Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Nguyễn Du qua Quản Trọng Tam Quy Đài

Nguyễn Du qua 
Quản Trọng Tam Quy Đài
Nguyễn Du đi qua Đài Tam Quy của Quản Trọng ở Sơn Đông trên đường đi sứ về trong khoảng thời gian 21 tháng 11 đến 11 tháng 12 năm Quý Dậu (1813). Quản Trọng là một nhân vật chính trị, kinh tế, giáo dục kiệt xuất trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, người đất Dĩnh Thượng nước Tề (vùng Sơn Đông) tên là Di Ngô, tự là Trọng.
Ông là tác giả sách Quản Tử, quyển sách sớm nhất của Trung Quốc luận bàn về luật pháp và kinh tế Trung Quốc thời Cổ Đại bao gồm cả chính trị, thương mại, triết học. Về mặt kinh tế ông đề cập đến : Tài chính, ngân hàng, thương mại, thuế khóa... tác động mạnh mẽ đến kinh tế Trung Quốc thời cổ đại.
Ông cho rằng bốn cột trụ trong một nước là: Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ (Chữ ngày xưa rất rộng: Lễ: bao gồm lễ nghi, phép tắc, luật pháp, thi cử... Nghĩa: bao gồm mối quan hệ mọi người có trước sau, công bằng. Liêm: bao gồm sự trong sạch, liêm khiết, chính trực. Sĩ bao gồm sĩ khí, lương tâm). Là người lãnh đạo một nước phải tuân theo nếp sống này, làm tấm gương đạo đức cho nhân dân.
Sách Quản Tử chép câu nói nổi tiếng về giáo dục của Quản Trọng, thường được người xưa nhắc đến:
Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế mười năm chi bằng trồng cây,
Kế trọn đời chi bằng trồng người.
Trồng một, gặt một ấy là lúa,
Trồng một gặt mười ấy là cây,
Trồng một gặt trăm ấy là người.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc,
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân.
Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã,
Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã,
Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã.
Quản Trọng nổi tiếng với chiến lược : " Không đánh mà thắng, dùng đạo đức để chiếm lòng người". Ông phò nhà Chu để tạo uy tín, dùng sự trợ giúp nước yếu, cứu nguy nước yếu khi có nạn Bắc Dịch ngoại xâm, giúp đỡ xây thành bảo vệ nước nhỏ, dùng uy tín để đưa nước Tề lên hàng thống lĩnh các chư hầu. Quản Trọng giúp nước Tề hưng thịnh trong hơn 40 năm, chính trị của ông không bận tâm việc xâm lăng chiếm đất, giữ đất, chiến tranh trừng phạt ; nhưng ảnh hưởng cách tổ chức xã hội còn lưu lại trong nước hàng nghìn năm. Điều này ta thấy rõ trong xã hội Việt Nam ngày xưa. Có thể nói Quản Trọng là một chiến lược gia khôn khéo nhất, uy tín được mọi người kính trọng nhất Trung Quốc. Sách của Tô Tần dâng lên vua Tần, bị thất lạc, dùng các chính sách của Tam Hoàng, Ngũ Đế có lẽ không ngoài các chiến lược của Quản Trọng. Chiến lược này rất khó thực hiện, các ông vua tầm thường nghe thường buồn ngủ, rồi bỏ ngoài tai, vì rất ít vị vua có bản lĩnh đạo đức để thực hiện việc này. Ngày xưa gọi đó là con đường Nhân Đạo hay Vương Đạo.
Quản Trọng hiện đại hóa nước Tề bằng cải cách:
- Tập trung hóa quyền lực, chia nước thành nhiều làng là đơn vị chủ yếu, mỗi làng tập trung vào một lãnh vực thương mại riêng thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế, ông áp dụng tiền thuế trực tiếp đến từ mỗi đơn vị làng.
- Lựa chọn người tài mới có hiệu quả hơn thay vì quyền hành cho con cháu quý tộc, công thần. Quản Trọng đã chuyển nước Tề từ chế độ quan liêu quý tộc sang chế độ quan liêu chuyên nghiệp.
