Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Phê bình văn học nghệ thuật: Thực tiễn, thành tựu, thách thức và giải pháp

Phê bình văn học nghệ thuật: Thực tiễn,
thành tựu, thách thức và giải pháp

Trước tiên, phải khẳng định rằng, từ rất sớm chúng ta đã có được đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật khá đông đảo. Và không chỉ đông đảo, đội ngũ ấy, trong từng giai đoạn lịch sử, đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phê bình văn học nghệ thuật. Càng về sau, đội ngũ này càng có sự phát triển cao hơn, đa dạng và phong phú hơn, đáp ứng tốt nhu cầu phê bình văn học nghệ thuật trong tương quan xây dựng nền văn hóa mới.
Nói như thế, không có nghĩa là đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật không cần thiết phải có những điều chỉnh, bổ sung, thậm chí làm mới ở nhiều lĩnh vực. Văn học nghệ thuật vốn phát triển không ngừng, có những lúc vừa sôi nổi vừa phức tạp. Để theo kịp sự phát triển đó, tương tác và đồng hành, thậm chí là dẫn dắt các xu hướng, khuynh hướng của sáng tác văn học nghệ thuật, rất cần tới đội ngũ phê bình tương ứng. Điều này là một đòi hỏi chính đáng của sự phát triển lành mạnh của nền văn học trong thời kỳ mới. Điều này cũng là thời cơ và thách thức của đội ngũ làm công tác phê bình văn học nghệ thuật hiện nay.
1. Thực tiễn và thành tựu
Chúng ta đã có một thực tiễn phê bình văn học nghệ thuật phong phú với những thành tựu đã được ghi nhận. Từ các tác phẩm rải rác phê bình phong trào Thơ mới, phê bình các sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn trước năm 1945 khá sôi động mà tiêu biểu nhất phải kể đến Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Đời sống phê bình văn học nghệ thuật luôn bám sát và đồng hành với đời sống sáng tác. Thời kỳ văn học tiền chiến cũng là thời kỳ nở rộ nhiều khuynh hướng sáng tác và phê bình. Trong một xã hội ngột ngạt về chính trị, kiệt quệ về kinh tế, xuống cấp sâu sắc về văn hóa, đạo đức xã hội, nhưng kỳ lạ thay, các sáng tác văn học nghệ thuật trong đó có mảng phê bình lại phát triển rất mạnh, nhiều thành tựu về văn học, các loại hình nghệ thuật như văn học, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh… đều có những cột mốc đáng ghi nhận. Điều này nói lên cái gì? Tại sao trong một xã hội tương đối ổn định như hôm nay không có được sự nở rộ đó? Phải chăng công tác quản lý về sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật của chúng ta có vấn đề? Hàng loạt những câu hỏi đã và đang được đặt ra một cách khách quan, khoa học, đòi hỏi không chỉ giới sáng tác, giới phê bình mà cả giới quản lý, thậm chí quản lý cấp rất cao phải trả lời câu hỏi này.
Quay trở lại thực tiễn sáng tác và những thành tựu mà phê bình văn học nghệ thuật đã đạt được trong khoảng thời gian sau năm 1945 đến nay, ta thấy có mấy đặc điểm lớn, cũng là những thành tựu đã được ghi nhận.
Thứ nhất, trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954, từ thực tiễn cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân ta, các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời, vừa để phục vụ kịp thời đời sống tinh thần của các tầng lớp xã hội vừa là khẳng định tư duy mới, con người mới, con người khao khát hướng tới độc lập, tự do. Bởi vậy, các sáng tác văn học nghệ thuật trong thời gian này đã làm tròn vai trò lịch sử. Từ các loại hình âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn học đều bám sát đời sống mọi mặt của quần chúng nhân dân. Các tác phẩm được nhân dân đón nhận. Có tác phẩm ra đời ngay trên chiến hào còn sực mùi thuốc súng, thậm chí còn đang chảy máu như tác phẩm: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng; Viếng bạn của Hoàng Lộc; Trận phố Ràng của Trần Đăng… Ngay như một nhà văn kỹ tính như Nguyễn Tuân cũng đã theo sát cùng bộ đội trực tiếp đánh đồn giặc. Ông còn cầm dùi trống thúc mạnh cho quân ta xông lên giết giặc, sau đó trực tiếp viết luôn về trận đánh đó. Có thể nói, chính cuộc sống chiến đấu cần lao và lẫm liệt của quân và dân ta đã là chất liệu làm nên những thành tựu, những cột mốc sáng tạo của các loại hình văn học nghệ thuật trong kháng chiến chống Pháp. Chính từ thực tiễn ấy, những sáng tác đã tự cất lên tiếng nói của thời đại mình. Và từ nền tảng sáng tác ấy, phê bình văn học nghệ thuật đã làm tròn trách nhiệm, thậm chí có lúc đã làm rất tốt công việc dẫn dắt, định hướng cho sáng tác.
