Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Tôi lên xứ hoa đào

Tôi lên xứ hoa đào

Ngày chúng tôi đi Đà Lạt rơi đúng vào 13 tháng 12, 2004. Tôi không tin dị đoan lắm, nhưng đã có vài trục trặc với con số đó nên cảm thấy một chút e ngại. Tôi cầu nguyện nhiều hơn những lần khởi hành khác.
Sáng sớm hôm đó, mỗi người chúng tôi chỉ đem theo một suitcase nhỏ và một túi xách tay. Những cái lớn gửi lại khách sạn, vì ngày 16 chúng tôi sẽ trở về Sài Gòn và lại ở đây thêm vài ngày nữa.
Lần này, có Hợi, người đã cùng với chúng tôi đi Vũng Tàu trước chuyến du hành Hà Nội. Kể cả tài xế Cường, có sáu nhân mạng ngồi trên cái mini-van 7 chỗ. Xe đi ra đường bờ Sông Sài Gòn. Chúng tôi lại nhìn thấy bức tượng đồng Trần Hưng Đạo chỉ tay qua hướng mặt trời mọc bên kia Thủ Thiêm.
Có bốn bà cựu nữ sinh Trưng Vương trên xe nên Cường bắt buộc phải đi qua Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rậm rạp bóng cây. Sáng thứ hai giờ đi học, nhiều tà áo trắng, nhiều quần xanh sơ-mi trắng đồng phục trên đường. Chắc ba bà cựu nữ sinh Trưng Vương đồng hành, cũng như tôi, bồi hồi trạnh nhớ tới hình ảnh mình một thời sách vở xa xưa.
Qua Sở Thú, qua Nha Chiến Tranh Tâm Lý cũ, xe chúng tôi phải chen lách trên dòng xe cộ đông đảo trên Cầu Thị Nghè, rồi khu Thanh Đa và lên xa lộ Biên Hòa. Nghe nói khu cư xá này chờ ngày xập?!!
Nhà sàn nổi lềnh bềnh trên sông nước Đồng Nai bát ngát, sáng lóa ánh bình minh. Hai bên bờ sông thoáng mát, thưa thớt nhà cửa. Sông Đồng Nai, Biên Hòa gần Thành Phố Sài Gòn, tại sao thiên hạ không ra đây mua đất, mua nhà, lại cứ chen chúc trong cái thành phố đắt đỏ, bụi bậm kia? Hình như phải ở thành phố có những dinh thự nhà nước, những chỗ ăn chơi, mới là dân tỉnh thành, văn minh... Mong rằng một ngày không xa, các công tư sở Việt Nam sẽ rời ra ngoại ô và các tỉnh lân cận, sẽ đem theo dân mới đến ra khỏi thành phố, để Sài Gòn đỡ nghẹt thở, bớt ô nhiễm và lành mạnh hơn. Tôi chỉ mong Hà Nội và Sài Gòn khá được như thành phố nhỏ bé, sạch sẽ Reston tôi đang ở là vui rồi.
Xe ngừng lại một tiệm thuốc tây ở Tân Mai. Bà Dược Sĩ Ngọc Anh là bạn học của Hà và Bích từ đệ thất tới đệ nhất trung học.  Đã học cùng trường, cùng lớp, cùng vượt qua những khó khăn sau năm 1975, khó lòng quên  nhau và khó bỏ lỡ dịp đến thăm nhau dù chỉ được nhìn diện mạo nhau trong chốc lát, thăm hỏi vài câu thân tình. Bà bạn dược sĩ tặng Hà vài thứ thuốc mà Hà quên không mang theo từ Mỹ.
