Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Hồng nhung nở đêm qua một đóa

Hồng nhung nở đêm qua một đóa

1. Từ trước đến giờ, cư dân khu Dốc Đá ai cũng tin là biệt thự Hồng Nhung có ma, ngay cả những người chưa từng chứng kiến cảnh ma hiện về. Một phần vì đồn đại (thường là nhảm nhí), một phần vì sự hiểu biết thế giới huyền bí ở cạnh chúng ta, bên nớ bên ni chẳng xa cách nhau chỉ là sợi chỉ để linh hồn đi đi về về. (Tất nhiên bọn ác ôn thì không được quyền vượt biên giới dễ dàng như thế. Số lớn những kẻ lúc sống làm những điều không hay không phải như cướp của giết người, đối xử tàn tệ với trẻ em và thú vật, chết xuống tù chung thân trong địa ngục âm phủ, chịu để quỷ dữ lóc thịt từng khúc chiên trong chảo dầu sôi sùng sục tiếp tục bị hành xác bởi các hình phạt khác nữa cũng rất là độc đáo).
Mặt tiền tòa nhà nơi được cho là một cõi đi về của ma, tuy không quá suy suyễn phần gạch đá, nhưng vẻ hoang phế đà lộ liễu. Trên lầu, kiếng cửa sổ vỡ cho mưa tạt gió lùa, dưới đất, giây leo phong kín cửa chính. Nằm biệt lập trên mô đất cao nhất thung lũng, thôn ấp quạnh hiu cách quãng xa mới có một căn nhà mái tôn, khu vườn rộng năm xưa hồng nhung khoe sắc thắm năm nay cỏ dại mọc đầy, vài ba cây ẻo lả lá dài liễu rũ cùng một hai cây ăn trái còn đứng lại nhìn mây bay đi, nhưng khi gió dữ thì chúng rún rảy như muốn giở chân lên chạy vì run sợ.
Mười năm trước, chủ nhân mảnh đất chỗ bầy thực vật đang bám vào mà sống, một hoàng thân xứ Huế, nửa đêm về sáng dùng dao cắt cổ vợ và hai đứa con thơ, (đã lãnh một án tù ngắn hạn lý do thần kinh có vấn đề lúc sát nhân). Từ đó đến nay dẫu nhiều nước trôi dưới chân cầu, câu chuyện biệt thự Hồng Nhung vẫn là đề tài bàn luận lúc trà dư tửu hậu, tuy thế chẳng ai muốn lại gần ngôi nhà án mạng hay để thói tò mò dẫn dắt vô trong.
Vậy mà vào một chiều tà ngày đông, có chiếc jeep xếp mui đỗ trước tòa nhà, (bởi cớ sự đó mà có truyện nầy). Bốn người, chỉ ba nhảy xuống cái một, thứ tư cứ ở băng sau. “Vô chứ”, kẻ đã lái xe quay lại giục, trong lúc mấy bạn y tiếp tục bước. “Tới chỗ rồi.”
Người còn dùng dằng hằn học bảo: “Bọn toa toa rập bẫy moa.”
“Ngài muốn nghĩ thế cũng được, nhưng địa điểm nầy cây thăm ngài rút, bây giờ không vào có phải vì sợ ma nhát.”
“Ferme ta guile,[1] người đó nạt, rồi uể oải chui ra khỏi xe. Một trong hai người đi đầu loay hoay mãi mới mở được cửa chính vì cả khoá lẫn bản lề đều rỉ sét. Bên ngoài ngày còn nấn ná mà trong nhà đã tối, chàng mở cửa thắp cây đèn cầy mang theo, rồi vặn chốt mở căn phòng đầu tiên. Ngọn nến từ từ cháy đều, thắp sáng nguyên vùng không gian tứ tung mạng nhện mỏng manh rách nát như những mảnh ren cũ quá hóa mục. Dưới đất bụi dày trải thảm trên sàn gỗ giảm đi tiếng giày của bọn mới vô. Chốn âm u nầy có trổ những hai cửa sổ, nhưng vào một lúc nào đó trong quá khứ chúng đã bị bít lại bằng gỗ thô ráp. Ngoài bụi bặm và nhện chỉ có nhóm khách là không nằm trong cấu trúc tòa địa ốc.
