Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Đà Lạt và cuộc đời tôi

Đà Lạt và cuộc đời tôi

1- Gia đình tôi
Lúc mới di cư vào Sài Gòn năm 1954 thì Bố tôi đã mất đựơc ba năm ở Hải Phòng. Ngày đó, nhà tôi vẫn còn đủ bảy anh chi em. Anh Thanh Hoài là anh cả, đang đi học ở trường Ngô Quyền (Hải Phòng) thì nghe lời bạn bè, tình nguyện vào lính truyền tin Pháp để được đi Ðiện Biên Phủ cho biết mùi chiến tranh. Nhưng cũng may, mộng của anh tôi chưa thành thì quân Pháp đã đầu hàng Việt Minh, hế là anh Hoài tôi lại tự ý bỏ hàng ngũ, leo lên tầu Marie Sherpans của Mỹ để vào Sài Gòn, làm một chuyến giang hồ khác. Cuối cùng, anh tôi đã được dân Sài Gòn khoác cho cái danh hiệu "danh hài nhựa Bắc Kỳ" kể cũng khá hy hữu.

Bà chị thứ hai của tôi tên là Bạch Tuyết (bố tôi lúc chưa chết là một tay hát cô đầu khét tiếng ở Khu Khâm-Thiên, nên ông toàn lấy tên các cô đầu đặt tên cho các con gái của mình!) thì được mẹ tôi gửi đi theo bà Bác tôi di-cư sang Pháp ngay khi chị mới được18 tuổi. Một điều rất kỳ lạ là chị tôi là người sợ lính Tây nhất nhà, nay lại là người được đi Tây sớm nhất. Người anh thứ ba của tôi là Đinh-Tiến-Hùng, năm đó mới đậu xong bằng Trung-Học Ðệ Nhất cấp, ra khỏi Trường Ngô-Quyền, tiếng Anh cắn không ra một chữ, nhưng thời-thế đưa đẩy thế nào, anh tôi cũng xin được một cái job Thông-Dịch-Viên tiếng Mỹ trên tầu di-cư Sherpans của quân-đội Mỹ mới lạ. Sau này, anh Hùng tôi tình-nguyện gia-nhập Khóa 6 Thủ-Đức, cuối cùng là Thiếu-tá CHT/ Pháo-Binh Phan-Rang cho đến giờ phút chót rồi mới chịu ngồi bóc gần 10 cuốn lịch (cũng gần bằng tôi!). Người chị gái kế tôi tên là Hồng-Vân (cũng lại là một tên cô đầu khác!) thì theo gia-đình chú Dì tôi di-cư vào Nha-Trang bằng máy bay DC3 của Pháp (chú dì tôi là một thương-gia giầu có ở Hải-Phòng nên ưu-tiên được di-cư bằng máy bay, thời nào chẳng thế!). Còn lại ba đứa tôi là chị Tuyết-Hồng (cũng tên cô đầu nữa!), tôi, và đứa em trai út của tôi là thằng Ðạo mới được 5 tuổi (Đinh-Tiến-Đạo, sau này nhập Khóa 24 Trường Sĩ-Quan Võ-Bị Đà-Lạt, và là phi-công khu-trục đóng ở Căn-cứ KQ Cần-Thơ cho đến ngày tan rã) thì đi theo mẹ tôi di-cư vào Nam bằng tầu há mồm và tàu thủy của Mỹ ở Vịnh Hạ-Long.
Sau 3 ngày, 2 đêm vật lộn với sóng biển, ăn cơm nhão như cháo đặc với cá thu luộc chấm muối do mấy ông lính bếp Mỹ nấu, mới ngửi đã thấy mùi tanh nồng-nặc, nôn thốc nôn tháo rồi.

Thế rồi, mọi người cũng đặt chân lên cái đất Sài-Gòn xa lạ, cái thành-phố mà ngày đó chúng tôi tưởng như là một nước khác, không phải là một thành-phố của nước mang tên Việt-Nam mà tôi vẫn học, bởi vì tất cả đều quá lạ-lùng đối với tôi.
Nói là cả gia-đình tôi di-cư vào Nam, nhưng thật ra mấy anh chị em tôi mỗi đứa ở một nơi, vì mẹ tôi lo chỗ ở cho tất cả mấy đứa chúng tôi không xuể, nên phải gửi mỗi đứa một chỗ: đứa này cho bà bác, đứa kia cho ông cậu nuôi dùm, cho nên thỉnh thoảng anh chị em tôi mới được gặp nhau chốc lát.

Trước ngày Hiệp-Ðịnh Geneve ký kết thì tôi đã học xong bậc Tiểu-Học ở Hải-Phòng, và mẹ tôi mang tôi lên Hà-Nội để gửi cho Bác Khánh của tôi, và nhờ bác xin cho tôi vào học trường Nguyễn-Trãi Hà-Nội, vì bác tôi lúc bấy giờ là Giám-Học Trường này. Vì thế, việc đầu tiên của Mẹ tôi sau khi vào tới Sài-Gòn là bà dẫn tôi đến Trường Nguyễn-Trãi Sài-Gòn) để xin cho tôi nhập học ngay.

Từ ngày vào học ở trường mới, xung quanh tôi tất cả đều mới lạ: trường mới, thầy mới, bạn mới… Tôi vẫn tiếc hùi hụi những ngày vui ở Hà-Nội sau cái ngày tiếp-thu: đâu đâu cũng nghe người ta hát những bản nhac quân ca, cũng thấy mọi người nhảy hòa-bình son đố mì son. 

Thời-gian qua đi thật là mau…Bốn năm mài đũng quần ở trường Nguyễn-Trãi cũng đủ để tôi có nhiều bạn mới như Nam Ðin, Nhi Hói, Hanh Lùn, Hưng Kèn, Cung Ðờn… và nhiều nữa. Khi chúng tôi tất cả đã đậu xong bằng Trung-Hoc thì đều rủ nhau xin nhập học vào Trường Chu-Văn-An (Sài-gòn) vì trường Nguyễn-Trãi chỉ có đến lớp Đệ Tứ là hết. Thế là mang tiếng là học trường mới, nhưng vẫn toàn là những khuôn mặt cũ.

Lúc này chị Vân tôi đã lấy chồng và chị đã được một lũ con, mặc dù chị vẫn còn trẻ, vì khi lấy chồng chị mới có 16 tuổi. Chồng chị là một Sĩ-Quan Hải-Quân ở Nha-Trang, nên gia-đình chị được cấp một căn nhà trong cư-xá Hải-quân ở đường Biệt-Thự nằm gần bãi biển Nha-Trang. Căn cư-xá chi Vân ở rất xinh, lại rất gần bãi tắm biển, nên tôi thích lắm.

Ngay khi vừa thi xong Tú-Tài II ở trường Chu-Văn-An, chuyện đầu tiên của tôi là nhảy lên xe lửa, theo chuyến tàu đêm ra thẳng Nha-Trang để đến nhà chị Vân nghỉ hè cho thoải mái sau những ngày học thi vất vả. Tôi cũng không quên mang theo cuộc hành-trình ra Nha-Trang của tôi chiếc Velo Solex màu đen mà Mẹ tôi đã thưởng cho tôi khi tôi đậu xong bằng Trung-Hoc.
Thành-phố Nha Trang là một thành-phố quá đẹp và thơ-mộng đối với tôi. Tôi thường nói với chị Vân:

- Em mê Nha Trang quá chị ạ, chắc em chọn thành phố này để sống cho tới cuối đời em đó chị.
Chi tôi mỉm cười, nói với tôi:
- Thì cậu chọn một cô gái ở Nha Trang cưới làm vợ đi, sau này có đi đâu cũng phải về đây thôi!

Tôi tưởng chị Vân chỉ nói chơi vậy thôi, ai ngờ đâu mấy hôm sau chị dẫn tôi đến nhà người bà con của chồng chị là anh Điện, giới thiệu tôi cho cô em họ của chồng chị tên là Tấm, Trần-Thị-Tấm. Tấm là một cô bé rất dễ thương, nhưng mới 14 tuổi, đang học lớp Đệ Lục Trường Võ-Tánh (Nha-Trang). Tôi buồn cười cho kế-hoạch của chị Vân, và không thể tưởng tượng là người yêu của tôi, hoặc vợ của tôi lại là cái cô bé "chưa biết gì" như Tấm lúc đó! (Tôi nghe nói Hội-Trưởng Hội Ái Hữu Nha-Trang ở Cali bây giờ là bà "Tam-Tran", không biết có phải là cô bé Tấm ở Nha-Trang năm xưa không?)

Trong khi với vóc dáng của một cậu hoc-sinh Chu-Van-An từ Sài Gòn ra chơi, suốt ngày cưỡi chiếc Velo bóng lộn chạy khắp bãi biển đường Duy-Tân, đến dọc dãy phố Đường Độc-Lập (Nha-Trang), tôi đã trở thành bạn thân của nhiều người đẹp ở thành-phố này như Phượng, Lâm, Bich-Khê, Kim-Loan, hai chi em Kim-Anh, Cẩm-Vân v.v… (nghe nói cô chị Cẩm-Vân đẹp đến nỗi có một ông Tá Không-quân ở Nha-Trang mê như điếu đổ nhưng cô không chịu, nên ông này đã lấy một cô nữ-sinh khác học ở trường Kim-Yến, Nha-Trang. Bạn tôi là Thạc, biệt-danh "Thạc Xóm Bóng Nha-Trang", là một học-sinh trường Võ-Tánh, mê cô này như điên dại, có bao nhiêu áo sơ mi, nó đều thêu chữ M… trên túi áo, khi thấy em yêu của nó lên xe hoa về nhà chồng, nó đã như kẻ không hồn!). Nhưng có một điều rất lạ mà chính tôi cũng không hiểu nổi là trong số những cô bạn gái đẹp như tiên của tôi ở Nha-Trang thời bấy giờ thì chẳng có cô nào là người yêu của tôi cả. Lúc ấy người yêu của tôi lại là một cô gái người Trung-Hoa chính gốc, nghĩa là một cô gái Tầu nói tiếng Việt chưa rõ, ba má, anh chị em của cô thì hoàn toàn không biết nói một câu tiếng Việt nào, một gia-đình Tầu không bao giờ chấp nhận một đứa con trai Việt Nam nào là người yêu của con gái họ hết, chứ về làm rể thì không bao giờ xảy ra cả. Tên nàng là Shu-Chin (cũng như tên Tuyết-Trinh của con gái Viet Nam vậy). Nhà Chin mở một tiệm bán sách báo ở đường Độc-Lập Nha-Trang, hàng ngày tôi vẫn đến đây giả vờ mua sách báo để tìm cách làm quen với Chin, rồi dần dần Chin cũng thật lòng yêu tôi. Tôi dấu chị Vân và mọi người chuyện tôi và Chin yêu nhau, chỉ có thằng Thạc là người biết chuyện tình của tôi với nàng vì nó là người được tôi tâm-sự hết mọi chuyện. Tôi và Chin thường hẹn hò gặp nhau trên bãi biển Nha-Trang để đi sánh vai nhau vào những đêm trăng, tâm sự với nhau, và đôi khi thay lời nói bằng những nụ hôn nồng-nàn…

Bạn thân của tôi thuở hoc sinh Trường Nguyễn-Trãi và Chu-Văn-An thì rất nhiều, như Nguyễn-Đức-Nam (biệt danh Nam Đin), Đỗ-Diễn-Nhi tự là Nhi Hói, Nguyễn-Ngọc-Kiểm, chuyên làm thơ với bút hiệu Ngọc-Hoài-Phương rất kêu nhưng bọn tôi chỉ gọi nó là Phương Kều vi nó vừa cao lạI vừa gầy, thằng Luân Vũ thì ẻo lả như con gái nhưng ngày đó chưa gọi là "pê-đê" như bây giờ (không biết bây giờ nó có phải là ca-sĩ T.A. hay không, vì nhiều người nói mà tôi không dám hỏi), còn thằng Mai-Năng-Căn không biết bây giờ nó sống hay chết ở đâu nữa v.v… Trong số những thằng bạn trai này, không hiểu sao lại lọt vào một đứa con gái trong bọn "bán trời không văn-tự" chúng tôi: tên nàng là "Mai Đen", còn gọi là Mai Chân Voi nữa! (vì da vừa đen, cặp giò lại to như chân voi nên gọi thế cho tiện!). Ai muốn biết Mai Đen, biệt danh Mai Chân Voi bây giờ là ai, ở đâu thì cứ đăng báo Hồn-Việt, mục tìm người thân có thể sẽ biết.
2- Đà Lạt, những ngày vào đời

