Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Hồ Dzếnh: Kẻ mang những nỗi sầu u kín của ngày xưa

Hồ Dzếnh: Kẻ mang những
nỗi sầu u kín của ngày xưa

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 bắt gặp những gương mặt nổi bật như Thanh Tịnh, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao trong số đó không thể bỏ qua Hồ Dzếnh, người mang trên mình tấm lòng bao dung, đôn hậu cùng một trái tim luôn dành trọn tình yêu sâu kín cho quê hương xứ sở.
Ông được xem là cây bút lãng mạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, thuộc trong số những nhà văn chứng kiến mỗi bước chân cũng như nhiều thăng trầm, sóng gió đi qua trên đất nước nên từng trang văn mang tên Hồ Dzếnh luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân.
1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hồ Dzếnh
Hồ Dzếnh sinh năm 1916, tên thật của ông là Hồ Triệu Anh. Cha của nhà văn là người Quảng Đông, Trung Quốc di dân sang Việt Nam trong những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, quê mẹ ở huyện Quảng Xương, thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Hình ảnh nhà văn Hồ Dzếnh
Tuy nhiên, có hai quê hương nhưng ngay từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời, vì không có cơ hội nên chưa một lần Hồ Dzếnh được đặt chân đến quê cha.
Nơi ấy chỉ hiện lên trong ông như một tiềm thức mà bản thân vẫn luôn hướng về, để rồi nhiều lần chính nhà văn đã đặt bút mà viết rằng:
“Mây ơi có tạt về phương Bắc
Chầm chậm cho ta gửi mấy lời
Từ thuở ly hương ta vẫn nhớ
Nhưng tình xa lắm gió mây ơi.”
– Tư hương
Hồ Dzếnh xem mình như kẻ lưu lạc ngay chính trên đất mẹ, vì ông chỉ là một lữ khách nửa vời nên bản thân luôn dành trọn lòng mình với mối sầu vạn cổ. Những bài thơ đều viết về cái thăm thẳm đang hắt bóng xuống miền quê vào mỗi buổi chiều buông.
Phần lớn những trang văn của ông đều in đậm nỗi nhớ quê nhà. Đó là Trung Hoa, nơi mà bản thân nhà văn chưa từng thấy mặt hay quê ngoại xứ Thanh, nơi có dòng sông thả mình theo làn khói, uốn lượn để đi sâu vào cả rừng cây.
“Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây.”
– Chiều
Bởi Hồ Dzếnh xem tình nghĩa là gốc rễ của văn chương nên tác giả đã gửi gắm những cảm xúc da diết xuất phát từ trái tim chân thành vào từng trang viết nhằm thể hiện tình cảm cho cả quê mẹ và quê cha.
Nhà văn học Tiểu học ở Thanh Hóa rồi sau này ra Hà Nội vừa học tiếp bậc Thành chung vừa kiếm sống bằng nghề gia sư và làm công ở các hiệu buôn của người Hoa.
Hình ảnh tác phẩm Chiều của Hồ Dzếnh
Hồ Dzếnh bắt đầu viết từ rất sớm, một số truyện ngắn của ông được đăng tải trên báo Trung bắc chủ nhật, Tiểu thuyết Thứ Bảy hay tập san Mùa gặt mới.
Nhắc đến tên ông, người ta thường nghĩ đến cái cô độc ngay trong từng nét bút. Mỗi con chữ hiện lên đều mang trên mình một góc nhìn sâu thẳm từ nỗi buồn, đó có thể là sự bi ai hắt bóng trên yên ngựa, cái đau khổ mà số phận bắt buộc phải chấp nhận hay niềm yêu thích muốn quay về dĩ vãng của bản thân.
Song hành cùng Thanh Tịnh và Thạch Lam, Hồ Dzếnh không viết nhiều, đi nhiều như những nhà văn đương thời nhưng ngòi bút văn xuôi trữ tình ấy vẫn luôn đứng vững trên văn đàn Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 với quan điểm sáng tác, phong cách nghệ thuật riêng biệt.
Hồ Dzếnh thử sức với nhiều thể loại như kịch, thơ, truyện dài hay feuilleton, tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ nhưng có lẽ thành công nhất vẫn là văn xuôi. Ông còn có bút danh khác là Lưu Thị Hạnh khi viết cuốn Một chuyện tình 15 năm về trước và Những vành khăn trắng.
Ngay từ lúc nhỏ, nhà văn đã sống trong hoàn cảnh nghèo đói nên ông có thể nhìn thấy được thế giới ngột ngạt, tù túng của làng quê. Ở đó luôn tồn tại hình ảnh những người dân Việt Nam tuy khốn khó nhưng cũng nhiều đức tính cao đẹp.
“Cái dải đất thoát ra được ngoài sự lừa lọc, phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ.”
– Hồ Dzếnh
Ở bất cứ tác phẩm nào mang tên Hồ Dzếnh, người ta cũng thấy rõ một tấm lòng nhân hậu ẩn sau mỗi con chữ. Nhà văn đã viết và dành trọn từng nét bút tràn ngập yêu thương không chỉ cho riêng mình mà còn cả những kiếp người có số phận bất hạnh trong xã hội cũ.
Hình ảnh tác phẩm đầu tay 
Dĩ vãng của Hồ Dzếnh
Văn của Hồ Dzếnh luôn khắc họa rõ nét nỗi buồn muôn thuở mà bản thân từng chứng kiến, hiện lên trên trang văn ấy là hình ảnh cái đẹp, cái khổ ở mỗi con người tưởng chừng đã bị quên lãng ngay trong chính cuộc đời của họ.
Năm 1940, Hồ Dzếnh chắp bút cho truyện dài đầu tiên của mình mang tên Dĩ vãng. Tuy không được đón nhận nồng nhiệt nhưng đây được xem là bước chân khởi đầu của nhà văn.
Giống với Thạch Lam, nhà văn mang trong mình một trái tim đa cảm và tràn đầy nhân hậu, ông luôn đưa hình tượng người phụ nữ vào từng trang viết nhằm đề cao, ngợi ca tha thiết những phẩm chất cũng như vẻ đẹp của họ.
Đó có thể là những nét vẽ trong Chân trời cũ với khoảng không vô tận chan chứa sự sâu thẳm của người mẹ tảo tần luôn dành trọn tình thương một cách lặng lẽ cho gia đình hay Những vành khăn trắng tái hiện lại sự giằng xé, đấu tranh của Hậu, người đáng lý ra phải có một cuộc sống hạnh phúc.
Trong mỗi tác phẩm, Hồ Dzếnh đều vẽ nên một bức tranh tổng thể có sự hòa quyện độc đáo giữa con người với thiên nhiên. Nhà văn chấm phá bằng những nét bút bình lặng, thiết tha để từ đó có thể gửi gắm trọn vẹn nhất tấm lòng yêu thương quê hương xứ sở.
“Tôi sinh ra giữa cái ánh sáng dịu dàng, mùi hương thơm ngát ấy, tâm hồn được tiếp xúc ngay với cảnh sắc thân yêu, được buộc ngay vào cội rễ của đất nước. Mặt trời viễn phương tuy đẹp đẽ, tuy thôi miên nhưng vẫn không giảm được cái thi vị của căn lầu bếp nến.”
– Mơ về nước Chúa
Ta bắt gặp một Hồ Dzếnh đa sầu đa cảm không chỉ trong thơ mà còn trong truyện, đó là cây bút luôn có sự nhạy cảm ở từng tác phẩm. Ông ngân nga mãi cái điệu buồn, nỗi đau mà con người phải đối diện tạo nên thứ âm hưởng u hoài riêng biệt trên mỗi trang văn.
Ngoài ra Hồ Dzếnh còn có một số tác phẩm khác như Tiếng kêu trong máu, Cô gái Bình Xuyên, Hoa Xuân đất Việt hay tiểu thuyết tự truyện Cuốn sách không tên, trong đó nổi bật nhất phải kể đến truyện ngắn Chân trời cũ và tập thơ Quê ngoại.
Thơ của ông là hiện thân cho một không gian rộng lớn, một cõi mênh mông của đất trời và cũng là một tiếng yêu tan vỡ mà ngậm ngùi, đắng cay nhưng ẩn sâu trong đó vẫn có tiếng reo vang khoái lạc được cất lên âm thầm từ những điều phi thường giản đơn.
2. Hồ Dzếnh là một kẻ lãng du đa sầu đa cảm
Hồ Dzếnh là một hồn thơ luôn mang nặng tình cảm dành cho quê hương xứ sở nên nhà văn đã dành tặng cho nơi bản thân đã sinh ra một tập thơ riêng mang tên Quê ngoại. Đó là từng trang viết ngập tràn hơi thở cuộc sống của những người nông dân chất phác, bình dị mà cũng lắm tâm tư.
“Gió đưa mặt trời dần cao
Khóm tre rì rào muôn tiếng chim kêu
Ðẫm mình trong gió hiu hiu
Lúa non sóng uốn thầm reo cuối trời
Trên đường đê bé chạy dài
Bóng trâu trên nước, bóng người trên cây
Ngoài trời mây sáng hây hây
Nước non tô loáng da ngày cuối thu.”
– Sáng quê
Hồ Dzếnh là con người của đất trời, đứng giữa thiên nhiên, xung quanh là nhật nguyệt sơn thủy, kế bên là cúc tùng thảo mộc, đó là một thế giới mà chính thi nhân sẽ tìm thấy được niềm vui, nỗi buồn đồng thời là không gian để bản thân thổ lộ lòng nhớ mong dành cho quê hương đất nước.
Hình ảnh bìa sách Quê ngoại 
do Hồ Dzếnh chắp bút
Giống với Nguyễn Tuân, tác giả đi đến đâu thì cầm bút viết đến đó. Khi Hồ Dzếnh đang còn thỏa sức với tự do ở phía Mặt Trời nơi viễn phương thì ngay trong chính trái tim mang khoảng lặng tâm tư sâu kín ấy, ông vẫn muốn trở về với đất mẹ, nơi buộc lòng này với cội rễ của đất nước.
“Tôi đua đòi chạy tìm những chân trời xa lạ, nhưng mỗi lúc dừng chân, tôi vẫn thích quay về Quê Mẹ. Ở đấy mới thực rộn và sôi lên cái gì là lòng, là máu, máu và lòng quay vay mượn, không chế tại, thiết thực và đơn sơ.”
– Mơ về nước Chúa
Mỗi bài thơ mang tên Hồ Dzếnh là một khúc hát ân tình, nó đang mải mê ngân vang giai điệu mênh mông mà sâu thẳm, chạy dài từ những thửa ruộng đến dòng sông, đồi núi rồi vĩnh viễn trở thành sóng biển, cứ mãi dập dìu chưa bao giờ thấm mệt giữa đại dương bốn bề lộng gió.
Trong thời đại cách mạng trung chuyển, Hồ Dzếnh đã phát huy hết sức cái tôi đầy chân thành và cởi mở, xúc cảm với toàn bộ trí óc nhằm thể hiện vào văn chương tất thảy nỗi buồn, niềm vui, sự say mê.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, văn học bắt đầu hòa mình cùng không khí hồ hởi của nhân dân. Các tác phẩm ra đời gắn liền với sự bộc lộ tình cảm trực tiếp khi nhìn về một thời đại hào hùng và Hoa Xuân đất Việt của Hồ Dzếnh cũng vậy, tập thơ đã vẽ lên không gian đất nước tràn ngập hơi thở tự do.
“Ðây, nửa đời đau thấy dáng xuân
Ðất hoa thở mạnh, gió thơm gần
Ta quàng tay nhỏ ghì non nước
Như gã si tình say ái ân!”
– Mùa xuân mới
Đa phần các tác phẩm mang tên ông đều thấm đượm thứ tình cảm vẹn toàn để dành trọn cho quê hương đất nước. Đó là một tấm lòng thuần khiết của kẻ sáng tạo nghệ thuật, người để thiên nhiên núi rừng lồng ghép với kỷ niệm thuở thiếu thời nhằm ký thác những gì chân thành nhất vào từng vần thơ đến mỗi con chữ.
3. Cách nhìn cuộc đời của một trái tim cao cả
Sống và gắn bó với mỗi số phận bất hạnh là một trong những cảm hứng để Hồ Dzếnh cầm bút tạo nên các tác phẩm in đậm dấu ấn riêng mình. Chân trời cũ chính là đại diện tiêu biểu cho cả đời văn cũng như quan điểm sáng tác của ông.
Thời điểm năm 1942 khi Hồ Dzếnh viết truyện ngắn Chân trời cũ, đó là giai đoạn văn học Việt Nam có xu hướng quay đầu để nhìn lại quá khứ, dĩ vãng. Có thể điểm đến một số tác phẩm nổi bật với cách viết tự truyện như Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng hay Tô Hoài chắp bút cho Cỏ dại.
Hình ảnh bìa sách Chân trời cũ của Hồ Dzếnh
Ở những trang văn của tác phẩm ấy không chỉ hiện lên hình ảnh người mẹ tháo vát, tảo tần, mang nặng tình thương dành cho gia đình mà còn là hình ảnh người cha trầm mặc, linh hồn phát lộ trong từng bước đi.
“Người chiều, có lẽ vì người thấy ở tôi một cuộc đời đau khổ ủ gói lấy cái số phận thiếu êm vui.”
– Lòng mẹ
Có lẽ cũng chính vì lòng trắc ẩn cùng trái tim nhạy cảm đầy rung động ấy mà như một cơ duyên, Thạch Lam và Hồ Dzếnh đã gặp nhau lần đầu tiên trên một khoang tàu
Để rồi từ đó, đôi kẻ xa lạ đã trò chuyện về văn chương như hai người bạn tri kỷ đã lâu không gặp và lời tựa cho cuốn Chân trời cũ là một trong những nét bút cuối cùng của nhà văn Thạch Lam.
Hồ Dzếnh luôn gắn bó chặt chẽ với sự khổ sở mà những con người nhỏ bé phải trải qua trong xã hội cũ, từ đó nhà văn gửi gắm cho họ mỗi ngày một nhiều thứ tình cảm sóng sánh khó phai. Từng trang viết đều nồng đậm ý vị của lòng yêu thương trắc ẩn, tràn đầy nhân hậu.
Nhân vật trong tác phẩm đều nhận thức được số phận khó khăn, nhọc nhằn của bản thân. Những thứ đã mất ở phương trời cũ đã khiến cho họ trở nên lặng lẽ, sống và lao động chăm chỉ, mỗi một ngày cố gắng để vơi bớt đi ít nhiều gánh nặng lo âu.
“Chị đỏ Đương có một cuộc đời không đỏ chút nào. Tóc chị rối ren như tâm hồn chị bận rộn, bập bùng và sầu thảm như ánh đèn dầu lạc soi không đủ sáng một góc nhỏ trong căn nhà tranh.”
– Sáng trăng suông
Cái tôi cá nhân đến với cuộc đời để hòa chung vào cái ta của nhân dân ở xã hội cũ, đó là tiếng nói gợi mở bao niềm thân thương, sự đồng cảm dành cho những kiếp người khốn khổ để rồi những dòng tự sự đã trở thành nơi để nhắn gửi biết bao tâm tư, tình cảm hết sức chân thành.
Từng trang văn của Hồ Dzếnh không chỉ mang nặng nỗi buồn về số phận những con người trôi nổi mà ở đó còn chan chứa góc nhìn sâu sắc đối với cuộc sống hiện tại, đồng tiền chính là thứ đã khiến cho nhân cách và suy nghĩ của họ thay đổi nhanh chóng.
Ý thức của ngòi bút được nuôi dưỡng ngay trong niềm say mê luôn bám sát đời sống, tâm tư ấy mãi sục sôi vì những tiếng kêu số phận không có lời giải đáp, từ đó đề tài được ông sử dụng chính là phương thức để nhà văn bày tỏ vốn liếng trí tuệ, tình cảm không chút gượng ép.
“Mười đồng một đầu phu sang Tân thế giới và năm đồng đến đất đỏ Nam Kỳ. Chỉ sau một cử chỉ khô, gọn là nhận số tiền định mạng, con người chợt thấy hoang mang, nghe như có nhát dao nào cắt đứt lìa mình khỏi cuộc đời quen thuộc, khỏi thân thích, quê hương.”
– Anh đỏ Phụ
Giống với hình ảnh của Hai đứa trẻ ngồi đợi ánh sáng nơi chuyến tàu từ Hà Nội trở về, nhân vật trong hầu hết các tác phẩm do Hồ Dzếnh chắp bút cũng tương tự, dù hiện tại là một màu đen vô định nhưng họ vẫn tràn ngập niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.
Vốn dĩ là một người rất yêu thương mẹ nên hình tượng người phụ nữ luôn hiện hữu trên những trang văn của Hồ Dzếnh. Khi đi qua mỗi con chữ nồng đậm nỗi buồn, họ được nhà văn thấu hiểu về cả cuộc đời và từng nỗi khổ nhọc, vất vả sớm khuya.
Mỗi một nhân vật là một bản ngã, một mục đích sống và một số phận khác nhau, cuộc đời nhân vật được ngòi bút mang trái tim đa sầu đa cảm ấy khắc họa đã trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, từ đó nhà văn có thể gửi gắm những giá trị nhân văn sâu sắc.
Hình ảnh bìa sách Chân trời cũ tái bản lần ba
Từ truyện ngắn đến thơ, nhà văn đều tập trung mô tả chi tiết thế giới nội tâm của con người, đó là những băn khoăn, trăn trở, day dứt và cả niềm vui, nỗi buồn. Tất cả đều tạo nên một âm hưởng ngân vang độc đáo mà chỉ có ở tác phẩm mang tên Hồ Dzếnh.
Tác giả luôn âm thầm dõi theo bước chân văn chương của Nguyễn Minh Châu hay cũng có đôi lúc cuộc trò chuyện chỉ tràn ngập những lời khen ngợi mà từ trước đến sau chỉ dành cho một Thạch Lam để rồi sau này, hai con người ấy đã trở thành cột mốc đầu tiên và cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Hồ Dzếnh còn là một trong số những gương mặt vừa làm thơ vừa viết văn xuôi như Lưu Trọng Lư, Huy Cận hay Xuân Diệu. Bút pháp trữ tình lãng mạn của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả với cái nỗi niềm tâm tư sâu kín dành cho thế sự và cuộc sống con người.
Trong Ngập ngừng có một chuyện tình yêu da diết nhưng không nhất thiết phải đến bên nhau, có lẽ cũng chính vì tâm tưởng ấy mà Hồ Dzếnh chỉ đi ở phía bên lề của văn chương.
Không phải lúc nào cầm bút cũng có thể viết mà chỉ khi hồn thơ ấy thấm đẫm nỗi buồn nhân thế, nhìn thấu chúng sinh thì mới bừng lên ngọn lửa đối với nghệ thuật.
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.”
– Ngập ngừng
Qua bao nhiêu năm tháng, trái tim thi nhân vẫn một mực chân thành nhìn về phía nhân dân, quê hương đất nước chưa bao giờ thay đổi. Đó là thứ tình cảm sóng sánh khó tan trong tấm lòng của một ngòi bút giản dị, khiêm tốn và đầy lặng lẽ.
3/5/2021
Minh Minh
Theo https://revelogue.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...