Người đến từ phía cánh rừng
Câu chuyện đượm vẻ Liêu Trai mà nặng trĩu nhân sinh. Đọc xong
cứ ám ảnh mãi nỗi thương cảm đối với một linh hồn cô quạnh mà số kiếp đã vĩnh
viễn dừng lại ở kỷ niệm về những buổi hoàng hôn của tuổi ấu thơ. Nguyễn Thị Ấm
được biết đến nhiều với một truyện ngắn rất hay khác là truyện “giấc ngủ nơi trần
thế”. Văn của chị viết về ma quỷ, viết về cái “đục” mà sao cứ trong như ngọc.
Hình như chị viết ít. Có lẽ bởi không cần phải nhiều chăng?
VPL
Sau chiến tranh khoảng ba năm, tôi tốt nghiệp trường sư phạm
và được điều về dạy học ở một trường phía tây tỉnh Quảng Trị. Nơi đây heo hút
người vắng vẻ. Đây là trường cấp hai có năm lớp học và bảy giáo viên từ miền
xuôi lên, học trò hầu như toàn người dân tộc. Tôi được hiệu trưởng bố trí nơi ở
cùng với một chị giáo viên dạy toán. Chị trạc ba mươi tuổi tên Hà. Chúng tôi ở
trong gian nhà tranh mái lợp bằng những cây cỏ lau trông rất mỏng manh. Ngồi
trong nhà có cảm giác, chỉ cần một cơn gió mạnh là cả gian nhà bay tung lên trời.
Ở đây ngoài giờ lên lớp buổi tối chẳng biết làm gì. Mùa đông
chúng tôi ra suối vớt những cây củi khô dạt vào hai bên bờ rồi đem về nhà. Tối
đến, đốt một đống lửa giữa nhà cho ấm, sau đó ngồi nhìn lửa cháy suy ngẫm như
những nhà hiền triết. Có lần, lúc chuẩn bị lên giường ngủ, chị Hà thở dài một
cái rồi nói:
- Tao xấu xí lỡ thì chẳng nói làm gì, còn mày xinh đẹp như
tiên nữ mà cứ phải dạy học ở đây thì phí đời quá.
Tôi cười:
- Em nghe mẹ nói, con người ai cũng có duyên có phận. Rồi cũng
có lúc một chàng trai đến xin cưới em.
- Cũng có thể, cách đây mười hai cây số đường rừng có một đồn
biên phòng. Biết đâu có một chàng sĩ quan biên phòng đến cầu hôn em !
Cả hai cùng cười khanh khách rồi lên giường chui vào chăn.
Thao thức không ngủ rồi lại ngủ, lại thức và lại ngủ... mãi mới hết đêm dài.
Ở được hai tháng, tôi phát hiện vùng này vào những đêm sáng
trăng thì tuyệt đẹp. Đêm đến, chỉ cần mở cửa ra là nhìn thấy ngay núi đồi chìm
trong ánh trăng. Xa xa, có những trảng cỏ lau sáng lên trong ánh trăng rập rờn
trong gió... Những lúc như thế này chị Hà thường cằn nhằn:
- Mày đóng cửa lại đi. Nơi đây là bãi chiến trường xưa hiểu không ? Có những
linh hồn không tan đi lang thang.
Tôi nói cứng:
- Em không sợ, mình với họ có ân oán gì đâu.
Chị Hà trèo lên giường trùm chăn quá đầu rên rỉ:
- Tao xin mày đó Hằng ơi.
Tôi đứng dậy đóng cửa, rồi cũng chui vào giường nằm nghe gió
rừng thổi ào ào. Tự nhiên tôi bất giác thở dài, nghĩ rằng giá có một anh sĩ
quan biên phòng lạc bước đến đây ngồi nói chuyện với hai cô giáo trẻ thì vui biết
bao.
Dạy học được nửa năm, tôi nhận được thư của người yêu xin
chia tay. Lý do anh nêu ra cũng thật giản dị. Anh bị gia đình giục cưới vợ vì
anh là con trai duy nhất. Anh không thể cưới tôi được vì hai người ở quá xa
nhau. Nếu sự việc mà dừng ở đây thì vừa đủ rồi. Nhưng anh lại gửi kèm cho tôi một
cái thiệp mời với lời nhắn "Nếu có thể thì về thăm quê rồi dự đám cưới của
anh".
Tôi cầm lá thư, chảy nước mắt. Anh ấy vô tâm thật...
Đêm đó tôi chập chờn trong mộng mị rồi tỉnh lại. Người tự
nhiên nóng bừng, cổ họng khát khô. Tôi cố đứng dậy tìm viên thuốc uống rồi ngồi
xuống bên bếp lửa. Nhìn sang giường bên, chị Hà vẫn ngủ ngon lành vô tư lự. Có
lẽ chị đã thích nghi với cuộc sống cô đơn của mình.
Tôi đứng dậy mở cửa... Trời tháng mười cao vút, đen thẫm đầy
sao. Xa xa có một mảnh trăng đang chìm dần sau dãy núi.
Tôi nhìn xuống phía dưới chân đồi, có bóng một người đàn ông
đang cầm súng cắm cúi bước đi. Đó có thể là những người thợ săn đêm. Lúc săn thú
trên trán họ thường gắn một ngọn đèn nhỏ. Mắt con thú nhìn vô sẽ phản quang ánh
đèn. Tiếp sau là phát súng nổ vang... Đôi khi họ vẫn vào chỗ tôi xin lửa hút
thuốc, uống nước, hoặc xả thịt thú rừng. Có lúc họ còn hào phóng tặng lại một tảng
thịt còn nóng hổi.
Tôi đang nghĩ lan man, bỗng người đó xuất hiện ngay trước cửa.
Tôi nhìn lên, không phải là những người thợ săn mà là một anh lính trẻ tay cầm
súng, vai khoác bòng. Anh khẽ cười, lên tiếng:
- Chào cô giáo... tôi được đơn vị cho về phép. Cô giáo cho tôi nghỉ chân một
lúc được không.
Tôi đứng dậy lấy chiếc ghế nhỏ để cạnh đống lửa:
- Mời anh.
Anh lính tháo bòng ngồi xuống. Tôi lấy ly rót nước mời anh.
Anh lính xuýt xoa uống nước và đưa bàn tay hơ trên ngọn lửa. Tôi cất tiếng:
- Từ đây ra tới đường lớn để đón xe về xuôi còn khoảng bảy
cây số nữa. Anh có biết đường không ?
Anh lính cười:
- Tôi ở đây đã sáu năm rồi. Vùng rừng nào tôi cũng đi qua...
Mai tôi sẽ về thăm mẹ tôi.
- Mấy năm rồi anh chưa về thăm mẹ ?
- Cũng sáu năm rồi.
- Sao lâu vậy ?
- Tại tôi không thể về được.
Anh lính mải mê uống nước như lâu lắm rồi anh không được uống.
Tiếng một chú dế rừng cô đơn cất lên lanh lảnh. Tôi chuyển đề tài câu chuyện:
- Anh kể về quê hương anh, về mẹ cho em nghe đi. Em cũng xa
quê lên đây nhớ nhà lắm.
Anh lính bỏ thêm củi vào bếp, cất tiếng:
- Quê anh xa lắm, ở mãi Hà Bắc. Nơi có dòng sông Thương chảy
qua, có con đê rất lớn chạy theo. Chiều chiều anh thường ra đó chăn trâu và thả
diều. Anh nhớ nhất là những buổi hoàng hôn báo hiệu những trận gió mùa đông bắc
sắp về. Ngồi trên đê nhìn về hướng tây, ráng chiều rực lên đủ màu, đẹp rực rỡ
dưới bầu trời nặng trĩu mây đen... Nhưng chỉ vài phút thôi, ráng chiều phụt tắt,
bầu trời đen ngòm, gió thổi cuồn cuộn, mưa rơi... Lũ trẻ chăn trâu cuống cuồng
hò hét nhau chạy về nhà.
- Thế còn gia đình anh ?
- Cha anh mất sớm, mẹ anh nuôi hai đứa con, một trai một gái.
Em gái anh đã đi lấy chồng cách đây hai năm. Mẹ anh là cô giáo đã về hưu, bây
giờ anh ở một mình. Mẹ anh nhớ anh lắm.
- Anh có người yêu chưa ?
- Đúng mười tám, chưa kịp tỏ tình với ai thì đi bộ đội. Trong
đơn vị toàn là đàn ông, lấy ai mà tỏ tình.
Tôi cười:
- Xạo hoài. Không biết chừng anh về phép chuyến này cưới vợ
cũng nên. Con trai ở tuổi anh chưa yêu cũng chẳng sao. Đôi khi yêu lại càng
thêm buồn.
- Anh không biết hạnh phúc khi yêu như thế nào. Nhưng không
yêu cô đơn lắm. Người không yêu giống như bức tượng. Buồn đến nỗi mọc rêu trên
mặt mà không biết.
Đôi mắt anh tối sẫm lại, lạnh như nước đá. Rồi đôi mắt anh
nhìn tôi sáng rực lên như lửa cháy. Tự nhiên tôi thấy sợ, không dám nói chuyện
với anh nữa. Thời gian chậm chạp trôi đi... Con gà cồ của chị Hà nuôi sau nhà đột
nhiên cất tiếng gáy. Lát sau, tiếng gà ở phía xa thưa thớt vọng lại. Anh lính đứng
dậy khoác bòng lên vai và cầm súng:
- Thôi chào cô giáo nhé. Tôi phải đi thôi, để còn kịp đón xe
về xuôi.
Bất giác tôi đứng dậy, tiễn anh ra cửa. Mảnh trăng đột nhiên
chìm sau mây đen. Tay tôi có người nắm chặt. Tiếng anh lính đứt đoạn
bật qua hơi thở:
- Em... em... cho anh... hôn em.
Theo phản ứng tự nhiên, tôi giật tay lại, chạy vào trong...
Lát sau tôi mới đưa ánh mắt nhìn theo người lính. Dưới ánh trăng, bóng anh đang
xa dần. Nhưng tại sao anh không đi ra phía quốc lộ mà lại đi về phía cánh rừng
?
*
Hai tháng sau.
Có một bà mẹ tóc bạc đi cùng hai người đàn ông trẻ ghé đến
trường xin nghỉ nhờ qua đêm. Tôi hỏi chuyện, được biết bà mẹ đi tìm mộ liệt sĩ.
Đứa con trai bà đã hy sinh trong chiến tranh ngay tại vùng này. Bà kể chuyện,
có đêm bà nằm mơ thấy con về nói: "Mẹ ơi, con phải đi tìm người yêu rồi mới
về với mẹ". Bà đem câu chuyện kể với một nhà ngoại cảm. Ông ta nói, hãy
đem một hình nhân là một người con gái đẹp cùng một dúm gạo dúm muối đến con
sông vùng này khấn đốt cho con trai rồi thả xuống. May ra linh hồn nó mới chịu
tan ra và trở về quê hương. Lúc này, nhà ngoại cảm mới có thể giúp bà tìm hài cốt
đứa con.
Tôi theo bà mẹ ra tận bến sông. Lúc họ bày đồ cúng, tôi bỗng
lạnh toát. Bức hình chàng binh nhất chính là anh lính đã gặp tôi đêm ấy.
Tôi nhìn trân trân vào bức hình. Rồi nhìn tro tàn của cô gái
hình nhân trôi theo dòng sông. Vòng hoa màu trắng chìm dần... Tiếng bà mẹ khóc
con vang lên trong lúc hoàng hôn:
- Con ơi!... Con đã có người yêu rồi... Hãy về với mẹ đi...
Con ơi...
Tôi ra về, như kẻ bị mộng du...
Đêm ấy... Giá như... tôi để cho anh ấy hôn. Thì chắc anh ấy
đã không quay trở về với những cánh rừng lạnh lẽo âm u.
16/11/2006 Nguyễn Thị Ấm
16/11/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét