Đoản khúc mùa thu
Anh yêu, anh là một người mù
Nên em đâu dám trách
Còn em, em có nguyên đôi mắt
Song chẳng để làm chi...
(Halin Poxvattôpxka)
Chúng ta gặp lại nhau vào một ban mai cuối thu. Trên bãi cỏ cạnh
ghế đá công viên chúng ta cùng ngồi, hai đứa bé xinh xắn đang mải mê nghịch ngợm
những chiếc lá bàng đỏ, những trái bằng lăng khô mà chúng mới tha thẩn nhặt về.
Giọng nói, tiếng cười hồn nhiên của chúng hòa cùng tiếng chim hót thánh thót
văng vẳng đâu đó. Hai đứa bé ấy chính là hai đứa cháu út ít của chúng ta.
Bên hồ. Mặt nước trong veo, vơi cạn, lăn tăn sóng gợn. Cây
phượng cao lớn vững chãi vươn những nhánh cành thanh mảnh về phía bầu trời xanh
thẫm lạ lùng. Một ngày cuối của mùa thu. Nắng vàng hoe da diết. Những chiếc lá
phượng bé bỏng, li ti, già nua, vàng úa cuối cùng còn vương vấn trên cây bị cơn
gió heo may bứt xuống. Bay, bay mãi. Lá phượng rơi lên tay, chạm vào mặt, bám
lên mái tóc chúng ta.
Có thể, đó cũng là cây phượng con cháu của loài cây tuổi trẻ
chúng ta đã từng ghi dấu. Ngày xưa, những ngày đã lâu lắm rồi, cây phượng gù ấy
đổ nghiêng thân về phía lòng hồ. Cành lá mảnh mai của nó lòa xòa trên mặt nước.
Tưởng như sẽ chạm hẳn vào mặt hồ mà rồi lại dè dặt run rẩy cách xa...
- Đến ngày cưới, chỉ cần em nói: Anh hãy kết thúc ngay trò
đùa này đi! Anh đừng làm em đau khổ nữa! Một lời thôi, anh cũng sẵn sàng từ bỏ
tất cả, cam lòng bị nguyền rủa, cam chịu mắc nợ cả đời với người con gái kia để
cùng em, chạy trốn đến bất cứ nơi nào ta cảm thấy bình yên và hạnh phúc. Nhưng
em đã không làm thế...
- Em còn nhớ. Ngày anh cưới vợ em mặc chiếc áo màu cánh sen,
hở cổ và chiếc váy dài màu trắng sữa. Dáng mảnh mai, tóc ngắn rẽ ngôi bên,
gương mặt trang điểm nhẹ nhàng, đầu ngẩng cao và ánh nhìn lạnh băng kiêu hãnh,
em đã xuất hiện trước anh trong hình hài anh chưa bao giờ được trông thấy. Xinh
đẹp, dịu dàng, trẻ trung, trang trọng và xa cách vô cùng. Rất nhiều người trai
trẻ nhìn theo và mỉm cười thân thiện với em. Như một đôi rất yêu nhau, em khoác
tay đi bên anh ấy, hồn hậu, nhiệt thành chúc mừng anh như cầu chúc cho người bạn
thân thiết.
...Suốt buổi, anh ấy luôn phải nắm rất chặt tay em, đôi lúc
còn khẽ lắc lắc, như muốn nhắc: Chị vững vàng lên nhé. Còn có tôi đang bên cạnh
chị đây này!
Dĩ nhiên là em làm sao quên được vai diễn của mình. Em đã cố
tìm gặp và nhờ cậy một chàng trai trẻ đóng vai người yêu để đi dự đám cưới của
người yêu cũ. Có vẻ như ảnh hưởng trích đoạn bộ phim tâm lý hoặc trang tiểu thuyết
tình cảm buồn thảm nào đó. Nhưng anh ấy đã nhận lời. Có thể, vì sự chân thật của
em. Có thể, vì anh ấy cũng có trong mình tố chất của người nghệ sĩ: Đồng cảm, dễ
sẻ chia, giàu lòng trắc ẩn và nhiệt thành!
Em lặng lẽ nhìn cô dâu đi bên cạnh anh. Nghe nói, cô ấy kém
em vài tuổi nhưng vì ngày cưới phải mang trên người quá nhiều đồ trang sức cộng
với khuôn mặt trang điểm hơi kỹ nên có vẻ nặng nề, khô cứng và già dặn. Cô ấy
khỏe mạnh, lộng lẫy, cân đối, hiểu biết và vui vẻ là được rồi. Em nghĩ và thành
thật tin vào hạnh phúc của anh. Vậy mà không hiểu sao khi tan tiệc, ra cửa, chạm
vào nụ cười và lắng nghe giọng nói cảm ơn bè bạn của cô ấy em lại thấy có điều
gì đó bất ổn... Nhưng em vội vàng xóa đi ý nghĩ này. Chỉ là linh cảm thoáng
qua, linh cảm của một người đa đoan, mẫn cảm mà rõ ràng không nên như thế đối với
cô gái đã có được anh trong đời. Trở về nhà, em ngã ngay xuống gối. Mệt nhoài,
buồn thảm, trái tim cũng như quỵ xuống vì phải trải qua tình huống quá sự chịu
đựng của mình.
- Cuộc hôn nhân của anh chỉ yên ổn trong một vài năm. Khi đứa
con đầu lòng ra đời, vợ chồng anh không sống cùng cha mẹ nữa mà ra ở riêng. Anh
được đề bạt chức vụ cao hơn, công việc như ý và tiền bạc kiếm được ngày một dễ
dàng. Vậy mà chẳng hiểu sao anh lại nhớ đến em nhiều thế. Mọi việc đối với anh
trôi chảy, bài bản, suôn sẻ, thuận chiều nhưng sao tâm hồn anh trống rỗng và
đơn điệu. Anh biết, anh đã sống bằng thói quen mất rồi. Anh và vợ anh hoàn toàn
không hiểu nhau. Sự đồng cảm, chia sẻ, dịu dàng mà cô ấy dành cho anh những ngày
yêu nhau chẳng qua cũng chỉ là một sự cố tình tạo ra để có được anh. Cái gì
không phải là tự nhiên thì sẽ không bền lâu. Trước năm tháng đời người, sự gượng
ép, giả tạo mau chóng phôi phai, lộ chân tướng. Điều bất hạnh lớn trong đời người
đàn ông là không được sống cùng tri âm, tri kỷ. Không có em, nhớ em nhiều, anh
âm thầm hiểu ra lý lẽ tình yêu của em. Chẳng ai yêu anh như em yêu anh. Lúc nào
cũng dè dặt, lúc nào cũng dịu dàng, lúc nào cũng chưa trọn vẹn. Một tình cảm
thoang thoảng, thực hư, mờ ảo, trên bạn bè một chút, dưới tình yêu một chút...
Anh đã từng nghĩ, tình yêu của em dành cho anh, giống như nước lã. Nhưng bây giờ
anh lại hiểu, đó không phải là thứ “nước lã người dưng” mà là nước lã tinh khiết,
âm thầm bên nước đường ngọt ngào, mê đắm. Nước đường thì quyến rũ và dễ say
lòng. Nhưng không ai uống nước đường được mãi. Chỉ có nước lã mới bền lâu...
Khi anh thực sự biết đau, cũng là lúc đã quá muộn màng...
Là kẻ mất mát tình yêu, em hoàn toàn gục ngã, kiệt sức và cảm
thấy cuộc sống của mình không tồn tại nữa. Những tặng vật kỷ niệm anh dành cho
em đều được gói ghém và mang đi chôn cất. Em muốn yên lành. Muốn lãng quên.
Sáng nào thức giấc em cũng phải nhìn vào ảnh cha, nước mắt vòng quanh, thầm thì
hàng trăm lần lời hứa âm thầm trước vong linh người đã khuất. Những sắc màu
loang lổ trên toan vẽ. Những hình khối lớn bé, xiêu vẹo, xấp ngã. Những đóa hoa
run rẩy dưới ánh trăng giá lạnh. Những em bé, những cánh chim nhỏ nhoi trước
ban mai rộng lớn. Em vẽ, cứ vẽ, vẽ mải miết. Em quên hết thời gian, quên cả nỗi
muộn phiền, quên nỗi khổ đau hiện hữu và những nhức nhối trong tâm tưởng... Tâm
trí và sức lực em dồn hết cho sự lựa chọn của mình, sự lựa chọn nhọc nhằn, cay
đắng, một hành trình không hứa hẹn gì đến thành công và vinh quang cả. Nhưng
mong ước có người kế nghiệp hội họa của cha, những giọt nước mắt và nụ cười
không bao giờ trọn vẹn của em lại chính là điểm tựa vững vàng nhất mà em có. Đi
tới bến bờ này lại nhận ra nơi phía trước kia hình như mới chính là bờ bến mình
cần đến. Nghệ thuật không có điểm dừng lại. Nỗi buồn đau riêng tư cũng không
bao giờ hết cả. Em đã vẽ rất nhiều, rất nhiều. Vẽ như hòa cả tâm hồn mình vào
những sắc màu, hình khối của năm tháng ấy...
- Tranh của em luôn đầy sức sống, niềm tin, lạc quan và hy vọng.
“Hoa mặt trời”, “Em bé và con thỏ”, “Khung cửa mùa thu”, “Bà mẹ”, “Bàn tay người
tạc tượng”... Anh được tận mắt chiêm ngưỡng sự thành công của em vào chính những
ngày buồn thảm nhất của đời anh. Con trai anh phải đưa vào trại cai nghiện ma
túy lần thứ tư. Vợ thì gần như mắc bệnh tâm thần, còn đứa con gái bị chồng bỏ cứ
hễ gặp mặt bố là rầu rĩ, thở than, khóc lóc. Ban lãnh đạo mới không xếp anh vào
êkíp làm việc của mình. Anh như rơi xuống vực thẳm, đầy chông gai, không thể
nào gượng đứng dậy được. Mới ngoài bốn mươi mà tóc anh bạc trắng. Rượu, trà,
thuốc lá, bóng đá và cờ bạc là bầu bạn thường xuyên của anh. Phòng cơ quan, nhà
mấy người bạn độc thân rồi quán xá trở thành nhà trọ thân thiết hơn mái nhà anh
từng sống bao nhiêu năm tháng. Rồi em ạ, tình cờ (ôi, tuổi trung niên còn xúc động
và thức tỉnh trước sự tình cờ của số phận mới thật kỳ lạ!), một buổi vào giờ
cơm tối, anh đang ngồi lơ mơ trong quán rượu thì tivi đưa chương trình về em. Vẫn
gương mặt xinh xắn, trẻ trung, dịu dàng. Vẫn nụ cười tinh nghịch, hồn hậu. Vẫn
đôi mắt rực sáng và ánh nhìn ngay thẳng. Dù em có đẫy đà hơn, quý phái và sang
trọng hơn, anh vẫn nhận ra em. Em trả lời phỏng vấn. Kỹ thuật viên để gương mặt
em nổi bật trên khuôn hình, để tất cả khán giả hâm mộ đều được thấy rõ, được
như đang trực tiếp đối diện với em. Vậy mà, khi ấy, anh lại có cảm giác là em
chỉ nhìn thấy, chỉ nói chuyện với mình anh. Em đã thành công rồi. Lời hứa âm thầm
trước người cha đã khuất của em mà mãi sau này anh mới biết nay đã thành hiện
thực. Không ngờ, trong hội họa, một người vào tuổi hai mươi ba mới bắt đầu đi
những bước đầu tiên lại mau chóng đạt được vinh quang rực rỡ. “Tôi muốn dành những
lời sau nhất để gửi tới một người bạn của tôi, một kiến trúc sư tài hoa của những
năm tôi tuổi hai mươi. Tôi vừa được biết, hiện tại anh đang gặp nhiều trắc trở
trong sự nghiệp và đời sống riêng tư. Nhưng tôi luôn luôn tin rằng bằng nghị lực
và tài năng của mình nhất định anh sẽ vượt qua. Vào giây phút này tôi mong mỏi
được chia sẻ cùng anh như với người thân thiết yêu dấu của tôi”.
“Anh ngồi quán đấy à!”, “Anh đừng hút thuốc lá!”, “Anh đừng uống
rượu nhé!”... Ngày xưa, em vẫn hồn hậu, ngây thơ, nhẹ nhàng khuyên can, nhắc nhở,
quan tâm đến anh một gã lãng tử bụi phủi bất cần đời như thế. Bây giờ, thành đạt
và vinh quang, em không lãng quên bạn bè cũ, em chưa hề quên anh... Như kẻ bừng
tỉnh sau cơn mê, anh liêu xiêu đứng dậy, móc ví trả hết số tiền nợ của quán rượu
rồi loạng quạng bước nhanh ra cửa. Ngôi nhà của anh. Dưới ánh đèn nêông nhợt nhạt,
con gái anh đang ngồi chờ bố bên mâm cơm. Vợ anh nhác bóng chồng vội xòe quạt
giấy che mặt và cười khanh khách. Ghế bên phải anh còn trống trải - vị trí của
đứa con nghiện ngập đang cai nghiện chưa về. Xộc xệch, tan nát, bất hạnh. Nhưng
đó là gia đình của anh. Nó cần anh làm điểm tựa, cần anh vững vàng nhóm lại ngọn
lửa hồng ấm áp, cần anh xốc lên, vực dậy. Sống hơn nửa đời, anh phải làm lại từ
đầu. Nhọc nhằn và cay đắng. Điều anh làm lại cho anh, cho vợ con anh không hẳn
hoàn mỹ nhưng chắc chắn có ý nghĩa hơn những tháng ngày bạc nhược trước đó. Anh
làm tất cả những gì mình có thể làm đó là vì ai, em biết mà...
- Chồng em mất đã hơn mười năm rồi. Hơn ba ngàn ngày, em đã sống
những phút giây trống rỗng. Nhưng em cảm ơn số phận đã ưu ái trao vào tay em
tình yêu của anh ấy. Anh ấy chính là chàng trai có mặt bên em trong đám cưới
anh ngày nào. Anh ấy là một họa sĩ, là học trò của bố em, là người thầy đầu
tiên hướng dẫn em những nét cọ đầu tiên. Nhưng nếu em không hạnh phúc thì em
cũng không đổ lỗi cho anh. Đừng trách quá khứ vì nếu cho ta làm lại từ đầu chưa
chắc ta đã làm khác đi. Đôi khi con người ta cứ hay tuyệt đối hóa tình yêu.
Chưa hẳn một tình yêu đẹp sẽ đưa đến một hôn nhân đẹp. Đừng lấy quá vãng bao biện
cho những thua thiệt hiện tại. Có phải thế không?
Bà cụ ho húng hắng. Vẫn bị viêm họng đấy à? Ông lão lo lắng.
Có nhớ ngậm gừng với một tý muối không? Phải mặc áo len cao cổ đấy nhé. Kìa,
quàng lại khăn đi, gió thế này... Bà cụ móm mém cười, ngượng ngùng nhìn ông
lão. Hói mất rồi nhỉ. Tóc lơ thơ thế này mà chẳng chịu mũ mão gì cả. Lạnh đầu lắm.
Đây, tôi có mang hộp dầu gió, xoa ngay một ít vào thái dương cho ấm đi nào...
Ông lão định bảo, bà yên tâm, tôi đàn ông đàn ang đâu có mỏng manh, ốm yếu như
ba, nhưng vội ghìm lại được. Phải rồi, ngày xa xưa ấy, mỗi lần người yêu dấu của
cả cuộc đời ông dặn dò điều gì ông đều ra vẻ ngoan ngoãn nghe lời, thậm chí thề
ước tuân thủ để rồi làm ngược lại tất cả. Ông cảm thấy thích thú, cảm thấy hạnh
phúc khi nàng tức giận, dỗi hờn. Ông đã mong nàng thú nhận, mong được chứng kiến
rằng vì ông ngang bướng, ương ngạnh, tồi tệ, lười nhác, xấu xa mà nàng phải
khóc lóc, khổ sở, đau buồn. Ông đã nghĩ, như thế mới có thể nhận ra tình cảm của
nàng đối với ông là đặc biệt, là hơn hẳn so với đám con trai tài hoa, giàu có,
đẹp mã, luôn vây quanh, tôn sùng bên nàng kia. Ông muốn có được tín hiệu tình
yêu riêng của mình theo cách lạ lùng như thế. Bởi vì ông không bao giờ có đủ sự
tự tin mỗi khi đối diện nàng hoặc đối mặt các “đối thủ” của mình. Ông không hề
biết rằng, đúng hơn ông đã không nhận ra rằng nàng là một cô gái lặng thầm và
cương nghị. Tình yêu của nàng dành cho ông giống như ngôi sao bé nhỏ trên trời
xa, tưởng chừng yếu ớt nhưng vô cùng mãnh liệt. Ông đã không đủ can đảm, không
đủ tự tin để đến gần ngôi sao tình yêu đời mình... Sai cả đời rồi, không thể tiếp
tục sai thêm nữa. Mùi dầu thơm cay thoang thoảng bay...
- Ông vừa hẹn tôi ngày mai, vào giờ này chúng ta lại đưa cháu
ra ngoài công viên chơi phải không? Tôi chẳng hứa hẹn gì đâu. Tuổi già giống
như cây nến cạn kiệt vì đã đốt cháy bản thân suốt những tháng năm đời người. Biết
đâu ngày mai ngọn nến ấy lại không còn cháy nữa. Như thế lại thành thất hứa, lỡ
hẹn với nhau... Thôi, ông ạ, tôi chỉ mong, con đường chung trước lối rẽ trở về
với mỗi ngôi nhà của chúng ta dài thêm ra một chút. Muốn thế, thì chúng ta đi
cùng nhau chầm chậm. Ông hãy đi bên tôi và nhìn những đứa cháu đang tung tăng
chạy phía trước kia. Chúng ta đang đi giữa mùa thu đấy. Liệu có phải là mùa thu
cuối cùng của cuộc đời không? Ai mà biết trước được... ông nhỉ?
Hình như ngàn chiếc lá đang dệt một ban mai vàng.
3/3/2006 Nguyễn Đình Tú
3/3/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét