Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Hoa vông vang 2

Hoa vông vang 2

Chú tôi

Cũng như mọi ngày, chiều chiều tôi thường cưỡi ngựa đi chơi mát để hứng ít gió núi, nhưng chiều nay, từ căn nhà tranh sơ sài của một nông phu bên đồi có tiếng sáo đưa ra làm tôi dừng ngựa. Bâng khuâng, tôi xuống ngồi lên một tảng đá trên ngọn đồi cỏ sắc gió thổi lả lướt. Cứ mỗi bận nghe điệu sáo ai thổi lên trong buổi chiều tà là tôi lại thấy nhớ chú Tư tôi và tôi lại tiếc,... tôi tiếc một bài sáo mà tôi đã không được nghe,..
Tôi nhớ chú tôi là phải, ai ở gần chú tôi thì chắc chắn sẽ được cười suốt ngày. Chú vui tính lắm mà, luôn luôn pha trò như trẻ con tuy đã vào quãng bốn mươi tuổi. Chúng tôi tuy là cháu nhưng cũng là các bạn đi hát và đi nhảy đầm của chú, nên thân mật chỉ gọi chú là Kép Già. Kể ra thì cái tên Kép Già ấy cũng đã phải mua hằng vài ba cái ấp mà ông tôi đã cho. Sau những năm cờ bạc chơi bời, những năm bốc trời mà cái gia tài năm trăm mẫu ruộng đã bay hết, chú thản nhiên đi làm đốc-công cho một hãng ô-tô ở Hải-phòng với một số lương rất còm!... Tuy thế, có gặp lại, vẫn thấy thú vui tươi pha trò như chưa có chuyện gì đáng quan tâm xảy ra. Những ngày đó tuy ít tiền nhưng chưa phải là những ngày ít chơi nhất: trong một tháng thì thường chú có mặt ở tiệm nhảy quá hai mươi đêm. Lúc đi làm cũng như lúc đi chơi, chú thường mặc một bộ quần áo tây xám cắt theo lối thể thao, đầu đội cái mũ cát-két. Chú ưa thể thao và giỏi võ Tàu ; nhiều người thợ làm công dưới quyền chú chỉ biết chú dưới cái biệt hiệu “ông cát-két”.
Mỗi lần chú đặt chân tới tiệm khiêu vũ là các cô gái nhảy tới quấn quít chung quanh ; chú nói chuyện rất có duyên, và nhất là thường chú hay cho họ mấy chục trả tiền xe hoặc thết họ một chầu phở những phút ba đào. Tôi thấy tất cả yêu quý chú và gọi chú là “ba-ba” (thật rất lợi địa cho chúng tôi). Chú có hai con trai và một người con gái với người vợ cả mà nay đã ly-dị - Tất cả đều đi học ở Hà-nội. Lắm bữa ra Hải-phòng chơi, thấy chú chơi bời một cách quá độ như không cần giữ gìn đến sức khoẻ, tôi đâm ra nghĩ ngợi và tự hỏi: “Hay là chú có điều gì chán ngán trong đời’’... nhưng lúc đứng trước mặt chú, trước cái vui tính hầu như vô tư lự ấy tôi lại hết thắc mắc ngay.
Tôi còn nhớ có một lần vào dịp lễ Phục-Sinh, nhân đuợc nghỉ bốn ngày nên tôi và em Lăng (con trai của chú) cùng nhau ra Hải-phòng chơi. Nhà chú bầy biện sơ sài không có một đồ vật gì quý ; chú ở với một người vợ không cưới mà tôi không biết là người thứ mấy (nói thứ mười mấy thì có lẽ đúng hơn)!
Tuy thế đêm nào chú cũng vẫn đi nhảy đến một hai giờ sáng. Buổi trưa hôm ấy chú dẹp bàn ghế lại rồi mở âm nhạc dạy hai chúng tôi nhảy độ nửa giờ xong rồi chú bảo:
- Con trai thì cái gì cũng phải nên biết qua...
Khi tối đến, đi dạo phố, lúc đi ngang qua một tiệm khiêu-vũ, nghe điệu nhạc vui vui vẳng đưa ra, chúng tôi ngỏ ý muốn vào thì chú bảo:
- Vào chúng mày có nhảy thì tao mới cho vào không phí tiền đi mất... Bây giờ tao không giầu như ngày xưa đâu.
Hai chúng tôi nhìn nhau, rồi ấp úng khẽ đáp:
- Được rồi!
Thế là ba chú, cháu và con đi vào. Ngày ấy tôi mới có mười bảy tuổi, Lăng mười sáu; chúng tôi còn đang lạ lùng vui sướng và bỡ ngỡ thì đã thấy hai ba cô gái nhảy chạy tới, cô thì khoác lấy tay chú, cô thì lục túi rút cái mùi-xoa nói:
- Cho em cái này nhá, ba-ba nhá.
Cô thì nũng nịu:
- Kẹo em đâu, em bắt đền đấy.
Chú liền giới thiệu:
- Đây là Huân, cháu ba-ba, còn đây là Lăng, con ba-ba đấy - Phải liệu mà đưa cho khéo nhá, mới tập nhảy cả đấy...
Điệu kèn rộn rịp hòa với long trai tưng bừng bắt đầu mớm lớn, còn để ý từng nốt trứng cá, từng sợi tóc, lúc nào cũng có lọ nước hoa nho nhỏ trong túi. Như hai con chim ra giàng, chúng tôi nem nép thu hình nhìn các cô lộng lẫy tươi cười như một cảnh trời xa lạ đầy hứa hẹn nồng nàn. Điệu nhạc tăng-gô đã lên, đèn lờ mờ đỏ như gợi những cảnh của đời mộng ảo vào lòng trẻ ; chú giơ tay chỉ hai cô gái nhảy  khéo ngồi ở góc phòng rồi bảo chúng tôi:
- Thằng Huân ra con kia,... thằng Lăng con kia.
Còn thẹn nên bước ra được vài bước, chúng tôi lại trở lại chống chế sợ vấp cùng hỏi lại chú là lúc mới bước phải bước chân nào trước, v.v... Đã mấy bài nhạc qua mà chúng tôi vẫn chưa dám nhảy làm chú phải gắt:
- Con trai thì sự cái đếch gì mà ngượng nhảy bừa đi chứ!
Thấy chú đã tức nên tôi phải đánh liều ra nhảy... nhưng Lăng thì vẫn cứ ngượng, chú bảo mấy lần anh cũng vẫn cứ thẹn: bảo mãi anh ấy mới đi đến gần cô gái nhảy, nhưng rồi nghĩ thế nào anh lại lạt lẽo cười cười quay trở lại, làm chú cáu đỏ mặt lên thét lớn:
-Nhảy!
Khổ! chàng trai mới có mười sáu, còn giữ những bông hồng héo không đâu ở trong ngăn kéo, thấy bố cáu điên rồi mới sợ hãi đành bước ra vừa khóc vừa ôm lấy cô vũ nữ đi điệu tăng-gô âm thầm du dương!... thật quả có âm thầm du dương. Nhưng từ đó tối nào chúng tôi cũng đi nhảy: lòng trai mới nở, sẵn sàng yêu đương, Lăng mê ngay cô Bích có đôi mắt đen rất buồn: còn tôi...
Chiều chủ nhật, ngủ trưa dậy không thấy chúng tôi đâu, chú liền đến tiệm khiêu vũ thì bắt gặp chúng tôi đương nhảy buổi ban ngày! Trông thấy chú vào, chúng tôi ngượng nghịu như kẻ có lỗi bị bắt quả tang ; nhưng chú tôi cười bảo:
- Tao đoán chúng mày chỉ đến đây thôi, tao phải vội đến vì sợ chúng mày vây với gái lỡ đến thiếu tiền chăng.
Thật là chú chu đáo quá!
Ba tháng sau, vào lúc đầu hè, sau một tháng ra Hải phòng ở chơi với bố, Lăng bỗng bị bệnh thương hàn và qua đời rất mau giữa năm mười sáu tuổi.
ít lâu san, nhân có dịp ra Hải phòng, tôi định phải giữ lễ phép để tỏ lòng, kính trọng nỗi buồn của chú, nhưng vừa thấy mặl tôi chú đã tươi cười nói:
- Anh Huân còn có thời giờ ra chơi được với Kép cơ đấy à? Thế nào, dạo này nhảy đã giỏi chưa?... Tối nay ta đi nhảy chứ...
... Và chú lại vẫn pha trò như thường, duy chỉ trên bàn con để một tấm hình anh Lăng. Sau đấy gần một năm, một hôm tôi được tin chú dọn về ở làng Tam lộng, cách tỉnh Vĩnh yên sáu cây số. Lên chơi, tôi thấy chú điềm nhiên sống trong một căn nhà tranh sơ sài với người vợ không cưới và đứa con nhỏ mới sinh.
Tôi vẫn biết chú đã vung phá rất nhiều tiền trong thời oanh liệt, đã ăn cơm đỏ với muối những ngày không việc làm, đã qua bao đời tình ngắn ngủi, đã chết mất con yêu; tôi vẫn nói: “Những người như thế họ còn cần gì”. Nhưng lắm lúc thấy chú như người không có tình mà chỉ biết pha trò, như trời sinh ra chỉ để cười và để làm người khác cười theo, tôi phải đâm nghi: “Hay có điều gì bí ẩn đây!” Cho đến một  hôm đứng chơi ở ngoài vườn, tôi hỏi người ở trung thành của chú về đời riêng của chú thì anh ta bảo:
- Từ ngày cậu cả mất đi, cháu nằm ngay nhà ngoài nên cháu thấy nhiều hôm ông cháu khóc suốt đêm.
- “À!...” Tôi khẽ gật đầu: tin ấy đánh vào lòng tôi quá mạnh làm tôi không nói gì được nữa. Tôi chớp luôn mấy cái rồi yên lặng nhìn cảnh vật thường nhìn hằng ngày, tôi cảm thấy như nó lạ lùng khác trước: lòng tôi đã đổi thay. Thì ra bây giờ tôi mới hiểu: “Phải, bỏ Hải phòng là phải, những vết thương đó không thể hàn gắn được!’’ Tôi vẫn nghi ngờ cái vui kia mà, tôi biết sau bộ mặt vô tư lự ấy có ẩn tâm hồn đa cảm, một tâm hồn nghệ sĩ - Chú đã chả chơi đàn nhị và nổi tiếng một thời là gì!
Đến bây giờ tôi còn nhớ độ bốc mả ông Trẻ Khoa tôi, một người mà tới nay thầy tôi vẫn khen là tài hoa phong-nhã nhất bực một thời. Ông đã nỗi tiếng là tay chơi bời hào hoa và đàn giỏi thời ông. Họ nhà tôi đã có nếp cứ mỗi đời có một người đàn địch nổi danh mà ! Bốc mả ở trên đồn điền Tam-lộng.
Trước hôm để tiểu vào một kiểu đất mà thầy địa lý đang không thiếu lời tán dương, tôi thấy chú tôi mở tủ mang ra một ống sáo trúc thật đẹp, thật nhẹ, rồi yên lặng lau chùi ra dáng cảm động lắm. Cả buổi đó, tôi không nghe thấy chú nói đùa bỡn nữa!... Chẳng may cha tôi lại sai tôi đi Hà Nội có việc cần gấp làm tôi không được nghe tiếng sáo ấy. Nhưng hai hôm sau, chị tôi về nói chuyên rằng chiều hôm đó, lúc vừa đặt tiểu xuống huyệt rồi, chú tôi mặc áo trắng dài, chít khăn tang, ngồi xuống bên cạnh thổi một bài sáo hay mà buồn lắm. Chú vừa thổi mà nước mắt đầm đìa chảy ướt cả hai má - Bà tôi không cầm được òa lên khóc – và tất cả khóc theo.
Thế mà tôi không đượcc nghe tiếng sáo ấy, tiếng sáo tài tử tặng tài tử, tiếng sáo mà chú tôi đã rút tận hồn để thổi vào hồn người chú đã qua đời. Từ đấy lắm lúc tôi cứ thấy vẩn vơ tiếc, như tiếc một cái gì không thể xẩy ra hai lần trong đời này!... Và từ đó, những lúc ngồi buồn một mình trên đồi thanh vắng, tôi cứ hay nghĩ đến cảnh chú tôi lau ống sáo trong bàn tay run run mà bùi ngùi... Rồi tưởng tượng đến tiếng sáo buồn bay theo gió chiều trên ngọn đồi hiu quạnh...
- Chú tôi vui tính thế mà khóc sướt mướt! Trời ơi! tôi muốn ôm lấy tâm hồn ấy mà an ủi...
Hoa Vông Vang
Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa.
Yêu một người ta dâng cả tình thương
Huy Cận
Ngày ấy Đẩu là một chàng trai mười tám, lòng đang tưng bừng mới nở, trông ai cũng đẹp. Suốt ngày vui cười, sẵn sàng yêu đương, chàng thấy tương lai toàn mầu rực rỡ. Đang đầy tin tưởng thì một hôm chàng gặp Phượng Trinh, một nữ sinh tóc còn cặp sau gáy. Tuy không biết nàng bao nhiêu tuổi nhưng Đẩu cứ cho là mười sáu, và chàng nhủ thầm: “Chỉ mười sáu mới có thể có được cặp mắt sáng thế”.
Lúc ấy là một buổi trưa mùa đông; dưới gió qua vòm cây, Phượng Trinh đang cười trong ánh nắng rung rinh cùng mấy chị em bạn học. Đẩu có mộng ước gì đâu thế mà sao khi vừa gặp, chàng đã vội ngây người đứng ngắm rồi kêu khẽ: “người trong mộng của ta đây rồi”. Tay xách cặp, chân đi đôi guốc phi mã gót cao, lúc ấy Trinh mặc áo mầu xanh gió thổi tung bay thấp thoáng ánh mặt trời. Thế là lòng trai mới mẻ vội chọn nàng giữa trăm bông thắm; Đẩu đi xa xa theo Trinh về,... thì ra Trinh đi qua nhà chàng, nàng ở phố gần đấy.
Từ đấy mỗi ngày hai buổi học tan, Đẩu vội vàng đạp xe thật nhanh về để ngắm Trinh qua, và những chiều nào được nghỉ sớm thì chàng đi bộ lên gần trường Trinh học đứng đợi nàng về để lẳng lặng đi theo sau. Song vì quá yêu, chàng đâm nhút nhát nên chỉ dám nhìn thôi, vả lại Đẩu e Phượng Trinh cho lẫn mình vào con nhà phường-phố bậy bạ nên chàng chỉ theo xa xa. Theo đến gần nhà mình thì Đẩu đi sang bờ hè bên kia rảo bước về cửa nhà đứng đợi. Lần nào chàng cũng nhìn Trinh đi ngang qua! với đôi mắt si ngây... và cũng đã nhiều lần chàng đi theo đến tận nhà Trinh. Cứ như thế mãi, dần dần Trinh cũng hiểu, vì có nhiều bận Đẩu thấy Trinh đã vào trong sân rồi vừa đóng cổng vừa đưa lén mắt ngượng ngập trông trộm lại chàng. Phượng Trinh cũng đã để ý tới chàng trai si-mê mình.
 Mỗi chiều đi hoc về nàng thường đi thật chậm vui chyện ríu rít cùng hai chị em bạn về cùng đường - có bận Đẩu thấy giữa một chuyện vui Trinh đứng lại vui thú cười rũ rượi để rơi cả cặp sách; như một con chim non say nắng mới, Trinh luôn luôn ríu rít cười nói rả rích làm vui cả lòng, Đẩu đứng nhìn.
Từ ngày gặp đôi mắt nhung huyền ảo tươi sáng của Phượng Trinh lòng Đẩu đã mang một nỗi yêu thương khôn cùng. Chàng dò hỏi các bạn quanh vùng về người mơ ước thì biết Trinh theo đạo gia-tô, ngoan ngoãn. Gia-đình Đẩu cũng theo đạo gia-tô, nhưng là con trai nghịch ngợm, chàng không bao giờ đi lễ nhà thờ và cũng chẳng cần biết Đức Chúa Trời là ai. Tuy thế từ ngày biết là sáng chủ nhật nào Trinh cũng đi lễ ở nhà thờ thì mặc dầu trời có rét mướt, Đẩu cũng dậy sớm đi lễ rất ngoan chứ không ngủ trưa nữa. Hôm nào được trông thấy Trinh, hôm nào được luồng mắt đen của nàng nhìn lại, dù là bất ngờ, Đẩu cũng thấy sung sướng hát nghêu ngao rầm cả nhà. Và tối tối chàng lại thường đi qua nhà Trinh để được trông thấy cây dừa, cây trúc đào trong sân trước cửa,... chỉ thế thôi cũng đủ cho Đẩu trở về ngủ những giấc mơ yên lành mà luôn luôn Trinh hiện ra tươi cười.
Tuổi trẻ chỉ có một lần mới mẻ nhất: Đẩu yêu không có tận cùng bờ bến. Sách học của chàng chỉ nhằng những tên Phượng Trinh viết đủ các kiểu.
Sau những ngày đi nhà thờ thì Đẩu mới biết là có nhiều chàng trai khác cũng đi nhà thờ ngắm Trinh như chàng... nhưng chưa có ai được lọt vào mắt đen! Riêng Đẩu được nàng để ý. Đẩu cũng cho một phần là do gia đình chàng mà Trinh đã biết, tỏ ra chàng không phải là con nhà bậy bạ, tình chàng là tình chân thật.
Mỗi lần sáng chủ nhật đi nhà thờ, hễ Đẩu thấy dưới luồng mắt của mình Trinh e-lệ luống cuống bước mau hoặc nép vào bên người chị dâu là chàng cũng đủ thấy vui sướng cả ngày, mấy ngày.
Hoa mai đã nở! Mùa đông qua! Tết đến! Bên bát thủy-tiên hương thơm vấn-vít, lòng trai run run, lần đầu Đẩu cầm bút viết mấy lời chúc mừng năm mới,... anh viết cho Trinh..
Rồi một buổi đầu xuân Đẩu hỏi Tân, một cô bạn học của Phượng Trinh, thì Đẩu mới biết Trinh là tên gọi ở nhà, chứ “ở trường chỉ gọi nàng là Phượng thôi”. Tân lại nói cho Đẩu biết là các bạn ở lớp đã biết chuyện Đẩu theo Phượng và trêu chế Phượng nhiều lắm nhưng Phượng không hề cãi lại mà chỉ đó mặt cười chạy trước những dịp cười của các bạn...
- “Phượng yêu Đẩu rồi đấy”...
Tân nói thế làm Đẩu sung sướng ngây cả người rồi hỏi:
- Thật à?... Thế thì tôi chết mất!
Chàng trai mới có mười chín, mỗi khi sung sướng quá là chỉ kêu chết.
Từ đấy Đẩu là người sung sướng. Có khi chàng đứng nói chuyện một mình với bờ thang là thường ; có bận người chú vui tính của Đẩu bắt gặp, cười bảo:
- Đứng cười một mình thế thì chó nó cũng biết.
Thế là hai chú cháu nhìn nhau cười hể hả... và lòng Đẩu vui tưng bừng, bình tĩnh mất hết, có lúc chàng ôm lấy thằng nhỏ hét:
- Tao yêu mầy lắm.
Rồi Đẩu viết một lá thư mà chàng đã tốn bao công nắn nót gọt dũa. Những ngày ấy là những ngày sung sướng hồi hộp mà bao cảnh mộng xôn xao trong lòng! Tới một hôm Đẩu dừng xe đạp ở bên đường đợi xe Trinh đi học về qua. Từ xa Đẩu đã nhận được chiếc xe; đến lúc trông rõ Trinh, Đẩu ngượng nghịu cố mỉm cười làm Trinh cũng phải buồn cười luống cuống thẹn ngoảnh đi. Đẩu đạp xe theo, nhưng mãi cũng không dám đi gần, chàng cảm động quá. Được nửa phố, Đẩu lấy hết can đảm đạp xe lên đi kèm cạnh xe Trinh. Giọng nói đã lạc cả tự nhiên Đẩu ngập ngừng:
- Chào Trinh.
Trinh cũng cảm động và thẹn, nàng chỉ đỏ mặt mỉm cười đưa chiếc mù-xoa lên miệng bẽn lẽn cắn, mắt long lanh rộn ràng bao lời êm ái.
Trời, luồng mắt làm Đẩu choáng váng ngây ngất muốn nói mà chẳng nên lời, Đẩu thò tay thả phong thư vào xe Trinh. Như sực tỉnh, Trinh vẫn mỉm cười cầm phong thư đem đưa trả lại miệng kêu khẽ, giọng rất thanh:
- Ấy chết!
Nhưng Đẩu đã hãm xe lùi lại phía sau.
Hồi hộp đợi mấy hôm cũng không thấy Phượng-Trinh trả lời, Đẩu suốt ngày băn khoăn trông ngóng người đưa thư ! Rồi có một buổi kia Đẩu gặp Tân, nàng nói:
- Đẩu bỏ một lá thư vào xe Phượng phải không? Phượng nhờ tôi nói với Đẩu từ rày đừng làm thế, lỡ người ngoài người ta trông thấy thì người ta coi Phượng vào hạng người gì!... có muốn nói gì cứ nói thì hơn...
Nghe xong Đẩu tươi tỉnh đưa tay lên gãi gáy bừng bừng sung sướng rồi đáp:
- Lúc ấy còn nói thế khỉ gì được mà nói!
Chẳng biết Phượng-Trinh có hiểu cho anh như thế?... Chỉ biết sau đó, Đẩu luôn luôn viết thư nhờ Tân đưa thì Trinh nhận. Nhưng mê say chàng đòi hỏi quá nhiều! Đôi lúc Trinh cũng đáp Iại, nhưng nói sao được tấm lòng thành thực si-mê của chàng trai mười chín, kể sao được hết nỗi bồng bột! Tuy Trinh có trả lại song ít lắm, chẳng đủ lấp một chút trong không gian to tát của lòng Đẩu. Trinh đã trả lại ít hay chính Đẩu đòi mong quá nhiều!... Nhưng lấp sao được lòng anh thuở ấy, lấp sao được biển cả đương lúc sóng tình dồn dập gào thét.
Chàng trai yêu đắm đuối buổi ban đầu thì còn đâu là bờ bến! Đẩu không cần, không nghĩ gì ngoài “Phượng-Trinh của anh” ra. Bữa nào được Trinh đi học về đã vào đến trong nhà mà còn ngó lại một cái là chàng đủ sung sướng ầm-ỹ. Những hôm ấy có ai tra hỏi gì đâu mà Đẩu cứ vui mừng kể cho chị nghe nào Trinh mặc áo mầu gì, Trinh nhìn lại thế nào v.v... và có cả lần Đẩu khoe: “Chị ạ, hôm nay lạnh trời, cô Trinh mặc một cái măng tô hơi ngắn hơn áo trong một tí, nhưng em trông lại càng thấy đẹp chị ạ, một vẻ đẹp riêng”.
Dần dần chị dâu của Trinh cũng biết Đẩu yêu Trinh (có lẽ Trinh nói) vì nhiều lần gặp Đẩu chị nhìn chàng trai rồi nhìn cô em chồng cười tinh ranh làm Trinh xấu hổ bám nép vào tay chị cười.
Những lúc đó Đẩu sung sướng đứng nhìn bộ tóc cặp xõa xuống lưng rung rinh vui thú.
Có một ngày chủ nhật Đẩu cùng cha đi săn bắn về mệt, nên hôm sau Đẩu nằm nghĩ ở nhà rồi viết một lá thư cho Tân, trong thư chàng nói: “Thế nào, Tân đã xin hộ Trinh cho tôi một tấm hình chưa, cố vào nhá, trăm sự nhờ Tân đấy! À, hôm qua tôi vừa đi săn về, mệt và mệt, phải nằm nhà nghỉ... nhưng nhớ Trinh lắm...”.
 Vài hôm sau Tân nói nàng có cho Phượng xem mảnh thư ấy, và mặc dầu nó nguệch ngoạc nhỏ bé, Phượng cũng đã xin lấy mảnh thư đó. Và Đẩu sung sưứng đến ngạt thở khi Tân bảo:
- Thư nào của Đẩu. Phượng cũng giữ cất đi cả...
Thôi, hồn Đẩu phơi phới như lên tới trời xanh!... và những lúc ấy, những lúc quá tin tưởng ấy, anh đã tưởng đời anh sẽ theo một con đường nhất định.
Nhưng tính Đẩu cũng rất trẻ con, trong thư luôn luôn chàng viết những câu không đâu, chẳng hạn: “Cái mũi của Trinh trông ngon như viên kẹo đraa-giê (dragée là loại kẹo viên, bên ngoài bọc đường, bên trong có chocolat hay hạt hanh nhân hoặc bánh) ấy” hoặc “tôi thích bắt Trinh mang thả lên đồi có để xem Trinh ca hát chạy nhảy như một con sơn ca”. Tuy thế Trinh cũng vẫn chỉ trả lời: “Thư Đẩu viết vớ vẩn lắm”... nhưng Trinh sung-sướng.
Một hôm Đẩu đang đứng ngóng đợi xe Trinh qua thì có một nữ sinh đi qua tươi cười nhìn chàng. Lòng trai đang đầy nhựa mạnh, sẵn. sàng yêu đương không cưỡng được trước nụ cười cùng đôi mắt đa tình của cô học-sinh tinh-nghịch, Đẩu nhận ngay mối tình dễ dãi!... tuy trong lòng chàng, Phượng-Trinh vẫn là vị chúa có một ngai riêng cao quý mà không ai chạm tới được ; lúc nào Trinh chả là hoa thơm cỏ quý của lòng anh, nhưng trong một lúc, chỉ trong một lúc thôi, Trinh đã thoáng có ý tưởng rằng Đẩu cũng chỉ như một chim trời, thấy rừng xanh thì xà xuống để mai mốt lại bay đi!... Trinh buồn !... nàng hơi ngờ!
Một hôm Đẩu viết thư cho Trinh trong có câu “thời gian trôi chảy, tuổi trẻ qua mau. Trinh còn đợi đến bao giờ mới đáp lại tiếng gọi của lòng tôi!” thì nàng trả lời: “Đã có người đáp lại rồi còn gì!” Chàng trai chết đứng người, chàng tự nguyền rủa mình, rồi chàng buồn lo hối hận, vật vả thân đêm.
Làm thế nào Trinh hiểu được bây giờ, làm thế nào...?
Song mặc thế tình giữa hai người vẫn bền chặt, nhưng cũng vẫn mơ hồ.
Đã mấy tháng trời theo đuổi mà vẫn chưa lần nào Đẩu được Trinh hẹn hò cho gặp riêng một lần. Người thiếu nữ ngoan ngoãn van tin ở tình chàng trai, nhưng chỉ sẵn lòng đợi chàng đến hỏi làm vợ. Tình yêu mà nàng hiểu là thành thực chỉ có thể đưa tới cuộc hôn nhân,... mà Đẩu cũng thành thực muốn thế, song mới có mười chín tuổi chàng đã tính đến chuyện vợ con sao được! Vả lại chưa được cùng nhau hẹn hò một câu, chàng trai chưa dám chắc gì mà dạm hỏi,... tuy đã bao lần trong mắt Phượng-Trinh chàng tưởng được thấy hạnh-phúc. Chàng đọc thấy, nhận thấy một vẻ gì dịu-dàng xô đẩy lòng chàng.
“Hay đó chỉ là một hạnh-phúc đơn sơ khó kiếm” Đẩu vẫn băn khoăn tự hỏi thế những lúc không hiểu.
“Ừ, sao không hẹn với nhau một câu, sao không thả hết tình yêu?” Nhưng duyên số..
Rồi có một ngày chủ-nhật mà gió đã nóng, Đẩu đang lang thang ở phố thì thấy một giọng nói vui vẻ bay đến tai hỏi:
- Phượng đâu? Sao lại đi chơi một mình thế? Không đi với Phượng à?
... Tiếp theo là một dịp cười. Đẩu ngơ ngác nhìn lên thì ra Tuyết, cô bạn học cùng lớp với Phượng-Trinh đang đứng trên bao lơn tươi cười nói xuống. Đẩu mỉm cười cám ơn. Độ năm phút sau bất ngờ Đẩu gặp Phượng-Trinh thật. Nàng mặc áo mầu tím đang đi mua hàng may áo nực cùng hai chị. Gặp Đẩu, Trinh bẽn lẽn không dám nhìn, nhưng có một lần Đẩu bắt gặp mắt Trinh ghé qua gáy chị nhìn trộm mình làm chàng sung sướng run cả người. Hôm sau Đẩu vội nhờ Tân đưa cho Trinh một lá thư, trong có đoạn:
“Hôm qua đi phố chơi, tôi đang lang thang thì nghe thấy một giọng nói từ trên trời bay
xuống hỏi “Phượng đâu? Sao lại đi chơi một mình thế, không đi với Phượng à? tôi nhìn lên thì ra Tuyết, Trinh ạ - Đấy, đối với tất cả thì Phượng là của tôi đấy, thế mà tôi cứ chưa dám chắc! Trinh thử hỏi hộ cô Phượng, cô Phượng có cái mũi xinh xinh ấy mà, xem Phượng có phải là của tôi không?”
Tuy thế Trinh cũng chỉ trả lời lại Đẩu: Thư Đẩu viết vớ vẩn lắm”.
Thời gian qua mau! hoa cánh phượng đã phơi sắc đỏ rực rỡ dưới nắng gay gắt. Thế là mùa hè đã tới mà hai người vẫn chưa có một lời hò hẹn tuy trong lòng họ thành thực yêu nhau! Người thiếu nữ nền nếp giữ gìn theo luân lý cổ truyền đã đưa chàng trai vào nơi rừng rậm của tình yêu. Đẩu cảm thấy Trinh yêu chàng đấy, nhưng không hiểu được tại sao nàng lại không cho gặp riêng. Mùa hè đã vô tình chia rẽ mối tình thơ ngây: không còn ai đưa hộ thư của Đẩu đến tay Trinh nữa.
Song tuy xa cách, Đẩu vẫn một lòng tin vào duyên số, tin vào tình yêu, tin vào Trinh, chàng vẫn còn nhớ rõ những lúc Trinh từ trong nhà e-lệ nhìn ra, những nụ cười bẽn lẽn những gót chân luống cuống bước mau, những đôi mắt ngượng ngùng bắt gặp,... đôi mắt tươi sáng như trăng nước thu trong đã bao lần làm chàng ngây ngất, Đẩu đã vẫn bảo: “Thật anh chưa từng thấy một đôi mắt đẹp hơn trong đời mà anh có nói thì chắc em lại chớp mau e thẹn”. Để tự an ủi trong những ngày xa cách, Đẩu chỉ biết nhớ lại..
Nghỉ hè xong thì Tân ở quê, không ra đi học nữa. Trinh theo học một trường khác, thế là không còn ai đưa thư hộ Đẩu nữa. Chàng chỉ biết đứng nhìn theo xe Phượng-Trinh. Sao Đẩu không đến bên nàng mà thổ lộ nỗi lòng? có lẽ chàng e ngại! Chàng trai mới mười chín tuổi ấy mà! Ở đâu thì chàng hung hăng lắm nhưng trước mặt người yêu thì chàng ngoan ngoãn như một con hươu non. Vả lại Đẩu vẫn tin là Trinh yêu mình, hơn nữa chàng sợ lỡ đến bên làm Trinh phật ý thì sao. Năm ấy hai người ít gặp nhau lắm.
Một hôm sắp tới mùa hè, Đẩu đi qua nhà Phượng-Trinh... Nhìn vào, chàng thấy Trinh đang bế một đứa cháu nhỏ, con của người anh nàng; Trinh yêu trẻ con lắm, Đẩu đã thấy nhiều, chiều vừa đi học về là nàng vứt cặp chạy vội vào giành lấy đứa bé ở trong tay u nó. Hôm nay Trinh cũng đang tươi cười bế cháu, nhưng khi nhìn ra thấy Đẩu đương ngắm mình, nàng liền nghiêng đầu hôn đứa nhỏ, mắt đắm đuối vẫn không rời chàng trai.
Đẩu ra về sung sướng đến đau khổ, chàng biết là chiếc hôn đó riêng tặng chàng. Bữa nay cũng như đã bao lần đôi mắt ướt của Phượng-Trinh làm lòng chàng xao xuyến ngây ngất. Nhưng càng thấy Phượng-Trinh cũng yêu mình mà không được thổ lộ nỗi lòng Đẩu càng đau khổ bứt rứt.
Dần dần thời gian qua, không làm sao được, Đẩu đành lẳng lặng buồn rầu trông mối tình xa cách dần không phương gì nối lại. Tuy biết là chia rẽ nhưng chẳng hiểu tại sao tự đáy lòng sâu, Đẩu vẫn có một tia tin vu vơ, cái tin vô lý của lòng trai chưa hề biết thất vọng.
Những giấc mộng đẹp sao hay ngắn ngủi, tuổi trẻ mê tình qua mau như đàn mòng khoang vun vút bay qua cánh đồng rộng để vội vã lẩn biến vào cảnh trời đông u ám; nghĩ hè năm sau đã lại tới, rồi tới mùa thu! Một hôm đương ở rừng quê thì Đẩu được bạn viết thơ cho biết Trinh đi lấy chồng: “Cưới chạy tang, bố chết,.. trông Trinh chẳng vui gì sốt cả v.v...”.
Như những vết thương đứt quá mạnh làm ta tê đi không thấy đau, mấy ngày đầu Đẩu không thấy buồn; nhưng sau, nhiều lúc tự nhiên chàng thấy như mất mội mục đích trong đời, chàng cảm thấy chán nản. Tuy thế chàng vẫn yêu Trinh như trước và vẫn mang máng tin là Trinh yêu mình. Đẩu vẫn nói một mình: “Cứ để mặc anh tin em nhá.”
Chẳng nỡ trở lại ngay chốn cũ, lấy cớ vì năng thức đêm đọc sách nên tâm thần suy nhược, nay cần tĩnh dưỡng, Đẩu ở tịt lại nơi đồi quê tĩnh mịch. Lang thang giữa chốn núi sông điệp điệp, bạn cùng cỏ cây xanh tốt, chàng mong sẽ thấy lại nỗi yên vui,... nhưng ngày tháng qua, biết mấy lần trăng rằm đã mọc sau đồi có mà cũng chỉ đủ rọi thêm choáng váng vào cõi lòng tỉnh thức bâng khuâng.
Chàng trai muốn quên mau, song những ngày buồn nản qua không vội vã nên có lúc ngừng ngựa mơ màng ngắm lá vàng bay giữa rừng vắng chàng lại đau thương nhắn hỏi:
- Giời ơi, sao làm tình chóng đứt?...
Hoa tình rụng rơi, bình tĩnh cũng dần dần trở lại, nhưng lòng Đẩu đã bớt tin tưởng!
 Với gió đông về, cuộc đời học-sinh lại nối tiếp ; giữa chốn bạn bè nao nức vui tươi nơi nhà trường, lòng trai đã nhanh bước mau trở lại yêu đời. Rồi một bữa đến, một bữa đông lạnh mà ánh mặt trời chợt bừng sáng chan-hòa giữa gió lạnh vang-vang, đê-mê đứng ngẩn trông theo một tà áo tươi mầu đương phấp-phới đi vào trong nắng gió, Đẩu lại thấy lòng bỗng rộn đập tưng bừng. Cứ thế mà qua mãi, người đời tha hồ bảo yêu có một lần, Đẩu chẳng tin, hoa thì tàn nhưng lòng luôn luôn nở lại, cũng vì thế sau Phượng-Trinh biết mấy chuyện tình thơ ngây đã thành hình rồi tan vỡ!- đôi khi tan vỡ vì những cái không đâu, vì một lời hiểu lầm, vì một chút tự-ái, vì...- Trời! Kể sao cho xiết những nỗi vô lý ở chốn tình-trường: chỉ vì lòng trai quá bồng bột si mê nên tình chẳng bền đậu! Tuy thế nhiều hôm bất ngờ tình cũ lại vẫn lên trong lòng, Đẩu lại đem ảnh Phượng-Trinh ra ngắm rồi rầu rầu nói sẽ: “Nhưng chưa có mối tình nào đẹp như tình em... Trinh ạ”.
Khá lớn lên, chàng trai sớm vội đua theo các bạn vào cuộc đời chơi bời phóng đãng; dần dần chàng đã trở thành khôn khéo; quen ra vào nơi tửu điếm nên chàng nói dối đã không ngượng lời, mắt đầy gian trá, nhưng lúc ấy thì người đời lại tin chàng. Từ một đứa trẻ, Đẳu đã trở thành một người,... và những mối tình dễ dãi ở mọi chốn chơi bời cứ tiếp tục mà qua mãi. Giữa các cuộc vui nhả nhớt, chàng đắm say tươi cười; thật lòng trai quên sầu cũng dễ như yêu,... nhưng lòng anh đã kém trong sạch, bây giờ khó tìm đâu cho thấy được vẻ sợ sệt nhút nhát si ngây thuở mười tám: một ít vẻ đẹp đã mất.
Đẩu đã yêu khắp nơi đến nấc cùng đâu chàng cũng yêu đến si dại, tuy thế vì ngọt hoa tàn của chuyện qua vẫn mang-mang ủ ấp lòng Đẩu một nổi nhớ thương nhẹ nhàng như làn gió thoảng của một buổi sớm nào êm dịu xa-xôi. Đẩu vẫn chẳng thể quên được người xưa, luôn luôn lòng chàng như nhớ tiếc mối tình ngây thơ cũ, như thiếu chút nắng dịu, thiếu vẻ nồng-nàn mà mắt Trinh chiếu lại. Đã bao lần yêu, đã bao lần sóng gió trong lòng, thế mà khi lắng hết chỉ riêng hình Trinh còn lại như vẫn còn sau cơn bão táp một cây cổ thụ. Chuyện qua đã ăn rễ sâu vào tận thớ tim Đẩu.
Sau đó ít lâu, Đẩu thôi học và về ấp ở với cha mẹ. Hồn Đẳu phức tạp, chàng yêu đồng núi quê hương nhưng chàng cũng không quên làn không khí say sưa của cuộc đời chơi bời: từ nơi ấy Đẩu luôn luôn trở về thủ đô. Một hôm gặp Tuyết, nàng nói cho Đẩu biết:
- “Phượng khen Đẩu bây giờ ngoan lắm, về quê làm ăn rồi, lần nào đến nhà tôi chơi, Phượng cũng nhắc đến Đẩu.
Ngây cả người, Đẩu không hiểu sao Phượng-Trinh lại biết mình về quê làm ăn, “mà mình có làm ăn gì đâu!”... Nhưng Tuyết đã nhìn chàng nói nhỏ:
- Phượng vẫn yêu Đẩu lắm...
Trời, Đẩu muốn khóc lên được! Thấy Đẩu ngây đờ yên lặng, Tuyết mỉm cười nói tiếp:
- Lần nào gặp tôi, Phượng cũng nhắc đến Đẩu cũng như Đẩu gặp tôi cứ hỏi chuyện Phượng ấy mà... sao hai người không lấy nhau nhỉ...
... Rồi Tuyết kể:
- Ngày sắp cưới Phượng ấy, Phượng có chạy đến tôi ; tôi có hỏi sao không lấy Đẩu có hơn không thì Phượng nói: “Tại Đẩu không đến hỏi,... mà đợi thì biết Đẩu có ý định lấy Phượng không mà đợi cơ!.. Phượng bảo “Chả lẽ em lại mang trầu cau đến hỏi Đẩu à?...’’
Nghe xong, Đẩu đau đớn hỏi trách:
- “Sao Tuyết không nói cho tôi biết ngay từ ngày ấy”... thì Tuyết trả lời:
- Ngày ấy tôi cũng hơi có ý tìm Đẩu nhưng hình như Đẩu ít khi có mặt ở Hà Nội thì phải...
Khẽ gật đầu, Đẩu đứng lặng bâng khuâng...
Từ đấy chàng chỉ biết mang câu duyên-số ra để tự an-ủi, và cũng từ đấy chàng càng tin chắc rằng chẳng bao giờ nữa Phượng-Trinh quên chàng, Đẩu vẫn nhủ thầm:
- Ai quên được những ngày đẹp đẽ trong đời..
Chuyện qua Đẩu vẫn giữ quý như một kho vàng. Lắm lúc bâng khuâng nghĩ lại, Đẩu vẫn thường cau có tự hỏi: “Sao lại cứ nhớ, sao không quên đi cho tâm hồn được thư thái”... nhưng rồi chàng lại nói ngay: “Không, đừng bắt ta quên... Ở đời có những vết thương êm ái. Như ta lúc này ai dám bảo nhẹ buồn là khổ khi đó là dư âm của một thời rạo-rực trở về vang lại trong hồn” Những khi ở Hà-nội, Đẩu vẫn hay đi nhà thờ, nhưng nay không phải vì ai nữa mà vì tin tưởng ở đạo giáo. Vả lại xuân đâu chỉ có một lần, chàng không muốn bỏ một cái gì của những ngày tuổi trẻ tươi thắm đã qua.
Một hôm vô tình Đẩu đi ngang qua nhà vợ chồng Trinh. Nhìn vào, chàng thấy Trinh đương đứng trong căn vườn nhỏ trước nhà như mơ-màng. Có thế thôi mà về nhà chàng cũng sung sướng mãi, và cả ngày nhắc nhở “có lẽ phút này Trinh đương nghĩ đến ta, có lẽ.. có lẽ!” Rồi trên quyển sổ tay biên trăm thứ lặt vặt, chàng viết mấy dòng: “Có lẽ như ngày nào, đôi mày hơi đưa lên, em nhìn vào nơi nào không định. Nghĩ gì thế em? Em, trông gì ở nơi xa ấy, có phải là anh? Em, sao chẳng đáp lại tiếng gọi của lòng anh?”
Viết thế, Đẩu lại nhớ tới câu mà trước kia Trinh trả lời “đã có người đáp lại rồi còn gì”, thế là chàng lại tự đấm vào má vò đầu bứt tóc hối hận. Trinh bây giờ đã hiểu lòng chàng mà sao Trinh ngày ấy lại trả lời chàng thế! Phượng-Trinh có hiểu đâu lòng trai thuở ấy đương thời mới nở, say sưa cảnh đẹp, yêu mến cỏ hoa, mê giọng chim tiếng hót, khao khát tình yêu,... như một con hươu non xông vào rừng thẳm để tìm cỏ quý, nhưng anh đã ăn cả cỏ dại lá lạ ở dọc đường! Hoa đẹp nhiều quá, lòng đang mới mẻ, anh giữ sao được không hái một hai bông gần. Đôi lúc nghĩ lại Đẩu vẫn bực tức kêu lên:
- Họ bảo thế là bạc tình,... thật họ không hiểu, nhưng ta nói làm sao được! Ta không bao giờ bạc tình mà chỉ nhiều tình quá...