Ánh hoàng lạp tạo cho bọn bốn người một vẻ khác bình thường. Đặc biệt soi rõ con người khó khăn vô sau hết, như đèn sân khấu vẫn làm với kịch sĩ chính. Hắn ta trên dưới 50, sọ đầu to, trán hằn nếp nhăn, tóc hớt ngắn râu cạo nhẵn, lông mày đen như hai sâu róm châu đầu vào nhau trên một đôi mắt tròng thụt vô trong.
Ba thanh niên còn lại là các vai phụ, mặt mũi không nét đặc thù. Chàng cầm đèn và xâu chìa khóa cũng là người tổ chức chương trình, tuyên bố mọi thứ đã sẵn sàng, và hỏi:
– Ông Lương Khang, khởi sự ngay được chứ? Khang gật đầu.
– Và ngài Trần Bá cũng vậy?
– Vậy xin hai vị bỏ đồ ngoài ra
– D’accord. [2]
Trần Bá Lương Khang cởi áo khoác, quần dài, khăn choàng, giây nịt,… chỉ giữ trên người đồ lót. Người tổ chức đem mớ y phục để ra hành lang, rồi quay vào gật đầu ra hiệu, bạn y là người ban nãy hối ông Trần xuống xe tức thì lấy từ áo dạ tuốt ra khỏi bao da trao cho các đối thủ hai lưỡi dao óng ánh sắt lạnh như đôi bảo đao. Giờ đây dẫu kẻ tối dạ nhất cũng mường tượng được một cuộc so dao sắp bắt đầu.
Lương Trần tiếp nhận vũ khí, kiểm soát chúng bên ngọn nến, tra xem độ bền của lưỡi; hạ dao xuống trên đầu gối nâng lên. Hai người còn lại trong vai trò đại diện để đúng lệ đổi phiên lục xét từ trên xuống dưới người các đấu thủ (sic). Người tổ chức sau đó chỉ vào góc tường xa nhất bảo: “Mời ngài Trần đi lại vị trí của mình”. Trần Bá y lời, đại diện cho hắn đến đứng ngay cửa. Không đợi phải mời Lương Khang tiến tới góc đối diện cạnh lối ra. Đại diện của anh ta hạ giọng thật thấp dặn dò điều gì đó rồi cầm đèn đứng ngay giữa cửa, bỗng đèn tắt phụt, nếu không vì một động lực huyền bí nào cả mà chỉ do gió lùa, cái bất ngờ cũng gây hãi sợ.
“Quý ông,” Bóng tối làm thay đổi hẳn tiếng nói. “Tiếng cửa lớn đóng sẽ là dấu hiệu cuộc đấu bắt đầu. Xin chúc may mắn.”
Sau đó có tiếng chốt vặn ở cửa phòng, tiếng chân đi nhanh như chạy và rồi tiếng cửa ngoài đóng mạnh.
Một phút sau có đứa nhỏ đưa bò về chuồng muộn, cách biệt thự Hồng Nhung vài trăm thước nó thấy chiếc xe ríp mui trần, ba người từ trong tòa nhà hối hả chạy ra như bị ma đuổi, kẻ nhảy lên sau hết mặc chỉ may dô quần lót phóng lên chiếc xế rồi mất dạng trên lối về phố thị. Bọn người nghe thằng bé kể, nghĩ bụng tụi nào bạo thế nhỉ.
2. Lý do đưa đến cuộc so dao chẳng là gì cả, có vẻ như chuyện bé xé ra to. Đêm trước đó, “ba chàng ngự lâm” gồm Đính, Phán và Khang như lệ thường uống cà phê dưới mái hiên Mimosa, một lữ quán nhỏ nằm không xa khu phố chính Hòa Bình là mấy. Gần bàn họ họ lặng lẽ ngồi một người, đến phố núi buổi chiều, họ tên trong sổ khách sạn là Trần Bá, nghề nghiệp doanh gia.
Ông Bá chỉ nói vài điều cần thiết với người quản lý, sau đó hàn huyên với chẳng một ai, ăn tối một mình ở nhà hàng, ngay lúc này đang đăm đăm nhìn vào cõi xa xăm. Khách vào ra nhà trọ cũng chẳng tỏ ý muốn làm quen với ông, có thể vì họ thiếu khả năng hay không chịu bỏ thì giờ để tìm hiểu những tâm hồn hoang lạnh, mà bề ngoài của Bá khá lạnh lùng.
“Moa ghét tất cả những mất mát hay dị tật trên thân thể đàn bà.” Đính bỗng nói to, sau khi cùng hai bạn mình nhiệt tình khen tặng cuốn phim Pháp Et Dieu… Créa La Femme [3] đang chiếu ở rạp, và nồng nàn tán tụng tấm thân hừng hực lửa dục tính của cô đào Brigitte Bardot.
– Mỹ nhân lúc mới sinh ra hình thể toàn vẹn, về sau bị tai nạn mới thành khiếm khuyết. Khang nói cho có nói.
- Moa có phần nào đồng ý với toa, nhưng gì thì gì, chỉ biết xã hội nầy trai thiếu gái thừa, con gái đẹp còn nguyên si thiếu khối, sao mình lại phải chơi với hay chịu đời một phụ nữ tật nguyền nhỉ. Đừng cho là moa ác moa mới kể, lúc xưa có lần moa đá một hoa khôi, chỉ vì em bị tai nạn xe cộ phải cưa mất một ngón chân. Đính bình thản bảo.
Khang tiếp lời Đính:
– Sao toa không kể tiếp là nàng sau về nâng khăn sửa túi cho một hoàng thân xứ Huế và bị đức ông thần kinh nầy xử trảm.
Đính làm thinh một giây, rồi mỉm cười bảo:
-Thế toa cũng nhớ chuyện Nguyễn Phước Tùng Đệ à. Nhiều lúc moa nghĩ mà không biết có đúng không, hành động giết vợ của Đệ gốc rễ ở thói quen tìm khoái cảm bằng cách ngắm nhìn sờ mó hay hôn hít đôi bàn chân người đàn bà mà bàn chân phải của vợ thì cụt hẳn ngón giữa là ngón được cho là mignonne nhất làm hắn hoàn toàn cụt hứng, từ đó lạnh nhạt luôn chuyện chăn gối với người phối ngẫu. Sinh lý không thỏa mãn một thời gian dài làm chứng điên tiềm ẩn trong máu bộc phát dữ dội dẫn đến hành động cuồng sát.
- Vous êtes tous les deux sauvages [4] , Phán mắng cả thằng bạn bất nhân lẫn gã chồng loạn óc. Khang bỗng lên tiếng:
- Xem kìa, khứa nọ đang lắng nghe.
- Phải là đứa tiểu nhân mới có hành vi nghe lén đấy. Đính nói trổng, rồi hạ thấp giọng: “Mình phải làm gì với hắn đây?”
- Dễ thôi mà, Khang đứng bật dậy, nhìn ngay mặt Bá dõng dạc bảo: “Ông bạn ạ, tôi nghĩ ông nên mang ghế ra xa mà ngồi.“
Trần Bá đứng lên, quai hàm bạnh ra, tay nắm thành nắm đấm, giận lắm. Phán giảng hòa bảo Khang:
- Quý ông đây đã không làm gì quá đáng để bạn dùng lời lẽ kém tế nhị mà không hổ thẹn.
Nhưng Khang không rút lại một chữ nào đã thốt. Và người lạ cũng chẳng tỏ vẻ muốn bỏ qua sự bị sỉ nhục. Tình huống trở nên găng, dẫn đến cuộc hẹn so dao. Phải chăng vì từng say mê nghiền ngẫm những tác phẩm nói về samurais Nhật Bản hay hiệp sĩ Âu châu thời Trung Cổ, mà bọn nầy chọn lối đâm nhau để giải quyết mối bất đồng.
Rồi bọn người giải tán, theo dự tính gặp lại nhau chạng vạng hôm sau. Những điều căn bản của trận đấu đều được liệt kê. Chuyến so dao sẽ diễn ra trong căn phòng tối, để cho đúng lối cổ truyền, hay che đậy sự bạo tàn vốn là cốt lũy của một phương cách bảo vệ danh dự được tiếng anh hùng mã thượng? Nếu vì lý do nào khác, chúng ta sẽ biết lúc sau.
3. Đang tháng đông mà sáng nay trời cao nguyên không mù sương. Nắng tặng trần gian chiếc áo lụa vàng, riêng trong khuôn viên Hồng Nhung dương quang ngời sáng gió nhẹ mơn man, xóa tan ám khí một thập niên dài. Vẻ sầu dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh mất đi, dưới thanh thiên cành lê trắng điểm một vài bông hoa, và có bụi hồng nhung nở đêm qua một đóa. Chốn xưa tăm tiếng oan hồn hiển hiện nay trông thân thiện chơn chất tự nhiên, hiền hoà như đất đỏ cao nguyên vẫn cho cư dân sắn khoai môn sứa. Ngay cả những cửa sổ không kiếng che trên lầu, cũng có hai chim cánh nâu đậu rỉa lông cho nhau.
Vẻ thanh bình của toà địa ốc mà có một phần là do nó tự dọn mình để tiếp đón ông shérif Đường Quang Lân và phụ tá Lưu Đính, cùng em trai người quá cố, Trần Đình Ân.
Cuộc thăm viếng hôm nay, kết quả một lịnh toà. Về từ ngoại quốc, với tư cách người thừa kế duy nhất, Ân đang tiến hành thủ tục pháp lý để lấy lại tài sản của chị mình. Ngẫu nhiên chính Đính đã mở cửa ngôi nhà đêm qua, mà cho mục đích khác. Và dù ngại quay lại vẫn phải thi hành công vụ.
Với khuynh hướng chỉ làm cho có, ông cảnh sát hờ hững tra chià vào ổ, thấy lạ vì cửa không khóa. Rút khẩu súng lục đeo ngang hông cầm trên tay, thận trọng đẩy rộng cánh cửa bước vào, theo sau là hai người đồng hành. Tiến lại gần đống quần áo đàn ông nằm dưới đất xem xét, thấy đồ tốt cả chỉ là lấm bụi, bây giờ thì mở cửa phòng. Bên trong trống trơn, nhưng khi mắt quen hơn với thứ ánh sáng tù mù, ông và hai bạn đồng hành nhận ra ở góc xa của căn phòng- một hình đàn ông đang quỳ gối. Dùng đèn pin soi thấy bất động tuy thế vẫn cẩn trọng khi tiến lại gần.
Hình nhân nầy vai so cổ rút, bàn tay xòe rộng đưa ra phía trước che một khuôn mặt trắng bệt hằn rõ nét sợ sệt cần cổ thụt vào miệng hả nửa chừng như muốn la mà cứng họng; đôi mắt đứng tròng. Ngoài con dao đã rơi khỏi tay y, chẳng còn khí giới nào khác để lại hiện trường.
Ông cảnh sát trưởng chạm nhẹ vào cánh tay thỏng thượt, nguyên cái xác lung lay. Trần Đình Ân, xúc động mạnh nên mặt tái xanh kêu lên:
“Tùng Đệ đây mà! ”
“Hắn đó.” Lưu Đính xác nhận. Tuy đang hoang mang vẫn ráng giữ sự bình tĩnh trong giọng nói. “Lâu lắm rồi tôi có thấy qua Đệ thuở đó tóc dài râu để, nhưng cái xác nầy đích thị là cựu anh rể của ông.”
Họ Lưu ngừng lại, dù có thể kể thêm: “Tôi nhận diện Tùng Đệ khi hắn đến ngồi uống cà phê, vì hình ảnh đương sự có trong mớ hồ sơ còn lưu trữ, đã rỉ tai hai đứa bạn để cùng dùng kế đưa Đệ vào đây, mục đích để hắn bị một phen hoảng vía. Rồi Khang rời căn phòng nầy cùng tôi với Phán hồi hộp quá quên nhặt lại áo quần.”
Làm thinh hắn cố vận dụng khả năng suy luận không mấy sắc sảo để thử đoán chuyện gì xảy ra tối qua khi cánh cửa ngoài đã khép, Tùng Đệ đơn thân ở chỗ vợ con năm xưa thảm tử dưới tay hắn. Vẫn biết chính Lưu Đính này đưa đứa hung dữ kia vào cửa tử, nhưng sau đó ai đóng vai tử thần vung cao lưỡi hái?
Những chi tiết thu thập dễ dàng vì quá rõ ràng thì không giúp gì nhiều mà chỉ làm vấn đề thêm phần bí ẩn. Liệt kê: Đệ không hề di chuyển khỏi chỗ đứng một lần nào; Không trong tư thế tấn công hay chống đỡ; Thả rơi khí giới khỏi tay, và rất là run sợ ở thời điểm cuối cùng đời mình.
Bỗng Đính giật nẩy mình vì đang lúc cúi đầu suy nghĩ mắt bắt gặp trên sàn ràng ràng ba hàng dấu chân trần, nằm không lẫn lộn với những vết giày hay vết chân không của bọn đàn ông đã vào đây. Những dấu chân lạ nầy, bắt đầu từ bức tường nơi có hai cửa sổ niêm phong, ngang qua căn phòng rồi dừng lại độ hai gang tay trước cái xác chết trong tư thế quỳ kia. Hai đôi bên ngoài của hai em bé, đôi giữa của một phụ nữ (mẹ chúng chăng?)
Chợt ông Trần chồm người tới trước, tay chỉ vào dấu bàn chân phải của người đàn bà kỳ bí miệng hô lớn kêu gọi sự chú ý của hai người kia:
“Kìa mấy ông bàn chân bốn ngón! chị Hồng Nhung tôi tối qua về!”
Hồng Nhung là tên thời con gái của hiền thê ông hoàng Tùng Đệ.
Chú thích:
[1] Ferme ta guile: Câm miệng lại.
(Nói thêm, thập niên 50, 60, Pháp rời Việt Nam chẳng bao lâu trước đó, ảnh hưởng của họ còn mạnh và văn hóa Pháp bằng lối này hay lối khác vẫn được duy trì ở quốc gia bị trị gần một thế kỷ. Trong thời gian nầy rất nhiều nhân vật người Việt quyền thế hay những gia đình có máu mặt chịu bỏ tiền cho con họ được dạy dỗ theo lối Pháp ở các trường thực dân để lại như Taberd Saigon; Couvent des Oisseaux Dalat. Tiếng Pháp cũng được xem là sinh ngữ chính để giảng dạy ở các trường trung học khác. Phim ảnh chiếu ở rạp, dĩa nhạc, truyện sách nguyên tác hay phiên dịch tràn ngập thị trường. Trong sự giao dịch thường ngày, với bạn bè chẳng hạn, một số người Việt lưu loát tiếng Pháp dùng nó đối thoại với nhau, nếu không thế thì cũng chêm vào đôi câu hay vài français, (thói tính nầy- một kiểu cách làm dáng mang tính thời thượng). Ngoài ra có những vị căn bản chẳng có đặng một chữ Tây nói đúng viết đúng, giỏi lắm là nói nổi vài tiếng Tây bồi nhờ chính bản thân hay cha ông từng làm bồi tây, cũng ríu rít toa toa moa moa tức là you you me me khi hót chuyện, y như chung quanh là một cõi không còn ai còn ai người có trình độ và biết suy nghĩ. sic).
[2] D’accord, Đắc co: OK.
[3] Et Dieu… Crea La Femme: Và Thượng Đế… Đã Tạo Ra Người Đàn Bà; Phim Pháp (1956) có chiếu ở Viêt Nam.
[4]  Vous êtes tous les deux sauvages: Cả hai thằng bây đều là đồ súc sinh.
29/9/2018
Lương Phượng Anh
Nguồn: http://vietluan.com.au/
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...