Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Sự nhất thể của Thiền lạc và thi hứng hay tiếng hoan hỷ của tâm không - luận về ba bài thơ cảnh chiều tà của Trần Nhân Tông

Sự nhất thể của Thiền lạc và thi hứng hay 
tiếng hoan hỷ của tâm không - luận về ba bài thơ 
cảnh chiều tà của Trần Nhân Tông

Trong số trên 30 bài thơ mà Trần Nhân Tông để lại, có ba bài thơ nói về cảnh chiều tà. Đó là các bài Vũ Lâm thu vãn; Lạng châu vãn cảnh; và Thiên trường vãn vọng. Đọc kỹ các bài này thấy chúng có những điểm chung lý thú và hợp lại, chúng tạo nên một phần của phong cách và thế giới thẩm mỹ thơ Trần Nhân Tông. Ba bài thơ về cảnh chiều tà này giúp ta có thể thấy được đôi điều về thiền và thi của Trần Nhân Tông. Việc cần thiết đầu tiên là đọc và lý giải về từng bài một. Ba bài này không rõ bài nào viết trước, bài nào viết sau, do đó người viết tùy tiện sắp đặt thứ tự của chúng.
Bài thứ nhất
Vũ Lâm thu vãn
武林秋晚 [2] 
畫橋倒影蘸溪橫,
一抹斜陽水外明。
寂寂千山紅葉落,
濕雲如梦鐘聲 [3]。
Phiên âm:
Họa kiều đảo ảnh trạm khê hoành,
Nhất mạt  tà dương thủy ngoại minh.
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,
Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
Dịch nghĩa:
(Cầu hoa bóng ngược vắt qua suối,
Ánh chiều tà hắt sáng trên mặt nước.
Lá vàng rơi  khắp nghìn núi tĩnh tịch,
Mây ướt  như mộng, tiếng chuông chùa xa vẳng lại)
Tiết thu, cảnh chiều, ánh  tà dương, lá thu vàng rơi, núi non trùng điệp tịch mịch và tiếng chuông chùa xa văng vẳng, một bức tranh rất thanh đạm, u tịnh về vùng non nước Ninh Bình dệt bằng ngôn từ của thi ca. Cảnh núi chiều rất sống động, sinh sắc, rất sáng, lấp lánh, đầy màu sắc và âm thanh, hình khối.
Điểm nhấn của bức tranh là cây cầu và bóng cầu đổ ngược xuống dòng suối tạo thành một cặp hư - thực, vật - ảnh. Không gian vô tận trải dài theo ngàn núi non tịch mịch. Màu lá thu vàng và màu mây bạc làm nền cho tất cả. Có ánh sáng hắt xuống nước mà khúc xạ đi xa. Những hình khối của mây nặng nước sà thấp ôm lượn lấy cảnh vật khiến cảnh nửa chân thực nửa hư ảo. Những âm thanh duy nhất cho thấy một cõi đời thực là tiếng chuông. Nó gần gũi mà cũng không khoát hư linh. Nó là âm thanh của cuộc sống mà cũng không gợi gì nhiều về cuộc sống xã hội. Nó lay động tâm nhàn bản thể và sự gọi vẫy về một miền thanh tịnh hơn là cõi đời. Từng cảnh, từng tượng, từng sắc màu và âm thanh, thảy đều đặc tả được cái tĩnh tịch, cổ kính, thanh u. Cái động và cái tĩnh tương sinh tương thành. Việc chọn cảnh, họa diện và điểm nhãn rất hài hòa tạo thành bức tranh sơn thủy thật đẹp. Không có ngôn từ nào mô tả tỷ mỷ, trực diện, nhưng có thể thấy ẩn thấp thoáng sau những cây cổ thụ trong thu vàng là ngôi chùa cổ kính, mà ở đó tiếng chuông chiều đã phát ra. Có một không gian thôn dã, sơn thủy, nhưng cũng là không gian tu hành thờ phụng, không gian tâm linh được mô tả ở tầng trắc diện nhưng lại sâu và ẩn.
Một chiều thu cụ thể ở vùng núi non cụ thể, nhưng cũng như một thứ thu của tự nhiên không bị cá thể hóa của bất kỳ tâm trạng nào. Một thứ thu tự nhiên vĩnh hằng.
Ta cảm nhận tiếp bài thơ thu vãn tiếp theo
Bài thứ hai
Lạng châu vãn cảnh
諒州
古寺淒涼秋靄外,
漁船蕭瑟暮鐘初。
水明山靜白鷗過,
風定雲閒紅樹疏。
Phiên âm:
Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.
Dịch nghĩa:
(Chùa cổ vắng vẻ lạnh lẽo [4] trong khí mây mùa thu,
Thuyền câu cô quạnh tiếng chuông chiều vừa dóng.
Nước trong sáng, núi thanh tĩnh, chim trắng bay qua,
Gió lặng, mây thong dong, cây thu lá vàng thưa)
Thêm một bức tranh thu thật đẹp. Một bức tranh về ngôi chùa cổ hư ảo tịch mịch trong bóng thu. Cảnh tĩnh tịch được đăng đối sắp đặt giăng ra toàn thể. Cổ tự thê lương/ ngư thuyền tiêu sắt; sơn tĩnh/ vân nhàn…Bức tranh không dùng một điểm nhấn mạnh bằng một vật cụ thể như nhịp cầu đổ bóng trong bài trên. Hình khối trọng tâm lớn hơn với cả một ngôi chùa cổ chiếm phần lớn không gian. Tác giả cũng dùng phép mô tả trắc diện, không tả cụ thể hơn về ngôi chùa, không nói tới cảnh trong chùa, tới đời sống sư sãi, chuông mõ khói hương, kinh kệ. Người ta cảm nhận một cách toàn thể về ngôi chùa hơn là chi tiết của nó. Cả bài thơ với cái nền hư ảo ấy, ta cảm được theo lối trực cảm một cái tĩnh rất sâu đang diễn ra bên trong ngôi chùa cổ này. Có cái gì đó từ bản tâm thanh tịnh kết ra thành câu chữ, họa ra thành vật. Tác giả đã dùng những từ ngữ tạo ấn tượng Thiền rất mạnh như “minh”, “tĩnh”, “định” “nhàn”, (trong “thủy minh, sơn tĩnh, phong định, vân nhàn”). Cả bốn chữ đó thực chất cũng là một chữ định. Có thể coi chúng đều là những Thiền ngữ. Đọc qua những từ ấy rồi thì không còn phân biệt được đó là đang nói về cảnh hay nói về tâm. Bài trước là sự hài hòa giữa động và tĩnh, gần và xa, nó là cái tĩnh không khoát bàng  bạc, còn bài sau có dụng ý tả cái tĩnh sâu có tính bản thể. Hình tượng chùa cổ bản thân nó đã gợi ra cái tĩnh. Nhiệt độ thấp vừa đủ để tạo cảm giác về sự cô quạnh và sự thanh vắng bóng người được gợi ra bởi hai chữ “thê lương”. Con thuyền câu tịch vắng hoạt động của chính nó, không người, không cá, không câu. Không có âm thanh của cuộc đời, của thế nhân. Con thuyền là vật duy nhất gợi tới cuộc sống con người, nhưng nó không còn là chính nó theo sự định danh, nó cũng như cỏ cây, cũng như một vật tự nhiên, hay nói cách khác là nó đã tự nhiên hóa. Có một hoạt động, cánh chim bay qua bầu trời. Nhưng “âu quá” động mà cũng không động, nó chỉ nói thêm lên rằng bầu trời rất tĩnh. Gió cũng là một loại động, nhưng nó chỉ được nhắc tới khi chủ thể cảm thấy rằng nó đã “định” rồi, tức rất tĩnh. Còn mây trôi, nó trôi theo cách “nhàn trôi”. Những lá vàng còn thưa thớt trên cây, những cây vì không còn nhiều lá nên trở thành thưa ra. Ở đây không có một chữ “lạc” (rụng) nhưng vẫn thấy đầy đủ ý nghĩa của nó ở những lá vàng thưa còn lại. Chỉ có tiếng chuông là thực sự động, nó động nhất trong bức tranh, nhưng lại là một loại tiếng động đặc biệt, tiếng động này còn có thể lay dậy cả những miền tĩnh khác sâu xa hơn từ trong tâm con người, nó hóa giải đi những vọng động khác nếu còn đâu đó trong tâm. Nó là tác nhân đủ đề thăng bằng giữa chiều hướng ngoại xa viễn và chiều thẳm của nội tâm. Tất cả đều tĩnh, các hình tượng động cũng để nói rằng cái tĩnh là rất tĩnh mà thôi. Với tiếng chuông từ bên trong vọng ra, mọi thứ cảnh tượng, ý tượng trở nên đầy đủ, nhiều tầng nhiều lớp, có cảm từ ngoài vào, vọng từ trong ra, cao lên có cổ thụ, cao nữa có mây nhàn trôi, chim từ từ qua, thấp dưới có con thuyền, dòng nước. Cái hư linh tĩnh tịch đạt đến toàn thể, thấu triệt. Tất thảy toát lên một tâm nhàn thanh thản.
