Hoa vông vang 1
TỰA
Đây là một tập truyện ngắn của một nhà văn còn trẻ tuổi, bạn
tôi.
Mỗi lần khuyên một người còn ít tuổi quá viết văn, theo thói
quen, tôi chỉ mong được tác giả cho xem những tập truyện có tính cách mơ-màng,
bóng bẩy, thường thường đẹp đẽ như một bài thơ nhưng ít khi đi sâu vào tới sự
thực đơn giản và ý nhị của cuộc đời. Trong những tác phẩm đầu tiên ấy, tôi
không dám ao ước gì hơn là được thấy đôi chút hứa hẹn và tương lai.Đỗ Tốn đã
làm tôi ngạc nhiên một cách vui sướng từ khi mới xem xong vài ba truyện trong
cuốn "HOA VÔNG VANG" này. Người bạn trẻ của tôi đã có những nhận xét rất tinh
vi về đời sống, và những hành động, tâm tính của người đời, có đủ kinh nghiệm
không khác gì một nhà văn đã già giặn và sống nhiều.
Các nhân vật trong truyện, người nào cũng có tính cách rõ
ràng và linh động như người thực: từ Phong bồng bột và liều lĩnh trong truyện Định
Mệnh đến ông chủ giây thép an phận và đơn giản, cô Tuyên ngoan ngoãn trong
Duyên số và Kép Già vui đùa luôn để dấu những nỗi đau khổ ngấm ngầm… Nhất là cô
Lan (trong Định Mệnh), cô Lan dịu dàng và yên lặng rất có tính cách một người
Việt Nam, tác giả gần như không nói đến mà ta đọc thấy linh hoạt vô cùng.
Tác giả lại biết nhận xét và diễn tả được cả những rung động
mong manh thầm kín của lòng người bằng một vài nét rất đơn sơ. Tiếng nói «vâng,
em yêu anh» của cô Lan, bàn tay cô Tuyên rứt mấy lá cỏ sắc đến chảy máu, cây na
bên cạnh vại nước ướt át, và cỏ đồi rộng rãi… trong các truyện rất nhiều những
chỗ như thế không có gì cả, nhưng trong những cử chỉ, những cảnh không đâu ấy,
có ngấm ngầm không biết bao nhiêu là cảm giác mung lung, không cần diễn tả mà
rõ ràng hơn là diễn tả.
Để cho tình cảm lôi kéo mình đi quá, và hay lợi dụng cơ hội,
đó là thói thường của các nhà văn trẻ, nhưng tác giả "HOA VÔNG VANG" lúc nào
cũng giữ được giản dị và giữ được điệu độ, biết ngừng lại ở những chỗ nào cần
phái ngừng. Tác giả lại tránh được cái tật quá say mê những câu văn hào nhoáng,
đọc nghe rất kêu. Tuy văn trong ''HOA VÔNG VANG'' một đôi khi không đúng mẹo,
dùng sai chữ, trùng tiếng, nhưng cái đó không hề gì, miễn là tác giả diễn được
sự thực và câu văn đã gợi lên trong lòng người đọc những cảm giác đúng hệt ý muốn
của tác giả. Tuy mới viết văn lần đầu nhưng về cách dàn truyện, nhất là trong
Duyên Số và Định Mệnh, tác giả đã tới được mực già giặn của những nhà văn đã viết
nhiều.
Đỗ Tốn viết bằng cảm giác nhiều hơn là bằng ý nghĩ: anh có những
cảm giác rất mới lạ sắc sảo và tâm hồn anh lúc nào cũng sẵn sàng rung động như
tâm hồn một nghệ sĩ đa cảm bỡ ngỡ đứng trước một cuộc đời muôn màu đẹp vừa hé mở
ra trước mắt.
Xem những truyện trong tập "HOA VÔNG VANG" tôi không thể
không đem Đỗ Tốn ra so sánh với một nhà viết truyện ngắn khác: Thạch Lam. Tôi
thấy hai nhà văn này có nhiều chỗ giống nhau và tôi tin Đỗ Tốn sẽ là một Thạch
Lam thứ hai trong văn giới nước ta.
NHẤT LINH
Quảng Châu
Tháng 12 năm 1942
Miền Nam Trung Quốc... năm 1942
Anh Tạo
Vừa đến tuổi trưởng thành em đã vội bỏ nhà ra đi không
một lời từ biệt cùng anh, em rất có lỗi. Nay em trở về, vẫn tay không. Nhưng em
cũng đã giầu thêm bao nhiêu: ra đời em đã được học những cái mà gia đình và nhà
trường không từng dạy. Song từ buổi rời cách gia đình lòng em đã mang một nỗi
buồn nhớ thương không thôi và em đã thiệi thòi nhiều: phải xa cách người thân
yêu! Tuy thế càng ra ngoài em càng nhận ra em giầu nhất anh ạ, em thấy ít ai có
thể có được hai người anh tốt như em đã có.
Sau hơn hai năm ra đi, em được qua đôi phút tưng bừng chói lọi,
và em đã sống bao ngày gay gắt, gay gắt! Nhưng những gian nan tủi cực mà ra đời
em phải nhận, em thấy đó là phần châu báu của đời em. Phải, không ở đâu em được
quá đỗi sung sướng như ở nhà anh ạ. Ở nhà cha mẹ nuông chiều, các anh các chị
yên quý, từ ngày bắt đầu khôn lớn, chưa bao giờ em thấy anh nặng lời gắt mắng
em,... còn thầy thì mua súng chín ly mang cưa ngắn báng đi cho em săn bắn từ
năm em lên mười và em tập cỡi ngựa từ ngày nào nhỏ lắm mà em chẳng thể nhớ được.
Đấy, thế mà sao em vẫn cứ thích ra đi!... Anh cũng biết, em anh có bao giờ
ở nhà được lâu: tính phóng đãng, mới mười bốn tuổi, một lần em đi mất, anh đã
chả phải vào các bệnh viện cùng các quận cảnh sát thăm tìm là gì!
Xa anh ngót ba năm trời, em vẫn giữ được tâm hồn tinh khiết,
tấm lòng tự cao, mặc dầu là em đã qua cả những ngày thiếu thốn đói rét! tuy vậy
vật chất có đáng kể gì phải không anh!... ra ngoài thì sao cho đầy đủ bằng ở
nhà được… nhưng lớn lên giữa nơi đồi núi, khoáng đạt, lòng trai khát khao xa lạ,
mê say nguy hiểm, luôn luôn em như nghe tiếng gọi của đời phiêu bạt... hơn nữa,
em còn nghe rất nhiều: mầu tươi nét đẹp, một tiếng chim lạ kêu hót cũng gợi nhắc
cho em những cảnh đâu đâu! Song lòng em vô cùng rung động, xa nhà em lại buồn
nhiều: đã có nghìn dây tơ óng mượt vương vít ràng buộc hồn em với gia đình êm ấm,
với đồng nội quê hương. Phút này em sung sướng được trở về, nhưng mai mốt! mai
mốt khi vô tình đứng trông đôi cánh nhạn vút bay về cùng nắng mới đâu biết em
chả không thèm muốn, lòng thắc mắc mơ tưởng đến những xứ lạ chim đã bay qua...
và em lại ra đi lúc nào đã ai dám chắc: lòng em ấy mà!
Anh ơi, tuy đã nhiều lần anh đọc được cả ý nghĩ thầm kín
trong tâm em, nhưng đến nay thấy em viết văn, chắc anh cũng không thể ngờ được
nhỉ. Nếu bảo là người em liều lĩnh, người em chưa từng chăm học của anh đỗ thạc
sĩ toán, anh cũng không lạ hơn!... Nhưng anh thử nhớ lại xem, anh chả vẫn thấy
em yêu hoa và thích thơ là gì.
Đọc xong tập truyện này anh sẽ hiểu em hơn nữa, anh sẽ hiểu tại
sao nhiều hôm bất ngờ, đương giữa buổi học em lại bỏ sách đâm về nơi đồi núi
sinh trưởng: một phút đứng lắng nghe tiếng thông reo, một làn gió rộng giữa khi
cưỡi ngựa đi đồi nghe sơn ca bay hót trên trời xanh, một mùi cỏ thơm, thường đã
nhiều lần làm dịu được long em băn khoăn sôi nổi - lòng trai lớn lên sao có những
lúc bối rối trơ vơ không duyên cớ!
Từ trước đến nay bao giờ em cũng thấy anh tin tưởng vào em,
em rất hư hỏng của anh! Làm thân trai “thằng Tốn lăng quăng tợn’’ của anh muốn
cái gì cũng biết qua một chút, nên trong những phút nhớ nhung ở nơi xa, những
phút vô cùng nguy nan mà đôi lúc thần chết nhăn nhở về luẩn quất ở bên, trong
những giây phút mà tâm hồn căng tưởng muốn đứt, trong những phút thật không
thích hợp chút nào với công việc viết văn êm tĩnh đó, em cũng đã cố viết cuốn
sách này, cốt để dâng anh. Tuy đây là thành công đầu tiên trong đời em, nhưng
khi viết gần xong em mới chợt nhận thấy đó không phải là con đường em nên đi giữa
lúc tuổi trẻ bồng bột này …em có ý thôi viết văn, anh nghĩ sao? Lòng trai thay
đổi mà lòng em càng thay đổi lắm.
Điệu Thu Ca
Anh Địch yêu thích mùa thu. Xin tặng anh điệu ca này, truyện
đầu tiên mà em đã viết xong trong đời.
Gió thu về!
Phải, gió đã lạnh, trời về cuối tháng bảy rồi còn gì sắp rét!
Một cơn gió đầu mùa đôi khi cũng mang lại lòng tôi nhiều nỗi hoang mang, gợi lại
những kỷ niệm không định, Chợt tôi nhớ đến một người chị họ xa, ở vùng
Thái-bình, mà một bữa đầu xuân, nhân chị đến thăm, trong khi vui chuyện tôi đã
hẹn:
- Bao giờ mùa thu tôi sẽ về chơi... nhưng có gì thết
không...?
- Có, có bánh khúc nóng... với nhiều chuyện vui. Chị đáp lại
với một nụ cười. Thế mà nay mùa thu đã tới, nhắc tôi nhớ đến chị, và mỗi lần nhớ
đến chị là tôi còn như thấy lại cả một thời trọ học ở Thái-bình ngày nhỏ. Ngày ấy
trong bốn tháng trời, cứ mỗi lần chủ nhật đến, tôi lại về nhà chị chơi đùa cùng
mấy người em trai của chị. Những ngày đó rẩt ngắn ngủi cho một người học trò nhỏ
như tôi. Thường thường thì cứ chiều thứ bảy, cùng với người anh thứ hai của
tôi, chúng tôi từ giã nhà trọ lên chiếc xe xích-lô trở về gia đình nhà chị. Dạo
ấy mùa xuân, trên quãng đường ngoắt ngoéo mười một cây số, gió lộng nơi đồng rộng
thường làm chúng tôi rét mướt, thu hình trong chiếc áo ma-ga sờn tay: có gì mà
chả rét, hai đứa trẻ xa gia đình, không có lấy một bàn tay của mẹ của chị chăm
nom săn sóc ; ở trọ nhà người ta thì ai người ta yêu, mấy ai thương hại những
con chim non bao giờ! Xe thường phải hạ mui xuống vì gió, và tiến rất chậm. Gió
thổi mạnh. Chúng tôi hay ngồi yên lặng không nói ; chẳng hiểu thời ấy trí tôi
bay bỗng theo giấc mộng gì, nghĩ gì?... Chỉ biết tiếng gió ào ào bên tai thỉnh
thoảng lại bị chấm bằng vài câu ngắn ngủi nhạt nhẽo như: “Đã đến Cầu Lô” hoặc
“Còn ba cây nữa”... càng mong thì hình như xe càng chậm lại... chúng tôi thường
tới nhà chị vào lúc những ngọn đèn hoa-kỳ bắt đầu le lói lạnh lẽo sau hàng dậu
thưa hay tấm phên cửa liếp.
Mỗi ngày nghĩ là một ngày vui sướng mà tôi chẳng thể nhớ lại
được hết. Nhưng tôi nhớ đã nhiều bữa lạnh trời, chúng tôi được gọi về ăn bánh
trong lúc đương chơi ngoài bờ ao, hoặc leo trèo trong vườn.
Thường thường là bánh khúc vừa mang từ trong nồi hấp ra, hãy
còn tỏa khói, nhân thịt mỡ béo ngậy, ăn nóng sốt trong gió hơi lạnh. Ngày ấy
tôi thấy đó là một nỗi vui sướng tuyệt đích. Cho đến nay tôi vẫn thấy yêu thứ
bánh đó, có phải vì nó ngon hay chỉ vì nó đã đánh dấu một thời thơ bé? Khi thấy
chúng tôi ăn ngon lành những chiếc bánh chính tay chị làm ra chị ngồi nhìn sung
sướng... Những lúc đó chị đẹp lắm tuy mới bắt đầu nẩy nở cùng cái tuổi chớm dậy
thì. Ngày đó chị mười bốn, mười lăm hay mười sáu tôi chẳng biết, tôi chỉ thấy
chị đẹp, thế là đủ rồi - Đôi khi tôi nhận thấy trong đáy mắt chị tia vui lấp
lánh,... cho tới nay đã nhiều lần tôi tự hỏi: “Có phải đó là ánh phản chiếu của
một tâm hồn tươi đẹp!” Dẫu sao thì những ngày đó cũng đã mang lại lòng tôi ít
nhiều cảm tưởng đầu tiên về sắc đẹp của đời. Tôi còn nhớ có một hôm chị mua cho
chúng tôi một cái lồng bẫy chim,... và chị vẫn chẳng ngờ nhờ nó mà lòng tôi đã
rung động lần đầu trước vẻ đẹp của hình sắc với một cảm giác êm đềm. Có gì đâu,
trong cái lồng đó chúng tôi nhốt một con chim khuyên ở từng dưới, chỗ bẫy ở từng
trên tôi để rất nhiều hoa tử-vi cùng một quả chuối tiêu vỏ bốc nửa để làm mồi rử.-
Xong rồi chúng tôi ra xa nấp đợi. Ngày ấy vào cuối tháng hai, đâu đâu bông nở rất
nhiều, cây lá xanh tươi mát mẻ, và những loài chim nhỏ từ xứ nào bay về tới tấp,
đủ các màu! Tôi nhớ có cả con nhỏ đuôi dài, như con trĩ con màu trắng bạch bay
rất lẳng lơ!... Và ngày ấy tiếng hót vang trời! Có đàn chim khuyên bay qua các
cây... nghe tiếng kêu gọi con trong lồng, chúng bay sà đến cây tử-vi. Ở đó đẹp
lắm, hoa nhiều, có lẽ chúng cũng thích. Chúng nhảy từ cành này sang cành khác
ríu rít kêu hót!... Chúng tôi nấp nhìn hồi hộp. Một con nhảy vào định ăn chuối.
“Xập!”
- “Được rồi! Ha... a... a...” Chúng tôi hò hét hớn hở chạy
ra. Tôi đến nơi trước nhất, nhưng lúc tôi đưa tay lên định nhắc chiếc lồng thì
tự nhiên tôi dừng lại: trong giữa đám hoa tử vi phơn phởt tím, cạnh màu vàng của
quả chuối, một con chim khuyên mơ màng đập cánh sợ hãi đòi bay ra làm ít cánh
hoa mỏng tung bay là là rớt xuống đất,... trong khi ấy thì chiếc lồng cứ khẽ
rún rẩy trên cành đặc hoa. - Cho đến nay tôi vẫn còn như trông thấy cái cảnh đó
; chả nhẽ lúc ấy tôi lại thả con chim ra, nhưng thực lòng tôi không thấy vui sướng
như lúc sắp bắt được nữa!... Vẻ đẹp đã làm nẩy nở chút ít nhân đạo trong lòng
trẻ hay chỉ làm yếu ớt một tâm hồn! Tôi thấy bớt vui. Tôi đem lồng chim về, lúc
bước vào buồng định khoe chị thì tôi thấy chiếc va-li của tôi mở tung, chị đang
ngồi khâu bên cạnh! Tôi thấy trong người thế nào ấy khi nhận ra chị đang khíu mấy
chỗ áo rách cho tôi. Lòng tôi như se lại, như hơi buồn khi thấy ở nơi xa này
còn có người săn sóc tới mình! Sao tôi lại không vui? - Có những nỗi vui nhẹ
nhàng êm ái quá làm ta mủi long!... Bùi ngùi tôi ngồi xuống bên cạnh chị, yên lặng
xem, những ngón tay chị cong cong nhanh nhẹn đưa kim: tôi trông rõ trên những đốt
cuối cùng có những sợi lông tơ mọc lưa thưa trên da trắng nuốt, từ thân thể chị
tỏa ra một hương thơm nồng ấm mùi da thịt. Tôi ngồi yên lặng không nói.
Từ đó đã bảy năm qua, bảy năm tôi không bước chân trở lại nhà
chị: có lẽ vì xa xôi cách trở và cũng vì nhiều cớ khác. Vả lại tôi còn mải theo
cuộc đời thanh niên ồ ạt nơi tỉnh thành thì còn nghĩ đâu đến việc tới thăm một
người chị họ xa xôi!... Tuy thế tôi biết là những ngày đó vẫn ngủ yên trong đáy
lòng vì vẫn còn có đôi khi bất ngờ tự nhiên tôi thấy mang mang nhớ lại. Tôi
không tiếc những ngày qua, nhưng tôi yêu chút gia tài mà chúng để lại: ai chả
thích những kỷ-niệm của tuổi nhỏ! Cho đến năm ngoái...
Cho đến năm ngoái một hôm tôi trở lại nhà chị.
Bảy năm rồi còn gì. Tất cả đã thay đổi nhiều lắm. Trong quãng
thời gian ấy thì ông thân sinh ra chị đã mất, trong họ kiện tụng lẫn nhau
vì chuyện chia gia tài, mấy người em trai chị thì nay đã lên tỉnh Thái học,...
còn chị thì đã lớn: một cô gái ngoài hai mươi, óng mượt dịu dàng như bông hoa nở
hết cánh... Tôi tới vào lúc nhá nhem tối, gặp lại bao nỗi vui mừng, người nói
câu này, người hỏi câu kia. Sau vài phút nhộn nhịp ban đầu chị ngắm tôi một lúc
rồi quay lại hỏi mẹ:
- “Mẹ ạ,... anh Huân bây giờ lớn quá rồi”... Phải, tôi đã xấp
xỉ đôi mươi rồi còn gì, tôi nhìn chị cười. Chuyện xa gần, lời thăm đón, chị nhớn
nhác chạy xuống bếp coi cơm nước, bảo người ở trải đệm mới vào buồng khách.
Thoáng cái đã thấy chị đứng cạnh mẹ góp chuyện. Tất cả như bận rộn một cách vui
thích làm tôi thấy sung sướng thêm.
Chỉ sống với mẹ và người em gái ở nơi biệt thự hẻo lánh này.
Sau một lúc hỏi thăm về những người xa gần thân thích, chị nói:
- À ra thế, anh Địch (1) bây giờ đã là sinh viên trường thuốc
rồi cơ đấy,... sắp sửa ông Đốc nay mai. Còn anh, anh không đi học à? Sao lại về
chơi được?
Tôi mỉm cười:
- Tôi thì nói làm gì!... học gì tôi! Tôi chỉ hay về ấp đi
săn, cưỡi ngựa, và khi nào tôi thích đi chơi một nơi nào chẳng hạn thì không gì
cản được tôi đi... Chả thế mà thầy tôi đã phải bảo “mày chỉ sắm vai đi chơi là
giỏi”... Đời! thế là đẹp phải không chị...
Nhưng chị chỉ mỉm cười!... Chị lớn lên hồn nhiên ở nơi thôn
dã như bông hoa trong nội cỏ thì hiểu sao được những tâm hồn phức tạp! Chị chỉ
cười...
Sau bữa cơm tối thì chị và người em chị cùng tôi ra ngồi
ngoài sân chơi. Chị nói chuyện vẫn có duyên, luôn luôn hoạt động tươi giòn - Dưới
ánh sáng trắng nhạt của trăng thu chị có một vẻ đẹp thần tiên với làn tóc dài
buông xõa, Tôi kể những chuyện về tỉnh thành cho chị nghe ; sau những đoạn mà
chúng tôi cười vang trong đêm vắng chị nói:
-Chuyện anh lạ vui lắm mà,... thật đấy!
- “Thế à, thích nhỉ?”... Tôi đáp rồi tự vỗ vào ngực vui đùa
to giọng nói: “Đời tôi là một trận cười giòn tan”.
Chúng tôi vui chuyện cho tới khi sương lạnh xuống đã nhiều,
làm mờ mấy bông lài xa xa. Tôi đi ngủ vui sướng với ý nghĩ là mấy ngày sắp tới
sẽ tươi đẹp. Còn gì thích hơn là những ngày nghĩ mà ta chẳng nghĩ gì xốt cả, thản
nhiên đợi những chuyện mà ta biết là sẽ vui.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm trong lòng vui vẻ khoan khoái sau giấc
ngủ một mạch thâu đêm, Tôi hát nghêu ngao mấy câu rồi hấp háy lệt sệt lê bước
ra cửa sổ đứng ngáp cùng hô hấp không khí trong sạch buổi sớm mai ; trời về
sáng hơi lạnh, tôi phải xuýt xoa đưa hai tay xoa mạnh vào người để lấy chút ấm
áp. Gió nhẹ thổi lành lạnh,... có hương thơm thoảng theo: mùi hoa mộc! mát nhẹ
xa vắng như mùi thơm thiên nhiên của làn tóc một cô gái. Tôi vội mở cửa bước
ra: một cây mộc lá còn ướt sương buổi sớm rung rinh trong gió...
Tôi giơ tay ngắt một chùm hoa nhỏ đưa lên mũi: còn đâu! ngửi
gần hương thơm đã mất cả vẻ nhẹ thoảng xa bay!... Tôi nghĩ đến bộ tóc con gái,
“phải, có những vẽ đẹp ta không nắm được, có những hương thơm chỉ nhờ trận gió
thổi lại!”... Tôi nghĩ miên man đến làn tóc cô gái. Có tiếng hót trong bay trên
không làm tôi nhìn lên: một con chích chòe đậu trên mái cũ đương cất tiếng. Tôi
ngây người đứng nghe, nghe giọng hót và cả tiếng gì lao xao nổi dậy trong
lòng... Tôi biết không phải tôi mê tiếng hót: tiếng cu gáy đều đều còn kêu gọi
tôi nhiều hơn, còn nhắc đến ngày nhỏ, những ngày hè oi ả nơi quê nhà. Tôi đứng
lặng!... như đã một thời nào xa lắm, cũng một buổi sáng êm nhẹ như buổi nay tôi
đã đứng nghe tiếng hót bay trên mái cũ...
- Phải, chỉ lại cái mái cũ, cái mái ngói rêu cũ...
Tôi đứng im chờ đợi. Chim hót chán bay đi, không một tiếng
hót đáp lại, vạn vật như thản nhiên với tiếng đàn lòng.
Mặt trời đã lên, chiếu sáng mấy hạt sương long lanh trên những
sợi cỏ tóc tiên xanh tươi. Tôi vội bước ra đi tắm để khỏi phí mất chút thì giờ
của một ngày xinh đẹp. Từ buồng tôi tới nhà tắm phải đi ngang qua giữa hai ngôi
nhà rộng thăm thẳm lát gạch lục giác tráng men, cột lim to hàng ôm mà nay vắng
tanh, cửa đóng im phắc ; một bên là nhà thờ tổ, một bên là phòng tiếp khách. Ở
giữa có những mái hiên chạy ngang nối liền ; đây đó tôi thấy mấy chậu cảnh xơ
xác cùng vài hòn non bộ trong hai cái bể con rêu bẩn, nước cạn vàng, lềnh bềnh
nổi vài chiếc lá khô: chút di tích về những ngày oanh liệt của ông cha xưa kia.
Những tấm cửa lim chạm nổi nay đã mốc meo hoang lổ, vài chiếc khóa đồng cổ rỉ
xanh. Ghé mắt nhòm qua khe cửa gian nhà thờ tôi chỉ thấy tối tăm và thoang thoảng
mùi ẩm mốc lành lạnh bay ra. Phòng tiếp khách dài rộng, chạm rồng phượng nay chẳng
để làm gì hơn là để bụi bám; những đôi câu đối thiếp vàng đã chẳng còn ai đọc
đến!
Đâu rồi những giọng ngâm sang sảng vang ngân, những dịp cười
hống hách khi hơi men đã bốc!... Nay chỉ có tiếng chân tôi vang lên trong yên lặng.
Trông đây tôi cảm thấy tất cả vẻ hoang tàn đỗ nát, tất cả nỗi tang thương của một
gia đình giàu sang trong lúc hết thời.
Từ ngày ông cha mất đi thì họa hoằn mới có một người khách sơ
lạ, còn họ hàng thân có ai tới thì chỉ tiếp ở căn phòng thường ngồi chơi hàng
ngày; ở đấy có một cái sập, một cái bàn, năm sáu cái ghế và hai cái tủ đựng
trăm thức lặt vặt...
- Ở đây tiện cái gần bếp nước...
Họ ăn cơm ở đấy, nói chuyện ở đấy và đánh tổ tôm cũng ở đấy nốt!
“Nhưng từ ngày trong họ kiện tụng lẫn nhau thì cũng chẳng mấy ai về chơi nữa!”
- Bà mẹ nói thế một cách buồn tẻ - Có phải một chút hối hận một chút đẹp đẽ đã
nổi dậy trong lòng những kẻ đã dám coi thường tình ruột thịt!
Ăn điểm tâm xong, tuy trời nắng, tôi cũng để đầu trần đi ra
vườn..., tôi thích đi như thế dưới nắng gió mùa thu!... Tôi vui sướng thấy cạnh
nhà còn có một khoảnh đất to trồng lẫn lộn nhiều thứ hoa, tỏ ra đã có một bàn
tay mềm dẻo chăm nom. Những bông hoa lay động muôn ánh tươi đã bảo cho tôi hay
là trong cảnh tiêu diệt của một cơ nghiệp cũng còn có một mầm sống: một cô gái
đương thời măng trẻ. - Lang thang trong căn vườn bát ngát những cây cao, tôi muốn
nhìn lại nơi đã chứng kiến và chôn giấu bao ngày đẹp đẽ đối với tấm lòng bé dại
xưa kia, tôi muốn tìm lại ít kỷ niệm, ít vẻ đẹp mà tôi đã yêu quý một thời...
khó quá! Khắp vườn cỏ mọc um tùm, cảnh vật cũng đã theo tình cảnh một gia đinh
mà đổi thay! Tận cuối vườn rộng, thấy tôi đến, một đàn ngỗng sợ hãi kêu “cà kếu”
inh ỏi chạy nhảy xuống ao làm tung toé nước. Ao vẫn nguyên như cũ, đây vài bực
đá mòn vẫn thản nhiên ngâm chân trong nước mơ màng có lẽ chưa quên tôi. Bỏ guốc,
tôi bước xuống như ngày nào còn nhỏ... nhưng chân tôi đâu còn non nớt!.. Tôi té
nước chậm chạp lên đùi gối. Đàn ngỗng đã không kêu nữa, con thì rỉa lông, con
thì vươn cổ thản nhiên lềnh bềnh nổi,... vài ba chiếc lông gió thổi trôi quanh
co trên mặt nước thu trong khẽ gợn trước gió như những chiếc thuyền không lái.
Tất cả êm nhẹ, và tôi cảm thấy lòng tôi cũng nhẹ như những chiếc lá tre khô lúc
rơi trên mặt nước không tiếng. Tôi vẫn cúi mình trên nước rửa chân chậm chạp để
hưởng cái mát êm đềm trong vẻ tĩnh mịch của bờ ao quê cũ. Nắng rung trên nước
trong... nắng dịu qua kẽ lá và nhịp hồn tôi như cũng lắng xuống tuy trời gió
nhiều. Tôi đứng im hồi lâu nghe những quả sung chín đôi lúc lại lõm bõm rơi làm
mặt nước rùng gợn vòng sóng. - Tôi thích nghe tiếng gió kẽo kẹt trong khóm tre
ngà!... Nước vẫn mát, gió qua vừa, và những cây cổ thụ in hình năm tháng vẫn rì
rào than thầm trong cằn cỗi mặc đàn sáo bay về ríu rít. Tiếng vui ca bay bỗng
trên cảnh hoang tàn sao lại ăn nhịp? Có phải đây đã trở lại rừng xanh yêu quý của
chim muông! Bâng khuâng tôi lững thững đi về.
Tới vườn hoa tôi đứng lại ; trong lúc tôi đang ngắm mấy
con ong bay về tìm mật dưới trời trong sáng thì chị đi ra, tay cầm một con dao
nhỏ để cắt hoa! Thấy tôi đang đứng thơ thẩn một mình, chị nhìn tôi mỉm cười dưới
ánh mặt trời ; tôi mỉm cười đáp lại. Cả hai đều không hỏi câu gì; chúng tôi
như còn e thẹn tuy rằng tối hôm trước đã cùng nhau vui chuyện. Phải, tại bây giờ
sáng quá, vả lại câu đầu bao giờ cũng khó, biết nói gì bây giờ!... bảy năm
không gặp lại càng rụt rè lắm.- Tôi lơ đãng đưa tay rứt mấy chiếc lá yên lặng
ngắm chị đi lại phơi phới giữa ngàn hoa như một con bướm lạ. Ý nghĩ không biết
chị cắt hoa vì bữa nay có tôi hay là thường ngày chị vẫn cắt như thế đến luẩn
quẩn trong óc tôi, nhưng tôi cũng thấy sung sướng!
Muốn phá sự yên lặng, tôi ngỏ ý khen chị khéo trồng hoa
thì chị ngừng tay nhìn tôi rủ:
- Cắt hoa xong ta đi chơi chợ đi...
Tôi gật đầu nhận lời.
Một lúc sau chị bước ra cùng tôi thủng thẳng đi về... đi được
mấy bước thì chị giơ bó hoa ra trước mặt tôi hỏi:
- Đẹp không?
- “Đẹp!... Đẹp lắm!”... Chị đẹp thật, lúc bấy giờ má chị ửng
hồng. Không biết vì ánh hoa phản chiếu, hay vì gió thu, hay vì sung sướng,
nhưng mắt chị sáng ngời như là tất cả ánh sáng trên vòm cây lay động trước gió
kia đã phản chiếu vào đáy mặt chị. Tôi quay đi mỉm cười với ý nghĩ tôi đã mượn
nó để khen chị đẹp mà chị không biết - mà biết đâu chị chả biết - nhưng thấy
tôi cười chị cũng cười hỏi:
- Anh cười gì thế anh Huân?
- Tôi cười vì tôi vừa nghĩ đến những cái bóng gió xa xôi ở đời,...
đẹp lắm, đẹp lắm!
Chẳng biết chị có nghe những lời tôi nói và có hiểu gì không
; tôi thấy chị thản nhiên đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc mai mà ngọn gió cứ vô
tình chòng ghẹo. Muốn đưa sang chuyện khác, tôi liền giữ chị đứng lại rồi vạch
bó hoa đưa tay chọn một bông xinh thắm, mầu tím ngắt - tôi yêu cái mầu tím ấy
quá, tôi giơ lên cao rồi giơ ra xa xa ngắm - Thấy thế chị cười trêu:
- Đẹp lắm rồi... mang về mà tặng cô bạn...
Tôi cười nhìn chị! - Lúc ấy bao loài chim cùng đàn sáo mun vẫn
nhộn nhàng ríu rít trong những ngọn cây xa,... vạn vật như tưng bừng rộn rịp
đón tôi về.
Câu chuyện giữa chúng tôi đã dần dần trở nên thân mật. Trong
khi chị cắm hoa vào bình, thì tôi rót nước lã vào chiếc cốc, cắm hoa vào đó, rồi
đem về buồng đặt trên bàn. Bông hoa như có hồn, tôi say sưa ngắm như ngắm người
yêu dấu... Mầu thắm làm tôi xúc động... Tôi thấy tôi yêu như khi gặp người đẹp
qua đường mà ta đứng lại trông theo - nhạc hồn tôi lên bất chừng - Vừa lúc ấy
có tiếng chị gọi ở ngoài sân làm tôi vội chạy ra; chị đứng tươi cười nói:
- Ta đi thôi chứ.
Đầu đội một chiếc nón nhẹ, chị bận quần áo toàn trắng mà ngọn
gió lẳng lơ thổi bạt về một phía, in hẳn lên tấm thân đều đặn. Gió thổi mạnh,
tóc tôi xõa cả xuống trán...
Lúc đi qua căn vườn, từ cây hoàng-lan một chiếc lá vàng từ từ
lượn rơi xuống nằm trên mặt đất trải đầy bóng nắng lay động, tôi cúi nhặt mân
mê trong tay lơ đãng. Ra đến ngoài cổng, trên con đường quê nhiều người gồng
gánh cùng đi về một phía như chúng tôi, tiếng họ cười nói huyên náo trong không; những tà áo nâu non lại non hơn vì ánh mặt trời, phất phơ trên nền lúa xanh -
nhưng đẹp nhất là tà áo phin trắng của chị, sáng lên dưới ánh nắng thu, gió
đánh bạt tung nhiều lúc quấn cả lấy chân tôi - và gió thổi... một tay chị phải
giữ lấy quai nón trong khi cùng tôi vui cười giòn chuyện trên con đường quê. Có
một lúc chúng tôi đi rẽ xuống, lối tắt theo bờ ruộng, chị cầm nón đập chơi vào
những bông lúa nghe rào rào làm châu chấu từng đàn lũ lượt tản mác bay, có con
đậu cả lên áo, lên mặt...
Gió cứ lúc lúc lại thổi rạp những mảnh ruộng lúa ba trăng như
sóng lượn,.. trong gió có cả mùi cốm thơm,... và gió không quên mang theo giọng
hát vì uốn éo bay bổng của mấy cô thợ làm cỏ lúa ngoài xa...
Tôi nhìn chị:
- Chị có thấy tà áo trắng phất phơ bay trước gió thơm mùi lá
lúa thế này là đẹp không?...
... Miệng hé tươi, chị mơ màng không trả lời; giữa lúc ấy có
mấy người con gái cào cỏ ruộng bên đường nhìn chúng tôi rồi khúc khích cười làm
trong một giây tôi thoáng tưởng đến những cặp vợ chồng son vui thú. Chợt tôi hỏi:
- Chị có thích giọng hát ru em không?
- Thích vừa thôi...
- Sao lại “vừa thôi”? tôi thì tôi thích lắm, tôi mê nữa,...
cũng như giọng hát ví kia, thật là bay bổng. Tôi thường gọi những giọng đó là hồn
quê hương chị ạ, tôi nghe không chán, tôi thích hơn cả những điệu hát tây
phương nào hết,... nếu mang bất cứ bản nhạc nào trong hoàn cầu này đổi lấy giọng
ru em của ta, tôi cũng không đổi! Lắm lúc tôi đâm ghét những cô gái ở tỉnh
thành quá: họ chỉ biết hát các bài nhạc cải cách thôi khi hỏi đến những giọng hồn
nước giang sơn gấm vóc của mình thì họ thản nhiên không biết, cũng như họ chưa
bao giờ biết đến những cái đẹp cái hay của mình!... có thể thế được không nhỉ!...
... Tôi cau mày rồi chậm rãi tiếp:
- Tôi chỉ lo một ngày kia trên những chuyến đò người ta chỉ
còn nghe thấy những bài nhạc cải cách thôi!... chắc lúc ấy tôi sẽ nhớ giọng xẩm
như nhớ giọng người bạn tâm sự cũ - Nhưng không! Không, giọng xẩm không thể chết
được, trong đó đã có một tiếng gọi, một linh hồn,... mỗi lần nghe có phải chị
như thấy nhớ lại cả một thời nào ấy không, tuy chẳng là thời nào. Nếu thật giọng
đó phải chết thì tôi xin Trời cho tôi chết trước, chết giữa thời đẹp đẽ như chiếc
lá này!... Chị trông mà xem, mầu vàng của nó đẹp quá! Có thể được mầu vàng đẹp
đến bực này cơ à... vô cùng...
Say sưa, tôi đứng lại đưa chiếc lá hoàng lan lên ánh mặt trời:
- Này chị trông, mầu vàng mà tươi sáng mát dịu đến thế này là
cùng... như có chứa một vẻ gì tình tứ lắm ở trong thì phải. Trời! tôi tả làm
sao được! có ngọc vàng không chị nhỉ, tôi dám chắc các họa sĩ có mê mải tìm đến
chết mệt cũng chỉ thất vọng mà thôi, khi nào tìm được một mầu trong sáng như thế
này!...- Phải có trời, chỉ có,..
Tôi đương định nói nữa, nhưng thấy chị mỉm cười nhìn vào tận
đáy mắt tôi một cách ngạc nhiên làm tôi im bặt! Thấy tôi im tiếng, chị nhẹ cất
tiếng hỏi:
- ‘‘Anh Huân say rượu đấy à, ta đi đi thôi chứ...” Thủng thẳng
đưa bước cạnh chị, nhíu mắt lại vì ánh sáng, tôi nhìn những đám mây bạc đương
nhanh bay phớt qua trời xanh.
- Chị có thấy hôm nay trời đẹp không?
Tôi vừa nói vừa hít không khí đầy ngực như muốn thu hết cả
thanh sắc của mùa thu vào trong đôi phổi... Như chưa đủ hả, tôi vừa cởi áo vừa
nói tiếp:
-Tôi phải cởi trần ra mới được... Một ngày vàng ngọc! Ừ, trời
xanh như ngọc, nắng vàng, mây trắng, gió thơm giọng hát, lúa tươi đồng rộng...
Trời ơi, còn gì nữa mà tôi chẳng say!... mà cái phút ta đứng lại đó lại càng ít
lắm... Ồ! giá tôi là một họa sĩ kiêm văn sĩ đại tài thì tôi sẽ ghi lấy cảnh này
chị ạ,... thích quá...
Rồi ngoảnh nhìn vào mắt chị, tôi chậm rãi tiếp: “Thích nhỉ! nếu
tôi nói là một mùi khói rơm hắc hắc đôi khi cũng khêu gợi tôi nhiều thì chị có
tin không? Có lẽ tại chị quen sống ở thôn quê, chị quen sống giữa cảnh đẹp đơn
giản ấy rồi nên chị không thấy nó đẹp đấy thôi - Cũng như những người dân quê
nuôi tầm ấy mà, họ có nghĩ đâu đến cảnh phơi kén tơ ngoài nắng là đẹp; chắc họ
chỉ thấy được nó đẹp qua giá tiền! Làm thế nào cho họ thấy được nó đẹp chỉ vì mầu
vàng ống ánh của nó?...
Và thấy mấy sợi tóc mai của chị phất phơ trong ánh nắng, tôi
đã xuýt buột miệng:
- Tóc em như những sợi tơ...
May mà tôi hãm kịp. Thấy tôi ngừng nói, đôi lòng mày chị hơi
đưa lên, mắt vẫn nhìn về phía trước mặt xa xa, chị cất tiếng sẽ hỏi:
- Anh Huân chưa hết say à?
Nhưng trí óc tôi đương mải theo một ý nghĩ khác nên tôi nhìn
chân trời đăm đăm không trả lời. Một lát sau chợt tôi quay sang bảo chị:
- Tôi phải lấy vợ chị ạ,... tôi vừa có ý nghĩ ấy...
Chị bật cười khẽ kêu:
- Trời ơi! bây giờ thì không phải là say nữa mà là điên, Huân
điên rồi mà chưa biết đấy thôi...
- Thế à, chị có thích điên không?
Chị yên lặng mỉm cười! Nắng vừa ấm...
Sau một lát im lìm tôi đưa tay rứt một lá lúa vơ vẩn nói:
- Tự nhiên tôi thấy tôi thương những kẻ không điên chị ạ, họ
nghèo nàn quá.
Từ đó đến chợ tôi còn nói nhiều nhưng lúc về thì những quà
bánh làm tôi ít nói.
Chả mấy lúc đã về đến nhà. Vì nắng hanh quá gắt làm hơi mệt
nên lúc về tới trong vườn chúng tôi đứng nghỉ lại trong bóng mát dưới gốc cây;
chị bỏ chiếc nón ra phe phẩy quạt mấy cái... Gió vẫn hiu hiu thổi, chúng tôi
như thấm mệt nên không ai nói gì. Trong vườn vắng lặng, chỉ có tiếng gió khẽ rì
rào qua lá cây!... Nhưng rồi có một lúc mắt như mơ màng, tự nhiên chị nói sẽ:
- Hoa hoàng lan đã thơm.
... Một câu chẳng có gì, nhưng tôi thấy xa vắng xôn xao như
những dây đàn trong tôi đã bị gẩy lên tiếng... đôi khi lên tiếng bởi những cái
không đâu! Tôi ngước mắt nhìn lên thì ra vô tình chúng tôi đã đứng lại dưới gốc
hoàng lan cạnh mềm rủ - Tôi đứng lặng như thế một lúc lâu để cố hưởng một nỗi
gì êm ái không nắm được, một sung sướng man mác không tên mà tôi biết chỉ qua
trong giây lát...
Một lúc sau tôi cất tiếng khẽ hỏi:
- Sao bây giờ chị mới thấy nó thơm?
Chị nhìn tôi ngạc nhiên sau câu hỏi mà chị cho là vô lý,
nhưng thâm tâm tôi đã cho rằng đó là ảnh hưởng đầu tiên của những lời nói của
tôi: chị đã bắt đầu biết hưởng những vẻ đẹp giản dị của đời! Vui đùa tôi cười bảo:
- Say mà cũng truyền nhiễm nhỉ... Lạ lắm, lạ lắm... rồi ngước
mắt nhìn ánh nắng rung rinh trong lá cây tôi mỉm cười tiếp:
- Trời này ai mà không say?
Ngủ trưa một mạch đến gần bốn giờ chiều tôi mới trở dậy thì
liền được chị cho ăn bánh khúc.
- “Vì Huân thích”.. chị nói thế. Thì ra chị vẫn nhớ là tôi
thích thứ bánh quý hóa đó. Lúc chị đưa chiếc bánh thơm tho trên có dính mấy hột
xôi trắng cho tôi, thì tôi đùa nói nũng:
“Không! Cái này bé lắm, tôi ăn cái to kia cơ...”
... Làm chị bật cười: “thì đây”-
... Rồi em chị cùng mẹ chị cũng vui cười về lối đùa nghịch
tráo trợn của “các cậu học trò bây giờ”. Thấy thế nên lúc cắn chiếc bánh nóng hổi
tôi vừa nhai một cách ngồm ngoàm sung sướng vừa nghịch ngợm kêu:
- “Hạnh phúc! hạnh phúc béo ngậy mà lại ăn được, thế mà nhiều
người không biết cứ đi tìm ở đâu đâu”... Tất cả khúc khích cùng tôi vui chuyện
trong khi ăn. Có một lúc chị mỉm cười nhìn tôi thân mật hỏi:
- Ngon không.
Tôi mỉm cười đáp:
- Ngon lắm... ngon vì gió...
Chị mở to mắt nhìn mẹ rồi nhìn tôi ngạc nhiên. Chợt tôi nghĩ
đến những chiếc kẹo nho nhỏ gói lá chuối khô thành từng thỏi mười miếng của tỉnh
Hà đông. Ngon quá, giòn tan! nhiều người cứ thường gọi là kẹo vừng, nhưng có một
hôm thấy một người ở tỉnh đó gọi là “kẹo hoa cỏ”, nên từ đấy tôi cứ gọi là kẹo
hoa cỏ. Chẳng hiểu có phải làm bằng hoa có thực không, nhưng nghe thế tôi thấy
đẹp hơn và cũng vì thế ngon hơn...
- Người ta sống vì tưởng tượng cả mà, chị nghe tên lúa “ba
trăng” chị có thấy thích không, chứ tôi mỗi lần nghe, tôi thấy khoan khoái, mát
rượi như trong đó có gió của đồng núi một đêm trăng...
- Ăn nữa đi chứ! - bà mẹ giục tôi, rồi bà nói chuyện này sang
chuyện khác, hỏi thăm từ người này tới người kia. Khi câu chuyện đã đến lúc
tàn, khi trời đã trở về chiều, khi những con sẻ đã “chép chép” bay về tổ quanh
mái nhà, thì bà mẹ buồn rầu than phiền cùng tôi:
- Từ ngày họ hàng kiện tụng lẫn nhau, bây giờ ngày giỗ ngày Tết
cũng chẳng có ai về đây nữa...! Chẳng còn đâu những ngày anh em chị em
quây quần vui vẻ như xưa!
Quá xúc động, bà ngừng nói rồi đưa tay cời miếng trầu trong
tráp ; một lát sau với một giọng đã rè rè nước mắt bà tiếp:
- Có anh về chơi thế này là quý... Từ ngày ông nhà tôi mất đi
ở đây buồn lắm... Sống thì sống chứ còn gì là vui nữa đâu.
Không cầm được nữa, bà đưa vạt áo lên chấm mấy giọt nước mắt;
không khí im lặng nặng nề... “Thế mà đàn sẻ vẫn hỗn xược ríu rít trên mái”.
Trong một thoáng tôi nhận thấy tất cả nỗi buồn nản của người đàn bà góa sống
trong căn biệt thự rộng rãi, một căn nhà vắng tanh, không có lấy một tiếng giầy
của người đàn ông. Tôi đăm đăm nhìn ra vườn trong khi tất cả ngồi im không dám
nhìn nhau. Một lúc sau tôi đứng dậy rủ chị ra vườn. Trời đã về chiều, một ít nắng
vàng nhạt trải trên vườn hoang, trời rộng cao vút, nhưng trong lòng chúng tôi
đã có một đám mây u ám. Gió nhẹ thổi ánh nắng tắt dần, dăm bảy con chào mào vội
vã bay về tìm chỗ ngủ trong ngọn cây bàng. Tiếng gì vang động chiều tàn, tiếng
côn trùng rên rỉ hay nhạc chiều thu va dậy âm thầm!... Tôi cảm nghe biệt ly
quanh quất. Chúng tôi đưa bước trên con đường nhỏ lát gạch chạy ngoắt ngoéo
quanh các cây cổ thụ u uất. Thấy yên lặng mãi đã khó thở, tôi mới hỏi một câu:
- Sao để con đường rêu bẩn thế này? Lỡ ngã thì khốn!
Thẫn thờ chị đáp:
- Còn ai ra tới đây làm gì nữa mà ngã.
Lại không biết nói gì nữa. Tôi im lặng lững thững cùng chị
đưa bước trong vườn vắng. Riêng tôi thấy lòng bối rối buồn, có lẽ vì thương ai
mà cũng có lẽ vì tiếc một ngày đẹp đẽ không hoàn toàn. Đáng buồn cho tôi đã có
một tâm hồn chỉ yêu những cái tuyệt mỹ.
Một ngày dầu đẹp đến đâu mà không hoàn toàn cũng bằng vứt đi,
cũng không khác gì bản đàn du dương mà nhà tài tử đã chơi sai vài âm điệu...
- Thượng Đế! phú làm chi cho tôi một tâm hồn rung-động, phú
làm chi để tôi phải mang những nỗi buồn không đâu?
Sau bữa cơm tối tôi vội về buồng lặng nằm, tôi muốn được yên ổn
bên bông hoa. Nhưng trời đã chẳng chiều tôi: trong cốc hoa đã héo tàn, chỉ tại
tôi thôi, trong lúc vội cắm hoa vào cốc đã để cuống hoa chẳng tới được nước
trong, - chỉ tại tôi đã mang cái vui hão đến để gợi nỗi buồn cho gia đình này,
và cho cả tôi.
- “Ta có nên ở đây nữa không?” Tôi tự hỏi rồi khẽ lắc đầu như
xua đuổi một hình ảnh đen tối - và bực mình, tôi mang bông hoa héo ném ra ngoài
cửa sổ rồi tắt đèn vào nằm trong bóng tối nghĩ ngợi liên miên rất khuya. Trời về
đêm đã lạnh, tôi còn nằm đếm từng tiếng gà gáy xa xa, từng tiếng chó sủa quanh
bên làng... Mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Tôi tỉnh dậy vào lúc trời lạnh về sáng, bên ngoài cửa sổ một
vừng trăng hơi méo vàng kệch lạnh lẽo sắp lặn sau bờ tre thấp. Chờ cho đến tờ mờ
sáng, tôi trở dậy khẽ bảo người nhà đi gọi một chiếc xe. Và khi ăn điểm tâm
xong tôi ngỏ ý xin về thì bà mẹ ngơ ngác hỏi:
- Về làm gì vội thế?... Ở chơi đã, mấy khi đã về chơi.
Tôi cúi đầu yên lặng mân mê chiếc mũ trong tay, một lát sau
tôi ngửng lên:
- Xin phép bà cho về, cháu vừa nhớ ra là còn có chút việc cần
; để khi khác rỗi rãi cháu sẽ xin xuống ở chơi lâu.
Biết giữ không được, bà cười bảo:
- Tại ở đây nhà quê không vui chứ gì...
Sau khi tôi chào bà mẹ thì chị nói:
- Để tôi tiễn anh Huân ra cổng.
Không ai nói một lời, chúng tôi lững thững đưa bước trên con
đường nhỏ trong vườn. Lúc đến bên gốc hoàng-lan, tôi đứng lại nhìn lên chậm rãi
nói:
- Hoa hoàng-lan...
- “Phải, hoa hoàng-lan”... Chị nhắc lại nhẹ như một hơi thở.
Lúc ấy trời mát mẻ, hứa hẹn một ngày tươi sáng... Ánh nắng vàng chiếu qua kẽ
lá, nhưng bớt đẹp với lòng tôi. Chia rẽ thì mấy khi đã vui, nhưng tôi tự nghĩ
tôi không nên mang cái vui chốc lát đến làm huyên náo căn biệt thự này làm gì.
- “Không nên, chỗ của ta không phải ở đây mà’’ Tôi còn
nhớ những tiếng giầy của tôi đã vang lên một cách trơ trẽn lạc lõng trong ngôi
nhà âm thầm
- “Ta đã lạc đến đây một ngày, thế cũng đã quá lắm rồi...”
Muốn phá cái yên lặng nặng nề nên khi đi ra tới cổng tôi vội
hẹn cùng chị một ngày khác tôi sẽ về chơi.
- Tôi sẽ ở lâu hơn...
Lúc chiếc xe bắt đầu chuyển bánh thì chị buồn rầu cất tiếng
trách móc nói vói theo:
- Thế mà bảo ở chơi những năm ngày, Huân điên thật rồi mà.
Tôi ái ngại nhìn chị với nụ cười gượng gạo rồi vội ngoảnh đi
chớp mau...
Khi xe đã đi được vài chục bước, tôi ngoảnh lại còn thấy chị
đứng trông theo. Tà áo trắng của chị phất bay trong nắng dịu buổi sáng như vẫy
tôi trở lại... Tôi vội giơ tay lên vẫy mấy cái thì bóng chị đã khuất sau lũy
tre xanh...
Mơ màng tôi nhìn ra đồng lúa xanh bát ngát...
Tôi ra đi bàng hoàng như vừa rời khỏi một chốn hoang vu đầy
thơ mộng cùng nước mắt.... chốn lâu đài bát ngát giữa rừng vắng trong các truyện
cổ tích thần tiên xưa...
Lòng tôi tràn nặng tình thương nhớ...
Cho đến nay đã đến mùa thu, sáng nay gió thổi nhiều...! Biết
đâu nơi chân trời chẳng có người đương mong tôi trở về cùng gió lạnh, đem lại một
chút vui xa...
Chú thích:
(1) Anh ruột tôi.
Một Kiếp Sống
Tặng bạn Bảng, một tâm hồn phóng đãng sang đẹp hoang dại như
bông lan rừng.
Một hôm tôi trở lại ấp Trung-dã, cái ấp mà cha mẹ tôi đã bán
cho một người quen sáu năm trước đây. Ấp đó ở cách phủ Đa cũ độ hơn một cây số,
nên khi chiều đến tôi thủng thẳng đi bộ ra phủ để thăm lại cảnh cũ, và cũng hy
vọng may ra có gặp một người quen nào chăng.
Tôi tới trường học thì ông giáo Đoan ở đấy đã đổi đi nơi khác
từ lâu ; nhà ông Thịnh cân gạo sầm uất năm xưa nay cũng đã để cho người khác
thuê ở bẩn thỉu. Phủ Đa cũ nay đã trở nên cảnh tàn chết! Từ ngày Nhà Nước nắn
thẳng con đường cho chạy ra ngoài, và nhất là từ ngày phủ lỵ thiên đi cách xa đấy
bảy cây số thì đời sống ở đó tàn dần, những ô-tô cũng chạy trên con đường mới,
không qua đó nữa.
Lúc đi ngang qua nhà bưu-điện trông thấy cây cối um tùm, tự
nhiên tôi sực nhớ ra ông Kình: ông làm chủ nhà bưu điện ở đây. Có quen với thầy
tôi, nhưng vui tính một cách đơn sơ, vả lại tâm tính ông cũng giản dị nên ông vẫn
ưa nói đùa phiếm với chúng tôi ngày tôi còn nhỏ. Tôi rẽ đi vào tuy trong tâm
cũng đoán trước là ông đã đổi đi làm việc ở nơi khác rồi. Đến gần cổng tôi hỏi
một nhà thợ may mới biết là ông Kình vẫn còn ở đây. Tôi liền đi vào: tới sân vắng,
một con chó choàng tĩnh dậy uể oải sủa mấy tiếng rồi thôi ; tôi thấy có bóng
người thoáng qua bức mành dưới nhà ngang... Tất cả im lim như không cần để ý tới
người vào. Một lát sau tôi mới nghe thấy một giọng nói quen quen từ nhà trên vọng
ra: “U em ra xem ai hỏi gì mà chó sủa thế?...” Sau khi tôi ngỏ ý muốn gặp “ông
chủ” thì một lát sau tôi mới thấy ông Kình chậm chạp vén bức mành mành bước ra
hiên: ông mặc quần áo trắng dài, gương mặt đã già dặn hơn hồi trước một chút.
Tôi cúi chào. Mặc dầu là chào lại tôi, ông Kình vẫn thản nhiên hỏi:
- Ông là ai xin ông cho biết,... Ông hỏi có việc gì?
Tôi cười đáp:
- Ông không nhận ra được tôi à? tôi là Huân đây mà, Huân con
ông T...
Lúc ấy ông Kình như sực tỉnh, mắt ông mở to, miệng há hốc kêu
“à” một tiếng rồi ông bước xuống cười vui vẻ đưa cả hai tay ra nắm lấy tay tôi
mà lắc rất mạnh.
- Thế mà tôi cử ngỡ là ai... cậu lớn quá rồi, phải lớn lắm...
vào chơi, vào chơi, quý hóa quá...
Rồi ông quay ra lớn tiếng gọi người nhà pha trà. Ông cười nói
luôn miệng cùng hỏi thăm về cha mẹ tôi. Lúc người vợ đi thoáng qua trong phòng
ông vội gọi ra:
- Này nhà này, có cậu Huân lên chơi đấy... cậu Huân con ông
chủ Đỗ ấy mà... Gớm bây giờ lớn thế rồi cơ đấy.. mới ngày nào ra chơi đây còn để
đầu trọc...
Hai vợ chồng vui vẻ cười nói và ngắm tôi một cách lạ lùng, rồi
họ khen tôi lớn, rồi họ suýt soa:
- Mới ngày nào... mới ngày nào...
Khổ cho tôi là lại phải trả lời bà vợ về sức khỏe cùng công
việc của thầy mẹ tôi một lần nữa.
Có một lúc chuông điện thoại rền kêu làm ông Kình vội đi sang
phòng làm việc ở bên, bà vợ thì đã xuống bếp hay đi đâu không rõ. Ngồi lại một
mình, tôi đưa mắt nhìn quanh. Nhà bưu điện nhỏ chia làm ba phòng hẹp. Phòng
ngoài là phòng làm việc, phòng trong là chỗ gia đinh ông Kình ở, chỉ có phòng
giữa mà tôi đang ngồi là hẹp nhất, ở đấy kê một chiếc bàn con bốn cái ghế để tiếp
khách và một cái ghế ngựa mà tôi chắc buổi tối để các trẻ ngủ vì tôi thấy trên
tường có lủng lẳng mấy sợi dây gai để xâu lao màn. Ngồi không cũng chán, tôi
bèn đứng dậy tới nhìn vào một khung kính lớn có dán nhiều tấm ảnh cũ kỹ đã ngã
ra mầu vàng cùng lấm tấm trắng, cái khung mà, tôi đã thấy vẫn treo ở đó sáu năm
trước đây. Vừa lúc ấy ông Kình lại ra tiếp tôi. Trong khi nói chuyện, thỉnh thoảng
ông lại đưa tay với cái điếu thuốc lào kéo một hơi dài mơ màng... Nhưng có một
lúc vì tiếng trẻ khóc ở phòng bên làm chúng tôi phải lớn tiếng nói chuyện, và
cũng vì trong phòng quá nóng nên ông bảo:
- Ta ra ngoài sân ngồi nói chuyện thoáng hơn.
Trong gió mát ban chiều, hai chúng tôi ngồi uống nước trà nói
chuyện bâng quơ cùng thảnh thơi nghe sáo diều. Cứ lúc lúc ông Kình lại luồn tay
vào trong áo gãi ngực gãi nách một cách ra vẻ khoan khoái lắm. Những lúc ấy ông
lim dim, miệng hơi há, mặt ông đực ra một cách sung sướng... và có khi hứng,
ông hóp cả ngực lại rồi luồn bàn tay vào mãi tận bắp tay bên kia gãi vơ vẩn: tôi
nghiệm ra thường thường sau những cơn gãi yên lặng khoái trá đó, ông Kình hay
vui tính nói một câu pha trò. Bữa nay cũng vậy, gãi xong ông quay sang hỏi tôi:
- Thế nào, cậu có chấm món nào chưa, con trai lớn rồi, lấy vợ
đi thì vừa chứ...
- Thưa ông, kể thì cũng định thế đấy ạ...
Tôi vui cười đáp, rồi quay ra nghĩ vẩn vơ thì đã lại thấy ông
Kình đưa tay với cái điếu vẫn để trên ghế bên cạnh, uốn chiếc xe cong xuống,
đánh diêm kéo một hơi dài, đoạn ông ngẩn mặt ra thở khói một cách say sưa.
Nhưng rồi như chợt tỉnh mộng, miệng hãy còn tỏa khói, ông quay nhìn tôi nói:
- Hút thuốc, hút chơi một điếu!
Tôi ngỏ ý là tôi không biết hút thuốc lào thì ông vui đùa cười
bảo:
-Quốc hồn quốc túy mà không biết, thế này thì hỏng mất, thanh
niên giờ hỏng to. À hay ăn na, na chín cây, của nhà trồng mà, phải, tốt lắm...
Không để tôi trả lời, ông đã ngoảnh gọi:
- Này nhà, bảo mang ra đây mấy quả na... Chọn hạng nhất ấy,
quý khách cơ mà gì...
Trong lúc chúng tôi đương vừa ăn na vừa vui về câu chuyện na
“cây nhà lá vườn” thì một đứa nhỏ chạy tới đòi bố cho ăn na. Ông Kình quay ra
vui vẻ gắt:
- Cái thằng này chỉ hổn thôi nào!
Rồi ông ngoảnh lại tươi cười bảo tôi:
- Cháu đấy cậu ạ. Cháu tham ăn lắm.
Ông vừa nói vừa bẻ đưa cho con nửa quả na:
- Thôi đây, cầm lấy đi vào mau, giặc con!
Ngồi nhìn cậu bé vui thú chạy đi; tôi hỏi:
- Thưa ông, cậu em lên mấy rồi ạ?...
- Cháu lên bảy... Tôi đang định trù tính cho cháu ra Hà-nội học
đấy cậu ạ, cậu xem tôi tính như thế có phải không, chứ học ở nhà quê nó mụ đi mất.,
trẻ ở tỉnh xem ra vẫn tinh khôn nhiều...
Nghe nói thằng bé lên bảy, tôi chợt nhớ ra rằng trước kia bà
Kình sinh được đứa con nào là chết đứa ấy, không sao nuôi được lâu, nên đến khi
sinh đứa này, bà phải đến nhà tôi xin một cái áo trẻ con cho nó mặc để lấy phước...
“Thế mà đã lên bảy” tôi nghĩ xong quay xong hỏi:
- Ông đã ở đây được bao lâu rồi ạ?
Sau khi kéo một hơi thuốc lào, ông Kình vừa thở khói vừa bấm
đốt ngón tay đếm, đoạn rồi ông mở to mắt ngạc nhiên kêu:
- Mười lăm năm rồi cơ đấy!... À thật à? êu ôi, thời giờ chạy
chóng thật!... Mới độ nào tôi tới đây cậu hãy còn bé lắm, đầu trọc lốc, cứ thường
hay đánh cái vòng chạy chơi...
Ngừng một lát, ông đưa mắt nhìn cảnh vật quá quen, rồi lơ mơ
nhếch mép mỉm cười tiếp:
- Ở đây những ngày xơ xác có gì đâu ; những cây này là do tay
tôi trồng cả đấy chứ, kể trông cũng khá gọn mắt phải không cậu...
Trông những thân cây đã già cỗi nứt nở, tôi thấy nản quá. Mười
lăm năm sống ở một phố nhỏ, kéo một đời làm việc điều hoà, nhàn không ra nhàn,
bận không ra bận! Tôi nhìn ông hỏi:
- Sao ông không tính làm công việc gì khác,... ở đây mãi chán
chết?
Mắt vừa hấp háy chớp chớp, tay vừa luồn vào trong áo gãi bả
vai, ông co gập ngcười lại đáp:
- Cậu nói cũng phảỉ, ở đây chán thật, nhưng cậu tính tôi còn
làm được việc gì bâv giờ! Ngày xưa tôi cũng tính may quần áo tây mặc đi chơi chỗ
này chỗ kia cơ đấy,... nhưng nay đã năm con rồi cậu bảo còn gì!... cứ sòn sòn
năm một, bây giờ muốn hãm cũng chẳng được... Còn phải lo cho chúng nó đủ ăn, đủ
mặc...
Vừa lúc ấy chuông điện thoại lại lerg keng rền kêu làm ông
Kính bỏ giở câu chuyện hấp tấp chạy vội sang phòng làm việc.
Tôi ngồi nhìn ít cây na vun sới cạnh vại nước, trước căn bếp
mà khói đang nặng nề chui ra mái rọ mà ngán cho đời sống chôn chân ở đây!... Mười
lăm năm trông làn khói ấy và vun xới mấy cây ấy thì chịu sao cho được! Một lúc
sau ông Kình đi ra lắc đầu than:
- Điện thoại gọi suốt ngày, bây giờ chủ nhật cũng phải làm việc
mới chết chứ! chẳng dám đi đâu...! Ấy lắm khi ngồi nhà suốt buổi thì chả có việc
gì đâu, thế mà hễ cứ động bước chân ra đến cổng là y như có chuông kêu. Bạn bè
cũng phải bỏ mặc cả, với lại có ra đến phố cũng thấp thỏm lo lỡ ra ở nhà có
chuông điện thoại thì cậu bảo còn nói câu chuyện gì cho vui được! Cái chuông giết
người!
Ông vừa nói dứt lời đã lại đưa với lấy cái điếu và hút luôn một
hơi thật dài ; đoạn rồi ông cười để lộ một hàm răng vẩu vàng khè vì khói thuốc.
- Ấy ở đây chỉ có cái điếu là tri kỷ, người bạn tâm sự của
tôi đấy cậu ạ... Ngày xưa tôi cũng như cậu, tôi không biết hút thuốc lào… nhưng
ở đây, những phút buồn.,.
Mắt chớp nặng nề như buồn ngủ, ông ngừng lại rồi ngả lưng
trên ghế xích-đu mơ màng. Gió chiều êm nhẹ mơn ru, văng vẳng đưa lại tiếng sáo
diều quê. - Nhưng rồi có một lúc như chợt tỉnh, ông Kình đột ngột nhỏm dậy nhìn
tôi nói:
- À, hay ở lại ăn cơm, để bảo bắt gà, nhà có sẵn... phải rồi...
Cơm xoàng thôi mà!
Tôi vội cười thoái thác:
- Xin ông cho để khi khác...
Chưa để tôi nói hết câu, ông đã thân mật cười pha trò:
- Vẽ, ở lại đánh một bữa cho vui, “gà cây nhà lá vườn” ấy
mà...
Nhân thể câu chuyện cơm, tôi cười xòa đứng dậy nói:
- Thôi, xin ông cho để khi khác... ông cho phép về kẻo đã gần
tối, xin ông nói giúp tôi có lời kính chào bà.
Trong lúc tiễn đưa tôi ra cổng, ông Kình đã lại luồn bàn tay
vớ vẫn đưa trong nách và mắt lại chớp lia lịa, miệng há hốc một cách khoan
khoái.
“Đoán ông này lại sắp nói khôi hài gì đây” vừa nghĩ thế tôi vừa
giơ tay bắt tay từ biệt, nhưng còn mải bận gãi, nên ông Kình yên lặng đưa tay
trái cho tôi bắt, mặt vẫn ngây đờ như còn mải theo một hình ảnh đâu đâu.
Lúc tôi đi đã được mươi bước thì quả nhiên có tiếng ông Kình
vui vẻ nói theo:
-Hôm nào ghé lên chơi nữa nhá... Lên mà tập hút thuốc lào chứ,
không thì hỏng mất.
“Lên mà tập hút!...” - Ra đến ngoài đường cái, tôi còn
mỉm cười nghĩ tới câu “ngày xưa tôi cũng như cậu, tôi không biết hút thuốc
lào!”
Lững thững tôi đi tắt qua đồi bãi về cho gần... trông những
có bạt gió hiu hiu thổi, tôi thấy rộng rãi...
- ít ra đời cũng khoảng đạt như cỏ đồi, cũng may mà đời ta
không như cây na vun xới, ám khói, ngày ngày sống bên vại nước ướt át.
Tôi còn nhớ sáu năm trước đây đã có lần tôi nghe thấy
ông Kình nói điều mà ông cho là đẹp nhất và ông mong uớc nhất là chiều chiều mặc
một bộ quần áo py-gia-ma lụa, chân đi đôi dép dừa, thung thăng bách bộ đi rong
chơi mát. Tôi lắc đầu mỉm cười với điều mong ước quá nhỏ ấy - mộng đơn sơ của
các cô gái quê mong có cái thắt lưng hồ thủy với chiếc váy sồi. Phải, tôi không
nên lấy làm lạ thấy đời kẻ có những hoài vọng đơn giản ấy cứ già dần đi như cây
na bên bếp, để rồi sẽ tiêu diệt một cách chắc chắn trong, phố phủ xưa kia.
Duyên Số
Hàng đàn con bọ nhỏ xanh như ngọc trên cánh có chấm đen,
trông như những con ve sầu tí hon, thấp thoáng bay quanh ngọn đèn măng-sông
sáng dịu. Giao nghĩ không hiểu chúng từ đâu bay vào mà nhiều thế,.. có lẽ từ
ngoài cánh đồng, hoặc từ các đồi cỏ quanh nhà. - Lơ đãng Giao đưa tay xiết mạnh
giết mấy con chơi - Tuyền ngừng thêu nghiêng đầu đưa chiếc kim vuốt vào trong
tóc để lấy dầu trơn mỉm cười bảo:
- Sao anh ác thế?
- Thôi vậy, nhưng cô hiền quá thì có.
Tuyền mỉm cười cúi xuống yên lặng tiếp tục đưa kim. Ngồi
trông Tuyền cặm cụi thêu mấy con chim trên vuông vải, Giao thấy thích thú. Hình
ảnh êm ái như lòng chàng lúc này nhẹ nhàng. Trong vẻ tĩnh mịch của đêm quê thảnh
thơi hút thuốc ngồi xem một thiếu nữ thêu thùa dưới ánh đèn, Giao thấy đã là một
cảnh hạnh phúc bình-yên gia đình này ít khi chàng được hưởng,.. vô cớ Giao mỉm
cười, hồn chàng đang lao xao vui như cây thông reo vui trước gió lạnh. Hình Tuyền
ngồi nghiêng, in lên nền chiếc câu đối chữ Hán lớn treo trên tường xa xa làm
Giao có cảm tưởng như là chàng đương sống lại một cảnh nào xưa cũ: trong lúc bất
ngờ một vài chữ nho cổ đã nhắc chàng nhớ tới người chị mà nay đã đi lấy chồng
xa. Mơ màng, Giao thấy lại thời mình lên sáu, lên bảy, hay ngồi xem chị cườm những
bông hoa tươi mầu hoặc con bướm rực rỡ trên đôi miếng nhung nho nhỏ để làm mũi
giày ; những hột cườm to quá hay méo mó không vừa ý, chị đều bỏ vào một chiếc hộp
nhỏ, rồi chị lại lấy chỉ thêu xâu vào thành từng chuỗi cho Giao, những chuỗi hạt
sặc sỡ đó, sau khi chơi chán không dám vứt đi vì tiếc. Giao đều ném vào tủ, vào
rương, và rồi quên đi như chẳng bao giờ biết có chúng trong đời.
Giao vẫn sống chơi đùa bình thường, nhưng có một hôm Giao thấy
trong nhà tấp nập, tiệc tùng vui vẻ đến tận khuya và trong nhà lại có bao nhiêu
là bánh chưng bánh dày nữa ; mẹ Giao cho riêng Giao một cái bánh dày to tướng
trên có dán giấy đỏ. Giao hãy còn nhớ là chàng cất nó đi mãi (vì nhà có nhiều
bánh quá đi) ; đến hôm đem ra thì bánh dầy đã khô cứng lại, Giao phải mượn anh
Bếp lấy dao phay bổ hộ. Giao nhớ bánh dày khô đó ăn mát và bùi lắm, bất giác
Giao mỉm cười...
- Anh cười vì thế anh Giao? Em thêu xấu phải không?
Như tỉnh, Giao chớp luôn mấy cái vẫn mỉm cười đáp:
- À, tôi đang nghĩ đến những miếng bánh dầy để khô cô ạ... Ăn
ngọt và bùi lắm mát rượi...
Tuyền cười vui vẻ
- Anh thì chỉ nghĩ đến ăn thôi..
‘‘Ít ra cũng được cái thế kéo lại cô ạ...”
Giao tươi tỉnh đáp, rồi lại yên lặng nghĩ tiếp đến những ngày
qua, đến những miếng bánh dầy khô mà một bữa Giao ăn mới hết, thì đã lại thấy
trong nhà trang hoàng tấp nập, họ hàng trở về đông đúc, khách khứa nhộn nhịp mấy
ngày ăn uống đến tận khuya.- Và Giao nhớ lại những chiếc tăm dài bằng chiếc
đũa, xâu vào một bông hoa tết bung vuông nhiễu đó mà người ta gọi là “tăm
bông”. Giao sung sướng nhớ lại là sau mỗi bữa ăn chàng lại có thêm bao nhiêu là
khăn nhiễu đỏ. Trong nhà bảo là đám cưới chị Vân, Giao cũng biết vậy nhưng còn
bé quá, Giao chỉ đứng xa xa yên lặng nhìn chị và các bạn chị mặc những chiếc áo
hàng tầu hoa cùng vui cười với chị em họ hàng. Trong những chiếc rương đen phủ
nhiễu điều cùng chăn gối xếp trên, Giao cũng biết là chị sắp đi xa... Rồi một
buổi sáng bao nhiêu là ô-tô đến, chị Vân mặc quần áo đẹp cùng chị em ra đi...
Trông chị buồn rầu nước mắt chạy quanh... Giao nhớ là sáng hôm ấy chị còn gọi
Giao lại cho Giao tiền “để em mua kẹo”, rồi chị bế Giao lên lòng, vuốt ve tóc
Giao, có lúc chị ép má chị vào tóc Giao yên lặng. Nghĩ tới đây Giao mơ màng mỉm
cười chớp mau cảm động... Tuyền vẫn không ngừng thêu, thoáng nhẹ cười hỏi:
- Anh nghĩ gì mà thích thế, cười luôn... Chắc lại món ăn gì
ngon hẳn.
Giao bật cười:
- Cô làm như tôi tham ăn lắm ấy! Kể ra thì tôi vừa nghĩ đến
đôi giày cườm cùng cái tăm hồng của những bữa tiệc ngày xưa... đẹp quá! Thế mà
sao người ta không giữ những cái ấy cô nhỉ, thật đáng tiếc; tự nhiên họ vứt bỏ
những cái đẹp đi là cái gì...! Như những cô gái mới bây giờ ấy, vô cớ bỗng dưng
đi cắt làn tóc dài thật quý, thật Việt-Nam mà họ đã bao năm tốn công dưỡng dẽ..
Tuyền nhìn Ciiao hỏi:
- Anh tồn cổ thế à?
- Phải, tôi ưa tồn cổ mà!... tôi vừa nghĩ đến những đám cưới
ngày xưa cô ạ, lấy vợ mà không được xem rõ mặt, chắc thú lắm! Đã về với nhau mà
còn lạ lùng thẹn, hỏi không nói…
Giao ngừng lại im lặng đưa tay rứt mấy sợi cói chiếu, rồi tiếp:
- Bây giờ thì làm gì ra nữa!...
Tuyền ngồi nghe, và nhìn Giao với một vẻ ngạc nhiên,... nàng
thật không ngờ người bạn mà anh nàng đưa về nhà ở chơi đó là sinh viên trường
thuốc mà lại có những ý tưởng kỳ khôi thế. Thấy câu chuyện trở nên lạ ùng và lý
thú, nàng tươi cười hỏi:
- Thế anh có thích cái quần lĩnh đen cùng cái nón quai thao
không?
- Thích, thích lắm chứ. Đó là tất cả một thời xưa đấy cô ạ...
Tuyền cười tinh nhanh vui vẻ nói giễu:
- Thế chắc anh yêu bộ răng đen lắm nhỉ?
Giao bật cười vui tươi cãi ngay:
-“Không không, … cái đó tôi kỵ!... Ít ra thì người ta cũng phải
có mỹ thuật một tý chứ cô … Tôi ghét bộ rang đen, nhưng tôi yêu đôi giày cườm,
nó sặc sỡ một cách đẹp riêng… trông mầu nó ngon lắm’’
Trông Giao vừa nói vừa lim dim chép miệng như cắn quả xanh
chua, Tuyền mỉm cười nhạo:
- Anh thì chỉ nghĩ đến ăn thôi,... cái gì cũng tả ngon lắm...
Đôi giày cườm mà cũng tả ngon lắm thì... ch! ch!.. êu ôi!
Thấy Tuyền vừa nói “êu ôi” vừa nhăn mũi cười, Giao cũng cười
theo rồi nói:
- Cái mũi...
Giao định nói: ‘‘Cái mũi của cô trông ngon lắm” nhưng
nghĩ thế nào chàng lại im ngay làm Tuyền ngơ ngác hỏi:
- Cái mũi gì cơ?
Giao vội chống chế đáp:
- À cái mũi... cái mũi của tôi … nó ngửi thấy hình như trong
nhà này có một cái gì ăn được thì phải...
Như chợt nhớ ra điều gì, Tuyền bỏ kim chỉ kêu khẽ: “Ừ nhỉ, tị
nữa em quên mất, có chè ngô,... để em xuống bếp xem qua mới được, anh ngồi đợi
một tị nhá”.
Trông Tuyền vội vàng xỏ dép bước đi, Giao vui thú mỉm cười ;
chàng không ngờ vì một câu nói hão mà lại hóa ra chuyện thật.
Ngồi rỗi nghĩ lại thì Giao thấy Tuyền hay nấu chè cùng làm
bánh cho ăn quá, và cùng một lúc chàng lại nhận ra là mỗi ngày càng thân thì
càng thấy nàng có duyên. Ấy là gần nhau chưa lâu đấy!
Cách đây hơn một tháng, sau khi thi lên lớp năm thứ ba trượt,
Giao đương chán nản, nhất là không khí buổi đầu hè lại quá oi nóng khó chịu thì
một chiều trên đường Cổ Ngư chàng gặp Vịnh, người bạn học ngày nhỏ, Vịnh rủ
Giao về nghỉ hè ở trại của cha mẹ chàng cho vui, Nghe Vịnh nói, Giao ngoảnh
nhìn ra hồ Tây lim dim như đã thấy gió núi xa xôi từ Ba Vì thổi lại. - Giao tưởng
tượng ngay đến những buổi đi săn bắn, bơi lội hoặc cưỡi ngựa trèo đồi cỏ gió mà
Vịnh vẫn thường nói chuyện ngày nhỏ,... không cần phải khẩn khoản, Giao ngoảnh
lại hàm răng cắn chặt, tươi cười cương quyết nắm tay Vịnh bắt mạnh nhận lời.
Sau mấy ngày sắp sửa quần áo sách vở cùng mua sắm lặt vặt, Giao xách va-li cùng
Vịnh ra chuyến xe đò chạy đường Thái-Nguyên. Bố mẹ Giao có ruộng ở vùng
Thái-bình đồng xuôi phẳng lặng, và Giao quen đi học ở Hà Nội nên cảnh gò
bãi từ Phủ Đa trở lên làm Giao vui thích ; gió đồng núi đã thổi qua óc bẩn những
chữ cùng ý nghĩ hắc ám, tức tối của chàng trai thi trượt, vô cớ Giao mỉm cười
sung sướng! giữa một phút bất ngờ không hẹn trước, chàng đã thấy trở lại yêu đời
cùng tràn đầy tin tưởng vào tương lai.
Nhà Vịnh làm trên một quả đồi, chung quanh có cây cối nhiều ;
khi vừa tới cổng thì Giao thấy một cô gái kêu to một tiếng “anh” rồi chạy ù ra
nắm lấy tay Vịnh ríu rít cười nói như không đế ý tới Giao đi bên cạnh ; cô gái
không đẹp lắm, nhưng cũng không xấu ; Giao biết cô là em Vịnh vì trước khi đi Vịnh
đã nói cho chàng biết là ở trên trại chàng có bố mẹ, một em gái, một em trai nhỏ
và một người cô họ.
Giao sung sướng với những ngày nghỉ ấy.
Ngày ngày chàng thường thảnh thơi nằm đọc sách hoặc cuỡi
ngựa cùng Vịnh đi chơi. Lúc về thường lần nào Giao cũng thấy căn buồng của hai
người đã được dọn dẹp sạch sẽ, trên bàn có cắm vài bông hoa ; hôm thì hoa sen
trắng, hôm hoa bèo tím hoặc vài bông lài xui Giao nghĩ đến cô Tuyền. Những
áo của chàng có đôi khi tuột chỉ đứt khuy chăng nữa, Giao đều tự nhiên lành lại
cả. Giao thấy Tuyền ngoan, ngoan lắm, chăm chút yêu quý anh Vịnh và lúc nào
cũng vui tươi làm việc một cách an phận ; tuy thế Giao không thấy yêu Tuvền, vì
Tuyền không có cái đẹp quyến rủ lòng người, mà trái lại Giao chỉ thấy quyến luyến
Tuyền vì nàng có ngầm mang cái duyên thầm của những người nội trợ ngoan.
Song giữa đồng núi thô sơ, Giao thấy thảnh thơi vui thú,
không vội vàng, không cần gì, không nghĩ đến ai. Lòng chàng nhẹ nhàng bình yên
như sợi tơ trời bay bổng tha hồ muốn trôi dạt tới đâu thì trôi... Tuy thế đôi
lúc đứng trước cảnh đẹp như trăng lên sau lá thông rì rào, hoặc thỉnh thoảng một
câu nói bất ngờ, đôi khi cố nhắc đến những mối tình học sinh đầy thơ mộng bóng
gió cũ, nhưng cũng chỉ thoảng qua giây lát. Từ ngày bắt đầu yêu từ ngày mười bảy,
Giao chưa thấy lúc nào lòng bâng khuâng nhẹ như lúc này. Mặc mọi việc xảy ra,
chàng thản nhiên sung sướng với những nỗi vui đơn giản như dắt em Thân đi chợ
hoặc ra bờ sông ngồi câu cá...
Còn Tuyền thì nàng vẫn giữ gìn như một cô gái ngày xưa, nhưng
thấy Giao là bạn mà anh Vịnh đưa về chơi, nên Tuyền cũng coi Giao như một người
anh. Theo thời gian câu chuyện giữa hai người dần trở nên thân mật, nên những
lúc rỗi rãi Giao hay lần xuống bếp ngồi nói chuyện bang quơ xem Tuyền nhanh nhẹn
chẻ rau cùng trông coi cơm nước – Vả lại không khí ở bếp sao Giao thấy quyến
luyến vui vui như khi ngồi bên lửa trại. Có lần đùa nghịch Giao hỏi:
- Sao cô làm việc nhiều thế cô Tuyền?
Tuyền ngửng lên đưa tay áo chấm mồ hôi râu rấp trên trán, vui
tươi đáp:
- Con gái thì phải làm chứ anh, không thì lại bảo là hư...
Nhưng Giao thấy Tuyền làm việc nhiều quá, suối ngày xếp dọn cửa
nhà, trông coi cơm nước, chăm nom em nhỏ ; ngày mùa thì thu thóc biên sổ, hoặc
có rỗi thì lại vào buồng ngồi may cắt thêu thùa,.. Giao cười đáp:
- Phải, ít ra cô cũng biết tồn cổ cô Tuyền ạ, cô tồn cổ mà
không biết chứ phần đông con gái thủ đô bây giờ kém lắm cơ, chỉ biết ăn chơi
thôi… Tôi quen mấy cô mà sáng cứ ngủ đến tám chín giờ mới dậy, có mỗi một việc
cơm nước là việc đẹp nhất của người đàn bà họ cũng không biết làm, chán lắm...
Ngừng một giây, Giao tiếp:
- Nhưng cô, ai lấy cô thì chắc chắn sẽ được người nội trợ
ngoan.
- “Anh cứ nói thế chứ xấu như em thì ai lấy”.. Tuyền vừa đáp
vừa bẽn lẽn cúi xuống. Chỉ một câu đó cũng đủ gieo vào lòng Giao một nỗi xót
xa, một nỗi gì bùi ngùi mà êm ái như khi đứng trước một chiều quá đẹp. Từ đấy
Giao thấy thương thương cô bạn, một bông hoa quí nở giữa rừng vắng thì mấy ai
đã biết đến hương thơm. Lắm lúc Giao mong sẽ có một chàng trai khá giả tới cùng
mang lại cho nàng nhiều hạnh phúc, vì Giao thấy nếu có một người đáng được hưởng
hạnh phúc ở đời thì người đó là cô
Tuyền, cô Tuyền ngoan ngoãn và vui tính, có giọng nói ríu rít
như chim khuyên. Giao còn nhớ một hôm cùng Vịnh ra chơi chợ, tới nơi chàng gặp
Tuyền đang mua thức ăn; nàng mặt một chiếc áo dài mầu hoàng oanh trông như một
con chim lạ lạc giữa đám dân quê hỗn độn: Giao và Vịnh quay ra vui đùa vòi quà
thì Tuyền tươi giọng nói:
- Để em mua nhãn cho các anh nhé!
Rồi nàng nhanh nhẹn mặc cả. Một lát sau ba người vui chuyện
trên đường về. Giao xách hộ Tuyền cái giỏ. Trời nóng!... Với một chùm nhãn
trong tay, má hồng vì gió nồm, có một lúc Tuyền đứng lại giữa đường nắng, tươi
cười nói:
- Anh Vịnh ơi, những hột nhãn em vứt từ đây về nhà này, sau
này sẽ mọc thành cây um tùm hai bên đường đi thì đẹp lắm nhỉ...
Giao mỉm cười đứng ngắm Tuyền. Và đã là lần đầu tiên Giao thấy
Tuyền đẹp, thật đẹp; có lẽ vì gió lùa trong tóc phất phơ trên má đỏ mùa hè và
có lẽ cũng vì có may mầu bạc cũ lung lay trên bãi rộng phía sau,... tà áo nhạt
mầu hoàng oanh của Tuyền bay bay tới tấp. Trông má Tuyền như da cam rám hồng
trong nắng gió buổi sáng. Giao nhận ra chẳng phải riêng lần này mà đã nhiều lần
Tuyền có duyên. Cốt ý nói với Tuyền, nhưng Giao nhìn Vịnh cười cất tiếng bảo:
- Cô Tuyền giàu tưởng tượng đấy chứ. Lúc đó con cháu chúng ta
sẽ ra tha hồ leo trèo ăn nhãn no nê... chả phải mặc cả nữa cô Tuyền nhỉ...
Giao đang nghĩ liên miên thì vừa lúc ấy Tuyền từ bếp ríu rít
đi lên với một con ả bưng khay chè đi sau... Thấy Giao vẫn ngồi yên chỗ cũ Tuyền
nói:
- Anh Giao chịu khó đợi nhỉ!
Giao tươi tỉnh đáp:
- Cô bảo ăn mà không đợi được thì còn đợi được cái gì?
Yên lặng mỉm cười, Tuyền đặt chiếc thìa vào bát chè dưa Giao:
- Mời anh xơi..
Nhưng hứng trí đùa nghịch, Giao không nhúc nhích trả lời:
- Tôi không biết xơi cô... Tôi chỉ biết ăn thôi...
Tuyền vui cười:
- Thế thì mời anh ăn vậy.
- “Cô cầm một tay thế chưa được... Phải trịnh trọng chứ, tôi
cơ mà!” Thấy Giao pha trò một cách thân mật hơi quá trớn, mắt Tuyền mở to ngạc
nhiên. Nhưng rồi nàng cũng nhẹ nhàng nói:
- Vâng thì đây, mời anh ăn...
Tuyền vừa nói vừa hai tay bưng bát chè ngoan ngoãn, mắt xinh
tươi, nhưng nàng cũng tránh không nhìn thẳng vào mặt Giao. Sau đó nàng lại nhẹ
nhàng ra ngồi xuống thêu, và rầu rầu cất tiếng:
- Khổ, anh Vịnh lại mệt, ngủ mất rồi... Để em bảo cất đi để
phần anh ấy mới được...
Múc ăn vui vẻ, mùi chè ngô Giao thấy còn thơm sữa mới. Bát chè
phơn phớt vàng, ngô mài lăn tăn nhỏ muốt, thanh khiết giữ mầu tươi: thanh khiết
quá làm Giao cảm thấy như chỉ có những cô thiếu nữ trong sạch ngoan ngoãn mới
làm được nổi. Giao đưa mắt nhìn Tuyền, và bỗng dưng lòng chàng xao động thấy
mình như một người tình-nhân đang được chiều chuộng. Giao mỉm cười vẩn vơ, lòng
chàng không được tự nhiên. “Sao lại có người ngoan thế nhỉ! Hạnh phúc cho người
nào được Tuyền làm vợ”... Giao nghĩ thầm thế nên bỗng dưng Giao nói:
- Cô ngoan quá!
Tuyền ngửng lên cảm động không hiểu rõ sao trong lúc mình
đang yên lặng đưa kim, người bạn trai lại khen mình ngoan, nhưng trước luồng mắt
khác thường của Giao, Tuyền nhìn xuống cầm một sợi chỉ thêu vuốt ve.
Thời gian qua bình thường, ngày ngày Giao vẫn dắt em Thân ra
bờ sông câu cá chơi hoặc luồn giữa cỏ cây ngoài đồi tìm ổi, hái xim,... chàng
sung sướng mãn nguyện với những nỗi vui nhỏ nhặt thường ngày ấy. Nhưng có một
hôm được tin người cậu ruột của Tuyền chết, bố mẹ Tuyền và Vịnh vội vã về quê
đưa đám. Riêng Tuyền ở lại trong coi công việc, vì thế ở nhà chỉ có Giao, Tuyền,
em Thân và người cô họ. Cứ mỗi khi chiều mát đến thì Giao thường hay rủ Tuyền
cùng dắt em Thân đi loanh quanh chơi - Trong lòng sung sướng, nhiều lúc Giao
nghĩ: ‘‘Giả ta có đứa con rồi chiều cùng vợ dắt đi chơi như thế nầy cũng
thích đấy nhỉ!” Những lúc ấy Giao thường nhìn Tuyền là lạ. Tuy thế chưa bao giờ
Giao thấy Yêu Tuyền, mà cũng chưa bao giờ chàng thích lấy vợ.
Rồi có một buổi trưa vừa ăn cơm xong, Giao đang ngồi đọc báo
thì thấy một người dân ấp mồ hôi nhễ nhại tới xin thuốc, nói vợ ốm nặng - Tuyền
bảo:
- Được, cứ về, khi nào nhạt nắng tôi vào xem ốm bệnh gì tôi sẽ
cho thuốc.
Giao đặt tờ báo xuống mỉm cười giễu cợt nhìn Tuyền hỏi:
- Cô lại là thày thuốc nữa cơ đấy à?... thế mà tôi không được
biết..
- Anh cứ nói thế! Tại ở trong ấp nặng nước, họ hay sốt rét
nên em thường cho họ thuốc ký-ninh hoặc đôi khi ít thuốc lỵ; thành ra mỗi khi họ
ốm là chạy ra cầu cứu...
Ngừng một giây, Tuyền tươi cười nhìn Giao nói tiếp:
- Hay chiều nay rỗi mời anh cùng đi chơi xem ấp nhân thể xem
hộ bệnh nhân bệnh gì chứ. “ông đốc tương lai”. Sau câu khôi hài có duyên của
Tuyền, cả hai người cùng cười thẳng thắn vui thú.
Cả ngày hè trời nắng chang chang ; chiều đến, khi nắng đã nhạt,
Tuyền đội chiếc nón nhẹ cùng người vú già và Giao đi vào nơi có người ốm cách
nhà độ hơn ba cây số. Đến nơi, vì bệnh nhân ốm hơi nặng nên Giao phải khám xét
kỹ xem có phải là bị bệnh thương hàn nên mãi đến chiều đậm mới ra về được. Khi
vừa bước ra khỏi căn nhà lá, Tuyền ngước mắt nhìn trời êm ả nói:
- Hôm nay rằm, không hề gì...
Trên con đường đất đó ngoằn ngoèo bờ núi, hai người đi thủng
thẳng nói chuyện, vú già lẽo đẽo theo sau. Gió mát rạt trên lúa xanh từ phía đồng
bên phải thổi lại làm mỗi lần Tuyền đặt bước thì bụi hồng của con đường đất đỏ
lại tỏa bay tạt qua chân Giao. Tay cầm nón, Tuyền xinh tươi ngửa mặt cho gió thổi
tạt làn tóc tơ.
Trong yên lặng của buổi chiều, tiếng trẻ chăn trâu từ núi xa
vẳng lại vui vẻ ; dân nông phu cũng đã bỏ đồng áng ra về ; bên lạch nước chảy đậm
bờ, họ hể hả rửa chân cọ cuốc trong nước mát. Đường hơi rộng song nhiều lúc
Giao cũng khẽ cầm tay áo Tuyền kéo vào bên bờ đường để nhường lối cho trâu đi.
Trong gió chiều trời tối dần! Cùng với bóng tối buông xuống, những con chim ấp
đất mà ban ngày vẫn chúi nấp trong các bụi cây cỏ ở sườn đồi, lúc này đã thấy
bay ra thấp thoáng đậu trên mặt đường, và rồi lại vụt bay đi khi bước
chân của Tuyền và Giao tới gần. Trên nền trời, sao hôm đã bắt đầu lấp lánh
sáng; có một lúc từ sau một quả gò thấp, mặt trăng tròn sáng đột nhiên ló lên
gieo vui trên cảnh vắng,... và trong lòng người...
Giao vui tươi hớn hở bảo Tuyền:
- “Đẹp quá, ta chạy lên đồi xem trăng một tí đi cô... về làm
gì vội”. Giao vừa nói vừa bước lên trước, rồi đưa tay nắm một bên quai nón Tuyền
đang cầm kéo nàng chậm chậm chạy ngược lên đồi gió thổi.- Nhìn trăng cười e thẹn,
Tuyền vô tình chạy chầm chậm theo, đà chàng trai kéo. sỏi đá trắng lạo xạo vui
vẻ kêu dưới bước chân và cọ vào nhiều lúc tóe lửa trong gốc cỏ. Đến trên ngọn đồi,
gió lộng thổi mạnh đưa theo mùi thơm nồng nàn ngòn ngọt của cỏ cháy!... Trông
xuống, trêr cánh đồng quang trước mặt mờ mờ chảy một dòng suối sáng mát. Dưới
ánh trăng. Tuyền thở dồn mau, tươi cười luôn luôn vén mấy sợi tóc mà gió đánh
bay tạt trên má,... mắt nàng sáng lên trước cảnh đẹp mới lạ của đồng núi mập mờ:
- Em chưa bao giờ đi chơi núi thế này đấy... Đẹp quá nhỉ, anh
nhỉ!
Tuyền ngây người hứng gió thổi đến cay cả mắt; một lát sau
Giao mới hỏi khe khẽ:
- Nhà chỗ nào cô?
- Nhà kia mà, chỗ đèn sáng trên cao ấy, chỗ cây um tùm đen...
Trong một giây, Giao tưởng mình như một người chồng đang được
vợ mới chỉ nhà đằng xa bảo: “Tổ uyên ương của chúng ta kia kìa”.... Khẽ gật mấy
cái, Giao mơ màng cất tiếng:
- Chỗ cây um tùm đen... Hay chúng ta đi về đi.
Giao vừa nói vừa nhìn Tuyền. Không phải Giao thích về, nhưng
lòng rung động, Giao nói thế để được nghe câu thân ái “chúng ta đi về đi”. Vô
tình Tuyền trả lời: “đi” mà Giao nghe như lời hưởng ứng tiếng đập của lòng mình
- nhưng Giao vẫn đứng yên nhìn Tuyền khác lạ!... Giao thấy Tuyền đẹp, mắt đen
huyền ảo, dưới ánh trăng da nàng mát mịn như hạt ngô non mới bóc; và trong gió
vờn, mấy sợi tóc phất phơ tạt bay qua miệng, có sợi dính trên làn môi ướt Giao
thấy rạo rực muốn hôn lên làn da, lên miệng ấy!... Cảnh vật mờ ảo càng thêm xui
giục,... phía sau nàng, mấy bông lan trắng nhạt ánh trăng gió thổi nghiêng lả
lướt. Say sưa không nghĩ ngợi, Giao ôm lấy em bạn định hôn. Thấy Giao yêu mình,
Tuyền cũng cảm động, nhưng con nhà nền nếp, nàng vội đẩy Giao ra nghiêm mặt
nói:
- Sao anh lại thế?
Trong một thoáng Giao nhận thấy mình đã chạm vào một người
đáng kính, và lại nhớ Tuyền đã mang một tính ngoan khó kiếm, nên tuy chỉ hơi
yêu, Giao cũng ngập ngừng nói:
- Tôi yêu Tuyền thành thực... Nếu Tuyền bằng lòng tôi sẽ xin
nói cùng cha mẹ.
Trong lòng xôn xao lạ lùng, đôi lông mày khẽ đưa lên, không
biết nói gì, Tuyền nhìn xuống lẳng lặng rứt mấy lá cỏ sắc đến chảy máu cả tay
mà không biết.
20/10/2021Đỗ Tốn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét