Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Về nhà văn Khái Hưng

Về nhà văn Khái Hưng

Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trần. Bút danh Khái Hưng của ông được ghép từ các chữ cái của tên Khánh Giư. Ông sinh năm 1896 (1897?), xuất thân trong một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng, nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng...
Khái Hưng học chương trình Pháp tại Lycée Albert Sarraut Hà Nội, ông bỏ ngang việc học sau năm Đệ Nhất (ban Cổ điển). Sau khi đỗ tú tài I, vì không muốn làm công chức, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Được một thời gian Khái Hưng lên Hà Nội dạy ở trường tư thục Thăng Long. Trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Khái Hưng đã quen Nhất Linh ở đó và họ trở thành một cặp tác giả nổi tiếng. Tuy Khái Hưng hơn Nhất Linh 9 tuổi nhưng là người bước vào văn đàn sau nên được gọi Nhị Linh.
Khái Hưng khởi nghiệp bằng đường báo chí, từ khoảng năm 1930. Tác phẩm đầu tay là Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), nhưng tiểu thuyết nhiều người đọc nhất là Nửa Chừng Xuân (1934), từng được dùng làm tài liệu giáo khoa Việt văn tại miền Nam. Đây là chuyện tình đầy lãng mạn giữa Lộc, con một quan huyện, và Mai, một thiếu nữ xinh đẹp, tài đức, nhưng cha chỉ đậu Tú tài, không bước được vào hàng“danh gia, thế phiệt.” Trước sự chống đối của mẹ, Lộc thuê người làm đám cưới giả với Mai, và hai người sinh hạ được một trai. Khi biết sự thực, mẹ Lộc hết sức chống đối, bày kế ly gián, rồi thuyết phục Lộc cưới một người vợ chính thức con quan. Ít lâu sau, biết được mưu kế của mẹ, Lộc đề nghị Mai mang con theo mình đến một nơi thật xa, sống bên nhau đến trọn đời. Mai từ chối, khuyên Lộc nên trở lại với gia đình, dù vẫn còn thương yêu Lộc, vì như thế mới giúp mối tình giữa hai người cao thượng hơn. Lộc chẳng còn biện pháp nào khác, nhưng tự hứa sẽ dành phần đời còn lại để phục vụ xã hội.
Trong những tác phẩm kế tiếp như Trống Mái (1936), Cái Ve (1936) cùng những tuyển truyện ngắn Giọc đường gió bụi (1936), Tiếng Suối Reo (1937), Đồng Xu (1939), Đợi chờ (1939), tiểu thuyết Thoát Ly(1936), Thừa Tự (1940), Hạnh (1940), hay ba tác phẩm viết chung với Nhất Linh trong năm 1934-1935 - Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió – Khái Hưng tiếp tục khai thác sự tương phản giữa“cựu và tân,” “gia đình với cá nhân,” “thị dân và nông dân,” “thượng lưu với cùng đinh,” “học thức với vô học,” v.v… Đây là những vấn nạn đối đãi của xã hội Việt trong thập niên 1930, giữa tiến trình toàn cầu hóa, trong khuôn khổ “khai hóa thuộc địa” của Pháp và sự đe dọa của những lượn sóng thần ý thức hệ - từ quân phiệt Đức-Nhật, tới vô sản quốc tế-đang xâm nhập, phá vỡ và cải biến Việt Nam “cổ truyền.”
Trên bối cảnh này, giới thanh niên nam nữ của tiểu thuyết và truyện ngắn Khái Hưng hướng về mục tiêu tự trau luyện tinh thần và thể chất, tham gia cải cách xã hội, và nếu cần, gia nhập một tổ chức bí mật nào đó. Từ Tiêu Sơn Tráng Sĩ (dã sử tiểu thuyết) tới Dọc đường gió bụi, v.v… Khái Hưng phản ánh những tư tưởng “cách mạng lãng mạn” tương tự như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1908-1963) trong Đôi Bạn (1937).
Sự ngưỡng mộ của độc giả dành cho Khái Hưng ở thập niên 1930 chứng tỏ ông đã phần nào nắm giữ được tâm lý thị dân thượng lưu miền Bắc. Dù khó thể tránh khỏi những phiền toái với chính thế giới thượng lưu xuất thân của ông. Điều đáng ghi nhận khác là thái độ ôn hòa của Khái Hưng khi tiếp cận các vấn nạn xã hội-kinh tế của thời ông. Nhân vật của Khái Hưng tỉnh táo đối mặt hầu giải quyết vấn đề. Khác với tính chất bi kịch của Tố Tâm, hay cay sót, châm biếm của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, v.v…
Nói đến Khái Hưng không thể không nhắc đến Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Dù cách biệt nhau một thập niên về tuổi tác, hai người có những liên hệ vượt ngoài làng văn, làng báo. Trước hết do họ cùng dạy tại trường Thăng Long, và trong ban biên tập Phong Hóa (bộ mới, số 14 ngày 22/9/1932), rồi Ngày Nay (30/1/1936). Đầu năm 1933, Nhất Linh lập ra Tự Lực Văn Đoàn, nòng cốt có Khái Hưng, Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo, Tứ Ly), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), rồi thêm Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Vũ Đình Liên, v.v… Sau đó, tổ chức nhóm Ánh Sáng (thêm Dương Đức Hiền, Nguyễn Cao Luyện, v.v…). Một số trí thức trẻ, kể cả Vũ Đình Hòe, giữ liên hệ thân hữu, dù không gia nhập, vì mến “tính trung thực và lòng thành yêu nước” của Nhất Linh.
Từ khoảng năm 1939 -1940, nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngả về khuynh hướng thân Nhật. Môi giới có thể là Lý Đông A, Vũ Đình Dy. Và, cuối cùng, tổ chức thành đảng Đại Việt Dân Chính do Nguyễn Tường Tam làm Tổng thư ký. Người ta không biết nhiều về chủ thuyết của Đảng này. Cán bộ vỏn vẹn ít chục người, phần lớn cư trú ở các thành thị, nhất là Hà Nội. Nó mới chỉ có tính cách một nhóm chính trị, với những quan điểm tương đồng, hơn một đảng cách mạng. Đây là đặc tính chung của hầu hết đảng phái Việt Nam trong thập niên 1930-1940 - tức sự thiếu vắng một tổ chức chặt chẽ, một lực lượng vũ trang, và thế tựa quần chúng. Tháng 10/1940, dưới áp lực Mật Thám Pháp, Nhất Linh phải nhờ Đại tá Koike trong Đoàn Kiểm Soát Quân Sự Nhật đưa qua Quảng Châu. Sau một thời gian tá túc với nhóm Kiến Quốc Quân của Hoàng Lương và Lương Văn Ý, Nhất Linh liên hệ đến vụ ám sát Trần Phước An ngày 22/7/1943, nên trốn qua Quảng Tây còn do chính phủ Tưởng Giới Thạch kiểm soát
Bị bắt giam cùng vài thuộc hạ vì tình nghi làm gián điệp cho Nhật, nhưng sau đó được Nguyễn Hải Thần đưa vào Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách hay Đồng Minh Hội), cánh tay phụ lực của Đệ tứ quân khu Trung Hoa Dân Quốc trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt.” Cuối năm 1944, sau khi Nhật chiếm Liễu Châu (11/11/1944), Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Nông Kính Du và Trần Báo lưu lạc qua Côn Minh hay Quý Châu. Nhất Linh tới Vân Nam, tham gia chi nhánh VNQDĐ của Vũ Hồng Khanh, dưới sự chỉ huy và trợ giúp của Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
Trong thời kỳ này, mặt trận Việt Minh có khuynh hướng cộng sản hoạt động mạnh và tranh chấp quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã lần lượt thanh toán các đảng phái đối lập quốc gia trong đó có đảng của Nhất Linh và Khái Hưng tham gia.
Sau ngày 19/12/1946, Việt Minh lại phát động đợt thanh trừng mới. Tại miền Trung, Việt Minh bắt giữ một số lớn cán bộ VNQDĐ. Có tin từ Hà Nội về Nam Định, Khái Hưng bị Việt Minh bắt giam tại Liên Khu III (Lạc Quần, Trực Ninh). Rồi thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường cuối năm 1946 hay 1947.
Xin giới thiệu với các bạn một truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng đã một thời vang bóng trên văn đàn miền Nam trước đây.
Tình Tuyệt Vọng
Khái Hưng
Một đêm lễ Noel. Chung quanh chiếc bàn bầu dục phủ khăn trắng trên bày la liệt các món ăn lạnh, năm người ngồi như có chiều mỏi mệt, có dáng buồn rầu. Vì thức khuya chăng? Lúc đó đã gần hai giờ sáng. Vì nghe bài thuyết giáo quá nghiêm khắc của cô B. vừa diễn ra ở nhà thờ chăng?
Tối hôm ấy, hăm bốn tháng chạp tây, cũng như mọi năm, năm người bạn vừa đi dự lễ "Nửa đêm" về, tuy trong năm người không ai theo đạo Thiên Chúa. Chẳng qua sống trong cảnh phong lưu, họ chỉ tìm cơ hội để cùng nhau yến lạc cho thỏa thích.
Nhưng sao gà vịt đầy bàn, sâm banh đầy cốc, mà chủ khách ngồi ủ rũ như chẳng muốn ăn, như chẳng buồn uống?
Người ủ rũ nhất là thi sĩ Văn Châu. Linh hồn chàng như đương phiêu diêu nơi xa. Mà chính chàng đã gây nên làn không khí lạnh lùng tẻ ngắt ấy nó lan rộng, nó bao bọc lấy cái bàn tiệc đương đầy những tiếng cười đùa vui vẻ. Chàng nghĩ thơ chăng? Chàng say rượu chăng? Ðều không phải. Chàng chỉ nhớ tới một ngày trong quãng đường đã qua, ngày bạn Tùng Thiện cưới vợ mà chàng đi phù rể.
Văn Châu còn nhớ rõ ràng buổi chiều hôm ấy lái chiếc ô tô theo con đường cong queo về một cái làng hẻo lánh đón dâu. Nghe nói trong đám phù dâu có một cô đẹp lắm, chàng nóng lòng mong cho chóng đến lúc lễ nhà thờ. Một lát, như bầy tiên nữ xuống trần, các cô ung dung yểu điệu, từ trong buồng bước ra. Bỗng Văn Châu ngây người đứng nhìn đăm đăm, không chớp mắt. Chàng không hiểu cớ gì, nhưng mới thoạt trông thấy cô dâu là chàng đã đem lòng yêu ngay, cái yêu vô nghĩa lý, nhưng nó mạnh mẽ vô chừng, tưởng như hai người vốn sẵn duyên kiếp từ đời nào, đã hẹn hò cùng nhau ở kiếp này mà đến bây giờ mới gặp gỡ.
Từ bấy đến nay đã năm năm. Ðã năm năm Văn Châu ngày ngày đến chơi nhà bạn, trong lòng chôn một mối tình vô lý.
Một lúc lâu, Tùng Thiện uể oải cất tiếng hỏi:
- Ăn xong rồi ta làm gì?
- Rồi ta lại ăn!
Mọi người cười ồ. Cười, vì câu trả lời của bà Tùng Thiện có lý thú, nhưng nhất là vì bà Tùng Thiện đẹp, đẹp lộng lẫy, đẹp rực rỡ. Trong bọn năm người, trông bà lộ hẳn ra, nước da trắng hồng, đôi mắt sáng quắc như hai ngôi sao, cặp môi son cười tươi tựa đóa hoa hồng hàm tiếu.
Cái vui lúc chập tối, hầu biến mất hình như đã theo cái khôi hài của một mỹ nhân mà trở lại xung quanh bàn bầu dục. Phải có nhan sắc diễm lệ như thế thì muốn gì mà chẳng được! Muốn người buồn... người phải buồn, muốn người vui, người phải vui.
- Chị Tùng Thiện nói thì ra dáng khoẻ lắm, nhưng chỉ thấy chị ngồi nhìn đĩa, chẳng chịu đụng tới món nào.
Bà chủ vừa nói vừa cười, vừa đặt vào đĩa bà khách quý cái đùi gà thiến quay. Ngồi đối diện vợ, Tùng Thiện nói đùa:
- Ðã thế thì xực hết cái đùi gà, thì bắt ăn một cánh vịt nữa.
- Sợ gì!
Ngồi sát cạnh bà Tùng Thiện, chủ nhân Văn Bình mỉm cười nói tiếp:
- Thế mới thực đáng là bậc đàn chị chứ.
- Còn anh Văn Châu chỉ ngồi mà nhìn thôi à? Hay lại tìm vần thơ đấy?
- Thưa bà không. Trí tôi đang ôn lại bài thuyết giáo của nhà giáo sĩ diễn ban nãy.
- Nghĩ tới làm gì! Chúng ta cứ yên trí rằng thế nào cũng sẽ được lên thiên đường cả là đủ rồi.
- Thưa bà, trừ tôi, vì tôi phạm một tội nặng lắm.
- Thú đi, tôi rửa tội chọ
- Tội tôi không thể thú mà cũng không thể rửa được... vì tôi chôn sâu nó ở trong lòng, tôi âu yếm nó, thờ phụng nó...
- Trời ôi! ai lại thờ phụng tội lỗi bao giờ?
- Văn Châu, bạn yêu quý của chúng ta phạm "tội khả ái" rồi mợ ạ.
- Tội khả ái! nghĩa là gì thế?
- Là tội đáng yêu.
Văn Châu đỡ lời:
- Là ái tình tuyệt vọng.
Bà Tùng Thiện nhíu đôi lông mày, ngẫm nghĩ:
- Tôi vẫn không hiểu.
Tùng Thiện mỉm cười, âu yếm nhìn bạn, rồi quay lại nói với vợ:
- Có gì mà mợ không hiểu. Thí dụ Văn Châu yêu một người đàn bà, yêu ngay từ buổi, ngay từ phút mới gặp lần đầu. Song yêu mà không bao giờ dám hé môi, vì người mình yêu có lẽ là vợ bạn thân. Ðó, tình tuyệt vọng, tội khả ái chỉ là thế.
"Này! anh Văn Châu, anh cho phép tôi thay lời người anh yêu trộm, nhớ thầm mà an ủi anh mấy câu:
"ở đời không có hạnh phúc nào cao thượng bằng hạnh phúc của ái tình tuyệt vọng... Yêu nên chiều, chiều nhưng không dám, không dám nên kính trọng, kính trọng nên càng yêu. Sướng lắm, sướng trong tinh thần, trong linh hồn, trong lý tưởng. Anh đừng tưởng anh yêu thế là có tội. Không có tội, thì anh cứ yêu, nhưng cứ yêu như thế mà thôi.
"Nếu anh lại muốn vượt qua giói hạn cái yêu suông - anh cho là suông thì nó suông, chứ thực ra nó không suông đâu! - Nếu anh lại muốn ái tình đó được hoàn toàn, - hoàn toàn như ý anh tưởng tượng. - thì ngày mà anh quả quyết phạm vào tội nhục thể sẽ là ngày đưa đám cái hạnh phúc tuyệt đích của anh. Vì nếu người đàn bà có chồng cự tuyệt anh, thì anh mặt mũi nào còn dám nhìn tới người anh kính yêu xưa nay nữa. Mà nếu người đàn bà xiêu lòng vì những lời cuồng bột tà dâm, thì thiên tiểu thuyết ái tình của anh sẽ đầy dẫy những sự khốn nạn, nhỏ nhen, nhơ nhuốc nó bắt anh tự khinh anh và bỉ người mà trước anh yêu, anh kính. Cho đến cái tình bằng hữu thiêng liêng kia cũng thành giả dối, giả dối với lương tâm anh.
"Vậy thì anh cứ yêu, cứ yêu như anh đương yêu. Yêu như thế không có tội gì hết, mà người chồng dẫu có biết, cũng chỉ thương anh chớ không ngờ vực anh đâu".
Bà Tùng Thiện nhích một nụ cười:
- Cậu rõ đáng ghét. Câu chuyện khôi hài, mà làm như người đứng diễn thuyết... Sao không thêm một tràng "vạn tuế" vào luôn thể!
- Chứ sao! ái tình vạn tuế!. Bằng hữu vạn tuế!
Mọi người vỗ tay, cười vang. Văn Châu đứng dậy lớn tiếng hô:
- Thiếu niên vạn tuế!
Rồi nâng cốc sâm banh nói luôn:
- Xin uống cạn cốc nầy để mừng cho tuổi thiếu niên, cái tuổi có đủ các đức tốt, cả đức hay tha thứ... Xong rồi, tôi đọc cho các anh, các chị nghe bài đoản thi tôi dịch của Arvers sang quốc văn.
- Ðọc đi đã, rồi mới uống rượu!
- Bài ấy tôi dịch đã năm năm nay, có chỗ nào kém, các anh phủ chính cho nhé!
- Nhún mãi! mỗi cái đọc đi!
Văn Châu cúi mặt xuống nhìn bàn, đọc thẳng một hơi bài thơ đã thuộc lòng:
Lòng ta chôn một khối tình, Tình trong giây phút mà thành thiên thâu, Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu, Mà người gieo thảm như hầu không hay. Hỡi ơi! người đó ta đây, Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân? Dẫu ta đi trọn đường trần, Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi. Người dù ngọc nói hoa cười, Nhìn ta như thể nhìn người không quen. Ðường đời lặng lẽ bước tiên, Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình. Một niềm tiết liệt đoan trinh, Xem thơ nào biết có mình ở trong. Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng, "Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây".
Mọi người vỗ tay. Tùng Thiện nói:
- ừ có thế chứ! suýt nữa anh quên mở túi thơ của anh ra. Nhưng trời gần sáng rồi, xin nhà thi sĩ nâng cốc lần cuối cùng để chúc tụng với chúng tôi cái lòng trinh tiết của bà Nodier và những tấm ái tình tuyệt vọng của nhân loại.
Ðêm hôm ấy, tuy ngủ được có trong vòng hai tiếng đồng hồ, nhưng là cái đêm khoái nhất của đời Văn Châu. Cảm phục tấm lòng quân tử của bạn, lương tâm Văn Châu như vừa trút được một khối nặng, nó đè nén đã suốt năm năm.
10 tháng 5 năm 2019
Hoài Nguyễn
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...