Cả hai bài về thu đều có những hình tượng và màu sắc âm thanh khá gần nhau. Hình tượng và âm thanh gần với đời sống tu Thiền mà xa với cảnh đời. Chúng đều rất sống động, nhưng lại bình đạm thanh thoát. Chủ thể và khách thể thành một khối, nhất như và nhất như trong cái tĩnh. Cũng nói về cảnh thu vàng có sơn có thủy, có  lá cây thu và không gian hư ảo man mác, nhưng nó không có cái buồn của người được thấu vào cảnh, cũng không có một chủ thể tình cảm trội lên bình diện thứ nhất.
Chúng ta có thể so sánh với một bài thơ về mùa thu vàng của Nguyễn Trãi, bài Vãn lập
Trường thiên mạc mạc thủy du du,
Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu.
Tiển sát hoa  biên song bạch điểu,
Nhân gian lụy bất đáo Thương châu.
(Bao la trời rộng nước mênh mang,
Lá vàng rụng phủ khắp non sông vào tiết cuối thu.
Quá thèm được như đôi chim trắng  bên hoa,
Vì lụy nhân gian mà không thể tới bến bờ ẩn dật)
Nguyễn Trãi cũng có những bài thơ mà chất Thiền đạt tới độ tiêu  biểu, nhưng với bài Vãn lập trên, tiết thu vàng đẹp nhưng buồn. Một người đứng trên cao độ phóng tầm nhìn ra xa vút thăm thẳm. Nỗi buồn của một hùng tâm tráng chí nhưng đường hành đạo chẳng còn thênh thang. Con người giằng xé giữa những ràng buộc của tinh thần tự nhiệm việc thế gian với sự vẫy gọi của miền ẩn dật. Một tiếng thở dài không thể kìm nét ở cuối bài. Tình cảm và vóc dáng của thi nhân hiện hữu ở từng lời, từng hình tượng.
Những bài thơ về thu vàng của Trần Nhân Tông không có nỗi buồn chia ly, không có cái nhớ nhung của người xa xứ, không có khách cảm bâng khuâng, không có cái nuối tiếc trước thời gian vô tình, không chạnh buồn khi gặp màu tàn úa, lại càng không có cái vui hội ngộ, cái hồ hởi của trở về. Nhân cảnh thanh tĩnh khế hợp ở nơi ngoại cảnh u tịch, siêu xuất nội ngoại, trước sau.
Bài thứ ba
Thiên Trường vãn vọng
天長
村後村前淡似煙,
半無半有夕陽邊。
牧童笛裡歸牛盡,
白鷺雙雙飛下田
Phiên âm:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Dịch nghĩa:
(Trước thôn, sau thôn mờ ảo như khói sương,
Nửa có nửa không trong ánh chiều tà.
Trong tiếng sáo mục đồng trâu về hết,
Hai hàng cò trắng sà xuống đồng)
Hai bài thơ dẫn ở trước thể hiện cảnh chiều thu. Thiên Trường vãn vọng không thể hiện rõ mùa của thời gian, có thể là buổi chiều hè, nhưng cũng có thể là một chiều thu. Chiều thu thì có vẻ thích hợp hơn với không gian bình đạm hư ảo được mô tả trong hai câu thơ đầu. Không gian của buổi chiều được mô tả là vùng Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định), chốn đồng bằng mà không phải cảnh núi non trong tiết thu vàng. Một không gian hư hư thực thục, hữu vô tương sinh tương thành. Nền màu chung của bức tranh là màu vàng bình đạm mờ ảo. Nó mờ nhưng lại không hẳn là mờ, nếu biết nhìn và biết cảm vẫn thấy rõ những cảnh thật sắc nét, thật chi tiết đến từng điểm nhỏ được tả ở hai câu sau. Cái nhìn của tác giả có lướt có dừng, có chuyển có đổi, cảnh chuyển theo tâm, mờ tỏ cùng dụng ý soi rọi của tâm.
Những hình tượng trong bài có tính ước lệ và khá quen thuộc, thường thấy trong cổ thi như mục đồng thổi sáo cưỡi trâu, cánh cò trắng, ánh chiều vàng… Cũng giống như hai bài trên, hình bóng của cuộc sống, âm thanh của cuộc sống là tiếng sáo của trẻ trâu, có người mà cũng tĩnh như không người. Mục đồng với tiếng sáo mà không phải gương mặt một con người lo âu nào hết. Hình dáng của mục đồng cũng ước lệ, cũng như một thành tố của tự nhiên. Giữa cuộc đời mà cũng như cõi ngoại, phương ngoại. Trâu về có mục đồng mà như tự nhiên chúng về. Động tác đọng lại cuối cùng và là điểm nhãn là những đốm trắng của cánh cò từ từ hạ xuống, nhẹ nhàng và nhẹ nhàng đáp xuống như tự nhiên vốn thế. Cuộc sống trôi đi như nhiên, tự nhiên như nó chính nó. Cánh cò hạ điền cũng giống như hình tượng mây nhàn thong dong trôi trong bài viết về chùa cổ ở Lạng châu, đều  tượng cho tâm thiền tự tại, không đón không đưa, không mong không đợi nhưng vẫn đẹp, cái đẹp hư linh không khoát.
Bài thơ thể hiện một cảnh giới nhập thần, vong ngã vong vật, vong nội vong ngoại tất cả nhất thể, nhất thể trong trạng thái không khoát hư tĩnh. Cảnh giới này được xác lập chính do sự xác lập của tâm, đúng như quan niệm của Phật giáo “Tâm sinh chủng chủng pháp sinh, tâm diệt chủng chủng pháp diệt”, tâm không vọng động, cảnh thanh u tĩnh tịch. Dĩ nhiên, cũng có thể cảm thấy ở đó có phần nào cái chất của đạo tự nhiên nhi nhiên của Lão Trang, nhưng căn bản vẫn là Thiền.
Ba bài thơ trên của Trần Nhân tông có thể xếp vào loại thơ điền viên sơn thủy, một tiểu loại thơ thường gặp trong cổ thi Đông Á. Ở Việt Nam so với các tiểu loại thơ khác, loại điền viên sơn thủy chiếm tỷ lệ không nhiều như Trung Quốc, nhưng cũng có số lượng và giá trị nghệ thuật đáng kể. Loại thơ điền viên sơn thủy thường sở trường trong việc thể hiện tinh thần u tịch, tự nhiên phóng khoáng, tự do của ẩn sĩ, cũng có lúc nó được sáng tác để ký ngụ tâm sự, bày tỏ cảm thán…Cũng có khi nó thể hiện cái thanh tân đạm khoát, siêu trần thoát tục của Thiền gia. Vương Duy đời Đường là một ví dụ, một phần rất quan trọng làm nên tên tuổi của bậc “Thi Phật” này chính là mảng thơ điền viên sơn thủy.
Thơ điền viên sơn thủy lấy ngôn họa, lấy tả cảnh, xây dựng hình tượng… làm hình thức tồn tại, để xác lập thi ý. Ba bài thơ của Trần Nhân Tông trên tiêu biểu cho cách thức của thơ điền viên sơn thủy. Cả ba bài  đều đạt tới mẫu mực về ngôn hoạ. Đó là những bức tranh trộn lẫn giữa hư và thực của màu sắc, âm thanh. Chúng đều đăng đối, điển nhã, có điểm nhấn, có vận động, có cảm giác rất rõ về hình khối không gian và thời gian. Cảnh có xa có gần, có thực có ảo, có nền có điểm. Có những hình ảnh rất rõ nét cụ thể nhưng cũng có sự rộng mở mênh mông không giới hạn về không gian và thời gian. Tất cả các hình tượng rất  hài hòa, tương hỗ làm nổi bật lẫn nhau.