Qua Hố Nai, xứ đạo Gia Kiệm, xa lộ rộng hơn, hai đường mỗi chiều.  Xe chạy ngon lành chẳng mấy chốc đã đi qua Sông La Ngà, nơi Phước đã có lần đóng quân vào trước năm 1972. Khi nhận ra Định Quán vì những tảng đá lớn chồng chất lên nhau hai bên đường thì xe đã đi qua đồn điền cao su mà một lần vào năm 1965 tôi và hai cậu con trai nhỏ đã một phen hoảng hồn, bị Việt Cộng lùa vào rừng tuyên truyền cùng với hành khách trên nhiều chuyến xe đi Đà Lạt. Sau khi được thả, xe của mẹ con tôi ngừng lại Định Quán cho hành khách giải lao như thường lệ.
Nhưng lần lên xứ hoa đào năm 2004 này chúng tôi chưa cần thiết phải ngừng ở Định Quán. Đường từ đây lên đồi xuống dốc, rừng cây xanh rì, hanh vàng ánh nắng. Một đoàn nữ sinh dắt hay ngồi xe đạp, hoặc đi bộ hai bên đường. Những dáng mảnh mai trong bộ quần áo dài trắng, nón lá che mái tóc kẹp dài sau lưng hay xõa vai. Các em đến trường hay tan học nhỉ? Lòng tôi lâng lâng vui. Ở vùng đồi núi tưởng quê mùa, nhưng các em vẫn được mặc đồng phục như các nữ sinh tỉnh thành.  Mong rằng các em học hành giỏi giang, sẽ là tương lai lành mạnh và  xán lạn của đất nước...
Đồi thông xanh ngắt đã bắt đầu xuất hiện hai bên đường. Từng luống trà được trồng từng bậc cao trên đồi. Vườn hồng trái đỏ ối trĩu trịt nặng cành. Xe chúng tôi đã lên tới Bảo Lộc vòng vèo đường đèo cheo leo.  Một bên xát vách núi đá lởm chởm, một bên vực sâu không nhìn thấy đáy. Tài xế non tay lái là xe có thể lao xuống chầu Diêm Vương cả đám.
Không khí trong lành, mát lạnh. Tài xế ngừng lại nghỉ và cho chúng tôi ăn trưa tại một quán ở Tâm Châu. Trà, cà phê được trải ra phơi ngay hai bên đường.
Qua ngã rẽ đi phi trường Liên Khương, xe vào địa phận Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Nói tới Đà Lạt phải nhớ ơn Bác Sĩ người Pháp Alexandre Yersin (1) đã có công khám phá Cao nguyên Lang Bian, 1893. Ông sinh ra đời ở Thụy Sĩ, nhập quốc tịch Pháp, nhưng sống và làm việc ở Việt Nam nhiều hơn. Ông mất tại Nha Trang ngày 1-3-1943. Hè năm 1955, tôi và bà chị Minh Tâm cùng một nhóm bạn được Nhà Văn Văn Quang và đồng đội Trường Biệt Động Quân Đồng Đế Nha Trang đưa đi viếng mộ Bác  Sĩ Yersin tại Suối Dầu, Tỉnh Khánh Hòa. 
Từ năm 1899, chính phủ thuộc địa Pháp đã xây dựng Đà Lạt như một nơi dưỡng bệnh, một nơi nghỉ mát tốt cho họ vì khí hậu quanh năm ôn hòa, không khí trong lành, đồi thông, đồi cỏ xanh rì bát ngát, nhiều hồ trong xanh, thác nước hùng vĩ. Hoa nở, rau tươi có thể trồng bốn mùa. Dân trồng rau, trồng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá, ngoại ô Hà Nội được đưa vào định cư lập ấp canh tác rau, hoa tại Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20. Nhà phố, biệt thự xinh đẹp của Đà Lạt theo kiến trúc của các miền núi Pháp, Thụy Sĩ. Dinh thự, biệt điện, nhà ga, nhà thờ, trường học... cũng đều theo kiến trúc Pháp. Sau này, Đà Lạt trở thành một địa điểm du lịch và tuần trăng mật của dân bản xứ.
Trước năm 1975 tôi đã nhiều lần lên thăm viếng Đà Lạt, có lần ở vài tháng với gia đình, nhưng lần nào tâm tư cũng có chuyện buồn. Chiều nay, 13 tháng 12 năm 2004, tôi trở lại thăm Đà Lạt không vì kỷ niệm lưu luyến nào, nhưng vì Đà Lạt là một phần đất quý báu của quê hương. Hãy quên đi thực tế và chỉ nghĩ tới thiên nhiên tuyệt vời và bất diệt.
Chiều chưa tắt nắng và tiện đường, chúng tôi  được đưa vào thăm thắng cảnh đầu tiên, Thác Prenn. Thác nước chảy ào ào từ bờ đá cao như mái nhà xuống con suối nhỏ có cầu treo bắc ngang, Một con  ngựa thồ có yên đứng dưới gốc cây đợi chở khách du lịch dạo quanh vùng thác. “Ngày xưa”, có lần tôi dẫn bốn cô cậu con đến thác chơi, chỉ có cậu cả 5 tuổi dám ngồi lên ngựa chụp hình. Còn ba cô cậu kia sợ rúm người không dám tiến lại con ngựa hiền lành.
Những ngày thăm viếng Đà Lạt lần này, chúng tôi ở Khách Sạn Novotel (2), tiện nghi vừa đủ cho cái nghĩa nghỉ ngơi, thoải mái, dù là phòng của tôi không nhìn thấy núi Lang Bian. Khách sạn Sofitel Dalat Palace (3) ngay gần đó, lớn gấp bội, là tiền thân của Dalat Palace trước khi Miền Nam thất thủ, 1975. Ngồi xe van đường trường mệt mỏi, chúng tôi cảm thấy lôi thôi lếch thếch, không muốn đi vào một khách sạn sang trọng khi nhan nhản dân nghèo khắp nơi trên đất nước.
Hà Phước ở một phòng. Hợi và tài xế (cháu của Hợi) một phòng. Bích và tôi lại chung một phòng. Chiều đó, chúng tôi ra Le Café de la Poste gần Nhà Bưu Điện (4), ăn cơm tối, rồi về phòng sửa soạn đi ngủ ngay để dưỡng sức cho chương trình du lịch ngày mai...
Đà Lạt ngày 14 tháng 12, 2004.
Nóng lòng xem cảnh Đà Lạt, 8 giờ sáng chúng tôi đã gặp nhau tại phòng ăn của khách sạn, ăn uống cho chắc bụng rồi hăm hở ra xe đi một vòng city tour. Theo lời yêu cầu của tôi, xe đưa chúng tôi đến Đường Huỳnh Thúc Kháng (trước kia còn có tên thơ mộng là Đường Hoa Hồng), con đường đã ghi dấu vết chân mẹ con tôi trong vài tháng không nhà thuở chúng còn rất nhỏ. Chúng tôi ở vài lần trong căn biệt thự đã xẩy một vụ án mạng rùng rợn, đẫm máu, mấy năm về trước.  Bà chủ nhà đã bị quân hầu đầy tớ giết... Có một lần chúng tôi ở đó cùng thời gian với mẹ con chị Ngô Thị Liên, vợ nhà thơ Hoàng Anh Tuấn.
Ngày nay, vài căn nhà trong khu biệt thự kia đã trở thành hàng quán gì đó. Trong vườn, cây cối um tùm, cao  hơn  xưa. Tôi đi ngoài tường rào biệt thự Hoa Hồng nhưng không nhìn thấy bông hồng nào, chỉ chụp hình với giàn hoa ớt đỏ ối, gọi là một chút kỷ niệm mới. Đường Huỳnh Thúc Kháng hình như nhỏ hơn, ngắn hơn đối với Việt kiều, và xuất hiện một ngôi nhà kỳ dị: Nhà Điên (Crazy House), trông ma quái như hình ảnh Halloween ở Mỹ. Đó là bề ngoài một khách sạn mà dân Đà Lạt bây giờ rất hãnh diện như một kỳ quan mới của họ.
Sau Đường Hoa Hồng của ngày xưa, xe đưa chúng tôi đi Hồ Than Thở mà trước kia có tên Pháp Lac des Soupirs (5) và bây giờ có tên Mỹ Lake of Sorrow. Một giai thoại tương truyền rằng trên đồi thông bên Hồ Than Thở có  mộ Cô Thảo. Ông Tân, chồng cô đã ghi trên bia mộ của vợ hai câu thơ:
"Nước biếc non xanh dù thay đổi,
Ngàn năm Thảo vẫn sống trong Tân”.  
Sau một chuyến du ngoạn Đà Lạt thuở học trò, tôi làm bài thơ Đường luật đầu tiên sau đây:  
BÊN HỒ THAN THỞ
Bên hồ in bóng áng mây tan
Lặng lẽ tâm tư vọng ngút ngàn
Đồi vắng bơ vơ bia mộ đá
Rừng hoang lạc lõng cánh hoa lan
Vi vu gió lạnh lòng than thở
Xao xác lá vàng dạ thở than
Người có dừng đây cho nhắn nhủ
Nỗi niềm câm nín vẫn miên man.
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
Thuở đó, mới lõm bõm vài câu tiếng Anh, tôi và mấy cô bạn học đã đổi tên Đà Lạt thành “Darling”, dù chưa có người yêu để hẹn hò trên xứ đó. Đúng là cái tuổi vẩn vơ! Ngày nay Hồ Than Thở nước đục lờ, và nhỏ như một vũng nước đọng. Đồi thông bên hồ trở thành một công viên, ghế đá đây đó. Hoa lá, bụi cây được cắt tỉa, không còn hoang sơ, vắng lặng như mấy chục năm về trước. Tôi còn giữ một tấm hình được chụp hè 56 bên một gốc thông. Hôm nay tôi được Hà đạo diễn và cũng chọn một gốc thông cho tôi đứng để Phước chụp. Không biết có phải cây thông năm xưa không?  Phước vẫn là tay chụp hình và quay phim cho phái đoàn, máy hình ở trên tay thì máy quay phim trên vai và ngược lại. Chúng tôi không đi tìm mộ Cô Thảo, không muốn buồn hơn nữa cho cuộc đời đã đầy rẫy đau thương, con tim không chứa chất nổi.
Trên đường trở về trung tâm thành phố, chúng tôi đi một vòng Hồ Xuân Hương. Đôi chỗ xuống xe chụp hình với cảnh hồ. Nhà thờ Đà Lạt nhô lên trên rặng cây xa xa. Rặng Lang Bian (6) mờ nhạt phía chân trời. Sân Golf Đồi Cù vẫn xanh mướt. Vườn hoa lối cỏ quanh hồ xinh tươi còn hơn thời Cộng Hòa. Công viên nào cũng được sửa sang chăm sóc tối đa để lôi cuốn khách du lịch là việc ưu tiên của nhà nước mà!  Nhà Thủy Tạ Hồ Xuân Hương soi bóng nước khiến tôi nhớ đến Nhà Thủy Tạ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhưng một hiện tượng không thấy trước năm 1975 là cột truyền thông cao ngất ngưởng sau nhà bưu điện ngày nay làm hỏng cảnh quan thơ mộng của Hồ Xuân Hương. Có thể những người Đà Lạt năm cũ chỉ còn thấy Hồ xuân Hương thơ mộng trong tâm hồn với những kỷ niệm xưa. Nhưng nhìn chung, cảnh hồ ngày nay vẫn đẹp. Đà Lạt vẫn cho tôi cái cảm tưởng thoải mái dễ chịu hơn tất cả các thành phố tôi đã đi qua trong chuyến du lịch Việt nam vào tháng 12 năm 2004.
Định tranh thủ thời gian ăn trưa tại nhà hàng Thủy Tạ ngay đấy, nhưng chỗ này đóng cửa sửa chữa, nên chúng tôi lại đến Café de la Poste bên kia đường cho đỡ mất sức. Sau bữa trưa mau chóng, chúng tôi lại lên đường đi Thung Lũng Tình Yêu. Địa điểm này trước kia có tên Pháp là Vallée d’Amour, bây giờ có thêm tên Anh Valley of Love. Tên Việt, Pháp hay Anh đều thi vị, thích hợp với thành phố thơ mộng xưa, đã ghi lại những chuyện tình say đắm, lãng mạn. Nào là tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, Thung Lũng Tình Yêu của Lệ Hằng đã làm một cuộc cách mạng văn chương nữ giới mà Ngọc Dung này cũng đã nghiền ngẫm đọc trước khi từ biệt Sài Gòn năm 1972...
Trên một quãng đường, rặng Lang Bian hiện ra thật gần. Chúng tôi hô hoán tài xế ngừng xe cho xuống chụp hình.  Thung Lũng Tình Yêu xa thành phố nên trước 75 nhiều người sợ Việt Cộng không dám đến đó.  Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi thăm thú nơi hẹn hò của những kẻ yêu nhau, của những cặp uyên ương hưởng tuần trăng mật. Thung Lũng Tình Yêu bên Hồ Đa Thiện, một trong những hồ lớn của Đà Lạt.  Chúng tôi thuê một giờ thuyền máy hóng mát trên hồ. Xung quanh hồ đồi thông ngút ngàn. Nhưng có chỗ bị khai quang để dựng hàng quán, nhà cửa. Nhiều tròi lá nhỏ xíu hai bên bờ, có lẽ chỉ vừa đủ cho một cặp tình nhân, một cặp uyên ương trẻ trung mới cưới thủ thỉ. Đồi thông mất đi vẻ thiên nhiên và trông như vườn chơi trẻ con.
Trước khi rời Thung Lũng Tình Yêu, chúng tôi vào khu hàng bán đồ kỷ niệm mua áo, túi xách vải Thượng đem về Mỹ làm quà. Mỗi khi nhìn thấy con gái, con dâu và cháu nội dùng mấy món quà thô sơ ấy, tôi lại liên tưởng tới miền cao nguyên xanh ngắt đồi thông và thanh lịch nhất quê hương.
Ngày 15 tháng 12, 2004, chúng tôi đi thăm Trúc Lâm Thiền Viện.   Chùa ở trên một ngọn đồi cao, không có đường xe hơi lên, hay là xe du lịch không được phép lên chùa. Chúng tôi không định đi hành hương nên đã dùng Cable-car. Lẽ dĩ nhiên phải trả tiền, dịch vụ thương mại của thành phố mà. Lơ lửng trên không trung tôi rùng mình nhìn xuống thung lũng sâu hun hút bên dưới. Cũng may là được ngồi trong cái thùng có dây điện kéo lên chứ phải leo chân lên núi như đi chùa Hương thì bà con xin hàng rồi.
Trúc Lâm Thiền Viện mới được xây cất vào thập niên 80s. Từ đầu cuộc du lịch Bắc Nam này tôi chưa thấy ngôi chùa nào đồ sộ và được sơn phết lộng lẫy như chùa này. Chúng tôi không vào chùa, chỉ tản bộ ngắm cảnh xung quanh. Hằng trăm bậc thênh thang lên xuống trong sân chùa, không thấy một cọng rác, một chiếc lá rụng. Gần Lễ Giáng Sinh, khuôn viên thiền viện đỏ ối hoa trạng nguyên (poinsettia). Hàng chục chậu “bonsai” bên các thảm hoa đủ màu. Những cây mimosa lá bạc nở đầy hoa vàng nổi tiếng trong tập thơ Truyện Chúng Mình của Nhà Thơ Nhất Tuấn.
Rừng thông và rặng trúc trông như trong tranh Tầu cổ kính. Bụi cây nào cũng được tỉa xén thành hình thù thú vật, rồng, công, phượng, lân, voi, ngựa... Nhiều dây phong lan hoa nở, mọc bám trên các thân cây già.  Không khí yên tịnh, êm đềm. Vài nhóm du lịch khác đi lại trong công viên vẫn không nghe tiếng động, tiếng nói ồn ào.
Trời xanh bao la, núi non trùng điệp, dưới thung lũng sâu thăm thẳm, Hồ Tuyền Lâm mênh mông xanh biếc, lớn nhất  Đà Lạt. Từ một góc cạnh trên sân thiền viện, bộ ngực của nàng Lang Bian nhấp nhô phía chân trời. Bức tranh thủy mạc thiên nhiên vẫn quyến rũ lòng tôi hơn cả. Đó là hình ảnh đầu tiên hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi mỗi lần nghĩ tới Đà Lạt.
Tuy nhiên, nhìn cảnh Đà Lạt hiện tại, nhưng tâm hồn tôi trở về xứ hoa đào của dĩ vãng, của những lần đến Đà Lạt để giải khuây, giải sầu thuở nào. Tôi đã gửi gấm, nhiều tâm sự với cảnh thiên nhiên của Đà Lạt để vơi đi nỗi buồn khó giãi bầy được với ai. Cảm ơn người tình tri kỷ Lang Bian!
Rời Trúc Lâm Thiền Viện, chúng tôi may mắn lại có cable-car để hạ sơn. Cái bụng đói meo và thèm một tô phở. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề khi về đến phố chợ. Hình như ai lên Đà Lạt cũng phải thưởng thức món phở nóng bốc khói trong không khí lành lạnh ngoài trời và cảm thấy khỏe khoắn tỉnh táo con người.
No đầy bụng lại phải đi bộ cho tiêu, chúng tôi lang thang vào chợ Đà Lạt (7).  Các xạp trái cây cao ngất ngư như bao giờ. Có lẽ chẳng ngôi chợ nào có nhiều trái artichaut, nhiều dâu tươi, dâu rượu như chợ Đà Lạt. Trong các thứ rượu tôi chỉ uống được một thứ là rượu dâu với đầy một ly đá. Không có nhiều thời giờ nên tôi không có ý định say sưa với thứ rượu mà người ta gọi là rượu cho đàn bà, con nít.
Những xạp bán hoa rực rỡ, ngát hương. Tôi đi tìm, ngắm nghía những loại hoa có tên lãng mạn như pensée, forget me not, immortelle của thời học trò mơ mộng. Gần như đủ các loại hoa đang được bày bán ở đây chỉ thiếu hoa đào.
Tôi cũng chưa lần nào đến Đà Lạt vào mùa hoa đào, nhưng đã xem nhiều tranh ảnh, đọc nhiều thơ văn, nghe các bài hát ca tụng Xứ Hoa Đào và tưởng tượng cảnh hoa đào nở bên bờ hồ Xuân Hương và khắp núi đồi Đà Lạt vào mỗi mùa xuân tuyệt vời như thế nào. Nghe tôi than thở vậy, một người ái mộ Ngọc Dung thuở còn là thiếu phụ độc thân, đã đem đến cho nàng một cành hoa đào Đà Lạt vào một dịp Tết. Nhưng tiếc rằng Ngọc Dung chỉ dám thương hoa, không dám thương người độc thân, học rộng, tài cao, đáng mến. Chuyện hoa đào Đà Lạt của Ngọc Dung chỉ có vậy, không lâm ly, bi thiết như những giai thoại não nùng hay bi thương khác của một số người Đà Lạt.
Trở lại buổi viếng thăm chợ Đà Lạt mùa đông 2004, tôi mua một giỏ hoa bất diệt, cánh hoa khô nhưng không bao giờ héo. Vì thế hoa cũng được gọi là hoa immortel. Những bông hoa bất diệt đó vẫn nằm trong giỏ bên cạnh cây cảnh khác trong phòng kiếng nhà tôi bây giờ. Có lẽ khi hoa được đem đến mộ, kẻ nhắm mắt lìa đời vẫn còn mơ mộng!
Cũng chưa hết cái tật thích ăn quà vặt và vẫn còn mê ăn mứt khoai Đà Lạt, nên khi rời chợ, chúng tôi mỗi đứa có trên tay gói mứt khoai, vừa bách bộ xuống bờ Hồ Xuân Hương vừa nhâm nhi những miếng mứt đặc biệt trong dẻo.
Để hưởng thêm một thú nữa của Đà Lạt, buổi tối, sau khi đi ăn qua loa ở một tiệm gần khách sạn, chúng tôi phải đi tìm mùi ngô nướng nữa mới trọn vẹn cuộc du lịch Đà Lạt chứ. Mỗi “bà” suýt soa ôm trong đôi bàn tay một cái bắp nóng bỏng vừa lấy ra từ lò than hồng để tìm cái hương thơm môi miệng con gái thuở nào.
Và, buổi tối đó là buổi cuối cùng chúng tôi ở Đà Lạt. “Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt, thành phố này xin gửi lại cho anh...” (8) Tôi không có anh nào ở Đà Lạt nhưng sao mỗi khi nghe bài hát này lại cảm thấy vời vợi buồn!...
Sáng 16 tháng 12, 2004, chúng tôi rời Đà Lạt trở về Sài Gòn. Nhưng còn hai cái thác nữa ở phía Nam Đà Lạt, trên đường về, tài xế và Hợi muốn đưa chúng tôi đi coi. Thác thứ nhất là Thác Gougah cách Đà Lạt khoảng 40 cây số. Màn nước của thác cao hơn Thác Prenn, cao hơn cái nhà 4 tầng. Nước chảy ào ào, dù đang trong mùa khô cạn.
Thác thứ hai là Thác Damb’ri trong vùng Bảo Lộc cách Đà Lạt khoảng 100 cây số. Đường vào gần thác gập ghềnh, bụi đỏ mù mịt. Xe có máy lạnh, cửa đóng kín. Tôi vẫn hít ngửi thấy bụi và ho liên hồi. Xe đi mãi không tới nơi và cứ nhẩy lên chồm. Bàn tọa nẩy lên rơi xuống liên hồi.  Lưng eo ê ẩm. Đường vắng hoe, rất ít xe cộ đi lại. Tôi nghĩ thầm: “Không biết có cái gì hay ho để xem mà phải vất vả, cực khổ thế này? Bây giờ mà có bọn cướp nào xông ra thì bỏ xừ”.
Rồi một dòng sông nhỏ hiện ra. Xe ngừng lại. Âm thanh nước chảy ầm ầm, nhưng chẳng nhìn thấy thác đâu. Chúng tôi phải đi vào thang máy cao cả trăm thước để xuống đáy thác mới nhìn lên đầu thác được. 60 thước nước rơi xuống một thềm đá rồi chảy xuống một thềm đá dốc chừng 10 thước nữa xuống dòng sông cạn dưới thung lũng rộng.  Damb’ri là thác hùng vĩ nhất Cao Nguyên Lâm Viên và đang được khai thác thành địa điểm du lịch lớn trong tương lai. Tuy nhiên nơi đây cũng đã có vài quán bán hàng kỷ niệm, cũng có ngựa thồ cho du khách đi thăm thú trong vùng, có cầu bắc ngang thác. Bụi nước bắn tung như mưa phùn. Chúng tôi đứng cách thác mấy trăm thước cũng bị ẩm ướt.
Mong rằng Damb’ri cũng sẽ là địa điểm lôi cuốn khách du lịch đem tài nguyên lợi tức cho dân trong vùng. Cũng như khắp làng thôn quanh Đà Lạt. Dân nghèo Bảo Lộc vẫn ở trong những nhà mái tôn, vách gỗ xiêu vẹo hai bên đường.
Đà Lạt còn có Thác Cam-Ly, Thác Pongour, còn có Suối Vàng, đèo Ngoạn Mục. Tôi không thiết tha các địa điểm nhân tạo lắm, nhưng vẫn thầm nhủ nếu có dịp lần sau về sẽ không bỏ qua những cảnh thiên nghiên đó và sẽ đi đến một nơi không có chướng ngại vật nào cản tầm mắt ngắm nàng Lang Bian.
Tuy nhiên, năm 2006, vợ chồng cô em Hà - Phước lại về Sài Gòn. Tôi chụp ngay cơ hội, dẫn cậu con trai thứ hai, Trường Sơn theo, vừa đi vừa về có 12 ngày. Chúng tôi lại lên Đà Lạt cho Sơn thăm nơi đã cùng mẹ và anh em lên chơi vài lần. Nhưng chúng tôi không trở lại Damb’ri và cũng không đi thăm được danh lam thắng cảnh nào khác của Xứ Hoa Đào.
Người Việt đã từng ở Âu hay Mỹ đã từng du lịch nhiều, thì những cảnh như Đà Lạt không có gì là thơ mộng, hùng vĩ tuyệt vời. Nhưng người Việt vẫn nặng tình với Đà Lạt vì những kỷ niệm quý báu, nên vẫn lưu luyến, nhớ thương Đà Lạt. Hay Đà Lạt trong tâm tưởng vẫn còn thơ mộng, lãng mạn vì những kỷ niệm yêu dấu xưa.  
Tôi không phải là người sinh sống ở Đà Lạt, nhưng từ ngày về thăm lại Đà Lạt, mỗi lần nghe câu hát “Ai lên Xứ Hoa Đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi...” (9)  hình ảnh, kỷ niệm cũ, mới với Đà Lạt lại thêm bồi hồi tiếc thương hơn...
Chú thích:
(1) Alexandre John Emile Yersin sinh ngày 22-9-1893 tại Thụy Sĩ. Yersin theo học ngành y khoa tại Paris. Ông nhập quốc tịch Pháp. Vì thích phiêu lưu mạo hiểm, ông làm y sĩ cho một tầu hàng hải đi Việt Nam. Rồi bỏ tàu đi thám hiểm và khám phá ra vùng cao nguyên Lang Bian vào năm 1893. Năm 1894 Bác sĩ Yersin khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch. 
(2) Novotel Dalat Hotel: Khách sạn 4 sao, được xây cất năm 1930.
(3) Sofitel Dalat Palace Hotel: Khách sạn 5 sao, được xây cất năm 1920.
(4) Gia đình Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có một thời ở trên lầu của tiệm này.
(5) Năm 1917, người Pháp đắp đập xây hồ Than Thở. Vùng đất rất hoang vu, chỉ nghe tiếng gió rì rào nên người Pháp đã đặt tên là Lac des Soupirs. Tạp chí Indochine Đông Dương năm 1941 chọn ảnh Hồ Than Thở làm hình bìa.
(6) Rặng Lang Bian có hai ngọn cao hơn 2000m. 
(7) Chợ Đà Lạt theo đồ án của Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ từ năm 1958 và hoàn thành năm 1962. 
(8) Nhạc phẩm “Tình Yêu Như Bóng Mây” của Song Ngọc.  
(9) Ai Lên Xứ Hoa Đào: Nhạc Hoàng Nguyên.

Tình Yêu Như Bóng Mây

Ai Lên Xứ Hoa Đào

Nguyễn Thị Ngọc Dung
Nguồn: Trích trong bút ký Bước Lạ Đường Quê
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...