Thiên đàng treo
Chương 1
- Kính dâng hương hồn nhà đạo diễn gốc địa chủ Mỹ Tho, đi theo kháng chiến từ 45, sống bị bạc đãi vì kỳ thị lập trường, chết lãng
nhách.
Xuân Vũ"Đẹp lắm, em của anh!" Tôi đáp và hỏi lại.
"Nhưng son phấn ở đâu thế?""Của đoàn kịch em chớ đâu!""Son phấn của sân khấu sao em dùng ở nhà?"Nàng cười nhoẻn, đôi môi đỏ tươi giống trái tim mở rộng:"Sân khấu chỉ bước một bước là xuống cuộc đời, cuộc đời chỉ bước một bước
là lên sân khấu chứ bao xa, anh! Nào, mấy điểm Liên Xô thì anh bảo?""Anh nịnh em, em biết!""Sao phải nịnh?""Anh đang tìm cái năm điểm nào khác cơ!"Tôi giật mình vị bị bấm đúng huyệt. Chưa kịp gỡ gạt thì nàng tiếp:"Tối nay em diễn anh đừng có đi xem nhé.""Anh chưa bao giờ có ý định xem kịch. Em đừng lo! Kịch của em toàn kệch cỡm!""Bởi vậy em mong anh đừng xem.""Thì em cứ xem anh như khán giả thường chứ gì mà ngại!""Em ngượng chín cả người khi sắp diễn lớp híp py!""Thì đó chỉ là kịch thôi mà!""Đã đành rồi, nhưng mà cái thằng đóng cặp với em nó cứ coi như là thiệt,
đêm nào nó cũng khóa xe chung và khoe với mọi người em là người yêu của nó! Đồ
phải gió! Em đã báo cáo với tổ chức kiểm thảo nó một lần rồi. Vậy mà nó vẫn còn
lắp liếm chớ chưa...""Chơi chi ác với đồng nghiệp vậy em!" Tôi cắt ngang."Không chặn nó, nó bắt mò đi tới chứ anh!""Em đã chẳng nói đời và sân khấu chỉ cách nhau một bước đó ư? Sân khấu là
cuộc đời thu nhỏ lại, còn cuộc đời chính là sân khấu phóng đại tô màu, sự cách
biệt giữa nhau chỉ... một bước chân, thậm chí, một sợi tóc. Em không lầm lẫn à?
Em không để một tí tâm hồn nào trong kịch thì làm sao em diễn đạt được
nó?"Thấy tôi sắp bênh vực đồng nghiệp của nàng, nàng hơi phật ý một cách vui vẻ, rồi
dắt xe đạp của tôi ra đi.Từ lâu, tôi thấy nàng khá đẹp lại tế nhị nên có ý muốn đi tới, xa tí nữa thử
xem. Nhưng nàng là kịch sĩ thì hơi ngại, sợ nàng nhầm cái phòng riêng của vợ chồng
là sân khấu thì bỏ mạng, nên dẫu bị nàng hốt hồn đôi lúc mà vẫn không dám phóng
tay.Còn nàng thì tỏ ra có tình cảm khá đậm với tôi nhất là những lần nàng đến lấy
xe đạp của tôi để đi nhà hát.Nàng đã sắp lên xe còn quay lại nhắc:"Anh đừng có sang nhà hát nhớ!"Cái năm điểm mà tôi ngắm nghía lâu nay đóng đô không xa nhà hát kịch của nàng
và nhà tôi. Đó là hiệu sách Quốc Văn. Nếu nối liền ba cái điểm nhiệt này lại với
nhau bằng những đường thẳng thì người ta sẽ có một hình tam giác đều cạnh mà
trung tâm là Ngã tư Bờ Hồ, cũng còn được gọi là cái rốn mọc lệch của Hà Nội. Mỗi
khi ăn cơm xong ở cửa hàng ăn Quốc Doanh số 1 xéo hiệu sách và ngay cửa rạp hát
bóng, tôi có thói quen vừa xỉa răng vừa băng qua đường đến hiệu sách liếc sơ
các quyển mới vừa ra lò rồi về nhà hoặc đi đâu thì đi. Đôi khi có hứng tôi thả
bộ lại Bodega cách đó vài bước mua cái bánh kem rồi mới đến hiệu sách. Ở Bodega
cũng có một cái điểm 5 Liên Xô. Riêng cái này lại là Tàu Lai nhưng cũng có sức
hút không kém cái ở hiệu Quốc Văn.Hiệu sách còm nhưng khá đông khách. Có lẽ khách đến vì cô hàng sách hơn là vì
sách. Không những bọn trai lơ, đám sồn sồn mà cả các vị lão thành nữa đều bày tỏ
sự yêu văn chương của mình bằng cách tới lui ngó... sách.Ở chung nhà mà riêng phòng với tôi có hai thằng nhà văn nữa. Thằng A là ngôi
sao sáng nhất trong vòm trời Văn chương Thủ đô. Thằng B chẳng những là sao sáng
lại còn rất độc đáo trong những nhận xét về cuộc đời trước mặt. Cả hai đều trội
hơn tôi, nhưng tôi cũng có được vài quyển được bày bán ở đây. Và đó là lý do
chính đáng để cho tôi tới lui thường hơn người khác mà không phải bị hiểu... nhầm!
Ba thằng cùng ghi tên học tiếng Liên Xô một lúc, tôi bỏ lớp trước nhất. Ba thằng
cùng độc thân, tôi là người cô độc sau cùng. Thằng A có sách được xưởng phim Hà
Nội chuyển thành phim. Hắn bị một cô đào hát bóng xinh đẹp phải lòng. Cô đào
này lui tới và đem theo một người nữ đồng nghiệp, rồi người nữ đồng nghiệp này
lại bắt cóc thằng B đi luôn. Cả hai thằng bị tha đi nhốt ở đâu lâu lâu sổng tù
về nhà, nhưng rồi lại bị xớt đi. Trước đây, cả ba thằng đều chiêm ngưỡng cái điểm
5 ở hiệu sách Quốc Văn này nhưng bây giờ hai đứa đã tự loại ra khỏi cuộc chạy
đua thầm lặng thành ra tôi có thêm ít nhiều may mắn hơn.Tôi bước vào hiệu sách bằng cửa hông, trông thấy cái điểm 5 sáng như sao mọc ở
sau quày, nhưng tôi giả tảng lờ, đi thẳng về phía góc cuối cùng, nơi trước kia
đã từng bày bán một số sách cũ được dán cho cái nhãn tiến bộ như Tắt Đèn của
Ngô Tất Tố, Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan. Riêng Tố Tâm của Song An
Hoàng Ngọc Phách thì được bày ra như hàng mẫu không bán. Nhưng chỉ được ít lâu
thì tất cả biến mất. Phụ trách quày này là một bà đứng tuổi da mặt trắng tự
nhiên như dồi phấn, môi bôi son tím thẫm, áo dài nâu, bới đầu Lào, tóc hơi dợn
sóng hai bên thái dương, cử chỉ và giọng nói rất kiêu kỳ. Do màu môi của bà mà
khách gọi bà là bà Tím. Tôi quen với bà và tỏ ý muốn nhờ bà bắc cho chiếc cầu
ít nhịp nhất sang cái điểm 5 kia. Thấy tôi vào, bà đon đả:"Tôi chỉ muốn biết tại sao Cách Mạng tháng 10 mở một kỷ nguyên mới cho
nhân loại mà một người đàn bà đẹp như Dacha lại đón nó như một quả chanh chua?""Ông cũng muốn nếm cái vị chua ấy à?""Hễ chanh thì chanh ở đâu cũng chua, cần gì phải nếm của Liên Xô ạ!"Bà Tím cười. Tôi cũng cười. Bà lấy sách trao cho tôi, không gói gém gì. Cố
nhiên rồi. Bất cứ hàng gì của Hà Nội cũng đều không gói trước khi được trao cho
khách, trừ một vài món như muối, mắm, đường, dưa cải, cà muối để khách khỏi bụm
đem về nhà thôi."Nếu ông thấy chanh quá chua và cần làm dịu vị chua đi thì chịu khó ra ngã
tư Bờ Hồ ngó lên cao phía tay phải thì sẽ cảm thấy bớt đi nhiều đau khổ!"
Rồi lại cười một cách tinh quái, bà tiếp: "Nếu tôi không nhầm thì cái đau
khổ của ông không tìm thấy trên con đường đau khổ của Dacha đâu!"Tôi gật:"Bà nói đúng đấy. Có thể là ở đây, anh chàng Xéc gây không mang đến cho
Dacha quả chanh mà chính Dacha lại mang nó đến cho Xéc- gây!"Nãy giờ tuy nói chuyện với bà Tím nhưng con mắt sau lưng của tôi vẫn nhìn cái
điểm 5 lấp lánh, nghiêm trang, kiêu hãnh. Tôi nghĩ thầm: những câu đối đáp giữa
tôi và bà Tím chắc đã bay đến đụng nó.Gái Hà Nội đẹp đủ kiểu. Thầm kín, đỏm dáng, lẳng lơ. Không biết xếp nàng vào hạng
nào cho đúng nhưng có thể nói là đẹp lắm. Nàng vừa hao hao giống đầm lai lại phảng
phất nét đàn bà Hy- lạp. Có một anh bí thư (kiêm nhà thơ) của một cụ Nhớn khoe
rằng: vợ tôi có khuôn mặt và bộ ngực đẹp nhất Hà Nội! Anh ta nói vậy có lẽ vì
chưa đến ngó... sách ở hiệu này.Bà Tím hiểu tâm tình ông bạn trẻ bèn bắc dùm một nhịp sang cái điểm 5."Này Lý, em mang giúp cho ông nhà văn này tìm một quyển sách hay đi.""Xin mời ông. Sách ở đây đều là sách hay cả. Ông cần quyển gì?" Nàng
mau mắn đáp.Tôi hơi rờn rợn. Tôi tưởng một người đẹp thì giọng nói cũng êm tai, nhưng không,
nó eo éo chua thế nào ấy. Nếu nhắm mắt lại mà nghe thì người ta sẽ cho đó là của
một người không đẹp đến thế. Đúng là hình thức không đựng nội dung. Tôi vừa mới
bước tới một bước thì bà Tím lại đưa đà:"Ông ấy đã có con đường đau khổ trên tay rồi, Lý tìm cái gì vui vui cho
ông ấy nhé."Bỗng đâu có mấy anh chàng áo chim cò đi vào, lướt ngang mặt tôi, đến trước
quày."Cô có làm đĩ không cô?" Chàng cao gầy nhất bọn đột nhiên hỏi thẳng
nàng.Chàng béo thấp tiếp theo ngay:"Theo tôi biết thì trước kia cô ấy có, không biết bây giờ còn không? Ha
há!""Các anh này ở đâu mất dạy thế hở?" Lý như con mèo đang ngủ yên bỗng
xòe móng tát ngay.Anh chàng gầy xoa xoa tay nhũn nhặn một cách rất sân khấu:"Xin lỗi cô. Chúng tôi muốn hỏi xem ở đây có bán quyển Làm Đĩ của Vũ Trọng
Phụng hay không đó thôi. Cô có thì cứ nói là có, không thì thôi. Có gì đâu là mất
dạy ạ!"Cô nàng hất hàm sang bà Tím:"Bên đó trước kia có, không biết bây giờ đã hết chưa, còn ở đây không có
loại đó.""Tôi muốn tìm loại đó, cô có thì nói có chứ có gì đâu mà tự ái ạ!"
Anh béo nói."Có đấy! Cô ấy có mà." Bà Tím chõ mồm sang. "Tại cô ấy quên đấy
thôi!"Mẫy gã chim cò bấm nhau rút lui trong danh dự. Chúng ré lên cười khi vừa ra khỏi
cửa. Ngoài vỉa hè còn mấy đứa đứng lấp ló. Chúng nhập bọn rồi kéo nhau đi, một
tên còn ngoái lại trề môi:"Năm điểm Liên Xô rư...ưỡi!""Ừ nhẩy! Năm đĩ...iểm!"Tôi mất cả nguồn mỹ cảm vừa dâng lên và bình tĩnh nhận định rằng đây chưa phải
lúc để bước đi... nửa bước nên đành ôm con đường đau khổ lặng lẽ quay ra. Nhưng
lại sực nhớ lời khuyên của bà Tím, tôi không về nhà mà lại cuốc bộ đến cái rốn
mọc lệch của Thủ đô.Buổi chiều, ngã tư nhộn nhịp nhất thủ đô, cũng giống buổi sáng, rào lên những
hàng xe đạp nối nhau như những cụm lục bình trôi bất tận trên sông Cái Bé Cái Lớn
ở xứ tôi, với những bộ mặt bơ phờ, hối hả, nhớn nhác, như vừa mất gì hay đang
tìm gì.Nhìn xuống, Phố Huế hun hút: những thớt lưng còm, những cái đầu gằm, nhưng bộ
chân miết đạp nhưng chẳng bao giờ tới Huế. Ngó ngược lên: cái ngọn Cây Đa lập
quốc như mũi kiếm chọc trời làm rơi vỡ những mãng ráng đỏ bầm loang khắp mặt Hồ
nhăn nhó. Dừng chân như một người khách lạ giữa quê người, tôi không còn biết
đi đâu. Bát giác tôi ngó lên. À, ra cái này đây! Vậy mà lâu nay tôi không để ý.
Nếu không nhờ bà Tím mách thì tôi còn phải đau khổ thêm bao lâu nữa. Ở tận trên
cao: Một dãy người đông đúc, kẻ trước người sau mặt mũi hí hững, quần áo bảnh
bao, kẻ xách búa giơ búa, người cầm liềm quơ liềm, ai không búa không liềm thì
vung tay không, tất cả đều biểu diễn niềm hạnh phúc hiện ra trên nét mặt. Vui
quá là vui. Nhưng tôi tự hỏi: Người ở đâu trong lạ thế? Không phải người mình!
