Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Tết - Đọc thơ trào phúng của Tú Xương

Tết - Đọc thơ trào phúng
của Tú Xương

Lẽ thường xưa nay, cứ mỗi lần Tết Nguyên đán đến, với người Việt là một không khí rộn ràng đầy tính lễ hội. Nhà nhà, người người từ nghèo đến giàu đều sắm sửa với quan niệm “No cũng ba ngày Tết…”
Với Tú Xương, ông lại có một cái nhìn khác khá trào lộng khi cảm nhận Tết. Có lẽ bạn bè thấy cảnh nghèo, vợ thì “quanh năm buôn bán ở mom sông”, con thì đông…nên ái ngại khi hỏi “Tết nhất …có gì chưa?” để rồi nhà thơ đất Hà Nam phải “Cảm Tết” là:
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo,
Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
Được mệnh danh là nhà thơ trào phúng đến cả Tản Đà - nhà thơ nổi tiếng tài năng và "ngông" của giai đoạn sau, giai đoạn giao thời thơ cũ - thơ Mới cũng đã phải phát biểu: "Trong những thi sĩ tiền bối, tôi khâm phục nhất Tú Xương", Giáo sư Albert Smith (Anh Quốc) cũng viết: "Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới", Tú Xương có một cái nhìn, cảm nhận về Tết với mình như là một cách “tự cười” hết sức dí dỏm. Cái yếu tố trào phúng và trữ tình như cứ đan xen vào nhau và bổ sung cho nhau, gây những tiếng cười nhẹ nhàng, châm biếm mà sâu cay. Hể chúng đụng vào tâm hồn, trái tim, tư tưởng của Tú Xương thì ông đều tìm ra tiếng cười đả kích.
Trong bài “Cảm Tết”, Tú Xương nêu một loạt những “nhu yếu” của mọi người, mọi nhà cần có hoặc không thể thiếu được trong những ngày Tết thời ông đang sống: tiền bạc, rượu cúc, trà sen, bánh chưng, giò lụa.
Thế nhưng ông cũng đã dí dỏm nêu một loạt lý do để rồi trong nhà ông chẳng có thứ gì cả: tiền còn trong kho chưa lĩnh, rượu ngon nhà hàng làm biếng không gánh đến, trà thì con buôn đang nâng giá nên phải đợi, gói bánh chưng sợ nồm làm hỏng, bó giò lụa thì ngại thiu vì nắng! Nghĩa là, mọi thứ cần thiết trong mấy ngày Tết đã được nhà thơ “vẽ” lên với đủ sắc màu phong phú, rồi tự hiểu rằng những thứ “vẽ vời” này trong thực tế đối một nhà thơ nghèo như ông chỉ là sự tự huyễn hoặc, tự cười mình bất lực nên “hứa” là sẽ có một… Tết sau!
Đó cũng chính là một tiếng thở dài não ruột của một nhà thơ nghèo, bất đắc chí vật lộn với cảnh nghèo với cái nhìn tưởng như “lạc quan” nhưng người đọc dễ nhận ra tính tự trào như là một “thuộc tính” của ông.
Cái thế của ông cũng như những nhà thơ thời kỳ đó là “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi…” thì cái viễn cảnh bạc tiền, rượu ngon, chả lụa… kia chỉ là tự châm biếm sự bất lực hoàn toàn trước cảnh ngộ mà ai cũng dễ dàng nhận biết mình nghèo “khôn ngoan đến cửa quan mới biết/ khó nghèo ba mươi tết mới hay”
Chúng ta lớp hậu sinh của nhà thơ nghèo Tú Xương hết sức thấm thía với cái cảnh nghèo lận đận, cái Tết đến trong sự “tự trào” cao độ của ông. Tú Xương ra đi vào ngày 29/1/1907, tức là trước Tết khoảng nửa tháng, chưa kịp viết bài thơ "Cảm Tết" của năm ấy.
Khi Tú Xương mất, nhà thơ Nguyễn Khuyến, người sinh trước ông 35 năm, nhưng lại mất sau ông 2 năm, đã viếng 2 câu đối:
Kìa ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
Nhà thơ khoa bảng đó tuy lời lẽ có phần cẩn trọng nhưng thực sự đã là người đầu tiên khẳng định giá trị cao, giá trị vượt thời gian của thơ Tú Xương.
Nhà thơ ngày xưa vốn đã nghèo nhưng ngày nay vốn dĩ cũng chẳng khá gì hơn!
Nhân dịp Tết sắp đến, Hoài Nguyễn tôi có vài lời “tự trào” đồng cảm với bậc tiền bối Tú Xương để hiểu và tự cười mình trong mỗi dịp mà thiên hạ “khoe khoang cái sự giàu” này…
Cảnh Tết.
Tết đến, tôi đây vẫn cảnh nghèo,
Tiền hưu mấy bữa chẳng còn tiêu
Rượu thiu, bạn bảo thôi đừng uống
Bánh cứng, răng hư cứ phải kêu
Thịt có vài cân, toàn sụn mỡ
Hoa vài nhánh nở, thấy buồn thiu
Đành lòng, tết vậy mong mau hết
Xong mấy ngày xuân, chắc hết nghèo!.
3/2/2019
Hoài Nguyễn
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...