Quản Trọng chia dân số ra làm bốn nhóm: Sĩ, Nông, Công, Thương.
Sĩ bao gồm quan chức. Nông bao gồm dân cư sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Công là các thợ tiểu công nghiệp các ngành nghề. Thương người hành nghề mua bán. Trung Quốc thời cổ đại đã xuất hiện những thương hội chuyên nghiệp vận chuyển hàng hóa, với những người giỏi võ theo bảo vệ, để tránh nạn cướp bóc, người gửi tiền, có thể nhận lãnh tiền bạc tại cùng một thương hiệu, ở các địa phương khác nhau, chỉ cần một tấm giấy chứng nhận, mà không cần mang theo vàng bạc bên mình. Quản Trọng tập trung mỗi làng hành một nghề khiến cho thợ thủ công thêm tinh xảo, thông qua đó ông đào tạo sinh ra những thế hệ chuyên nghiệp. Bên cạnh chủ trương quản lý, kiểm soát ông tìm hướng về tập trung phát triển đạo đức, truyền thống tín ngưỡng.
Khác với các nhà tư tưởng khác Trung Quốc chỉ chú trọng việc đào tạo kẻ sĩ để trị nước. Quản Trọng có một chính sách giáo dục toàn diện "trồng người", đào tạo người cho nhà nông, cho các nghề thủ công và cho việc buôn bán. Con người trong mọi lãnh vực không nhất thiết chỉ đi học thi cử làm quan là được lợi gấp trăm lần, mà trong mọi lãnh vực, khi nghề nghiệp được tinh xảo, cũng mang lại lợi nhuận gấp trăm lần người không học. Quản Trọng không chủ trương chỉ đào tạo người " quân tử "  và bỏ rơi kẻ  " tiểu nhân ", người thường dân. Quản Trọng không xem thường cái học thực dụng nghề nghiệp chuyên môn. Đó là lý do tư tưởng Quản Trọng được đề cao và nhắc đến ngày nay.
Quản Trọng sinh từ một gia đình nghèo khó, cùng Bảo Thúc Nha là bạn thân, hai người cùng đi buôn, Bảo Thúc Nha luôn nhường cho Quản Trọng, vì gia đình Quản Trọng nghèo hơn. Hai người cùng làm chính trị : Thuở ấy nước Tề loạn lạc, các hoàng tử đều lánh nạn sang các nước lân cận. Quản Trọng phò Công tử Củ, và Bảo Thúc Nha phò Công tử Tiểu Bạch cùng con vua Tề Tương Vương dòng thứ, dòng chính không có con, họ đính ước nhau nếu công tử nào lên làm vua thì người phò đó sẽ tiến cử người kia. Công tử Củ lớn hơn được rước về nối ngôi, nhưng chậm chân, Quản Trọng tìm cách bắn Công tử Tiểu Bạch, Tiểu Bạch bị thương giả chết, Quản Trọng không bắn tiếp. Tiểu Bạch về kinh đô trước lên làm vua lấy hiệu Tề Hoàn Công, tâu nước Lỗ giết Công tử Củ và giam Quản Trọng. Tề Hoàn Công muốn Bảo Thúc Nha làm Tướng Quốc nhưng Bảo Thúc Nha tiến cử Quản Trọng. Tề Hoàn Công nói rằng :
- Người này bắn ta một mũi tên, mối thù này chưa quên, mũi tên ta vẫn còn căm hận, làm sao có thể dùng hắn được. Đợi hắn về đây, ta sẽ xé hắn ra trăm nghìn mãnh. Bảo Thúc Nha nói :
- Dĩ nhiên vì Công tử Củ, ông ta đã bắn bệ hạ, bây giờ nếu bệ hạ trọng dụng ông ta, ông ta sẽ vì bệ hạ mà đem mũi tên đó bắn cả thiên hạ.
Tề Hoàn Công tha tội và tin dùng Quản Trọng. Quản Trọng giúp nước Tề hùng mạnh, giàu có, chín lần tập hợp chư hầu, làm bá chủ thiên hạ. Quản Trọng còn tiến cử Ninh Thích, kẻ ẩn dật chăn trâu thành quan Đại Phu, giúp nước tạo nên những công trạng hiển hách. Tề Hoàn Công tôn Quản Di Ngô làm Thượng Phụ, và gọi là Quản Trọng để tránh tên húy, Quản Trọng khi về già được hưởng đất Tam Qui. Quản Trọng xây đài nơi này. Thành công của Quản Trọng được xem là mẫu mực, tấm gương sáng việc trị nước thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhưng Khổng Tử và Mạnh Tử đều chê Quản Trọng. Khổng Tử chê : Khí cục nhỏ mọn ! (Quản Trọng chí khí tiểu tai !).Trong sách Luận Ngữ thiên Hiến Vấn, Khổng Tử nói về Quản Trọng : "  Con người này ư ? Vua nước Tề lấy ấp Biền, có 300 nhà của Bá Thị thưởng công cho Quản Trọng, Bá Thị phải ăn uống đạm bạc, suốt đời mà không hề oán giận.". Còn Mạnh Tử lại chê sự nghiệp tầm thường. Các sách vỡ cũng không cắt nghĩa rõ ràng tại sao Khổng Tử, Mạnh Tử lại chê Quản Trọng. Lạ thay những lời chê bai của Khổng Tử và Mạnh Tử không làm suy yếu lòng ngưỡng mộ Quản Trọng trong lịch sử. Mọi người vẫn tin Quản Trọng hơn, vì Quản Trọng từng làm Tướng Quốc (Thủ Tướng), so với Khổng Tử và Mạnh Tử, chỉ giỏi lý thuyết và đều thất bại trong thực tế chính trị. Cùng với Khổng Minh được xem là hai nhà mưu lược, kế hoạch trị nước xuất sắc nhất Trung Quốc.
Qua Đài Tam Qui của Quản Trọng, Nguyễn Du viết :
Đài cũ chìm lấp mất, cỏ mọc tua tủa. Đã từng giúp Tề Hoàn Công lập nên nghiệp ba một thời. Trong thành luống đã chín lần hợp các quận huyện các chư hầu. Trên đá phủ rêu còn ghi chữ Tam Qui. Ở triều đình khéo hợp lòng vua. Chết rồi rốt cục bị chê là Tể tướng tầm thường. Mừng gặp thánh triều chỡ che chung thiên hạ. Nên dưới đài Tam Qui người Hoa, người Di quen nhau qua lại. Quản Trọng từng đánh đuổi các rợ : Nhung, Di, Địch, nên Khổng Tử khen việc này. Nay người Hoa và người Di cùng chung sống dưới sự che chỡ của thánh triều. Câu thơ này Nguyễn Du có ý mỉa mai chăng ? Thời Nguyễn Du, thánh triều là nhà Thanh gốc người rợ Di Địch, tức Mãn Châu đã từng bị Quản Trọng đánh đuổi, đã chiếm cả Trung Nguyên cai trị Trung Quốc 278 năm. Người Hán thời đầu lệ thuộc Mãn Châu đã nhất định giữ lòng trung quân ái quốc, không chịu đổi y phục, cạo đầu, kẻ thì chạy sang Việt Nam tị nạn như Trần Thắng, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu, Nguyễn Đăng Tiến..trở thành người Việt Nam, người trong nước Trung Quốc cuối cùng rồi phải chấp nhận : phải ăn mặc kiểu Mãn Châu, cạo đầu để một dây tóc bính dài tới chân, gặp người Di, Địch phải cung kính: Mãn Đại Nhân. Người Tây Phương nhìn thấy đã gọi là Mandarin là ông Quan gốc từ chữ Mãn Đại Nhân.
ĐÀI TAM QUY QUẢN TRỌNG
Dấu xưa chôn lấp cỏ xanh rì,
Từng giúp Hoàn Công nghiệp một thì.
Quận huyện đã từng phen Cửu Hợp,
Đài rêu ghi rõ chữ Tam Quy.
Tại triều khéo hợp lòng vua đó,
Nghiệp tướng xem thường lúc chết đi.
Mừng được thánh triều chung thiên hạ,
Dưới đài qua lại khách Hoa, Di.
Bản dịch thơ Nhất Uyên
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
QUẢN TRỌNG TAM QUY ĐÀI
Cựu đài nhân một thảo ly ly,
Tằng dĩ Hoàn Công bá nhất thì.
Quận huyện thành trung không cửu hợp,
Môi đài thạch thượng ký Tam Quy.
Tại triều xảo dữ quân tâm hợp,
Một thế chung liên tướng nghiệp ty.
Hỉ trị thánh triều công phú đảo,
Vãng lai đài hạ tạp Hoa, Di.
Quản Trọng là người tài năng như thế nào?
Đông Châu Liệt Quốc . Bản dịch Mộng Bình Sơn. Hồi thứ 16, tr 154 viết:
Bảo Thúc Nha nói với Tề Hoàn Công  để tiến cử Quản Trọng:
" Chúa công biết tôi là người kính cẩn, có thể giữ đúng bổn phận của mình chứ không phải có tài chính trị. Tài chính trị phải là kẻ nhìn xa thấy rộng, trên hiểu lòng vua, dưới rõ bụng dân, biết sức mình, lượng sức địch lúc thái bình cũng như cơn nguy biến, đủ sức làm chủ được mình mà điều khiển công việc. Những điều đó tôi không thể có được.
Tề Hoàn Công nghe nói mỉm cười, bước đến bên Thúc Nha hỏi nhỏ :
- Người mà khanh vừa nói đến, trong đời này có thể có được chăng ? Bảo Thúc Nha nói :
- Có. Người đó đang ở trong nước chúng ta. Nếu Chúa Công xét thấy cần người như vậy thì đã sẵn có Quản Di Ngô. Tề Hoàn Công nói :
- Tài Quản Di Ngô lại hơn khanh được sao ? Bảo Thúc Nha nói :
- Có năm điều tôi không bằng được Quản Di Ngô. Thứ nhất : rộng rãi mềm mỏng, ra ơn với dân, tôi không bằng được. Thứ hai : lấy trung tín mà mua lòng bá tánh, tôi không bằng được. Thứ ba : trị nước không sai giềng mối, tôi không bằng được. Thứ tư : chế lễ nghĩa ra khắp bốn phương, tôi không bằng được. Thứ năm : cầm dùi trống giữa ba quân giục lòng quân sĩ, tôi không bằng được.
Tề Hoàn Công nói :
- Nếu Quản Di Ngô là kẻ có tài thì khanh đòi vào yết kiến, để xem thử tài học vấn Quản Di Ngô đến bực nào ?
Bảo Thúc Nha nói :
- Người hèn không dám gần gủi với kẻ sang, kẻ sơ không dám sánh với người thân. Nếu Chúa Công muốn dùng Quản Di Ngô thì phải cho va làm đến chức Tướng Quốc, đối đãi như sư phụ, thì con người tài ấy mới đem hết sở năng của mình mà hiến cho Chúa Công được. Tề Hoàn Công nói :
- Theo ý khanh thì ta phải làm cách nào để triệu Quản Di Ngô ? Bảo Thúc Nha nói :
- Quản Di Ngô là bậc phi thường trong thiên hạ. Các bậc Tiên Vương thuở xưa muốn được người hiền phải thân hành đem lễ vật đến cầu. Lúc người hiền đã về triều thì phải để ăn chung một bàn, ngồi chung một chiếu. Xin Chúa Công hãy noi gương ấy để thiên hạ thấy Chúa Công là người biết quí kẻ hiền sĩ.
Tề Hoàn Công nghe lời, đòi quan Thái Bốc đến hỏi ngày lành, rồi thân hành đi đón Quản Di Ngô.. Bảo Thúc Nha tin cho Quản Di Ngô biết trước để nghinh đón.
Tề Hoàn Công và Quản Di Ngô ngồi chung một xe mà về triều. Mọi người đón xem đông đặc, ai nấy đều lấy làm lạ lùng. Quản Di Ngô về đến Kim Loan điện phục lạy Tề Hoàn Công, và tâu :
- Tâu Chúa Công, tôi là kẻ trọng tội, đáng chết, được chúa công dung thứ đã là may mắn lắm. Nay Chúa Công lại nhọc lòng ban ơn nữa.Thật là tôi không biết phải lấy gì đền đáp cho xứng đáng. Tề Hoàn Công nói :
- Tiên quân ta có âm đức rất lớn, mới khiến ta gặp được khanh. Vậy khanh hãy vì ta mà có đôi lời chỉ giáo, chẳng những ta mang ơn, mà cả dân chúng nước Tề cũng lấy làm vinh hạnh. Nói xong, đỡ Quản Di Ngô dậy, mời ngồi nơi chiếc cẩm đôn bên cạnh. Quản Di Ngô sụp lạy rồi mới lên ghế ngồi.
Tề Hoàn Công hỏi :
- Nước Tề ta vốn là một nước lớn. Tiên quân ta là Hi Công đã làm cho các chư hầu kính nể. Đến đời Tương Công chính lệnh bất thường, đến nỗi xãy ra tai biến. Nay ta mới lên ngôi, lòng dân chưa định, thế nước chưa yên, nay ta muốn nước mạnh dân an phải làm điều gì trước ? Quản Di Ngô nói :
- Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ là bốn điều cốt yếu để trị nước. Nếu thiếu một trong bốn điều đó, tai biến sẽ sãy ra. Nếu cả bốn điều đó không có thì nước sẽ mất. Tề Hoàn Công hỏi :
- Nếu đã có bốn điều đó, thì dùng cách nào mà trị dân ? Quản Di Ngô nói :
- Muốn trị dân trước hết phải yêu dân. Tề Hoàn Công hỏi :
- Muốn yêu dân phải làm cách nào ? Quản Di Ngô nói :
- Yêu dân phải dạy dân lấy đạo thân ái, chăm sóc đời sống hằng ngày cho dân, bớt giảm xâu thuế, làm cho dân giàu. Hễ dân giàu tức là nước mạnh. Tề Hoàn Công hỏi :
- Dân giàu, nhưng binh khí, quân cụ trong nước thiếu thốn thì phải làm sao ? Quản Di Ngô đáp :
- Muốn đủ binh khí, quân cụ thì hình pháp trong nước nên đặt lệ chuộc tội : tội nặng chuộc một cái tê giáp, tôi nhẹ chuộc một cái quy thuẫn, tội nhỏ phải nạp kim khí, tội nghi tha hẳn. Kẻ nào tụng lý tương đối thì bắt nộp một bó tên rồi giải hòa. Làm như thế ắt quân dụng không thiếu. Tề Hoàn Công hỏi :
- Đã làm như thế nhưng không đủ dùng thì phải làm sao ? Quản Di Ngô nói :
- Khai mỏ, đúc tiền, nấu nước bể làm muối, trữ hàng hóa lấy lãi, cất ba trăm nhà nữ lưu (thanh lâu) cho khách buôn bán đi lại tụ họp ở đó mà đánh thuế. Như vậy, công quỹ phải đủ dùng. Tề Hoàn Công hỏi :
- Của dùng đã đủ, nhưng quân lính còn ít, không đủ sức mạnh thì làm sao ? Quản Di Ngô nói :
- Quân không cần nhiều, chỉ cần tinh nhuệ. Mạnh không vì sức, mà cốt ở tinh thần. Do đó Chúa Công muốn có binh mạnh chỉ cần giữ vững lòng quân, rèn luyện kỹ thuật chiến đấu là đủ. Tề Hoàn Công hỏi :
- Binh thế đã mạnh, có nên đi đánh các nước chư hầu chăng ? Quản Di Ngô đáp :
- Chưa nên đánh vội. Làm chủ các chư hầu không phải đem sức mạnh hăm dọa, mà phải đem đạo đức ra chinh phục. Trước hết phải đặt mình lên địa vị chính đáng đã, sau sẽ dùng cái địa vị đó mà trấn an các chư hầu. Tề Hoàn Công hỏi :
- Làm thế nào để đạt mình vào địa vị chính đáng ? Quản Di Ngô đáp :
- Danh chánh ngôn thuận, là ý muốn của mọi người. Các chư hầu đều có bổn phận phải tuân vương mệnh. Vậy trước tiên Chúa Công phải kính trọng nhà Châu và bắt các chư hầu cũng phải kính trọng như mình. Tề Hoàn Công hỏi:
- Rồi làm thế nào để trấn an các chư hầu? Quản Di Ngô đáp:
- Phải đem đạo đức mà giao hữu với họ. Đem tất cả đất đai đã chiếm được trả cho họ để tỏ ra mình không tham lam, lại đem lễ vật đến khắp nơi cầu người hiền đem về nước mà dùng. Nước chư hầu nào bị loạn tắc, đem quân đến cứu. Làm như vậy nước nào không mến phục. Tề Hoàn Công hỏi:
- Xưa nay đất rộng, dân đông là biểu hiện cho nước giàu mạnh mà khanh lại bảo không nên đem quân lấn đất giành dân thì làm sao cho nước hùng? Quản Di Ngô nói:
- Đem sức mạnh chiếm đất, cũng chỉ chiếm một phần nhỏ nào thôi, vì chiếm rồi còn phải giữ, nếu không đủ sức giữ sẽ bị mất. Còn đem đạo đức mà chiếm đất thì đất không cần phải giữ, do đó có thể chiếm bao nhiêu cũng được.
Tề Hoàn Công cùng Quản Di Ngô nói chuyện trong ba ngày đêm mà không biết chán. Tề Hoàn Công đắc ý, phong cho Quản Di Ngô làm Tể Tướng. Quản Di Ngô từ chối không nhận. Tề Hoàn Công nói :
- Bởi ta muốn theo sách lược của khanh nên phải dùng khanh bỉnh chánh cớ gì khanh lại từ chối . Quản Di Ngô nói :
-Không phải sức một cây gỗ có thể làm nên một nhà lớn, không phải một giòng nước tạo nổi một biển cả. Nếu Chúa Công đã có chí lớn thì nên dùng đến năm kiệt sĩ. Tề Hoàn Công hỏi :
- Nam kiệt sĩ ấy là ai ? tài năng như thế nào ? Quản Di Ngô nói :
- Có tài giao thiệp, biết giữ lễ phép thì tôi không bằng Thấp Bằng. Xin cho Thấp Bằng làm Đại Tư Hanh. Có tài khai khẩn biết cách trồng trọt, thì tôi không bằng Ninh Việt, xin cho Ninh Việt làm Đại Tư Điền. Có tài luyện tập binh sĩ, khiến cho người ta quên chết thì tôi không bằng Thành Phủ. Xin cho Thành Phủ làm Đại Tư Mã. Có tài xử đoán khiến cho người ta khỏi bị hàm oan thì tôi không bằng Tân Tu Vô, xin cho Tân Tư Vô làm Đại Tư Lý. Có tính cương trực, thấy điều trái tất phải nói ngay, thì tôi không bằng Đông Quách Nha, xin cho Đông Quách Nha làm Đại Giám Quan. Chúa Công trọng dụng năm người ất, ắt trong nước được cường thịnh.
Tề Hoàn Công nghe lời Quản Di Ngô phong chức cho năm người ấy. Và quyết định phong cho Quản Di Ngô làm Tể Tướng. "
Quản Di Ngô nói :
- Chúa Công đã có chí lớn, dẫu tài tôi hèn mọn cũng xin cố sức mà vâng lệnh Chúa Công.
Tề Hoàn Công lại hỏi :
- Ta bình sanh có tánh ưa săn bắn, lại thích nữ sắc, chẳng hay hai điều ấy có hại đến nghiệp bá chăng ? Quản Di Ngô đáp :
- Đã rõ được nhược điểm của mình tất không hại. Tề Hoàn Công hỏi :
- Thế thì điều gì mới hại cho nghiệp bá ?
- Không biết người Hiền là hại. Biết người hiền mà không dùng là hại. Dùng người hiền mà không dám phú thác việc lớn là hại. Phú thác việc lớn mà để kẻ tiểu nhân xen vào là hại.
Tề Hoàn Công khen phải. Từ đó công việc triều chính đều phó thác cho Quản Di Ngô, lại gọi Quản Di Ngô bằng Trọng Phụ (tôn kính như cha). Hễ có việc gì lớn, đều hỏi ý kiến Quản Di Ngô trước.
Đọc lại chuyện Quản Trọng, ta thấy Quản Trọng không là một Tể tướng tầm thường, mà là một Tể tướng khôn khéo biết chinh phục thiên hạ bằng hòa bình, bằng đạo đức. Quản Trọng không dành hết quyền tước, chia chác địa vị quyền lợi cho người nhà, cho con cháu, cho phe đảng mình mà tiến cử những người có tài năng cùng trị nước. Quản Trọng không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam ngày xưa, mà trong thời cận đại, cụ Hồ không nhắc đến tư tưởng Mao, không nhắc tới lời Khổng Tử mà chỉ nhắc đến lời Quản Trọng.
So với Quản Trọng, Tập Cận Bình ngày nay hành động với chủ trương tranh chấp với tất cả các nước lân bang, đóng tàu sân bay, tăng cường quân sự, bồi đắp các đảo san hô thành phi trường thành căn cứ quân sự, vẽ đường lưỡi bò chín đoạn bao gồm khắp Biển Đông, tham lam muốn chiếm cả Biển Đông, có ý đồ chiếm phân nửa Thái Bình Dương, và tái lập lại con đường tơ lụa, đi theo con đường bành trướng của Minh Thành Tổ, "Vĩnh Lạc Đại Đế". Tập Cận Bình muốn đặt ra luật lệ quốc tế riêng của mình: Tự ý lập vùng không phận, bắt các nước máy bay, tàu bè qua lại phải xin phép. Không tuân phục luật lệ Quốc Tế mình đã long trọng ký kết, cải cối cải chày bác bỏ quyền phán quyết của tòa án quốc tế trọng tài về luật biển. Hăm dọa cho Việt Nam một bài học, đòi đánh chiếm Việt Nam chỉ cần ba ngày. Trung Quốc với những lãnh tụ ngày nay đi ngược lại đường lối chính trị của Quản Trọng. Đường lối của Tập Cận Bình ngày nay là đường lối Bá Đạo của kẻ muốn dùng bạo lực ngang ngược. Các nước nhỏ, nước lớn đều khinh dễ, Tập Cận Bình đang tự xây Vạn Lý Trường Thành cô lập mình, thì khó có thể đóng vai trò một cường quốc đàn anh được. Theo Quản Trọng một nước phải giữ Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ, không có bốn điều đó nước sẽ mất sẽ loạn. Trung Quốc ngày nay chỉ còn là luật rừng không còn biết Lễ Nghĩa Liêm Sĩ, Trung Quốc tất sẽ loạn và ngày tan vỡ ra từng mãnh sẽ không xa. Nước ta, người lãnh đạo, bốn điều đó còn giữ được mấy điều. Biết người biết ta, cần thiết phải chấn hưng đất nước, không đi theo vết xe sẽ đổ.
25-8-2016
Phạm Trọng Chánh
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Bóng Ma Cơn mưa chiều vội vàng như không đủ xoa dịu cái oi bức đầu mùa hạ. Đêm trong căn nhà nhỏ nóng bức, hai cánh cửa sổ bên hông ...