Nhưng tháng ngày qua đi, càng lớn lên càng bận công việc nhiều, ngoài những giấc mơ ngắn ngủi chả mấy khi Đẩu còn được gặp Trinh như xưa, mà cũng chả mấy khi Đẩu gặp được Tuyết để nàng kể cho nghe ít truyện về người cũ. Nhưng cứ mỗi khi Tết đến, mỗi lần ngửi lại hương thủy-tiên nhắc nhở xa khơi, mỗi lần thấy xuân về nở trên cành đào là Đẩu lại thấy hoa tình cũ như cũng nở lại trong lòng mình, vì thế Tết nào chàng cũng vẫn gửi lời chúc mừng năm mới đến người xưa. Tuy chỉ vài giòng ngắn ngủi Trinh cũng hốt hoảng đọc vội, đoạn cầm ép lên ngực nhìn trời chớp mau ; những lúc đó đôi mắt đen trong sáng lại mờ ánh lệ
Họa hoằn có một đôi khi bất ngờ gặp lại trên đường, từ xa Đẳu thường đứng lại bên vĩa hè vờ vĩnh đợi ai để ngắm Trinh qua.... và cặp mắt nhung diễm lệ lại mở to xao động ánh tươi vui khi vô tình đặt tới người cũ.... rồi thôi, cả hai đều bâng khuâng không cười nói với bạn nữa, mà chỉ yên lặng để nghe tiếng lòng thỏ thẻ xôn xao.
Ngắm Trinh qua một buổi rất gần, Đẩu thấy cặp mắt huyền của nàng đã kém vẻ tươi cười như thầm bảo ‘‘em không được sung sướng”. Đẩu biết Trinh đã hiểu lòng mình, nhưng còn đâu nữa! Khi hai người biết được là tình sẽ bền chặt mãi mãi thì ai hay chả đã quá muộn rồi. Tuy thế Đẩu vẫn sung sướng với mối lỡ-làng mà chàng biết sẽ là nguồn an ủi cho chàng suốt đời, sẽ là của cái vô giá của tuổi trẻ mà chàng còn giữ lại được. Đẩu nhận thấy vẻ trong sáng của đôi mắt người yêu sẽ mãi mãi là ánh sáng của đời chàng. Tình yêu xui Đẩu đôi khi có những mộng tưởng không ngờ, cũng như lắm lúc chàng tin rồi ra sẽ có ngày giọng Trinh nói khẽ bên tai: “Ứớc gì chúng ta cùng trẻ lại.”
Bất ngờ một hôm Đẩu gặp lại Tuyết, hai người vui vẻ trò chuyện xa gần, nhưng rồi cũng nhắc đến Phượng-Trinh... Đẩu hỏi:
- Vừa rồi mới gặp, tôi trông Trinh như có vẻ buồn ấy... gia đình Trinh có chuyện gì không vui không?
Tuyết cười đáp:
- Sao Đẩu lại hỏi thế, Phượng-Trinh ngoan lắm, chồng Phượng chẳng trách Phượng điều  gì cả... bố mẹ chồng cũng vậy...
Đẩu nhíu đôi mày, nói:
- Không biết tại sao tôi trông Phượng như không được vui ; Phượng có được sung sướng không?”
Tuyết thoáng cười:
- Đẩu cũng biết tính Phượng trẻ trung vui đùa là thế, mà chồng thì tính nết như ông cụ ấy...
Tuyết ngừng lại, mắt chớp bâng khuâng rồi mỉm cười nhìn Đẩu nói tiếp:
- Lấy Đẩu thì cố nhiên là vui hơn... À, ngày xưa ấy mà, dạo Phượng chưa đi lấy chồng ấy, một lần Phượng thấy trong sách ảnh của tôi có tấm ảnh của Đẩu chụp ngồi ở đống rơm, thế rồi Phượng cứ lấy, làm tôi phải đòi mãi
Đẩu đứng yên lặng bùi ngùi trong sung sướng! Thấy bạn có vẻ buồn tiếc, Tuyết hạ giọng:
- Thôi chả cần Đẩu ạ, hình Đẩu ở trong tim Phượng tôi tưởng cũng đủ rồi.
Từ đấy mỗi lần gặp người yêu cũ là Đẩu thấy như mình đương sống lại thời mê say thuở mười tám. Trong mắt Phượng-Trinh chàng thấy lại một ít tuổi nhỏ, một chút nắng sưởi cho lòng chàng ấm dịu, chút nắng thừa của một thời xa xôi. Những lúc đó. Đẩu chỉ biết đứng nhìn theo cho tới nẻo đường đã khuất mà tà áo Trinh còn phấp phới bay, rồi chàng bàng hoàng ngẩn ngơ nói một mình:
- Trời ơi, đôi mắt đen quá, sáng quá, phải chăng là những tấm gương phản chiếu mầu tươi sắc thắm của những ngày rực rỡ...
Tới một hôm chẳng hẹn trước, Tuyết rủ Đẩu đến nhà Phượng-Trinh chơi. Gặp lại bao nỗi ngượng ngùng. Trinh cười sung sướng, song bẽn lẽn cũng nhuộm hồng đôi má ; còn Đẩu thì ngây ngất cảm động ngắm bạn lòng cũ. Trước mặt chàng trai giọng Trinh nói chuyện với Tuyết mất cả tự nhiên ; Đẩu ngồi nhìn lòng lâng lâng sung sướng ; có một lúc Trinh mỉm cười e lệ quay sang hỏi Đẩu:
- Hình như dạo này không hay gặp ông đi lễ.
Phượng-Trinh gọi Đẩu bằng “ông”! Nhưng làm thế nào, nàng đã có chồng! Nghe Trinh gọi mình như thế, Đẩu thấy nhói vào tim, nhưng hiểu tình thế mới, chàng vội trả lời:
- Độ này tôi ở nhà quê luôn,... thỉnh thoảng mới về Hà-nội thành ra Trinh không gặp..
Ngừng một giây, Đẩu mỉm cười nói tiếp:
- Với lại ngày xưa tôi có đi lễ bao giờ đâu,... từ ngày biết Trinh tôi mới đi nhà thờ đấy chứ,... Trinh đã cứu vớt một linh hồn mà Trinh không biết...
Răng trên khẽ cắn lên môi dưới e-thẹn, Trinh mỉm cười đỏ hồng cả má rồi đưa ngón tay lên miệng cắn cắn cảm động, đoạn nàng nhìn Tuyết cười ngượng nghịu cất tiếng bảo:
- Đi lễ thế thì chả... được phúc.
Nhưng mắt nàng sáng ngời, phải chăng vì duyên cũ! Ánh sáng ấy cũng đủ khêu lại lòng Đẩu ngọn lửa đã gần tàn ; và trông Trinh cười đắm say, Đẩu thấy nụ cười tươi thắm ấy như đưa chàng vào một vườn nắng nhẹ gió vừa. Đẩu ra về với it hoa nở lại trong lòng, với ít tin tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ hương tình cũ đến nỗi tan bay hết. Đời còn tươi đẹp và tươi lại vườn tình đang úa. Đẩu sung sướng trở lại nơi đồi núi quê và mang theo trong tim đôi mắt tươi cười của Trinh, đôi mắt trong sáng như tráng làn nước trong đã bao lần làm anh ngây ngất khi buổi đầu dịu dàng nhìn lại...
Vài hôm sau, một chiều vừa cưỡi ngựa đi chơi núi về thì Đẩu nhận được một phong thư, trong có đoạn Tuyết viết: “Hôm qua Phượng lại nhà tôi chơi và bảo: “Bữa nọ, lúc vào tới phòng tiếp khách, thoạt trông thấy Đẩu, Phượng choáng váng ngạc nhiên đứng dừng lại...”
Thôi thế cũng đủ làm Đẩu sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Tay vẫn cầm lá thư, lơ đãng, chàng lững thững đưa bước ra phía đồi sau nhà. Trời mát! tóc thoảng nhẹ bay phất phơ trên trán,... bâng khuâng vô tình đứng trông mấy bông vông-vang phất phơ bên bụi cỏ đương kín đáo cúp lại trong giố chiều êm đềm, Đẩu lại thấy lòng bỗng tràn đầy tin tưởng như buổi mới,... và man mác hy yọng, chàng nhủ khẽ
- Hoa còn có loài chiều hôm cúp vào để sớm mai nở lại em ạ, thì tình ta sao chả có lúc nối theo...
Giáo Huấn
Huân và Bốn là hai anh em họ con chú con bác nhưng vì đôi tuổi bằng nhau nên đã thân mến nhau từ ngày nhỏ. Mới mười hai tuổi, mà mỗi ngày Chủ-nhật được nghỉ học là Huân đạp xe đạp sang Bắc-Ninh về ấp bố mẹ Bốn ở chơi: và mỗi kỳ nghỉ hè tới, Bốn cũng thường lên ấp nhà Huân chơi đùa hàng tháng. Cứ như thế tình thân mến giữa hai anh em đã nẩy nở dần dần theo ngày tháng tuy họ vẫn đánh nhau luôn. Tính nghịch ngợm ngay từ nhỏ, nên những ngày hè ở nhà Huân - thuộc một vùng đồi núi miền Trung du - suốt ngày hai anh em rủ nhau ra đồi leo trèo tìm ổi rừng, tìm xim hoặc bắt tổ chim, hay đi bắn súng cao su. Thân-thể cả hai anh em đều rám nắng đen cháy - vô tư-lự họ tươi cười.
Nhưng tuổi non dại vô tự-lự cũng qua mau giữa lòng thản nhiên của đôi bạn trẻ.
Bốn theo học ở Bắc Ninh, còn Huân vẫn ở Hà-Nội. Hơi lớn lên, họ không hay được gặp nhau như ngày bé, nhưng tận trong lòng, họ vẫn tin tưởng vào người bạn nhỏ. Rồi đến thời khôn lớn của cái tuổi mười bảy: Bốn rời tỉnh Bắc về Hà-Nội học, chàng ở nhà ông nội chàng là cụ Thống, một vị võ quan về già, tính độc đoán và rất nóng nẩy. Như một con hổ về già. Cụ Thống sống một mình trong ngôi nhà vườn rộng thăm thẳm, các cháu cụ chưa có ai được ngồi trên đùi vuốt râu ông nghe chuyện cổ tích một lần nào bao giờ, mà trái lại chỉ được nghe những tiếng hét rung chuyển cả cửa kính. Cụ Thống tuy nay đã bảy mươi tuổi nhưng thân thể cụ còn cường tráng, tiếng cụ còn oang oang như lệnh vỡ mỗi khi cụ thét mắng, nên con cháu cụ đều kiêng sợ lảng xa.
Huân đã cùng bố mẹ ở riêng nơi khác, nhưng cũng ở Hà-Nội nên từ ngày Bốn về Hà-Nội theo học thì hai anh em lại được gặp nhau luôn. Tuy mới có mười bảy tuổi, nhưng ở nơi đô hội nên Huân đã sớm lập những thói đua anh em ăn chơi. Còn Bốn thì vẫn ngoan ngoãn, song cũng đã bắt đầu biết chải chuốt, đứng nhìn theo các nữ sinh tóc còn cặp sau gáy. - Lòng đang tưng bừng giữa buổi xuân đầu mới hé, tâm hồn phơi phới đầy mộng thơ ngây, họ cùng nhau thân mật trò chuyện, vui thú ôn lại tuổi nhỏ, nhưng đôi khi cũng không quên nghĩ đến tương lại với một lòng tin cậy: họ đã thấy trong nhau một người bạn tin tưởng để cùng nhau xông ra cuộc đời sau này. Những câu chuyện thường không có chi, nhưng sau câu chuyện họ hay đi xem đá bóng, chớp-bóng hoặc đi đến tiệm ăn vui thú; tuy thế hai người chỉ dám đưa nhau đến những nơi trong sạch ; không bao giờ Huân rủ Bốn đến tiệm khiêu vũ vì tự trong lòng chàng vẫn thầm mến tình ngoan ngoãn của em, và cũng chưa lần nào Bốn can anh đừng chơi bời mà chỉ lặng nhìn mến phục người anh mới ít tuổi mà đã có những từng trải hơn mình. Tình thân giữa hai anh em đã bền chặt được trước cả những lời chia rẽ của người ông: Cụ Thống rất ghét Huân vì thấy cháu hãy còn quá non dại mà đã chỉ vội ham chơi đến sao lãng cả việc học. Mỗi lần cụ có kể với Bốn những tội lỗi của “thằng Huân” để chia rẽ hai anh em thì Bốn chỉ lễ phép đáp:
“Thưa ông, dẫu sao anh Huân cũng là người anh hợp tính nết mà cháu đã mến từ ngày nhỏ”.
... Tính nết Bốn rất tốt, hơn nữa, chàng còn có một tâm hồn dễ xúc động (chàng đã làm thơ một vài lần), nên đôi khi buổi tối có tình cờ đi ngang qua tiệm khiêu vũ, nghe điệu nhạc văng vẳng đưa ra, Bốn cũng thấy lòng thèm muốn xôn xao.
... Rồi một tối mùa đông, thấy mưa bay, Huân vội đến rủ Bốn đi chơi - Huân có tính -thích đi trong bóng tối lạnh lẽo những đêm mưa dầy rớt buồn ; những buổi như vậy chàng đi không chán. Bữa nay cũng thế, đôi bạn trẻ ra đi xuýt xoa vui thú - Nhưng lúc ngồi trước cốc cà phê nóng ấm, trong lòng băn khoăn tự nhiên Bốn nói cho Huân biết rằng mình đã đi với mấy người bạn đến tiệm khiêu vũ hai lần rồi, và thú nhận rằng - Em đã tiêu mất ít tiền học anh ạ, nhưng chả cần, tiêu rồi xoay sau...
Nghe xong, Huân vội can:
- Đừng! Không hay gì cái trò ấy đâu mà! Tôi đã tiêu qua tiền học rồi, tôi biết!... nếu không muốn tâm hồn ta phải bứt rứt hối hận về sau thì đừng nên tiêu...
Chưa thú thật, song ở nơi kinh thành, con trai bắt đầu lớn lên, Bốn cũng cần vui chơi với bạn bè, và trong những cuộc vui bất thường, chàng đã tiêu hết tiền hai tháng học-phí. Vô tình không biết nên Huân cũng chỉ nói qua loa thôi...
Rồi sang năm mới, một hôm nhà trường đưa giấy đến tận nhà, nói đã lâu trò Bốn không tới trường và còn thiếu hai tháng học phí. Chẳng may Bốn lại đi vắng, nên cái giấy đó lọt vào tay ông nội Bốn. Được tin cháu bỏ học, cụ Thống tức điên lên, sai mang hết chăn chiếu của Bốn ra đốt đi, và tức khắc viết giấy gọi bố Bốn tới. Ông thân sinh ra Bốn không được đi học ngày nhỏ, và lại theo giáo-dục xưa nên kính sợ cha một cách tuyệt đối. Cụ Thống kể tội “thằng Bốn” xong liền bắt bố anh Bốn mang ngay anh về ấp không cho đi học nữa. Thế là chàng trai mới mười tám tuổi đã sớm vội từ giã nhà trường.
Biết tin người em thân yêu bị bắt về quê, Huân lắc đầu tức giận gắt một mình:
- Thế là cái gì!
Huân còn nhớ hồi mình mới mười bảy tuổi, chàng cũng đã tiêu tiền ba tháng học cùng bán cả xe đạp, quần áo - thế mà tới mùa hè, suốt ba tháng nghỉ ở nhà quê ông thân sinh ra Huân vẫn giữ thái độ bình tĩnh như chưa có chuyện gì xẩy ra tuy thật ông đã biết hết. Lần nào ra đi Hà-Nội ông cũng tươi cười hỏi: “Con thích mua gì không” và khi về ông luôn luôn yêu quý lại véo tai Huân.
Đợi cho đến lúc hết hè, khi con sắp trở về Hà-Nội theo học, ông mới gọi con lại ôn tồn khuyên:
-Tao nghe nói năm ngoái mày bỏ học, tiêu tiền, chim gái và lại tập những thói hư từ ở nơi tửu điếm, bây giờ mày sắp đi học tao mới nói để mày biết rằng đương tuổi con trai thì không nên chơi bời vội, sau này lớn lên có tiền thì chơi gì mà chả được!... Nhưng đó cũng là sự dại dột của tuổi trẻ, tao không muốn nhắc tới làm gì miễn là sau này mày cứ chăm học cho tao là đủ...
Nhớ lại, Huân không khỏi thầm cám ơn cha, vì thời ấy cụ Thống cũng đã bảo bố chàng:
- Thằng Huân nó đã trốn học thì bắt nó về quê đi cày... Để nó ở Hà-Nội làm cái gì!
Nhưng ông thân sinh ra Huân có ý kiến riêng là “mình làm cha thì cứ giữ cho đủ bổn phận của người cha là con trai thì phải để cho nó đi học mặc dầu nó hư hỏng” và ông bảo:
- Ở chốn bạn bè nơi nhà trường, nó có không học chăm nữa, thì nó cũng khôn ra nhiều.
Bố anh Bốn thì khác, bố Bốn nghe cha nên bắt con về quê. Bắt cháu thôi học xong, cụ Thống vẫn chưa cho thế là đủ, vả lại đã già, cụ chỉ còn có cái thú là mang chuyện đi kể khắp trong họ, nên từ đấy, cả cái họ đông đúc của Bốn ai ai cũng được nghe cụ kể tội thằng Bốn cũng như năm trước cụ đã kể tội thằng Huân. Mỗi lần kể, giọng cụ lại oang oang, mắt cụ giận dữ, bao giờ nói xong cụ cũng không quên lớn tiếng dằn thêm một câu:
- Hai thằng ấy là hai thằng quỷ nghe chưa?... Quỷ!
Thế là vô tình hai đứa trẻ yêu nhau ngày nhỏ, nay lại vì ông ghét mà cùng đứng vào một cảnh. Tuy hai cháu đã ở cùng bố mẹ nơi khác, nhưng cụ Thống vẫn cứ mắng chửi như thường nghĩa là cụ vẫn đi khắp trong họ nói về hai thằng “hư hỏng” ấy bằng những lời không ra gì! Mỗi lần có ai nói đến tai Huân những câu đại khái như: “Ông bảo anh là con nhà vô phúc đấy’’, thì Huân chỉ cười xòa rồi vui vẻ đáp:
- Thế à?
Tuy thế không lâu - chỉ năm tháng sau - khi Bốn bằng lòng lên trông coi cái ấp mà cha mẹ anh mới mua được ở vùng Bắc-giang thì tức khắc cụ Thống lại đi từng nhà một trong họ để nói:
- Thằng Bốn tuy thế mà ngoan I
Và muốn giữ cái tiếng ngoan nghe nó cũng êm tai ấy, nên từ đấy Bốn cần cù đứng đắn làm ăn. Thôi, thế là chỉ còn độc một mình Huân đứng lại, đứng lại để gánh hết tiếng xấu.
Trong khi ấy thì Bốn đã thành một ông chủ ẩp tập sự. Từ ngày ông thân sinh ra Bốn mua thêm được số ruộng ở Bắc-giang, cụ Thống vui mừng thấy con làm ăn khấm khá nên năng lên ở chơi trên cái ấp mới mà Bốn trông coi, rồi cụ dạy bảo cách thức làm ăn, cày cấy, lập ấp v.v...
Ông thân sinh ra Bốn chiều cha nên cụ Thống bảo gì là ông nghe theo hết ; những lúc ấy cụ thường nhăn mũi lại cười khoái trá. Nhưng ấp ở vùng hay bị lụt, nhiều năm nước ngập lên tới thềm nhà, nên Bốn trù tính thiên ấp lên chỗ đất nơi chân núi cao hơn. Thấy cháu mới mười tám tuổi, vừa bỏ nhà trường về mà đã có những sáng kiến lớn lao hăng hái, cụ đâm quyến luyến, rồi cụ lên ở luôn cạnh Bốn - Thế là từ đấy vô tình cụ tự biến thành cái máy truyền tin đi khắp trong họ, hôm thì cụ nói: “Ấp bây giờ mới lập ở trên nơi địa thế rộng rãi đẹp lắm”... Nửa tháng sau thì khắp trong họ từ thằng bé lên ba cũng biết là ở trên ấp anh Bốn đương trồng tre bao vi.
Tết qua!... Bốn đã mười chín tuổi...
Đối với cụ Thống, theo vụ cấy, theo mùa gặt, Bốn đã trở nên người cháu ngoan, một người cháu gương mẫu.
Một bữa nghỉ học, Huân lên chơi trên ấp Bốn; hai anh em lại được cùng nhau đi chơi đồi thông vui thú. Nhưng Huân hơi lo khi nhận thấy người em họ thân mến của mình đã đổi khác. Mới sau có hơn một năm từ giã nhà trường mà Bốn đã chễm chệ ngồi xếp bằng tròn trên sập nói chuyện với một ông lý muốn nhờ vả nên “đi qua vào hầu cậu” ngồi ở ghế gần đấy, và Huân càng lo hơn khi thấy Bốn nói đã thành thạo những chuyện ma chay, tế thần, ra làng không đâu. Đợi cho ông lý kia ra về rồi, với giọng nửa đùa nửa thực, Huân cười hỏi:
- Thế nào, sao bây giờ Bốn lại mặc áo dài lụng thụng thế này?... Trông kể cũng đã ông lý lắm đấy chứ.
Nhưng Bốn cười trừ rồi chống chế đáp:
- Mặc thế này cho tiện...
Huân vỗ vai em cười pha trò nói:
- Nhưng đừng đi từ cái tiện này đến cái tiện khác nhá.
... Rồi hai anh em nhìn nhau cười lớn vui thú.
Bận công việc mùa màng, Bốn cũng chẳng thiết về Hà-Nội nữa, còn Huân thì cũng chẳng mấy khi có thời giờ rỗi rãi để lên thăm người em ở mãi tận vùng quê Bắc-giang được.
Mùa mưa đến, mùa gặt qua, rồi xuân lại. Bốn và Huân đã đến tuổi hai mươi! Gặp nhau đôi khi họ đã nói đến những chuyện toan tính làm ăn sau này. Lớn lên giữa đồng núi, thích những cái gì khoáng đạt, Huân không bao giờ tính đến sẽ đi làm việc công-sở nên những lúc nghe Bốn kể những dự định sẽ làm như phá thêm ruộng, đắp cừ và nhất là khi Bốn sốt sắng mang ý kiến định chăn nuôi mấy nghìn lợn, gà để sau này ngày ngày sẽ có xe ô-tô chở về Hà-Nội bán, v.v... Huân không khỏi vỗ vai em khen:
- Khá lắm! ít ra cũng phải thế mới được. Nhưng đó mới là những ý định của hai thiếu-niên hãy còn chứa chan những tin tưởng ngông cuồng của tuổi trẻ và chưa từng trải. Gặp nhau chỉ ngắn ngủi, rồi kẻ mê say công việc đồng áng, người mải theo cuộc đời thanh niên vui đùa ở nơi đô hội, họ cứ xa nhau dần!... Song mặc dầu ở xa, Huân cũng vẫn biết hết mọi công việc làm ăn của Bốn vì cụ Thống luôn luôn đem tin tức. Hôm thì cụ nói: “Trên ấp cháu Bốn đương xây móng nhà mới” hôm thì:  ‘‘Úi già, cháu (1) có biết không, cháu Bốn vừa đào một cái giếng nước trong lắm, trong hơn nước mưa”.. Tuy rằng những lúc khác quên đi cụ lại vẫn bảo:
- Không có nước gì trong bằng nước mưa được.
Thấy cháu chí-thú làm ăn, tình yêu của cụ Thống cứ tăng dần mãi, rồi đến một ngày cụ chỉ thích đi nói với khắp trong họ:
- Thằng Bốn giỏi lắm I Mới có hai mươi tuổi nhưng nó giỏi lắm.
Và cũng không mấy khi cụ ở Hà-Nội nữa ; một tuần lễ mà không ở chơi trên ấp anh Bốn được hai ba ngày thì hình như cụ không chịu được. Ông thân sinh ra Bốn thấy thế nên cứ luôn luôn từ Bắc-Ninh mang xe hơi về đón cụ đi. Tuy đã ngót bảy mươi tuổi nhưng cụ Thống vẫn còn cái tráng kiện của nhà võ nên những khi ở trên ấp cụ vẫn lội ra ruộng xem bờ xem nước là thường. Nhìn mạ lên, trông lúa ra đồng ra hoa là cụ vui thú mãn nguyện.
Ruộng ở vào cánh đồng lụt, mà chính-phủ lại mới bỏ con đê bao bọc nên mua giá rẻ lắm, vì thế những lúc đi về thỉnh thoảng cụ lại khoe “cháu Bốn” mới mua thêm được mấy chục mẫu.
Cụ yêu anh Bốn lắm, luôn miệng cụ khen anh ngoan, “anh không biết đến về Hà-Nội nữa v.v...” Những lúc đó Huân buồn rầu tự nhủ:
- May mà ta không ngoan.
Theo ngày tháng, theo số ruộng mua thêm được, tình yêu của cụ Thống đối với cháu Bốn cứ tăng dần mãi!... Cho đến một ngày cụ yêu “cháu Bốn” như ta yêu một người tình nhân vậy. Những con cháu trong họ có ai tới gần cụ đều chỉ được nghe chuyện anh Bốn, những chuyện mà thường họ đã nghe vài bốn lượt cả rồi! Nhưng cụ nói thế cũng chưa đủ hả tấm lòng cụ say mê, nên đôi khi có khách khứa xa lạ đến chơi cụ cũng cứ nói chuyện anh Bốn và có lần cụ khoe:
- Cháu nó mới xây cái cổng ấp trông đồ sộ chững chạc lắm cụ ạ ! Toàn bằng đá, rộng rãi lắm, ô-tô hai từng đi vào dễ cũng vừa.
Những lúc thấy thế Huân chỉ biết lăn ra giường cười vang! Cụ Thống yêu đến nỗi những lúc ngồi một mình, cụ cứ hấp háy đôi mắt đã hơi lòa và luôn luôn lẩm bẩm tên Bốn; thậm chí đến chữ số trong khóa tủ két cụ cũng để con số 4. Những khi rỗi rãi là cụ lại lên ngay ấp anh Bốn ở chơi, và luôn luôn cụ yêu quý hỏi:
- Đã cấy hết chưa!... Không bỏ hoang thửa ruộng nào chứ cháu?
Lần nào Bốn cũng trả lời “Bẩm ông cấy hết cả rồi ạ’’… tuy thật ra thì còn rất nhiều ruộng bỏ hoang. Thế là ông cụ vui mừng sáng trưa gọi:
- Này cháu, ra đây ngồi uống nước trà Tầu,... trà ướp sen ngon lắm... Ừ thơm tệ cháu ạ...
... Biết mình nói dối nên mỗi lần nghe cụ Thống gọi đến thì Bốn ra ngồi cạnh với một vẽ ngượng nghịu. Cụ Thống đã vô tình đẩy Bốn vào đường dối trá vì Bốn nghĩ: “Mình có nói thật ra cũng chỉ làm ông mất vui, lại gắt gỏng mắng chửi là khác, chẳng thà cứ để ông vui vẻ không biết’’... Nhưng thật cũng tại cụ Thống cơ... Giá cụ hỏi: “Ruộng có cấy được hết không” thì có lẽ Bốn trả lời “thưa ông không’’, nhưng tại cụ lại cứ hỏi:
- Đã cấy hết chưa? Không bỏ hoang miếng nào chứ cháu...
Thì làm gì Bốn chẳng trả lời:
- Bẩm ông, cấy hết cả rồi ạ...
Sự thật thì ấp mới lập, ruộng xấu, ít người làm. Đứng ngoài trông vào thì ấp vuông vắn đẹp đẽ lắm, nhưng bề trong thì dân ấp khốn khổ về những năm lụt lội chiêm khô mùa thối, và họ bỏ ruộng đi nơi khác nhiều vì thiếu ăn, cho nên Bốn phải cấy lấy rất nhiều. Cụ Thống không biết tình trạng ấy nên cụ luôn miệng khen:
- Cháu Bốn giỏi lắm, một mình mà cấy lấy những hai trăm mẫu.
Trong khi ấy thì Huân và Bốn càng xa nhau.

Cuối xuân năm sau, một hôm Huân lên chơi trên ấp của Bốn. Tám giờ tối mới đến nơi, Huân thấy Bốn đương ngồi bình tĩnh ngắm trăng rằm ở giữa sân, bên cạnh một cái bàn con; nhưng Huân ngạc nhiên khi thấy trên bàn có để một ấm trà tầu ướp sen và một cái điếu thuốc lào. Sau một lúc vui chuyện. Huân dò xét hỏi:
- Thế nào nhà điền chủ, bây giờ lại đi tập hút thuốc lào nữa cơ đấy à?
Nhưng Bốn cười trừ không đáp. Ở chơi một ngày, trong khi nói chuyện, Bốn vẫn còn mạnh bạo kể những ý định trồng chẩu cùng mở nhà máy xay gạo, v.v... Nhưng Huân thấy giọng người em đã bớt hăng hái nồng nàn! Có một lúc Huân nhìn Bốn định hỏi:
- Thế Bốn không định nuôi lợn, nuôi gà nữa à? Nhưng nghĩ thế nào Huân lại yên lặng quay đi. Thấy người em thay đổi một cách nhanh chóng quá, đôi khi Huân cũng khuyên em nên năng đọc sách cùng ra tỉnh chơi đùa với bạn bè kẻo “mụ người đi mất’’. Nhưng vì cụ Thống đã nói với khắp trong họ rằng Huân là một thằng hư rồi nên những lời khuyên của chàng cũng không có hiệu lực nữa. Thấy thế có lúc Huân chỉ còn biết nắm tay Bốn ngậm ngùi: ‘‘Bốn ơi, một ngày kia Bốn sẽ tiếc đời. Bốn sẽ tiếc rằng sao mình đã nỡ thờ ơ để tuổi trẻ đi qua một cách tẻ nhạt thế, không một kỷ niệm”.
Đã có lần Huân tha thiết bảo:
- Bốn ạ, sách chỉ đủ mở mang trí tuệ ta nhưng muốn khôn thì phải học ngay giữa cuộc sống gay gắt: ta phải đụng chạm với những bạn tử tế cũng như những bạn buôn lậu, bạn bịp, thụt két... Phải có thế ta mới tìm được những bạn thành thật nhất, và những mánh khoé khôn khéo nhất cũng đều học ở chốn trường đời ấy cả, Bốn hiểu không?
Nhưng Bốn chỉ cười, Bốn hơi nghi ngờ tuy rằng chàng cũng thấy có lý đấy ; song Huân biết làrn thế nào cho Bốn thấy được sự tai hại cho trí tuệ nếu cứ sống mãi ở đây để đôi khi chỉ nói những chuyện không đổi thay với các ông lý và để hút thuốc lào vặt! Ông nội Bốn đã khôn khéo ca ngợi và đã rèn luyện Bốn từ năm mười tám rồi còn gì, để đến nay mới giữa tuổi hai mươi mốt mà Bốn đã đường hoàng trở thành một ông chủ ấp an phận ngoan ngoãn.
Nghỉ hè qua, một hôm Huân được tin Bốn sắp lấy vợ “Thế là cái gì.. Chưa có một đời sống độc lập mà lấy vợ thì thật là điên cuồng”... Nghĩ thế nên Huân vội tìm đến Bốn để hỏi xem duyên cớ Nghe tin Bốn vừa về nơi ấp cha mẹ chơi, Huân vội sang ngay Bắc-Ninh. Trời sầm tối chàng mới đến nơi. Sau bữa cơm ăn qua loa, Huân liền rủ Bốn đi ra cổng ấp chơi. Trên con đường chạy dài giữa hai cánh đồng gió thổi, dưới bóng trăng thu lạnh mờ, Huân đem chuyện vợ con ra hỏi em, bày tỏ những lẽ hơn thiệt và khuyên Bốn đừng nên nghĩ đến lấy vợ khi mình hãy còn sống nhờ vào cha mẹ - Nhưng đã chậm, Bốn quay sang đáp:
- Ông bố bảo có lấy vợ thì mới tin, mới giao tiền cho làm ăn mở mang...
Huân biết những lời ấy là của cụ Thống, vì đã biết bao lần Huân nghe thấy cụ Thống nói với bố mình:
- Thằng Huân nó hư thì lôi cổ nó về quê... rồi cưới cho nó một con vợ.
Thấy Bốn đã vô tình nhắc lại những lời của ông nội, Huân mỉm cười vỗ vai em thành thực bảo:
- Bốn có biết không, những kẻ nói ngon ngọt nhất ở đời này phần nhiều là những kẻ định lừa ta...
- Nhưng anh ạ, ông cụ bảo khi nào có vợ thì mới coi là người lớn, mới giao tiền nong cho làm ăn, chớ bây giờ dẫu mình có đứng đắn đến đâu thì cũng vẫn là thằng trẻ con.... mới có hai mươi mốt ấy mà...
Thấy Bốn hăng hái chống chế, biết không lời nào rung chuyển được nữa, Huân chép miệng:
- Ừ, Bốn nói cũng có lý đấy, nhưng cái lý đó không được vững lắm...
Và Huân ngạc nhiên xiết bao khi thấy Bốn đã không trả lời “để em nghĩ” thì chớ, mà còn quay sang thành thực khuyên Huân:
- Hay là anh cũng lấy vợ đi !
Nghe xong Huân ngoảnh nhìn ra cánh đồng ruộng mỉm cười,... tóc phất phơ, mắt lim dim trước gió lạnh, Huân nhớ đến người em đó xưa kia cũng đã có những mộng tưởng phiêu lưu, sống một đời khoáng đạt tự do, bay nhảy. Chợt Huân ngoảnh lại nhìn vào tận mắt Bốn, nhưng thấy nét mặt em vẫn bình thản, Huân vội chớp luôn mấy cái rồi mỉm cười buồn thương giả bộ thành thực đáp:
- Phải, hay tôi cũng tính đến lấy vợ thôi...
Tuy nói thế, nhưng lòng Huân buồn thấy người em họ thân mến cứ càng lớn lên càng xa mình quá ; đâu còn những thời vui đùa ngày nhỏ, những buổi bơi sông, những lúc cùng nhau cưỡi trâu lồng, cưỡi ngựa không yên ngang tàng.. Thế là hết!
 Hơn một tháng sau, Bốn cưới vợ! Huân đi phụ rể. Từ ngày Bốn xem mặt vợ đến ngày cưới không đầy hai tháng!... Thấy thế Huân vẫn thường vui đùa chế em:
- Bốn ơi, lấy vợ gì mà chớp nhoáng thế?
Chỉ giữa năm hai mươi hai tuổi, chín tháng rưỡi sau này cưới, Bốn đã có một đứa con gái: lại là một dịp cho Huân vui đùa chế:
- Bốn ơi, lại đẻ cũng chớp nhoáng nữa.
Những khi gặp nhau, Huân không thấy em nói chuyện mở mang làm ăn với mình nữa, mà chỉ thấy Bốn quấn quít bên con cùng nói nựng: “Có bác Huân sang chơi đấy !... Lớn mau rồi bác mua quà cho con ạ”.
Thế là đôi khi Huân đã bắt đầu phải gọi lại Bốn bằng “chú”. Bốn bấy giờ có vẻ sung sướng an phận lắm, đôi khi Huân nhận thấy Bốn chỉ còn hoạt động những lúc hấp tấp vội vàng bảo:
- Anh ở nhà đợi em một tí nhá, em phải chạy đi mua cho cháu gói thuốc, mấy hôm nay cháu nó ươn mình..
Thật là buồn! Tuy không có gì, nhưng Huân nhận thấy người em cùng tâm tính đã xa mình quá. Chàng chỉ biết than:
- Thôi, thế là xong một đời! Còn cứu vớt gì được nữa !
Tuy nói thế nhưng kể đúng ra thì từ ngày Bốn lấy vợ, Huân đã công nhận rằng mình không còn có quyền nói gì nữa rồi. Thỉnh thoảng đôi khi có nhớ đến ngày nhỏ, Huân chỉ còn biết nhắc lại:
- Chú Bốn ơi, chú còn nhớ ngày bé chúng ta hay đi bắn súng cao su không, vui quá nhỉ? Tôi còn nhớ có một lần tôi với chú ra rừng đánh được một con rắn to tướng, làm lúc về bị mẹ chú mắng mãi là nghịch dại...
Nhưng nói xong, Huân thường chán nản nhận thấy các kỷ niệm nghịch ngợm ấy cũng không làm Bốn mảy may nghĩ ngợi, mà chỉ thấy người em họ quay ra nói nựng cùng con nhỏ:
- Sau lớn lên ba sẽ mua cho con một cái pi-a-nô (Piano) để con đánh nhá... Từng tửng tưng... Từng tửng tưng
Nay Bốn chỉ còn nghĩ đến tương lai một cách bình thản, chắc chắn. Còn cụ Thống thì vẫn luôn luôn đi lên ấp của Bốn và luôn luôn về khoe: ‘‘Cháu Bốn bây giờ làm ăn gớm lắm, thức khuya dậy sớm” hoặc nói: “Nó lại mới mua thêm được gần ba chục mẫu nữa, cháu ạ”... Và cụ có ý định dọn lên ở với cháu Bốn, ‘‘cái nhà ở Hà-Nội thì cho thuê đi”. Con cháu trong họ có ai dám can, dám nói gì đâu mà cụ cứ phải viện lý:
- Ở trên đó hơn,... Khí hậu trên đó tốt lắm, ở đó khỏe người... Ăn được, ngủ được.
Mối tình giữa hai ông cháu ấy tưởng không gì xê dịch nổi. Song cụ Thống nói thế thì nói chứ cụ chưa kịp dọn lên. Rồi ít lâu sau, khi đứa con anh Bốn chưa đầy một năm, một hôm mới sau vụ gặt vài tháng mà thấy lúa trong kho đã gần cạn hết nên bố anh Bốn gắt:
- Mày tiêu gì mà tiêu hết nhiều thế?
Tuy tính nết đã rất thuần ngoan sau năm năm làm chủ ấp, trước câu ấy Bốn cũng phải công phẫn trả lời:
- Thưa thầy, một năm con mới về Hà-Nội có vài ba bận thì con tiêu gì! còn thóc có hết thì không phải tại con, ruộng xấu, mua ít tiền mà thầy cứ muốn thu được nhiều thóc thì con lấy đâu ra !...
Từ hôm ấy, cả trong họ anh Bốn lại được nghe cụ Thống nói rằng:
- “Hóa ra thằng Bốn chỉ là một thằng nói khoác, nó không biết một cái gì sốt cả’’ hoặc: “Thằng ăn mày ấy thì làm được cái gì, hóa ra nó có cấy hái gì đâu, từ trước đến nay là do người cai, người ta trông coi cho cả đấy chứ,… nó chỉ biết ngồi ăn hại!”
Khi người anh ruột kể lại cho Huân nghe những lời cụ Thống xong, hai anh em vỗ vai nhau cười vang. Sau cơn cười tức ruột, Huân lắc đầu nói:
- Ta đã sống trong một dòng họ tài tử mà ta không biết... Thật là một trò phường chèo lớn!
Nhưng ghét bỏ không thôi, cụ Thống vẫn chưa hả lòng. Cũng cương quyết như ngày xưa, cụ lại bắt bố anh Bốn lôi anh về không cho anh làm chủ ấp nữa - Và lập tức Bốn phải sắp sửa dọn đồ đạc để về ở cùng ba mẹ. Thế là Bốn trị-vì được từ giữa năm mươi tám tuổi đến đầu năm hai mươi ba thì thôi, vậy là suýt soát năm năm... năm năm của tuổi hoa niên! Bỏ dở công việc, Bốn không hề tiếc, vì đã nhiều lúc chàng cũng thầm nhận thấy cuộc sống ở đó thật không có gì hứa hẹn ; song đến mà đến ngày phải rời bỏ nơi mình đã sống gần năm năm trời, Bốn không khỏi hoang mang xúc động; trong một phút chàng lại thấy lòng run run như ngày nào xa xôi:
- Lại cả một tương lai phải làm lại !...
Bốn cau mày than khẽ.
Xếp dọn các thức vào hòm siểng, va-li xong, để mặc vợ con đi ngủ, Bốn khẽ vặn nhỏ ngọn đèn dầu xuống rồi khoác áo tơi ra ngòai. Mưa nhỏ và lạnh châm vào mặt, gió thổi giả buốt, Bốn rùng mình bước trên đường ruộng tối. Bốn đi, không định đi đâu!... nhưng trong một phút tê tái tức giận chàng thấy tim đập mạnh, máu hăng hái xưa làm bừng đôi gò má xương ; gió lạnh hơi dịu được lòng chàng thắc mắc nung nấu, nhưng bóng tối của đồng ruộng thốt nhiên xui Bốn tưởng đến những cuộc đời phiêu bạt thường đọc trong tiểu thuyết... “Ừ, ra đi, mặc dầu là đi đâu,... miễn là xa nhà một vài năm”... Bốn nghĩ miên man...
- Còn vợ còn con...
Chợt nhớ đến vợ con, Bốn chớp mắt bối rối nhưng chàng lại có ý nghĩ: “Thôi cứ tạm để vợ con ở nhà cùng cha mẹ ít lâu cũng được’’... Và miên man nghĩ đến cuộc đời đã qua, Bốn cau mày nhìn vào đêm dầy trước mặt, rồi bất giác bật nói khẽ:
- Phải.
Bốn vừa nhớ tới và đáp lại lời trước kia Huân đã khuyên: “Khi ta chưa có một đời sống độc lập thì đừng nên lấy vợ vội”. Bốn vẫn bước! Gà vang gáy nửa đêm trong xóm xa xa càng như giục giã ra đi.. Bốn lo sợ nhìn quanh. Lòng Bốn đương bị lôi kéo bởi hai sức mạnh tương đương ; cuộc đời phiêu bạt đang đầy hứa hẹn, nhưng tình vợ con cùng ngầm mang một sức mạnh tiềm tàng. Mắt mở to chớp chớp, hốt hoảng Bốn đưa tay lên vuốt trán đẫm ướt như muốn xua đuổi một ý nghĩ đen tối. Và bối rối, chàng mau rảo bước về nhà rồi vội vào buồng đóng cửa lại như sợ một bóng gì theo đuổi. Không khí ấm áp của gian phòng làm lòng Bốn hơi yên lại... Những ngón tay lùa vào trong tóc, hai khuỷu tay chống trên đùi, gần ba giờ sáng Bốn còn ngồi trên mép giường thấp đăm đăm không chớp nhìn ngọn đèn dầu để tận góc buồng.
