Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Hai buổi chiều vàng

Hai buổi chiều vàng

Hai buổi chiều vàng
Lòng ta chôn một khối tình...
Khái Hưng
I. Chưa để Kính đọc hết, Triết giật lấy từ báo, đưa mắt tìm chỗ đăng tin hội đồng Bề hình nay mai xử mấy vụ hội kín. Chàng đọc lại đoạn nói về bị cáo nhân Nguyễn văn Lộc, một đảng viên quan trọng âm mưu phá rối cuộc trị an. Triết đặt từ báo xuống bàn nói một mình:
- Nguyễn văn Lộc quán ở Vĩnh Yên!... Chính Lộc ấy.
Triết ngước nhìn một cái khung kính dán đầy ảnh chăm chú vào tấm ảnh con đặt ở góc, chụp một cặp vợ chồng trẻ: ảnh Lộc và Thoa, vợ Lộc, lúc hai người mới lấy nhau.
Kính nói:
- Vụ này, mỗi anh ít ra cũng hai mươi năm khổ sai.
Nghe đến mấy tiếng “hai mươi năm khổ sai”, Triết giật mình ngơ ngác. Chàng nhìn vào hình Thoa trên bức ảnh, hai con mắt mơ màng, thầm gọi:
- Em Thoa...
Đã ba năm nay chàng chưa gặp mặt, nhưng hình ảnh của Thoa lúc nào cũng phảng phất trong trí tưởng. Mặc dầu Thoa đã lấy chồng, đối với Triết, Thoa lúc nào cũng là một người bạn gái, chàng đã yêu trong quãng đời hoa niên xa xăm mà chàng biết rằng còn yêu, yêu mãi... Bức ảnh chụp hai vợ chồng Thoa, chàng không muốn cắt đôi ra sợ mọi người nghi ngờ, chàng đem dán lẫn với những tấm ảnh khác để lúc nào cũng có trước mặt mà chỉ có riêng đối với chàng. Bức ảnh chụp lâu ngày, nay đã mờ và bị những chấm trắng lấm tấm lan gần khắp; hình Thoa trên tấm ảnh một ngày kia sẽ mất, nhưng ở trong lòng chàng thì không bao giờ phai lạt.
Triết thăm tính:
- Hai mươi năm... Bây giờ Thoa hai mươi bốn tuổi...
Chàng với điếu thuốc lá châm hút để được bình tĩnh vì chàng không muốn nghĩ ngợi tìm cách xử trí, trong óc chàng bối rối bị những ý tưởng trái ngược nhau dồn dập đến một loạt.
Nhìn theo khói thuốc lá từ từ lan ra phía cửa sổ, chàng thẫn thờ để tâm trí phiêu diêu nhớ đến cảnh quê cũ: mấy nóc nhà tranh bên vài cây cau thân trắng, khóm chuối xơ xác và những ao bèo đầy lá khô, những bè rau rát mỗi khi thu về điểm hoa vàng lấm tấm... nơi mà chàng đã cùng Thoa sống những ngày vui không trở lại nữa.
Nhà Triết và Thoa cạnh nhau. Hai người, trong bao nhiêu năm cùng chơi bời đua nghịch, cùng đi học một trường, nên quen nhau và hiểu nhau như hai người bạn trai. Triết hơn Thoa ba tuổi. Vì Thoa là con một, mồ côi cha từ bé, nhà lại sa sút hơn nhà Triết, nên Triết tự nhiên săn sóc, che chở Thoa như một người em gái. Tuy nhà Triết chỉ đủ ăn, mà Triết cũng cố nói với mẹ giúp đỡ cho Thoa được cắp sách đi học.
Dần dần Triết thấy tình bè bạn hai người đổi khác trước; trong những lúc chơi đùa, cả Thoa và chàng cầm tay nhau đã thấy hơi ngượng.
Một hôm, hôm đó Thoa lần đầu tiên quấn khăn. Nàng sang chơi bên nhà Triết để khoe. Triết đương đứng với mẹ ở hiên, lấy tay chỉ nói với mẹ:
- Kìa mẹ trông! Cô Thoa... nhà tôi.
Rồi chàng và cả mẹ chàng cùng cười ngặt nghẽo. Bỗng Triết ngừng hẳn lại, đăm đăm nhìn vào mặt Thoa: lần đầu chàng thấy Thoa đẹp, lần đầu chàng để ý đến nhan sắc của Thoa, không nhìn Thoa như một cô bé nữa, mà lại là một cô gái xinh đẹp đương tuổi dậy thì... Thoa mỉm cười hỏi Triết:
- Cô Thoa nhà anh làm sao cơ?
Mẹ Triết cười nói:
- Trông cô ra dáng một cô dâu lắm rồi.
Thoa tinh nghịch nhìn Triết hỏi:
- Nhưng còn ai là chú rể?
Triết không đáp, nhưng chàng đã hiểu ý của Thoa...
Năm mười bảy tuổi, Triết phải lên Hà Nội học. Lần đầu tiên hai người xa cách nhau nên cùng thấy buồn vơ vẩn. Hôm đi, Triết không thấy Thoa vồn vã ân cần như mọi ngày; nàng chỉ đứng ngoài hè nhà yên lặng nhìn Triết xếp quần áo, sách vở. Lúc lên xe, Triết không dám quay mặt nhìn lại.
Mỗi lần Triết nghỉ học, hai người lại sống lại những ngày vui cũ; nhưng cái vui dần dần nghiêm trang hơn trước; hai người không đùa nghịch nữa tuy vẫn cả ngày gần nhau.
Triết còn nhớ lại hôm cùng Thoa đứng bên bờ ao hai người không biết làm gì, vơ vẩn nhìn những lá tre khô rơi xuống mặt nước. Thoa một tay vịn cành ổi, lấy chân hắt nước lên trên bè rau rát để ngắm những ngọn lá bị động dần dần cúp lại và rủ xuống như lá héo. Nàng nói:
- Anh có nhớ hôm nào phải ăn canh khoai rau rút trừ cơm không?
Triết cười đáp:
- Thế mà chưa bữa cơm nào ngon hơn.
Một lúc, Thoa vẻ mặt hơi buồn, chép miệng nói:
- Em ước ao chẳng bao giờ phải gặp nông nỗi ấy nữa.
Triết hỏi:
- Cô sợ nghèo lắm à?
Thoa yên lặng không đáp. Triết nhìn tấm áo trắng vá vai, chiếc khăn đã cũ của Thoa, chợt hiểu và đem lòng thương hại nỗi lòng của người bạn gái có nhan sắc nhưng vì nghèo không dám nghĩ đến sự điểm trang. Chàng nói đùa để an ủi Thoa:
- Tôi ăn bữa cơm khoai hôm đó ngon hơn bữa cơm sang trọng, cũng như tôi nhìn cô măc bộ quần áo nghèo này đẹp hơn khi cô mặc bộ quần áo sang.
Thoa mỉm cười nói:
- Sao anh biết? Vì em chưa mặc bộ quần áo nào sang trọng cả.
Triết đáp:
- Cũng chả mấy lúc nữa.
Chàng nói câu ấy vì chàng nghĩ rằng không mấy lúc nữa chàng thi ra, chàng sẽ đi làm và lúc đó không sợ thiếu tiền để giúp nhà Thoa nữa. Chàng sẽ lấy Thoa làm vợ và hai người sẽ mãi mãi sống gần nhau như đã sống gần nhau từ trước đến nay. Triết yên trí rằng đó là một việc tất nhiên, không thể khác dược.
Đột ngột Hoa hỏi:
- Chỉ còn một năm nữa anh đã thi ra rồi, nhỉ?
Triết sung sướng nghĩ thầm:
- Thoa cũng một ý nghĩ và một ước vọng như mình.
Mấy ngày trước khi lên Hà Nội, nhân một buổi mẹ Thoa đi vắng, Triết sang bên nhà Thoa và nhất quyết định tỏ cho nàng biết cái tình yêu ngấm ngầm của mình trong bấy lâu. Chàng phấp phỗng lo sợ, vừa đi vừa lựa trước những câu sẽ phải nói với Thoa.
- Anh Triết đi đâu mà vội vàng hấp tấp thế kia?
Câu hỏi và một tiếng cười giòn theo luôn sau làm Triết giật mình ngửng lên. Thoa lúc đó đương đứng bên một cái lồng chim treo ở cành cây nhãn.
- Anh cho hộ em con chim này vào lồng.
Triết hỏi:
- Sao cô bắt nó?
Thoa đặt con chim vào lòng bàn tay Triết, nói:
- Em có bắt nó đâu. Nó ở trong lồng bay ra, em đuổi mãi mới tóm được anh chàng... Mệt quá.
Vì Triết đứng gần sát nên thấy hơi thở của Thoa đưa mơn man qua má chàng. Lúc cho con chim vào lồng, Triết có ý để đầu chàng chạm vào khăn Thoa. Thoa cứ đứng yên, chăm chú nhìn con chim, vờ như không để ý đến. Triết hỏi:
- Sao cô lại cử nhất định cho nó vào lồng?
Thoa nhìn Triết, ngây thơ đáp:
- Cho nó có đôi kẻo nó buồn. Em không hiểu sao nó lại dại dột đòi bay ra.
Rồi nàng hạ giọng như muốn ngỏ cho Triết một sự gì bí mật lắm:
- Hai vợ chồng nó đấy.
Triết đậy cửa lồng chim lại cẩn thận, rồi đứng lui dựa vào cái giậu nứa, thờ thẫn nhìn Thoa. Chàng nhận ra rằng ý định của chàng lúc này không cần nữa. Nhìn hai con mắt Thoa, chàng thấy một cách rõ ràng rằng Thoa đã hiểu tình của chàng rồi và Thoa cũng yêu chàng như chàng yêu Thoa. Hai người đã yêu nhau và đã biết thế từ lâu rồi thì cần gì phải nói nữa. Chàng thấy sự yên lặng của hai người lúc nhìn nhau phô diễn nhiều ý hơn những lời nói nồng nàn...
- Anh táy máy làm đứt cả lạt ra thế kia.
Triết nhìn xuống, thấy mấy sợi lạt bị chàng vô tình rứt xổ tung cả ra. Triết mỉm cười. Thoa đến đập nhẹ vào bàn tay Triết, nũng nịu trách:
- Hôm qua mưa to, giậu đổ, em phải buộc mất cả buổi sáng đấy.
Triết nói:
- Tôi xin buộc đền.
Rồi chàng quên cả câu chuyện kia, loay hoay cùng Thoa buộc lại cái giậu nứa.
Triết yên tâm lên tỉnh học. Ít lâu chàng nhận được của mẹ chàng một bức thư, vội vàng mở ra xem:
Anh Triết,
Anh lại nói với bác cả mua hộ một tấm áo lượt tây màu trứng gà và khi về nghỉ, anh lại lấy đem về cho tôi để tôi làm quà cho cô Thoa. Cô ấy nay mai sắp lấy chồng lấy cậu Lộc ở trên tỉnh, cháu ông Vịnh ấy mà. Có lẽ hôm cưới đúng ngày nghỉ, anh về mừng cho em. Anh nhớ dặn bác mua cho được thứ màu trứng gà vì xem ý cô Thoa chỉ thích màu đó.
Đọc xong đã lâu mà Triết vẫn ngồi yên nhìn chòng chọc vào mấy dòng chữ.
Chàng cau mày như người chưa hiểu, lẩm bẩm:
- Thế này là nghĩa lý gì?
Chàng đọc lại những dòng chữ do tay em chàng viết một lần nữa, thầm mong em chàng viết đùa chới. Nhưng không, em chàng còn nhỏ chưa hề đùa như vậy được. Chàng cầm cái phong bì lên xem dấu nhà dây thép. Bỗng chàng để ý đến nét chữ:
- Chính chữ của Thoa.
Ở nhà chỉ có Thoa là đề nổi phong bì, nên Triết không lấy làm lạ; chàng tự hỏi:
- Nhưng Thoa biết trong thư viết gì không? Triết toan xin nghỉ học để về ngay, nhưng nghĩ không tiện, nên đành đợi đến ngày nghỉ.
Hôm về tới nhà gặp mẹ, chàng cố giữ vẻ thản nhiên vứt gói vải xuống giường, nói:
- Áo của cô Thoa.
Mẹ chàng vội hỏi:
- Mua được thứ màu trứng gà đấy chứ?
Thấy mẹ hỏi vậy, Triết biết ngay là chuyện thật.
Chàng đáp:
- Vâng... nhưng cô Thoa lấy chồng thật đấy ư mẹ?
- Chẳng thật thì giỡn sao.
Triết thấy mẹ yên trí rằng Thoa phải lấy người khác đến nỗi không cho câu hỏi của chàng là lạ. Chàng hỏi:
- Sao bác Huấn lại biết nhà Lộc?
- Bác Huấn có biết đâu. Em Thoa lên tỉnh mua hàng, rồi hai ngươi mến nhau; mãi bác Huấn mới thuận đấy, vì cậu ấy nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở nhờ nhà ông Vinh.
Cả đời Triết chưa thấy giận ai bằng giận Thoa lúc đó. Có tiếng động, chàng quay lại. Thoa ở ngoài đi vào tươi cười mừng rỡ chào Triết.
- Anh đã về.
Triết như người ngây dại, chỉ gói áo để trên giường nói:
- Áo cưới của cô đấy.
Thoa ngồi xuống giường giở gói áo hỏi:
- Anh mua cho em?
Triết gay gắt đáp:
- Không, của bác, tôi thì đâu dám tặng cô những thứ ấy.
Bà mẹ Triết nói đùa:
- Chắc anh sẻ làm quà cho cô thứ khác quý hơn nhiều. Đấy là thứ quà quê mùa của tôi.
Thoa giơ tấm vải, vắt lên tay soi ra ánh sáng, mỉm cười nói tiếp:
- Cháu lấy chồng nghèo, tấm áo này là quý lắm rồi.
Thấy mẹ đi sang buồng bên, Triẽt lại gần Thoa, hỏi mỉa mai:
- Sao cô bảo cô sợ nghèo lắm kia mà?
Thoa mở to mắt nhìn Triết, không hiểu, và trên mặt hơi thoáng qua vẻ buồn. Triết như không để ý đến, nói luôn:
- Cô bảo cô chưa mặc chiếc áo sang trọng nào, bây giờ tôi muốn xem cô mặc áo cô dâu ra làm sao?
Triết thấy mình tàn ác và nói những câu không có nghĩa lý gì. Chàng hối hận, nhưng hễ muốn dịu giọng nói một câu để mừng nàng, thì Triết thấy nghẹn ở cổ. Chàng biết mình không sao giữ nổi giận, nên đi lảng ra ngoài vườn. Trong nhà có tiếng Thoa nói sẽ với mẹ chàng:
- Độ này anh Triết lo học thi nên trông người gầy sút hẳn.
Vì biết là Thoa yêu Lộc như một người tình nhân, mà chỉ coi chàng như một người anh, nên sau một đêm băn khoăn, Triết nghĩ không gì hơn là bỏ đi và để khỏi làm bối rối Thoa vô ích. Chưa hết hạn nghỉ, chàng đã từ biệt mẹ lên Hà Nội.
Ngày cưới của Thoa lại đúng vào dịp tết: nể lời mẹ nói khẩn khoản nên Triết phải về để đi đưa Thoa về nhà chồng. Hôm đón dâu, Thoa mặc chiếc áo lưọt màu trứng gà phủ ngoài chiếc áo xa tanh da đồng, chiếc áo lượt mà chính tay chàng đã mua về. Nàng thân mật hỏi Thiết:
- Anh trông em thế nào?
- Cô dâu thế kia thì đến nhạn cũng phải sa!
Chàng thấy Thoa đẹp và đáng yêu hơn trước: lạ nhất là tuy cảnh ngộ thật mỉa mai đau đớn mà Triết thấy lòng mình bình tĩnh như không, có phần hơi vui nữa.
Chàng vừa cười nói vừa ngắm Thoa ngồi vấn tốc và nói chuyện với chị em bạn. Thỉnh thoảng Thoa ngửng lên; khi hai con mắt nàng gặp mắt Triết, nàng có ý ngừng lại nhìn lâu một chút. Triết thấy hai con mắt Thoa như nói riêng với chàng:
- Em sung sướng.
Triết mỉm cười sẽ gật như đáp lại:
- Anh cũng thấy thế.
Trong lúc đưa dâu, Triết không thấy mặt Thoa nữa. Mãi đến khi họ nhà gái về, cô dâu đứng ở cửa buồng chào mọi người, Triết mới gặp lại.
Thoa như người mất hồn, ngơ ngác nhìn, nước mắt chạy quanh. Đoán là Thoa đưa mắt tìm mình. Triết đi lại gần; chàng thấy Thoa khi nhìn chàng hình như có vẻ bớt lo, vì được có một người bạn thân đứng cạnh.
Thoa chắp tay, nghiêm trang chào Triết:
- Lạy anh ạ.
Rồi bỗng nàng ứa nước mắt, cúi mặt khóc nức nở. Một người trong họ nói:
- Cô dâu chưa chi đã nhớ nhà rồi.
Tuy đó là cử chỉ rất thông thường của các cô dâu mà Triết cũng sinh ra nghĩ ngợi mãi. Chàng nơm nớp sợ Thoa chưa hẳn đã được hoàn toàn sung sướng.
Nửa năm sau, Triết mới có dịp biết rõ.
Lúc đó bà Huấn đã rời quê nhà lên ở với con rể dạy học tư trên Vĩnh Yên.
Nghe tin mẹ chàng mệt, bà Huấn và Thoa về thăm. Triết thấy Thoa có phần gầy sút hơn trước, chàng đoán là vì lo nghĩ nhiều. Nhưng sau mấy hôm, Triết nhận ra rằng nàng vẫn giữ được cái tính vui như ngày còn con gái. Nàng hay nói đùa hơn trước, và thấy Triết ngạc nhiên, nàng phân giải:
- Em bắt chước nhà em đấy, vì nhà em nói đùa luôn miệng. Có khi em cười suốt ngày, quên cả ăn.
Triết mỉm cười đáp:
- Cười mà no thì chắc chẳng phải ăn canh rau rút trừ cơm như độ nào nữa.
Thoa có vẻ bâng khuâng, nói một mình:
- Anh nhắc đến làm em lại tiếc... độ ấy vui quá nhỉ?
- Thế bây giờ cô buồn à?
Thoa quay vào ngẫm nghĩ một lát, rồi hỏi lại Triết:
- Thế anh có tiếc độ ấy không?
- Tiếc lắm chứ.
- Thế bây giờ anh có buồn không?
- Không.
- Thế sao anh lại bảo em buồn. Em nghèo nhưng lúc nào cũng vui sướng là đủ rồi.
Triết chữa lại:
- Có, tôi có buồn, vì tiếc những ngày ấy có cô ở bên cạnh.
- Em thì em tiếc vì những ngày ấy em được ở gần anh.
Triết nhìn ra ngoài vườn, hai con mắt mơ màng, sẽ nói:
- Sao chúng mình không được như thế mãi... cả đời?...
Chàng nói xong, giật mình vì chàng đã quên bẵng không nghĩ đến rằng đương nói với một người đàn bà có chồng. Chàng vội chữa:
- Xin lỗi cô. Tôi cứ tưởng ngồi nói chuyện với cô Thoa bé bỏng ngày xưa.
Thoa nhìn Triết một lúc lâu rồi nói thong tha như cốt để cho Triết hiểu cái ý ngầm của mình:
- Thì em cũng là Thoa, chứ có khác gì trước. Chỉ khác là không được ở gần nhau mãi thôi.
Triết hiểu; chàng biết Thoa muốn tỏ cho chàng hay rằng Thoa chỉ coi chàng như một người bạn, trước kia cũng như bây giờ. Nhưng một việc khác - việc đó Triết không biết là hữu ý hay tình cờ - đến làm cho chàng bứt rứt. Thoa đương ngồi xem cuốn truyện, thấy Triết đến liền ngửng lên hỏi:
- Anh đã đọc chưa?
- Truyện gì vậy?
- Truyện “Tình tuyệt vọng”.
- Có, tôi đọc rồi...
Thoa nói:
- Có bài thơ dịch hay quá nhỉ?
Rồi nàng sẽ đọc:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ơi, người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Thoa lật trang. Triết tự nhiên đọc theo:
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Truyện riêng dễ dám một lần hé môi.
Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng,
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây.
Thoa hỏi:
- Anh đọc thuộc lòng được à?
Triết cười, nói như nói đùa:
- Vì tôi cũng gặp một cảnh ngộ ấy.
Thoa ngẩn ngơ nhìn Triết:
- Thế à, em không biết đấy.
- Cô biết thế nào được.
Hai ngươi trầm ngâm một lát, rồi Thoa nói một câu như để bình phẩm truyện:
- Em tưởng gặp cảnh ngộ ấy, chỉ có thế là hơn cả.
Triết thì cho câu bình phẩm ấy là một câu khuyên chàng. Câu khuyên ấy đã bốn năm nay lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai. Chàng không cô dịp gặp Thoa nữa nhưng càng ngày càng yêu Thoa hơn lên. Chàng chưa hiểu rõ Thoa mà chàng cũng không muốn tìm để hiểu rõ nữa; cái tình trạng mập mờ ấy đã cho chàng cái cảm tưởng êm thu rằng trong cuộc đời hiu quạnh của chàng có một người yêu chàng mà chàng yêu, hai người yêu nhau lúc nào cũng nghĩ tới nhau và không ai dám tự thú nhận. Chàng cho ở đời chỉ có cái tình yêu như vậy là lâu bền nhất.
Trong thời kỳ đó, chàng vừa bận làm lụng để kiếm ăn vừa bận học để thi tú tài. Chàng hợp sức với Kính, một ngươi bạn thân để mở ở Hà Nội một buồng giấy làm đơn từ và trông nom về mọi việc kiện tụng. Chàng đã vào học trường luật được một năm và dự định về sau sẽ hết sức làm những việc mà chàng vẫn hoài bão và đã nhiều lần nói chuyện ngỏ cho Thoa biết.
Nhiều khi, trong những lúc làm việc vất vả, hoặc trong chán nản, chàng ngửng mặt nhìn ra cửa sổ, lặng yên tưởng tới Thoa: chàng lại thấy cái vui vẻ phấn khởi trở tại trong tâm hồn. Lăn lộn trong chốn phồn hoa, gặp bao nhiêu người đẹp mà chàng không hề để ý đến ai. Vì Thoa là cái biểu hiệu linh động của quãng đời thơ ấu của chàng; chàng nghĩ đến Thoa lúc nào là thấy hiện ra những hình ảnh đáng yêu mến của những ngày vui cũ ở quê nhà.
Không ai thấy được Thoa trong lòng chàng, vì người ta một đời chỉ có một tuổi thơ. Tuổi thơ của chàng đã qua, qua hẳn và Thoa cũng không bao giờ trở về với chàng nữa.
Một hôm, hôm đó tự nhiên Triết thấy vui vẻ lạ thường. Chàng biết cái lẽ khiến chàng vui, nhưng chàng không dám tự thú. Như một cái máy, Triết lấy vé xe lửa lên Vĩnh Yên. Chàng tìm đến nhà Thoa ở và sẽ lấy cớ rằng có việc đi qua Vĩnh Yên vào thăm bà Huấn và Thoa trong lúc đợi giờ xe về Hà Nội. Cái cớ ấy tự nhiên lắm, Triết cũng thấy thế, nhưng không biết tại sao, đến khi nhìn thấy cổng nhà Thoa, chàng cho là không thể được. Chàng không còn đủ can đảm để nói dối nữa mà chàng lại tin chắc chắn rằng thế nào Thoa cũng biết là chàng nói dối.
Sẵn có cái quán gần đấy, chàng vào ngồi uống nước. Cổng nhà Thoa lúc đó đóng kín. Sau bức giậu găng ta lẫn dâm bụt chỉ lộ ra một cái mái tranh và một ngọn cau in trên nền núi cao.
Trời đã về chiều, một buổi chiều vàng người ta thường thấy những khi bắt đầu mùa hạ. Ánh chiều tà lướt trên áo chàng,  trên bãi cỏ ngay trước cổng và nhuộm vàng những thân cau trong sân nhà Thoa. Triết ngồi yên lặng, nghe rõ tiếng mình thở. Chàng tin rằng lúc đó Thoa đương ngồi chơi mát ngoài sân mà ánh sáng của buổi chiều vàng chàng đương ngắm đây, ở bên kia giậu, cũng lấp lánh trong đôi con mắt của Thoa.
- Anh nghĩ gì vậy?
Nghe tiếng Kính hỏi. Triết vứt điếu thuốc lá cháy dở ra cửa số, quay lại.
Triết nhấc tờ báo lên, đưa cho Kính xem, nghiêm trang nói:
- Vài hôm nữa tôi lên Vĩnh Yên mở trên đó một buồng giấy.
- Về kiện tụng?
Triết gật:
- Về kiện tụng. Anh tính chừng này người bị bắt cũng nhiều công việc lắm chứ?
Kính nói:
- Anh điên?
Triết nói, giọng quả quyết:
- Việc ấy tôi đã nhất định rồi. Anh đừng bàn, vô ích, Thế nào tôi cũng đi.
- Thế còn việc học của anh, còn tôi?
- Việc học hãy tạm để đấy. Còn anh thì anh chịu khó buồn vậy.
II. Lên Vĩnh Yên, Triết cố ý thuê một căn nhà ngay đầu tỉnh để khi nào Thoa ra chợ phải đi ngang qua. Chàng bày biện cho có vẻ một cái buồng giấy và treo ở ngoài cửa một tấm biển thực to, khiến ai đi qua cũng phải để ý.
Mỗi lần nhìn cái biển, chàng không khỏi mỉm cười, nghĩ thầm:
- Nếu mong có khách đến để mà sống thì chắc là chết đói trước khi có ông khách đầu tiên.
Mở buồng giấy chỉ là một kế để chàng được ở gần nhà Thoa không ngại vì lời dị nghị. Chàng có thể giúp Thoa, mà giúp một cách rất tự nhiên, cả đến Thoa cũng không ngờ được cái dụng ý của chàng.
Thấy Thoa ở phía xa đi lại, Triết vội cởi áo ngoài cho có vẻ một người đương làm việc. Khi đi ngang qua trước cái biển, Thoa chậm bước lại, ngước mắt đọc. Đứng sau bức bình phong nhìn trộm Thoa, thấy nàng gay sút hẳn, vẻ mặt bơ phờ tiều tụy, Triết động lòng thương hại và nhận thấy việc mình định giúp là rất cần. Chàng chạy vội ra chào:
- Kìa cô...
Thoa giật mình:
- Kìa anh Tú.
Rồi nàng mừng rỡ cuống quít nói luôn:
- Anh làm em hết hồn vía... Anh lên chơi đây bao giờ?
Triết lùi lại nhường cho Thoa vào trước, cố lấy giọng bình tĩnh đáp:
- Tôi lên mở buông giấy trên này. Định lên thăm bác với cô, nhưng chưa xếp dọn xong nhà cửa... May quá, lại vừa gặp ngay cô đi qua.
Thấy Thoa đưa mắt nhìn cái bàn giấy như có vẻ nghi hoặc, Triết vội vàng phân giải:
- Đây là buồng giấy phụ, mở ra cốt để giúp người anh em. Nhưng lúc đầu, tôi phải lên để lấy khách.
Rồi chàng cố hết sức giữ vẻ tự nhiên, hỏi:
- Trường bác giáo dạy học có gần đây không?
Thoa ngơ ngác nhìn chàng:
- Anh chưa biết tin em à?
- Chưa, tin gì?
- Nhà bị em bắt rồi.
Thoa bảo Triết đưa mình vào nhà trong vừa khóc vừa kể sự tình cho nghe. Triết nói:
- Tôi đọc nhật trình không để ý. Nếu biết thì tôi đã lên đây ngay. Tôi có ngờ đâu.
Rồi chàng thân mật trách:
- Sao cô không viết thư cho tôi biết?
Thoa lau nước mắt, nói:
- Ừ, sao em không nghĩ ra! Thật lú cả trí khôn. Bây giờ có anh đây, sao em vững tâm quá.
Triết thầm cảm ơn Thoa, đứng dậy nói:
- Bây giờ ta về thăm bác đã.
Hai người lững thững đi, không ai nói câu gì. Khỏi dãy phố, Triết thấy hiện ra cái mái tranh nhà Thoa với bức giậu và mấy ngọn cau. Nhưng Thoa không cách chàng một bức giậu nữa. Nhớ đến mấy tiếng “hai mươi năm khổ sai”, Triết có cái cảm tưởng rằng Thoa lúc ấy lại là người hạn thửa bé của chàng. Nhưng Triết lấy làm mừng một cách chân thật rằng cái cảm tưởng ấy chỉ là một cái cảm tưởng làm cho chàng thấy thoáng vui trong lòng chứ không phải là cái cớ đã xui giục chàng về giúp Thoa. Chàng về giúp chỉ vì thương bạn, muốn an ủi bạn chứ không phải để mong mỏi thứ gì khác. Đến chỗ rẽ vào nhà Thoa, Triết cứ đi đi thẳng. Thoa gọi giặt lại:
- Anh quên đường rồi à, anh Tú?...
Triết quay lại, lo sợ nhìn Thoa nói:
- Tôi đã biết đường đâu mà quên. Sao cô lại cho là tôi biết đường?
- Em nhớ hình như anh đã đến chơi một lần rồi.
Triết bối rối đáp:
- Chưa, bây giờ tôi mới đến là một.
Thoa nói:
- Có lẽ em nằm mê.
Thấy Thoa hai lần gọi mình là “anh Tú”, Triết khó chịu. Chàng hỏi:
- Sao cô lại gọi tôi bằng anh Tú?
- Vì anh đỗ tú tài.
- Sao cô biết?
- Anh làm việc gì mà em không biết.
Triết thẫn thờ buông hai tiếng:
- Thế à?
Buổi chiều hôm ấy, ngồi ngoài sân nói chuyện với bà Huấn và Thoa, Triết tưởng sống lại những năm ở quê nhà. Bà Huấn nói:
- Trông anh Tú vẫn thế.
Triết đáp:
- Cháu trông bác cũng không khác mấy, cả cô Thoa cũng vậy.
Chàng giơ tay che miệng mỉm cười, nói:
- Chết chửa, cứ quen như ngày trước.
Triết nghiệm ra rằng có chàng ngồi đấy thì bà Huấn và Thoa yên tâm, và sau khi nghe chàng nói, hai người rất hy vọng Lộc sẽ được tha. Bà Huấn nói:
- Không có anh thời mẹ con tôi chịu, chẳng biết xoay xở ra làm sao?
Thoa buồn rầu nói tiếp:
- Mấy hôm nọ em lo quá. Giá nhà em bị từ chung thân thì em khó lòng mà sống nổi. Em sợ quá. Anh Triết, liệu nhà em có được tha không anh?
Câu hỏi ấy không biết Thoa hỏi đã mấy lần. Triết gượng cười đáp:
- Tôi chắc thế nào cũng được tha. Bác và cô cứ yên tâm, tôi xin lo liệu.
Trời đã xâm xẫm tối mà Triết cũng không nghĩ đến về. Thoa mời:
- Anh ở luôn đây ăn cơm với em.
Bà Tuấn nói:
- Cơm có gì mà mời anh ấy ở lại.
Thoa mỉm cười nhìn Triết:
- Anh không từ chối chứ?
Triết đáp:
- Tôi chẳng dám từ chối cô cái gì.
Thoa vui vẻ đứng lên, nói:
- Để em vào bếp làm cơm.
Đi mấy bước, nàng quay lại nói với Triết:
- Hôm nay có canh rau ngót nấu tôm. Ngày trước anh thích ăn lắm cơ đấy. Để em vào nấu thật ngon cho anh xơi.
Triết nhìn thoa mơ mộng:
- Cô nhớ lâu nhỉ?
Tuy vẫn chân thật định tìm hết cách làm cho Lộc được tha, mà Triết lúc đó thấy mình thầm mong cho Lộc phải tù chung thân. Nghĩ đến hai sự trái ngược ấy, Triết mỉm cười.
Bà Huấn bỗng bảo khẽ Triết:
- Anh cố giúp em nhé. Bác lo quá, bác chỉ sợ có làm sao thì em nó hóa điên mất, anh ạ.
III. Thoa đứng ở bờ ao, tay vin cành ổi, khoắng nước rửa chân. Triết lững thững đi lại gần, vừa đi vừa có cái cảm tưởng là lạ rằng chàng đương sống lại những phứt mà một năm nào trước kia chàng đã sống qua một lần rồi. Chàng cố nghĩ nhưng không nhớ ra.
Chính quãng đời trong ba năm chàng sống trở lại bên cạnh Thoa, từ khi Lộc bị bắt, chàng thấy nó giống quãng đời tuổi trẻ của chàng quá, nên những kỷ niệm của hai thời kỳ lẫn lộn với nhau, không sao phân biệt rõ.
Đối với Thoa, chàng đã cố hết sức nhưng không làm thế nào được, vì chính Lộc đã tự mình rước lấy tội vào thân. Lộc mới nhập hội kín, chưa kịp hành động việc gì đã bị bắt ngay. Khi lấy cung, đứng trước mặt anh em, Lộc không từ chối điều gì, nhiều việc không hề nhúng tay qua, Lộc cũng cứ nhận liều. Lộc bị án hai mươi lăm năm phát vãng. Sau khi Lộc ra ngoài Côn đảo thì bà Huấn đưa Thoa về nhà quê. Triết nói với mẹ giúp Thoa mở một ngôi hàng tấm để lấy kế sinh nhai, chàng thì thỉnh thoảng lại về chơi y như là độ chàng còn học trong trường mà Thoa chưa đi lấy chồng. Nỗi đau khổ của Thoa cũng nhẹ bớt dần. Thấy vậy Triết rất mừng, nhưng thật chàng mừng cho Thoa chứ không phải mừng cho chàng. Chàng tha thiết mong có một ngày kia Thoa quên hẳn được.
Trước kia khi Thoa đi lấy chồng, trong lúc tuyệt vọng, lẩn thẩn chàng đã nghĩ đến hai cảnh khiến Thoa trở về với mình: Thoa bỏ chồng hay góa chồng. Bây giờ tuy nàng không góa mà cũng như góa: không một cớ gì có thể bắt người đàn bà giữa tuổi xuân chờ đợi cho đến khi già. Nếu Thoa có thể quên được thì phải giúp cho nàng quên đi. Triết đã băn khoăn nghĩ ngợi mãi mới dám quyết định về việc ấy. Huống hồ chồng Thoa không phải là người quen chàng, không phải là bạn chàng.
Đêm nằm nghĩ đến việc đó, Triết cho là rất dễ dàng, nhưng hễ cứ thấy mặt Thoa là chàng ngượng nghịu và lưỡng lự không biết có nên không.
Thoa thấy Triết đi lại phía mình liền mỉm cười hỏi:
- Sao lần này lâu anh mới về, chắc anh bận gì lắm.
Triết đáp:
- Tôi bận học thi.
- Thi gì?
- Thi bằng “cô-vê”.
Hai người cùng cười. Thoa nói:
- Độ anh thi cái bằng đó sao ở nhà lo thế. Em còn nhớ một lần bác cúng cho anh đỗ, bác khấn đến hai chữ “cô-vê” làm em không thể nhịn cười được.
Trên mặt ao, những làn sóng từ chỗ Thoa đứng lan ra làm cho bè rau rút bập bềnh cùng với bóng mấy đám mây in đáy nước. Thấy bè rau rát, Triết nhớ ngay ra hôm nói chuyện với Thoa về sự giàu nghèo trong khi Thoa hắt nước lên bè rau để nhìn ngọn lá cúp lại. Triết nhìn nàng nói:
- À, tôi nhớ ra rồi.
- Anh nhớ ra gì cơ?
Triết lắc đầu:
- Tôi lại quên mất rồi.
Chàng nói đùa lẩn quẩn để đỡ ngượng và để tìm dịp khơi câu chuyện dự định cho được tự nhiên, khỏi đột ngột. Chàng lại gần đứng dựa gốc ổi, nhìn vơ vẩn:
- Phong cảnh chẳng đổi khác trước một tí gì, mà chúng mình cũng vậy, rắc rối một độ rồi lại về đứng nguyên ở cái bờ ao này. Chỉ khác một điều là mỗi người già thêm mấy tuổi. Tôi ba mươi tuổi rồi đấy...
Thoa tiếp theo:
- Em kém hơn anh ba tuổi, thành ra em...
Nàng ngừng lại tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Thế ra em hai mươi bảy tuổi rồi à? Em không kịp nghĩ đến tuổi nữa... Chóng quá.
Thấy trên gương mặt Thoa thoáng qua vẻ buồn, Triết hiểu ngay là Thoa nghĩ đến cái năm xa lắc xa lơ chồng nàng được về, cái năm không bao giờ đến.
Triết nói:
- Những ngày sung sướng thường đi rất mau...
Thoa cúi mặt, nghịch lấy ngón chân cái ấn xuống đất, có vẻ ngẫm nghĩ. Một lúc lâu nàng buồn rầu nói:
- Như mấy năm ở Vĩnh Yên sao mà chóng thế.
Ba năm vừa rồi sao lâu quá chừng... Thế mà còn hơn hai mươi năm nữa...
- Sao cô cứ nhắc đến làm gì. Tôi vẫn mong cho cô quên đi.
Triết nhìn Thoa âu yếm nói tiếp:
- Chúng mình cố coi những năm vừa rồi như không có và bây giờ bắt đầu sống lại như sống từ năm còn 17, 20 tuổi trở đi. Đấy, cô xem, hôm nay chúng mình đứng đây thật chẳng khác gì cái hôm nào cô nghịch đá nước lên bè rau rút mươi năm về trước. Cô còn nhớ không cô Thoa? Lúc nãy, tôi nói: nhớ ra rồi, là nhớ hôm ấy đấy.
Thấy Thoa vẫn đứng yên như lắng tai nghe, Triết bạo dạn nói tiếp, tiếng chàng mỗi lúc một khẽ dần, nghe đều đều dịu ngọt như tiếng ru:
- Xa nhau ít lâu rồi lại gần, đời chúng mình hình như có liên lạc gì với nhau. Ba mươi tuổi mà tôi chưa có vợ thì cô cũng có thể coi như là chưa có chồng, sao không thế được.
Thoa ngửng lên nhìn Triết ngập ngừng như không dám hiểu những lời Triết nói, Triết lại thấy ngượng, sợ rằng mình nói quá rõ, nên vội nói tránh đi:
- Tôi không nghĩ đến lấy vợ, vì có lẽ vợ chưa chắc đã là người bạn... mà bạn thì đã có rồi.
Thoa ngắt lời:
- Vợ chồng khác mà bạn khác.
- Nhưng cô có thể lấy tình bạn để khuây khỏa được không?
Triết hồi hộp đợi câu trả lời của Thoa. Chàng mừng rằng đã nói được câu chàng định nói từ bao lâu. Nhưng Thoa lại hiểu ra cách khác, nàng đáp:
- Em không có anh thì khó lòng mà sống nổi được đến bây giờ.
Thấy Thoa hiểu câu hỏi của mình ra ý khác Triết biết rằng không bao giờ chàng còn có can đảm hỏi Thoa lại một lần thứ hai như thế nữa.
Cách đó một tháng, Triết chưa có dịp nào về quê thăm Thoa, thì bỗng được tin chính phủ dự định ân xá các chính trị phạm. Chàng vội vàng đáp ngay xe hỏa đêm về báo tin cho Thoa biết.
Mười giờ tối chàng về tới nơi. Bên nhà Thoa còn đèn sáng: chàng cầm bức thư của người bạn bên Pháp gửi về chạy vội sang.
Thoa cầm đèn ra hiên soi, ngơ ngác không hiểu có chuyện gì mà Triết về khuya khoắt vậy. Triết mỉm cười giơ tay đỡ lấy cái đèn:
- Cô để tôi cầm hộ... tôi sợ nó vỡ.
Sau khi đặt đèn lên bàn cẩn thận, Triết mới đưa bức thư cho Thoa. Chàng nhìn Thoa, nói:
- Có lẽ anh ấy được tha về.
Thoa hai tay run lẩy bẩy, giơ bức thư ra ánh đèn. Lẩm nhẩm đọc qua vài dòng rồi nàng đưa thư cho Triết:
- Anh đọc hộ em...
Triết vừa đọc xong, Thoa đã giằng lấy bức thư chạy vào buồng, cuống quýt gọi bà Huấn dậy:
- Nhà con được tha, mẹ ạ.
Nàng lại chạy ra ngoài nhà, hai bên má nước mắt giàn giụa lấp loáng dưới ánh đèn. Bỗng nàng ngừng lại, vì thấy Triết ngồi gục bên bàn, vẻ mặt buồn rầu ủ rũ. Nàng lo sợ nghi ngờ hỏi:
- Có đúng thế thật không anh?
Triết mua hoa xong, thuê chiếc xe bảo kéo thật mau. Chàng ngẫm nghĩ:
- Ở nhà chắc bác Huấn và Thoa đương nóng lòng đợi.
Chàng nói một mình:
- Thôi chỉ còn hai hôm nữa...
Câu ấy chàng không biết để than thở cho mình chỉ còn được hai hôm ở gần Thoa hay là để mừng cho Thoa sắp được gặp mặt chồng.
Đã mấy hôm bà Huấn và Thoa lên Hà Nội ở nhà chàng, để đợi tin tức về Lộc; chiều hôm nay ra sở mật thám hỏi, Triết mới biết đích xác lẳng ngày kia thì người ta giải Lộc lên Vĩnh Yên. Triết đoán chắc rằng biết tin rồi thì bà Huấn và Thoa sáng mai sẽ từ giã chàng để đi lên trên ấy đón Lộc.
Triết vừa xuống xe thì trời bắt đầu mưa nặng hột. Qua lá cây, chàng thoáng thấy bóng Thoa. Chàng lững thững đi vào không cần gì mưa, cốt để được thong thả ngắm Thoa đương đứng ở hiên đợi chàng như một người vợ đợi chồng đi làm về.
Triết nói ngay:
- Đến ngày kia, cô ạ.
Thoa nhìn bó hoa Triết ôm bên người hỏi:
- Anh mua lắm hoa thế?
- Mua về để mừng cô.
Thoa xuống mấy bực thềm, giơ tay đỡ lấy bó hoa:
- Anh để em cầm cho. Hoa đẹp quá nhỉ... Thơm lạ.
Thoa ôm bó hoa vào ngực: mặt nàng phản chiếu ánh phớt hồng của bó hoa lộ ra một vẻ đẹp rực rỡ, nồng nàn. Triết quay đi vì nhìn gò má và cặp môi của Thoa bên những bông hoa hé nở thoang thoảng hương thơm, Triết thấy sinh ra những ý nghĩ thèm muốn làm chàng ngây ngất một cách khó chịu.
Thoa hỏi:
- Nhà có bình cắm hoa không anh?
Triết mỉm cười đáp:
- Không có. Nhưng không sao, để tôi lấy cái này thay vậy.
Chàng lại bàn giấy lấy một cái liễn Bát Tràng cổ vẫn dùng để cắm thước và cắm những cuộn giấy. Thoa cười:
- Nhà không có đàn bà có khác.
Triết tiếp theo luôn:
- Mà chẳng bao giờ có đàn bà nữa.
Chàng giơ tay chỉ trên trần nhà nói:
- Cô xem màng nhện giăng khắp cả thế kia.
Thoa cắm hoa vào liễu, và cặm cụi xếp đặt những bông hoa cho đẹp mắt. Thoáng nghĩ đến cái đời sống cô độc của Triết, Thoa đột nhiên nói:
- Anh ở đây hẻo lánh quá nhỉ những hôm trời mưa thế này mà về đây một mình thì buồn chết.
Triết nói:
- Lâu cũng quen dần... vả lại cả đời cứ phải sống thế không quen cũng không được.
Thoa nghiêng đầu ngắm cái liễn hoa:
- Ở trong nhà có ít hoa trông vui hẳn len. Đấy anh xem.
Triết cười nói đùa:
- Cô nói nghe cũng có lý đấy.
Rồi như mới nghĩ ra được điều gì, chàng nhìn Thoa, vẻ mặt bâng khuâng:
- Tôi cũng nghe cô. Để mai kia, khi cô lên Vĩnh Yên rồi, tôi sẽ dùng cái liễn này để cắm hoa. Ngày nào cũng mua hoa về cắm cho vui nhà.
Bỗng chàng hỏi Thoa đột ngột:
- Cô thích thứ hoa gì nhỉ?
Thoa đáp:
- Em thích nhất hoa hồng.
Triết lẩm bẩm nói một mình:
- Hoa hồng có quanh năm...
Rồi như sợ Thoa đoán được ý mình, chàng nói tiẽp:
- Chơi hoa hồng vừa rẻ tiền lại vừa tiện. Hoa hồng đẹp, nhưng mà phải cái thường quá.
Nghe tiếng bà Huấn ở trên gác, Thoa giật mình nói:
- Để em chạy lên gác báo tin cho mẹ em biết.
Triết uể oải ngồi xuống ghế. Quên mình đi, khó nhọc mấy tháng trời để tìm cách cho Lộc về với Thoa, mong mỏi mãi cho đến ngày có kết quả, nay ngày ấy đã đến Triết thấy buồn bã lạ thường. Bắt đầu từ ngày mai chàng không còn được gần gũi Thoa nữa.
Ngoài nhà, mưa vẫn rơi tầm tã.
Một cơn gió lạnh thổi vào làm rung động mấy bông hồng và đưa lại phía chàng một ít hương thơm nhẹ. Triết lẩm bẩm:
- Éo le vô cùng...
Rồi chàng chống hai khuỷu tay lên bàn, với một bông hồng, áp vào môi, nhắm mắt lại, rưng rưng muốn khóc. 
Ăn cơm xong, bà Huấn kêu nhức đầu lên gác nghĩ, chỉ còn Thoa và Triết ngồi bên bàn nói chuyện. Mưa đã tạnh: nước đọng ở mái nhà rơi từng giọt một xuống rãnh, nghe đều đều như điểm thời khắc qua.
Triết thẫn thờ nói:
- Thế là ngày kia anh ấy đã về rồi.
Chàng thấy câu nói của mình rõ ràng có vẻ là một câu than thở, lo sợ sắp đến ngày Lộc về. Chàng đưa mắt nhìn Thoa. Nàng thở dài một một cái rất nhẹ, yên lặng không đáp. Triết nói:
- Lần này đi dễ chừng đến tết cô mới về thăm quê nhà được.
Thoa đáp:
- Chắc em về luôn, vì còn ruộng nương của em. Anh không biết à? Bác mới sang tên cho em mấy mẫu ruộng ở ngay ngõ đi vào.
- Tôi không biết.
Thật ra, chính vì chàng nói nên mẹ chàng mới nghĩ đến việc cho Thoa mấy mẫu ruộng ấy Thoa nói:
- Ngày cưới; bác cho em áo, bây giờ bác lại cho ruộng.
- Chỉ có tôi là không có gì tặng cô.
- Sao anh lai nghĩ thế. Anh thì phải cần gì cho em nữa.
Triết ngồi cúi nhìn về phía Thoa, ngập ngừng sẽ gọi:
- Cô...
Triết định nói cho Thoa hiểu hết cải tình u ẩn của mình. Chàng nghĩ bây giờ Lộc về thì có thể nói cho Thoa biết được, vì Thoa vẫn yêu chồng và cái tình của chàng tuy có ngang trái, nhưng vẫn là một tình bè bạn trong sạch. Chàng nghĩ nói ra cũng không có hại cho ai, can gì mà giấu diếm Thoa trong bao nhiêu năm.
Thoa thấy Triết gọi, ngửng lên nhìn.
Lần này cũng như lần Thoa chưa đi lấy chồng, Triết nhìn hai con mắt Thoa thấy một cách rõ ràng rằng Thoa đã hiểu chàng rồi và đã biết chàng định nói gì. Chàng không cần phải nói nữa.
Thoa thấy Triết đăm đăm nhìn mình nên cúi mặt xuống; nàng mỉm cười buồn rầu sẽ nói:
- Lạ quá, không có gì cả, nhưng hễ em cứ sắp đi đâu là em thấy buồn.
Triết nói:
- Tôi bận việc, nhưng đến vụ gặt, cô về quê trong coi ruộng thì tôi cũng cố về.
Thoa tiếp theo:
- Nhưng chẳng cứ gì trông thấy mới là gặp.
Triết nắm chặt hai bàn tay lại với nhau để cố giữ vẻ cảm động và âu yếm nhìn Thoa nói:
- Tôi hiểu cô lắm. Như trước kia, khi cô ở Vĩnh Yên ba, bốn năm, tuy không trông thấy cô, mà lúc nào cũng như gặp cô, vì lúc nào cũng nghĩ tới cô, mong cô sung sướng. Cô khổ thì tôi không thể nào vui được.
Thoa ngước mắt nhìn Triết, mỉm cười:
- Cám ơn anh. Em được sung sướng ngày nào là nhờ ở anh cả. Nhưng em biết lấy gì để đền ơn anh.
- Cô nói làm gì đến ơn nghĩa. Cô hiểu tôi như tôi hiểu cô, thế là đủ. Suốt đời tôi, tôi không mong ước gì hơn nữa.
Hai người nhìn nhau, tự nhiên thấy ngượng. Mắt Thoa tỏ vẻ bối rối, nhưng có thoáng một nỗi vui mới lạ. Triết đứng lên ra tựa cửa sổ, trông ra ngoài vườn. Quả tim chàng đập một cách êm ái, không có gì cả nhưng từ lúc đó chàng biết chắc là Thoa cũng bắt đầu yêu chàng như yêu một người tình nhân. Một lúc lâu chàng nói:
- Mưa xong mà có trăng, trời trong lạ. Trong đời, tôi chưa thấy đêm nào đẹp như đêm nay...
Câu tả cảnh trời đẹp ấy, Triết chỉ cốt mượn nó để mong diễn cho Thoa biết cái vui sướng đương tràn ngập cả tâm hồn chàng, cái vui sướng mà chàng thấy nó trong sáng hơn cả bầu trời đêm hôm đó.
Nhưng cái tình của chàng với Thoa đẹp đẽ quá, khiến chàng nghi ngờ không biết cái vui của mình có thể thật được không. Hay đó chỉ là cái ảo tưởng diễm lệ của một sự khao khát về tình ái không bao gìờ được mãn nguyện.
Triết nhìn ánh trăng đọng trên lá cây ướt, ngẫm nghĩ:
- Miễn là cái ảo tưởng ấy hai người cố giữ sao cho được lâu bền mãi, suốt đời.
V. Một buổi chiều vàng... Thoa lững thững ra ngoài cổng chơi mát. Ngửi thấy mùi lúa chín thơm gió đưa thoảng qua, nàng lẩm bẩm:
- Đã hai vụ gặt rồi chưa về thăm quê.
Nàng lại gần quán nước hỏi chuyện bà hàng:
- Mấy hôm nay có hội, hẳn là đông khách.
Bà hàng lắc đầu:
- Ế quá, mợ ạ. Nhưng cũng may hôm nay có được một thầy mặc quần áo tây vào ngồi uống có một bát nước trơ cho những năm xu. Thầy ấy làm ở lục lộ. Ngồi một lúc, cháu thấy thầy ấy giở cuốn sổ tay họa mấy cái nhà này và biên chép mãi.
Thoa đã toan đi, bỗng một ý nghĩ vụt hiện đến làm nàng thấy lặng cả ngươi. Nàng hỏi:
- Hay là ông tham lục lộ?
- Không phải, người này trẻ hơn. Vào trạc ba mươi tuổi.
Yên lặng một lúc rồi bà hàng tiếp theo:
- Hình như thầy ấy trước đã có đến một hai lần rồi.
Thoa không cần hỏi nữa, vì nàng đã biết người ấy là ai.
Nàng quay mặt ra phía đường xe lửa xuôi Ha Nội, đứng lặng yên đưa mắt nhìn theo hàng cột dây thép nhỏ dần rồi khuất sau quả đồi xóm Rùa làng Khai Quang; trên mỏm đồi, về phía đầm Vạc, trơ trọi đứng một cây thông cằn in lên nền trời xa, hiu quạnh.
Hai con mắt mơ màng, Thoa se sẽ lắc đầu và thở dài rất nhẹ.
Mười năm qua
Ngày 25 tháng 10 năm 1924
Anh Trung yêu dấu,
Chắc anh còn nhớ mấy giọt nước mắt của em đã thấm ướt tay anh đêm qua. Anh hẳn không ngờ rằng đêm qua lại là đêm em phải vĩnh biệt anh, vĩnh biệt người đầu tiên đã cho em biết thế nào là tình yêu ở đời. Anh hỏi em vì cớ sao mà khóc, thì em chỉ mỉm cười, nũng nịu đáp lại: vì yêu anh quá, vì sung sướng quá. Anh có ngờ đâu em khóc vì em phải xa anh, vì em đã quyết phải rời anh ra.
Vâng, em cần phải xa anh. Em sẽ đi, đi thật xa. Anh đừng tìm kiếm em làm gì vô ích, vì không bao giờ, không bao giờ nữa, anh có thể gặp được em, gặp được Lan Hà yêu quý của anh nữa. Anh chỉ biết rằng ở một nơi xa xôi mà không bao giờ anh đi tới, em vẫn dùng những ngày tàn sót lại để hối hận những sự lầm lỗi đã qua và để luôn luôn tưởng tới anh...
Anh ạ, em không muốn làm hại đời anh, vì vậy nên em phải miễn cưỡng xa anh, để anh “lập lại cái đời niên thiếu của anh”.
Xin anh tha lỗi cho em đã làm anh đau khổ, xin anh tha lỗi cho con Lan Hà khốn nạn này đã đến làm vẩn đục quãng đời ngây thơ, trong sáng của anh. Em chỉ là một cô gái giang hồ dầy dạn phong trần mà ai cũng có thể khinh được. Nhưng anh thì anh chỉ thương em mà không nỡ khinh em. Vì gái giang hồ này đi tỉnh ngộ biết mình là hòn đá chắn ngang bước đường tiến thủ của một gã thiếu niên chứa chan hy vong về tương lai như anh... vì không muốn làm hỏng đời một người yêu, gái giang hồ nay đã biết hy sinh cả hạnh phúc ái tình.
Thôi xin vĩnh biệt anh và anh cho phép em hôn anh một lần cuối cùng. Cái hôn ở ngoài ngàn dặm, em chắc nó tinh khiết, thanh cao hơn những cái hôn tục tĩu khác trong những giờ phút điên rồ.
Xin vĩnh biệt anh... không gặp anh nữa, nhưng xin anh nhớ cho rằng ở nơi phương trời mù mịt không lúc nào là em không để hồn nhớ tới anh...
Sang năm, hễ lúc nào em thấy lá thu rơi, gió heo may thổi như hôm nay thì em sẽ viết thư cho anh để nhắc anh nhớ lại trong giây phút cái tình của em đối với anh, cái tình trong sạch trong cuộc đời nhơ nhuốc của em.
Em sống ở đời chỉ còn mỗi một cái vui sướng đó thôi.
Người yêu anh: LAN HÀ
Ngày 25 tháng 10 năm 1925
Anh Trung yêu dấu,
Hôm nay em thấy gió heo may thổi ở ngoài vườn nắng... lá vàng rơi. Một năm đã qua.
Em viết thư để nhắc anh nhớ đến em giây lát, chỉ giây lát thôi, vì em không muốn làm huyên náo cái đời yên tĩnh của anh.
Một năm qua, em chắc đã đủ làm cho anh dịu được vết thương cũ, hồi đôi ta mới vĩnh quyết. Em muốn anh thỉnh thoảng tưởng nhớ đến em, đến người bạn gái ở chốn xa xôi này, nhưng em ao ước rằng lòng tưởng nhớ đó không đến nỗi làm buồn anh nhiều quá, mà chỉ cho anh biết rằng ở đâu đó có một người đương tha thiết yêu anh, và mong mỏi cho anh được sung sướng.
Chắc anh vẫn thường tự hỏi: nhưng Lan Hà bây giờ ở đâu? Em dám chắc rằng không bao giờ anh có thể biết được, vì em ở một chốn quê hẻo lánh, mà không đời nào anh bước chân tới. Hiện nay em sống một đời bình tĩnh lạ thường. Em đã đổi khác trước nhiều, giá anh có tình cờ trông thấy em, anh cũng không nhận ra. Em muốn trong ít lâu - có lẽ độ mười năm - sống một đời giản dị, trong sạch để xóa nhòa hẳn cái quá khứ nặng nề kia đi, vì biết đâu sau này em lại không có cái hy vọng được gặp anh, nhưng bây giờ thì chưa thể được. Bây giờ thì em chỉ có thể trở lại với anh trong tưởng tượng mà thôi, và gặp gỡ anh trong những giấc mơ ngắn ngủi. Bây giờ thì em chỉ còn có cái hy vọng đợi đến mùa thu sang năm...
LAN HÀ
Ngày 25 tháng 10 năm 1934
Anh Trung,
Mười năm qua...
Đã mười năm trời... em xa anh.
Đã mười năm trời... em rời bỏ cõi trần.
“Em rời bõ cõi trần”?...
Vâng, Lan Hà của anh chết rồi... chết đã mười năm nay rồi.
Nếu anh dở mười lá thư của em đã gửi cho anh, anh sẽ thấy cùng một nét chữ viết, cùng một màu mực, cùng một thứ giấy và anh sẽ rõ sự lạ lùng kia.
Phải, chỉ mới đêm qua chúng ta chia tay nhau. Mới đêm qua gục đầu vào ngực anh, em còn thổn thức, mặt lệ sầu tuôn thấm ướt tay anh.
Mới đêm qua, sau khi biệt anh, em về thu xếp đồ đạc như sắp đi xa... rồi sáng hôm sau, mặc một chiếc áo nâu cũ kỹ để không ai nhận ra được em nữa, em vào nằm đợi chết... trong nhà thương.
Trong mấy tháng em vẫn giấu không cho anh biết rằng em mắc bệnh lao, không có hy vọng gì chữa khỏi. Đó là thứ bệnh thông thường để kết liễu đời những gái giang hồ như em.
Rồi nằm trong nhà thương, em dùng những ngày cuối trong đời em để viết luôn mười bức thư này. Em dặn một ngươi thân, cứ theo đúng ngày, tháng, năm gởi tới cho anh.
Thế rồi mai, kia, cùng với lá vàng rơi... em về cõi chết, để lại trên đời một tập thơ thay người. Bức thư cuối cùng em viết từ “đêm nay” mà mãi... “ngày nay” anh mới đọc. “Ngày nay” tức là... mười năm về sau của “đêm nay”.
Mười năm sau em mới ngỏ cho anh biết rằng em lừa dối anh. Xin anh tha lỗi cho em và xem những dòng sau đây, anh sẽ biết vì cớ gì em lừa đối anh.
Đau lòng cho em quá! Đến lúc được cái hạnh phức anh yêu đến, yêu bằng một thứ tình khác xa với những thử tình giả dối kia, thì lại là lác em phải từ giã cõi đời. Em đau lòng, rồi em ghen với hết cả mọi người được sung sướng, em không muốn cho anh biết là em đã chết, để mong kéo dài cuộc tình duyên này mười năm nữa.
Nhìn lại cuộc đời rỗng không, hiu quạnh của em, nghĩ đến nay mai phải về chốn “nghìn năm yên lặng”, không còn ai nhớ đến nữa, em thấy lạnh cả người, em sợ lắm. Mười bức thư này sẽ an ủi em khi nhắm mắt, vì, em chắc rằng ở trên đời, mười năm sau ít ra cũng còn có anh tưởng nhớ đến em. Bây giờ biết sự thực rồi, anh có thể khinh em được, khinh em mà vẫn phải thương em. Em chỉ cốt có thế thôi, cốt còn có người thương đến em mười năm sau khi em chết. Người đó không là anh thì còn là ai?
Em không cần giấu chỗ ở của em nữa. Chốn quê hẻo lánh em nói trong những bức thư trước ở ngay gần anh... anh cứ xuống nghĩa trang N.T. và tìm đến mộ nào bia có đề những chữ: Nguyễn Thị Kim 25 tuổi, mất năm 1924. Chỗ ở cuối cùng của em đó.
Nhưng lúc anh nhận được bức thư này, thương nhớ đến em mà xuống thăm, em chỉ sợ mấy chữ bia đã mờ rồi, anh không nhận ra được mộ em nữa.
Thôi anh Trung yêu dấu, em biệt anh... biệt anh hẳn. Từ nay không còn có những bức thư của em cứ năm năm mỗi khi thu sang lại đến làm bận rộn đời anh nữa.
Nhưng mỗi năm hễ anh thấy lá vàng rơi, thấy hơi gió heo may đến mơm man tóc anh, má anh, thì xin anh coi nó như cái hôn âu yếm của người đã khuất từ lâu, cái hơi thở cuối cùng của Lan Hà năm xưa.
Người yêu anh: LAN HÀ 
Cái tẩy
Nếu không có một việc cần bất ngờ, thì có lẽ cả đời không bao giờ Vượng đi tới con đường quê hẻo lánh ấy. Đã thế ô-tô đương đi tự nhiên ngừng hẳn lại. Thấy gần đấy có một cái chợ và mấy lớp nhà, Vượng để mặc tài xế chữa xe, đi rẽ xuống một con đường nhỏ tìm quán uống nước.
Chàng vào một cửa hàng tạp hóa, đưa mắt nhìn xem có chai nước chanh nào không. Bỗng chàng ngạc nhiên, kêu:
- Anh!
Một người mặc áo cộc trắng đương ngồi cặm cụi cho lạc rang vào chai, ngửng nhìn Vượng một hồi lâu, rồi đứng thẳng dậy như cái máy, reo một tiếng thật to, và cũng kêu như Vượng:
- Anh!
Vượng còn đương đứng ngẩn người nhìn bạn từ đầu đến chân, thì người bạn đã nhảy xuống đất rồi cứ chân không chạy ra kéo tay Vượng vào:
- Phải, tôi đây. Huy đây! “Huy địa dư” đây!
Vượng không ngờ đâu người bạn học cùng một trường với chàng đã hai lần đi thi tú tài, nay đương ngồi cho lạc vào chai ở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, cạnh một chợ quê tiều tụy.
Huy gọi với vào trong nhà bảo pha nước, hỏi chuyện rối rít, làm Vượng không kịp trả lời: tuy vậy, Huy vẫn không quên cho nốt chỗ lạc rang còn thừa vào chai. Chàng lấy một cuốn sổ mỏng gập đôi lại rồi thả lạc trôi dần dần vào chai, và phồng má thổi mạnh cho vỏ lạc bay ra ngoài.
Vượng chưa kịp nói câu gì, vì chưa biết bắt đầu ra sao. Vừa mới nói được một tiếng “anh” thì bạn đã gật lấy gật để đáp ngay:
- Phải tôi.
Vượng gắt:
- Ai chẳng biết là anh. Nhưng anh làm gì ở đây?
Huy đáp:
- Nhà tôi đây... Anh chưa biết à?... Mà anh biết làm sao được. Anh ở Tây về bao giờ?
- Tôi về đã hai năm nay.
- Đỗ gì rồi?
- Đỗ kỹ sư.
- Khá đấy!
Huy khen bạn một cách thản nhiên không mảy may lộ chút thèm muốn, hình như đã lâu lắm chàng không nghĩ đến những sự thi cử, học hành...
Một người đàn bà không đẹp không xấu, mặc áo nâu cài khuy, chân đi guốc ở trong nhà bước ra. Huy nói khẽ:
- Nhà tôi...
Rồi chàng chỉ Vượng giới thiệu với vợ:
- Đây là bác ký Vượng ở trên Thái xuống chơi. Mình bảo nó làm cơm bác xơi.
Vượng lấy làm lạ không hiểu tại sao Huy tại tự tiện cho mình là một ông ký. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Có lẽ vì trong kỹ sư có chữ kỹ, đổi một cái dấu thì thành ký ngay.
Vượng không hỏi bạn vì lẽ gì, đành tạm cho mình là một ông ký vậy. Chàng từ chối không nhận ăn cơm, lấy cớ chỉ đợi tài xế chữa xe xong, lại phải đi ngay. Huy hỏi khẽ:
- Bác đi ô-tô... Ô-tô của bác? Thế thì bác bảo tài xế ở ngoài xe đừng vào đây, sợ nhà tôi biết. Rồi tôi sẽ cho bác hiểu vì sao.
Thấy có người vào mua hàng, Huy vội đứng lên:
- Xin lỗi bác...
Chàng tươi cười hỏi khách:
- Chè đầu xuân mới về, tôi vẫn để dành ông một bao đấy.
Chàng rút ra một bao, mở nắp để mũi vào hít ngửi mấy cái, rồi cẩn thận gói đưa cho khách, vừa đưa vừa thân mật hỏi:
- Thế nào, ông đã lo được tiền đăng cai cho cháu chưa?
Vượng để ý nhìn bạn vẫn thấy bình tĩnh như thường, không lộ vẻ khó chịu vì phải nói một câu đãi bôi, trái với ý tưởng. Chàng ngẫm nghĩ:
- Cái học trong bấy lâu thật vất đi cả... Hay là anh đã đổi cả tâm tính đi rồi.
Vượng lắc đầu chán nản, vì chàng nghĩ rằng sự nghèo khổ không nguy hiểm cho người ta bằng sự trụy lạc về tinh thần.
Người nhà bưng mâm cơm lên và đặt ngay ở giữa giường.
Đồ ăn tuy nhiều nhưng vì để trong những cái đĩa đàn trên một cái mâm gỗ đã bong sơn, nên trông không có vẻ ngon lành.
Vượng quay mặt cho bạn khỏi ngượng, vì chàng đoán chắc bạn cũng ngượng như chàng. Huy ngồi vào mâm so đũa nhìn mâm cơm, nói với Vượng:
- Hôm nay không phải phiên chợ, bác xơi tạm bữa cơm dưa muối. Thức ăn đã chẳng có gì, mà người nhà lại vụng về.
Nói vậy, nhưng Vượng thấy bạn có vẻ mặt khoái trá của người sắp được dự một bữa tiệc rất sang; chàng thấy bạn so những chiếc đũa sơn cong queo một cách âu yếm, và gượng nhẹ đặt ngay ngắn bên cạnh mâm.
Vượng thấy nét mặt và cử chỉ của bạn có vẻ tự nhiên, là những nét mặt và cử chỉ vẫn thường có hàng ngày chứ không phải tô tạo ra để cốt làm vui lòng một người bạn.
Ăn cơm xong thì trời vừa chiều. Huy rủ Vượng ra hiên sau ngồi uống nước.
Bên cạnh một giàn mướp đầy hoa vàng có để một cái bàn cũ và cái ghế tre dài. Vượng vừa hút thuốc lá vừa nhìn ra: cái cảnh khu cánh đồng bùn lầy, nước đọng phẳng lì đến tận chân trời gieo vào tâm trí chàng một nỗi buồn mênh mang, với những ý tưởng chán nản về cuộc đời sống ở những chốn quê hẻo lánh.
Bên một cái giậu nứa đã đổ nghiêng dưới sức nặng của những cây mồng tơi, một con lợn sề gầy gò, ve vẩy đuôi, lê bụng đi từ từ giữa một đàn lợn con chạy loăng quăng.
Huy ngả người vào lưng ghế, giang thẳng hai tay có vẻ khoan khoái bảo Vượng:
- Cái hiên này, mùa hè đến, mát lắm.
Vượng thấy bạn có vẻ hồn nhiên lạ lùng, hình như từ thủa bé chàng vẫn sống trong cái cảnh này, và chàng còn muốn sống trong cái cảnh đó cho hết đời. Lúc ấy Vượng mới nhận ra rằng mình buồn, mình thương bạn, không phải vì thấy bạn gặp cảnh nghèo, mà thật ra vì thấy bạn không thể nào thoát khỏi cảnh nghèo được, không có sức để cất đầu lên được nữa. Chàng lẩm bẩm một câu bằng tiếng Pháp:
- Thật là hết!
Chàng toan nói cho Huy rõ ý tưởng đó, nhưng chàng biết là vô ích, nên lại thôi. Huy không sao hiểu được nữa.
Hai người ngồi yên lặng một lúc lâu. Bỗng Huy quay lại phía Vượng hỏi đột ngột như đã đoán được ý nghĩ vấn vương trong óc bạn:
- Anh thấy tôi đổi khác trước nhiều có phải không? Bảy tám năm rồi còn gì?
Trời tối hẳn; Vượng và Huy không nhìn rõ mặt nhau, nhưng tiếng nói của Huy vẫn đều đều lọt vào tai Vượng; lúc nói chuyện, hai người cùng sống trở lại những ngày vô tư lự của cái đời học trò chín năm trước. Có tiếng vợ Huy ở trong nhà hỏi:
- Sao mình không thắp đèn lên?
Huy vội ngắt lời vợ:
- Thôi, không cần.
Rồi chàng lại bắt đầu kể chuyện cho Vượng nghe:
-... Thế là tôi rớt về địa dư và lịch sử, mặc dầu anh em đã gọi tôi là “Huy địa dư”.
Vượng nói:
- Anh rớt, có lẽ vì tại anh học thuộc quá, thuộc cả chấm câu, chấm phẩy và số trang.
Huy cười:
- Anh không nhớ có lần làm bài về địa dư, tôi bắt đầu ngay bằng một câu: “Như tôi đã nói ở trang 45, mục 7...” nghĩa là tôi cứ viết theo nguyên văn trong sách. Của đáng tội, trí học của tôi không lấy gì làm sáng suốt cho lắm, tôi chỉ được một cái chăm và học thuộc lòng. Mà chăm như thế, chỉ vì cốt thi đỗ để lấy Liên. Chắc anh đã biết Liên?
- Lạ gì, Liên con cụ Tuần Đạo.
- Chính đó. Nhưng năm đầu tôi rớt, Liên và nhà Liên đành lòng đợi tôi năm sau. Cái mộng được làm một ông tham, lại được lấy một người đẹp, con nhà giầu, cái mộng to lớn nhất trong đời tôi lúc đó, vì thế vẫn còn. Tôi chăm học bằng hai năm trước và học thuộc lòng cũng gấp hai trước... Thế rồi chỉ vì một cái tẩy...
Nói đến đây, Huy cười khẽ một cái, với điếu thuốc lá, đánh diêm châm hút.
- Kỳ thi năm sau, tôi trả lời các bài trôi chảy cả. Chỉ còn địa dư và lịch sử, tôi để lại sau cùng. Lúc vào phòng thi, tôi lo sợ phấp phỏng. Ông giáo chấm thi hỏi tôi câu đầu, tôi đáp ngay được. Ông bằng lòng lắm. Ông tươi cười toan cho nốt, nhưng gió quạt máy cứ chực lật tờ giấy chấm thi. Sẵn có cái tẩy, ông lấy chặn lên một góc giấy. Nhưng cái tẩy không chịu được sức gió, lăn ra ngoài, giấy cuốn cong chạm vào bút; ông hất ra mấy lần không được, đập tay xuống tỏ vẻ khó chịu và bảo tôi ra tắt quạt máy đi.
Ông hỏi sang địa dư... Thấy trán ông lấm tấm mồ hôi, sợ ông vì nóng quá đâm ra gắt gỏng nên tôi ra vặn quạt cho chạy. Ông mỉm cười khen:
- Tốt lắm, con ạ. (Très bien, mon enfant).
“Con” sung sướng lắm, hỏi đâu đáp đấy, trôi như nước chảy.
Ông cầm bút cho nốt và tiện tay lấy cái tẩy chặn lên góc giấy. Tôi lo lắm, chỉ lo tẩy nhẹ quá, gió lại hất giấy vào bút làm ông phát bẳn không cho nốt cao. Hai mắt tôi nhìn đăm đăm vào cái tẩy như bị thôi miên. Cái tẩy khẽ rung động. Tôi lẩm nhẩm:
- Này nó sắp lăn... nó sắp lăn.
Cái tẩy lăn đi một vòng. Tôi nín hơi đợi, nhưng vì lúc đó sức gió yếu, nên nó đứng lại ngay. Cái tẩy lại rung động, tờ giấy lật mạnh; thấy cái tẩy bị hất ra ngoài, sắp lăn xuống đất, tôi nghiêng người toan chạy lại; ông giáo vừa cho xong nốt, nhưng bị tờ giấy hắt vào bút, mực dây cả ra tay.
Ông ngửng nhìn tôi, và thấy tôi đương nghiêng người về đằng trước, chăm chú vào tờ giấy cho nốt, có vẻ khả nghi. Ông đập bàn:
- Được lắm, anh muốn nhìn nốt, tôi sẽ dạy cho anh cách nhìn nốt... Anh vừa gan vừa khéo nịnh... à, tôi nhớ ra... lúc nãy anh vặn quạt máy cốt để giấy lật, anh nhìn nốt cho rõ.
Ông liền xóa nốt cũ đi, cho tôi một con số khác, không phải hình quả trứng thì cũng hình cái gậy.
Lẽ cố nhiên là tôi rớt. Nhà cô Liên và cô Liên lẽ cố nhiên là không đợi tôi và đợi chức tham biện với số lương hơn trăm đồng mong ước kia. Tôi đau, tôi khổ, tôi kêu trời, kêu đất mất gần nửa tháng. Trí tôi không lúc nào không nghĩ đến cái tẩy. Nếu cái tẩy ấy nó nặng hơn một tí, một tí nữa thôi, thì tôi đã đỗ, cô Liên đã lấy tôi, tôi đã sung sướng...
Huy ngừng lại một lúc lâu, rồi nói tiếp một cách chậm rãi như cân nhắc từng tiếng:
- Bỗng một hôm tôi nghĩ ra. Tôi sực tỉnh. Tôi tự bảo: nếu bao nhiêu điều mình mơ ước, nếu hy vọng của cả đời mình chỉ dựa vào cái tẩy bé con, một cái tẩy khốn nạn, vô lý, thì hạnh phúc ở đời mình không thể nào chắc được. Đi đuổi tốn công. Phải làm thế nào cho hạnh phúc ở đời phải ở mình, chỉ ở mình thôi.
Huy nhắc lại:
- Hạnh phúc chỉ ở lòng mình, hạnh phúc chỉ ở sự yên tĩnh của tâm hồn. Khi mình đã có cái bình tĩnh đó, thì không cái tẩy nào làm mất được, thật là chắc chắn, kiên cố. Thế là từ hôm đó, tôi khỏi buồn, người tôi đổi khác hẳn. Tôi lăn lộn rất nhiều nơi, có lúc làm lụng vất vả trong các nhà máy, các hầm mỏ, có lúc giầu, có lúc nghèo... Ngồi bán chè ở cái chốn quê xơ xác này, nhưng chỉ cảnh ngộ đổi khác, còn ở trong vẫn không thay đổi. Nếu cái tẩy làm tôi vất vả thì trái lại nó đã cho tôi thấy hạnh phúc trong tám năm nay.
Một hôm lang thang đến đây tôi gặp nhà tôi, tính ra đến nay đã được hơn một năm. Tôi chưa biết là ở tạm, hay là ở hẳn vì đằng nào cũng vậy. Nhà tôi không rõ quãng đời trước của tôi, tôi phải tự tiện cho anh là một ông ký, vì tôi làm gì có một người bạn kỹ sư, sang trọng, có ô-tô nhà như anh.
Huy cười nói thật khẽ:
- Nhà tôi cứ tưởng là tôi cũng dốt như nhà tôi vậy.
Mặt trăng từ từ lên sau mấy thân cau viền trắng; ánh trăng chiếu vào in rõ lên quần áo Huy những bông lá mướp gió lay động. Vượng lại nhìn rõ nét mặt bạn. Nhưng bây giờ chàng thấy bao nhiêu những ý tưởng buồn bã, chán nản về bạn tự nhiên tiêu tan hết.
Vết thương
Dung nhìn qua nét chữ trên phong bì lẩm bẩm:
- Lạy trời có tin mừng.
Tuy miệng nói vậy, nhưng trong thâm tâm nàng lại mong ngày có tin mừng còn lâu mới đến, hay không bao giờ đến. Nàng vội vàng xé phong bì, dở bức thư ra đọc:
“Chị Dung,
Xin báo tin để chị hay rằng anh Địch và anh Kỳ đã được tha. Đó là một tin đích xác. Hiện giờ đã ở Hà Nội, còn như bao giờ người ta giải về làng, em không được rõ. Vậy chị bảo tin ngay cho chị Địch và chị Kỳ rõ”.
Dung vội buộc băng cho người đau chân đến xin thuốc, rồi đội nón để về nhà báo tin cho hai em.
Nàng vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Hai cô tha hồ mà mừng.
Hai con mắt Dung mơ màng nhìn ra chân trời xa lắc như cố tìm bóng một người mà nàng biết không còn bao giờ trở về nữa. Hoạch, chồng nàng, cũng bị đày ra Côn Đảo cùng một chuyến với Địch, em chồng nàng và Kỳ, em rể. Ba chị em từ lúc chồng bị đầy vẫn ở chung một nhà và an ủi lẫn nhau cho nhẹ bớt nỗi khổ. Cách đây trên một năm, Dung được tin chồng mất ở Côn Đảo. Hai em nàng hết sức khuyên giải chị và thường nói:
- Đã bị đầy chung thân thì sống với chết cũng thế thôi. Vả lại, ba chị em ta đã quyết coi như là chồng đã chết hằn, thì can gì chị phải quan tâm đến sự sống, chết. Đằng nào chúng mình cũng là ba người đàn bà góa rồi.
Dung nhờ có hai em nên khuây dần; ba người lại sống trở lại những ngày bình thường, lúc nào cũng gần gũi nhau và thân yêu nhau. Cho đến khi nhà nước ân xá các chính trị phạm; Dung mừng cho hai em, săn sóc hỏi tin tức các bạn ở Hà Nội về Địch và Kỳ; nhưng nàng không khỏi ghen thầm, ghen đến nỗi chỉ mong cho Địch và Kỳ không được ân xá. Nàng tự mắng:
- Sao mình lại nhỏ nhen, khốn nạn đến như thế được.
Đau đớn nhất là nàng vẫn yêu hai em và mong cho hai em sung sướng.
Dung rút bức thư ở trong túi ra đọc lại rồi lẩm bẩm:
- Cốt nhất là mình phải giấu kín nỗi buồn riêng, mình không có quyền làm vẩn đục cái vui của người khác.
Tiếng bà Nhiêu Bình ở sau lưng làm Dung giật mình quay lại:
- Thư gì đó cháu? Đã có tin mừng gì chưa? Sao lại khóc thế kia?
Dung đáp:
- Hai chú ấy được tha cả rồi, bác ạ. Cháu mừng quá, không giữ nổi nước mắt.
Nhưng bà Nhiêu Bình đã hiểu vì cớ sao Dung khóc. Bà lắc đầu thươg hại, nói:
- Rõ tội nghiệp cho cháu tôi quá.
Sợ về ngay hai em tất biết là mình vừa mới khóc. Dung rẽ vào tam quan chùa làng và đứng một lúc lâu đợi cho khô hẳn nước mắt.
Khi Dung về tới nhà, Thuận và Trinh đang đứng ở hiên thì thầm nói chuyện. Dung thấy hai em quay ra nhìn mình một cách khác thường. Nàng hỏi:
- Có việc gì thế?
Trinh và Thuận vẫn yên lặng nhìn chị Dung chợt hiểu.
- Hai cô đã biết tin rồi à?
Thuận nói:
- Bà Nhiêu Bình vừa vào đây báo tin.
Dung rút bức thư bảo Thuận:
- Cô đọc thư xem. Hai chú ấy đã về tới Hà Nội.
Bỗng nàng nghĩ đến rằng bà Nhiêu bắt gặp nàng đương khóc, tất thế nào cũng kể chuyện lại với hai em. Trinh và Thuận vì thương hại nàng, không dám lộ vẻ vui mừng. Dung cảm động nói:
- Mong mỏi mãi... nhận được thư... chị mừng quá hóa khóc.
Nàng nghẹn ngào ở cổ, rồi nước mắt ứa ra chảy ròng ròng trên má, rơi cả xuống lá thư còn cầm ở tay. Nàng mỉm cười, ngượng nghịu nói:
- Rõ thật chị hay mau nước mắt quá. Đấy... lại khóc rồi đấy...
Nàng bỏ chạy vào trong nhà nằm gục trên giường. Trinh và Thuận đưa mắt nhìn nhau yên lặng.
Dung trải khăn bàn và lấy bát đũa ra bày. Khi nhìn cái bát lẻ loi để riêng ở một góc bàn, chỗ mà chốc nữa nàng sẽ ngồi một mình giữa hai cặp vợ chồng mới đoàn tụ, Dung phải hết sức giữ mới khỏi ứa nước mắt. Nàng nhớ lại câu của chồng khuyên hôm từ biệt để ra Côn Đảo.
- Em phải biết rằng vì khóc mới thành ra buồn, chứ không khi nào mặt vui tươi mà buồn được. Muốn không bao giờ buồn thì đừng bao giờ khóc cả.
Dung mỉm cười, nhưng không phải nàng muốn làm theo lời chồng dặn: chỉ vì nàng thấy câu của chồng nàng có vẻ ngộ nghĩnh. Nàng chạy xuống bếp rồi đứng ngắm Trinh đương phồng má thổi lửa, bụi tro bay lên phủ trắng cả vành khăn nhung.
- Thế nào, các cô nhà bếp mau chân mau tay lên. Đức anh chừng đi thăm các nhà quen đã sắp về tới kia kìa.
Trinh ngửng lên, hai má đỏ ửng, mắt long lanh. Nàng vừa thở vừa nói:
- Khéo không hỏng tiệt cả.
- Hỏng gì mà rối rít lên thế?
- Hỏng mất món đồ ăn này của em. Gió gì mà gió ghê gió gớm thế này, cứ chốc chốc lại tắt bếp.
Dung nói:
- Khê cháy ăn cũng ngon. Hay nói cho đúng, có làm ngon cũng vô ích. Còn ai nghĩ gì đến ăn nữa.
- Không việc gì, thơm lạ... Nhà em lúc... sinh thời chỉ thích ăn có một thứ này. Chị tính xem sáu năm nay làm gì có món này mà ăn.
Dung bẻ:
- Dùng chữ nho không biết đường mà dùng. Ai lại nói lúc sinh thời... trong khi chú ấy còn sống sờ sờ, dẫn xác về...
Thuận ở ngoài đi vào, tay bưng một đĩa cây cải non vừa đem ra rửa ngoài bể nước mưa. Nàng nói:
- Cô ấy nói sinh thời thế mà đúng, đã coi như là chết đi, nay sống lại thì hồi trước là sinh thời.
Thuận lấy tay vốc những cây cải non đầu mùa, nói:
- Em phải cho nó sang xin tận bên bác cả, chỉ được có ngần này, ít quá.
Thuận vừa cho cải vào nồi vừa nói một mình:
- Chắc là ăn phải khỏe, chừng này chẳng đủ được.
Rồi nàng quay lại phía Dung:
- Chị có thấy nhà em khỏe hơn độ trước không?... Phải cái đen tợn.
Trinh tiếp lời chị:
- Cả đến tiếng nói cũng đổi khác trước. Tiếng nhà em, em nghe là lạ... đến hay.
Dung nói:
- Thế nào mà chẳng hay.
Nàng đứng vịn tay vào cánh cửa bâng khuâng nhìn em vừa cặm cụi nấu nướng vừa hí hửng nói chuyện đến chồng mình. Dung mỉm cười và nghe những lời nói của hai em, nàng có cái cảm tưởng của một người tỉnh ngồi trong một bữa tiệc chung quanh ai cũng say cả. Dung thấy trong lòng hơi vui vui; có lẽ nàng đã bắt đầu có thể lấy cái mừng của hai em làm cái mừng chung cả cho nàng, Nàng tưởng tượng suốt đời hai em ở cạnh nàng mà cũng yêu thương người chị xấu số đã riêng chịu phận lẻ loi. 
Trời tối dần dần, nhưng Dung vẫn đứng tựa cửa nhìn ra khu vườn con. Tiếng gió rít trong lũy tre lẫn với tiếng nói chuyện thì thầm của hai vợ chồng Địch lọt vào tai nàng. Dung không còn cái hy vọng được hai em ở cạnh mình nữa; từ sáng đến giờ, Kỳ và Địch chỉ bàn đến chuyện xin phép đi nơi khác làm ăn và đem cả vợ đi. Trinh và Thuận cũng tỏ ý thích như vậy, không nghĩ gì đến nàng cả. Nàng không trách gì hai em, nàng chỉ đau đớn nhận ra rằng từ giờ trở đi, trong đời Trinh và Thuận, nàng là một người không kể đến nữa. Nàng sẽ ở lại nhà một mình trơ trọi, không còn ai để an ủi mình và suốt đời sống với những nỗi thương nhớ chồng không bao giờ nguôi.
Trong nhà, tiếng Địch và Thuận nói với nhau nhỏ dần. Sợ làm mất tự do của hai em, Dung nói:
- Thím bảo nó đóng cửa cẩn thận. Tôi buồn ngủ quá, phải đi ngủ đây.
Nàng vào buồng đóng cửa lại. Vừa nằm vật xuống giường, nàng thấy nước mắt chảy ra giàn giụa. Nàng phải nức lên mấy tiếng cho khỏi khóc to. Ở ngoài kia, tiếng nói chuyện vừa im. Dung chắc hai vợ chồng đương hôn nhau. Nàng kéo cái gối bông áp vào mặt để làm mất những tiếng nức mỗi lúc một to. Ngực nàng khó thở, quả tim nàng như ngừng lại. Nàng tưởng giá khóc lên được mấy tiếng thì sẽ nhẹ nhàng xiết bao. Sợ không giữ nổi, Dung vứt cái gối đi, lấy cánh tay đè mạnh ngang miệng. Bỗng nàng tối tăm cả mày mặt. Để giữ một tiếng kêu thét xuýt thốt ra, hai hàm răng nàng vội cắn nghiến lấy cánh tay nàng. Dung ngất đi.
Ở ngoài nhà, Thuận muốn dò xem chị đã ngủ chưa, hỏi to:
- Lúc nãy chị dặn em gì thế?
Không thấy tiếng đáp, Thuận âu yếm nhìn chồng, thẫn thờ nói:
- Chị ấy đến tài. Bao giờ cũng vậy, cứ đặt mình xuống là ngủ ngay được.
Câu chuyện mơ trong giấc mộng
Một đêm trăng mờ trên sông Thương. Con thuyền lờ đờ trôi bên cạnh một dãy lau cao, gió thổi qua xào xạc. Sinh ngồi dựa vào mạn thuyền, đôi mắt mơ màng nhìn một thiếu nữ tóc trần, mặc áo lụa trắng, đương ôm lỏng một cây đàn, hờ hững gẩy vài tiếng rời rạc. Sinh hỏi thiếu nữ:
- Ở giữa sông, mà lạ thật, có mùi hoa lài thơm lạ.
Thiếu nữ nghiêng đầu để Sinh nhìn rõ mấy bông hoa lài trắng cài trong làn tóc đen, rồi thiếu nữ đăm đăm nhìn nước trôi cạnh thuyền như muốn ôn lại trong trí những việc xảy ra thời quá khứ xa xăm. Một lát, thiếu nữ thở dài, buồn rầu nói:
- Em thích nhất hoa lài... vì hình như kiếp trước, đời em là đời hoa lài.
Sinh cười nói đùa:
- Tuyết của tôi có linh hồn một nhà thi sĩ...
Tuyết nghiêm nét mặt..
- Em không nói đùa đâu. Anh không thấy người ta vẫn bảo hoa lài là một bông hoa đĩ, vì hoa chỉ nở ban đêm, thế mà đời em - em nói ra cũng không hổ thẹn - là đời một gái giang hồ...
Rồi nửa buồn rầu, nửa đùa cợt, Tuyết cất tiếng hát:
... Ngẫm xem hoa ấy thân này...
Tuyết đặt đàn, ngồi sát lại gần Sinh:
- Anh muốn hay không là tùy ý anh, nhưng em thì em cho đời em với đời hoa lài có liên lạc với nhau. Mà người ta bảo hoa lài là một thứ hoa đĩ thật đúng lắm. Để em kề anh nghe lại cái hồi em mới bắt đầu bước chân vào cuộc đời giang hồ này:
Năm ấy em mới mười sáu tuổi. Một đêm nhà vắng, cũng như mùa hè và có trăng mờ như đêm nay. Em nằm một mình ở ngoài hiên cho mát và vơ vẩn nhìn ra ngoài. Bỗng em thấy trên cái sân gạch rộng, lờ mờ dưới bóng trăng, hiện ra ba người con gái mặc toàn đồ trắng, nhẹ nhàng đi lướt qua sân. Em lấy lạ, vì trong nhà ngoài em ra không có một người con gái nào khác nữa. Em ngồi nhỏm dậy nhìn ra ngoài thì thấy ba người con gái đi đi, lại lại, chơi bời, cười nói trên sân coi như nhà họ. Em ngạc nhiên toan bước ra sân, toan hỏi, thì cả ba cô con gái cùng đến xúm lại quanh em, cầm tay em tỏ nỗi mừng rỡ, rồi bảo em:
- Chị Tuyết đây rồi! Chúng em tìm chị mãi.
Thấy em ngạc nhiên, một cô nói:
- Chị quên chúng em rồi sao? Sao mà chóng thế. Bạn của chị đây mà, chị nhớ ra chưa?
Thế là từ lúc ấy, em mang máng nhớ dần ra, rồi em thấy hình như có gặp họ ở đâu nhiều lần rồi. Em chỉ nhớ mang máng thế thôi, chưa kip nghĩ ngợi gì cả, thì cả ba cô cầm tay em kéo đi, vừa đi vừa nói chuyện, nói chuyện lâu lắm, nhưng em không nhớ nói những chuyện gì. Lúc đi với họ, em thấy trong người nhẹ nhõm và quanh người lúc nào cũng phảng phất một thứ hương thơm mát, nhưng không đoán ra được thứ hương gì. Bỗng một cô nói:
- Thôi khuya rồi, xin từ biệt chị.
Rồi cả ba cô xáp lại người em, ôm lấy em: em thấy hoa cả mắt, và hương thơm ở ngoài ba cô bạn làm em choáng váng, tê mê, thiêm thiếp đi một lúc. Khi tỉnh dậy thì cả ba cô đã biến đâu mất và khi giơ vạt áo lên thì thấy đẫm mùi hoa lài. Có tiếng cười khúc khích... Em giật mình thức dậy mới biết là mình vừa nằm mê.
Em quay mặt ra ngoài cho tỉnh hẳn thì thấy ngay ở đầu phản bên gối em ba bông hoa lài trắng và to vừa mới nở, gió thổi chúm lại với nhau và quay cả về phía em nằm, hương thơm đưa thoang thoảng.
Sinh cười bảo Tuyết:
- Nằm bên hoa, ngửi thấy mùi hoa, mê như thế là thường.
Tuyết nói:
- Anh để em kể hết đã... Từ lúc ấy trở đi, em thấy em đổi khác hẳn, rồi ngay ngày hôm sau, em gặp một chàng trẻ tuổi, em mê người ấy và từ đó, em không còn là một cô con gái mười sáu tuổi trong sạch nữa. Em trở về nhà thì mấy bông hoa hôm trước, cánh đã héo tàn, vàng úa. Bắt đầu từ đó, em bước dần mãi vào con đường nhơ nhuốc... cho đến ngày nay. Nhiều lúc em muốn trở về với cái đời trong sạch kia, nhưng không thể nào được nữa, hình như có một sức mạnh vô hình bắt em phải sống, phải mãi mãi sống cái đời khốn nạn này.
Tuyết nhấc cây đàn lên gãy xong bài Xuân nữ thán, rồi mặt cúi buồn rầu, hai bên má nước mắt chảy giàn giụa. Muốn khuây buồn cho người bạn một đêm, Sinh giơ tay khe bứt mấy bông hoa lài ở mái tóc Tuyết, rồi cầm vứt xuống sông. Hai người cùng nhìn theo mấy bông hoa trôi theo dòng nước. Một cơn gió thoang qua. Sinh nói:
- Để làm gì cái bông hoa ấy nó quấy rầy cuộc vui của hai người đêm nay.
Hết hoa, một cơn gió thoảng qua là hết cả hương thơm ám ảnh...
Tuyết mỉm cười chua chát:
- Hết thế nào được. Cái hương ấy nó thấm sâu vào trong da thịt em, nó đã tẩm cả linh hồn em, gió nào thổi cho sạch được.
Mặt trăng lộ ra: trời sáng hẳn. Tấm áo của Tuyết đã trắng lại trắng thêm, nổi hẳn lên nền lá sậy đen. Bỗng Sinh chăm chú nhìn vào mặt Tuyết, và ngạc nhiên thấy mặt Tuyết dưới ánh trăng mỗi lúc mỗi trắng dần... trắng như màu trắng của một bông hoa lài mới nở. Chàng ngạc nhiên hơn nữa, khi một cơn gió thoảng qua đưa lại phía chàng mùi hương lài thơm nức như ở trong áo Tuyết bay ra.
Sinh giụi mắt. Lúc bỏ tay ra, thì thấy ánh sáng soi vào giữa mắt mình và thấy mình nằm trên cái ghế mây dài ở đầu hiên nhà. Lúc đó Sinh mới hay rằng mình vừa mới mê một giấc chiêm bao. Thấy lẫn trong gió có mùi thơm hoa lài, Sinh quay mặt nhìn ra: ngay ở đầu ghế, một cành lài gió thổi hắt về phía chàng để lộ ra trong đám lá một bông hoa lài mới nở trắng nuột dưới ánh trăng. Hương thơm vẫn thoang thoảng và bóng hoa rung rinh trước gió, Sinh tưởng tượng như đương còn thì thầm kể lại câu chuyện mơ chàng vừa được nghe trong giấc mộng.
Lan rừng
Quang xuống xe rồi đi vào một cái nhà ở đầu phố để hỏi thăm đường đi Bản Lang và để thuê ngựa. Người cho thuê ngựa hỏi:
- Ông vào nhà ai trong đó?
- Vào nhà ông Vi văn Hoài. Ðường vào đấy có xa lắm không?
- Ðộ mười cây số thôi. Nhưng ông phải đi ngay kẻo trời tối mất. Ðể tôi lấy con ngựa thật khỏe ông đi cho chóng. Ông vào trong ông Hoài, thì tôi không cần cho người đi theo giắt ngựa về, khi nào ra, ông đem ngựa trả lại tôi cũng được.
Rồi người cho thuê ngựa chỉ tay về phía một con đường lên dốc, bảo Quang:
- Ông cứ đi theo con đường đó. Ðến một cái chùa đã đổ nát, thì ông rẽ sang bên tay phải, rồi đi thẳng, khi nào đến một cái cầu gỗ là đến Bản Lang.
Lên hết chỗ dốc, Quang cho ngựa chạy phóng để kịp đến trước khi tối trời. 
Ði vài cây số gặp một cái chùa đổ nát, chàng theo lời người cho thuê ngựa rẽ về bên tay phải, rồi lại cho ngựa phóng. Nhưng đi được ít lâu, chàng có cái cảm tưởng là lạ rằng con đường đương đi theo không phải là đường về Bản Lang, tuy chưa lần nào chàng về Bản Lang cả. Chàng tự cho mình nghĩ thế là vô lý, rồi cứ cắm đầu quất ngựa.
Ði đã lâu lắm, đáng lẽ phải tới nơi rồi, mà vẫn chưa thấy cây cầu gỗ. Chàng nhìn ra không thấy một cái nhà nào để có thể hỏi thăm được. Chung quanh chỉ toàn rừng già: những cây cao vót, ngọn nghiêng ngả, rào rào trước ngọn gió chiều vừa bắt đầu nổi lên. Chàng thấy rờn rợn, sợ hãi trước cảnh non cao rừng cả, nhưng vẫn quất ngựa cho phóng nước đại, tiến lên.
Ðường thấy khó đi dần. Hai bên toàn một thứ cỏ cao, hoa trắng như bạc, lá nhọn và sắc. Sương chiều dần dần tỏa xuống. Quang phải cho ngựa đi từ từ, vì cách năm thước không nom thấy rõ đường.
Bỗng chàng ghì ngựa lại, lắng tai, mừng rỡ. Trong sương, chàng vừa nghe rõ tiếng người, tiếng thanh thanh của một người con gái:
- Có ai cưỡi ngựa trắng đi trên đường.
Quang cất tiếng hỏi:
- Ai đấy?
Thấy có tiếng động ở sau lưng. Quang quay nhìn lại. Một người con gái Thổ vai gánh hai cái giỏ, đi với một đứa bé con tiến đến phía chàng.
- Ðến Bản Lang còn xa không, cô?
Quang vừa nói vừa nhìn cô gái Thổ và để ý đến nước da trắng và đôi mắt đen của cô bé. Chàng lấy làm lạ rằng cái sợ hãi lúc nãy đã biến đâu mất và tủi thẹn rằng mình được yên tâm như thế là nhờ ở một cô con gái yếu ớt.
Quang nhắc lại câu hỏi.
- Ðến Bản Lang còn xa không, cô?
Người con gái thản nhiên đáp:
- Ông đi nhầm đường rồi.
Quang buộc mồm kêu:
- Bây giờ làm thế nào?
Chàng toan quay ngựa thì cô gái Thổ như đoán được ý chàng, nói:
- Ông không quay được nữa đâu.
- Nhưng mà đêm nay có trăng.
- Có trăng, nhưng nhiều sương không nom thấy rõ đường.
Thấy Quang lưỡng lự, cô gái Thổ nói tiếp:
- Vả lại ông phải đi qua một cái rừng có nhiều hổ.
Cô con gái quay lại vẫy đứa em:
- Chúng mình về đi thôi, kẻo ở nhà mong.
Quang không muốn quay lại nữa, hỏi cô bé:
- Nhà cô ở gần hay xa?
- Gần đây.
- Tôi muốn về nhà cô có được không?
Cô gái Thổ vừa đi vừa nói:
- Ông cứ về.
Quang nhảy xuống ngựa, rồi yên lặng rẽ cỏ đi theo hai chị em cô Thổ.
Chàng tưởng mình đi trong một thế giới huyền ảo vì chung quanh cũng chỉ có một màu sương trắng mờ dưới ánh trăng.
Ði khỏi mấy khóm cây, bỗng chàng nghe thấy một tiếng gì ở xa, ồn ào như tiếng họp chợ.
- Tiếng gì thế cô?
- Tiếng thác. Thác Lình Hai ở gần nhà em. 
Vì trời không lạnh lắm, nên Quang bảo cô gái Thổ cho mượn cái chiếu để chàng nằm ngủ ngoài sân sàn. Chàng vừa ăn cơm no, và uống ít rượu nên thấy trong người dễ chịu, khoan khoái. Bữa cơm chỉ có một dĩa chả trứng và một bát canh măng mai, nhưng chàng ăn rất ngon miệng; xưa nay chàng không thích rượu mà bữa cơm ấy chàng cũng uống nổi hai chén, vì thứ rượu đó chàng thấy có một hương riêng phảng phất như hương lan. Cha mẹ cô gái Thổ đối với chàng rất là ân cần. Chàng mừng rằng lỡ đường lại gặp một gia đình tử tế như vậy, và nhất là được gặp một cô gái Thổ xinh đẹp. Chàng mỉm cười, sung sướng, đánh diêm châm thuốc lá hút và đợi cô gái Thổ mang chiếu ra để được nhìn lại nét mặt cô dưới bóng trăng. Trải chiếu xong, chàng nằm một lát rồi ngủ thiếp đi.
Lúc Quang sực thức dậy thì trăng đã lên cao, sương đã tan hết. Trời trong lắm, nên những ngọn núi trông như ở sát ngay cạnh nhà, mấy dải rừng đen trên ngọn núi in rõ nền trời đầy sao.
Nghe có tiếng dệt vải sau nhà, Quang tìm đến chỗ dệt vải định xin nước uống và nhất là để gặp mặt cô gái Thổ, vì chàng chắc rằng chính cô đương ngồi dệt vải.
Cô gái Thổ ngừng thoi, mỉm cười, nhìn Quang hỏi:
- Ông chưa đi ngủ?
Quang hỏi lại:
- Thế cô chưa đi ngủ?
- Em còn dệt vải.
- Còn tôi thì khát nước, nên không ngủ được.
Cô gái Thổ lại cúi xuống bắt đầu dệt.
- Ông ra suối mà uống.
- Tôi sợ lắm, sợ hổ ăn thịt.
Cô gái Thổ bật cười. Quang thấy hết cả ngượng nghịu, chàng tiến lại đứng sát bên khung dệt, hỏi:
- Tên cô là gì?
- Tên em là Sao.
Quang mỉm cười nói:
- Thảo nào mà cô ta đẹp như sao trên trời.
Cô Sao ngây thơ đáp:
- Em chẳng đẹp.
Nhưng câu đó cô ta nói bằng một thứ giọng cố làm ra nũng nịu, và vừa nói vừa đưa mắt nhìn Quang một cách tinh nghịch.
Bỗng Quang thấy thoảng qua một cơn gió thơm ngát mùi hoa, và ngay lúc đó Quang nhận thấy nét mặt cô gái Thổ tươi lên bội phần. Nàng nói:
- Nửa đêm rồi.
Quang lấy đồng hồ xem thì kim chỉ đúng mười hai giờ. Chàng ngạc nhiên hỏi:
- Sao cô biết đúng thế?
- Vì hoa lan nở. Ông không ngửi thấy mùi thơm à?
- Có, nhưng mà lan gì vậy?
- Hoa lan rừng, nở đúng nửa đêm.
Cô Sao đặt thoi xuống, rồi nhìn thẳng vào mắt Quang, nói:
- Ông có đi chơi rừng không... đi xem lan nở, và nhân tiện em đưa ông ra suối uống nước.
Quang thấy một cô con gái rủ mình đi chơi rừng đêm, lấy làm ngạc nhiên vô cùng, song chàng nghĩ rằng người đường rừng có tính tự nhiên, chất phác, nên sự đó, họ cho là thường chăng.
Quang để cô Thổ đi trước mình một ít. Qua mấy thuở ruộng ngô non, hai người đến một cái khe suối, nước chảy lấp lánh như bạc sau những ngọn cỏ đen.
Quang hỏi:
- Nước này uống có sợ sốt rét không cô?
- Không sao. Ngày nào em cũng uống. Anh trông người em tươi tắn thế này thì đủ biết.
Quang bạo dạn tiến lên trước rồi quay lại cúi vào nhìn tận mặt cô Thổ, mỉm cười nói đùa:
- Thử xem mặt cô Sao có tươi tắn thật không nào.
Chàng đứng lặng nhìn không chớp mắt: màu da cô Thổ dưới bóng trăng, chàng trông trắng mát như màu một cành hoa phong lan và đôi mắt đen phảng phất như hai chấm đen trên cánh hoa. Bỗng Quang thấy một thứ hương thơm thoảng qua, cũng một thứ hương thơm như ban nãy.
Cô Sao nói:
- Ở bờ suối đây có một cây lan. Cây này ít khi có hoa lắm. Nếu có thì chỉ nở một cái hoa là cùng. Ông muốn xem?
Quang lấy làm lạ: chàng vừa ví mặt cô Thổ với hoa lan thì cô ấy đột nhiên nói đến hoa lan như là đã đọc được ý nghĩ của chàng.
Nhìn theo phía ngón tay trỏ của cô Thổ, Quang thấy một bông hoa trắng na ná như một bông huệ to, nhưng hai cánh phía trên có hai chấm đen như mực. Thật là một thứ hoa lạ, chàng chưa thấy bao giờ.
Quang tiến lên toan ngắt, thì cô gái Thổ vẻ mặt sợ hãi giơ hai tây giữ lấy tay Quang:
- Em xin ông. Chỉ có mỗi cây này gần nhà, em quý lắm. Chốc nữa vào rừng vô số, ông tha hồ bẻ... Ông uống nước, rồi ta đi.
Quang cúi rạp xuống mặt suối uống nước và tưởng mình lúc đó như một con hổ đương uống bóng trăng.
Lúc ngửng lên, chàng để ý đến một vật gì trăng trắng ở giữa dòng suối. Nhìn kỹ thì là một hòn đá. Hòn đá ấy, kỳ dị thay, Quang thấy phảng phất giống hình một cái vai của một người con gái trắng trẻo nằm dưới làn nước. Chàng lại thấy hòn đá ấy như có “vẻ sống” nữa. Chàng bảo cô gái Thổ:
- Trông hòn đá như vai người con gái, cô Sao ạ.
Cô Thổ cười bảo đùa Quang:
- Sao ông không đánh thức cô ta dậy để cùng vào rừng chơi... Nhưng mà cô ta còn mải tắm, chúng mình đi thôi.
Chữ “chúng mình” Quang thấy cô Thổ nói một cách thân mật, âu yếm. Lúc đó chàng cũng bắt đầu coi cô Thổ như một người tình nhân quen biết đã từ lâu. Chàng nắm lấy tay cô Thổ, nói:
- Chúng mình cùng nhảy qua suối, nào.
Lúc qua bên kia bờ suối, Quang hỏi cô bạn:
- Sao tay em lạnh thế em?
- Lúc nãy em vừa rửa tay ở nước suối.
Quang không để ý nên không biết là cô Thổ vừa nói dối chàng.
Hai người đi qua một bãi cỏ, rồi vào một cái rừng thưa. Bóng cành cây in trên đất, trên áo hai người lại càng tăng vẻ sáng của đêm trăng. Cô Thổ nói:
- Qua một cái rừng nữa thì đến chỗ lan nở.
Hai người đi vào bóng tối đen của rừng già. Quang có cái cảm tưởng như người vừa ở ngoài nắng vào trong rợp, chàng hơi sợ, nắm chặt lấy tay cô Thổ.
Ði khỏi một cái dốc, chàng thấy hiện ra ở trước mặt một mảng trắng xóa dưới bóng trăng.
- Rừng lan.
Cô Sao mừng rỡ vừa nói vừa kéo tay Quang chạy vào trong đám hoa. Hương thơm ngát, Quang thấy đầu óc choáng váng: chàng mơ màng thấy cô Thổ kéo mình ngồi xuống giữa rừng lan. Chàng lắc đầu dụi mắt để cố nhìn cho rõ, nhưng không thể được. Trong lúc bàng hoàng, chàng thấy hình như tất cả những bông hoa trong rừng đều ngả cả về phía chàng, những bông hoa mềm và mát rung rinh bên má chàng như mơn man ve vuốt...
... Lúc chàng mở mắt ra chàng thấy mình nằm ở trên bãi cỏ, chung quanh chỗ nằm, những bông hoa đều ngả dẹp xuống đất. Chàng thấy có bóng đen che khuất ánh trăng, liền quay đầu nhìn lại: cô Thổ đứng bên cạnh chàng, tay cầm bó lá to, mỉm cười:
- Sao ông ngủ say thế. Em đánh thức mãi, ông mới tỉnh.
Quang ngạc nhiên:
- Tôi vừa ngủ? Thế mà tôi không biết đấy.
Ngẫm nghĩ một lát, chàng nói tiếp:
- Có lẽ không phải tôi ngủ đâu, vì say hương lan thiếp đi một lúc đấy.
Quang nhìn cô Thổ một lúc rồi trong lòng sinh ra một mối nghi ngờ: hay cô con gái này “không phải là người”. Chàng vừa sợ vừa hỏi:
- Sao đầu tóc cô rối bời thế?
- Vì em phải chui qua bụi rậm để bẻ trộm ngô.
Cô Thổ vứt xuống bên cạnh Quang một bó ngô.
- Ông có diêm không để nướng ngô ăn?
- Không, tôi không mang diêm theo.
- Thế thì đi về đi, ông đi về nhà ăn ngô, em đói lắm.
Nghe tiếng cô Thổ nói, và trông điệu bộ, Quang lại thấy hết cả nghi ngờ. Lạ nhất là đêm khuya ở giữa rừng có một mình mình với một cô con gái yếu ớt mà chàng không thấy có cái ham muốn của một người con trai khi gần người con gái. Chàng lại có cái cảm tưởng mà chàng cho là vô lý là người con gái ấy đã thuộc về chàng rồi.
Cô Thổ bảo Quang:
- Bây giờ ông muốn hái hoa thì tha hồ hái. Em không cấm nữa đâu.
Quang đứng dậy thấy trong người mỏi mệt lạ thường. Chàng không thiết hái hoa nữa; chàng chỉ muốn về ngay vì không chịu nổi hương lan thơm một cách hắc quá.
- Về đi, cô Sao.
Sáng hôm sau thức dậy, Quang nhìn phong cảnh chung quanh không thấy có vẻ huyền ảo như đêm qua nữa. Cô Thổ bưng ra một bát cháo nóng mời chàng một cách thân mật:
- Ông xơi cháo.
Quang đăm đăm nhìn cô Thổ. Dưới ánh sáng mặt trời, chàng thấy cô Thổ có cái vẻ đẹp hồng hào của một người con gái khỏe mạnh.
Ăn cháo xong, Quang xin đi một cách vội vàng. Chàng chỉ mong đến nhà ông Vi văn Hoài thu xếp cho chóng xong công việc, khi về chàng sẽ rẽ qua đây.
Quang nhìn cô Thổ:
- Ðến mai xong công việc, đi qua đây tôi sẽ rẽ vào thăm cô.
Cô Thổ gật:
- Ðể em tiễn ông ra khỏi rừng, sợ ông lạc đường.
Quang dắt ngựa đi theo cô Thổ. Ði qua một cái suối, Quang hỏi:
- Hòn đá trắng đêm qua đâu mất rồi.
Cô Thổ đáp:
- Ở về phía sau nhà em cơ. Rừng lan cũng ở về phía ấy.
Bỗng Quang thấy trước mặt sương dày đặc như khói. Cô Thổ bảo:
- Ðây là khe núi, sáng nào cũng có sương. Phải quen đường mới đi qua được... Vì thế em mới tiễn ông ra tận đây.
Ra khỏi chỗ sương, Quang nhảy lên ngựa từ biệt cô Thổ.
Ngựa đi được mươi bước. Quang quay đầu nhìn lại vẫn thấy cô Thổ đứng trong sương mù nhìn theo. Quang giơ tay nói to:
- Ðến mai...
Lúc lên tới đường cái, Quang để ý đến hai cây trò lên cao vút như hai cái cột quét vôi trắng. 
Hôm trước, Quang đã lầm đường vì người cho thuê ngựa quên không nói rõ cho chàng biết rằng: dọc đường, trước khi đi đến cái chùa đổ, có một cái miếu cũng đổ nát.
Quang mới đến cái miếu đã rẽ về bên tay phải. Chàng không trách gì người cho thuê ngựa, vì sự lầm đường ấy đã cho chàng biết được cảnh thú vị.
Chiều hôm sau ở nhà ông Hoài ra, chàng cho ngựa phóng hết sức mau, vì chàng nóng lòng được gặp mặt cô Thổ. Ðến cái miếu đổ nát, chàng rẽ tay trái, rồi cứ đi mãi vào trong. Gặp hai cây trò, chàng cho ngựa đi rẽ xuống. Chàng lần theo vết cũ, rẽ cỏ đi được ít lâu thì đến cái thung lũng có nhà cô Thổ. Chàng cho ngựa nhảy qua cái suối hôm nọ, nhưng lúc ngửng lên nhìn thì bỗng chàng biến sắc mặt, nắm chặt lấy dây cương, mắt mở to nhìn thẳng về phía trước: ở chỗ đất mà chàng chắc là có cái nhà của cô Thổ, “thì không có cái nhà nào cả”. Ðấy chỉ là một bãi cỏ.
Chàng nghĩ mình lầm đường và cho rằng tại cảnh đường rừng phần nhiều hay giống nhau. Chàng tiến ngựa lên trên bãi cỏ không thấy một dấu vết gì có thể chứng rằng ở chỗ ấy mới hôm qua đây còn có người ở, còn có nhà cửa.
Chàng lắng tai nghe: xa xa có tiếng thác chảy. Chàng lẩm bẩm:
- Rõ tiếng thác Lình Hai!
Chàng cho ngựa xuống và đi theo men dòng suối. Bỗng chàng ghì cương lại: sau đám cỏ chàng trông thoáng thấy một vật trăng trắng. Chàng nhảy xuống ngựa đến gần xem thì đó là một hòn đá trắng; chàng kinh ngạc thấy hòn đá đó trông phảng phất giống hòn đá gần nhà cô Thổ, nghĩa là cũng giống hình như một cái vai của người con gái trắng trẻo nằm dưới làn nước.
Quang lúc đó tưởng mình đang mê ngủ. Chàng muốn định thần trí lại để cố nghĩ cho hiểu sự lạ lùng ấy, nhưng không thể được. Hòn đá chàng thấy như có vẻ sống và dưới ánh sáng mặt trời chàng trông rõ một tia đỏ chạy ngang hòn đá như một tia máu.
Chàng cúi xuống giơ hai tay múc nước để rửa mặt cho tỉnh. Nước suối lạnh làm chàng rùng cả mình mẩy. Bỗng chàng thấy - rõ ràng chàng thấy - bên cạnh bóng mặt chàng in xuống đáy nước có bóng một người khác nữa, mặt một người con gái Thổ chàng trông phảng phất giống cô Sao.
Chàng rợn người, đứng thẳng lên, nhìn quay lại thì không có ai cả. Chỉ có con ngựa của chàng đứng sau đang rứt cỏ ăn. Thoáng thấy hương lan, chàng nhìn quanh quẩn. Lúc ngửng lên, chàng thấy ở ngay trên đầu có một bông lan, hoa trắng nuột, cánh điểm hai chấm đen... bông lan rừng.
Quang toan giơ tay hái bông hoa, nhưng có một nỗi sợ vô cớ làm ngừng tay chàng lại. Văng vẳng bên tai chàng tưởng như nghe thấy tiếng cô Sao nói với chàng đêm hôm trước.
- Em xin ông, chỉ có mỗi một cây này gần nhà, em quý lắm.
Lúc ra đến ngoài đường cái, Quang đợi mãi mới gặp được một người Thổ kiếm củi đi qua. Chàng gọi lại hỏi:
- Ở trong kia có nhà ai ở không?
Người Thổ đáp:
- Quanh đây không có nhà ai cả. Ai dám ở đây. Nhiều hổ lắm.
Quang bảo người Thổ lắng tai nghe tiếng thác, rồi hỏi:
- Có phải thác Lình Hai không?
Người Thổ ngạc nhiên không hiểu:
- Thác Lình Hai? Lình Hai... Không phải, đấy là thác Na Pang. “Ở khắp châu này không có thác Lình Hai”. 
Mấy hôm sau, người cho thuê ngựa thấy Quang sáng nào cũng đến thuê ngựa, rồi cứ chiều tối mới đem ngựa về trả.
Bẵng đi mấy tháng, người cho thuê ngựa lại thấy Quang đến, nhưng lần này chiều không thấy đem ngựa về. Ngày hôm sau cũng không thấy bóng ông khách thuê ngựa đâu. Nửa đêm nghe tiếng động ở cửa, người cho thuê ngựa đem đèn ra soi thì thấy con ngựa của mình đứng bên giậu, hục hặc tìm lối vào.
Trên lưng ngựa, yên còn đóng nguyên mà người thuê không thấy đâu cả.
15/8/2016
Nhất Linh
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...