Thứ hai, trong kháng chiến chống Mỹ đến năm 1975, từ thực tiễn cách mạng, các thành tựu về văn học nghệ thuật đã có những xu hướng vận động mới. Cuộc kháng chiến càng bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt càng đòi hỏi những sáng tác văn học nghệ thuật trực diện hơn, kích hoạt tính chiến đấu kiên quyết hơn. Vì vậy không tránh khỏi có lúc là cực đoan một chiều, ta đúng địch sai, nhất nhất tiến thẳng về phía trước, bất chấp những đặc tính của văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi sự cân bằng bản thể, sự thâm trầm được chắt lọc chứ không thể nào văn học nghệ thuật giống như những nguyên tắc của chiến tranh. Nguyên tắc của chiến tranh là vô nguyên tắc. Mọi thứ phi lý nhất đều có thể xảy ra. Văn học nghệ thuật lại cần sự hữu lý, sự cân bằng và sự nhân văn đến tận cùng. Điều này dường như đối nghịch với nguyên tắc chiến tranh. Bởi vậy mới nói rằng, thành tựu của văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến năm 1975 đã có những dấu mốc quan trọng, nhưng thời gian đi qua sẽ dần dà bộc lộ những thiếu khuyết của nó. Điều này là chấp nhận được. Nó là tất yếu của một giai đoạn lịch sử văn học chứ không đáng lo ngại như một số người lầm tưởng. Chúng ta có những khúc, những thời kỳ lịch sử buộc phải diễn ra như vậy. Điều đó bao gồm cả văn học nghệ thuật. Đây cũng là sự phát triển bình thường, tất yếu, khách quan. Phải hiểu được như vậy, chúng ta mới dám nhìn thẳng vào những thiếu khuyết của sáng tác văn học nghệ thuật để vững vàng bước tiếp. Trong khoảng thời gian này, phê bình văn học nghệ thuật luôn đi cùng sáng tác, cổ vũ, động viên và có những đánh giá kịp thời để sáng tác đi đúng con đường mà dân tộc và nhân dân đòi hỏi.
Thứ ba, sau cột mốc lịch sử năm 1975 đến Đổi mới 1986, trong tư duy của người chiến thắng, dường như chúng ta bị ngây ngất một thời gian trong đó có các sáng tác văn học nghệ thuật. Điều này cũng là dễ hiểu và tiếp đó chúng ta phải trả giá là đương nhiên. Sau chiến tranh, cuộc sống bừa bộn và phức tạp hơn nhiều chúng ta tưởng tượng. Phải quản lý và kiến thiết một đất nước từng có vài chục năm chia cắt với những sự khác biệt rất lớn đã đặt lên vai người chiến thắng quá nhiều việc, có những việc là quá sức mình thì theo đó là những đổ vỡ, mất kiểm soát là đương nhiên. Văn học nghệ thuật thời điểm này phải giáp mặt với những nẻo khuất trong cuộc sống vô cùng phức tạp. Trước xu thế mới của xã hội đòi hỏi văn học nghệ thuật phải có cách nhìn mới, phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Mục tiêu là như vậy, nhưng sự thật ở đây là sự thật nào? Đã có sự phân hóa sâu sắc trong giới sáng tác và đương nhiên hình thành sự phân hóa dữ dội trong giới phê bình văn học nghệ thuật. Dẫu là thế, cũng không thể không nhắc đến những thành tựu đã trở thành cột mốc. Những chuyển động dữ dội đã trở thành những làn sóng mang giá trị tư tưởng, làm tiền đề cho sự đổi mới văn học nghệ thuật sau này. Chúng ta đã có những đánh giá, tổng kết xác đáng về văn học nghệ thuật giai đoạn này. Đó vừa là thành tựu của sáng tác vừa là nền tảng thành công của phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 1975-1986.
Thứ tư, sau dấu mốc Đổi mới 1986, các sáng tác văn học nghệ thuật có sự đa dạng và phức tạp đan xen. Các loại hình nghệ thuật tìm đường đi mới cho mình đã bộc lộ nhiều khuynh hướng trong đó phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa dường như đã chững lại. Đó cũng là một tất yếu mang tính khoa học biện chứng. Ngay như chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và một số nước Đông Âu cũng rơi vào thoái trào, thậm chí sụp đổ. Điều đó vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Chính sự mới mẻ này đã là nền tảng mạnh mẽ nhất để thúc đẩy các khuynh hướng sáng tác khác nhau. Chỉ riêng lĩnh vực văn học, ở mảng tiểu thuyết, một loạt tác phẩm có khuynh hướng mới, khác trước ra đời gây tiếng vang như: Thời xa vắng của Lê Lựu; Bến không chồng của Dương Hướng; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc trường; Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã khiến đời sống văn học nghệ thuật, trong đó có phê bình văn học nghệ thuật sôi động hẳn lên. Đặc biệt, đến khi Nguyễn Huy Thiệp trình làng các tác phẩm: Tướng về hưu; Vàng lửa; Kiếm sắc; Phẩm tiết; Những ngọn gió Tua Hát; Con gái thủy thần; Thương nhớ đồng quê… đã tạo ra sự chấn động trong giới văn chương chữ nghĩa. Lúc này, sự phân hóa của giới phê bình văn học nghệ thuật đã lên tới đỉnh điểm chia thành hai phái khen chê quyết liệt. Có lúc điều này đã trở thành lo lắng cho những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật. Đã có lúc có sự thái quá về khen chê khiến công chúng yêu văn học dường như bị chênh chao, mất phương hướng khi đi tìm giá trị thẩm mỹ cốt lõi. Sau độ lùi thời gian, chúng ta thấy hiện tượng phê bình Nguyễn Huy Thiệp theo nhiều chiều như vậy cũng là lẽ bình thường, tất yếu của một nền văn học, nhất là trong Đổi mới. Điều này là sự lành mạnh đáng khen ngợi. Chúng ta phải biết gạn đục khơi trong mới có thể tạo điều kiện tốt nhất để văn học nghệ thuật phát triển tự nhiên. Sự phân hóa của phê bình văn học nghệ thuật phải được hiểu là một tất yếu khoa học. Các nhà quản lý văn học nghệ thuật dường như không hiểu hoặc cố tình lờ đi vấn đề này chỉ làm cản trở sự phát triển của văn học nghệ thuật mà thôi.
Tựu chung lại, từ thực tiễn và thành tựu của sáng tác văn học nghệ thuật, đã dẫn đến những thành tựu từng bước của chuyên ngành phê bình văn học nghệ thuật. Xưa nay, thường khó có sự thống nhất ý kiến, đánh giá, nhìn nhận của giới sáng tác và giới phê bình. Dường như luôn có sự vênh nhau, phản biện lẫn nhau, thậm chí là phủ định nhau. Điều này đã tồn tại và sẽ còn tồn tại. Chúng ta nên nhìn nó dưới góc độ khoa học sẽ thấy rằng đó cũng là vẻ đẹp của văn học nghệ thuật. Bất kỳ một sản phẩm văn học nghệ thuật nào đều cần và phải được đánh giá, phê bình một cách liên tục và sòng phẳng. Đây chính là công sức, thành tựu, lẽ sống của phê bình văn học nghệ thuật. Chúng ta nên vừa phản biện vừa lắng nghe nhau, vừa phê bình vừa dẫn dắt nhau, hướng tới sự đồng thuận để cùng tiến đến bầu trời đích thực của nghệ thuật.
2. Thách thức và giải pháp
Phê bình văn học nghệ thuật hiện nay đang chịu rất nhiều thách thức. Thách thức từ chính sáng tác và đời sống văn học. Phê bình văn học nghệ thuật cũng có nhiều “căn bệnh” mà những nhà quản lý, người sáng tác, công chúng thưởng thức văn học nghệ thuật đã chỉ ra. Có nhiều ý kiến cho rằng phê bình không theo kịp sáng tác, chạy theo sáng tác, màu mè nhõng nhẽo, thậm chí làm “nhiễu” đời sống văn học nghệ thuật. Bình tâm mà xét, không phải những ý kiến trên thiếu lý lẽ thuyết phục, điều này giới phê bình hãy tự tìm hiểu nguyên nhân. Điều này vừa phù hợp với yếu tố khoa học vừa là để tìm ra đường đi tất yếu, bền vững, góp phần làm nên thành tựu mới của phê bình văn học nghệ thuật.
Phải thấy được rằng, những bất cập, thậm chí rối ren của phê bình văn học nghệ thuật đang diễn ra có nguyên nhân trước tiên từ phía những người sáng tác. Những khuynh hướng sáng tác mang quá nhiều tính thử nghiệm, phiêu lưu, gây sốc đã vô hình chung làm phương hại tới công việc phê bình. Nhà văn chẳng hạn, nhiều người, nhất là các tác giả trẻ ưa thích phiêu lưu, muốn sớm nổi danh đã tung ra các tác phẩm bất chấp luân thường đạo lý khiến các nhà phê bình lúng túng. Các nhà phê bình im lặng hoặc khen chê không theo quy cách gì càng khiến người đọc mất phương hướng. Các nhà văn đích thực lúc này đây trông chờ sự minh định của nhà phê bình nhưng mỏi mòn không thấy. Điều này càng kéo giãn khoảng cách, sự ngán ngẩm giữa giới sáng tác và phê bình. Điều này khiến công chúng bất an. Có lẽ nào một cuốn sách hạ cấp như vậy lại bán chạy và nhà phê bình lại vô can và vô cảm?
Thách thức của phê bình văn học nghệ thuật còn đến từ sự vô lối của các nhà xuất bản. Thời kinh tế thị trường, mọi thứ đều sôi động và phức tạp. Diễn biến xuất bản của các nhà xuất bản trong cả nước không tránh khỏi những hệ lụy. Ngay như Cục xuất bản mong muốn thiết lập một “bàn tay thép” đã nhiều lúc tỏ ra bối rối, bất lực, nói đúng hơn là lực bất tòng tâm. Các loại sách tràn ngập thị trường hiện nay là một thách thức lớn lao đối với công tác phê bình. Đặc biệt là những sách vô thưởng vô phạt, thậm chí sai trái về ngôn ngữ, đạo đức, kiến thức, thậm chí lệch lạc về tư tưởng chính trị vẫn được xuất bản và lưu hành vô tội vạ. Phê bình văn học nghệ thuật đứng trước một núi sách hay dở lẫn lộn chỉ biết thở dài. Các nhà xuất bản không ít nơi nhắm mắt để các tác phẩm vô thưởng vô phạt đua nhau ra đời. Họ cũng phải mưu sinh, phải nuôi nhau. Cơm áo gạo tiền không đùa với các nhà xuất bản. Thế là xảy ra hiện tượng, thà là nhắm mắt nhắm mũi in các tác phẩm dở ẹc còn hơn in các tẩm phẩm hay nhưng nhạy cảm về chính trị để đảm bảo an toàn kiếm miếng cơm ăn. Các nhà phê bình văn học nghệ thuật dường như bất lực trước đống sách dở được hà hơi tiếp sức từ các nhà xuất bản. Đây là một thách thức không nhỏ, một ngáng trở không cần thiết đã và đang diễn ra thách thức không chỉ nhà phê bình mà giới sáng tác chân chính.
Một thách thức nữa đến từ phía bạn đọc phổ thông, nhất là những bạn đọc ưa thích ném đá trên mạng càng dễ gây rối cho các nhà phê bình. Năm người mười ý. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Đọc vội dăm ba trang phán xét cả cuốn sách. Không vừa ý ở đâu đó đem tác phẩm bất kỳ nào đó ra thóa mạ. Ngay như trên các trang mạng văn chương đang ngày càng nhan nhản thì những ý kiến đao to búa lớn, đông tây kim cổ rất ghê gớm thiếu kiểm chứng khiến không chỉ nhà phê bình mà ngay người sáng tác cũng chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau. Điều này biểu hiện cái gì? Xin trả lời đó là chúng ta chưa có sự trưởng thành của một xã hội văn minh. Các nhà văn và các nhà phê bình phải làm gì? Câu trả lời này không hề đơn giản bởi đã qua rồi thời kỳ im lặng là vàng, mũ ni che tai, chó cứ sủa đoàn người cứ đi mà cần phải có một phương lược dài rộng, sự chung tay góp sức từ người quản lý cấp cao nhất tới mọi giai tầng trong xã hội ở mức độ quyết liệt nhất.
Một thách thức không nhỏ đến từ chính đội ngũ những người làm công tác phê bình văn học nghệ thuật. Chính đội ngũ này đang có sự phân hóa rõ rệt. Chia tách nhau ra để khai thác mỗi cá tính, mỗi tiềm năng làm nên sự khác biệt, góp phần để phê bình văn học nghệ thuật đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc là điều đáng quý, nhưng chia rẽ đến mức chỉ dành thời gian công kích lẫn nhau, bỏ bóng đá người, đánh lận con đen là một yếu điểm đang hiện hình trong đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật. Phê bình cũng như sáng tác, không chỉ cần trái tim đồng điệu, tài năng toàn diện mà phải biết từ con mắt xanh ấy, từ trái tim nóng ấy, bình tĩnh mà sáng tạo trên những tác phẩm đã được sáng tạo bằng tim óc của nhà văn. Chúng ta vẫn hay phàn nàn thiếu những nhà phê bình tầm cỡ mà không biết trân quý những nhà phê bình tài hoa, tuy chỉ ở từng mảng nhưng đó mới là cuộc sống đích thực. Chưa có ngay được người đại tài để dùng thì những người tài vừa, tài ít hãy lên sử dụng và tôn vinh họ. Đừng đem cái đòi hỏi vô cùng tận để áp đặt vào sáng tác hoặc phê bình văn học nghệ thuật như hôm nay.
Từ những thực tiễn, thành tựu và những thách thức đã và đang được đặt ra, hoạt động phê bình văn học nghệ thuật hiện nay đang đứng trước những vận hội và thời cơ mới. Vượt lên trên tất cả, dung hòa và tìm hướng đi đúng đắn cho mình, tạo dựng một hệ thống lý luận phê bình văn học nghệ thuật chuẩn hóa trên cơ sở lấy sự phát triển toàn diện của các hoạt động văn học nghệ thuật làm trung tâm, phát huy mọi giá trị sẵn có từ truyền thống tới hiện đại làm diện mạo, tự tin xác lập nền tảng riêng trên tinh thần nền tảng văn hóa, các thành tựu văn hiến của dân tộc và hội nhập quốc tế có chọn lọc chính là con đường mới của lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay.
Chúng ta đang trong xu thế hội nhập mạnh mẽ trong đó có hội nhập về văn hóa. Điều này đòi hỏi không chỉ ở nền tảng lý luận, các mảng sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật, mà cái đích đến cao nhất chính là xây dựng sự trưởng thành toàn diện trong đó có trưởng thành về văn hóa của người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn minh nhân loại. Chúng ta không chỉ cần tự chủ, tự tin, tự hoàn thiện năng lực và nhân cách của mình mà phải biết bứt phá và bước đi từng bước vững chắc trong xu thế hội nhập. Chúng ta không chỉ mãi trích dẫn người khác từ lý thuyết đến thực hành, từ sáng tác đến phê bình. Ở một đất nước với trên chín mươi triệu dân, với bề dày văn hóa lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước vô cùng đậm đặc bản sắc, chúng ta phải biết tự mình rèn luyện, trưởng thành. Những thành tựu trong đó có thành tựu về văn hóa, văn học nghệ thuật của loài người đem đến đối với người Việt Nam phải biết tiếp nhận và chuyển hóa, nhận thức và sáng tạo trên tinh thần đổi mới, biết cách mở rộng, nâng tầm để đóng góp những tinh hoa của riêng mình vào ngôi nhà chung nhân loại. Điều này phải được mỗi người làm công tác sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật tiếp nhận và tự đặt ra từng mục tiêu riêng, từng mốc sáng tạo, hướng đến xây dựng thành tựu từ riêng mỗi cá thể tới cộng đồng rộng lớn. Một dân tộc, một con người nếu thiếu tự tin, tự ti về văn hóa sẽ không thể nào ngẩng cao đầu lao động sáng tạo và đóng góp hữu ích để trưởng thành. Đây chắc chắn là ước muốn và khát vọng không chỉ của giới sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật trong giai đoạn lịch sử sôi động hôm nay.
Bài đăng Tạp chí Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật, số tháng 2/2020.
1/6/2020
Phùng Văn Khai
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 21.5.2020
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...