- Phải đi, ta phải đi mới được.
Bốn nhắc khẽ như trong giấc mộng ; chàng vừa nghĩ những dự định làm ăn to tát thuở mười chín. Dần dần trí Bốn đi sâu hơn nữa về quá khứ xa xôi, chàng nhớ lại những điều mong ước ngông cuồng thuở mười sáu, mười bảy mê say xa lạ, thường hay cùng Huân bàn định sau này sẽ cùng nhau ra đi để sống những ngày khác người, rồi lúc hăng hái tính sẽ đi buôn lậu để hưởng những nỗi hồi hộp xê xích cả tâm hồn mà cuộc đời nguy hiểm thường mang lại!... Mơ màng Bốn tưởng như mình đang ngồi trong phòng một quán trọ xa xôi.
- Anh đi nghỉ chứ!... Còn ngồi làm gì khuya thế?
Tiếng vợ làm Bốn giật mình ngơ ngác trở lại cùng sự thực chua chát, nhưng Bốn lại cau mày ngồi yên. Thấy chồng không đáp, vợ bèn bỏ chăn ngồi dậy khẽ vén cửa màn lo ngại nhìn chồng:
- Sao áo anh ướt cả thế này, cởi ra kẻo lạnh, anh...
Nói đoạn vợ Bốn lo ngại vội cởi khuy áo tơi cho chồng, xong rồi nhẹ nhàng đi rót một hớp rượu mạnh đem lại giục:
- Uống đi anh,... kẻo không lỡ phải cảm thì khốn.
Trong lòng thổn thức, Bốn cầm lấy cốc rượu, và không lúc nào chàng cảm thấy khó thoát gia-đình nặng nề hơn lúc này! Không, chàng không nỡ để người vợ vô tội ở lại mà yên lòng ra đi cho được!... Lúc ấy Bốn mới nhớ tới một câu không biết đã đọc ở đâu từ lâu lắm nói rằng “Vợ là một cái dây xúc xích rất bền”... Chợt Bốn lén đưa mắt nhìn trộm vợ, và cùng trong một lúc thoáng nghĩ đến những dự định ra đi vừa tiêu tan, trong lòng cảm động và tủi cực, Bốn bỗng bưng mặt khóc rưng rức; vợ Bốn hiểu lầm vội đặt tay lên vai chồng âu yếm khuyên:
- Thôi anh ạ, nghĩ ngợi làm gì! Về ở với thày mẹ cùng các em càng nhàn, càng vui, can chi mà buồn...
Một lát sau, khi sự buồn tủi đã theo nước mắt mà trút ra, Bốn đưa tay với cái điếu, vê một viên thuốc lào to bằng quả soan đặt vào, rồi đánh diêm hút thông luôn hai hơi thật dài đoạn say đờ, mặc kệ cả quần ướt, Bốn vén cửa màn chui vào nằm lả ra ngủ thiếp đi. Trước thái độ ấy vợ Bốn chỉ biết nhẹ nhàng lấy chăn đắp lên mình chồng rồi lặng ngồi nhìn, nước mắt rưng rưng.
Sáng hôm sau, vừa bảnh mắt ra, cụ Thống đã giục vợ chồng Bốn ra đi, cụ giục từ lúc tinh mơ. Dân ấp thấy anh Bốn sắp ra đi nên lúc chàng đang ăn điểm tâm, họ dắt nhau lũ lượt lên chào “cậu chủ” vì dẫu sao anh cũng là cậu chủ của họ. Lúc thấy họ vào, cụ Thống mắng át đi:
- Chào gì mà chào... Cái thằng ấy thì việc gì chúng mày phải chào nó.
Dân ấp hãy còn đang thin thít ngập ngừng thì cụ Thống đã thét:
-Đi xuống!
Thế là tất cả lại sợ hãi lủi thủi lùi ra. Trước thái độ ấy, Bốn ngồi lặng không nhai và cũng không nuốt được miếng xôi trong miệng nữa! Mắt bừng bừng, Bốn định hét:
- Ông làm thế cháu không xấu đâu mà dân ấp họ chỉ cười ông thôi!
Nhưng sau hơn bốn năm trời quen chịu đựng, tính Bốn đã thuần nhiều rồi, nên nghĩ thế nào chàng lại ngồi yên.
Đến lúc ra đi, Bốn đã ngồi lên xe hơi, nhưng sực nhớ ra là còn quên chiếc áo tơi mưa. Bốn trở xuống chạy vào buồng lấy làm cụ Thống lại đỏ mặt lên hét lớn.
- Cái gì cũng quên! Từ sớm đến giờ mà còn chùng chình mãi! Tám giờ rồi mà còn đi chưa xong cho; có khổ không... Chó!
Ít lâu sau, khi kể lại cho Huân nghe, Bốn còn hậm hực tức tối nói:
- Anh bảo đi có ba mươi lăm cây số mà lại đi xe hơi nhà thì đến trước được mươi mười lăm phút hay sau mươi mười Iăm phút thì đã chết ai đâu! thật là vô lý, vô lý quá!
Muốn cho em khỏi tức, Huân vội cười lớn đưa tay khoác lấy vai Bốn rồi nói:
- Tuổi già lẩm cẩm ấy mà.. nghĩ làm gì! Chú xem ông nói tôi nhiều mà tôi có tức bao giờ đâu, thôi đi chơi.
Huân vừa nói vừa kéo Bốn ra đi - Ra tới ngoài, Huân giơ tay ngước nhìn lên rồi bảo:
- Trời hơi lấm tấm mưa... Đi chơi tối một lúc cho ấm người, nhân thể đi uống ly cà-phê chơi.
Mỉm cười, Bốn vui tươi đáp:
- Nhưng chắc không phải là tiền hớt tóc chứ...
Thấy Bốn nhắc lại kỷ niệm của tuổi vui đùa cũ, Huân mở to mắt lạ lùng nhìn em. Ngày Bốn và Huân còn đi học ở Hà-Nội, cái ngày giữa tuổi mười bảy mà có bao nhiêu tiền tiêu cũng hết ấy, một buổi tối mùa thu cũng mưa nhỏ như bữa nay, Huân xin được mẹ tiền để cắt tóc, nhưng khi ra tới ngoài đường, thấy gió lạnh mơn trớn kích thích, chàng liền đến rủ Bốn đi chơi uống cà-phê. Vui cười Bốn hỏi:
- Em hết tiền rồi... anh có không?
- Cũng hết,.. Nhưng vừa xin bà bô được tiền hớt tóc. Uống cũng được, cũng cứ được mà.
Thế là tay đút túi quần, hai anh em hể hả đi dưới trời lạnh mưa bay vui chuyện từ phố hàng Gà đến phố hang Buồm để uống cốc cà-phê nóng xuống, và để rồi lại hể hả vui cười lội bộ trở về. Bữa nay thấy Bốn nhắc lại kỷ niệm thân mến cũ, Huân không khỏi vui sướng nhìn người em thân yêu đã xa mình nay vừa trở lại.
Chú thích:
(1) Không phải là Huân.
Định Mệnh
Trên con đường quê từ tỉnh Nam về ấp Tuân Ba, Phong gò người ra đạp vì ngược gió. Tới một quán bán nước bên đường, Phong xuống xe vào ngồi nghỉ, rồi đưa tay cầm mấy quả quít bóc ăn cho đỡ khô cổ. Bà bán hàng thấy chàng thiếu-niên lịch sự đã nhiều lần vào quán của mình nên: tươi cười múc bát nước trà tươi nóng vừa đưa cho Phong vừa nói:
- Sao lần trước cậu đi qua lại không vào uống cho nhà cháu bát nước?... Quít ngọt lắm đấy cậu ạ... Rồi bà chọn một quả đưa cho Phong vồn vã tiếp:
- Quả này tốt... Cậu xơi nước đi kẻo nguội... Dạo này cậu về chơi dưới này luôn...
Trước nụ cười của bà hàng, tự nhiên Phong thấy ngượng nên mặc dầu là học trò chàng cũng nói chống chế:
- Dạo này sắp mùa màng, công việc bận luôn.
Như sợ bà hàng biết được mình nóí dối, nói xong Phong cúi xuống cầm một chiếc đóm mân mê, nhưng chàng lại chép miệng vứt đi ngay,-rồi ngoảnh nhìn ra cánh đồng đăm đăm. Phong không có tâm trí ngồi nói chuvện phiếm lúc này, chàng còn đương nghĩ ngợi, chàng nghĩ đến Mộc-Lan, người em gái họ mà một lát nữa chàng sẽ gặp. Nhiều người dân quê đặt gồng gánh vào hàng, lớn tiếng nói chuyện nhưng Phong cũng chẳng để ý gì tới, chàng còn mải băn khoăn nghĩ đến những lời chàng sẽ nói, những cảnh mà chàng tưởng tượng ra sung-sướng mà có lẽ chàng sắp được sống nay mai. Những hình ảnh liên miên hiện qua ốc Phong không mạch lạc gì!... Phong nghĩ nhiều đến tương lai, nhưng chàng cũng tưởng lại cả những ngày qua...
Ngày ấy cách đây độ sáu tháng, một hôm được nghĩ lễ, Phong liền về chơi nhà người cô ruột ở vùng Nam-Định mà đã lâu chàng không về thăm. Tính chàng cứ được nghỉ là đi chơi chỗ này, chỗ kia chứ chàng có mong ước gì đâu! Nhưng khi tới nơi Phong ngạc nhiên thấy người con cô, em Mộc-Lan, đã lớn Phong có ngờ đâu chàng có một người em đẹp thế, cái đẹp tự nhiên tươi sáng của những bông hoa rừng hé nở buổi sớm. Phong liên tưởng đến những cô thổ vùng Hòa-Bình, và chàng ngây người đứng ngắm em bỡ ngỡ - Lan đẹp lắm, đương nẩy nở dưới cái tuổi dậy thì... “Mà làn da dịu-mát mịn-màng này chắc phải rửa bằng nước dừa, hay ít ra cũng bằng nước suối rừng...” Phong nghĩ thế vì chàng trai đó rất giàu tưởng tượng. Phong qua mấy ngày nghĩ mà khi về chàng vội biên vào nhật-ký là hoàn toàn tươi đẹp, và Phong không quên ghi những đoạn sung sướng mà chàng đã sống với Lan. Khi ra về, Phong buồn rầu như chưa bao giờ từng thấy: có bao giờ Phong được một cô gái tươi đẹp chăm nom săn sóc tới mình đâu! Lúc đầu Phong còn thấy ngượng nghịu thẹn trước cô em xa lạ, cũng như chàng vẫn thấy khó chịu, lai nóng bừng mỗi khi phải đứng trước một người con gái. Phong chỉ quen mơ màng ngồi một mình bên hồ nước chứ trước mặt một thiếu-nữ thì chàng nhút nhát như cậu thư sinh mười bảy, nên đến nay đã hai mươi mốt tuổi rồi mà chàng vẫn không có lấy được một người yêu! Không phải là Phong không biết yêu, chàng chả vẫn say mê nhìn người đẹp qua đường là gì, và đã nhiều lần chàng theo đến tận nhà để rồi tối tối, sau khi học xong, dù là mưa gió, chàng cũng khoác áo ra đi đến cửa nhà nàng đứng nhìn cho tới khi nào đèn trên buồng đã tắt! Phong sung sướng với những “tình không” ấy; và trong những buổi đi chơi rừng núi, bao giờ chàng cũng nhớ đem theo bút để vẽ những cảnh đẹp thiên nhiên, rồi khi hứng trí, những lúc ghi được một mầu tươi đẹp, Phong say sưa hát nghêu ngao một mình giữa cây cối vắng vẻ, chàng lăn ra cỏ mượt hoặc ngắt lá thơm ngửi ngây ngất, và choáng váng, chàng múc nước suối giữa hốc đá rửa mặt là thường - Những phút đó Phong quên cả ăn, tối về nhọc mệt bẩn thỉu, nhưng thế nào cũng cố đem lấy bức tranh và bó hoa dại đã ngắt được. Những bó hoa Phong thường cắm trên bàn học, bên hình ảnh các đào chiếu bóng.
Những bó hoa đó bây giờ thường đặt trước ảnh Mộc-Lan: Phong đã yêu! Luôn luôn cứ chiều thứ bảy là Phong lại về Nam thăm em. Phong cũng biết như thế là trái với luân lý và không đưa tới đâu có lúc chàng định không về Nam thăm Lan nữa, nhưng cưỡng sao lại được tình yêu: chỉ phút sau Phong đã lại tự bào chữa bằng ý nghĩ “ta yêu thành thật thì cò chi là tội!” Tình yêu vẫn lặng lẽ đi sâu vào lòng Phong như rễ cây ăn xuyên qua đá núi, thế là Phong lại cứ về để mê man ngắm em. Chàng cứ cắm đầu xong vào vườn tình cấm đoán như kẻ điên xông vào nơi rừng cả tối tăm, mặc những nguy hiểm ; Phong biết là nguy hiểm đấy, nhưng càng thấy khó khăn cấm đoán chàng càng thấy say sưa. Phong ưa những cốc rượu mạnh cho tâm hồn. Vả lại Mộc-Lan còn là người con gái đầu tiên chàng yêu mà chàng được gần, đó là một nỗi đau khổ canh cánh bên lòng mà chàng không thể quên được! Phong lại không quên được cả những ngày hè Mộc-Lan lên chơi trên đồn điền nhà chàng, những buổi cùng nhau ngồi xe ngựa đi thăm đồi chè cùng những đêm chàng để hết tâm hồn vào tiếng đàn để kéo cho em nghe, cũng như những buổi chàng nắm tay Mộc-Lan đi chơi ngoài đồi cây trăng tỏ mà chàng đem những ý nghĩ cao xa mong manh trong thơ ra cố giảng cho em hiểu, để được thấy mắt nàng long lanh dưới ánh trăng, để được nghe Lan thỏ thẻ bên tai:
- Hay nhỉ, anh nhỉ...
Đã có lần Phong giữ em lại, say đắm nhìn vào tận mắt gọi:
- Lan!
- Gì anh?
Phong định ngỏ tình, nhưng vì yếu quá chàng lại không dám, chàng vờ chỉ mấy ngôi sao:
- Em có thấy mấy ngôi sao kia không,… chiếu chói mắt anh.
Rồi ngoảnh nhìn vào mắt Lan:
- Nhưng mắt em sáng hơn, chiếu lòa cả hồn anh.
Lan yên lặng mỉm cười nhìn anh sung sướng. Quả thật Phong cảm thấy những tia mắt đó rọi ấm dịu vào tận đáy lòng chàng như những tia nắng lọt qua rừng rậm. Giá lúc ấy Phong ôm lấy em mà hôn ngấu nghiến cũng không lạ, nhưng chàng sợ, chàng sợ sẽ làm Lan phật lòng: Phong lo là sau đó chàng sẽ không được gần Lan nữa nếu nàng chì yêu chàng như một người anh, vì đã có lần say sưa Phong hỏi
- Em có yêu anh không?
- Bao giờ em chả yêu anh,... mẹ em cũng yêu anh lắm, khen anh ngoan luôn.
Mừng hụt và lo sợ, Phong thở dài:
- Anh mà ngoan à?... thì Lan ngày thơ tươi cười đáp:
- Lại chả ngoan, anh của em cơ mà...
Những lần như thế Phong cũng sung sướng mãi và bứt rứt tiếc rằng sao mình không nói ‘‘anh yêu em” mà lại đi hỏi “em có yêu anh không” làm gì! Từ đó chàng không dám nói tình yêu với Lan nữa.
Ở chơi nhà Phong gần một tuần lễ, lúc Lan cùng bố mẹ ra về, Phong buồn nản bàng hoàng nhìn nàng bước lên xe như một điều không thể có đuợc: trong cái nhìn ấy Phong đã để hết tâm hồn, Lan nhìn lại anh mỉm cười yên lặng ; Lan đi và không ngờ đã mang theo cả lòng Phong ; ở lại Phong thấy trống trải... chốn đồi núi yêu quý mà chàng đã qua tuổi nhỏ ở đó nay cũng không làm chàng say mến nữa, Phong chỉ còn thích vài nơi còn giữ kỹ niệm của em ; cả ngày Phong phi ngựa đi chơi để khuây khỏa, chàng thích đến lại những nơi đã cùng em dạo bước hôm xưa, đâu đâu chàng cũng thấy vang gợi kỷ niệm rất gần ; Phong suốt ngày gọi “Mộc-Lan! Mộc-Lan!” và tiếng chàng tan vào trong gió. Lòng Phong đã hết bình tĩnh, có lúc chàng ngồi suốt buổi nói chuyện một mình với Lan dưới gốc thông ; thâu đêm Phong trằn trọc tự hỏi: “Bây giờ Lan đương làm gì nhỉ, biết đâu chả mơ thấy ta”. Nhớ lại những lúc nàng săn sóc tới mình, Phong cho Lan cũng yêu chàng, nhưng tới những tình tiết tỏ ra Lan chỉ yêu chàng như một người anh thì Phong chán nản ; người chàng rạc đi vì thao thức!... Và một hôm nhớ thương buồn khổ tràn ngập trong lòng, Phong trở về ấp bố mẹ Mộc-Lan ; chàng qua một tháng hè ở đó, một tháng sung sướng đầy đủ. Phong còn nhớ những lúc rung động tay cầm tay cùng em đi ngắm trăng trên đường quê... và một buổi tối - nhất là buổi đó - vì Lan hơi mệt nên chàng ngồi bên cạnh giường đọc truyện cho em nghe. Một lúc lâu Phong ngoảnh sang thì thấy Lan thiu thiu ngủ... Ngồi nhìn em yên giấc mơ màng, tóc huyền tỏa trên mặt gối trắng, Phong thấy lòng rạo rực!... Hồi hộp Phong khẽ gọi: “Lan!... Lan!...” không thấy em trả lời, Phong cúi xuống hôn khẽ lên trán, lên tóc, không bao giờ Phong quên được mùi tóc ấy, hắc hắc thơm nồng da thịt làm chàng cháng váng ngây ngất!... Rồi Phong nói khẽ bên tai em những lời yêu đương mà lúc ban ngày chàng không dám nói. Lan mới chợp ngũ, nên mặc dầu là Phoug nói êm lắm, nàng cũng tỉnh dậy và nghe thấy cả, nhưng cứ phải nhắm mắt giả tảng như không, Phong lại không quên cả những cái không đâu: chàng còn nhớ rõ một buổi chiều gió mát hây hây, cùng em đi chơi ngoài đường ruộng, thấy một bông dại bên bờ cỏ, Phong chạy xuống hái - lúc trở lại định đưa cho Lan, thấy em đương nhìn về phía xa, Phong đứng lại yên lặng ngắm: Lan mặc chiếc áo trắng mỏng, hình nàng in lên nền những ô ruộng nước sáng cùng những thảm mạ xanh rờn chạy thẳng tắp đến tận chân trời xa; trong gió mát ban chiều, tóc nàng phơ phất!... Hình ảnh tươi mát quá, Phong không biết vì không khí dịu êm buổi chiều, vì gió thoảng hay vì nước mát ngâm chân mạ?... Khi Lan ngoảnh lại, thấy anh đương ngắm mình, hai anh em nhìn nhau mỉm cười.
- Em nhìn gì thế?
Phong hỏi thì Lan tươi tỉnh mở to mắt vui tính giả bộ ngạc nhiên:
- Em nhìn gì đâu... em trong đấy chứ...
Thấy em tươi thắm, Phong càng ngây dại!...
Phong thấy chàng yêu vô sở-vọng như yêu một nàng tiên không nắm được! biết thế chàng càng buồn, vì Phong yêu rất dữ tợn: đã có lần chàng có ý tưởng giết Lan đi! Lắm lúc Phong tự thấy mình như người rơi xuống vực thẳm không có lối ra, những lúc ấy chàng thường ngồi lầm lì một mình, nước mắt rớm ướt. Nhưng rồi chàng lại tiến vào nơi chông gai như điên dại, như có một sức mạnh không tên xô đẩy!... Tình yêu làm Phong mang máng tin là có thể có những phép lạ cứu chàng ở đời này; với lại Phong vẫn thường tự nhủ: “Mà có chết cũng chẳng sao!”
Nhưng bữa nay trong quán nước Phong băn khoăn vì chàng nhất định lần này về chàng sẽ nói, chàng sẽ nói tất cả để Lan hiểu chàng, để chàng đỡ khổ, chàng sẽ thổ lộ hết dù là sau đó Lan đuổi chàng đi!
Sau vụ hè, Lan cũng đã về ấp ở cùng bố mẹ, nên tới ấp là Phong chỉ đợi cơ hội ngỏ lời.
Suốt buổi sáng hôm sau Phong băn khoăn thơ thẩn ngoài vườn để mong em ra...
Vô tình Lan ra! Thấy Phong đương ngồi một mình, nàng tươi cười hỏi:
- Anh ngồi làm gì đấy?
- À, anh đương nghĩ đến những giấc mơ... dạo này anh mơ thấy em luôn...
