xây cất. Có lẽ Nguyễn Ức có tham gia xây dựng Phượng Hoàng, Trung Đô ở Nghệ An nên có tiếng đương thời.. Nên khi lên ngôi vua Gia Long nghe tiếng, xuống chiếu gọi về kinh bổ làm Thiêm sự bộ Công, tước Hầu. Năm Nhâm Ngọ thời Minh Mạng ông được bổ chức Giám Đốc coi việc ở nội tào phủ, phàm miếu điện xây dựng ở kinh đô thành Huế đều tự tay ông sáng chế vẽ kiểu. Ông mất ở quê vợ Bắc Ninh năm 1823 thọ 57 tuổi.
Sau buổi loạn lạc, nhân vật nơi phồn hoa đã khác trước. Chim hạc đen trở về có mấy ai biết. Từng nghe giọng ca uyển chuyển khi mặc áo hồng. Nay đầu bạc gặp nhau than khóc nỗi lưu ly. Chậu nước đổ thế là thôi, khó lòng vét lại. Ngó sen đứt, thương thay tơ vẫn còn vương. Nàng từng là người yêu của em, nhưng một lý do nào đó đã tan vỡ như chậu nước đổ, không hàn gắn lại được, nhưng lòng vẫn còn thương Nguyễn Ức. Nghe nói lấy người khác đã được ba con. Đáng ngại vẫn còn mặc chiếc áo ngày trước.
GẶP NGƯỜI HÁT CŨ CỦA EM
Phồn hoa người cũ khác xa xưa,
Huyền hạc bay về ai biết chưa?
Uyển chuyển tiếng ca hồng sắc áo,
Lưu ly đầu bạc khóc như mưa.
Lòng như chậu đổ làm sao hốt,
Sen ngó dứt rồi vương vấn tơ.
Nghe đã lấy chồng ba trẻ dại,
Ái ngại vẫn còn mặc áo xưa .
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NGÔ GIA ĐỆ CỰU CA CƠ
Phồn hoa nhân vật loạn lai phi,
Huyền hạc quy lai kỷ cá tri.
Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển,
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly.
Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy,
Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti.
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử.
Khả liên do truớc khứ thời y.
Chú thích: Huyền hạc: chim hạc đen, theo truyền thuyết chim hạc sống hai ngàn năm thành màu xanh, lại sống nghìn năm nữa lông biến thành màu đen, huyền hạc tượng trưng cho người ẩn dật, truyền thuyết này không đúng, vì ngày nay ta có thể quan sát chim hạc, màu sắc khác nhau, ở những vùng khác nhau. Câu này có ý nói xa Thăng Long lâu ngày trở lại thành quan Chánh sứ. Lần cuối cùng Nguyễn Du làm tri phủ Thường Tín, cạnh Thăng Long năm 1803-1804.
Hồng tụ: ống tay áo màu hồng, áo càc ca kỷ nữ thường mặc.
Nếu nàng Kiều, Nguyễn Du cảm xúc qua tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân qua những ngày tháng ở Hàng Châu, đợi chờ Nguyễn Đại Lang nơi miếu Nhạc Phi ở nơi chùa Hổ Pháo, nơi Minh Sơn Hoà Thượng, tức Từ Hải từng tu hành năm 1790. Trở về Thăng Long nơi dinh thự Giám Hồ, nơi nhà anh đứng trong bóng tối nhìn giai nhân tài sắc, đàn hay, hát giỏi, được quan tướng Tây Sơn tung tiền thưởng hào phóng còn hơn bọn thiếu niên vương giả đất Ngũ Lăng.. Rồi hai mươi năm sau trở lại Thăng Long trên đường đi sứ, giai nhân xưa tài sắc bây giờ xấu đen như quỷ, thần sắc võ vàng, ăn mặc áo vải rách vá... Nàng ca nữ đất La Thành đẹp như tiên, xuân sắc vang khắp sáu thành, sống thì mang tiếng trăng gió, chẳng ai hiểu nơi trần thế, chết thì chỉ làm bạn với nhà thơ Liễu Kỳ Khanh. Còn người hát cũ của em, gặp lại đầu bạc khóc như mưa, đã lấy chồng có ba con, mà vẫn mặc áo ngày xưa?. Ba bài thơ thuật lại ba số phận bi đát vào cuối đời. Nhưng với nàng Kiều, Nguyễn Du không để nàng chết đuối trên sông Tiền Đường, mà nhờ sư Giác Duyên mướn người thả một bè lau, giăng lưới cứu nàng, rước nàng về thảo am. Để rồi khi gia đình Kim Trọng, họ Vương tế lễ bên sông, sư lại rước về thảo am cho tái ngộ: "Nàng chồng, này mẹ này cha , này là em ruột, này là em dâu". Còn mối tình riêng với Xuân Hương Hồ Phi Mai, dù ngó sen còn mãi mãi vương tơ. Nguyễn Du vẫn không biết, ba trăm năm lẽ sau ai người khóc người tài sắc vẹn toàn như nàng Tiểu Thanh.
23-4-2014
Phạm Trọng Chánh
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...