Việc lựa chọn cảnh chiều tà cũng là điều đáng chú ý. Cái màu sắc và âm thanh của chiều tà rất phù hợp với việc đặc tả thiên nhiên, nhưng  nó cũng rất thích hợp cho việc gợi tới sự u tịch. Đó là thời gian của một ngày sắp kết thúc nhưng nắng còn đẹp, vào thu nắng thu vàng cùng màu lá thu, sương khói của thời tiết chuyển mùa dễ tạo nên thi ý. Về thời gian, nó cũng là khoảng thời gian thiêng, thời gian tâm linh đẩy lên đậm nhất trong ngày. Đó là lúc dóng chuông tụng kinh buổi chiều. Giới tự nhiên hồi quy hoàn tất vòng hoạt động một ngày. Đặc biệt là cảnh chiều thu, có những nhịp chuyển chuyển luân luân mà người ta cảm nhận được, chuyển của ngày, chuyển của năm, chuyển của màu, chuyển của nhiệt độ. Trong nhịp chuyển ấy, người ta “chụp” lấy một khoảnh khắc bằng tâm không tĩnh tịch.
Niềm hứng thú của tác giả hướng tới những hình tượng tĩnh tịch. Những động thái cũng nhằm gợi thêm cho cái tĩnh. Những hình tượng được cảm nhận, được mô tả là ngôi chùa, là tiếng chuông, màu lá thu vàng, con thuyền câu, cây cầu, cổ thụ… những hình tượng có sức gợi cảm cao thường thấy trong những bức tranh Thiền.
Ở ba bài thơ, cảnh khác nhau, thời điểm viết cũng có khác nhau, nhưng tinh thần thì như nhất. Cái như nhất đó là tâm thanh tĩnh tự tại của chủ thể sáng tạo. Ở cả ba bài ta đều không thể nhận thấy sắc thái tình cảm vọng động hay thăng trầm của tinh thần chủ thể sáng tạo. Cái tĩnh của bản tâm người  thi sĩ, thiền sư trực cảm và bộc lộ ra từng hình tượng thơ. Tâm cảnh thiền lạc an tĩnh làm nền cho tất cả các bài thơ này. Đọc những bài thơ này và lắng tâm cùng tác giả, có thể cảm nhận thấy tâm tĩnh vĩnh hằng, siêu trần thoát tục,… cái trong veo của tâm cảnh.
Cả ba bài đều lấy cái không hư làm nền, làm cảnh, lấy cái tĩnh tịch làm thể, lấy sống động và thực tại làm phương tiện, lấy Thiền ngữ Thiền tượng để gợi dẫn. Thi nhân đời Đường hay lấy sự tu dưỡng, rèn luyện của tinh thần chủ thể làm nền tảng cho thi ý thi tình, nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần chủ thể. Những bài thơ này cũng có thể xem là biểu hiện sinh động và cụ thể cho một khung cảnh tinh thần và diện mạo tâm linh của Trần Nhân Tông. Đây chính là một loại Thiền lạc, nó là một loại lạc đạo. Đó là tiếng hân hoan của loại tâm không. Nhìn trong tổng thể các sáng tác của Trần Nhân Tông, những bài thơ này cũng là một phần của triết lý cư trần lạc đạo.
Một thi nhân không phải giới tu hành, cũng có thể có được một bài thơ đề vịnh điển nhã tĩnh tịch như những bài thơ vừa nói tới của Trần Nhân Tông, bằng chứng là trong di sản thơ cổ và đặc biệt là thơ Đường có thể gặp. Trong những trường hợp ấy, tác giả của nó, chí ít là khi viết những bài thơ đạt tới  mỹ cảnh tương tự, tâm của họ cũng phải đạt tới sự tĩnh tại như Trần Nhân Tông đã thể hiện. Với một nhóm bài của Trần Nhân Tông đề cập ở trên, có thể thấy một phần phong cách, nhưng trước hết nó là hiện thực của một tinh thần thường tại. Ở ông nó là sản phẩm của quá trình rèn luyện tâm Thiền đem lại.