Trong thời-gian tôi nghỉ hè ở nhà chị Vân ở Nha-Trang, chỉ có Nam Đin (tức Nguyễn-Đức-Nam), và Mai-Năng-Căn là được tôi báo tin, nên 2 đứa đã lục-tục kéo ra Nha-Trang để cùng nhập với bọn tôi.Nam mang theo cây đàn guy-ta nên nó ca hát suốt ngày. Hồi đó hai bài hát Tà Áo Xanh tức Dang Dở và Uớt Mi mớI ra và đang thịnh-hành nhất, nên mỗi lần Nam Đin hát lên là các em thích lắm. Nhà chị Vân bỗng dưng trở thành trung-tâm văn-nghệ. Bạn bè ở Nha-Trang của tôi đến chơi đông lắm. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là tại sao lại không tổ-chức một Đêm Văn-Nghệ Hoc-Sinh Nha-Trang cho vui nhỉ? Thế là cả bọn đồng ý ngay. Đêm Văn-Nghệ Học-Sinh Nha-Trang được tổ-chức rầm rộ ở Nhà Hàng Đồng-Khánh trên đường Độc-Lập Nha-Trang, chúng tôi đi đặt nhà-hàng và in vé rồi mang đi các trường bán với giá học-sinh nên rất nhiều người mua, có cả người lớn tuổi, và các quân-nhân ở các quân trường tham dự nữa. Thật là một đêm vui của học-sinh Nha-Trang, ất tiếc là chỉ có ca nhạc thuần túy và ăn uống, chứ không có nhảy đầm như các Boom tại Sài Gòn lúc bấy giờ, vì học-sinh ở Nha-Trang thời đó còn hiền lành quá.

Lúc này, tôi vừa đúng 19 tuổi. Cuộc đời tôi tưởng sẽ êm trôi ở cái thành-phố biển này. Rồi một ngày nào đó, theo sự mai mối của chị Vân, tôi sẽ cưới cô Tấm, em chồng chị, hoặc một cô gái ở Nha-Trang nào đó về làm vợ, và tôi sẽ sống cần cù như bao người dân Nha-Trang khác. Nhưng… định-mệnh đôi khi lại khác xa với những gì người ta nghĩ tới! Sau cái đêm văn-nghệ học-sinh, tôi và thằng Nam một hôm đang đi lang-thang trên đường Duy-Tân thì bỗng dưng, một chiếc xe hơi Citroen màu đen đang chạy ngừng lại trước mặt chúng tôi. Rồi từ trong xe, ba bốn thằng mở tung cửa xe, la hét chạy lại về phía chúng tôi. Tưởng sắp có chuyện ẩu đả xảy ra, hai đứa chúng tôi thụt lùi và thủ thế. Lúc đó mấy tên này mới cười rú rượi và ôm lấy bọn tôi, tưởng ai hóa ra là tụi thằng Khải Sẹo, thằng Tiến, thằng Quân… cùng học chung lớp ở trường Chu-Văn-An với tụi tôi. 

Khải Sẹo nói:
- Anh thằng Tiến có việc đi công-tác xa nên để xe hơi ở nhà, và gửi chìa khóa xe cho nó. Tranh thủ cơ hội này, bọn nó rủ nhau lấy chiếc xe Citroen của anh nó làm một chuyến giang-hồ Sài-Gòn, Nha-Trang, Đà-Lạt,rồi quay về lại Sài-Gòn để kịp trả xe cho anh nó trước khi anh nó đi công tác về. Tụi này rủ tôi và Nam gia nhập bọn làm chuyến ngao-du. Tôi và Nam nhìn nhau như thầm hỏi ý-kiến trước khi có quyết-định.Thật tình từ ngày vào Nam, tôi chưa biết Đà-Lạt bao giờ,mặc dù đã nghe rất nhiều người ca-tụng thành-phố này: nào là thành-phố sương mù, nào là thành-phó mộng mơ… Cho nên khi Nam hỏi tôi, tôi đồng ý liền, mặc dù trong túi chỉ vừa đủ 500 đồng để góp với bọn chúng,gọi là để trả chi phi xăng nhớt, ăn uống…

Sau gần một ngày, chiếc xe Citroen cũ kỹ, ì ạch chở mấy thằng tôi đến Phan Rang, dưới chân đèo Ngoạn Mục thì trời đã tối đen. Chẳng có thằng nào rành về máy móc gì cả, nên xe mới leo đến nửa đèo thì rùng mình dừng lai, không chịu chạy nữa.

Cả bọn đành phải ra vệ đường vẫy các xe đi ngang qua để xin đi quá giang về Đà-Lạt, nhưng chẳng có xe nào chịu dừng lại giữa đêm khuya như thế này cả. Đói bụng quá, nhưng trong xe lai chẳng mang theo đồ ăn gì cả. Thằng Khải bạo dạn nhất bọn, nó đi vào rừng một lúc và mang ra một chùm xoài rừng, ai nấy đành nhai xoài xanh cho đỡ đói bụng. Đến một giờ sau mới có một chiếc xe tải cũ kỹ chịu ngừng lại. Thằng Khải Sẹo lại ra thương thuyết, cuối cùng ông tài-xế chịu kéo chiếc xe Citroen và cho tụi tôi về Đà-Lạt với giá tiền bằng tất cả số tiền tụi tôi đóng góp. Thế là tiêu tan cái mộng lên Đà-Lạt ăn chơi, nhảy đầm…

Trời tờ mờ sáng thì xe tới thành-phố Đà-Lạt. Thằng Khải và thằng Tiến lãnh nhiệm-vụ mang xe tới garage để sửa, còn tôi và Nam thì leo lên cái dốc thật cao để hướng vê phía chợ Hòa-Bình Đà-Lạt.

Đứng trên đỉnh dốc nhìn về phía Hồ Xuân Hương, giữa làn sương mù bay vương-vấn ngang qua mặt, tôi cứ lặng người đi trước cảnh đẹp chưa bao giờ từng thấy. Tôi tưởng như đang lạc vào chốn Bồng-Lai Tiên-Cảnh trong truyện tiểu-thuyết kiếm-hiệp vẫn thường tả vậy. Hình ảnh im lìm này,khiến tôi quên hết cả tiếng sóng biển quen thuộc của Nha-Trang, thành-phố mà tôi vừa mới đi qua.

Tôi nói với Nam:
- Chắc là sau này tao sẽ không thể nào rời xa được cái thành-phố kỳ diệu này!
- Tao cũng nghĩ vậy. Nam trả lời tôi.
3- Trở về xứ hoa anh đào và sương mù Đà Lạt…

Hai năm sau (1962), tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ Khóa 13 Trường Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ- Ðức. Giã-từ tuổi học-trò, giã-từ bạn bè, giã-từ mái tóc bềnh bồng, ôi khóac bộ quân phục,vai ba-lô lên đường. Những bạn cùng lớp tôi cũng lần lượt nhập ngũ, trong đó có ca Nam Đin; nghe anh nó nói Nam hiện đang phục vụ trong binh-chủng quân-cụ. Sau khi ra trường Sĩ-Quan Thủ-Đức, chúng tôi không còn có dịp về thành-phố thường xuyên nữa. Bao nhiêu thời-gian đều là lặn lội trong núi rừng hành-quân. Bạn bè,anh chi em chỉ còn có thể liên-lạc qua thư-từ mà thôi. Tôi về phục-vụ tại Trung Đoàn 47 Bộ-Binh là đơn-vị hành-quân di-động tại Vùng 2 Chiến-Thuật. Một lần đơn-vị của tôi đến hành-quân ở Tuy-Hòa, tôi có gặp lại Tấm, cô bé nữ-sinh ở Nha-Trang năm nào. Tấm đã hết học Trường Võ-Tánh Nha-Trang, nàng theo gia-đình anh trai về sinh-sống tại Tuy-Hòa. Chúng tôi nói chuyện với nhau chốc lát rồi lại phải chia tay, vì đơn-vị đang trên đường di-chuyển hành-quân.

Năm 1964, ôi được về ngành ANQĐ, và tôi được đơn-vị cho tôi đi du-học Khóa Tình-Báo tại Okinawa (Nhật-Bản). Khi trở về nước trình-diện Cục-Trưởng Cục ANQĐ, ông hỏi tôi:
- Bây giờ cậu muốn về đâu?
Tôi trả lời ngay:
- Thưa Đại-Tá, tôi xin về Đà-Lạt ạ!
Thế là mộng ước về Đà-Lạt mà tôi ôm ấp từ lâu bây giờ đã trở thành sự thật.