“Thế à? em thì em chả mơ thấy anh bao giờ”.. Lan thản nhiên đáp làm Phong cụt hứng không dám nói nữa. Nhưng thật ra thì cũng có đôi lần nàng mơ thấy Phong; biết anh yêu mình, Lan phải nói thế để ngăn anh đừng đi quá nữa, vì nàng cũng sợ biết đâu rồi ra nàng không sa ngã! Bao giờ Lan cũng chỉ muốn yêu Phong như một người anh, nhưng từ cái buổi tối đọc truyện, Lan tự thấy sợ cả mình: bản tính hay thương người, lòng mềm như tơ, nàng thương hại người anh nhu mì đắm đuối mà nàng biết đã vì nàng mà khổ sở. Nhưng biết, nàng cũng chỉ biết vậy lấy một mình thôi!..
Phong lại ra về lại tự nhũ: “Lần sau ta phải nhất định nói, nhất định!” - cứ như thế mãi mà chưa bao giờ chàng dám nói thẳng ; rồi một hôm trong lúc ra về Phong đưa cho Lan một cuốn tiểu thuyết và dặn: “Truyện hay lắm đấy, thế nào em cũng đọc nhé’’. Nói rồi chàng hốt hoảng hấp tấp đi ngay vì trong đó Phong có để một lá thư ngỏ tình yêu. Phong có học gì đâu những ngày mong đợi ấy, chàng chỉ ngày hai buổi đạp xe đạp lên bờ hồ Tây ngồi gọi tên em để lúc về vội vàng hỏi thằng nhỏ:
- Có thư nào của tao không?
Bao hôm thằng nhỏ vô tội của chàng đều trả lời: “Thưa cậu không”; những lúc đó chàng thường cáu gắt rầm lên, và có lần chàng túm lấy nó giận giữ hét lớn:
- Sao lại không có?
Bứt rứt không đợi mãi được nữa, một hôm Phong lo sợ trở về quê Lan. Khi đi vào phòng Lan, thấy em đương bình thản ngồi, chưa biết thế nào, Phong đành ngồi xuống nói chuyện bâng quơ. Có một lúc Lan vui tươi ngẩng lên hỏi Phong:
- Hôm nọ em thấy cậu mợ em nói là hai bác định hỏi vợ cho anh phải không?” Phong vội si ngây phản-đối:
- Không khi nào anh lấy vợ!... Không khi nào!.. Em đã đọc cuốn truyện anh đưa cho em chưa?...
- Chưa,... nhưng lấy là phải chứ anh, em nghe nói cô ấy lại có tiếng là đẹp nhất trường cơ đấy mà...
- Nhưng anh đã yêu một người khác, anh đã tìm thấy một người hơn cô ấy thì em nghĩ sao, em có muốn biết người ấy không?...
Thấy mắt anh nhìn mình si đặc, biết là anh cốt ám chỉ mình, Lan cúi đầu không đáp. Được đà, Phong say sưa gọi:
- “Em Lan, anh yêu em”... Phong vừa nói vừa điên dại ôm lấy Lan nghiến ngấu hôn lên môi! Lan tính nết yên lành, không ưa bao giờ to tiếng cùng ai, nên tuy không yêu Phong nàng cũng chỉ khóc và khẽ đẩy:
- Anh đi ra đi, anh đi ra đi...
Lan tránh mặt Phong suốt ngày hôm đó làm Phong thất vọng trở về! Thấy Phong khốn khổ ra về, Lan đứng trong buồng ái ngại trông theo, lòng cũng thấy buồn thương người anh lầm lỡ. Nàng chỉ chép miệng:
- Biết làm sao...
Lên trên xe lửa, Phong ngồi thừ như người mất hồn. Về tới nhà chàng vật vã mãi đêm hôm ấy, chàng muốn trong một phút trời đất tiêu diệt hết đi! Còn gì nữa mà hy vọng! Từ nay đã hết!
Từ ngày chia rẽ đã mấy tháng qua, Phong vẫn muốn quên, vẫn muốn tìm tình yêu khác, nhưng đâu có dễ thế! Đã bao lần Phong gắt gỏng than thở với Đông (người anh họ con chú con bác với Phong) rằng: “Ở cái xã-hội thay đổi của ta nay khó khăn quá, muốn tìm một người bạn gái để gần gũi cũng khó chứ đừng nói đến người yêu!” Mỗi lần nói Phong lại hậm hực tức tối. Dần dần tình yêu cũng tạm nguôi bên lòng,... nhưng Phong vẫn không quên! “Ừ, chẳng thà Lan đuổi anh, mắng anh, tát anh!. nhưng không, Lan chỉ khẽ khóc “anh đi ra đi! anh đi ra đi!”.
Ngày tháng trôi qua, mà Phong vẫn không dám trở lại nhà Lan. Cho tới một hôm cuối năm, Lan đi cùng cha mẹ lên Hà-nội sắm Tết. Gặp anh, Lan vui mừng sung sướng; nàng vẫn yêu Phong như một người anh mặc dầu anh có lầm lỗi. Thấy Lan vui tươi như chưa có chuyện gì xảy ra, Phong quên hết lo buồn ngay ; và bao câu chàng định sẽ nói, bao điều chàng lo lắng tính suốt bấy lâu nay đều tan biến trước nụ cười tươi tắn của Lan. Phong lại ngoan ngoãn nói chuyện để mong một ngày khác trở lại nhà em...
Và Phong đã trở lại! Sau Tết chàng lại luôn luôn về Nam - Nhưng ở gần, tình yêu lại bùng cháy!... một chiều trong vườn yên lặng Phong lại tha thiết xin Lan cho chàng được phép yêu...
- Anh không mong gì hơn nữa, em hãy cho anh được phép yêu em như từ trước tới nay... Em cũng biết anh khổ sở bao tháng nay, nếu em đuổi anh thì anh sẽ chết mất... Lan, em nghĩ sao em?..
Thấy mắt Phong hoắm sâu vì ái tình nung nấu, Lan đau đớn chớp mau nhìn đi ái ngại nói:
- Em còn biết nghĩ sao...
Trong bóng mát yên tịnh của buổi chiều thôn dã, Phong khẽ kéo Lan vào lòng:
- Anh muốn chết vì em.. Anh sẽ yêu em đến tận chiều, chiều của đời anh...
Lúc đó thật Phong muốn chết vì em,vì tình yêu. Đã mang một tâm hồn nghệ sĩ, Phong không thể không yêu đến mê man đắm đuối! Nhưng Lan, nàng còn biết nghĩ sao cho được ! Dưới khuôn mặt dịu dàng ấy đã ẩn một tâm hồn sẵn sàng an phận, một tâm hồn Việt-Nam,... dù trời có bắt rồi ra phải qua những cơn giông tố của đời, chắc Lan cũng chỉ yên lặng cúi đầu trước số mệnh ! Tính quen nhẹ nhàng, chưa từng biết công phẫn, nên tuy không yêu Phong, Lan cũng lặng yên để mặc cho anh yêu mình sốt sắng.
Sau đó ít lâu thì Phong thôi học về ấp ở với bố mẹ ; từ nơi ấy luôn luôn chàng trở về Nam. Nhà giàu, mẹ chàng chỉ có hai con trai mà chàng là út nên cũng mặc cho chàng muốn làm gì thì làm. Suốt ngày Phong ngồi trong phòng ghi lên quyển nhật ký những nỗi lòng rung động, cùng viết thư cho Lan ; lần nào chàng cũng trách nàng không viết thư cho mình hoặc viết ít quá. Viết đến nhức óc, Phong lại ra bờ sông ngồi trên mỏm cát mà trước đã có lần chàng chỉ ánh trăng trên làn nước bảo Lan: “Kìa em trông ánh trăng vàng chảy theo dòng nước.” Phong đặt tên chỗ đó là “Mỏm cát tình yêu”. Xa thì thế, đến lúc gần gũi thì Phong than thở giận dỗi, cùng đòi hỏi đến điều. Phong yêu rất mãnh liệt, yêu tan nát. Đại-dương còn có bến chứ tình anh không bờ! Có bận đã ôm Lan trong tay, Phong còn mê mải hỏi:
- Em có yêu anh không?
Lan lo lắng không hiểu được tại sao đương ôm mình trong tay mà Phong còn cứ hỏi thế, nhưng nàng cũng mang máng nhận thấy là Phong yêu mình nhiều quá,... nàng đâm ra sợ ! Thật tình-yêu đã ăn mạnh sâu vào lòng Phong quá lắm rồi. - Đối với Phong tình-yêu là tất cả, ngoài ra chàng không cần gì ở đời này, sẵn sàng quên hết! Phong sống với một đời khác những người chung quanh xa lắm, luôn luôn chàng mơ màng mỉm cười một mình với những cảnh mà không ai thấy được. Tuy biết là không có lối ra trong vườn tình cấm đoán, nhưng lòng trai vẫn coi khinh mọi sự nguy hiểm và luôn luôn hy vọng. - Xem chớp bóng về Phong mơ tưởng những cảnh động đất rùng rợn mà cuối cùng cả họ đều chết, chỉ riêng chàng và Lan sống để cùng nhau sung sướng trong hạnh phúc gia-đình suốt đời. Có lần điên dại, Phong bảo với em:
- Hay anh lấy ở nhà một số tiền lớn, rồi chúng ta cùng nhau đi sống nơi khác... Em có bằng lòng không?
Nhưng bao giờ Lan cũng lắc đầu ; nàng chỉ yêu Phong vì thương hại, khi nào nàng lại có thể bỏ mẹ mà đi, khi nào nàng lại làm cái việc xấu xa ấy!... không... không thể..
Nhưng lâu,... lâu dần, một hôm Lan chợt lo âu khi nhận thấy mình đương đứng mong người phu trạm đưa thư anh tới: Lan cũng đã yêu!... Trời! thấy anh yêu mình một cách mãnh liệt lạ lùng quá, Lan đâm ra sợ - nhưng rồi sau... sau nàng cũng thấy mang mang yêu lại ! Những lúc ấy nàng thấy buồn vô cùng! vì biết trước mối tình sẽ dang dở, nàng chỉ khóc một mình thôi. Tuy làm mặt thờ ơ những lúc có Phong quấn quít ở bên, nhưng kỳ thực nàng cũng đã bắt đầu thấy say đắm dưới đôi chiếc hôn mê mải nồng nàn. Tình yêu đã đến bất ngờ trong nàng, làm sao mà dẹp cho được,... Lan chỉ biết xếp những thư của Phong vào một chiếc hộp đẹp để cất tận đáy hòm, rồi thổn thức khóc một mình.
Lan vẫn sợ một ngày kia tình yêu sẽ ăn sâu vào tâm hồn, và muốn khỏi đau khổ vô ích nên nàng luôn luôn khuyên Phong trở lại con đường ngay thẳng cùng quên nhau đi - Đã có lần nàng van:
- Anh đừng nên làm rối cuộc đời em làm gì... Em xin anh... Anh nên quên em đi!
Nhưng lẽ phải thắng sao được ái tình! Bao lời nàng khuyên cũng chẳng dẹp được lửa tình đang bừng cháy trong lòng Phong. Đối với cõi lòng mê say của Phong, những lẽ phải nhiều khi không là lẽ phải nữa: đã có lần đi ngoài phố tỉnh Nam, Lan chỉ bảo Phong đừng nắm tay nàng, e người ngoài người ta dị nghị mà cũng đã làm Phong khổ sở tức giận mãi. “Anh cần gì, người ta, anh yêu, anh có sợ ai nhìn đâu!”
Rồi một bữa đến. Muốn khỏi bước quá vào vòng tình đau khổ, Lan nhận lời hỏi của một chàng trai xa lạ. Biết được tin đó. Phong chết hẳn cõi lòng, chàng thức thâu đêm viết cho Lan những bức thư lâm ly, cùng viết những dòng nhật ký đầy nước mắt; chàng phi ngựa như bay đến những nơi nàng đã đặt bước trước kia, hoặc lấy xe hơi lái điên cuồng -cái nhanh làm Phong say sưa, chàng thích chết nữa mà, tuy thế chàng vẫn không dám tự tử!... “Giá ô-tô đâm vào núi!” Phong thầm mong vậy. Phong như một thằng điên, có những buổi chàng đóng cửa phòng ngồi lỳ trước bàn học, nước mắt ràn rụa; chàng lặng tiếng suốt ngày, tâm hồn ấy không cần chữa, chẳng cần an ủi: Phong lỳ trước đau khổ. Đôi khi một cái bát rơi vỡ hoặc một cái thùng đứt chìm xuống đáy giếng làm mặt nước sủi tăm thường cũng đem lại cho chàng ý tưởng chết. Và một bữa thấy tương-lai quá trống rỗng buồn nản, Phong hai tay ôm lấy đầu, mắt đẫm ướt đỏ ngầu, đăm đăm nhìn gương kêu:
- Lan ơi!... Mà sao anh còn sống!
... Rồi chàng bưng mặt khóc rưng rức!... Nhưng chàng vẫn sống. Cho đến một hôm không chịu đựng được nữa, đầu tóc bơ phờ, mặt mũi hốc hác, Phong trở về nhà Lan - Lan cố tránh mặt, tuy vậy Phong cũng bắt ép được nàng ra chỗ vắng để cay chua bảo:
- Anh làm phiền em phải không?! Em nói yêu anh đi, anh muốn em nói yêu anh đi một câu rồi sẽ không bao giờ anh về làm phiền em nữa...
Thấy đau lòng quá, nước mắt mọng trên mi, Lan nghẹn ngào:
- ”Vâng, em yêu anh”...
Nói xong nàng òa lên khóc.
Trong vườn rộng, gió đổi mùa vẫn từng đợt thổi qua hiu hắt...
Lá úa len lén rơi rơi...
Nhiều lá tre khô tơi bời bay lững lờ theo hơi gió tản mát khắp bầu trời...
Một con chim chích-chòe từ đâu bay tới xà đỗ xuống vườn vắng, nó kêu lên vài tiếng khan và ngắn, rồi lặng nhảy tìm mồi trên mặt đất có nhiều lá úa khô...
Phong vẫn đứng lặng, nét mặt đăm đăm.
Gió xào xạc trong lá cây...
Tới lúc Lan đưa khăn lau nước mắt thì con chích chòe thấy động sợ hãi vụt bay đi - nó bay thấp qua ngang các gốc cây, rồi tới đỗ xuống một góc vườn xa xa.
Gió vẫn nhẹ thổi...
Làn tóc Lan khẽ rung trước gió, có mấy sợi tóc mai ướt nước mắt dính trên gò má.
Lá khô bay đây đó, xào xạc...
Một lúc lâu sau Lan ngẩng lên bâng khuâng cất tiếng bảo:
- Thôi, anh đi về đi.
- Em đuổi anh?
Mắt hãy còn mờ lệ, Lan nhìn Phong se sẽ gật đầu mấy cái...
Trở về tới nhà, Phong vờ cáo ốm, rồi ở tịt trong phòng mấy ngày viết cho Lan một bức thư rất dài. Viết xong chàng mê si rút con dao vẫn đi rừng ra cắt ngón tay, nhỏ mấy giọt máu trên trang giấy mà chàng định là bức thư tuyệt-mệnh: Phong muốn chết! Ba giờ đêm, với một lưỡi dao bén trong tay, chàng còn ngồi trước hình ảnh Lan ; mắt chàng sáng quắc nhìn lưỡi dao loang loáng quay đi quay lại trong bàn tay run rẩy - Không, Phong quen cầm bút vẽ và cây đàn hơn, song đối với những tâm hồn mê mải ấy! Phong ướm để lưỡi dao lên ngực mỉm cười, tia mắt chàng như có ánh lửa, long lanh nhìn vào đêm tối bên ngoài cửa sổ như nhìn vào một thế giới xa lạ mà chàng sắp bước vào. Phong biết là mình sẽ chết đêm nay liền vẫn chậm chạp để tận hưởng những nỗi lòng thay đổi trong giờ khắc cuối cùng của đời!... Phong hơi lấy làm lạ thấy lòng yên tĩnh trước cái chết hơn khi đọc một bài thơ hay.
Vừa lúc đó chợt như đâu đây có tiếng động khiến Phong giật mình đặt dao ngồi yên lắng nghe. - Không thấy gì! Chưa hẳn yên tâm, mắt long sòng sọc, Phong đi tới bên cửa sổ nhìn ra bóng tối bên ngoài xem có ai nấp nhìn trộm mình chăng? Chỉ có gió rì rào trong lá cây, và đẩy cánh cửa khẽ đập vào mạn tường.
Gió lạnh từ cửa sổ đưa vào làm bớt cơn nóng đang bừng bừng trên má Phong; trong yên lặng của đêm trường bỗng nhiên vài kỷ niệm của tuổi nhỏ chợt trở về trong trí,... rồi những lúc yêu đương qua, nỗi đau xé hiện tại, và ngày mai!.. “Có lẽ họ sẽ xôn xao, rồi họ khóc, rồi họ đưa đám mình’’. Đứng dừng lại trên mấy bước cuối cùng của cuộc sống, chợt trong một giây Phong lại thấy tha thiết yêu đời, cuộc đời mà chàng cần phải xa lánh! Lòng dồn dập đau khổ và hối tiếc, chàng nhếch mép cười nhạt để mặc cho nước mắt ràn rụa chảy. Một lát sau, Phong đi tới bàn, đưa tay nắm chặt lấy cán sừng, rồi chậm chạp nhìn lưỡi dao, nhìn chăm chú như đó là người ân nhân sắp cứu chàng ra ngoài vòng đau khổ..
Chẳng may vừa lúc đó có tiếng dép ở ngoài rồi tiếng mẹ gọi cửa làm Phong vội đút dao vào ngăn kéo - thì ra tiếng động ban nãy là do tự phòng mẹ Phong đưa sang. Đêm đã khuya, chợt tỉnh dậy mà vẫn thấy bên phòng con còn chong đèn măng-sông sáng nên mẹ Phong mặc áo đi sang hỏi: ‘‘Con làm gì mà thức khuya thế?”
Phong ngồi xuống ghế quay mặt đi, đáp:
- Con học tiếng Anh.
Mẹ Phong đến bên vuốt tóc con nói:
- Khuya lắm rồi, không nên thức thế hại sức khỏe con ạ... Độ này mẹ thấy con gầy yếu lắm, ở đây có buồn thì con năng về Hà-nội mà vui chơi...
Phong muốn ôm lấy mẹ khóc ngay lúc ấy! lòng chàng hối hận và đau khổ... Ừ... giá được khóc! Ừ... nhưng Phong cũng cố ngồi yên. Chờ cho mẹ ra xong, Phong tắt đèn lên giường nằm khóc suốt gần đến sáng.
Từ đó cứ cách vài ngày Phong lại đâm về Hà Nội chơi bời để tìm khuây khỏa ; chàng hay đi với Đông, người anh họ cũng bằng trạc tuổi chàng. Trong những lúc quá buồn, lòng quá u uất, Phong đã thổ lộ cùng Đông hết cả mối tình u uẩn... Nhưng chưa bao giờ chàng dám nói cho Đổng biết cái đêm chàng đã định!.. “mà nói làm gì!”... Vô tình không biết, nên những lúc nghe Phong than thở, Đông vẫn thường an ủi:
- Rồi Phong sẽ quên mà, ai chả thế, sau rồi cũng quên, cũng hết khổ...
Nhưng lần nào Phong cũng hầm hầm cãi:
- Không, không, em biết em mà.
Những buổi chơi bời đến một giờ sáng mới về mà còn thấy Phong lang thang chưa muốn về nhà, Đông chỉ biết nhìn theo ái ngại.
Chàng trai không theo một tôn-giáo nào, song đôi lúc thấy lòng trống rỗng buồn nản quá, Phong cũng cứ vào đền chùa van kêu như một kẻ tin mộ. - Mùi hương hoa trong bóng âm thầm huyền bí của các tượng Phật đã nhiều lần làm dịu được lòng chàng nung nấu - Và cũng đã lắm bận đột nhiên mắt đỏ đẫm ướt, nhưng sợ chết, Phong hốt hoảng chạy vào nhà thờ lớn như điên dại... Không khí cao siêu yên lặng của vòm nhà thờ vút thẳm cũng an ủi được chàng nhiều ; luôn luôn Phong đến quỳ trước tượng Đức Bà cầu xin: hồn chàng cần bấu víu vào một cái gì mà đời này đã không đem lại được.
Một hôm cùng Đông vào xem phòng du lịch, trông những phong cảnh xa lạ, Phong chợt có ý tưởng đi Pháp ; Đông mừng thầm rằng cuộc viễn du này và những mối tình khác ở nơi quê người chắc sẽ cứu được em họ chàng thoát khỏi vòng khổ ải, Đông giục Phong về xin phép cha mẹ ngay. Mẹ Phong chiều con nên bằng lòng, nhưng bảo:
- Được, con muốn đi Tây cũng được, nhưng từ nhỏ đến giờ con đi học ở Hà Nội luôn, chả mấy khi mẹ con được gần nhau, con hãy ở đây với mẹ độ năm tháng nữa rồi con đi cũng vừa.
Nghe mẹ nói thế, Phong chỉ cúi đầu yên lặng. Trời ơi, mẹ anh không thấy sự đau khổ in lên nét mặt, hiện ra khóe mắt anh sao! Vị thuốc hay để chữa tâm hồn trọng thương, mẹ anh đã cất đi không ngờ.
Phong lại theo cuộc đời chơi bời... Ngày tháng qua đi, chàng cũng quên dần. Thấy thế
Đông vẫn thường vui mừng nói một mình:
- Vết thương nào mà chẳng lành...
Tuy thế những khi ở trên ấp, ngày ngày Phong vẫn đi hái một bó hoa dại về cắm trước ảnh Lan, và sáng sáng Phong còn hay ra con sông nhỏ chảy qua cổng nhà bơi lội, chàng ưa nhào lộn. Song thỉnh thoảng có lúc đương vui tự nhiên Phong đâm ủ rũ về phòng đóng cửa suốt buổi: tâm hồn ấy chưa lành hẳn...
Có một bữa nhân được điện-tín báo tin Đắc (người em họ con chú chàng) chết ở Hải-phòng, Phong cầm tờ giấy xanh, mắt đột nhiên long lanh, rồi nhếch mép cười nói:
- Thằng ấy thế mà sướng.
Nhưng rồi Phong lại bình tĩnh cưỡi ngựa đi chơi rừng núi như thường, ngày ngày chàng lại vẫn ra con sông nhỏ bơi lội cùng vui đùa nhào lộn với nước nguồn. Sống những ngày hoạt động giữa đồng núi có sông, thân thể trở nên to khỏe, nồng thở gió rừng, đôi lúc vui tươi chàng mang đàn đến bên mẹ:
- Để con kéo cho mẹ nghe.
Thấy thế mẹ chàng cười vui sướng hồng cả mặt kêu:
- Con tôi mới quá!
Nhiều khi Phong còn vui vẻ chạy ra thu lúa cùng biên sổ hộ mẹ... Và có lúc hứng trí chàng say thóc chơi như một người sung sướng...
Rồi một buổi sáng êm mát cũng như mọi ngày Phong ra sông bơi, lội - Sau một cái nhào chẳng may chạm đầu xuống cát, Phong gẫy cổ chết. Đến nay mới giết Phong đi, nhưng thật Định-mệnh đã giết hồn Phong từ ngày đấy chàng vào đường tình ngăn cấm. Phong chết giữa năm hai mươi hai tuổi, chưa đầy hai tháng sau cái chết của Đắc, người em họ ở Hải Phòng.
Được tin dữ dội, Đông hấp tấp lên ngay. Thấy Đông tới, mẹ Phong còn kêu khóc bảo Đông:
- Em nó còn đang xin đi Tây đấy anh ạ... Thế mà đi đâu, Phong ơi!...
Đưa đám xong, Đồng xin mấy bức họa do tay Phong vẽ còn treo trong phòng về làm kỷ niệm. Phòng Phong vẫn y nguyên như cũ, nhưng điều làm Đông suy nghĩ và thắc mắc nhiều là mặc dầu chàng đã lục hết cả hòm tủ mà tìm đâu chàng cũng không thấy tập thư và quyển nhật ký của Phong.
 “Tai nạn bất ngờ hay cố ý?” Đông chẳng biết tin bên nào! nhưng từ đó, cứ mỗi khi đọc trên mặt báo thấy có một tai nạn nào không nguyên cớ xảy ra thì bất giác Đông lại liên tưởng ngay tới những mối tình u uẩn ở đời...
Những lúc như vậy, chàng thường đặt tờ báo xuống, ngồi lặng yên đăm chiêu hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác ; trong đăm chiêu mơ màng nhìn khói thuốc tỏa bay, đôi lúc chàng tưởng như thấy lại gương mặt đượm vẻ say sưa và liều lĩnh của người em họ xấu số.
Tình Quê Hương
Trời bắt đầu sang thu, các bãi bề đã vắng ngắt, Ninh cũng rời Đồ-sơn xách va-li trở về quê cha mẹ. Trên quãng đường mười cây số từ tỉnh về nhà quê, Ninh vui thú ngồi hát nghêu ngao trên chiếc xe, mặc cho lúc nào muốn tới thì tới. Gió mát đồng thu như thổi vào tận lòng chàng trai sung sướng mãn nguyện sau khi đã làm đủ bổn phận ở nhà trường. Học trường Luật, Ninh vừa đỗ kỳ thi lên lớp buổi đầu hè và đến cuối tháng mười mới phải đi học nên chàng tha hồ rộng rãi thời giờ nghĩ chơi. Về tới nơi, khi Ninh vừa bước chân qua ngưỡng cổng căn vườn thì bỗng nhiên một cảm giác rất nhẹ, rất êm ái tới xâm chiếm tâm hồn chàng... Ninh tự thấy như chàng đã xa cách hẳn mọi việc đời, hồn như êm lại, như lắng xuống cùng cảnh vật thân yêu - và những tiếng ồn ào của đời xa cách như cũng ngừng lại sau bờ tre phất!... Đây chỉ là thế giới của tĩnh mịch, của tình yêu. Lúc đi qua căn vườn nhỏ im phắc, Ninh thấy lòng mát nhẹ hẳn đi như gặp lại một thời xưa cũ... Tiếng vài con ong bay trong nắng trưa và tiếng võng đưa kẽo kẹt hòa điệu cùng giọng hát ru em tự căn nhà ngang khe khẽ vẳng tới làm Ninh bỗng tần ngần đứng lại bỏ mũ ra,... gió thoảng mùi đất mát, Ninh đương hưởng một cảnh gì êm ái mà chàng không thể thấy được!... chàng đưa tay rứt mấy cái lá, đứng nhìn vơ vẫn: một chút gì đẹp quá vừa thoáng qua trong lòng, trong hồn! và hồn quê trong điệu ru, và tuổi thơ trong tiếng võng,... Ninh đứng lặng mãi cho tới khi một con chó con chạy loăng quăng trông thấy chàng mà không biết là con chủ mình bèn sủa lên “oăng oẳng” mấy tiếng, chàng mới lại xách va-li đi vào. Tâm hồn Ninh đa-cảm, nên lắm lúc đột nhiên bối rối vô duyên cớ, vì vậy đã nhiều bận giữa buổi học, bỗng dưng Ninh thấy trống trải, lòng như thiếu thốn một cái gì, thế là chàng lại vứt sách đâm về quê. Một ngôi nhà gỗ, một giọng chim quen hoặc vài tiếng kẽo kẹt của bụi tre gió đưa, thường cũng làm dịu được lòng chàng thắc mắc. Những lúc đó, Ninh mới hiểu tại sao nhiều người dân quê mỗi khi Tết đến cứ hay trở về làng dù là tốn kém xa xôi. Phải, trời bể châu báu cũng không lấp được chút trống rỗng trong lòng ấy, nhưng mùi một cây cà chua hắc hắc, thoáng một khuôn mặt quen quen hoặc một giọng thương yêu thường đôi khi đủ mơn trớn lòng ta sung sướng đến tần ngần...
- Tình quê hương...
Ninh khẽ nói một mình. Mỗi lần nghĩ tới mối tình mơ hồ song bền chặt ấy, Ninh lại thấy hiện ra khuôn mặt của cha mẹ hiền từ, rồi những khuôn mặt của họ hàng, của người làng quen thuộc mà trong đó khuôn mặt của Nhàn, người bạn gái đã sống bên chàng tuổi nhỏ vô tư lự, người bạn mà nay lớn lên, mỗi khi đi học tỉnh về chàng cũng vẫn thường sang thăm vui chuyện.
Từ ngày rời Đồ-sơn về ở quê nhà, lòng Ninh thảnh thơi nghĩ lại cùng cảnh tĩnh mịch êm ả; ngày ngày chàng hay sang nhà bà Đồ Trúc ở ngay bên cạnh để nói chuyện với Nhàn. Đôi bên cha mẹ thân nhau, trông hai con vui đùa quý mến nhau ngày nhỏ, đã có lần hai bà mẹ nửa đùa nửa thật hẹn sau này sẽ gả Nhàn cho Ninh - và lớn lên cũng có đôi khi nhắc tới,... nhưng sau vì nhà mình hơi sa sút, và nhất là từ ngày Ninh đỗ bằng thành chung thì bà Đồ Trúc không nói chuyện đó với bạn nữa tuy bà vẫn một lòng như trước. Còn Nhàn dần dần lớn lên trong nền nếp ngoan ngoãn, tuy bạn đi học ở tỉnh xa, nhưng nàng cũng vẫn nhớ tới luôn ; song vì tình bằng hữu quá thân nên tự thâm tâm nàng, nhiều lúc vô tình nàng đã coi Ninh như một người anh trong họ.
 Từ lúc về quê, bây giờ cũng như ngày nhỏ, Ninh vẫn thường sang chơi bên nhà Nhàn - dần dần sự thân mật tự nhiên trở lại. Rồi có một bữa vừa thấy Ninh tới bà Đồ Trúc đã tươi cười nói:
- “Để lấy cốm xuống thết anh Ninh mới được”... bà cười nheo cả mắt tiếp:
- Cốm của em Nhàn đấy.
Tâm thần rỗi rãi, Ninh ngồi nói chuyện và ăn rất thảnh thơi, có một lúc chàng nhận ra là bữa nay chàng ăn cơm thấy ngon hơn những bữa khác; sau khi để ý tìm xem duyên cớ vì đâu, thì chàng vui thú nghĩ ra: “Phải rồi, càng nhai kỹ thì vị của cốm càng thơm ngon”.
“Ấy, người ta vừa mang về buổi sáng nay đấy,... cốm sêu em Nhàn đấy mà’’… bà Đồ vừa nói vừa cười nhìn Ninh, như tiếc rằng sao Ninh lại chẳng là con rể mình. Nghe tin Nhàn sắp lấy chồng, Ninh hơi giật mình! chàng bâng khuâng đưa mắt nhìn Nhàn lúc đó đương ngồi khâu cạnh mẹ.
Tin Nhàn sắp lấy chồng, Ninh thấy có vẻ lạ lùng!... Nhưng sau một lát nghĩ ngợi, chàng tự nhủ thầm: “Kể ra thì chả có gì là lạ. Nhàn lớn rồi thì đi lấy chồng là phải ; có lẽ điều lạ hơn cả là chính mình, tại sao mình lại cho việc Nhàn đi lấy chồng là lạ?” Vừa lúc ấy Nhàn ngừng khâu, sẽ ngẩng đầu đưa tay vén mấy sợi tóc mai rồi yên lặng nhìn Ninh - nhưng trước nụ cười và luồng mắt như soi mói của người bạn trai, Nhàn hơi đỏ mặt cúi xuống!
Ngồi nhìn nàng yên lặng, Ninh nghĩ thằm: “Ngoan đấy chứ còn gì...” Chàng nhận thấy trong Nhàn có một vẻ gì ngoan và dịu-dàng vô cùng ; mà không phải bây giờ chàng mới nhận thấy,... tự xưa đến nay vẫn thế, lúc nào Ninh cũng thấy Nhàn thầm mang một chút gì êm ái rất dễ thương ; chàng mang máng cảm thấy rằng có lẽ vẻ ngoan ngoãn nên thơ kia là do sự dịu dàng e thẹn luôn luôn có trong cử chỉ của nàng đã vô tình tạo nên,.. nhưng Ninh chưa dám chắc. Ngồi yên lặng một lát Ninh mới cất tiếng đùa trêu cô bạn:
- Cốm sêu ngon quá cô Nhàn ạ...
Vẫn khâu, Nhàn e thẹn đáp:
- “Em chả thích thế đâu”... Nói rồi đứng dậy, mặt đỏ bừng luống cuống đi xuống nhà dưới. Ngồi nhìn theo con, bà Đồ mỉm cười rồi khẽ lắc đầu cất tiếng:
- Con bé thế thì thôi,... mới ngày nào còn bé ti... chóng thật.
Nói xong bà cúi xuống mở tráp, lấy trầu cau ra yên lặng ngồi nhai.
Trầm ngâm nghĩ ngợi, Ninh rút thuốc lá ra hút, rồi tự nói nhỏ một mình:
- Mùa cưới đã đến... Đẹp quá!

Tuy theo tân học ở tỉnh thành, thế mà Ninh cũng thấy lòng xao động khi nghe đến hai tiếng “mùa cưới”; chàng nghĩ: “Cưới mà cũng có mùa nhỉ, ước gì tục đó còn mãi”. Ưa mê tín, Ninh thích những cái kiêng khem nho nhỏ ; muốn giữ tục lệ cũ, Ninh yêu những cái Tết xưa ; Ninh thấy cái đẹp trong tục ăn giết sâu bọ ; tuy học biết những tàn phá tai hại của vi trùng, ngày đó Ninh cũng ăn quà bừa bãi và thành thực tin rằng sâu bọ vi trùng chết thực. Ninh chỉ muốn cho tục lệ trong nước có thêm vào chứ đừng vứt đi một cái gì mê tín cũ. Đã có lúc chàng có ý nghĩ: sau này khi chàng sắp chết, chàng sẽ bảo con cháu phải nhớ đốt vàng hương xuống âm phủ cho hồn chàng. Mặc khoa học, Ninh vẫn tin có thánh thần có tiên ở đời này, nhưng chỉ vì chàng chưa có diễm phúc được gặp đấy thôi!... và tin vào bói toán, vào số mệnh,... biết cả ít nho học, Ninh cho rằng chữ nho là do Tiên dạy chứ người thường không thể đặt ra được. Ninh bảo là có âm-dương, tin là lúc lấy vợ lấy chồng, nên để cho thầy bói so đôi tuổi - nhất là chàng lại thấy đó là một mê tín đẹp - Và Ninh đổ lỗi rằng biết bao nhiên người đàn bà thật đẹp mà cũng bị chồng chê đều là tại đôi tuổi xung khắc. Tâm hồn Ninh như vậy cho nên bữa nay ngồi nghĩ đến mùa cưới, lòng chàng không khỏi bỗng thấy bồi hồi xa xôi.
- Mùa cưới...
Bất giác Ninh mơ màng nhắc khẽ,... rồi thẫn thờ chàng đưa đầu ngón tay chấm mấy hột cơm rơi ra mặt chiếu. Cứ mỗi lần nghe tin một cô gái đi lấy chồng là Ninh lại thấy tiếc như chính mình mất một cái gì, tuy phần đông Ninh không quen họ mà cũng không yêu. Bữa nay cũng vậy, nghe nói Nhàn sắp đi lấy chồng, Ninh thấy lòng khẽ buồn, như khi đứng trước một cây cỗ thụ đương bị chặt đi.
Từ ngày biết Nhàn sắp đi lấy chồng, Ninh hay sang cùng Nhàn thân mật trò chuyện. Ninh không coi Nhàn như mọi khi nữa, và vì để ý, nên chàng thấy “em Nhàn nhu mì của anh”
- như Ninh vẫn gọi mấy năm trước - đã lớn, đã đẹp. Rồi lắm lúc chàng nhìn Nhàn rầu rầu như sắp thấy một chút tuổi nhỏ của chính chàng đi mất.
Hai người vẫn thường cùng nhau ôn lại tuổi nhỏ, song câu chuyện cũng điểm hương bâng khuâng của chia rẽ nay mai.. Nhưng sao càng nghĩ đến chia rẽ thì Ninh càng thấy quyến luyến... Có lẽ chỉ tại lòng chàng thường yêu những nỗi buồn nhẹ nhẹ “nó tăng đời ta thêm phần thi vị.”
Trời đã về tháng mười, một buổi sáng dậy sớm. Ninh lững thững đi ra vườn... Chim liếu-tiếu đương kêu ran trong gió lạnh.. Qua hàng dậu thưa, Ninh thấy bên kia có bóng Nhàn thấp thoáng, chàng liền vui thú đi sang... Nhưng khi gần tới nơi thì tự nhiên Ninh đứng lại mỉm cười tự hỏi:
- Sao ta lại đi vội thế này... Hay là ta yêu rồi...
Ninh lắc đầu cười lên tiếng rồi lại vừa đi vừa nói: “Vô lý! vò lý!’’ Chàng vẫn chỉ nhận đó là tình thân ái đối với bạn, người bạn của tuổi nhỏ, chứ chàng không dám nghĩ ngợi sâu hơn bao giờ vì chính chàng cũng hơi sợ bắt được mình tự dối trá.
Còn Nhàn, sắp về nhà chồng mà sao nàng, không thấy vui thích mà chỉ thấy buồn thương xa xôi không duyên cớ! Nhàn không hiểu vì đâu, nàng mang máng cho là tại sắp phải xa những người thân yêu, xa quê cũ, vì thế nàng hay quyến luyến thơ thẩn trong căn vườn một mình; đôi khi nàng lại chợt lo sợ khi nghĩ đến tương lai, khi nghĩ đến sắp đi sống bên một người chồng mà nàng không quen biết,.. như những lúc có Ninh ở bên cạnh, tự nhiên nàng cảm thấy lòng như êm dịu lại ngay... Trong mắt người bạn mà nàng có thể tin cậy được, Nhàn đã thấy bao an ủi.
Sáng nay cũng thế, đương băn khoăn thơ thẩn trong vườn thì nàng thấy bóng Ninh đi sang. - Mừng mừng, nàng đi xuống bờ ao...
Lúc Ninh đến bên hỏi:
- Cô làm gì thế cô Nhàn?
Giả vờ như chưa trông thấy bạn, Nhàn ngẩng lên nhìn Ninh rồi mỉm cười nói:
- “À anh... Anh sang từ bao giờ mà em không biết...” Rồi ngoảnh đi nàng nghiêng đầu mỉm cười đáp sẽ:
- Em nghịch nước...
Uốn cái lá làm gáo, Nhàn ngồi xuống, bé dại tươi tỉnh múc nước đổ lên tay chơi. Cạnh làn nước ít của ao thu phản chiếu ánh mặt trời mới lên, Ninh thấy cô bạn đẹp. Quần khẽ kéo lên để hở bụng chân tròn muốt ngâm trong nước mát
buổi sáng, như mộl nàng tiên ngây thơ. Nhàn lẳng lặng múc nước đỗ lên tay để xem những giọt nước trong như pha-lê chảy qua kẻ ngón rơi trên mặt ao khẽ gợn. Trong tĩnh mịch của căn vườn lúc sớm mai, Ninh chỉ nghe thấy tiếng những giọt nước kêu vui vẻ trên mặt nước ao trong.. và những vỏ ốc cùng sỏi vụn lại lạo xạo kêu dưới bước chân mỗi lần Nhàn đổi chỗ làm mặt nước đánh vòng lan rộng Ninh đứng yên lặng, rồi tự nhiên chàng nhớ lại ngày nhỏ thường hay cùng Nhàn ra bờ ao nghịch nước.
... Và mùi bờ ao lành lạnh hơi bùn mát nhạt sao mà khêu gợi bao nhiêu là kỷ niệm xa xôi ngày nhỏ, những ngày vui đùa quá xa mà nay lòng chàng chẳng thể nhớ rõ lại được.
Một lúc sau hai người đi trong vườn nói chuyện. Tới một gốc khế cành rủ thấp, Nhàn đứng lại rứt mấy bông hoa đó đặt trong lòng bàn tay xòe ra cho Ninh xem rồi nói:
- Hoa khế đẹp không anh?
- Đẹp lắm..
... Và không biết nói gì nữa hai người nhìn nhau yên lặng!.. không có gì, nhưng tự nhiên má Nhàn ửng hồng, mắt chớp nhanh nàng ngượng ngập nói:
- Ngày xưa em với anh hay đếm những quả khế con anh nhỉ.. anh còn nhớ không?
Tuy Ninh không nhớ, nhưng vẻ vắng tĩnh của căn vườn rậm làm Ninh say sưa tưởng đến những cảnh yêu đương thầm kín, rung động chàng đáp:
- Tôi quên sao được...
Và rồi không hiểu vì đâu, tự nhiên trí Ninh nhớ lại vài kỷ niệm chung không đâu về ngày nhỏ xa cũ. Mắt không chớp, Ninh nhìn Nhàn nói:
- Tôi còn nhớ có bận Nhàn trèo lên cây khế rồi không xuống được,... hình như tôi phải đỡ Nhàn xuống ấy..
“Phải rồi”... Nhàn đáp rồi cười như sung sướng rằng sao Ninh còn nhớ rõ thế! nàng tưởng chỉ có mình nàng ở thôn quê, mình nàng nhớ những cái không đâu ấy thôi! Tuy chẳng có gì, nhưng những kỷ niệm êm đềm ấy của tuổi thơ bỗng dưng làm náo động xê xích cả tâm hồn nàng... và không cầm được nước mắt, nàng mím môi chớp mau khẽ ngoảnh đi...
Thấy vẻ mặt Nhàn đổi khác mau chóng, Ninh lo sợ hỏi “Nhàn làm sao thế”. Sau một lát im lìm, nàng đưa mắt bâng khuâng nhìn quanh vườn, rồi mới nói:
- Em cứ tưởng chả bao giờ anh nhớ đến cô em quê mùa của anh nữa.
Giọng Nhàn, Ninh nghe như đầy oán trách làm lòng chàng rung động tiếc thương!.. Mà chàng cũng lấy làm lạ rằng sao chàng còn nhớ lại được ít kỷ niệm đã phai ấy!.. Có phải vì hoa khế sắc tím hồng nhắc nhớ xa xưa hay chỉ vì tia mắt Nhàn, tia mắt ướt buồn của Nhàn đã làm nẩy lại nơi tim chàng tiếng đàn của thời thơ ấu.
“Hay là Nhàn yêu ta” Ninh nghĩ thế nên tự nhiên chàng ngoảnh nhìn vào mặt Nhàn - nhưng Nhàn đã phảng phất cười buồn nhìn đi mơ màng như còn mải theo một giấc mộng mờ cũ. Trong yên lặng, hai người cùng mơ màng thả trí theo ý nghĩ riêng của mình và cùng thoang thoảng tưởng đến chia rẽ nay mai. Sau dịp cười ngắn ngủi, một giọt lệ còn long lanh trong mắt Nhàn như hạt sương buổi sớm khiến nàng đẹp quá, cái đẹp mộc mạc đượm buồn... và hoa khế lấm lấm đỏ lại rụng rời dính trên tóc nàng mỗi lần nàng đưa tay rứt một chiếc lá.
Đứng ở đây phút này, Ninh thấy lòng buồn vời vợi, một nỗi bưồn xa vắng!... Sao mỗi khi trông một người con gái ủ dột là Ninh lại thấy nao nao yêu thương? Anh không hiểu đó là nỗi mến tiếc, tình yêu hay chỉ là tình quê hương một ít quê hương mà Nhàn sắp mang theo vào một cuộc đời khác. Không biết nói gì nhưng để khỏi thấy lòng bối rối nghĩ ngợi, Ninh bảo:
- Độ này tôi thấy Nhàn đẹp ra Nhàn ạ, có lẽ tại Nhàn sung sướng sắp về nhà chồng nay mai...
Bâng khuâng, Nhàn đáp:
- Anh nói làm gì đến chồng con, anh! Em có sung sướng gì đâu... Em sắp lấy một người mà em không quen, tính nết chưa hiểu...
Nhàn ngừng lại, mắt vẫn nhìn ra xa xa, rồi vô cớ mơ màng mỉm cười một mình như một người sung sướng. Đứng trông đôi mày Nhàn đưa lên và cặp mắt, nhất là cặp mắt, Ninh nhận thấy hình như có một điều gì buồn thương giấu giếm trong lòng bạn cũ. Bỗng dưng Nhàn chớp luôn mấy cái rồi cất tiếng chậm rãi nói:
- “Đứng đây, có anh bên cạnh, em lại nhớ đến ngày nhỏ... Giá em cứ được sống gần anh như ngày nhỏ... mãi”. Rồi nàng kể cho Ninh nghe những nỗi lo lắng của nàng, sắp mang giao phó cả hạnh phúc cùng tương lai vào tay một người xa lạ.
Nghe Nhàn nói, Ninh thấy buồn thương cô bạn sắp đi vào cuộc đời mới, và buồn cho cả chính mình. Lúc ấy Ninh mới cảm thấy như chỉ riêng chàng mới có thể hiểu, và có thể mang hạnh phúc lại cho người bạn cũ. Lúc sắp mất, Ninh mới thấy quyến luyến người mình đang sống gần ngót hai chục năm trời. Ninh nhìn Nhàn yên lặng. Lòng chàng đang phân vân, chàng thấy yêu, thấy tiếc, nhưng bối rối chàng bảo:
- Ta đi về đi.
Cả ngày hôm đó Ninh thẫn thờ nghĩ ngợi... “Có nên ngỏ tình yêu không?” Ninh luôn miệng tự hỏi thế, vì chàng thấy hình như Nhàn yêu chàng thì phải, chứ không thì khi nào nàng lại đi kể nỗi lòng lo ngại về tương lai chồng con cho chàng nghe làm gì!... Nhưng Ninh cũng vẫn bán nghi “biết đâu mình chẳng tưởng lầm. Nhàn chẳng chỉ yêu mình như một người bạn thân mến cũ,... hoặc như một người anh!’’
Buổi tối đó Ninh vẫn còn băn khoăn nghĩ ngợi, rồi trong một phút không ngờ, tự nhiên Ninh thấy mình đương bước sang nhà Nhàn làm chàng phải đứng lại tự thú:
- Có lẽ ta yêu rồi.
Tới sân, Ninh thấy Nhàn đương ngồi đan ở dưới nhà ngang để coi thợ gặt xay lúa giã gạo. Nhà này bằng tranh, vách đất sơ sài, có một tấm vách mỏng chạy từ phía trong ra đến giữa nền, chia căn nhà làm đôi - Một bên là bếp, còn một bên để cối xay lúa, cối giã gạo.
Lúc ấy bên bếp đương đỏ rực lửa đốt cơm thợ gặt, còn bên này thì dân thợ đương ca hát giữa tiếng xay lúa rầm rầm, điểm thêm vào đó đã có tiếng cán chầy giã xuống cối cùng cót két mỗi khi chầy đưa lên không khí nồng khói cùng ánh lửa tưng bừng. Ở ngoài, mưa tháng mười vẫn đương lấm tấm rơi lạnh lẽo, Ninh bước nhanh vào trong nhà, hai tay xoa vào nhau xuýt xoa kêu lạnh..
- “Anh ngồi đây, rồi em cho ăn khoai nướng, ngon lắm..’’ Nhàn vừa nói vừa đưa tay kéo một chiếc ghế để bên cạnh tươi cười chỉ cho Ninh. Trong hơi lạnh của gió lùa, hai người ngồi xuýt-xoa nói chuyện vui thích, tiếng lửa đốt nồi cơm cháy sáng rực vẫn tí tách điểm vui cùng phản chiếu làm má Nhàn ửng hồng và mắt thêm long lanh. Câu chuyện vẫn giòn giã, nhưng có một lúc Nhàn yên lặng nhìn ánh lửa rồi nói:
- Trông lửa thế này em lại nhớ đến ngày Tết nấu bánh chưng anh ạ...
- “Nhàn bảo gì cơ? Ninh vừa hỏi vừa phải ghé đầu lại gần Nhàn để nghe. Và nhiều lúc hai người phải ghé mặt lại gần nhau nghe bạn nói, vì tiếng cối xay, cối giã cùng tiếng ca hát cười nói của đám thợ gặt quá ồn ào át vang cả gian bếp thoảng khói mùi cơm mới!.. Có một lúc câu chuyện quay về vấn đề vợ con - Nhàn tươi cười nói:
- Chắc anh Ninh kén vợ lắm đấy nhỉ?
- Sao Nhàn lại bảo thế?
- Vì anh vừa là điền chủ này, lại vừa học trường luật nữa này.
- Và là “văn-sĩ” nữa chứ. Ninh đùa cười tiếp.
- Thế à, ít nữa em quên mất đấy. Anh thì chắc phải những cô vừa đỗ đạt lại vừa đẹp thì anh mới ưng ý được nhỉ.
Ninh vội mở to mắt cười giả bộ sợ hãi đáp:
- Thôi, tôi không dám ạ!
Ngừng một giây, Ninh chậm rãi tiếp “có lẽ lấy một cô gái quê mùa tôi còn ưng hơn”.
- Tại sao thế anh?
- Các cô đỗ đạt thì chắc là biết rất ít về việc nội trợ cơm nước,... thế mà tôi lại thích ăn ngon và tham ăn, Nhàn ạ, thế mới chết chứ.
Câu khôi hài của Ninh làm cả hai cùng cười !... rồi Ninh tiếp:
- Hơn nữa, các bà ấy lại hay làm bộ ra dáng ta giỏi đây ; thế mà hễ chồng có nói động đến một tí là các bà ấy nhảy lên, hét lên rằng “Anh không có quyền nói tôi, tôi không phải là nô-lệ, tôi không phải là con ở của nhà anh”.
Nhàn vui cười ngờ vực nói:
- Thế à... nhưng sao chưa lấy vợ mà anh đã biết rõ thế,... anh cứ nói xấu phụ-nữ chứ khi nào..
Câu chuyện đương vui thì vừa lúc ấy một người thợ gặt đem ra mấy củ khoai mới nướng thơm phức - Nhàn liền mời Ninh:
- Mời nhà “ăn sĩ” xơi.
Ninh vừa cười vừa cầm củ khoai nhưng vội xuýt xoa luôn luôn chuyển tay này sang tay khác vì nóng, làm Nhàn ngồi nhìn vui thích - Và cả hai người cùng nhìn nhau cười vui thú... Gió ở ngoài vẫn lạnh khẽ thổi vào.
Một lát sau thì bọn thợ gặt đã sang bếp ngồi ăn cơm nóng tỏa khói cùng húp canh xùm xụp ngon lành để mình Ninh và Nhàn ngồi lại. Không có tiếng ồn ào, sao tự nhiên hai người cùng thấy ngượng nghịu, và không biết nói gì, Nhàn cúi xuống đan ; cho tới lúc Ninh ăn khoai xong, Nhàn mới ngửng lên đưa chiếc mùi-soa:
- Anh lau tạm cái khăn này...
Từ chiếc mùi-soa nho nhỏ của Nhàn tỏa ra một mùi thơm ấm áp, một mùi thơm rất “đàn bà” làm cho Ninh bỗng thấy rạo rực, một chút gì mê say cháy bốc lên óc, mơ màng Ninh đưa mắt nhìn Nhàn đang ngoan ngoãn yên lặng ngồi đan, chàng nghĩ: “Giá có người vợ ngoan thế này cũng thích đấy nhỉ”. Vừa lúc ấy Nhàn ngẩng lên ; thấy Ninh đương nhìn mình, nàng e thẹn nói như cốt để che ngượng -  ‘‘Chắc anh Ninh kén vợ lắm đấy nhỉ...
Ninh nghe Nhàn nói câu này là lượt thứ hai với một giọng không bông đùa nữa, và trong mắt nàng, Ninh nhận thấy có một gì khác, một vẻ gì làm lòng chàng xao xuyến. Mắt chớp mau, Ninh vội đáp:
- Có lẽ!
Nói xong, Ninh nhìn Nhàn mỉm cười vì chàng tin là Nhàn cũng yêu chàng. Nhàn yên lặng nhìn lại Ninh ; nhưng thấy Nhàn yên lặng nhìn lại mình một cách không e thẹn nên Ninh lại chưa dám chắc hẳn đó đã là tình yêu - và tính nhút nhát xui nên cẩn thận nên bỗng nhiên luồng mắt Ninh luống cuống rời mắt Nhàn. Trong yên lặng, Ninh băn khoăn với ý nghĩ: “Có nên nói không?” Rồi một lát sau bỗng nhiên chàng nói nhỏ:
- Nhưng mà thôi...
“Nhưng mà thôi gì cơ anh?” Lạ lùng Nhàn hỏi lại làm Ninh chống chế đáp:
- À,... tôi định xin Nhàn cái mùi-xoa này để giữ làm kỷ niệm... nhưng tôi sợ Nhàn không cho.
Như phảng phất cười mà cũng như phảng phất buồn, Nhàn chớp mau nói:
- Kỷ niệm làm gì anh... Kỷ niệm trong lòng chưa đủ sao?
Nhàn vừa nói vừa cúi xuống đan tiếp. Ninh nghe trong lòng sung sướng nhưng vẫn chưa dám chắc hẳn đó là tình yêu hay chỉ là tình thân mến, chàng hỏi lại:
-Nhàn vừa nói gì tôi chưa hiểu
Thấy Nhàn yên lặng, Ninh tiếp:
- Hay mai tôi đưa một chiếc mùi-soa. Nhàn thêu vào đó cho tôi một chữ N nhá, một chữ N thật đẹp, để tôi giữ làm kỷ niệm.
Ngừng một giây, Ninh nói tiếp giọng nhỏ hẳn lại:
- Kỷ niệm suốt đời.
Ngừng đan, Nhàn ngẩng lên mỉm miệng chớp nhanh nhìn Ninh khẽ gật. Nét mặt nàng như đau đớn.
Yên lặng trở về giữa hai người, tự nhiên họ không nói chuyện vui gì với nhau được nữa.
Gió lạnh vẫn nhẹ đưa vào mùi thơm của rơm, của lúa chín... Và tất cả hương nồng của ngày mùa đêm nay đương như vang dậy trong mùi rơm mới pha lẫn hương tình trong lòng Ninh.
Nhưng lúc Ninh từ giã ra về thì Nhàn nhìn Ninh rồi nói khẽ như một điều thầm kín:
- Thôi, anh chả phải đưa mùi-soa nữa, để em thêu tặng anh một chiếc.
Trong giọng nói đó Ninh nhận thấy một nỗi gì vô cùng êm ái ; cảm động Ninh đáp khẽ: “Cảm ơn Nhàn” ; mắt Nhàn ngượng ngùng luống cuống vội rời mắt Ninh... nhưng cặp mắt đó đêm nay như đã thổ lộ biết bao lời thầm kín yêu đương của một mối tình đầy hứa hẹn.
“Ta có nên ngỏ tình nữa không?” Cả ngày hôm sau Ninh tự hỏi thế: “Ngỏ tình bây gìờ biết đâu chả muộn, có lẽ chỉ làm rối hạnh phúc của Nhàn khi về nhà chồng.” Nhưng bỏ thì cũng tiếc.
“Muốn ra sao thì ra” Ninh nghĩ thế ; khi tối đến, chàng lại tới rủ Nhàn đi quanh sân nói chuyện chơi ; nhưng tối nay Ninh ít nói như không có lòng nói chuyện vui. Trăng mờ lạnh lẽo sau mây, lúc hai người về đứng dưới giàn hoa thiên-lý thì đêm đã lạnh ; nhiều lúc cả hai đều không biết nói gì như còn mải theo những giấc mộng riêng..
Ninh muốn ngỏ tình, mà vẫn chưa dám!... Vẫn như cứ có một sức gì nó chặn lại!... Cho đến lúc thấy sương lạnh xuống đã ướt cả hai vai mà Nhàn vẫn đứng yên lặng như chờ đợi, chàng mới đánh bạo cất tiếng khẽ gọi:
- Nhàn l
Nhàn nhìn Ninh hỏi:
- Gì anh...
Lúc đó Ninh lại thấy mất hết can đảm nên chàng nói:
- Tôi sắp phải đi Hà-nội Nhàn ạ,... sắp phải đi học rồi.
- Bao giờ anh đi?
Giọng cảm động Ninh đáp:
- Tôi chưa định, nhưng chắc là sắp phải xa Nhàn.
Thẫn thờ Nhàn nói:
- Phải xa em!... Ai bắt anh phải xa em!
Trong lòng xao xuyến, Ninh đưa mắt nhìn quanh, chàng định ngỏ lời... Ngay lúc đó có tiếng gà gáy xa xa làm Ninh cất tiếng:
- Khuya rồi đấy, Nhàn ạ...
Tính nhút nhát cứ thắng, chàng cứ lùi lại trước giây quyết liệt khó khăn cuối cùng và vẫn tự nhủ: “Lát nữa cũng được!” Sau một lúc lâu, Nhàn nói:
- Thôi đêm khuya rồi, anh về đi ngủ đi...
Thấy sắp mất cái buổi đẹp đẽ này, bối rối không biết làm thế nào, Ninh vọi rút chiếc nhẫn ở tay ra:
- À, tôi có cái này tặng Nhàn để giữ làm kỷ niệm... sau này khi nào Nhàn trông thấy nó thì nhớ đến tôi một tí”... Ninh vừa nói vừa cầm lấy tay Nhàn luồn chiếc nhẫn vào ngón tay tròn muốt. Ninh như say. Cảm động, Nhàn nhìn xuống nói sẽ, giọng run run:
- Bao giờ em chả nhớ anh.
Ngón tay nàng run run trong tay Ninh. Một luồng gió lạnh thổi qua làm cả hai chợt rùng mình. - Ninh gọi khẽ:
- Em Nhàn!
Đầu hơi nghiêng, Nhàn yên lặng ngước nhìn lên... Dưới trăng mờ hai người nhìn nhau yên lặng ; Ninh đọc rõ thấy trong mắt bạn một lời gì không nói được, Ninh định hôn Nhàn, chàng tin chắc là Nhàn sẽ để yên, nhưng thoáng ý nghĩ là chiếc hôn này có thể thay đổi cả cuộc đời hai người, và biết chắc là Nhàn yêu mình rồi nên tự nhiên. Ninh lại không muốn đi quá nữa, chàng khẽ bỏ tay Nhàn ra nói lảng:
- Tự nhiên tôi nhớ lại ngày xưa tôi vẫn hay gọi Nhàn là “Em Nhàn”, Nhàn nhỉ...
Ngừng một giây, Ninh nói tiếp:
- Nhưng sao độ này tôi thấy buồn buồn thế nào ấy, Nhàn ạ.
Như vừa ra khỏi cơn mê, Nhàn nhíu mày đáp:
- Sao em cũng thế anh ạ... Nhiều lúc em thấy buồn vô duyên cớ.
Nhàn nói xong khẽ ngoảnh đi. Dưới bóng của giàn hoa thiên lý, Ninh thoáng thấy như có một ánh gì long lanh trong khóe mắt bạn, chàng không dám tìm biết rõ đó là giọt lệ hay chỉ là ánh trăng! Gió lạnh thoảng thổi qua.
Chợt Ninh hít mạnh nói:
- Thơm quá Nhàn nhỉ...
- Hương thiên lý đấy anh ạ.
Nhàn đáp khẽ rồi ngửng nhìn lên. Dưới bóng giàn hoa, hai người im lìm trông mặt trăng lưỡi liềm lạnh lẽo ẩn sau đám lá nhỏ! Làn hương quen cũ, làn hương vẫn ủ ấp quanh đôi trẻ từ thuở nhỏ thơ ngây mà hai người vẫn thường nhật nhặt hoa chơi dưới lá xanh - sao đêm nay có một thấm thía lạ lùng. Trong yên lặng, Ninh như nhớ lại tất cả những chiều xưa, những buổi chiều mát mà Nhàn hái hoa xuống từng chùm để cho mẹ nấu canh giò. Thực làn hương kia đã ấp ủ lòng chàng từ ngày còn thơ như vẫn quấn quít bên căn nhà gỗ cũ của bạn quê hương mãi mãi. Trên giàn hoa, mây mờ vẫn bay qua đều đều - cho tới lúc một đám mây tới che lấp mảnh trăng thì hai người mới cùng ngoảnh xuống... bốn mắt thoáng gặp nhau trong bóng tối mờ... gió lạnh qua...! Nhàn đưa tay vuốt mấy sợi tóc mai chậm chạp như nói tiếp:
- Hương thiên lý thoang thoảng nhưng mà thấm thía.
- “Đúng thế...” lại ngửa mặt nhìn lên Ninh trả lời như trong một giấc mộng.
Hôm sau Ninh đi Hà Nội sớm.
Sau này, mặc dầu ở đâu Ninh cũng trồng một giàn thiên lý dây leo quấn quít mà những cành hoa nhỏ tỏa ra mùi hương nhẹ nhàng vương vấn như mối tình quê hương.
VÀI LỜI NÓI THÊM
Từ ngày tập Hoa Vông Vang này xuất bản lần đầu tiên (1) tới nay, tôi thấy đã lắm bận trong khi nói chuyện, nhiều bạn cứ vô tình gọi là “Hoa Vông Vàng”. Trước sự sai lầm tuy nhỏ mọn đó tôi cũng thấy cần phải nói là thứ hoa mà tập truyện này mang tên không phải là hoa Vông mầu vàng như nhiều bạn lầm tưởng, mà là hoa của một thứ cây tên là cây Vông-Vang: còn thứ hoa Vông-Vang này mầu gì đó lại là truyện khác, chỉ biết trong các lời ca tình-tứ của dân nơi đồng ruộng đã có câu: “Cây Vông-Vang bông vàng như nghệ”.
Hằng năm, cứ về dạo cuối xuân sang hạ, mà có khi tới cả mùa thu, nếu bạn đi chơi về vùng quê, bạn có thấy những bông hoa lớn bằng hoa râm-bụt nở vàng tươi lẫn trong bờ cây bụi cỏ thì đúng là Hoa Vông-Vang đó. Cây Vông-Vang thường chỉ cao tới độ ngang lưng, các cô gái cắt cỏ lành mạnh hồng hào và thường mang những bông hoa lớn mầu vàng óng ánh rất dịu trong nắng sớm. Hoa Vông-Vang rất đẹp, tuy nhiên cánh hoa cũng rất mỏng manh, chỉ một làn gió mạnh cũng đủ làm cho cánh yếu rập nát bơ sờ.
Nếu bạn thấy hoa, bạn hãy nên để mặc cho hoa phơ phất giữa cây cỏ thiên-nhiên, như vậy thì hoa rất đẹp, chứ nếu vì mến hoa mà bạn vội hái để định đem về thì thực là một điều đáng tiếc: hoa Vông-Vang chỉ ưa cuộc sống giữa tự-do và hoang dại - điều mà tự đáy tâm hồn ai nấy chúng ta đều mơ ước - chứ nằm ở trong tay bạn thì chỉ một giờ thôi cũng đủ cho cả hoa lá kia phải héo rũ!...
Lại cũng có những bạn có nhiều thắc mắc trong sự tìm hiểu nên tôi đã từng nghe những câu hỏi như:
- Hoa Vông-Vang là hoa gì hở anh?
Hoặc:
- Này anh, hoa Vông-Vang có nở lại thực không hay là anh bịa đặt ra đấy,... văn-sĩ các anh là hay tán dóc lắm...
Thường lần nào tôi cũng chỉ mỉm cười rồi tìm cách nói lảng sang chuyện khác - tự thâm tâm tôi, tôi nghĩ các bạn chẳng cần biết tới những điều đó làm gì - vì sự thực hoa Vông-Vang có nở lại hay không thì có nghĩa lý gì đâu đối với văn chương.
(Tôi có ý nói rằng những điều viết trong văn chương không nhất thiết phải là sự thực mà chỉ cần viết sao cho các điều đó có vẻ thực là đủ.
Vì chính những sự thực ở đời nhiều khi lại có vẻ không thực).
Chú thích:
[1] Năm 1945 - do nhà Đời Nay xuất bản.
20/10/2021
Đỗ Tốn
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...