Nhìn từ góc độ nghệ thuật thi ca, ba bài thơ sơn thủy điền viên của Trần Nhân Tông cho thấy một trình độ thi ca đã rất phát triển và thuần thục ở Việt Nam vào thế kỷ XIII. Chúng có thể sánh với những bài thơ hay nhất, đẹp nhất trong di sản thi ca cổ điển Đông Á. Các yếu tố Thiền tứ và thi tứ, thi tài và Thiền ngộ đã kết hợp nhuần nhuyễn, đã cùng góp sức tạo nên giá trị của chúng.
Thơ Thiền nói chung và thơ Trần Nhân Tông nói riêng đã từng tồn tại và góp phần tạo nên di sản thơ ca cổ điển Việt Nam. Chúng có nét riêng, có giá trị thẩm mỹ và nhân sinh riêng. Đánh giá và thưởng thức loại thơ này việc đầu tiên cần làm là  tiếp cần từ góc độ Thiền học kết hợp với thi học, có như vậy mới hy vọng hiểu được nó gần với nó vốn có. Bất kỳ sự áp đặt, hay cách nhìn mang tính hiện đại, sự kỳ vọng lệch chiều… đều có thể cản trở việc hiểu sâu, hiểu đúng về chúng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phạm Hùng: Thơ thiền Việt Nam - Những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật. NXB ĐHQG, H. 1998
2. Nguyễn Phạm Hùng: Các khuynh hướng văn học thời Lý Trần - NXB ĐHQG,HN. 2008.
3. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. Tập I. NXB KHXH, H.1977
4. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. Tập III. NXB KHXH, H.1978
5. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. Tập II. Quyển thượng. NXB KHXH, H.1989
6. Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam, NXB GD, 1999
7. Bùi Duy Tân: khảo luận dòng văn học trung đại Việt Nam. NXB ĐHQG, H. 2005
8. Lê Mạnh Thát: Toàn tập Trần Nhân Tông. NXB TP. HCM, 2000
9. Nguyễn Đăng Thục: Thiền học Việt Nam. NXB Thuận Hóa, 1997
10. Nguyễn Đăng Thục: Thơ Thiền Việt Nam. NXB Thuận Hóa, 1997
11. Ngô Tất Tố: Văn học đời Trần Việt Nam. NXB Mai Lĩnh, H.1942
12. Phan Cẩm Thượng: Bút pháp nghệ thuật Phật giáo. NXB Mỹ Thuật, 1996
13. Nguyễn Duy Hinh: Yên Tử - Vua Trần - Trúc Lâm. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2, H.1977
14. Nguyễn Duy Hinh: Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. TM. 217
15. Nguyễn Duy Hinh: Phật giáo với văn học Việt Nam. TCVH, số 4, 1992.
16. Trần Thị Băng Thanh: Thử phân tích hai mạch cảm hứng trong dòng văn học mang dấu ấn Phật giáo thời trung đại. TCVH, số 4. H. 1992
17. Trần Thị Băng Thanh: Những nghĩ suy từ văn học trung đại - KHXH, HN 1999.
18. Đoàn Thị Thu Vân: Một vài nhận xét về ngôn ngữ thơ Thiền Lý - Trần. TCVH, số 2, H. 1992
19. Đoàn Thị Thu Vân: Quan niệm con người trong thơ Thiền Lý - Trần. TCVH, số 3, H. 1993.

Chú thích:
[2] Núi Vũ Lâm ngày xưa, nay thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nguyên chú trong Trích diễm thi tập có ghi Vũ Lâm, động danh. (Vũ Lâm, đó là tên động).
[3] Phần chữ Hán của ba bài thơ mà bài viết đề cập đều theo văn bản Trích diễm thi tập. Phần dịch nghĩa người viết dịch lại theo ý hiểu và sự cảm nhận của mình.
[4] Hai chữ 淒涼 (thê lương) không nên hiểu là trạng thái thê lương buồn thảm như cách hiểu về thê lương trong tiếng Việt hiện đại. Hai chữ này vốn chỉ trạng thái nhiệt độ lạnh lẽo.
Hà Nội ngày 11.11. 2011
Nguyễn Kim Sơn
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 
số tháng 5 năm 2012
Theo http://tnti.vnu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...