Tưởng là ngày trở về Đà-Lạt lần này sẽ không còn gặp ai là bạn bè cũ nữa, nhưng tôi không ngờ tôi lại gặp lại cả Nam Đin và Mai Đen nữa. Nam bây giờ đã là một Sĩ Quan quân-cụ, đóng tại đồi Nguyễn-Tri-Phương gần Thị-xã Đà-Lạt; Mai Đen bây giờ không còn mang cái tên ngỗ nghịch xưa nữa, cô đã là một thiếu nữ xinh đẹp, và là một ca-sĩ nổi tiếng của các vũ-trường và phòng trà ở Đà-Lạt.

Chúng tôi gặp nhau, mừng rỡ, rồi cùng rủ nhau ngồi uống cà-phê tại Nhà Thủy Tạ bên hồ Xuân-Hương, nhắc lại những kỷ-niệm xa xưa…

Trong thời-gian phục vụ ở Đà-Lạt,tôi đã gặp và yêu một người con gái ở đường Phan-Đình-Phùng. Nàng tên là Thu-Liên. Liên sinh ra và lớn lên ngay tại thành-phố Đà-Lạt, người con gái mang những nét đẹp và dịu-dàng đặc-biệt của thiếu-nữ Đà-Lạt mà tôi vẫn đi tìm từ lâu.

Bỗng dưng, tôi lại nhớ lại lời dặn dò của chị Vân tôi:
- Nếu cậu muốn chọn nơi nào làm quê-hương suốt đời, thì cách tốt nhất là cậu hãy cưới người con gái xứ đó làm vợ, thì cuộc đời cậu sẽ gắn bó với xứ sở đó mãi mãi. 

Tôi yêu Đà-Lạt, tôi yêu con gái Đà-Lạt, và tôi đã xin phép Mẹ tôi cho tôi được làm đám cưới với Thu-Liên (tên nàng) ngay tại thành-phố Đà-Lạt này. Hôm đám cưới chúng tôi, đương-nhiên là có sự tiếp tay của Nam Đin, Lệ-Mai và các bạn Đà-Lạt của tôi.
Thời-gian thấm thoắt trôi qua thật mau, mới ngày nào mà bây giờ trong gia-đình chúng tôi đã có thêm năm cô gái Đà-Lạt nữa. Người ta thường nói là "ngũ long công-chúa" là tốt nhất, Thầy Bói Chiêm (bạn của tôi ở tôi ở cây số 4 Đà-Lạt) cũng nói thế, và tôi cũng hy-vong vậy.

Vợ tôi tên Thu-Liên, do đó tôi bỗng có ý-nghĩ ‘tiếu-lâm" là đặt tên "ngũ long" của tôi theo tên Liên của Mẹ, chỉ khác cái tên lót (còn cái họ vẫn là Đinh-Tiến của tôi!), để sau này con gái sẽ theo mẹ lên núi Lang Biang, còn tôi sẽ xuống biển sống một mình vì không có con trai, năm cô gồm có: Quỳnh-Liên, Phượng-Liên, Diễm-Liên, Thảo-Liên và Mai-Liên.

Nhưng thật không ngờ ý nghĩ "tếu" của tôi lại là một điềm gở, sau khi đặt tên Mai-Liên xong thì ngày 30 tháng Tư-1975 tràn tới. Chúng tôi chạy về Sài Gòn nhưng không còn kịp nữa. Vợ tôi phải dẫn một bầy con nhỏ trở lên Đà-Lạt để tá-túc về bên ngọai, còn tôi thì một mình lùi lũi được đưa ra bến Quân Cảng Sàigòn để xuống tầu ra biển, hướng về lạị đất Hải-Phòng, quê-hương cũ của tôi!
4- Đà Lạt ơi, em hãy chờ anh nhé…

Thấm thoắt đã hơn 40 năm trôi nhanh, từ ngày rời thành-phố Hải-Phòng đầy hoa phượng-vỹ, rời mái trường Nguyễn-Trãi và Chu-Văn-An nhiều bạn bè và tuổi trẻ, rời cuộc đời quân ngũ, rời quê-hương VN thân yêu, và nhất là phải xa rời thành-phố Đà-Lạt nhiều kỷ-niệm. Thời-gian lâu quá mà tôi tưởng như mới hôm qua. Thế mới biết đời người thật quá ngắn ngủi. Bây giờ tôi không còn là chàng trai 19 tuổi mới vào đời đầy nhựa sống nữa,tôi đã là một ông già trên sáu mươi rồi, chóng thật!

Thu-Liên, người con gái của xứ Đà-Lạt sương mù ngày xưa, sau bao nhiêu năm sóng gió đổ dồn dập lên thân hình mảnh-mai này đã làm hao mòn thể xác. Nàng như tượng đá vọng phu trên đỉnh núi Lâm-Viên, vẫn kiên trì sống lây lất ở cái thành-phố Đà-Lạt để chờ đợi ngày tôi trở về…

Và ngày đó cũng tới, vợ chồng con cái chúng tôi lại được gặp nhau ở thành-phố sương mù này. Sau 13 năm, "Ngũ Long Công Chúa" của tôi bây giờ đã là những thiếu-nữ Đà-Lạt, má đỏ như mẹ chúng ngày xưa.

Quỳnh-Liên, con gái lớn nhất của tôi đã có gia-đình, và vẫn còn ở lại Đà-Lạt, đang cùng chồng con mở cơ-sở kinh-doanh trên đất Đà-Lạt này. Phượng-Liên cũng đã lấy chồng và có 1 con gái tên Asley Nguyễn, sống với gia-đình ở Los Angeles, Cali. Thảo-Liên và Mai-Liên cũng đã ra trường và ở cùng thành-phố Dallas (Texas) với vợ chồng chúng tôi.

Có một điều tôi không bao giờ nghĩ tới là Diễm-Liên đã tự-nguyện chọn con đường nghệ-sĩ làm lẽ sống cho riêng mình. Bây giờ Diễm-Liên đã trở thành "nữ ca-sĩ Diễm-Liên" mang biệt-danh "cô bé Nhạc Thính-Phòng" quen thuộc với khán thính-giả Việt-Nam ở hải-ngoại. Vẫn là cái tên Diễm-Liên do tôi đặt, và đó không phải là cái tên được chọn lựa cho một người ca-sĩ. Vẫn là cái tên Đinh-Tiến Diễm-Liên định-mệnh được in mờ nhạt trên tờ giấy khai-sanh vẫn còn lưu-giữ trong văn-khố hộ-tịch từ miền sương mù Đà-Lạt!
Trong căn nhà nhỏ bé nhưng rất ấm cúng ở thành-phố Dallas (Texas), Thu-Liên đang vui đùa với mấy đứa cháu ngọai, tôi thì ngả mình trên chiếc sofa ở phòng khách. Tôi mở tờ tuần báo Ca Dao của nhóm văn nghệ sĩ ở Dallas ra đọc.Bỗng dưng tôi dở tới một trang báo viết về ca-sĩ Diễm-Liên của nhạc-sĩ Trường-Kỳ viết:

"Có thể nói Diễm-Liên là một trong những ca-sĩ mau nổi tiếng nhất trong làng ca nhạc hải-ngoại… Diễm-Liên sinh trưởng tại Đà-Lạt trong một gia-đình gồm "ngũ long công chúa", tất cả đều mang một tên Liên… Ngay cả bà mẹ cũng tên Liên: Thu-Liên, là vợ của ký-giả Đinh-Tiến-Dũng, bút-hiệu Đinh-Lang…"

Tôi mỉm cười, đặt tờ báo xuống. Không hiểu sao hình ảnh một đêm nào đã lâu lắm, lúc mà tôi vẫn còn là một chàng trai độc-thân ở Sài Gòn, tôi đã hòa mình với những tiếng nhạc trẻ mới lạ,rất xa la với lứa tuổi chúng tôi trong Đêm Nhạc Trẻ New Waves do nhóm nhac-sỉ VN trẻ thời bấy giờ tổ-chức ở Trường Tabert và ở Sở Thú Sài-Gòn, trong đó có nhạc-sĩ Trường-Kỳ với mái tóc dài đến vai và chiếc kinh cận gọng đồi mồi rất dầy đã gây ấn-tượng cho giới trẻ ở Sài-Gòn lúc bấy giờ

Nếu tôi nhớ không lầm thì nhạc-sĩ Trường-Kỳ cũng sấp sỉ bằng lứa tuổi tôi, vậy mà tâm-hồn ông vẫn còn rất trẻ để viết và giới-thiệu về những người nghệ-sĩ thuộc lứa tuổi bây giờ, điều đó thật đáng qúy.

Tôi bỏ chiếc kính đọc sách xuống, đôi mắt nhắm lại… Không hiểu sao trong lòng mình cảm thấy rạo rực khó tả.

Tôi muốn hét lên thật lớn:
- Cảm ơn tuổi trẻ, cảm ơn trường xưa, cảm ơn bạn cũ, cảm ơn những thành-phố đã đi qua đời tôi, tất cả đã mang đến cho cuộc đời tôi thật nhiều kỷ niệm đẹp.

DIM LIÊN

Sau hơn mười năm sống xa quê hương, xa thành phố Đà Lạt, vợ chồng tôi rủ nhau lấy vacation, thực-hiện một chuyến về thăm Đà-Lạt và ăn Tết với gia-đình của Quỳnh-Liên tại nơi đây trước khi chúng tôi chuẩn-bị về hưu. 

Đêm nay Đà-Lạt đón Giao-Thừa trong cái lạnh co ro như hàng chục năm trước đây. Còn vài giờ nữa mới đến giờ cúng Giao-Thừa, tôi và Thu-Liên dìu nhau lên con dốc đường Minh-Mạng để đến khu Hòa-Bình xem phong-cảnh Đà-Lạt về đêm. Giống như thói quen khi mới lấy nhau vào những đêm đón Tết ở Đà-Lạt trước đây, chúng tôi lần-lượt ghé thăm Vũ-trường Golf 3, vũ-trường Chez Moi (Tao-Ngộ), và Phòng trà ca-nhạc Thính-Phòng Da-Lat’s Night (Đêm Đà-Lạt) của vợ chồng Quỳnh-Liên.

Sau một lúc ngắm nhìn những cặp uyên-ương dìu nhau theo điệu nhạc Tango trên sàn nhảy trong tiếng hát của cô ca-sĩ trẻ,rất trẻ có lẽ thuộc thế-hệ sau 1975, dưới ánh đèn mầu laser hiện-đại, vợ chồng chúng tôi rủ nhau ra ngoài, đứng trên đồi dốc, nhìn về hướng một căn nhà nhỏ tối-tăm bên cạnh chợ hoa Đà-Lạt, bùi-ngùi nhớ lại hình ảnh Vũ-Trường La Tulip Rouge, vũ-trường Night Club, vũ-trường Chic Cabarez… năm xưa, với tấp-nập khách Đà-Lạt hào-hoa đến khiêu-vũ ở các dancing này hàng đêm.

Hình như những tiếng hát của các ca-sĩ ngày đó như Thu-Hương, Thùy-Hương, Thúy-Nga (vợ cố nhạc-sĩ HTT), Lệ-Thu, Khánh-Ly (tức Lệ-Mai bạn tôi ngày xưa), Anh-Thư, Phong (Trường Chính-Trị Kinh-Doanh Đà-Lạt) vẫn còn đang vang lên trong đêm nay.

Tôi và Thu-Liên đều nhớ lại thời-gian cách đây bốn mươi năm trước, chúng tôi đã từng hẹn-hò nhau cũng ở nơi đây,cùng đưa nhau đi ăn cơm tám thơm với thịt đông dưa chua, trứng đúc thịt của tiệm cơm Mỹ Hương ở bên kia đường, rồi cùng vào quán Cà-Phê Tùng gần đó để nhấm nháp ly cà-phê đen thơm nóng, trước khi dìu nhau trong tiếng nhạc ở Vũ-Trường La Tulip Rouge này…

Chìm ngập trong dĩ-vãng, chúng tôi giật mình tỉnh mộng vì chỉ còn mười lăm phút nữa là đã đến giờ cúng Giao-Thừa rồi. Tôi đành dìu Thu-Liên trở về hướng đường Phan-Đình-Phùng để về nhà, chuẩn bị cúng Giao-Thừa. Trên đường về, bỗng dưng chúng tôi nghe văng-vẳng đâu đây, từ nhà ai đó vọng lại tiếng hát của nữ ca-sĩ Lệ-Thanh trong bản nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên:

"Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa”.

16/3/2004

Đinh Tiến Dũng

Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...