Tôi giụi mắt để nhìn cho rõ. Người thợ đi tiên phong mặc đồ xanh đầu đội mũ có
cái lưỡi trai gồ ra trước trán, tay cầm đèn khí đá chìa tới, tay cầm búa lăm lẵm,
nhưng có lẽ không định đánh ai hoặc đóng cây đinh nào vì trước mặt không có gì
để đóng và cũng không có ai để đánh ngoại trừ bên cạnh anh ta là một cô gái tóc
vàng. Cô này mặc váy, gấu thêu hoa rực rỡ, tay phải cầm liềm hái giơ lên quá đầu
anh công nhân, tay trái ôm một bó lúa hạt to bằng hạt dẻ, lá lúa cũng vàng như
tóc cô. Hai anh chị nhìn nhau cười tình như hẹn đưa nhau đến một nơi đã định
trước mà không sợ lạc lối, vì có ngọn đèn khí đá của công nhân soi đường. Tiếp
đó, đằng sau cặp trai gái này là một con nhà binh vạm vỡ, lẫm liệt tay cầm súng
AK, nhưng lại cười mỉm chứng tỏ anh ta nhập đoàn đi chơi cho vui chứ không phải
xuất trận vì nếu xuất trận thì chính AK phải kéo ngọn chứ không phải cái búa và
cái đèn khí đá kia. Hơn nữa sau lưng anh còn có một ông sồn sồn đeo kính cận vừa
đi lại vừa ngước nhìn qua vai anh lính, ý chừng sợ bị cái ông cầm búa dắt mình
đi nhầm chân trời. Đằng sau bốn vị này là một đám nam phụ lão ấu vừa đi vừa nhảy
múa ca hát tưng bừng. Có cả một cụ già cầm hoa và một tốp thiếu nữ vung váy lên
phơi trần những cặp đùi tận mãi cao mà một chàng thanh niên đang múa điệu gì lại
ngồi trên một chân còn chân kia duỗi thẳng, dán đôi mắt tinh nghịch vào. Tất cả
cái sinh hoạt này phới lên dưới một vòm trời hồng đậm, lố nhố những ống khói
nhà máy phun khói rất nên thơ. Và còn nữa, mà cái này thì tôi phải thấy chớ
không được vì lẽ gì mà nhìn sót. Đó là một cái thủ cấp ngó nghiêng của một lão
già mắt nheo, cằm nhọn như lưỡi cày chìa vôi vượt hẳn cả chót mũi. Nó tự nhiên
mọc lên giữa trời và được bao bọc bằng những tia sét chớp lòe, xẹt tủa tứ giăng
làm cho cái ánh đèn khí đá đang soi đường trở thành đom đóm.Chú thích:
Chương 2
Tôi nghe lòng phơi phới: Vị chua của trái chanh Dacha như có
mòi dịu đi. Tai tôi nghe một giọng hùng hồn từ đâu đấy vang âm... THẾ HỆ NÀY SẼ
ĐƯỢC THẤY CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN THỰC HIỆN Ở LIÊN XÔ!" 1. Tôi
bị hấp dẫn đến cực độ. Tôi suýt mọc cánh phóng lên chạy bay theo đoàn người để
nhảy múa liên hoan với họ, nhưng một tiếng tu- hít gắt gỏng làm tôi giật chân lại,
tỉnh mộng. Tôi lại giụi mắt. Thì ra đó chỉ là tấm áp phích quảng cáo do họa sĩ
nào vẽ rất khéo người to bằng thật nên tôi tưởng là thật. Dưới tận cùng tấm bảng
chạy thẳng bon một dòng chữ đen như hắc ín, nét thật mập: "Trích lời đồng
chí Nikita Khơ rúp sốp tại đại hội lần thứ..." À ra thế, cái đoàn người vừa
lính, vừa dân, vừa thợ, vừa thầy, vừa trai, vừa gái, vừa trẻ, vừa già đang hạnh
phúc kia là thoát thai từ câu văn tuyệt vời nọ mà hằng ngày màn nhĩ tai tôi bị
dội cả chục lần từ các miệng loa thép giăng bủa khắp băm sáu phố phường.
Thế là giấc mơ tôi đã qua, một giấc mơ đứng. Tôi rơi từ trên cao xuống mặt đường
như sau một giấc ngủ mười năm, hay lạc Thiên Thai như gã thư sinh nào, mới gặp
tiên chưa hưởng được mùi đào tiên đã phải trở về quê cũ.
Dưới trần thế, những đoàn xe đạp đua nhau trẩy hội với những cua- rơ, quần vá
đít, áo thủng cùi chỏ với những dây xích nghiến rít như những đầu gối khô nước
nhờn. Họ đuổi bắt nhau, vượt nhau, chen lấn nhau, bổ nhào, lại ngồi dậy chạy tiếp,
dưới ánh sáng đóm đóm soi đường của chiếc đèn khí đá từ trên hắt xuống mà cái
đích là đâu thì họ không biết và bao giờ đến thì lại càng không. Đạp ngang qua
đây những chàng cua rơ bất đắc chí ắt phải có đôi lần ngó lên nhìn cái đoàn người
xa lạ hạnh phúc kia mà tưởng cái nhân dân đó, khung trời đó là của mình, là
chính mình. Coi gần thế mà xa, càng đạp càng xa, hết năm này sang năm khác, hết
giấc ngủ mười năm này lại đến giấc ngủ mười năm khác mà cái bó lúa mì hạt to bằng
hạt giẻ kia vẫn con là mớ cỏ treo trước đầu ngựa. Người thợ nhà đèn Hà Nội vẫn
tin rằng cái ánh đèn khí đá kia tỏa xuống soi đường cho Thành phố này chứ không
phải đèn điện của nhà máy mình. Chỉ có những người mang kính thì ước mong được
dùng cái loại kính khác hiệu với cái của ông sợ bị dắt đi nhầm chân trời trên
kia. Ở đây là cuộc đời hay sân khấu? Còn ở trên kia là sân khấu hay cuộc đời?
Thế hệ này sẽ được thấy gì?
Sực nhớ ra rằng mình cần bỏ bụng thứ gì. Tôi bèn quày quả trở lại hợp tác xã
cơm. Đây đúng là cái quán trọ bên đường của tôi. Thằng B bạn tôi nó từng than
thở: đăng ký ăn cơm ở đây còn khó hơn vô đảng! Nhưng người đàn bà chủ nhiệm hợp
tác này rất dễ dãi với việc đi và đến của tôi. Đi không cần báo cắt đến không
phải báo ăn mà vẫn có khẩu phần sẵn. Sở dĩ được vậy vì tôi đưa bìa phiếu cả năm
của tôi cho bà, bà muốn mua bán đổi chát đều toàn quyền. Nên nhớ rằng một ô phiếu
không thể xin mà được, muốn có phải mua. Có ô phiếu mới có cái ăn cái mặc. Đổi
lại thẩm quyền ấy bà cho tôi hai đặc ân trên. Ở đời này có cái gì qua không có
lại mà vui vẻ đâu.
Hôm nay, không cần là ngày cuối tháng, tôi vẫn sạch túi. Đồng lương tôi hơn
lương bác sĩ, chưa kể các món nhuận bút, lại vô gia đình mà còn thế huống nữa
là nhân viên bán sách hay thợ nhà đèn. Một sự mỉa mai của nhà nước hay của hóa
công là cái hợp tác cơm trọ này ở cạnh rạp hát bóng và ngay trước mặt cửa hàng
ăn số 1. Có xu thì vào cửa hàng oai phong gọi cơm dĩa, túi xẹp thì hợp tác. Muốn
ăn cơm ở cửa hàng phải đến trước 11 giờ sáng và 7 giờ tối. Sau giờ đó khách chỉ
được tiếp đãi bằng cái bảng treo ngay ở trước cửa cái: "HẾT CƠM." Bảng
chưa treo, nhưng tôi phải qua hợp tác trọ yêu quý cười thân ái với bà chủ nhiệm.
Và được bà thông cảm ngay. Bà là niềm tin yêu và là nguồn sống của giai cấp vô
sản chơn chánh: cơm thùng nước chậu, la- sét bằng cây xỉa răng tự túc chứ không
được tăm trúc trơn láng của các tổ phụ lão tự cứu ở ngoại thành.
Tôi còn đang loay hoay thì một tiếng cười trêu chọc vang lên phía sau lưng:
"Tiền nhuận bút để nái hả mậy??"
Tôi quay lại. À nhà đạo diễn, bạn vong niên của tôi từ trong kháng chiến ở Nam
Bộ. Anh ta lêu đêu cao đến đổi sợ cả mang giày, tóc bao giờ cũng dợn sóng tình
và dù nghèo kiết vẫn giữ vẻ phong lưu, đặc biệt với hàng ria mép duyên dáng rất
nhạy cảm làm bình phong cho nụ cười dễ dàng nở trên môi.
"Bữa nay sao phải vô đại thế giới... ngô lang này?"
"Ông chạy khỏi nó à?"
Hai đứa cùng cười xòa, rồi cùng hiên ngang đi vào trong bếp. Thực khách đã đông
nghẹt, kẻ cắm cúi lua, người bận rộn lấy phần mang về nhà.
Tôi và Huyền Thanh, tên nhà đạo diễn, đến cái chạng có cả chục tầng lớp, mỗi tầng
lớp đều để chật những đĩa thức ăn đã phân định sẵn bằng sự công bình chính trực
tối đa - nghĩa là dù người đến trước kẻ đến sau, dù bắt món này hay bưng món
kia thì cũng khỏi áy náy rằng mình đã chơi trội hơn người hoặc sẽ khỏi đau khổ
vì người may mắn hơn mình, cho dù sự chơi trội hay sự may mắn kia cũng chỉ là một
mẫu cá kho bằng nửa lóng tay hay cái đầu con cá lòng tong hoặc một cái gốc rau
muống tua tủa rễ mà thôi. Tôi ngẩn ngơ hồi lâu mới quyết định nỗi. Tôi thọc cái
con đường đau khổ quách vào túi quần và bắt một miếng đầu cá quả bổ đôi nằm
trên một cái đĩa sứt và giữa một biển nước mà một tờ giấy thấm nếu học trò lỡ
tay đánh rơi vào có thể hút cạn ngay. Rau muống là căn bản rồi, khỏi phải nói,
nhưng ngoài rễ và cọng, tôi còn chú ý thấy mình có thể nuốt thêm được ba cái lá
xanh với một cái lá vàng. Đó là thức ăn. Còn cơm thì phải đến cho bà chủ nhiệm
tận tay đo phát. Một chén cơm lường, vài cục bột Liên Xô hoặc bột các nước
Hung, Tiệp, Bảo. Ở bên xứ nó chắc chắn sẽ trở thành bánh mì dòn thơm phức,
nhưng sang đây, rơi vào sự sáng tao của đảng ta, nó lại được vò lọn ném vào nước
sôi rồi vớt ra giống như chè trôi nước với những hình thù méo mó như đồ gốm 2. lập
thể đất nung của Picasso và không có nhưn mặn nhưn ngọt gì hết.
Nhà đạo diễn bưng một đĩa tép rang còn nguyên râu và đuôi, gồm có ba trự, hai
trự còn đủ thủ cấp, một trự bị chém treo ngành, và được trang trí bằng mấy trái
cà pháo đã bổ ra coi như nhiều hơn là để nguyên. Anh cười rung rinh hàng ria:
"Bữa nay có ngô bổ sung mày ạ! Mỗi người được một thìa vung!"
Tôi nhìn đĩa cơm liên hiệp ba thành phần của anh: một bệt ngô vàng nghế làm cho
chúm cơm trắng và mấy cục nâu lòn hòn nỗi bật lên. Anh trở vào một chập rồi ra
với hai tô lá sen nhỏ đầy nước đùn đục. Tôi biết đó là nước rau muống luộc có bỏ
trái sấu thay cho trái me làm canh chua. Và đấy là món ăn tùy tiện ai muốn bao
nhiêu cũng được. Anh ngồi xuống tề chỉnh, ngó quanh tỏ vẻ tìm gia vị ở các hiệu
ăn Tàu Hàng Buồm như dấm, tương, ớt, tiêu trộn bột đậu xanh (vì không có đủ
tiêu nguyên chất cho khách hàng). Tôi hỏi:
"Anh kiếm chanh hả?"
"Tao quên. Tao tưởng đây là Hàng Buồm!"
"Có đây" Tôi cười nhìn bộ ria nhạy cảm của anh rồi thọc tay vào túi
làm như sẽ móc chanh ra.
"Cái thằng! Nếu có, tao sẽ thưởng mày một chầu đặc biệt."
Tôi lôi cuốn sách ra giơ trước mặt anh:
"Chất chua đây!"
Anh bật cười và nói xa quá tầm tôi nghĩ.
"Thằng đạo diễn tài thật!" 3. Rồi
giật lấy quyển sách mở banh ra lật lật tìm.
"Chỗ nào?" Tôi hỏi. "Chỗ quả chanh thì đưa đây, tôi tìm
cho."
"Cái đoạn thành phố Mạc Tư Khoa mất điện, không đủ bánh mì, con Dacha vừa
đẻ, đứa bé chết. Đang lúc quẩn bách quẩn trí đó, thằng chồng lại mang về cho vợ
chỉ một quả chanh và tất cả những gì ưu ái của gã chỉ là làm cho vợ một ly nước
chanh. Dacha vị tình nếm một miếng và nhăn mặt đẩy cái ly ra: Em không muốn thứ
này...! Cách mạng thành công nhưng không nếm được!! Đạo diễn tài chứ mậy?"
"Ừ, tài thật! Còn anh làm sao cho ba cái món này ngọt lên để nuốt
coi."
"Bà chủ nhiệm bảo ớt dùng làm tương xuất cảng sang Liên Xô nên kể từ nay,
ai muốn ăn cay phải tự túc."
"Thế là Dacha hết nhăn nhó vì chua lại phải méo mặt vì cay à?"
Khi nuốt vừa xong chũm cơm thì rau cá cũng sạch láng, tôi còn đang suy nghĩ xem
có nên lấy thêm thức ăn - cố nhiên phải trả phụ trội - để cho cặp uyên ương ngô
nghiền- bọt mì luộc có lối êm ái đi vào bao tử hay không, thì ngoài cửa một tổ
ba người gồm một lão già, một người đàn bà và một đứa bé thuộc ba thế hệ khác
nhau (chắc có thế hệ đồng chí Khơ rút sốp nói tới trong bài diễn văn?) - xuất
hiện ở cửa hợp tác. Như máy, cả tôi lẫn nhà đạo diễn đứng dậy đem các thức đang
ăn trút vào chiếc nón lá rách bươm run run đưa ra từ tay lão già. Thằng bé con
chồm tới chụp ngay một quả trôi nước Liên Xô tọng vào mồm nhai ngấu nghiến.
Chú thích:
1 |
Tưởng câu này chỉ bịp dân Việt Nam, ai dè lừa cả dân Liên Xô. Giả Khơ cũng cho làm một cái áp phích to tổ bố dựng ở Mạc Tư Khoa - Vừa rồi tôi đọc báo Ngoại Quốc mới thấy (XV). |
2 |
Ceramic. |
3 |
Con đường đau khổ được chuyển thành phim. |
Chương 3
Hai đứa không quên rằng hợp tác xã này khá hơn các hợp tác xã
khác trong khu vực, nó phục dịch cái ăn tươi hơn, nóng sốt hơn, ngoài ra còn có
nước vối hoặc chè xanh loãng sau bữa cơm, uống bằng dăm chiếc chung sành công cộng
mà khách rất ngại ghé môi vào. Ở mậu dịch ăn xong không có nước uống, muốn uống
phải sang cửa hàng giải khát.
Thế là xong bữa cơm chiều. Chúng tôi rảo bước đi trên vỉa hè. Nhà đạo diễn nói:
"Chúng mình phải đăng ký mỗ ruột thừa là vừa, vì cơm sạn và rễ rau muống."
"Anh vẫn còn uống bicarbonate de soude để chế ngự bệnh đau bao tử chớ?"
"Tao sắp sửa đi thay toàn bộ. Bao tử một túi đổi ra bao tử bốn túi của loại
ruminant herbivore, loại nhơi cỏ!"
Tôi nhìn anh. Anh vẫn thản nhiên, nói tiếp:
"Một túi để chứa rau muống, một túi đựng cơm, một túi xay hột ngô, một túi
nghiền chè trôi nước Liên Xô."
