Nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của thiên tài Leonardo
Da Vinci năm 2019 sẽ có hàng trăm ý tưởng và đầu sách được xuất bản để đánh dấu
một sự kiện quan trọng về một nhân vật kiệt xuất, một thiên tài có những khả
năng siêu việt trong nhiều lãnh vực hiểu biết.
Năm trăm năm trước, nước Ý được hình thành từ nhiều tiểu quốc và được các gia
đình quý tộc giàu có và hùng mạnh về quân sự lãnh đạo như gia đình Medici ở
Firenze, gia đình Sforza ở Milano, gia đình Borgia ở trung tâm nước Ý và tiểu
quốc Vatican với đức giáo hoàng Alessandro VI, người có tên thật là Rodrigo
Borgia.
Leonardo đã từng sống, làm việc và tích lũy được những
kinh nghiệm đầu tiên của mình ở vùng Firenze dưới sự bảo trợ của Lorenzo de
Medici, gia đình này cũng tài trợ cho các nghệ sĩ khác nữa như Verrocchio,
Michelangelo, Raffaello, Brunelleschi.
Các gia đình quý tộc của thời ấy (khoảng năm 1450 - 1500) thường chứng minh sức
mạnh và ảnh hưởng của mình [i] qua
các tác phẩm nghệ thuật mà họ bỏ tiền để tài trợ cho các họa sĩ, điêu khắc
gia, kiến trúc sư… nhằm làm đẹp các thành phố như Firenze, Milano, Roma… và
nhờ đó mà chúng ta có những tác phẩm nghệ thuật hay công trình tuyệt đẹp và
giá trị. Khi ở thành phố Firenze Leonardo đã chứng tỏ tài năng nghệ
thuật của mình nhưng tuy vậy ông cũng không tránh khỏi một vài vấn đề. Những
tác phẩm mà người ta yêu cầu cần một thời gian thực hiện rất dài nên có một
vài bức bích họa chưa kịp hoàn thành, như bức “Ngưỡng mộ các Magi” (
l’Adorazione dei Magi) hay cuộc chiến ở Anghiari nên sau đó bị hủy bỏ và
không thực hiện nữa.Nhưng vì
Leonardo đã nhận tiền công trước cho các tác phẩm này nên ông hiểu là
mình phải rời xa thành phố Firenze và tìm sự bảo vệ và tài trợ qua một gia
đình quý tộc khác ở Milano, Lodovico Sforza, mà thời đó người ta còn gọi là
ông Nâu (il Moro) vì nước da hơi ngâm đen. Nhưng vì sao mà Leonardo đã không hoàn thành các tác phẩm
đã giao? Trên thực tế, thời gian thực hiện dài và lâu không phải vì ông xao
lãng hay lười biếng mà chính là do sự tìm kiếm sự hoàn hảo gần như mê cuồng của
ông. Bằng tất cả sự khiêm tốn Leonardo giải bày rằng mình chưa nghiên cứu kỹ
và ông cần phải biết chính xác là mình muốn sáng tác điều gì. Sự tiếp tục
nghiên cứu của ông để đạt đến sự hoàn thiện đã đưa ông đến việc thử nghiệm
các kỹ thuật mới và học hỏi thêm được những tầng kiến thức đa dạng, từ cơ học
đến kỹ thuật thực hiện, từ lý thuyết khí động học đến giải phẩu học rất hữu
ích cho các nghiên cứu về hội họa hay điêu khắc. Trước khi gặp Ludovico Sforza ở Milano, Leonardo đã viết
cho ông này một bức thư, một thứ lý lịch cá nhân gồm 10 điểm để trình
bày về các kỹ năng của mình liên quan đến việc xây dựng đến cơ học vũ khí chiến
tranh, các cây cầu di động… và nói rõ là trong thời bình ông còn có thể vẽ và
điêu khắc. Cho đến lúc ấy Leonardo chưa được nhiều người biết đến tuy
nhiên trong bộ tham mưu của Ludovico Sforza Leonardo đã nổi danh như một nhà
dàn dựng nhạc kịch sân khấu, như một nhà cấu tạo những cỗ máy quay vĩ đại nhờ
dùng hệ thống đòn bẩy, ròng rọc, tay quây hay qua các máy có hình thú vật
chuyển động, (như các robot bây giờ) hay các khám phá về các cơ chế gõ đập để
tạo ra âm thanh và âm nhạc. Nhờ những công trình đó cho nên về
sau hầu hết các ban tham mưu cho các nhà quý tộc Âu Châu đều nghe danh tiếng
của Leonardo dù có người chưa được tận mắt thấy các tác phẩm xuất sắc của
ông về nghệ thuật. Tất nhiên là Leonardo chỉ thích dàn dựng các buổi trình diễn
với giàn máy độc đáo của ông với những hiệu ứng đặc biệt, vì ông không thích
chiến tranh. Những cỗ máy chiến tranh được công tước ở Milano yêu cầu
nên ông đã vẽ theo mô hình được làm mới theo cấu trúc từ quá khứ, có sử dụng
các tư liệu và bản vẽ từ thời trung cổ hay từ thời La Mã, và ông đã vẽ lại
các vũ khí mới, thích hợp với việc sử dụng thuốc nổ được khám phá trước đó. Ngay cả khi ở Firenze người ta đặt hàng cho Leonardo vẽ về
trận chiến ở Anghiari, Leonardo đã vẽ bức họa này trên một bức tường lớn một
bầy ngựa và xác người trộn lẫn vào nhau để làm nổi bật lên sự tàn bạo và thiếu
nhân tính của chiến tranh. Đối với ông chiến tranh là một sự “điên loạn thú vật”.
Về bức tranh vĩ đại này hiện nay chỉ còn lại bản phát họa vì ý muốn của
Leonardo là dùng các kỹ thuật mới để làm cho thật hoàn hảo nên vô tình đã làm
hư tác phẩm. Đó thật là một điều rất đáng tiếc vì nếu còn, ngày nay chúng ta
có thể đối chiếu với tác phẩm từ năm 1500 với tác phẩm của họa sĩ trứ danh
Pablo Picasso (1881-1973), qua bức tranh nổi tiếng Guernica (1937), về trắng
đen, đã từng trưng bày ở triển lãm quốc tế tại Paris vào năm 1937.Guernica (Picasso) Thật vô cùng kỳ lạ là hai
nghệ sĩ, thuộc hai thời đại khác nhau nhưng đã cùng có những cảm nhận về sự
thú vật của chiến tranh. Guernica là thành phố của Tây Ban Nha, lần đầu tiên
bị tàn phá vì máy bay thả bom trong lịch sử vào ngày 26 thang 4 năm 1937.
Trên bức vẽ của Picasso không có màu sắc, chỉ có 3 màu xám, trắng và đen, bởi
bì sau sự tàn phá đó là không còn sự sống. Cũng giống như bức vẽ cuộc chiến ở Anghiari của Leonardo
bây giờ chỉ còn lại bản phát thảo. Về sau lãnh địa Milano bị Cesare Borgia chinh phục. Ông này
chính là người con ngoại hôn của Rodrigo Borgia, sau trở thành Đức giáo hoàng
Alessandro VI. Cesare Borgia là một kẻ khát máu, thích chiến tranh nên lúc
ở Milano Leonardo phải làm việc cho ông ta như một kỹ sư quân sự, tuy nhiên
Leonardo ít khi chế tạo vũ khí mà dành toàn thời gian để vẽ những bản đồ và
các cấu tạo phòng thủ, sau đó ông bỏ trốn về Firenze. Rồi định mệnh xảy đến
cho Cesare Borgia thật tàn khốc. Sau khi cha mình là Đức giáo hoàng Alessandro
VI qua đời, mất đi sự che chở nên Cesare phải trốn qua Tây Ban Nha rồi sau bị
bắt và bị giết. Leonardo thật đã có lý khi ông viết “kẻ nào không biết quý trọng
đời sống, thì không đáng sống”. Như thế, Leonardo không chỉ là một thiên tài,
mà còn là một triết gia. Chú thích:
[i] Ở Âu châu, nếu không có những nhà tài trợ nghệ sĩ, được
gọi là mecenatismo, thì các công trình nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, hội
họa... tuyệt mỹ làm vinh danh nước Ý và Âu Châu thời Phục Hưng đã không thể
hình thành, và chắc chắn những tài danh sẽ bị mai một vì không có cơ hội phát
triển tài năng (nd). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét