Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Dương Tường với "Thơ ngoài lời"

Dương Tường với "Thơ ngoài lời"

Đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến Dương Tường với tư cách một dịch giả nổi tiếng. Ngay trong giới văn học cũng không ai cũng biết đến Dương Tương - Nhà thơ. Cuối năm 2003 ông cho ra mắt độc giả một tập thơ rất lạ có tựa đề là “Đàn - Thơ ngoài lời” (Nxb Trẻ ấn hành). Trong bối cảnh thơ ca đang “đổi mới” ngày càng quyết liệt, Dương Tường đã góp một tiếng nói lạ, ngõ hầu vườn thi ca Việt Nam thêm hương, thêm sắc, xứng tầm để hội nhập với nền văn học thế giới.
Cuối năm 2003 vừa qua nghe tin dịch giả Dương Tường vừa công bố một tập thơ lạ có tựa đề “Đàn-Thơ ngoài lời” (Do nhà thơ xuất bản Trẻ ấn hành). Chưa được “đọc”, cũng chưa hề được “nhìn” thấy tác phẩm ấy ra sao, trong tôi trỗi dậy một sự tò mò. May mà anh bạn tôi có số điện thoại của ông. Tôi liền bấm máy. Không ngờ, ông đồng ý tiếp tôi ngay. Hẹn một buổi chiều…
Cuối thu. Hà Nội đậm một sắc vàng. Gió nhẹ không  đủ sức lật xác lá khô . Lá vàng rơi vội đậu ngay tại gốc cây. Hình như phố phường “hơi nóng” so với tiết trời phải có, chắc bởi tại các “ống xả”  thi nhau nhả khói vào không gian Hà Nội.
Nhà ông Tường ở vào một con ngõ rộng của phố Phan Huy Chú. Cửa vào nhà có gắn tấm biển “Galley”. À thì ra nhà ông có một phòng tranh.
Tôi dựng xe vào sát tường. Người nhà ông lịch lãm mời tôi vào . Biết tôi muốn gặp ông, người ta gọi với lên gác. Ông thưa nhỏ. Rồi lát sau ông xuống. Tôi lại  một lần nữa ngạc nhiên. Ông Dương Tường đây ư? Một ông già hơi gầy trong bộ trang phục áo thun cộc tay, quần soóc kẻ trùng tới đầu gối, chân đi đôi dép lê. Ông giản dị quá. Trong căn phòng bày tranh la liệt với đủ loại phong cách, ông có vẻ gì hơi lạc lõng, song cũng thật đặc biệt.
Tôi khẽ chào ông rồi tự giới thiệu. Ông khẽ gật đầu rồi đưa tay cho tôi bắt. Tôi hơi lúng túng. Còn ông  đã  kịp nhớ tên tôi ngay lập tức và mời tôi ngồi. Để  cho dễ nói chuyện, tôi nói tôi là bạn văn của một người đã quen ông ở một trại sáng tác. Kì lạ. Ông nhớ ngay tên bạn tôi và nhỏ nhẹ hỏi thăm, thân tình như người nhà. Được một lát, tôi tìm cách lái sang “Cái Trống Thiếc”, cuộc toạ đàm ở Viện Goethe, rồi tập thơ. Nói đến  thơ, ông như sực nhớ, bảo tôi ngồi đợi, ông lên gác lấy một tập xuống tặng.  Còn mình tôi, cái ý nghĩ ông không lợi khẩu khi tiếp chuyện người khác cứ hiển hiện trong đầu. Nhưng ở ông, có một cái gì đó đặc biệt khó diễn tả, nó ẩn trong khuôn mặt ông, ở đôi mắt- một cá tính rất khác biệt, riêng rẽ, không lẫn với bất cứ ai. Khi ông quay lại trao tôi tập thơ có đề tặng và chữ ký của ông, ông lại nhỏ nhẹ: Bạn về xem cho vui. Tôi chưa mở ra vội, mới chỉ ngắm bìa sách, định bụng hỏi  chuyện ông chút nữa nhưng rồi ông có khách- một cô gái trẻ viết văn trở về từ Hà Lan - muốn trao đổi với ông về một cuốn sách có liên quan đến hội hoạ. Ông nhã nhặn xin lỗi tôi được tiếp khách. Cô gái cũng lịch lãm “xin lỗi”. Tôi cũng đành  “ nhã nhặn” đứng dậy xin phép ra về.
Tới nhà, chưa mở vội, tôi đi làm vài công việc cuối cùng trong ngày. Để đến tối, một mình thật tĩnh lặng, tôi sẽ xem thơ.
Cũng phải 10 giờ khuya tôi mới ngồi vào  bàn. Ngắm nét bút ông rồi mở tập thơ ra. Tôi sững sờ. Mở tiếp. Tiếp nữa. Càng lúc càng ngạc nhiên, và…. vô cùng thú vị. Theo tôi biết thì cách “làm thơ” này ở Việt Nam vô cùng ít. Trình ra cho độc giả một “tập thơ” kiểu này thì có lẽ ông là người đầu tiên. Không khỏi có ý nghĩ, ông già hiền lành, thận trọng Dương Tường là người ưa sáng tạo, ưa thử nghiệm “cái mới” trong nghệ thuật. Ngẫm kĩ, cũng là phù hợp với con người ông thôi. Đôi mắt với cái nhìn sáng, thấu thị nơi ông cho thấy một khả năng, một tự tin sáng tạo không thể lường trước. Và sự sáng tạo nhiều khi mang chút cực đoan, nhưng là cần thiết và vô cùng quý giá, nó khiến cho vườn nghệ thuật những bông hoa lạ- rất lạ, tránh được sự nhàm tẻ vì những gì quá quen thuộc. 
Bắt đầu bằng bìa sách với gam màu đen chủ đạo. Có khác chăng là ở phía trên cùng có một ô màu trắng, trong đó có chữ “đàn” biến thể như một nốt nhạc ngân lên với quãng cách âm thanh khác nhau, rồi tắt lặng, để lại độ vang vọng trong tư duy người đọc. Đây cũng là “nốt” chủ âm, là điểm “nhấn” của toàn bộ tập thơ.
Người không đồng quan điểm sáng tạo với Dương Tường khi mở tập sách ra chắc sẽ cho đây là một tập tranh in trên giấy tốt. Người tương đồng sẽ reo lên thích thú và khẳng định đây đích thực là một tập thơ - một tập “thơ ngoài lời”, để thưởng thức tự do khám phá, sáng tạo.
Tôi cũng làm một công việc mạo hiểm là lang thang vào các trang thơ của Dương Tường để thử cảm nhận, thử khám phá xem sao.
Này, một trang có chữ “đàn” cách điệu, có con diều hay cánh buồm phía trên (?) hay chỉ đơn giản là một hình khối, gợi lên một cái gì hơi hoang hoải? Trên nền vàng nhạt “đàn” vừa có đường tròn, đường cong, cành nhánh, lại có những nét kẻ ngang kẻ chéo gợi một âm thanh run rẩy, ngoắt ngoéo. “Đàn” ngân một nốt như một vạch không cụ thể, không đầu, không cuối. “Đàn” bắt đầu bằng âm mạnh nhưng rồi sau đó rất mỏng, có hoa leo, có một cánh bướm, nụ hoa như con mắt nhìn soi mói. “Đàn” như ốc sên trên sa mạc bỏng. Hoang liêu. “Đàn” bện quyện ngang dọc, so le, quấn quýt. “Đàn” của nốt tượng hình. Rồi “Đàn” thành “đàn bà” có mảnh trăng, đàn bà, địa cầu, có mắt, đàn bà hay mây sắp che khuất trăng, mây hay là sóng; trăng xanh, dòng sóng ngoằn ngoèo kéo qua cả địa cầu. “Đàn” có lá rơi, có ô cửa (hay ô gì?), có lưới, có hai khuôn mặt trộn nhau không ranh giới, có hình khối mang dáng người lộn ngược. “Đàn” mưa không gợi nốt buồn; trầm, nhưng kỳ quái và hơi phồn thực. “Đàn” có chớp trắng trong nền xanh. Những nét cuộn xoắn ngang, xiên của mực tàu… Rồi đây, “Đàn” nghìn zặm. “Đàn” mang dáng nét hình- số học. “Đàn” bất địa đồ như lạc vào cõi mê. “Đàn” như bức tạo hình cần chắp vá để đi đến một hình khối thống nhất. “Đàn” mịnh có những chữ ký, dấu vân tay như chứa những thân phận người khác nhau. Để rồi dần kết thúc bằng những trang thơ có màu nền khác nhau, chỉ chung một điểm kết cấu và có một ô màu đen phía phải góc dưới. Thực sự kết thúc là “đàn” có hình ốc sên trên khối màu xám pha rất khó miêu tả.
Tôi đã thử lang thang vào các trang thơ ngoài lời của Dương Tường, không khỏi thấy một sự mệt mỏi, choáng váng nhưng vô cùng kỳ thú. Hình như  những trang thơ của Dương Tường lay động những góc khuất bí hiểm nào đó trong tôi. Và tôi tin, mỗi một lần thưởng thức lại, tôi sẽ có một cảm xúc khác hoàn toàn. Cảm nhận của tôi có thể không giống với ai, cũng rất có thể không hề giống với ý tưởng của Dương Tường. Nhưng phải chăng, đó cũng là điều mà tác giả tập thơ kỳ lạ này mong muốn?
Tôi lật lại phần giới thiệu của Nhà xuất bản, thấy một lời khẳng định: “Đây là một tập thơ”. Vâng. Đây là một tập thơ. Và thơ này là thơ kiểu Dương Tường. Trong thời điểm mà thông tin bùng nổ, cái mới rất nhanh trở thành cái cũ, người sáng tạo nghệ thuật đang nỗ lực hết sức mình để khám phá, sáng tạo nên cái mới, thì tập thơ của Dương Tường như thêm vào công cuộc vất vả đó một nét lạ, cũng như niềm tự tin của người đi trên đường dài không rõ đích. Tôi tin, với những người ưa khám phá, sáng tạo, tập thơ này của Dương Tường sẽ như một sự cổ vũ, một chia sẻ, một đồng hành trên con đường khắc nghiệt. Bạn đọc muốn thưởng thức thi phẩm này, chỉ có một cách phải có cuốn sách trong tay. Hãy đọc, hãy nghe, rồi xem tiếng “đàn” Dương Tường có động thức được bạn, được những người xung quanh hay không?.
23/10/2006
Đào Bá Đoàn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...