Tôi nói:
"Tôi cũng sắp sửa đi nhà thương Phủ Doãn nhờ ông Tùng thay tim. Tim bốn
ngăn ra tim hai ngăn, một ngăn cho Xét lại, một ngăn cho Giáo Điều."
"Vậy ngăn nào cho Ba phải? Người mình phải tim ba ngăn mới được!"
"Ở đúng đó! Cách đây vài năm, tôi nào người ta cũng ôm cột đèn nghe loa, hết
Trung Quốc chửi Liên Xô, đến Liên Xô mắng Trung Quốc, nghe xong hoang mang thấy
ai cũng sai, ai cũng đúng cả."
Hai đứa cùng cười. Đang đi bỗng nhà đạo diễn níu tay tôi đứng lại.
"Ê, có một con nhỏ vừa đầu quân vô đoàn kịch của tao có cặp mắt giống như
mắt Danielle Darrieux 1.
Nó bắt tao đèo về nhà hoài, ngặt nó cứ kêu tao bằng bác... hí hí..."
"Anh thì lúc nào cũng Darrieux với Diétrich!" 2. Tôi
vừa nói vừa nhìn theo chiếc xe hòm lộng lẫy phóng trên đường, bụng nghĩ thầm -
xe của đồng chí nào mới vô sản hóa chắc!
"Đất nước ta còn nghèo, kẻ đi nhặt tí phân rơi, người đi Volga, thiệt là
lô gích hích hích, thiệt là biện chứ... ứng... ứng ứng." rồi anh lôi tay
tôi đi, vui vẻ: "Ê có bà đạo diễn Liên Xô còn trẻ và đẹp lắm, mới sang giúp
dựng vở mới Liên Xô cho đoàn, tao vừa nhảy với bả mấy bản Mại- dô- đốp, Rúm-
ba- la, bả khoái lắm!" "Ở, khoái thì khoái, nhưng anh đừng có nhầm bả
là Diétrich hay Darrieux nghe! Anh mới bị thuyên chuyển từ xưởng phim xuống
đoàn kịch. Hết đoàn kịch còn chỗ đâu mà đi?"
"Kéo màn các gánh chèo."
"Chèo với chả chống!"
"Ê đời mà mậy. La vie c'est... la mo cau! Mày biết không?" Bỗng anh
quay ngoắc lại trỏ tay: "Mày nhìn lên kia chút."
"Gì?"
"Le paradis suspendu!" Anh đưa tay che miệng nói. "Thiên đàng
treo!"
"Ai bảo vậy?" Tôi giật mình đánh thót, hỏi như máy.
"Bernard Shaw - Dớn dác nhìn quanh, không thấy ai, anh tiếp: "Thoạt
tiên tao có ý nghĩ đó là mảnh vườn treo 3,
nhưng nhìn kỹ thì không phải vườn. Thôi bỏ đi đừng nói nữa!"
Huyền Thanh có tú tài toàn phần thời Pháp, gốc đại địa chủ Mỹ Tho. Đi theo
kháng chiến chín năm, đóng vài lần kịch, viết dăm vở. Ra Hà Nội được phụ trách
chương trình sân khấu truyền thanh của Đài phát thanh. Vì không có đủ nhà lầu,
nên cơ quan cho anh ở ngay dưới hầm ngày xưa chủ nhân dùng chứa đồ phế thải. Một
tấm ván thô làm giường ngủ suốt năm năm. Còn lâu cục phân trí thức mới được xếp
vào loại quần chúng cảm tình trong khi anh gác cổng cơ quan gốc là dân nghèo Hà
Nội không đi kháng chiến một ngày lại được kết nạp từ lâu.
Năm trước có nhà đạo diễn điện ảnh Liên Xô sang mở lớp dạy nghề, cơ quan thương
cái công thâm niên kháng chiến, cho anh đi học. Học xong Huyền Thanh được giao
cho đạo diễn luôn một phim truyện về Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sở dĩ anh được chiếu cố
là vì câu chuyện xảy ra ở quê anh. Trong phim có một cảnh lê dương Tây đốt nhà
dân. Nhà đạo diễn thấm bài học thế nào không rõ mà ra lệnh cho ban thiết kế mỹ
thuật cất một lô nhà cửa và cho đốt. Tây giả lại đốt nhà thiệt. Phim quay chưa
xong mà chi tiêu quá cao nên hết tiền không quay tiếp được. Thượng cấp hạ chức
đạo diễn một cách tế nhị bằng đường lối thuyên chuyển anh sang kịch nói, là bộ
môn chắc chắn không thể có một vụ đốt nhà thiệt nào xảy ra nữa.
"Con ngựa sắt bỏ đâu?" Tôi đột nhiên hỏi.
"Vứt giữa đường cũng không ai thèm nhặt. Tao sắp ho lao vì đạp cái hủ lô
Trung Quốc đó!"
"Nhiều người còn không sắm nỗi đó cha! Đừng có bạc đãi nó!"
Vừa rảo bước vừa nói linh tinh, hai đứa đã qua khỏi rạp hát bóng. Nhà đạo diễn
gợi thêm:
"Ở đây có một Véra 4. và
một Philippovna 5,
Véra là của tao. Còn Philipovna thì mày có muốn làm hoàng thân ngốc Mít-
kin 6. hoặc
thằng Rồ- gô- gin 7. thì
tùy mày. Thằng Ngốc thì được nàng yêu mà không dám đáp lại còn thằng Rồ thì yêu
nàng mà không được nàng yêu. Nhưng để trả thù thằng Ngốc, nàng lấy thằng Rồ như
một cách trả thù thằng Ngốc và một cách chết chậm để tự trừng phạt mình. Phim rất
tuyệt, nhưng thành phần cơ bản cở tao mới được coi! Hí hí! Anh nắm tay tôi dừng
lại. "Véra đây rôi. Mày vô cửa hông, tao vô cửa cái!"
Tưởng ở đâu, ai dè cũng hiệu sách Quốc Văn. Tuy vậy tôi làm bộ ngơ ngác và bước
vào. Thấy tôi trở lại, cô Lý vui vẻ:
"Có lẽ ông tìm một quyển sách mà chưa gặp!"
Mặc dù ông đạo diễn đã đứng trước mặt, bà Tím vẫn chưa tiếp đón mà quay sang
đáp thay tôi:
"Vâng, ông ấy đang tìm! Cô mách hộ tí! Chắc ông ấy không tìm loại của mấy
anh chàng kia đâu!"
"Ơ kìa, em thấy chị đã trao cho ông ấy lúc nãy rồi mà."
"Có lẽ chưa đúng cái ông ấy tìm nên ông ấy mới trở lại!" Huyền Thanh
hớt trước tôi và vừa giơ đồng hồ tay lên xem vừa nói: "Sắp mãn giờ làm rồi
xin biếu bà và cô hai cái vé đây. Đằng rạp đang chiếu phim Xắc Cô 8. đi tìm hạnh phúc. Cái gì thì người ta
không ham chứ hạnh phúc thì ai ai cũng thích. Tôi mời hơi đường đột..."
"Cảm ơn ông! Chẳng có gì là đường đột đâu ạ! Nếu tôi không nhầm thì ông là
đạo diễn kịch nói mà tôi đã hơn một lần trông thấy trên sân khấu nhà hát lớn,
ông giới thiệu vở kịch LuBa của Liên Xô!"
"Chẳng những giới thiệu thôi mà anh ấy còn đóng giỏi nữa ạ. Vai gã đàn ông
tương tư!" Tôi nói.
"Dạ tôi cũng biết thế ạ. Vai ấy rất độc đáo!" Bà Tím tiếp luôn.
"Chúng tôi rất hân hạnh được ông biếu vé nhưng tiếc quá, tôi đã xem rồi."
"Bà thấy phim ấy thế nào?" Tôi hỏi.
"Nói về màu thì lòe loẹt có thừa." Bà Tím trề môi liếc sang cô láng
giềng. Ít phim nào bằng, nhưng về nội dung thì chẳng bằng phim nào ạ!"
Huyền Thanh bình tĩnh mỉm cười xã giao còn tôi thì lấy làm ngạc nhiên. Đây là
cái phim mà dân Hà Nội chen rách áo mới mua được vé, tại sao lại có một lời chỉ
trích thô bạo như thế mà là của một cặp môi tím rất nghệ thuật. Tôi thấy cô bạn
đồng nghiệp của bà Tím hơi xao động. Cô chớp chớp mắt rồi nói:
"Đúng đấy ông đạo diễn ạ. Chán lắm! Ngày nào tôi cũng thấy cái mặt Sắt trơ
trơ. Mỗi lần ngó tôi đều thương hại cho Xắc- Cô quá, đi tìm tới già mà chưa gặp
hạnh phúc." Nói xong cô bỏ đi để cho hai chàng nghệ sĩ ngó theo tấm lưng
ong uốn éo như khoe.
Tôi lãng đi coi sách ở các kệ còn Huyền Thanh đứng lại nói về Xắc- Cô với bà
Tím. Chập sau chúng tôi đi ra. Tôi trách:
"Sao ông mời bất ngờ vậy ai dám nhận?"
"Kịch tính phải không? Hì hì..." Rồi anh nháy tôi. "Thôi, ta đi
lại Bodega làm một cốc La Rose đã, rồi tao nói chuyện Sắc cô xô sắc cậu cho mày
nghe!"
"Thôi đi cha! Mới ăn bột mì luộc trộn ngô lại đi uống rượu Liên Xô vô trỏng
nó đánh... võ Tàu mệt lắm."
Rồi hai đứa chia tay. Tôi về nhà buồn như thất tình. Hai thằng bạn đi biền biệt
không có ai tán láo. Cái 5 điểm Liên Xô của tôi đi nhà hát tới khuya mới về.
Không có xe đạp như cụt chân. Tôi lấy mớ quần áo, quyển sách và vài tờ báo dồn
vô chiếc xắc du lịch ra bến tàu điện định đi Hà Đông chơi với thằng bạn Nam Kỳ
đang làm phó phòng dược liệu Ty Y Tế. Hồi kháng chiến nó thường biếu tôi thuốc
bổ máu, do Phòng Y Dược của nó bào chế bắt chước Hémoglobine Deschiens của Pháp
mà tôi nói đùa là uống huyết chó mực, đời sẽ đen như mõm chó cò. Tôi ra đến đường
Ngô Quyền thì một chiếc xe jeep thắng đánh két bên lề đường rồi một người mặc
quân phục nhanh nhẹn nhảy xuống chạy tới vỗ vai tôi:
"Đây rồi! Lâu nay đi đâu mà không đến chơi?"
Tôi nhìn ra: Chánh Ủy Hoàng, xếp cũ của tôi.
"À... anh!" Tôi đưa tay bắt.
"Đi vào văn phòng cái đã." Hoàng chánh ủy vẫy bảo chiếc xe jeep đi rồi
cắp tay tôi cuốc bộ băng qua đường. Chỉ vài bước là tới cửa văn phòng. Nó ở
ngay bên cạnh Quốc doanh ăn.
Tôi từ chối:
"Tôi bận đi lấy tài liệu viết bài, xin hứa khi khác!"
"Dề! Khi khác là khi nào nữa! Đề tài, tôi có thiếu gì. Vô đây tôi cho vài
cái." Nói vậy rồi ông chánh ủy lôi tuột tôi vào khoe với bà Hoàng đang
ngôi sau quày đếm tiền.
Mấy anh chàng đui cà then, anh thì bịt khăn đóng anh lại đội kê pi, anh nào anh
nấy đều râu ria bó hàm và mang giày da đen cao cổ đứng xớ rớ gần đó.
Hằng ngày tôi đều đi qua cửa văn phòng này: Hàng Không Dân Dụng Việt Nam. Một
cái bảng to tướng nền xanh chữ trắng (đáng lẽ phải là nền đỏ chữ vàng) độc nhất
mà tôi thấy ở Hà Nội. Tôi đã biết rằng Hoàng chánh ủy được phong chức cục trưởng
của Cục này và bà vợ làm văn phòng nhưng tôi không muốn ghé. Trong kháng chiến
gian khổ người ta sống bằng tình. Ra Hà Nội người ta coi tiêu chuẩn trên hết!
Bà Hoàng lăn tăn líu tíu với tôi một chốc rồi trở lại đếm tiền. Ông Hoàng vui vẻ:
"Hôm nay cậu phải về nhà mình chơi! Mình nhớ Chắc Băng quá sá!"
Bà chánh ủy nhờ tắm nước phông tên, ăn tiêu chuẩn chồng càng trắng da dài tóc
coi bộ muốn trẻ trung hơn hồi trước. Năm 1950 ông lội rừng, còn bà đi đường
thành, vào Nam. Hai ông bà gặp nhau có thêm một đứa con trai đặt tên là Điện
Biên vì lúc nó ra đời thì quân ta thắng to ở Điện Biên. Mới ngày nào đây còn ăn
lông ở lỗ với nhau. Tắm, nhảy ùm xuống kinh xáng lặn hụp rồi lên bờ kinh mượn
choàng của nhau thay quần; ăn, một mẩu khô cá sặc rằn chia nhau trên trận tuyến;
ngủ, ghé lưng chung chiếu, nóp rách đầu thủng đuôi... Bây giờ thì khác!
Hoàng chánh ủy tự tay pha cà phê mời tôi và trịnh trọng tuyên bố:
"Bữa nay nhất định cậu phải về nhà tôi chơi ăn cơm. Có mắm ăn mắm, có muối
ăn muối để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa."
Nghe câu ân tình đời dễ mấy ai đó, tôi đành phải lên xe đi với thủ trưởng cũ.
Ông chạy loang quanh ghé lại đâu năm sáu chỗ mất cả hai tiếng đồng hồ mới về đến
khu cư xá của sĩ quan cao cấp từ đại tá trở lên nằm ở sau khu chùa Một Cột gần
Ba Đình.
Ở đây không khí vương giả ngự trị rõ rệt. Những chòm cây xanh đen che nửa kín nửa
hở những biệt thự, những dãy nhà khang trang có cổng sắt và hàng rào sắt. Ở đây
xe đạp nhường ngôi cho Volga, Bobêđa, Mốckôwít...
Vừa qua khỏi cổng cư xá có lính gác thì chánh ủy Hoàng gặp người quen. Ông bảo
tài xế: "Cậu đưa ông văn sĩ đến nhà tôi rồi về nghỉ. Chừng hai tiếng đồng
hồ trở lại đưa ông ấy về." Nói xong chánh ủy quay sang trao chìa khóa cho
tôi. "Cậu tự tiện mở cửa vào ngồi nghỉ. Mười phút tôi về tới. Tôi ghé thăm
thằng bạn cũ tí. Tưởng nó hy sinh không ngờ lại còn sống. Thế nhé. Có thể vợ
tôi đã đón thằng Điện Biên về rồi. Nó lớn lắm!"
Chiếc xe jeep rù một phát là đến đầu mối đường vào nhà ông chánh ủy. Gã tài xế
trỏ cho tôi gian nhà mang số 5 rồi vút đi. Quái, lại cũng số 5! Tôi đi trên con
đường nhỏ lát gạch Tàu và giữa làn hương hoa huệ đang lác đác trổ hai bên.
Vừa đến gần nhà thì thấy cửa hé. Chắc bà ấy đã về. Tôi đi bươn thêm ít bước thì
dừng lại. Từ trong vọng ra tiếng cãi cọ. Sợ nhầm, tôi ngó lên đầu cửa. Không,
đúng số 5!
"Quỳnh! Em ngồi rốn lại đó, em không được đi!" Tiếng bà Hoàng rất rõ.
"Để em về kẻo muộn rồi chị ạ!"
"Thế là coi như xong đấy nhé! Chị bảo cho tụi nó. Thứ bảy, năm giờ rưỡi!"
"Không, em không gì... nữa chị ạ! Chị bảo em đến đây để chị trả lại hình
em."
"Xong rồi, thứ hai chị đưa cho, mất đi đâu mà sợ!"
"Chị cho em xin lại bây giờ đi."
"Chị để đâu chị quên rồi. Chị cho thêm cây Pa- ke nhé!"
"Em không cần bút."
"Em không cần nữa chị ạ."
Ngưng một chút.
"Quỳnh này! Chị thương em, chứ không phải chị không có người đâu em ạ! Gia
đình của em, mẹ em một nách năm con, lương em ba đồng ba cọc, em xoay xở làm
sao mà nói không cần. Em nghe chị đi! Sau đây chị sẽ cho em công việc làm trong
cơ quan chị. Sông có khúc người có lúc em nên tính lại cho kỹ để khỏi ân hận.
"Ơ kìa, sao cậu còn đứng đó. Vợ tôi đã về rồi kia!" Chính ủy Hoàng từ
ngoài đi vào kêu lên.
"Tôi đi đến đây thì tê... quá. Có lẽ vì không quen ngồi xe...!
Ông chánh ủy đẩy cửa và lôi tôi vào. Trong phòng khách chỉ còn một mình bà
Hoàng. Thấy chồng về, bà nói ngay:
"Cô Thủy lại đến xin việc đấy anh ạ!"
"Cô Thủy nào?"
"Cái ông này hồn vía để đâu thế? Đã bảo Thủy lại còn Thủy nào!"
"À, tôi nhớ ra rồi. Cái cô vẫn đến đây giúp em kết toán các sổ sách!"
Bà Hoàng nói vào trong:
"Thủy à, anh về đây này. Đừng khóc nữa! Để chị bảo anh cho việc."
Chanh ủy Hoàng vỗ tay đánh đốp reo lên. Ông vẫn vui tính như thuở nào:
"Thế thì hay quá. Người đâu gặp gỡ làm chi. Em bảo cô ấy ra đây cho anh giới
thiệu khách quý." Rồi quay sang tôi: "Cậu số đỏ thật đấy. Tài tử gặp
giai nhân rồi! Em làm cơn nhanh lên! Vào bàn ta sẽ nói chuyện tiếp."
Chú thích:
1 |
Một trong bảy kỳ quan thế giới: Le jardin suspendu. |
2-3 |
Các minh tinh trứ danh thập niên 30. |
4 |
Nhân vật nữ trong La princesse Mary của Lermontov. |
5 |
Nhân vật nữ trong Thằng Ngốc của Dotoiewski. |
6-7 |
Nhân vật trong Thằng Ngốc. |
8 |
Phim Liên Xô. |
9 |
Hiệu đồng hồ Thụy Sĩ. |
Chương 4
Bà chánh ủy vào trong. Hoàng chánh ủy làm như mọi chuyện đã xếp
đặt và tôi phải răm rắp nghe theo nên thầm thì với tôi: "Con nhỏ học lớp
12, rớt đại học. Ngoan lắm, xinh lắm, khó có cô nào bì. 5 điểm cộng Liên Xô. Cô
bé thương vợ mình như chị ruột. Tôi mà giới thiệu cậu thì chắc như bắp."
Tôi chưa hết hoang mang vì những tiếng Uy- le, Pa- ke trong cuộc đối thoại vừa
rồi thì lại ngạc nhiên về những cái tên. Sao mới vừa Quỳnh lại Thủy? Thì ông
chánh ủy dõng dạc:
"Cô Thủy đâu ra đây tí!"
"Em bảo mãi cô ấy không chịu ra."
"Gì mà thẹn. Đây như gia đình!" Nói xong ông chánh ủy vào trong và
kêu lên: "À, cô Quỳ!"
"Quỳ nào?" Bà chánh ủy lườm. "Cô Thủy đấy! Anh chưa già đã lẩm cẩm!"
Ông chánh ủy nắm bắp tay cô gái lôi ra và đặt cô ngồi vào chiếc ghế trống trước
mặt tôi:
"Ngồi đi, ăn với anh chị bữa cơm xem nào. Có người muốn làm quen."
Tôi suýt bật ngửa. Cô nàng xinh thật. Tóc đen cuộn sóng mượt mà, mặt trắng như
đầm lai. Gống như một màn kịch khéo hơn cả có bàn tay đạo diễn. Chẳng phải Quỳnh,
Thủy nào cả! Cô Lý ở hiệu Quốc Văn! Vậy người đối thoại với bà chánh ủy lúc nãy
là ai khác chớ không phải Lý. Tôi thầm nghĩ và thở phào. Mộng chưa thành nhưng
chưa tan.
Cơm dọn ra. Mọi người ngồi vào bàn.
Chạm mặt tôi, cô Lý hơi sựng một tí rồi nhìn thẳng, không ngó tôi, với vẻ
nghiêm trang như khi đứng sau quày hiệu sách Quốc Văn.
"Mời cầm đũa." Tiếng ông chủ nhà sỗn soãng một cách tự nhiên.
Thằng Điện Biên chê thức này vòi món kia và lần nào cũng được toại ý. Ông chánh
ủy còn khéo dùng nó như một gạch nối giữa tôi và cô Quỳnh - không, cô Lý cơ!
"Con gắp chả lụa cho cô với chú đi con!"
Bà chánh ủy trừng yêu:
"Đã cô thì phải dượng. Anh đã ăn cơm Nam Bộ mòn răng mà vẫn nói lệch tiếng."
"Ừ ừ... cô dượng!"
Hai ông bà cười với nhau. Tôi cũng cười. Cô Lý hơi đỏ mặt. Nhưng ông bà chưa
tha cho. Ông bảo:
"Cô bán sách của dượng, ủa của cậu, lâu nay mà chưa biết mặt tác giả đấy.
Cậu có mang quyển nào đây không?"
Tôi không biết đáp sao cho phải bèn đưa đũa vào tô canh mộc cố giẽ cục thịt vò
to tướng để tảng lờ câu hỏi của ông chánh ủy, nhưng ông lại xoay sang.
"Cô Quỳ, ủa cô Thủy, giúp cậu ấy tí! Đồng vợ đồng chồng,... xin lỗi, đồng
hội đồng thuyền tát biển Đông cũng cạn!" Ông chánh ủy dường như tự cho
mình cái quyền lẩm cẩm nên bà cũng thôi, không lườm ông nữa mỗi khi ông ủa.
Thức ăn tú ụ vung lù. Có lẽ chủ nhà không ngại khoe sang khoe giàu với khách
nên cứ dĩa tô nào hơi vơi tí là ông giục bà:
"Rội thêm, em." inh ỏi cả lên. Đến lúc xong bữa ăn mà các thức vẫn
như chưa được khách mó tới.
Ăn xong, ông lôi tôi sang nhà bạn ông vừa gặp lúc nãy:
"Sang đó uống nước cứt chồn cậu ạ!" Ông cười rinh lên. "Nói đùa,
cà phê Moka của Tam Dảo. Nó bảo phải sang, nó chờ. Nó có nhiều đề tài lắm,
kháng chiến lẫn hòa bình."
Thế là tôi lại phải đi. Tôi đi theo ông chánh ủy mà trong bụng chơm chỡm mọc
lên những cái dấu hỏi: "Quỳnh hay Quỳ? Mình có nghe nhầm không? Sao ông
chánh ủy lại nhầm tên một cách hồn nhiên vậy? Sao đã Quỳ lại còn Thuy? Làm như
có mật thám theo dõi nên cô ta phải đổi tên liền liền.
Ông bạn vui chuyện. Vừa uống cà phê vừa nhắc Sông Lô, Đoàn Hùng, Lũng Vày với
nhiều chi tiết thật ly kỳ. Tôi nghe rất thú vị, nhưng tâm trí không tập trung
được. Tuy vậy tôi cũng xin phép đi lấy sổ tay để ghi.
"Phải ghi mới nhớ hết! Cậu ấy sắp kể tới vụ bắt bọn Charton Lepage."
Ông Hoàng xoa tay. "Tha hồ viết. Đề tài ở đây chớ đâu mà phải đi tìm. Nhà
văn các cậu hỡ hỡ cái là đi thực tế nông thôn trong khi Hà Nội là một thực tế
phong phú nhất mà chẳng anh nào động tới cả. Cái hội văn sĩ quốc doanh của cậu
rõ thật lẫn thẫn!" (ông tưởng nhầm hội nhà văn cũng như các cơ quan khác
như mậu dịch quốc doanh hoặc quốc doanh vận tải. Tôi muốn đính chính nhưng lại
thôi)
Tôi phập phồng trở lại nhà số 5. Nhưng đi được một quãng ngắn thì tôi cảm thấy
hình như những cái dấu hỏi kia thúc giục tôi hơn lúc mới ra đi. Cho nên mặc dù
sực nhớ ra rằng cái xắc của tôi còn nằm trên xe, tôi vẫn đi như Xắc- Cô đi tìm
hạnh phúc.
Quả thật bên trong lại có một cuộc đối thoại mà thoạt tiên tôi nhận ra chính
hai cái giọng lúc nãy nhưng lần này cánh cửa mở rộng ra nên nghe rõ hơn. Tôi đứng
lại.
"Quỳnh này, em nên nghe chị, em phải ngoan như lâu nay em vẫn ngoan
ngoãn."
"Em không muốn dấn sâu vào ngõ cụt."
"Hừm, lối thoát mà em gọi là ngõ cụt. Đúng, cái ngõ cụt đó đã cứu
em!"
"Em tự tử mất chị ạ, nếu ở bên Liên Xô anh ấy hay được... thì anh ấy hết học
hành."
Bỗng bật ra tiếng khóc ri rỉ, to dần, tiếp theo tiếng nấc nghẹn, rồi một giọng
chua lè nhói lên:
"Xí! Liên với chả Xô! Đồng hồ to bằng cái cối đá! Đeo như đeo gông!"
"Hi hi hỉ ỉ... Em là lao động tiền tiến chị ạ!"
"Đi bên đó cả năm mới gởi về cho vợ chưa cưới một cái quạt tai tượng chỉ
bán được hơn chục bạc, chẳng bằng đi dạo mát với mấy thằng chà chóp này mươi
phút, nửa tiếng, sống cả năm. Ừ thì đi mà lao động tiền tiến lãnh bằng cấp về nấu
canh."
"Em nhục quá chị ạ! Hu hu...u hu."
"Không có nhục gì sất! Chịu thì đi, không chịu tao có đứa khác...! Quỳ, ủa
Quỳnh này, em có nghe chị không? Chị thương em như em ruột vậy."
"Anh ấy mới là người cần chị thương hại!"
"Ối giời! em ngây thơ thế hả Quỳnh! Em không biết là tụi con gái Liên Xô
nó dễ dãi kinh khủng hay sao? Chỉ cần một ổ bánh mì là đưa nhau vô rừng
thông."
Ngưng một chốc. Hoặc màng nhĩ tai tôi bị chọc thủng. Rồi lại:
"Mất mối này thì mai mốt em đừng có đến chị mà than: em khổ quá nhờ chị
giúp nữa nhé!"
"Con bạn em xinh lắm. 5 điểm Liên Xô, em đã giới thiệu cho chị!"
"Em hứa mãi rồi, em có đưa hình cho chị coi đâu. Mua trâu vẽ bóng, tụi ôn
dịch đó đâu có chịu chi tiền bông lông cho mình."
"Bạn em hứa tối nay sẽ có, để em đến lấy, sáng mai em đem lại văn phòng
cho chị."
"Có thêm bạn em càng vui chớ sao. Em thấy đó, đâu phải dễ gì tìm đến cái
ngõ cụt này. Chị bảo cho em biết, vừa có một lô ở bên nước mới sang. Túi còn đầy.
Chúng nó ham muốn biết Việt Nam. Còn một tụi sắp về nước nó lại muốn mang theo
một kỷ niệm. Mình phải nhè cái tâm lý đó mà bó...óp...!
Tôi hình dung ra khuôn mặt bà chánh ủy, môi ngoai chặt, mắt long lên. Bất giác
tôi thối lui rồi trở lại, bụng bảo dạ: may quá, mà chữa biết là may gì.
Đúng rồi! Kẻ đối thoại với bà chánh ủy là Quỳnh mà ông chánh ủy nhầm là Quỳ lúc
nãy. Đời có những cái không nên nhầm mà người ta vẫn cứ nhầm một cách hồn nhiên
vậy đó. Nhưng mặc Quỳ, hay Quý, Quỳnh hay Quỷnh gì cũng chẳng sao miễn đừng Lý
thì thôi. Lý đã về sau bữa cơm rồi. Còn cô Quỳnh nấp ở đâu bên trong lại trở
tra đối thoại tiếp. Tự phong mình chức đạo diễn, tôi sắp xếp lớp lang như thế.
Tuy tự cưỡng bách mình sắp xếp thứ lớp sự ra vào của nhân vật nhưng bụng tôi vẫn
không yên. Cái giọng của Quỳ hay Quỳnh gì đó nghe hơi giống giọng Lý. Từ lúc
tao ngộ với tôi đến lúc ăn xong, Lý không nói một câu nào. Tôi chỉ nghe cô đấu
nhau với bà Tím ở hiệu Quốc Văn thôi. Giọng cô tôi chỉ nhớ man mác, khó mà đem
ra so sánh với giọng của Quỳnh. Hơn nữa Quỳnh vừa khóc, tiếng nói nhòe ra không
thật. Cho nên tôi không thể cả quyết hoặc phủ nhận một điều gì. Đúng ra tôi
không muốn tin ở sự thực. Tôi trở lại nhà bạn ông chánh ủy. Ông này kêu lên:
"Anh ấy đang kể đến chỗ hay nhất đây này. Mau lên! Ơ kìa, sổ tay
đâu?"
"Tôi không có đem sổ tay theo anh ạ! Cần gì ghi ra giấy! Cái chuyện này
thì tôi sẽ nhớ đời đời!"
"Tôi đã bảo mà! Đề tài ở ngay đây, còn phải đi thực tế mò tìm cái gì nữa."
"Vâng! Đề tài ở ngay đây. May quá! Tôi khỏi phải mò, tự nhiên nó đến!"
Tôi ngồi nghe chuyện mà nhớ bộ ria mép tinh nghịch của nhà đạo diễn và cái mo.
Đến hai cái lận cơ! L'amour cũng là một cái mo, dày hơn cả cái la vie.
Ông chánh ủy và tôi trở lại nhà. Cô gái vẫn còn ở đó, đầu gục trong tay: Cô Lý.
Lạ vậy, tưởng về rồi lại còn đây. Tôi cố ép tôi nghĩ như thế. Cô Quỳ hay Quỳnh
mới nghe khóc đã biến rồi! Còn cô Thủy đâu? Các cô đến đây xin việc hơi nhiều! Ố
giời, tên với chả tuổi, ra ra, vào vào. Màn lớp gì lộn tùng phèo lên thế? Giá
nhà đạo diễn ở đây có phải đỡ hơn không? Tôi hoang mang đến cực độ.
Bà chánh ủy nhân đức với kẻ khốn quẩn.
"Mình phải tìm cách giúp cho cô ấy mới được anh ạ!"
"Tùy em... định liệu!" Ông chánh ủy rùn vai một cách rất xét lại.
Chiếc xe jeep đã hiện ra ngoài đường với cặp mắt điện chọc vỡ màn đêm trong
tôi. Ông chánh ủy chu đáo:
"Lúc nãy cô Quỳnh ủa Thủy đến với em hay đi xe đạp?"
"Em rước đấy chứ, xe cô ấy hỏng."
"Tốt lắm. Em rước, bây giờ thì anh đưa!"
"Thủy, vào lấy nửa khúc giò chị gói để trên bàn. Đem về cho các em kẻo muộn."
Cô Lý uể oải đứng dậy, mắt còn ngấn lệ, thẫn thờ bước ra cửa. Bà Hoàng vào bếp
lấy gói giò đi theo ấn vào tay Lý:
"Của ngon thế mà cứ đùn ra. Em nhớ sáng mai đem hình lại văn phòng cho chị
nhé."
Ông chánh ủy đi giữa, một tay nắm bắp tay Lý, một tay gác hờ trên vai tôi. Cả
ba cũng rảo bước giữa hai hàng hoa huệ trên con đường lát gạch lành lạnh. Sương
đêm xuống làm cho mùi hương nhạt ra và tanh tanh.
Bà chánh ủy ném theo:
"Chừng nào cô dượng ăn giầu cau nhớ cho anh chị hay, sẽ có tí quà!"
Ông chánh ủy vừa đi vừa nói luôn mồm, thỉnh thoảng lại ủa vì nhầm tên rồi tiếp
tục nói, rồi lại ủa, có đến ba bốn lần, tính đến lúc ra đến xe.
Ông bắt chúng tôi phải ngồi cả ở băng sau, ông chồm qua vỗ vai tôi rồi nắm bắp
tay cô Lý.
"Chúc cô cậu hạnh phúc!"
Gã tài xế như hận thủ trưởng từ đời nào - (gã tài xế nào mà chẳng hận thủ trưởng!)
- đạp mạnh ga. Chiếc xe phóng làm bàn tay ông chánh ủy đang bấm vào bắp tay cô
bạn đường của tôi lắc lắc nhịp nhàng với những lời dặn dò rủ rĩ tưởng không bao
giờ dứt phải giật ra như phỏng lửa. Như vẫn còn tiếc của đời, ông giơ lên vẫy vẫy
theo, không biết cho tôi hay cho nàng.
Tuy đã cắt lưỡi cắt tay của thủ trưởng rồi, gã tài xế vẫn chưa hết hậm hực. Ở
những khúc quanh, đáng lẽ phải tốp chậm, gã vẫn chạy vun vút. Gã bẻ lái gắt,
bánh xe như nghiến nát sỏi, cào tróc mặt đường. Cả tôi lẫn nàng đều phải bám
thành xe mỗi bên để khỏi phải nghiêng ngã vào nhau trên chuyến xe đêm hạnh phúc
bắt đắc dĩ. Xe vẫn lướt nhanh.
Tôi cố tìm ra một câu gì để xã giao nhưng sao tối dạ thế. Câu nào đến cũng bị gạt
đi vì tôi cho là không xài được. Thì may quá! Xe vừa vọt ngang Phủ chủ tịch.
Tôi chợt nhớ một câu văn trong tiểu thuyết vừa xuất bản được một nhà phê bình
có tiếng khen là rất tốt. Tôi bèn trỏ vào Phủ mà nói:
"Khuya rồi mà Bác vẫn chưa ngủ em nhỉ!"
Tôi nói xong thì ân hận tràn lòng. Tôi há chẳng biết nàng là sâu gặm các lá
sách Quốc Văn hằng ngày ư? Mang danh là nhà văn mà chẳng viết nỗi một câu như
thế để phải mượn của đồng nghiệp. Rõ đáng thẹn!
Cô nàng lặng thinh. Có lẽ cô đang nhếch mép. Chắc cô thừa hiểu tôi giật tạm câu
ấy ở đâu! Còn gã tài xế suốt đời chỉ ôm vô- lăng nên chẳng cần biết xuất xứ của
câu văn. Nhưng gã vụt quay lại, có lẽ vì cái tiếng em tôi mượn mà gã tưởng là sản
phẩm của tim tôi. Cái hạnh phúc mà ông chánh ủy vừa chúc bỗng trở nên đông đặc
giữa đêm hè. Tôi thấy tự ái một cách giả tạo như cái hạnh phúc kia.
Con đường Cột Cờ quá nhiều ổ gà. Xe dằn xốc liên miên, nhưng tôi không đến dổi
phải nhăn mặt như Dacha.
"Sách nội hay sách ngoại bán chạy hơn, cô Quỳ, ủa Lý, cô... Lý?"
"Cố nhiên là sách ngoại, ủa nội, chạy hơn!"
Tôi và cô hàng sách lại bị nhiễm cái tật ủa của ông chánh ủy hồi nào không hay.
Đáng lẽ cô phải nói ngược lại nghe mới xuôi. Còn tôi vốn đã nghe những lời nói
ngược thành xuôi theo kiểu đó quen tai, lâu ngày trở thành bản tính, nên không
cãi lại mà chỉ tỏ vẻ hơi ngạc nhiên:
"Sách Tolstoi mà ế hơn sách ta à?"
"À không, con đường đau khổ thì bán vèo ngay!"
"Thế mới biết người Hà Nội ta sành nghệ thuật lắm nhỉ!"
"Vâng!" Cô đáp, nhưng tiếng vâng có vẻ như có nghĩa ngược lại.
Còn tôi, tôi không cảm thấy hạnh phúc cho lắm với những câu đối thoại vừa trỏng
vừa cộc, nhưng nếu chúng dịu dàng thì chắc tôi sẽ đau khổ hơn. Xe bị xốc mạnh
vì một cái hố ở mặt đường. Có lẽ do đó nguồn mỹ cảm cũng văng đi. Tôi cố tìm
cách bắt nó lại. Tôi đã thất bại hai lần kể từ khi lên xe, lần này thì phải thành
công.
Tôi nói:
"Cái bà gì ấy chắc hồi còn trẻ đẹp lắm, cô... Lý nhỉ?"
"Vâng bà ấy khoe với em là hồi chưa lấy ông chánh ủy bà ấy là hoa khô...
khô... ôi."
"Không, tôi nói bà môi tím cơ."
"Bà nào ở Hà Nội mà môi chẳng tím. Có vui gì đâu mà... hồng được."
Chết chữa, tôi lại tối dạ nữa rồi. Nhưng vẫn bươn tới:
"Tôi nói cái bà Xắc- Cô cơ!"
"Vâng. Bà ấy đẹp lắm, đẹp nhất Hà Nội, đến trai cũng còn tán bả nữa đấy!"
Thôi, bỏ mạng rồi. Lần này tôi lại tối dạ hơn hai lần trước. Ai lại đi khen một
người đàn bà với một người đàn bà? Cầm bằng như độp vào mặt người ta vậy.
Tôi còn đang tìm cách vớt vát lỗi lầm thì cô nàng đã quay sang tôi. (Từ nãy giờ
nàng nói với tôi mà chỉ ngó thẳng hoặc ngó ra ngoài, bây giờ mới trực diện).
Nàng nói:
"Bà ấy đã tìm cho ông được con đường đau khổ..."
"Trong khi chúng tôi muốn mời bà đi..."
"... tìm Hạnh Phú... úc!"
"Hạnh phúc đi trước đau khổ theo sau."
"Đau khổ đi trước hạnh phúc theo..."
"Nhưng thường là hạnh phúc chẳng theo."
"Bất công thế đó!" Cô nàng lặng thinh giây lâu rồi đột nhiên nói:
"Bà ta cay cú tôi kinh khủng."
"Ơ kìa! Sao lại thế?"
"Trâu buộc ghét trâu ăn ủa ủa..."
"Trâu nào ăn trâu nó buộc? Buộc ở đâu và ăn gì?"
Cô nàng khựng lại một chút rồi đáp:
"Bà ấy muốn đem cô em dâu vào chỗ của em mà không được cho nên lúc nào
cũng xỏ xiên tôi."
Gã tài xế lại quay lại rồi tự nhiên hắc hơi, có lẽ để đánh dấu tiếng em bất ngờ
của nàng, nhưng cô nàng không cho cái cử chỉ ấy là khiếm nhã nên nói tiếp:
"Hôm ấy ông có đứng ở đấy mà! Tôi dằn lắm, nếu không tôi đã gọi Công An
ngay rồi! (Tiếng em nàng vừa dùng mà không ủa ở câu trước đã không được lưu dụng
ở câu sau như công chức Hà Nội cũ được cách mạng dùng xài sau Hòa Bình). Cái
đám chim cò đến hỏi sách kiểu đó là do bà ta giàn cảnh cả đấy để phá tôi."
"Ra bà ta có cả tài đạo diễn."
"Ông đạo diễn râu Ảng Lê đã nhiều lần lấy vé Xắc- Cô với bà!" Cô nàng
đã trút sự căm tức bà môi tím lên tôi. Cô tiếp: "Vâng, nhìn bên ngoài thì
đẹp chẳng ai bằng nhưng đi sâu vào thì chẳng bằng ai."
Có lẽ để trả thù một lần cho trọn vẹn, cô nàng rủ rỉ kể thêm:
"Bà ta cũng đi xem phim Xắc Cô với ông thủ trưởng cơ quan. Chả là chồng bà
ta làm thủ quỹ mà đi Mông Cổ. Ông ta bèn bắt vợ thế vào. Đi Mông Cổ là thụt két
ông hiểu không?"
"Thế sao bà ta vẫn bán sách mà không làm thủ quỹ?"
Nàng đáp lại tôi bằng sự im lặng.
Khổ thân chưa? Tôi lại càng tối dạ thêm lên. Hồi lâu nàng lại bật ra:
"Xí! Bà ấy mà thủ quỹ thì càng thụt nặng!"
"Thì bắt ông ấy ra thế bà ấy chứ gì!"
Tôi pha trò, tưởng là có duyên lắm, nhưng nàng lại không hưởng ứng.
Bỗng nhiên tôi như bị đẩy bật ngửa ra thành băng. Thì ra gã tài xế thắng gấp.
Xe đã tới nơi sau khi chạy ngoằn ngoèo không biết bao nhiêu đường quanh nẻo tắt.
Cô nàng nhảy xuống như trốn nợ, tay vẫn ôm tro tro cái gói giò. Gã tài xế hiệp
sĩ không cần tiếng cám ơn, vọt xe tới một ngõ thật hẹp, dường như gã rất quen,
rồi lùi lại, quành đầu trở ra đường cái.
Gã chạy như bay. Đến một ngã tư, gã hãm chậm lại và bảo tôi:
"Anh lên ngồi trên này với em!"
Thật là kỳ quặc, cái tiếng em của cô nàng! Rồi bây giờ của một thằng đàn ông
xưng em với thằng đàn ông mới quen. May cho nó, vừa bị nàng quẳng ra lại được
gã khoèo trở lại xài ngay. Tôi lên ngồi song song với gã. Gã cười:
"Bà chánh ủy giới thiệu anh với cô ấy là cô gì?"
"Cô Thủy ủa cô Quỳnh, cô Quỳ."
"Có giời biết được tên cô ấy! Em lái xe cho cổ mà còn chưa biết nữa là
anh. Chừng nào anh chị ăn giầu cau nói em biết để..."
"Biết chừng nào mua được mà ăn."
"Bà đó là bà chánh quỷ, chánh hiệu con quỷ cái!"
"Bà nào cơ?" Câu nói của gã tài xế như mũi dao nhọn rạch phăng cả cái
màn mây đen quanh tôi, nhưng tôi giả vờ không biết gì.
"Còn bà nào nữa! Em sắp bị cho nghỉ việc rồi."
"Bộ anh có phạm khuyết điểm gì à?" Tôi cố giữ tự nhiên.
"Khuyết điểm là em biết nhiều cái thối của Cục Hàng Không ăn vụng này.
Đúng là một cái cục... to nhất nhì Hà Nội. Tụi thổ táo Càri cay và Gà đãy nó cười
thối nước mình vì cái cục hàng đen dâm dục đó." Trong một câu anh ta chơi
chữ ba bốn lần.
Đường ban đêm rộng mênh mông không có xe mà cũng chẳng có người. Gã chạy nghêng
ngang chẳng cần phải chú tâm nên cứ nói oang oang:
"Em sẽ tung hê tất cả. Em sợ gì nữa mà giữ mồm giữ miệng. Anh còn nhớ hồi
năm ngoái báo Quân đội Nhân dân có đăng một vụ án tham ô hủ hóa không?"
Bị hỏi bất ngờ tôi chẳng biết đấy là đâu vả lại tờ báo này tôi chẳng bao giờ
ngó đừng nói đọc, nhưng đoán là có chuyện gì hay hay nên tôi cứ đưa đà cho gã
khui tiếp. Gã nói:
"Đó là một vụ đại tham ô chứ không phải tham ô, đại hủ hóa chứ không phải
chỉ hủ hóa. Tham ô là như cái ông chồng bà gì cô ấy kể lúc nãy kia, tức là tiền
công quỹ mà moi bỏ túi phải không anh? Còn đằng này thì không những bỏ túi của
công mà còn dùng công tác để mua bán đổi chát gì đó, nghĩa là tham ô bằng cả
hai tay.
"Ai tham ô cơ?"
"Thì một bà lớn... Bà ta công tác giỏi thế nào không biết mà có trong nhà
cả trăm đồng hồ Thụy Sĩ và bút Parker Canada. Công An tới xét nhà bắt được rồi
cho quân đội hay. Ấy là báo tường thuật, không phải tôi bịa đâu nhé. Tôi còn giữ
tờ báo kia. Quân đội bèn gởi phái viên tới điều tra tại nhà. Một ông tá đến lớ
quớ thế nào lại bị bắt mất hồn thư cho nên cuộc điều tra không có kết quả gì mà
ông đại tá lại tụt chức. Rồi một ông khác cũng tá, được gởi tiếp tới. Ông này
cũng đi không về rồi, nhưng báo nói rõ hơn là bà lớn lừa ông tá vào buồng ngủ rồi
trương cái hoa hồng h éo ra để cho ông tha hồ khám. Còn hơn cái cô gái Hàng Đào
hồi bác đảng mới về thủ đô bắt các chủ tiệm tư đăng ký hàng hóa, cô ta cũng giơ
cái hoa hồng ra, anh nhớ không?"
"Tôi nhớ ra rồi! Có phải là sau đó một cuộc học tập toàn quân?"
"Chứ còn gì nữa. Nhưng anh biết bà lớn đó là ai không?"
"Ai vậy?"
"Còn ai trồng khoai đất này!" Như sợ tiếng máy át, gã quát vào tai
tôi. "Còn ai?" Rồi tiếp: "Nhưng mà ổng chạy chọt làm sao đó, bà
ta vẫn y nguyên không mất tí uy tín! Anh coi có ớn không kia chứ. Vậy mà bây giờ
ổng sắp chỉ huy một Cục to hơn cái cục này. Sắp lên ga- lông rồi!"
"Lông gì?" Tôi bật cười. "Cục gì?"
"Lông gì ai biết lông gì, cục gì ai biết cục gì! Nhưng nếu chỉ có thế cũng
chưa ớn lắm! Năm ngoái bả đi nhà thương Xanh Pôn nằm cử. Ổng mừng quýnh khi được
gọi vào rước bà về. Ổng bảo là ổng sẽ đặt tên Hòa Bình nếu là con gái. Em lái
xe đưa ổng vào. Nhưng ba giờ sau ổng mới dìu bà ra, mà chỉ có mình bà, không có
bế bồng gì sốt."
"Sao vậy?"
"Thấy bả cúi gằm, còn ổng thì hầm hầm, em không dám hỏi. Nhưng sau đó người
người đều biết bà lớn đẻ ra một cô công chúa oẳng- tà- roằng con."
"Trời đất!"
"Tôi lái xe hằng ngày! Nếu tôi nói gian cho tôi chết thảm thiết."
Tôi nghe tê tái cả tâm can. Tưởng mình biết tỏng chuyện đời hơn người, chẳng ngờ
đời đang thế này mà mình tưởng nó thế kia. Hồi lâu tôi mới hỏi:
"Thế rồi ổng làm sao?"
"Ai biết! Nhưng anh thấy đó! Ổng bả vẫn anh anh em em rất là Sông Đông êm
đềm."
Từ sau khi nghe đối thoại ở nhà ông chánh ủy thì cái sự đời đã quá rõ, nhưng
tôi cố tình hiểu khác đi. Bây giờ lại nghe gã tài xế kể. Thôi đành bay cái điểm
5 mình đuổi bắt, chỉ nên giữ cái có trong tay cho chắc.
Khi xe chạy về phía nhà tôi, bỗng nhiên tôi bảo gã rẽ thẳng đến nhà hát rồi
vòng ra phía sau. Gã vui vẻ:
"Bộ đón cô nào hả?"
"Đêm nay kịch Liên Xô nghe nói hay lắm. Chắc còn màn chót. Tôi muốn xem nó
thế nào."
Gã trề môi:
"Kịch bên trong ăn nhằm mẹ gì. Kịch vòng ngoài mới hay. Anh vô coi đi. Em ở
ngoài này đợi anh ra, em đưa cho về nhà luôn một thể." Gã trở lại xưng
"em" ngọt ngào.
Tôi nhảy xuống đất. Cái bầu tâm sự nghe chừng nặng nề sau bữa cơm sang trọng.
Giờ này ai muốn vô bên trong phải đi cổng sau. Tôi đi dọc hông nhà hát. Quả thật
gã tài xế nói đúng. Trong kịch, ngoài cũng kịch. Trong kịch giả, ngoài kịch thật.
Trong vùng ánh sáng mờ mờ ảo ảo, những cặp, những đôi, quờ quạng, thầm thì, đứng
chết hoặc di chuyển dưới bóng cây, ven rìa bãi cỏ, trên ghế đá, tựa vào tường,
lọt thỏm vào những ổ tò vò của hông tường nhà hát. Một vệt bóng nhỏ đủ làm nên
sân khấu, loại sân khấu kỵ ánh sáng, kỵ tiếng động, kỵ nhất là khán giả.
Tôi vừa đi vừa ngó những chiếc xe đạp, xe bình bịch dựng rải rác khắp phía sau
nhà hát và tựa vào gốc cây. Bỗng tôi thấy hai chiếc niệc chùm với nhau, cả bánh
trước lẫn bánh sau. Như thế có nghĩa là hai người có một thời dụng biểu giống
nhau về đêm kịch này. Và là xe của diễn viên. Vì xe của khán giả thì có người
giữ xếp hàng dài dằng dặc mãi ở ngoài mép đường chứ không được hân hạnh vào tới
đây. Một chiếc của tôi. Còn chiếc kia? Chắc của gã híp py bị nàng báo cáo cấp
trên kiểm thảo. Hồi trưa, lúc ở nhà, trước mặt nàng tôi tỏ vẻ quân tử, nhưng
bây giờ tôi hơi bực. Đã báo cáo hắn sao còn khóa xe chung? Nhưng rồi tôi sực nhớ
rằng mình có chung thủy gì với người ta mà bắt người ta chung thủy với mình.
Mình hoạt động liên miên suốt từ lúc nàng ra đi. Vì không phản bội được nên phải
thủy chung. Người đời thường theo cái luân lý đó.
Nghĩ vậy tôi đi đến cửa hậu của nhà hát.
"Anh đến đón cô nào hả?" Một tiếng vọng ra.
"A không... Tôi muốn xem màn chót." Tôi giật mình vì không thấy ai.
"Chưa chót đâu. Kịch này tới năm màn. Bây giờ mới bắt đầu màn bốn."
Tuy không thấy ai nhưng tôi biết đó là lão già gác cửa nhà hát, cửa trước lẫn cửa
sau. Dù đông hay hè lão vẫn úp cái mũ nồi trên đầu và khoác chiếc áo pa- li- ô
cũ hai bên cổ ốp vào. Tôi vốn quen nhiều người trong các đoàn hát nên thường tới
lui cổng sau. Lão biết tôi không xem kịch, chỉ đến chơi ở hậu trường nên để tôi
tự do. Bù lại, tôi thường biếu lão hào bạc mua được sáu điếu lẽ Điện Biên. Lão
trấn giữ cửa nhà hát này từ thời diễn vở Kim Tiền của Vi Huyền Đắc do Nguyễn
Tuân thủ vai chính và vở Lôi Vũ của Tào Ngu mà Trúc Quỳnh thủ vai Phồn Y đầu
tiên trên sân khấu này, nên người ta cứ gọi lão là lão Gác.
Nghe lão nói kịch còn dài tôi chưa muốn vào vội. Mới có hơn mười giờ. Vậy mà tôi
tưởng cả một quãng đời. Mấy giờ đồng hồ qua tôi sống thật, sống nhiều, sống những
gì tôi không ngờ nỗi.
Lần này tôi biếu lão năm hào. Lại vẫn con số 5! Con số mà tôi bắt đầu thấy kỳ cục.
"Anh miền Nam phúc đức thế! Năm nay thế nào anh cũng đẻ một hoàng tử!"
Cái tiếng hoàng tử làm tôi chợt nhớ cô công chúa Oẳng tà roằng, tôi bật cười:
"Cháu là thằng cu ế 1. đây
cụ ạ!
"Thế thì năm nay lấy được vợ!"
"Cảm ơn cụ!"
Lão nhét tờ bạc vào túi áo trên rồi nói:
"Tôi gác cổng nhà hát cho Tây mấy chục năm, cho đến chế độ ta tám năm. Trước,
ông Tây bà đầm, ông huyện bà phủ hay dúi tiền thằng gác cổng hèn hạ. Chế độ ta
các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các tướng tá nguyên tắc chính trực quá, nên
không làm thế! Chỉ có anh mới cho tiền tôi thôi. Ấy, tôi nói thế anh đừng nghĩ
khác, tôi biết các anh rộng rãi. Người Bắc chúng tôi cũng nhận vậy mà, phải
riêng tôi đâu! Thôi anh vào đi, kịch đang hồi căng. Hay là chờ cô nào (Tôi nói tên).
Lão trừng mắt: "Ai thì tôi không biết chứ chờ cô ấy thì không có ở đây.
Cái tên lạ quá, tôi chưa từng nghe, hay là đoàn của cô diễn ở rạp nào
khác?"
Chú thích:
1 |
Nhân vật cải cách ruộng đất của Kim Lân thường được dân gian dùng để chế diễu những gì bị ế. |
Chương 5
Tôi giật mình. Bởi bị cấm đi xem nên tôi không biết nàng diễn
ở màn mấy. Chỉ nghe nàng nói là đóng vai híp py. Tôi tỏ ý sợ lão nhầm lẫn.
"Nhầm thế nào được mà nhầm chết người thế hở anh? Tôi thuộc hết cả mà! Cô ấy
đóng vai nữ híp py hả? Vai ấy chỉ có một tẹo ở màn một rồi thêm một tị nữa ở đầu
màn hai. Nhưng mà theo chỗ tôi biết thì vai ấy do cô Bạch Lan đóng."
"Vậy có lẽ đêm nay cô ấy đã thay vai." Tôi chống chế. "Hoặc diễn
xong cô còn rốn lại."
"Kịch sĩ hể xong là về. Không về thì đi nhỡn phố. Họ yêu sân khấu lắm
nhưng cũng rất chán sân khấu. Cũng như mình yêu đời nhưng lại rất chán đời. Tôi
không có lẩm cẩm như ông Đào gì... Cẩm tác giả Một Mạng Người đã bắt một tên
lính Sàigòn phải chết vì nhường một ống máu để tiêm cho cố vấn Mỹ đâu!"
Lão ngưng ngang và dò xét phản ứng của tôi bằng mắt. (Lão sợ tôi cho lão mất lập
trường. Tuy tôi không tỏ vẻ gì, lão vẫn đánh trống lãng) "Máu người đâu có
phải là nước lã phải không anh?" Rồi để khỏa lấp câu nói hớ - hay một nhận
xét chí lý cũng nên - lão kể vanh vách: "Anh hãy nghe đây, nhà hát này có
tới ba bốn cô Lệ. Cô Ngọc Lệ ở đoàn Ca múa Trung Ương, cô Tú Lệ ở Đoàn Cái
Lương Nam Bộ, cô Hồng Lê ở đoàn Ca Huế, trái lê chớ không phải giọt lệ là nước
mắt, anh nghe chữa? Chẳng có ai tên là Hồng Lệ cả!... Tôi nhầm thế nào được mà
nhầm! Cô Lệ của anh chắc đẹp lắm, đáng cho 5 điểm Liên Xô."
"Cụ cũng biết kiểu cho điểm đó nữa à?" Tôi bắt sang chuyện khác để giấu
sự bồn chồn.
"Biết chứ! Hà hà. Thế mà than ế vợ! Anh bí mật với tôi đấy nhé!"
Tôi lại lảng sang chuyện khác nữa để khỏa lấp sự giao động trong lòng.
"Hồi trước tới giờ cụ thấy vở kịch nào hay nhất?"
"Tôi chưa bao giờ xem trọn một vở nào. Nhưng gần đây thì kịch Liên Xô, thỉnh
thoảng tôi có vào liếc qua. Tôi thấy nhân vật tóc vàng mũi nhọn mặc váy mà nói
tiếng ta, xem nó hay hay thế nào ấy. Cho nên rồi tôi lại thích ngồi bên ngoài để
nghe ngóng, đoán màn đoán lớp hơn là vào xem. Nhưng theo tôi, vở kịch hay nhất
không phải là vở kịch được khán giả tới xem chật rạp, cũng không phải vở được vỗ
tay nhiều mà là vở kịch sau cánh gà. Kịch đó không cần đạo diễn, không cần son
phấn nhưng là vở kịch đáng xem nhất. Ở đó người ta không giấu giếm không đạo mạo,
ở đó người ta phơi trần cả ruột gan thật. Kịch đó mới là kịch."
Tôi lấy làm ngạc nhiên về cái triết lý của lão già. Tôi chưa kịp nói gì thì lão
tiếp:
"Có phải vậy không anh? Sở dĩ tôi nói vậy là vì tôi biết có những đào kép
lúc ra tuồng thì là đôi tình nhân hôn nhau mùi mẫn nhưng khi vào hậu trường bôi
mặt rồi thì hầm hừ với nhau như trong kịch Ghen 1.
Ngược lại có những người thù nhau ở ngoài đời nhưng lên sân khấu lại thành Lưu
Bình Dương Lễ. Có ông Châu Võ Vương trên sân khấu nhưng ở ngoài đời thực sự là
Trụ Vương. Có cô không tiền ăn xôi sáng nhưng tối lại trở thành Tây Thi. Có bà
Dương Quý Phi vừa nhào xuống sông Hồ Hán tự vận nhưng chập sau lại thấy ngồi
chong ngóc ở vỉa hè vui vẻ cạp giò gà lia lịa. Đó, anh thấy không, cái kịch ở
sau sân khấu mới là cái kịch thật, kịch dài, diễn tới diễn lui, đào kép cũ mèn
mà không nhàm, ai ai cũng xem không phải mua vé, ai ai cũng là diễn viên mà
không phải tập rèn chi cả. Đó mới chính là vở kịch hay nhất!"
Lão Gác còn ngon trớn nhưng tôi cười nói:
"Còn cụ đứng ở đây là ngoài hay trong sân khấu?"
"Tôi ấy à? Tôi đứng ở kẻ giữa, bước vô thì trong, bước ra thì ngoài. Hì
hì! Nhờ thế mà tôi thấy được bên trong lẫn bề ngoài. Anh nghe tôi nói này! Cửa
trước nghiêm trang oai võ bao nhiêu thì cửa hậu nhốn nháo ê chề bấy
nhiêu." Lão cười hề hề rồi tiếp ngay như sợ tôi làm mất trớn như vừa rồi.
"Do đó tôi thích đứng ở đây coi kịch hơn. Đứng ở đây tôi thấy được sự khác
nhau giữa chế độ ta và chế độ Tây anh ạ." (Tôi hỏi khác thế nào?) "Ở
chế độ Tây gọi là đào kép có vẻ khinh miệt nghề hát, chế độ ta gọi là diễn viên
nghe kính trọng hơn. Ở chế độ Tây đào kép đi xe hơi tới rạp hát, son phấn lòe
loẹt, ở chế độ ta diễn viên bình dân thanh bạch hơn nhiều. Ở chế độ Tây quan
toàn quyền thống soái đi coi hát thì chỉ qua đại tiền môn, tức là cửa trước
nhưng là cái cửa chính điện, không phải cửa xép hai bên, còn ở chế độ ta thì
lãnh tụ nhân dân lại thích gần nhân dân nên chỉ đi ngõ hậu!" Lão ậm ờ, ngó
chừng sự phản ứng của tôi rồi tiếp: "Thật đấy, tôi không dám bịa đâu mà! Lần
đó...ó" lão ho luôn một thôi dài, lại tiếp: Lần đó, sớm hơn chừng này tí,
tôi đang ngủ gà ngủ gật thì bỗng từ đâu hai chiếc xe cây ầm ầm chạy tới đổ ngay
bên gốc điệp kia cà. Rồi những đồng chí công an đồm độp nhảy xuống. Chỉ trong
chốc lát đã vây kín cả hai bên hông và phía sau nhà hát. Một đồng chí lôi tay
tôi đẩy vô phòng rồi đứng chặn ở cửa. Tôi không biết chuyện gì nên hé mắt nhìn
qua cửa sổ. Mười phút sau, một chiếc xe hòm đen trườn vô. Chiếc xe to quá to,
bóng quá bóng, xe Toàn Quyền Tây ăn thua gì đâu! Anh biết xe ai không?"
"Chắc của đồng chí..." Tôi lờ lững.
"Đồng chí nào? Cái anh này!" Lão ngưng một chút rồi tiếp: "Do đó
tôi mới nói là Toàn Quyền Tây đi vô coi hát bằng đại tiền môn còn lãnh tụ tối
cao của ta thì lại đi ngõ hậu..."
Tôi trừng mắt vì thấy lão sắp sửa chơi chữ. Lão thấy sự phản ứng của tôi nhưng
lão cứ sấn tới:
"Chớ không à? Anh là nhà văn mà không đọc báo tường thuật các lần ông cụ
đi thăm cơ quan và đơn vị bộ đội à? Các ông to bà lớn treo cờ treo quạt ở cổng
trước nhưng cụ lại vào từ đằng sau rồi từ bếp đi lên. Thậm chí cụ đi vô cầu
tiêu trước khi ban huấn thị."
Tôi đứng lặng thinh, tự hỏi, không biết lão già có định xỏ xiên mình không, nên
tôi không dám đem bụt công an ra xài. Võ đoán có thể phạm tội.
Để lão không còn thính giả nữa, tôi đi lại xe, đinh minh rằng gã tài xế đang ngủ
khò ở đó, nhờ gã đưa quách về nhà. Nhưng khi tôi quờ vào thì tay chỉ chạm băng
xe lạnh ngắt. Chắc gã đã chui ngõ hậu vào xem kịch lúc mình đang đi loanh
quanh. Nghĩ vậy tôi bèn leo lên ngồi ở băng sau, ngã lưng kiên nhẫn chờ. Nhưng
chỉ ngồi vài phút thì thấy không thể. Bao nhiêu sự đời quay lộn trong trí từ
trưa tới giờ làm tôi mệt nhừ. Tôi muốn về nhà để nằm trong một sự yên tĩnh tuyệt
đối: không nghe không thấy không biết thêm gì nữa. Tôi định nhảy xuống xe để lội
bộ.
Bỗng từ đằng kia có bóng người phăng phăng đi lại ngay đầu xe. Một gã đàn ông
cao lêu đêu đến thò đầu vào xe thì thào:
"Ê, bồ còn xăng không? (Thấy không ai đáp, người kia chồm ra băng sau) Tôi
cần gấp một lít, giúp tôi được không anh tài?"
Tôi suýt bật cười vì tôi nhận ra giọng quen. Tôi cố nén và làm lạ:
"Mua xăng đổ hủ lô Trung Quốc hả cha nội?"
"Ê mày, thằng quỷ!"
Tôi đã bắt gặp đúm râu ăng lê của nhà đạo diễn và nhà đạo diễn cũng nhận ra
tôi. Huyền Thanh kêu lên:
"Hoàng thân Mít- kin bữa nay không đi xe song mã lại cửi xe jeep của ai
đây?"
"Còn Xắc- Cô làm gì mà đi mua xăng gấp vậy?"
"Chiếc Mô- bi- lết đạp không nổ, tưởng bu- gi rỉ, ai dè hết xăng!"
"Bò lết ở đâu?"
"Của bả chớ đâu! Tụi tao rạo cảnh ngoài bờ sông rồi tao đưa bả vô coi kịch."
"Sao anh mời đi... hát bóng mà lại hát kịch?"
"Thì thanh đông kích tây chớ sao!" Nhà đạo diễn cười hí hí rồi tiếp:
"Tao vừa đưa bả vô ngõ hậu rồi dùng chiếc lết chở con nhỏ kêu tao bằng bác
lên Bách Thảo xem hoa. Tao đưa nó trở lại đây vừa đúng vai của nó ở màn bốn!
May quá, vừa hết xă... ăng!"
"Ai biểu xăng ít mà ham chạy! Nè, coi chừng nghe, trên má còn dấu gì tím
tím đó!"
"Hí hí... Một bên tím một bên hồng! Người này tát xong, mình chìa cho người
khác!"
"Ai làm gì xe tôi đấy hả?" Một tiếng hậm hực ném vào giữa cuộc đối thoại
đang hào hứng của chúng tôi.
Thì ra gã lái xe! Huyền Thanh nói như một khách hàng quen hồi đời nào.
"Xăng nhà binh chạy mạnh lắm. Giúp tôi đổ cái lết được không?"
"Được, nhưng chỉ một lít thôi. Tôi vừa hút ba bốn lít, nên chỉ còn đủ xài.
Gã giơ cái chai cầm ở tay, hồn nhiên nói: "Chai này cứng lít đây ông
anh!"
"Cứng mềm gì thì cũng lít nhưng cứng thích hơn." Nhà đạo diễn vừa cười
vừa móc bóp.
Gã moi trong túi quần một chiếc ống cao su nhỏ, ra lái xe mở nắp bình xăng thọc
vào và hút hút rồi cắm nhanh đầu kia vào họng chai. Xăng chảy re re êm ái. Gã vừa
ngó chừng vừa hỏi tôi:
"Anh xem kịch có hay không?"
"Hay! Hay lắm!"
"Em bảo là kịch ngoài này hay hơn mà! Khi khì! Em vừa xem một hoạt cảnh mất
chìa khóa. Đề tài thiệt là hay.
"Mất chìa khóa gì cơ?"
"Chìa khóa xe đạp. Hai cái xe khóa chùm dưới bóng cây đằng kia!"
Tôi giật mình. Gã tiếp:
"Một cô nàng xinh lắm, đến 5 điểm Liên Xô kia đấy. Cô ta dính chung với một
tay sồn sồn. Ông ta đã mở khóa của mình, ngó quanh tìm nàng nhưng nàng lại
không có ở đó. Có vẻ như hai người đóng kịch chung nên khóa chùm cho kẻ cắp khó
làm ăn. Chắc cô đã hết vai nen ra trước rồi bỏ đi đâu, đến chừng ông mãn lớp ra
thì không thấy cô nàng. Ông kịch sĩ nỗi cáu chửi om lên. May sao lúc đó cô nàng
vừa tới. Một anh trẻ đẹp đèo cô ta bằng xe gắn máy Liên Xô, cái thứ xe trông đến
quái gỡ, dở xe đạp dở xe máy. Anh chàng đưa cho cô cái máy ảnh rồi vù. Cô móc
túi lấy chìa khóa nhưng moi các túi đều không thấy. Chắc là rơi trên bãi cỏ đâu
đấy! Ông kịch sĩ cáu tiết có lẽ vì ghen hơn là vì đợi lâu. Cô nàng lúng túng
không biết làm cách nào. Em thấy thế mới bước đến tìm cách giúp đỡ... ỡ! Thì ra
cái khóa nội. Khoá nội thì có khóa cũng như không. Em lấy chìa khóa của em chọc
vào cái là bật ra ngay. Cả hai cảm ơn em rối rít." Gã tài xế đưa tay rút ống
cao su ra khỏi miệng chai và tiếp: "Khóa nội rẻ tiền, dễ mở, anh biết
không? Chìa nào cũng vừa cả! Thậm chí một que dây kẽm cũng thành công! Hố hố...
ố!"
--------------------------------
"Ghen" là vở kịch nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ. |
Chương 6
Tôi lùng bùng lổ tai khi xem gã diễn lại cái hoạt cảnh. Chưa
hết nhức đầu vì lối nói biểu tượng hai mặt của lão Gác bây giờ lại ê ẩm vì giọng
cười châm chọc của gã lái xe. Gã tiếp:
"Cái hay của vở kịch mất chìa khóa không phải ở chỗ mất chia khóa mà ở chỗ
khóa chung xe với một người mà lại đi với một người khác. Rủi chồng có bắt gặp
khóa xe chung với ông sồn sồn thì đâu có nghi ngờ. Phải không ạ? Đó, anh thấy kịch
bên ngoài chưa?" Gã đưa chai xăng cho nhà đạo diễn. Huyền Thanh mừng rỡ
xách đi.
"Thủ đô mình rồi sẽ oẵng tà roằng hết anh ạ!" Đột nhiên hắn thốt lên
với một giọng buồn thảm. "Chẳng phải vì nghèo đói mà thôi mà còn vì bịp.
Dưới, bịp, trên, thích nghe vỗ tay!" Gã đứng tựa vào đầu xe im lặng. Tôi
cũng lặng thinh. Nhà đạo diễn trở lại trả cái chai không và nói với tôi:
"Tao có yêu cầu bả nói giúp cho mày với con nhỏ..."
"Con nhỏ nào cơ?"
"Còn con nhỏ nào nữa? Nhưng bà ta lắc đầu. Bả bảo cô nàng đã hứa hôn với một
thằng đi học Liên Xô, cho nên biết bao nhiêu thằng đút đờ măng đều bị xổ toẹt hết...
Mày có gan thì cứ đút!" Nhà đạo diễn cười hí hí, lạc quan cả những lúc
không thể lạc quan. Tôi cười:
"Tại mấy thằng nào đó không có cái chìa khóa đúng!"
Gã tài xế quay lại:
"Cô nào mà ghê gớm dữ vậy ông? Chê khóa nội Hàng Mã để tìm khóa ngoại Pa-
ke Uy- le hả?"
Rồi gã lên xe mở máy đưa tôi về nhà, nhưng không hiểu sao ra tới ngã tư trước
nhà hát gã quẹo ra cái rốn thủ đô mọc lệch. Tôi định kêu lên thì hắn nói:
"Em cho anh xem cái này ngộ lắm!" Gã chạy không cần có sự đồng ý của
tôi.
Gã đỗ xe trước một cửa hàng giải khát quốc doanh nổi tiếng nhất ở phố Huế. Cà
phê đằng nhà bạn ông Chánh ủy rất ngon nhưng câu chuyện ở nhà ông Chánh ủy làm
tôi mất mỹ cảm đối với loại nước giải khát quý này, bây giờ thấy hiệu cà phê
tôi nhợn, nhưng cũng may, cửa hiệu đã đóng cửa từ sớm.
Gã quay lại:
"Anh ngồi đợi em tí nhé!" Rồi nhảy phốc xuống chạy biến vào trong con
đường hẻm tối om bên hông cửa hiệu.
Tôi ngồi trong vũng tối của mui xe ngó ra. Con phố Huế trước mặt như chiếc gậy
khổng lồ phóng càng xa càng nhọn theo luật viễn cận, đâm toạc qua cái rốn mọc lệch
của Thủ đô. Tôi ngó sang phải. Dãy hàng ba của Tổng Hợp Bách Hóa rộng mênh mông
với những cánh cửa đóng kín và những bậc tam cấp. Bỗng tôi giật mình, trố mắt.
Những hình hài đen đủi nhấp nhô, ngọ nguậy. Bởi chưa từng đi trên đường phố về
khuya nên tôi chưa bao giờ thấy cái cảnh con người lấy vỉa hè làm mái ấm. Vài
chục hay vài trăm. Hằng đêm hay chỉ đêm nay? Họ ở Hà Nội hay ở đâu đến?
Tôi thấy lại ba thế hệ ăn xin trước cửa hợp tác xã với chiếc nón lá run run
trên tay của lão già. Có lẽ lão ta đang nằm lẫn trong đống người đó.
Bất giác tôi ngoảnh mặt đi. Nhưng tôi phải quay lại vì có tiếng quát tháo. Hai
người Công An từ đâu lù lù đến đập họ dậy xua họ đi. Những người còn nằm nướng
đều bị dựng lên nốt. Người lớn, kẻ làu bàu, kẻ nằn nì, còn trẻ con khóc ré. Hai
người Công An vừa đũn họ đi, vừa trao đổi ý kiến oang oang:
"Tống họ về bóp Hàng Trống cho gần."
"Ở đó hết chỗ rồi. Cho về bóp Hàng Đậu. Gớm, những cái ngữ này như cứt ấy!
Cứ hốt xong lại đùn ra."
Đoàn người chậm chạp di dộng. Họ băng qua đường Tràng Tiền. Tôi nhìn rõ từng
người nhờ ngọn đèn ở góc đường. Đi đầu là một lão già, cắp chiếc nón lá cóp lại
trong nách, tay dắt một đứa trẻ cởi trần, quần xệ khỏi rốn; kế đó là hai người
đàn bà, một áo nâu một áo đen, cả hai đều mặc váy và tóc quấn rế. Đi sau cách một
quãng ngắn, là hai bà cụ, một bà chống gậy, lưng gập hẳn xuống, hai vạt áo trước
lòng thòng đong đưa theo mỗi bước lê, bà cụ kia vừa ôm ngực ho vừa bước theo.
Sau lưng hai bà là một người đàn bà tay nách con, đầu đội một cái thúng lỗng chỗng
những soong nồi. Một đứa bế lốc thốc chạy theo, vấp ngã khóc ré lên lại bò dậy
chạy theo mẹ, giống y cảnh chạy Tây ruồng hồi kháng chiến - tôi chợt nghĩ -
nhưng không, đã hòa bình rồi, lâu rồi. Có lẽ là thằng bé Gavroche 1. bên
Paris đi lạc sang thuộc địa.
Mắt tôi cay cay. Bất giác tôi ngó lên để ngăn nước mắt. Tôi bắt gặp cảnh múa
hát trên tầng cao. Từ bao giờ cho đến bây giờ mọi người vẫn còn đứng nguyên chỗ
cũ. Anh thợ mõ vẫn cầm chiếc đèn khí đá để soi đường, nhưng ánh đèn không sáng,
cô Khokhozienne cười chưa ra tiếng và vung quá trán chiếc liềm cong như cái điểm
5 lật úp (lại cũng điểm 5) và mắt anh thanh niên vũ ngồi vẫn chưa rời mục tiêu.
Tôi muốn vọt chạy theo đám người lôi thôi lếch thếch kia để bảo họ ngó lên cao
một chút, đừng có gằm mặt xuống đất mãi - thì sẽ thấy cái thiên đàng vui vẻ
kia. Đâu có cao lắm. Cứ chồng tất cả họ lên nhau thì có thể đụng tới mà. Hình
như để chứng thực cái lời chưa thốt ra của tôi, một chiếc xe hòm đen loáng chạy
vút qua như tên bắn. Chắc là xe ông bà nào đi coi hát về, xót ruột ghé qua phở
cá thể phi pháp bỏ bụng trước khi về dinh. "Đất nước ta còn nghèo, người
ngủ vỉa hè, kẻ ở villa." Lời ông đạo diễn hồi trưa làm tôi nảy ra câu thơ.
Chiếc xe đã biến dạng mà hai cục đèn lái còn quắc lại như cặp mắt đỏ ngầu của cọp
đói nhìn chòng chọc vào đoàn người... đói.
Gã tài xế trở lại. Gã ôm hai ba cục gì trước bụng đút dưới gầm băng lái. Tôi ngửi
thấy mùi cà phê và đường cát.
Gã nhảy lên xe rồ máy, quay nhanh để đưa tôi về nhà.
"Ản thua gì anh!" Gã phân trần một cách bất ngờ. "Nhằm gì, đồng
chí trưởng cửa hàng giải khát này so với mấy đồng chí giám đốc Cao- Xà-
Lá 2.
Báo đăng họ đút đít xe mô lô tô va vào kho tha hồ bốc nào lốp Sao Vàng, nào xà
phòng Ngọc Lan, thuốc lá Điện Biên chạy thẳng chợ trời! Riêng ông giám đốc thuốc
lá thì ngủ sơ sơ với 70 cô công nhân."
... Tôi về đến nhà, để nguyên quần áo ngã vật lên giường, không cả bật đèn,
mong tìm những giây phút yên ổn thần tiên. Nhưng nằm chưa ấm lưng thì nghe tiếng
gõ cửa. Tôi biết là cái "liềm dựng ngược" về. Tôi bật đèn và mở cửa.
Mặt mũi cô nàng còn đầy son phấn! Tôi làm vui hỏi:
"Em vừa ở dưới cuộc đời bước lên sân khấu." Tôi hơi ngạc nhiên thấy
cái máy ảnh đeo tòng teng bên hông nàng "hay từ sân khấu bước xuống cuộc đời?"
Không đợi tôi hỏi tiếp nàng giải thích ngay về cái máy ảnh:
"Bà đạo diễn Liên Xô định cho em sang bên đó học Ba Lê anh ạ. Bả khen cặp
chân em ghê lắm! Bả đưa cái máy ảnh cho em chụp chân em thật nhiều pô để bả
nghiên cứu."
"Thế kia à!" Tôi vừa đáp lơ là vừa nhìn cặp chân lộ ra từ hai ống quần
nàng đang vén lên rồi buông xuống ngay.
"Bà ấy bảo sang đây bà chưa thấy cặp chân nào đẹp bằng chân em!"
"Dữ vậy lận à?" Tôi dùng tiếng Nam Kỳ để pha trò. "Anh dzui quá
tay!"
Thấy tôi không săn đón như mọi đêm nàng đi diễn về mà cứ nằm ườn ra lại có phần
gắt gỏng, nàng hơi phật ý:
"Anh làm sao thế?"
"Hơi nhức đầu tí!" Tôi nằm xuống và kéo chăn đắp ngang bụng.
"Em có dầu cù là đây."
"Nhưng bớt rồi, bây giờ hơi đau bụng."
"Bị cơm liên hiệp ba thành phần chớ gì!" Nàng đặt chiếc máy ảnh trên
đầu lò sưởi rồi móc bóp, nhưng chưa tìm thấy hộp dầu nàng đã kêu lên: "Ấy
chết!"
"Gì thế?"
"Lúc anh đưa xe cho em, anh có đưa cái khóa không?"
"Anh có như Desdémona 3. đâu
mà (Tôi lại pha trò) khi trao bàn tay lại không trao trái tim!"
"Anh chỉ trao cho em chiếc xe, còn cái chìa khóa thì anh giữ lại."
"Cái khóa đã đi, chìa giữ làm gì?"
Nàng đứng lặng thinh. Tôi cười:
"Em cho rằng nơi em đứng là sân khấu chắc!"
"Không, em đã bước xuống sân khấu từ lâu rồi!"
"Nhưng sao em vẫn như còn đóng kịch?"
"Tại anh nghĩ thế chứ em có đóng kịch gì đâu!"
Tôi định gạn hỏi xem nàng đóng híppy ở sân khấu nào nhưng may sao có tiếng gõ cửa.
Chắc là một trong hai thằng bạn tôi về; tôi đang cần chúng nó quá, nên quát:
"Cứ vào đi!"
Quả đấm xoáy nhẹ. Cánh cửa mở rộng. Đúm râu Ảng Lê hiện ra trong khung cửa: Xắc-
Cô!
Tôi không ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của Huyền Thành.
"Hạnh phúc đâu có ở đây mà tìm, cha nội!"
Nhà đạo diễn nghẹo đầu:
"Cái hủ lô của tao bị thổi tiêu rồi!"
Tôi tung chăn ngồi bật dậy:
"Đã bảo mà! Không ai thèm lấy!! Thấy chưa?"
"Đưa tao mượn con ngựa của mày chạy về nhà chút!" Huyền Thanh vừa nói
vừa nháy tôi, ý hỏi: "nường nào đó, coi khớ quá vậy?"
"Bạn tôi, diễn viên đoàn kịch Trung Ương!" Tôi nói.
"Ủa, cô về đoàn hồi nào? Sao tôi không biết?"
"Em... chỉ ở đó vài ngày rồi sang đoàn Thủ Đô ạ!" Nàng lọng cọng đáp.
"À à, có lẽ tôi về thì cô vừa đi."
"Đây là đạo diễn Huyền Thanh của đoàn kịch Trung Ương đấy em!" Tôi giới
thiệu và tiếp. "Bạn tôi đang được bà đạo diễn Liên Xô chọn cho đi học Ba-
lê ở Liên Xô đấy ông ạ! Ông nói dzô dùm một tiếng đi!"
"Thế à?" Huyền Thanh nhìn tôi rồi nhìn nàng. "Tôi có quen bà đạo
diễn kịch nói chứ không biết bà đạo diễn Ba- lê. Nhưng mà trông cô năm điểm cộng
thế này thì bà ấy chọn là cái chắc rồi, cần gì tôi phải nói dzô?"
Tôi cười với nhà đạo diễn:
"Xe ở ngoài cửa, nhưng đừng có ném bậy bị thổi nữa nghe ông đạo!"
"Không có khóa à?"
"Có, nhưng khóa nội lại mất chìa!"
"Mất chìa là phước cho mày. Mày còn xài cái thứ khóa nội đó có ngày mất sạch!"
Vừa quay đi, Huyền Thanh trở lại nháy tôi lần nữa: "Mai gặp nhau 12 giờ
trưa ăn chè trôi nước, tao chỉ mày coi cái này, ngộ lắm!"
"Thiên đàng treo tôi đã rành rồi, tôi không có coi nữa."
"Không phải đâu! Một kỳ quan tao mới phát hiện. Hí hí..." Rồi nhà đạo
diễn biến nhanh. Cô nàng hơi bực mình bước lại khép cửa, nhưng bỗng nàng kêu
lên thất thanh và lùi bước thụt lùi.
Tôi vừa ngả lưng đã phải bật dậy.
Gã tài xế bước vào. Đúng y như các lớp kịch có sắp xếp. Gã giơ cái xắc của tôi
lên, mà mắt thì trố vào nàng híp py đang lùi lại gốc phòng như muốn lánh mặt
nhưng gã lái xe nói trỏng:
"Đi tìm khóa ngoại cho được việc! Thời này cô nào cũng thích khóa ngoại hết.
Khóa nội rẻ lắm. Khóa ngoại... hơn xa!"
Gã giơ xắc lên một bên để che mặt, nháy nháy tôi mấy cái liền, xong, buông nó
xuống giường.
"Chừng nào anh chị ăn giầu cau cho em hay với nhớ! Há há há!" Rồi gã
chạy đi.
Nàng đóng cửa đánh sầm và hỏi tôi ngay:
"Anh đi đâu mà bỏ quên đồ vậy? Anh quen với hắn à?"
"Nó là tài xế của Cục Hàng Không!"
"Anh có đến đó à? Bộ anh đi đâu với hắn à?" Nàng nói như giật mình.
"Thì sao?" Tôi vừa nằm xuống vừa hỏi.
"À... đâu có sao, em hỏi vậy thôi!" Mắt nàng chớp như đèn cửa biển.
"Bữa nay vai của em được người khác thay thế anh ạ. Nhưng khi khóa xe xong
chung với thằng phải gió thì em mới biết. Em đi tìm nó để mở khóa thì nó đã dậm
mặt nên không đi ra ngoài được. Em nhờ cậu quản lý của đoàn chở em đi lại bà
Liên Xô ngay. Nếu chậm trễ người ta giành chỗ mất. Anh biết không, có đến sáu bảy
trăm cô ghi tên để được tuyển chọn đấy! Nhưng bả cho em ưu tiên vì em có cặp
chân đẹp và đã từng lên sân khấu. Bả hỏi ham kỹ quá. Có đến mấy tiếng đồng hồ.
Chắc cái khóa xe em bỏ quên đằng đó."
"Thế là bả đã nhận em?" Tôi vui vẻ hỏi.
"Nhận để thực tập thôi! Còn thử thách chán!"
"Thế là em đã thoát vai híp- py!"
"Theo anh em có nên đi Liên Xô không?"
"Anh không phải là người quyết định."
Nàng sà lại ngồi ở mép giường, giọng âu yếm:
"Bộ hồi nãy anh có sang nhà hát hả?"
"Có lệnh cấm vĩnh viễn!"
"Anh tò mò lén xem em diễn, em biết, nhưng không gặp em mà lại thấy em
khóa xe chung với người khác thì giận chứ gì! Xí, vậy mà hồi chiều làm bộ
ngon!"
Nàng vuốt mà tôi. "Bây giờ còn giận hết? Em ghét anh lắm cơ! Hỡ là hờn!"
Nàng cúi xuống sát mặt tôi, mắt long lanh, hơi thở thơm nực và với giọng âu yếm
chưa từng có: "Từ rày đừng thế nữa nghe cưng!" Nàng suýt hôn tôi.
Tôi như tên tử tội nhìn lưỡi gươm hạnh phúc sa xuống cổ mình.
Tôi vốn là người nhẹ dạ, cả tin và không mấy khi đỏ trong tình yêu, cho nên
nghe mấy lời tự sự của nàng, những đám mây đen lỡn vỡn trong đầu tôi đều tan biến.
Hơn nữa tôi tự nhủ, mình đâu toàn bích mà đòi người ta tuyệt vời. Và: "Biết
đâu mình chẳng nghĩ lầm, hiểu lầm. Võ đoán có tội!"
Thôi, mình hãy yêu cái mình có vậy. Đuổi theo cái nào nữa. Và kết quả của một
cuộc săn đuổi đã được phơi bày ra rồi. Tôi nghe đôi môi nàng chạm vào môi tôi.
Cái hôn này tôi sẽ chấp nhận và xem đó như khúc quanh quyết định. Nhưng bỗng cộc
cộc...
"Ai?" Nàng quay lại gắt.
"Bạn anh đó! Mở cửa đi. Anh sẽ giới thiệu với chúng nó em là..."
Nàng bước lại vặn mạnh quả đấm, lôi cánh cửa ra và đứng nép qua một bên chờ đợi
ông khách không mời mà đến, mà lại đến vào lúc người ta sắp hôn nhau.
Một khuôn mặt trắng đẹp như đầm lại hiện ra làm tôi suýt kêu lên, nhưng tôi đã
ghìm lại như chiếc xe bị thắng gấp.
"Xin lỗi... ông... có cô Kha..."
... Tôi vẫn nằm bất động làm như không quen biết gì nữ khách.
"Ơ ơ... Khanh!"
"Kìa Liên!" Nàng nói gần như không thành tiếng.
Hai người khựng lại một giây rồi nàng cau có:
"Tớ bảo là có đến thì đứng ở bên vườn hoa trước cửa nhà rồi tớ ra vì nhà
này không phải là nhà của tớ!"
"Thì mình đã đứng cả buổi, không thấy cậu ra nên mới đánh bạo vào đây
tìm."
"Tớ bảo là mười hai giờ trưa mai kia mà."
"Vậy mình nghe là mười hai giờ khuya nay! Thôi được, mai, chắc nhé!"
"Chậc!" Nàng gãi đầu gãi tai và ấp úng, rối rấm.
"Cơ quan cần lắm. Lần này cậu sai hẹn nữa thì mất mối, ủa mất việc!"
Nói xong, không hỏi, không chào nàng lẫn tôi, nữ khách quay nhanh như trốn.
Nàng khép mạnh cửa.
"Hình gì mà người ta tới đòi lúc nửa đêm vậy em!" Tôi hất hàm.
"Bộ bạn thân à?"
"Vâng, bạn em ở Cục Thủy Sản ấy mà! Nó có khiếu đóng kịch nên muốn nhờ em
giới thiệu vào đoàn của em. Em phải chụp hình nó chứ em có đưa hình gì cho nó
đâu!"
"Sao cô ta đòi hình của em. Cô ta nhầm chắc! Báo hại làm anh tưởng em đưa
hình cho cô ấy giới thiệu qua Cục Thủy Sản hay Cục gì... chớ!" Tôi cười nhạt
và nhìn thẳng mặt nàng.
"Em như vầy mà đi Cục... gì?... Rõ con nhỏ thật lẩm cẩm!"
Cái bệnh lẩm cẩm của ông Chánh ủy thế mà dễ lây. Lý, Quỳnh, Quỳ, Thủy rồi bây
giờ lại Liên. Bằng ấy tên cho một con người mà chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. Lâu
nay tôi vẫn thấy cô đứng bán sách Quốc Văn, cho tới hồi sáng này. Vậy cô sang cục
Thủy Sản bao giờ? Lúc nãy cô ta hơi biến sắc khi trông thấy tôi. Và tôi cũng thấy
nàng hippy nháy một cái rất kín trước khi cô Thủy Sản lui ra.
"Em tên Khanh bao giờ thế hả?"
"Hồi đó em đóng vở kịch của ông gì... có n hân vật tên Khanh nên bạn em gọi
đùa em thế!"
"Chỉ Khanh suông, không có họ Võ hay họ gì khác?"
"Sở Khanh là đàn ông chứ anh?" Nàng nhanh miệng đáp chặn họng tôi.
"Đàn bà cũng Sở Khanh được, cứ gì phải đàn ông?"
Nàng tảng lờ:
"Cô ta đáng 5 điểm... hả anh? Để em giới thiệu nhá!"
"Ừ năm đĩ... iểm!" Tôi bắt chước lối phát âm của đám chim cò rồi ôm bụng
kêu đau.
Nàng rối rít.
"Anh làm sao thế anh? Cơn đau dày vò anh à?"
"Không, anh buồn nôn tự nãy giờ mà không nôn được, khổ thế!"
Nàng móc bóp hộp cù là đưa cho tôi.
"Kịch sĩ chúng em thường dùng loại dầu này để bôi mắt khóc, kết quả ghê gớm!"
Tôi nhìn chiếc lọ sơn đỏ không có nhãn hiệu Con Cọp Bay hay Ông Phật gì cả thì
biết là "cà lù" quốc doanh nấu bằng sáp với nước gừng. Bôi vào da,
cháy da, bôi vào mũi, cả mũi lẫn mắt cùng khóc một lúc, nên lắc đầu:
"Anh không phải là kịch sĩ. Hơn nữa hiện giờ anh buồn nôn chứ không muốn
khóc."
Bất giác, tôi xoay mình úp mặt vào tường. Những đám mây ngỡ đã tan đi bây giờ
ùn ùn kéo trở lại phủ kín đè nặng cả đầu óc tôi. Bên tai tôi dội lên tiếng cười
chói óc của những gã chim cò mà môi thì như chạm phải vành cốc nước chanh của
Dacha.
Nàng nắm vai, lật ngửa tôi và gần như gào lên:
"Anh, anh làm sao thế? Anh có đỡ buồn nôn chưa để em bôi dầu?"
"Giá có thuốc gì làm cho anh nôn ngay được bây giờ thì tốt nhất."
Chú thích:
1 |
Cậu bé trong Những Người Khốn Khổ của Hugo. |
2 |
Cao su, xà phòng, thuốc lá, ba xưởng sản xuất quốc doanh của Hà Nội, Ban giám đốc có thành tích ăn trộm số 1 Miền Bắc. |
3 |
Người yêu của Othello. |
Xuân Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét