Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Hoàng tử Bé xóm chợ chiều

Hoàng tử Bé xóm chợ chiều

Nguyễn Bé là cái tên cúng cơm được chánh thức ghi trong giấy khai sanh của nó. Còn hoàng tử là biệt danh mà bọn con nít trong xóm gán cho khi chơi chung, chớ hoàn toàn không ăn nhập gì tới chuyện hoàng tử bé của một nhà văn Pháp quốc nổi tiếng hồi thế chiến thứ hai. Mà ở đâu ra cái biệt danh này?... Chuyện thì có lang có lớp, xin bạn đọc xem tới hồi sau sẽ rõ. Nhà của Bé nằm trong một xóm nghèo, cứ cỡ 4-5 giờ chiều là các bạn hàng buôn gánh bán bưng họp lại thành một cái chợ nhỏ kề bên trường tiểu học công lập ngoài đường lộ ngay nơi ngã tư, nên xóm này được kêu là xóm chợ chiều luôn.
Cha của Bé là ông giáo Thạnh, dạy toán lớp đệ lục trong một trường trung học tư thục ở Tân Định Sàigòn. Mẹ nó, ngoài việc chợ búa bếp núc, còn nhận may sửa quần áo tại gia cho đàn ông con trai nên được bà con kêu là cô Nước thợ may. Nhờ thu nhập khá ổn định, dù không dư dả gì nhiều, mà Bé may mắn được cha mẹ nó cho đi học. Tục ngữ dân gian mình có câu “cha làm thầy, con đốt sách“ nhưng gia đình ông giáo Thạnh nhờ phước đức ông bà để lại hay sao đó nên không bị dính vô cảnh này. Còn trái lại nữa là khác, thằng Bé rất sáng dạ và chăm chỉ, chuyên cần nên học năm nào nó xong năm đó, không đứng nhứt lớp thì cũng hạng nhì, hạng ba. Cha mẹ nó rất hãnh diện với chòm xóm vì cái điều này. 
Cách nhà thằng Bé hai căn là nhà của cô giáo Phượng, mẹ con Mận, dạy lớp ba tiểu học ngay nơi trường gần nhà. Cha con Mận là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong chiến tranh khi con Mận còn nhỏ xíu.
Thuở ấy Sàigòn chưa có nền văn minh công nghiệp hiện đại như ngày nay: rất ít nhà có được máy thâu băng, máy vô tuyến tàng hình dù chỉ là đen trắng... Và trò chơi của đám con nít trong xóm, trong những tháng hè oi bức hoặc trong những lúc rảnh rỗi, là mấy cái trò chơi như tạt lon, u mọi, bắn bi, đánh đáo... cho tụi con trai, còn cho bọn kẹp tóc thì có lò cò, nhảy dây, thảy banh chuyền đũa... cũng có nhiều trò chơi tập thể rất hoạt náo cho cả hai phía như bịt mắt bắt dê, năm mười (đi trốn đi tìm), kéo co và còn nhiều nữa.
Con Mận thì thân thiết với thằng Bé lắm bởi vì tụi nó là hàng xóm ở gần xịt bên nhau và thằng nhỏ này luôn luôn binh vực nó mỗi khi có chuyện cãi cọ, đấu khẩu trong bọn nhóc tì. 
Có lần mấy đứa trong xóm rủ nhau đi tắm sông. Lúc con Mận đang bì bõm tập bơi gần bờ với cái phao gỗ thì thằng Mẹo lé ở trên cao lông nhông xuống, cái tấm phao bằng ván mỏng vuột khỏi tay con Mận, nó bị sặc nước và đang chới với thì thằng Bé ở đâu gần đó sải tới đẩy cái tấm ván cho con Mận bám vào rồi kéo vô bờ. Sau vụ này, con Mận đeo dính thằng Bé luôn mỗi khi bọn trẻ nhỏ tụ họp chơi đùa. 
Một lần khác, bọn con gái chơi trò làm nhà, con Mận năn nỉ thằng Bé giúp một tay để giăng cột tấm ny lông làm mái vì mấy thằng nhỏ khác chê trò này. Thằng Bé đã không ngại ngùng mà còn xăng xái làm dùm. Đã vậy, sau đó nó còn phải bị nếm món cơm cháy khét nghẹt nấu trong những cái nồi đồ chơi bằng nhôm sáng bóng, nho nhỏ của bọn này. 
Cái tên hoàng tử Bé đến với nó khi mấy đứa con gái chơi trò công chúa ngủ trong rừng. Thằng Mẹo lé, thằng Hớn mụn và thằng Quới ròm thì ngoại hình đã không đủ tiêu chuẩn nên bị loại ra rìa, chỉ còn có thằng Bé là “sạch nước cản“ nhứt trong đám nên được chọn bầu cho đóng vai chánh, còn công chúa là do con Mận thủ vai. Và rồi từ đó trở đi, cái biệt danh hoàng tử Bé gắn liền với nó, in sâu vào trong tâm trí đơn sơ của đám trẻ con xóm chợ chiều suốt một thời niên thiếu. 
Thời gian dần trôi, tụi nhóc cũng trổ mã lớn lên theo ngày tháng. Đứa nào cũng thành thanh niên, thiếu nữ cả. Gặp nhau trong xóm, tụi nó cười ruồi nhớ lại những kỷ niệm khó quên của thời tuổi nhỏ... Và rồi thì người nào việc nấy, mối dây thân hữu từ từ lơi ra, chỉ còn là những cái gật đầu chào hỏi xã giao mỗi khi cụng trán nhau ngoài đường. Riêng con Mận thì vẫn thường chạy qua nhà thằng Bé để nhờ nó chỉ dùm mấy bài toán lý hóa hóc búa , mà thằng  này chỉ trong chốc lát là tìm ra lời giải đáp dễ dàng.  
Nguyễn Bé càng lớn càng xuất sắc trong việc học hành. Nó được theo học tại một trường nam trung học công lập danh tiếng ở thủ đô Sàigòn. Lên tới đệ nhị cấp Bé chọn ban toán, đậu ưu hạng với tú tài phần 1 và hạng bình với tú tài phần 2 vào cuối thập niên 60. 
Ông bà giáo Thạnh thấy tương lai con mình sẽ còn rực rỡ hơn nữa nếu được theo học ở các nước tiền tiến nên khuyến khích và cổ võ Bé đi du học nước ngoài. Thằng này vâng lời cha mẹ khuyên bảo nên thường lui tới bộ Quốc Gia Giáo Dục dò hỏi và sau đó đã xin được một học bổng do chánh phủ Bỉ đài thọ. 
Chộn rộn với chuyện sửa soạn lên đường du học, Nguyễn Bé quên bẵng con Mận, quên luôn cả chuyện sang nhà cô bé này để nói lời từ biệt! 
Cái hôm xách va li ra đi, lúc ngang qua nhà Mận, nó thấy cô nhỏ này mặt mày buồn hiu hắt, đang đứng đợi sẵn trước cửa nhà nhìn Bé lí nhí: 
- Chúc anh được nhiều thành công và luôn luôn mạnh giỏi nha anh Bé. 
Bé thì đang bận tâm với cả trăm thứ chuyện phải lo nghĩ trong đầu, với những lạ lẫm sẽ gặp nay mai đây trên đất người xa lạ nên chỉ biết gật đầu ấp úng mà nói cám ơn. Đi vài bước, quay đầu lại thì thấy Mận nước mắt rưng rưng đưa tay lên vẫy chào... Bé tự nhiên thấy nao nao trong lòng, hình như nó vừa đánh mất đi một cái gì đó thật quý giá trong đời.                                     
Sang tới Bỉ vừa kịp đúng vào niên khóa mới của trường đại học Liège (một trong những tỉnh lớn của xứ này). Nguyễn Bé xin ghi danh vào ngành y khoa, lúc ấy chưa có lệ thi tuyển, và ăn ở luôn trong đại học xá của trường. Tuy rằng sinh ngữ chính dưới trung học của Bé là Pháp văn, nhưng nó cũng trầy vi tróc vảy để theo học năm đầu tiên nơi đây. Hắn “học ngày học đêm, học thêm ngày nghỉ“ và với thông minh sẵn có, cuối năm học ấy Bé đã oanh liệt đậu ngay kỳ đầu. 
Có đà thừa thắng xông lên, hắn không để vuột mất năm nào. Thường thì Bé đậu trót lọt ngay kỳ đầu, duy nhứt có một lần Bé đang theo học năm thứ 3 vì bị cúm nặng, có giấy chứng nhận của bác sĩ, nên phải bỏ thi mấy môn trong tháng 6. Trở lại thi vào tháng 9, Bé đã đạt được điểm thật cao của mấy môn còn sót lại dễ dàng như người ta ăn bánh.                            
Bé thi đậu tốt nghiệp và trở thành bác sĩ toàn khoa năm 1975 với bậc ưu hạng. Đây cũng là cái năm mà thể chế Cộng Hòa của miền nam Việt Nam bị tan vỡ! Vì thế Bé đã không trở về quê hương được, nhưng lại có may mắn học chuyên khoa nhờ một ông thầy bác sĩ đỡ đầu nhận ra tài năng của Bé và đứng ra xin trợ cấp cho nó.
Trong những năm dài học hỏi và túc trực thực tập trong bịnh viện, Bé làm quen được với Elisa, một cô y tá trẻ đẹp tóc vàng mắt xanh, tánh tình nhỏ nhẹ dễ thương in như con gái Việt Nam, làm việc nơi đây. Trai tài gái sắc lại gặp gỡ nhau thường xuyên nên tình cảm đôi bên nảy sinh dễ dàng và rồi sau đó là một chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn đã đến với hai người.
Trở thành bác sĩ chuyên khoa gây mê (anesthésiste) và sau khi nhập tịch Bỉ, Laurent Nguyễn Bé đã thành hôn với Elisa Chatel, sống bên nhau cùng những niềm vui tràn đầy tại thủ đô Bruxelles của vương quốc hiền hòa này. 
Hai người đã phiêu du đến nhiều chân trời góc biển với hạnh phúc ngập tràn: công viên quốc gia bao la Yosemite của Mỹ, những bãi cát vàng rực nắng của bờ biển Địa Trung Hải, thành phố Tokyo lộng lẫy hoa anh đào vào mùa xuân, thác Victoria hùng vĩ của Zambie bên Phi châu và còn nhiều nữa...
Tưởng đâu hạnh phúc được dài lâu... ai ngờ định mệnh khắt khe đã cướp đi Elisa của Bé.
Elisa đột ngột ra đi vào một đêm mùa hè oi bức sau phiên gác trực ở bịnh viện ra! một tên say rượu lái xe lao thẳng vào xe nàng với một tốc độ kinh hoàng thể hiện qua sự bẹp dí, dúm dó của chiếc xe nhỏ Elisa. 
Nàng mất đi để lại thằng Xavier, con của hai người lúc đó được 12 tuổi, cho Bé nuôi nấng. Tất cả tình yêu thương lúc trước dành cho Elisa nay được chuyển sang qua cho Xavier Nguyễn Huy. Trong nhiều năm trời Bé đã sống cu ki, đơn độc... ở vậy mà lo cho thằng Huy mãi tới khi nó trở thành journaliste  (phóng viên) cho đài truyền hình quốc gia và ra ở riêng, sống đời độc lập. 
Cũng phải nhắc đến công ơn của cha mẹ Elisa: trong những năm Xavier còn nhỏ, Bé đã cậy nhờ được ông bà ngoại nó chăm sóc, nuôi giữ nhiều lần khi Bé phải trực đêm, gặp lúc công việc cấp bách bất ngờ hoặc những khi thằng Huy đau ốm.                              
Sáng hôm ấy Bé đang ngồi đọc mấy cái hồ sơ bệnh lý trong phòng trực thì điện thoại trong túi áo blue reo nhẹ và rung lên từng hồi. Bé mở máy nghe: 
- Allo, bác sĩ Laurent? Đó là giọng cô y tá Nicole, người đã có nhiều năm phục vụ trong bệnh viện. 
- Vâng, tôi nghe đây. 
- Mời bác sĩ đến ngay phòng giải phẫu 3. Chúng tôi sắp có một ca mổ khẩn cấp phải gây mê. Xin cám ơn.
Nằm trên giường mổ là một phụ nữ Á đông, mặt mày bà ta tái nhợt vì đau đớn và lo sợ. Bé thoáng thấy người này có nét quen quen nhưng trong nhứt thời chưa dám cả quyết. Arthur - bác sĩ phụ trách chính yếu của ca mổ - cho biết nạn nhân bị gãy xương đùi, phải mổ để nối thẳng và kẹp giữ lại bằng một thanh kim loại titane. Cô y tá Nicole đưa cho Bé xem bản tường trình về đo nghiệm và phân chất liên hệ đến bệnh nhân: mạch nhịp tim, thân nhiệt, tỷ lệ oxy trong người, trọng lượng cơ thể... 
tất cả đều bình thường để chịu một chuyến giải phẫu. Phần gây mê được thực hiện bằng một liều chích Curare (tên một loại thuốc) - định lượng bởi chính bác sĩ Bé. Trong suốt ca mổ, Bé đã túc trực bên giường để tiếp ứng với bác sĩ Arthur và không ngừng tự hỏi có lý nào đây lại là Mận? người bạn nhỏ năm xưa? Ca mổ hoàn tất tốt đẹp, Bé ra về mà lòng thắc mắc ngổn ngang...
Trằn trọc cả đêm, sáng ngày Bé tìm đến phòng dưỡng bệnh của người phụ nữ hôm qua mục đích là để tìm hiểu lai lịch bà này nhưng thất vọng vì đương sự vẫn còn đang thiêm thiếp ngủ. Tuy nhiên phiếu bệnh lý đầu giường cho biết người này tên là Sophie Man Rochefort mà Bé đoán rằng Rochefort là họ của người chồng, còn Man là Mận đúng như mình mong ước, ngày sinh 14/09/1952 Saigon VietNam cũng trùng hợp với số tuổi của Mận ngày xưa.
Sáng hôm sau Bé trở vào thăm. Bịnh nhân đã tỉnh nhưng nét mỏi mệt vẫn còn hiện lên trên mặt. Bà này đang đưa mắt nhìn chằm chặp vào Bé trong y phục  bác sĩ, ánh mắt có chất chứa một sự ngờ ngợ lẫn hân hoan.
- Có phải bà là Lê thị Mận, ngày trước ở xóm chợ chiều? Bé hỏi.
Bà ta gật đầu, nét vui mừng lộ trên gương mặt tái xanh. Bé cười rạng rỡ: 
- Anh là Bé... hoàng tử Bé đây...
Mận khẽ nấc lên một tiếng rồi quay đầu nhìn ra cửa sổ, nước mắt đoanh tròng. Qua giây phút bàng hoàng, Bé lên tiếng: 
- Anh làm việc trong bịnh viện này nên sẽ vào thăm Mận mỗi ngày. Em không phải lo lắng gì nữa. Vết thương rồi sẽ lành mà thôi, em sẽ đi đứng lại được bình thường nhưng cần nhứt là phải nằm nghỉ cho khỏe đã, nghe không Mận?
Lần thăm tiếp theo, Mận cũng chỉ nghe chứ không nói gì nhiều.
Bé thì bồi hồi ngồi nhắc lại những câu chuyện xa xưa hồi còn trong xóm, đa số là những mẩu chuyện hài hước và Mận đã nhoẻn miệng cười thích thú. Bé cho biết là có trở về Việt Nam đôi lần để làm đám tang cho mẹ, qua đời cách đây đã 8 năm, và để gởi gấm cha Bé về sống với gia đình ông chú ruột cũng còn ở Sàigòn, nhưng những lần ấy thì  không tìm ra Mận... cô bạn nhỏ ngày xưa đã biền biệt nơi đâu? Có lúc Bé kể lại chuyện đời mình từ lúc rời Việt Nam đến khi thằng Huy thành tài. Mận đã chăm chú nghe và nhắm mắt lại, như thương xót, khi Bé kể tới đoạn Elisa bị tai nạn thảm khốc, đau thương.              
Qua hôm sau, khi gõ cửa bước vào phòng Mận, Bé thấy Mận đang ngồi thẳng lưng trên giường có vẻ như đang trông đợi anh.
- Chào Mận, hôm nay em ra sao? Có ngủ được không?
- Dạ được, bữa nay em thấy đã đỡ nhiều rồi nên muốn thuật lại câu chuyện đời em cho anh nghe đây. 
- Hay lắm, anh cũng nôn nóng muốn biết những gì đã đến với gia đình em nhưng không tiện hỏi. Vậy em cứ thủng thẳng mà kể, anh có thời giờ vì hôm nay là ngày nghỉ của anh.
“Anh đi được 5 năm thì má em mắc bịnh lao phổi phải bỏ dạy học. Căn nhà đang ở đành bán đi để chạy tiền thuốc thang và bác sĩ cho má. Em đang học Sư Phạm thì phải bỏ dở, để sinh sống qua ngày em đã sắm một chiếc xe bán nước sinh tố đặt trước căn nhà thuê ở Gò Vấp rồi hai má con cứ thế mà sống lủi thủi bên nhau. Bị đứt phim hồi 75 rồi sau mấy vụ đồi tiền, gia sản không còn lại bao nhiêu, em hết sức lo buồn vì không biết tương lai sẽ đi về đâu! Cầm cự tới năm 87 thì má mất“.
“Ít lâu sau, em quen được với Stephan Rochefort, ông ta đi du lịch theo lối tây ba lô, rồi nhắm mắt đưa chân trở thành vợ Stephan và theo ông chồng Bỉ này về xứ. Em sang tới đây năm 90, sống ở Arlon (một thành phố nhỏ của Bỉ nằm gần biên giới nước Lục Xâm Bảo) và hai năm sau thi Evelyne, con gái em, ra đời. Gia đình em cũng có được một khoảng thời gian dài êm đềm, ấm cúng“.
“Nhưng bất hạnh đến với em kể từ khi Stephan bị thất nghiệp năm 2008: ông ta sanh tật uống rượu thường xuyên và trở nên dữ dằn mỗi khi quá chén. Lúc đầu thì la hét, đập phá để đòi tiền đi uống rượu vì em có thu nhập do đi làm thâu ngân viên cho một siêu thị gần nhà. Sau thì nặng tay đánh đập em nhiều lần tới mang thương tích, có giấy chứng thương của bác sĩ. Chịu đựng thảm cảnh như thế trong gần một năm, cuối cùng chịu hết nổi nữa nên em đã xin tòa án cho ly dị và được chấp thuận. Stephan bị buộc phải rời khỏi nhà, trả lại một cuộc đời bình lặng cho em và Evelyne“. 
“Em vẫn còn tiếp tục đi làm việc ở Arlon nhưng gởi con lên Bruxelles học nghề sửa sắc đẹp, hiện giờ cháu nó đang đi làm cho một thẩm mỹ viện ở thành phố này. Hôm nọ, em bắt xe lửa đi thăm con, khi tới nhà ga lúc ở trên thang cuốn, em bị người ta chạy xô lấn ngã lăn lóc từ trên cao xuống và hậu quả thì như anh đã thấy đó!“
Bé xót xa nắm lấy tay cô bạn gái đáng thương năm xưa, trong lòng dâng lên nhiều điều muốn nói mà ngần ngừ lẫn ngại ngùng không dám thổ lộ ra.
- Chắc em đã gặp  Evelyne rồi chớ? 
- Dạ rồi, nó thường hay đến thăm em vào buổi chiều nên anh chưa gặp đó thôi. 
- Em chắc còn phải ở lại đây ít lâu để dưỡng thương và tập phục hồi đi đứng. Cố gắng nghe Mận.                             
Ba ngày liền Mận không thấy Bé vào thăm, trong lòng mong ngóng lẫn âu lo , không biết chuyện gì đã xảy ra? 
Nghĩ lại phận mình, Mận thấy tủi thân và thấm thía một nỗi buồn man mác: mấy chục năm trước, Bé vì công danh sự nghiệp nên ra đi không lời từ biệt thì chắc chẳng có chút lưu luyến gì Mận. Đến nay, chàng đã có địa vị vững vàng, bề thế trong xã hội thượng lưu thì có lẽ đâu lại đoái hoài đến người bạn nhỏ tầm thường năm xưa? Thêm nữa là mình không chức phận, công việc thấp kém, gia đình dở dang và tuổi thì đã về chiều… Càng nghĩ Mận càng thấy não nề, nước mắt long lanh trong khóe mắt…
Đang thổn thức thì cửa phòng xịch mở, một cô y tá trẻ đem đồ ăn vào đặt trên bàn đầu giường.
- Hôm nay bà có khỏe không?
- Cám ơn cô, cũng không tệ lắm.
Cô ta bỗng chỉ cho Mận thấy một bì thơ lẫn trong khay thức ăn: 
- Bác sĩ Laurent  có nhờ tôi đưa đến cho bà đó. 
Mận thở dài: 
- Ừm, ông ta không còn làm việc ở đây nữa hả cô? 
- Không, tôi mới gặp bác sĩ đây mà, ông ta vẫn làm việc như bình thường trong bịnh viện. Tôi không nghe ông ta nói chi khác. Thôi chúc bà ăn ngon nhé, chút nữa tôi sẽ trở lại. 
Sau khi cô y tá đi ra khỏi phòng, khép cửa. Mận hấp tấp bóc thư ra  đọc, trong lòng nóng như có lửa đốt…                              
“Đã mấy hôm rồi anh nghĩ đến Mận rất nhiều, nghĩ đến những chuỗi ngày thơ ấu ngày xưa. Bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn đã lần lượt trở về trong trí nhớ của anh“.
“Mấy chục năm trôi qua như giấc mơ trong một giấc ngủ dài, những hình ảnh… những ấn tượng trong ký ức… đã lắng chìm, đã đông đặc trong anh “.
“Chợt gặp lại Mận, chuyện trò vài lần với em, chúng hiện về rõ nét như mới đâu đây. Anh còn nhớ như in cái hình ảnh của em ngày anh ra đi, hình ảnh một cô gái nhỏ, mắt hoen đỏ, buồn bã nhìn theo. Và hôm nay đây, anh mới được dịp thổ lộ với em là ngay lúc ấy anh chợt có một cảm giác mất mát lớn lao thật lạ lùng, nhưng thôi… đó là những chuyện đã qua, chúng ta không thể trở về quá khứ để làm lại cuộc đời“. 
“Anh viết thư này cho Mận để em có thể đọc lại nhiều lần và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi trả lời cho anh. Hơn nữa, anh sợ sự có mặt của mình, sự đường đột ngỏ lời của anh sẽ làm em bối rối“.
“Định mệnh đã chia lìa chúng ta và cũng chính định mệnh đã cho chúng ta gặp lại nhau sau bao nhiêu năm trời phiêu bạt hệt như trong một cuốn tiểu thuyết nào đó mà anh đã đọc qua “.
“Anh trân quý quá khứ buổi nhỏ của tụi mình, ngưỡng mộ lòng hiếu thảo của em và xót xa cho em vì những ngày tháng tạm gọi đọa đày“.
“Mận, anh không muốn đánh mất em một lần nữa… nhưng , đó chỉ là ý muốn của anh!  Anh sẽ tôn trọng quyền quyết định của em“.
“Nếu em không muốn về với anh thì chỉ việc lặng thinh, anh sẽ hiểu và không rầy rà đến gặp em nữa  vì anh rất sợ cảnh chia ly, buồn bã… Ngược lại đây là số điện thoại của anh:... Anh ao ước vô ngần để nghe lại tiếng nói của em“.
Chiều hôm đó Evelyne vào thăm mẹ, có đem theo một bình hoa nhỏ và mấy trái xoài, Mận chậm rãi thuật hết ngọn ngành câu chuyện dài đã qua. Cô ta chăm chú nghe và có vẻ rất hứng thú, sau khi  nghe mẹ tóm tắt lá thư của bác sĩ Laurent, cô nhoẻn miệng cười: 
- Vậy bây giờ mẹ tính thế nào?
Không trả lời thẳng câu hỏi của con gái, Mận chỉ nói: 
- Con có mang theo điện thoại đó chứ? 
Trong lúc Evelyne lục bóp tìm điện thoại, Mận lơ đãng nhìn ra cửa sổ phòng mình. Ngoài kia trời còn đang nắng chói, ít cụm mây bạc lờ lững trên không và thấp thoáng có hai con chim đang vỗ cánh theo nhau bay về mãi cuối trời. 
Tái bút: với những hiểu biết rất hạn hẹp trong lãnh vực y khoa, xin bạn đọc rộng lòng tha thứ cho tác giả đã dám múa rìu qua mắt thợ. 
Chú thích:
1. fête des pères  (lễ của cha). 
22/6/2021
Trủy Thủ
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...