Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Ngày tháng rong chơi bên trời

Ngày tháng rong chơi bên trời
Đất trời như một định luật sẵn có: Hết ngày rồi đêm, tối rồi lại sáng; ngày tháng cứ mãi dần trôi và tôi sẽ đi về đâu trong cõi đời này. Đó cũng là tựa đề cho tập ca khúc thứ 40 "Ngày tháng rong chơi bên trời".
Tôi rời phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 6h25 sáng ngày 8/4/2016 để đi đến Hồng Kông lúc 10h05 cùng ngày, gần 4 giờ bay. Nghỉ ngơi ở phi trường Hồng Kông 2 h thì tiếp tục đi Chicago. Từ Hồng Kông lúc 11h55; hãng máy bay Cathay Pacific Airways đưa chúng tôi tới Chicago, Illinois United States lúc 13h55 ngày 9/4/2016 với 14 h giờ bay. 
16h20 ngày 6/7/2016, hãng máy bay Cathay Pacific Airways đưa chúng tôi rời phi trường Chicago để đi đến Hồng Kông lúc 19h20 ngày 7/7/2016, sau 15 giờ bay. Từ Hồng Kông lúc 22h30 ngày 7/7/2016, sau gần 2 giờ bay thì đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 00h05 ngày 8/7/2016.
Thế là một chuyến đi đã đến hồi kết thúc.
Biết đến khi mô ta sẽ trở lại chốn này.
Ở Chicago thời tiết khá khắc nghiệt, nhiệt độ tăng giảm đột ngột nhiều trong một ngày. Nếu chưa quen với thời tiết thì dễ dàng nhuốm bệnh liền. Cái lạnh ở Đà Lạt so với Chicago thì chẳng thấm vào đâu cả.
Tiểu bang Illinois và thành phố Chicago- Ở nơi đây có những buổi chiều mưa rất đẹp, nhưng nỗi buồn thì nhiều, mà nghĩ ngợi đến bao điều: “Từng hạt mưa mưa rơi xuống đời/ Cho cõi lòng tái tê trong chiều/ Hạt mưa rơi vẫn rơi tiêu điều/ Trong một chiều vấn vương cô liêu”. Mưa rơi rớt trên mái nhà, trên ngọn lá khẻ rung đong đưa theo chiều gió, mưa rơi trong chiều thu, những con đường bao phủ bởi một màn sương mù nhè nhẹ; cũng đủ cho lòng ai kia bâng khuâng trong một chiều thu mưa: “Mưa rơi trên đầu ngọn lá/ Mưa rớt rơi dưới mái hiên nhà/ Con đường xa mờ trong khói sương chiều/ Lòng lạnh lòng bâng khuâng chiều mưa rơi”. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc cái giá lạnh của màn sương đêm đen bao trùm phủ cả không gian vắng lặng, có chăng chỉ là những tiếng côn trùng rả rích thâu đêm. Ngoài trời mưa vẫn rơi từng hạt, mưa mang nỗi sầu, mưa làm tái tê thêm cái giá lạnh của trời đêm chực chờ sẵn; để rồi một ai kia một mình lặng yên trong đêm sầu lạnh giá, cái cảm giác không ngăn lại được: “Mưa ơi mưa mang sầu chi thế/ Mưa tái tê lòng ai khi chiều buông/ Đêm tới dần vắng im mọi nẻo đường/ Người ngồi lặng yên lắng nhìn một màu đêm xuống dần“. Một chiều mưa nơi phương xa xứ người mà mơ về nơi nào xa xăm ngày tháng cũ. Ai thấu cho cảnh tình tôi trong một chiều mưa: “Ngoài trời hạt mưa rơi rơi hoài/ Giờ lạc loài phương xa trời mây/ Nhớ trông về nơi xa xăm ấy/ Nhắn nhủ dùm tôi tháng năm này”. Đó là những dòng chữ trong ca khúc: “Mưa rơi chiều thu”.
“Nghe tiếng mưa đêm” cũng là một ca khúc tiếp nối “Mưa rơi chiều thu” nhưng nó lại lắng đọng hơn, đó là những giọt mưa trong đêm, để tâm hồn ai đó thêm lạnh giá, để một sớm mai kia cỏ cây xanh tốt tươi bên trời, bởi vì mưa rã rích đêm thâu, mưa dầm thấm lâu vào lòng đất: “Từng hạt mưa rơi mưa rơi xuống đời/ Cho cỏ cây xanh tươi muôn lối/ Cho giá lạnh hồn ai trong đêm tối/ Hạt mưa rơi rớt mãi bên thềm nhà ai/ Í a nghìn đời”. Lắng nghe tiếng mưa, lặng nghe tiếng than van não nề trong đêm thanh vắng lặng như tờ, từng hạt mưa như rót vào hồn trong đêm lạnh lẽo vô cùng: “Lắng nghe tiếng mưa, mưa rơi bên trời/ Lặng nghe tiếng than van não nề kiếp người/ Đêm thanh vắng ngậm ngùi ai biết/ Biết chăng ai hạt mưa rơi rớt/ Rót vào hồn tôi đêm giá lạnh muôn trùng”. Buồn hoài cũng chán chê cho cảnh nghe tiếng mưa đêm, nhưng thôi hãy chuyển sang một trạng thái vui nhiều hơn buồn vậy; trong đoạn la trưởng của ca khúc này: “Từng giọt mưa đêm rơi rớt xuống nghìn trùng mênh mông/ Ngàn giọt mưa đêm réo rắt lời nỉ non bầu trời đêm đông/ Đêm lạnh giá lòng người tái tê khôn cùng/ Ai thấu chăng ai đêm dài nghe tiếng mưa đêm”.
Cũng một buổi chiều như bao chiều khác, nhưng: “Một chiều nơi phương xa” có lẽ khác đi nhiều lắm: Những hàng cây trơ trụi chỉ còn như cái xương sống của con người; vì cái giá lạnh, lá rụng rơi vào mùa băng tuyết rồi; từng đàn chim bay lượn vào một buổi chiều trên trời cao, dọc hai ven đường những mầm xanh cỏ non đầy khắp, bao tia nắng ban mai ló dạng dần bên khu đồi vắng....Cảnh tượng thơ mộng ấy, chưa đủ lấp tâm hồn ai kia những nỗi buồn cứ mãi vương vấn hoài trong tôi; một buổi chiều nơi phương trời xa thẳm: “Hàng cây trơ xương đứng yên/ Người ngồi lặng im/ Kìa đàn chim bay bốn phương bên trời/ Những đường xanh tươi cỏ non/ Nắng mai vừa lên/ Một ngày buồn tênh vấn vương tâm hồn tôi”. Thế rồi, những điều nghĩ suy, những giọt lệ thiên thu cứ lăn dài trên má ai kia, để rồi biết than thở cùng ai chốn này: “Ôi thôi bao điều nghĩ suy trốn tìm trong trái tim/ Một chiều im lìm thở than cùng ai đây/ Mai này xa cách xa trong đời/ Giọt lệ thiên thu ai thấu cho cùng trăng sao”. Lòng người sao hững hờ thế bên trời cao đất rộng bao la muôn trùng ấy. Có chăng chỉ tô đậm thêm nỗi buồn, nỗi bơ vơ nơi chốn xa của một con người luôn mang nặng trái tim yêu thương: ”Một sớm mai hay chiều lên nơi nao/ Biết tỏ cùng ai cho vơi sầu này/ Đất trời rộng mở/ Lòng người sao hững hờ/ Thêm bơ vơ phương trời xa xa mờ”. Vâng, biết khi mô lòng người thôi hững hờ trong trời đất luôn rộng mở cánh tay, để đón chào một người từ phương xa vừa tới.
"Ngày tháng rong chơi bên trời". Đó cũng là tựa đề chính cho tập ca khúc thứ 40 này: ”Đi ta đi rong chơi bên trời/ Gió mưa nào sờn bước đường đi tới/ Nắng mới lên rồi đong đưa phận người/ Lang thang mây trời/ Say đắm đuối cuộc đời”. Một chiều rong chơi mãi miết từ một miền xa quê hương nào ai biết, để rồi hồi tưởng lại ngày tháng mà ngậm ngùi nhớ nhung, tiếc nuối: ”Một ngày rời quê hương thân yêu/ Biết bao điều chưa nói thấu hết/ Xót xa chiều rong chơi mãi miết/ Gió mưa này tháng ngày lênh đênh”. Vâng, ngày tháng cứ mãi lênh đênh theo dòng đời, như thuyền ai kia ngược xuôi nơi dòng nước, bến sông đời người. Nhớ lại ngày rời quê, kỷ niệm xưa ngày nào sao phai mờ trong tâm trí được; thôi thì đành tháng ngày ngậm ngùi vui với trăng sao, với trời mây, non nước chốn xa xôi: ”Ngày tháng rong chơi bên trời/ Một thời phiêu du đây đó/ Tháng ngày ngậm ngùi vui trăng sao/ Nào ai thấu chăng tình tôi bên mây trời”. 
Rồi một buổi chiều nọ, mọi người đang quây quần bên bếp lửa hồng để hàn huyên, tâm sự bao điều, để lai rai uống ăn cho vui bên nhau; từng ngón tay vươn lên cao như để sưởi ấm tâm hồn giá lạnh mỗi người; hình ảnh ấy đã gây xúc cảm trong tôi; và cũng từ một lời hứa với một người bạn ở Chicago; thế là ca khúc: “Quây quanh lửa hồng” ra đời từ đó: ”Nào cùng nhau ta quây quanh lửa hồng/ Lửa cháy bập bùng từng ngón tay lung linh cõi lòng/ Ấm áp tình người/ Sưởi ấm bao con tim này”. Tiếng hát lời ca vọng vang lên từ những con tim khát vọng tình yêu thương; chắc có lẽ vươn cao đến tận chín tầng mây xanh thẳm kia; biết đâu sẽ góp cho đời ta thăng hoa, kết nụ: ”Hãy hát ca lên/ Cho ngọn lửa bốc cao cho đời ta dâng trào/ Hãy cất cao lên ngàn lời ca tiếng hát/ Khát vọng vươn lên thăng hoa cho cuộc đời”. Ngày đêm cứ đua nhau theo dòng thời gian mà trôi chảy mãi, để rồi biết ra sao ngày sau. Một lúc nào đó, thử hỏi còn có bao người sẽ còn chung vui như đêm này: ”Đêm nay dưới ánh lửa này/ Ta cùng nhau sum vầy/ Ngày mai sau ai nào hay biết được/ Hỏi ai người ngồi đây”. Thật là như bèo hợp để rồi tan; người gần để rồi ly biệt vậy. Đó cũng là một qui luật của đất trời thế thôi. Nhưng rồi hy vọng tiếng hát vẫn cứ mãi cất cao lên theo thời gian, để cho những đêm vui bên nhau như đêm nay tồn tại mãi: “Đêm nay cất cao tiếng hát/ Hát cho ngày nay/ Hát cho ngày mai/ Hát muôn đời sau/ Ta luôn có nhau trong đời”. Ngọn lửa trái tim vẫn thôi thúc mãi. Đời người có bao lâu mà hững hờ thế. Cuộc đời này “có” và “không” mãi nối đuôi nhau; trong cái “có” tưởng chừng có cái “không” hiện hữu; và trong cái “không” đã ươm mầm của cái “có”. Đời người vô thường lắm vậy: “Lửa bập bùng cháy trong tim/ Đêm im lìm/ Tiếng ca vang lừng/ Bay vèo không trung/ Cuộc đời này như có như không”. 
Vào buổi chiều kia, một hình ảnh đụng chạm vào mắt tôi: Những chú chim nơi sân vườn bay nhảy một cách tự do và gần gũi với con người, hình như nỗi sợ hãi loài người nơi những chú chim kia không còn nữa. Nhìn ngắm từng đàn chim bay liệng theo hình vòng cung trên bầu trời mà ngẫm đến thân phận con người; một con sóc nhảy chạy dọc theo hàng rào khu nhà; đàn kiến vàng trong ổ trên cành lan tỏa đi khắp nơi trên những cành cây; những con chim ngủ bên khu vườn hồng cạnh nhà ban đêm; những con cá tung tăng bơi lội trong khung chậu kính trong nhà; những bông hoa nở khoe sắc màu tươi thắm ngoài hiên, những hàng cây xanh vươn cao thẳng đứng... Bao cảnh ấy được ghi nhận và lắng đọng trong ca khúc: “Chứng kiến” với lời mở đầu: “Con chim nó đậu cành cây/ Con sóc nhún nhảy quanh khu rào nhà/ Kiến vàng trong ổ bò ra/ Hàng cây hoa lá đâm chồi trổ bông”. Cảnh thơ mộng ấy của thiên nhiên, ai thấy mà không khỏi động lòng, nhớ ghi từng giây phút bởi sự chứng kiến: “Chim con ngủ nơi vườn hồng/ Con cá trong chậu vẫy vùng đóng khung/ Trời cao đất thấp không cùng/ Cảnh thơ mộng ấy nhớ từng phút giây”. Thế rồi các hình thiên nhiên ấy lại tái hiện một lần nữa trong một buổi chiều tà: “Bầy chim lượn bay trời cao/ Con kiến ở tận nơi nào chui ra/ Bông hoa nở rộ vườn nhà/ Cảnh thiên nhiên đó thật là đáng yêu”. Chứng kiến cảnh quan thiên nhiên mà mộng mơ tới cõi nào xa xăm: “Một chiều tôi chứng kiến cảnh quan này/ Nhớ cho chăng đất trời luôn rộng mở/ Mong mỏi mong mơ lên trăng ngày trông/ Cùng mây xám trăng mờ mộng với mơ”. 
"Bốn mùa ngây ngô""Bốn mùa yêu thương” là hai ca khúc song trùng trong tập này, vì là đều bốn mùa cả, nhưng nỗi niềm có khác nhau: "Ngây ngô" và "yêu thương". Từng một mùa của đất trời sẽ qua đi; Xuân hạ thu đông lần lượt trôi đi theo dòng đời. Một mùa thu xôn xao, mùa hạ oi bức, một mùa đông những hàng cây trơ xương đứng yên dưới bầu trời giá lạnh; rồi một mùa xuân nào đẹp tươi với bao hoa lá đâm chồi nảy lộc điểm tô cho đời: “Mùa thu xôn xao hàng cây úa lá/ Mùa đông trơ vơ bầu trời lạnh giá/ Rồi hè sang oi bức quá lặng lẽ dấu chân xa/ A ha mùa xuân cây lá đâm chồi hoa nở dưới hiên nhà”. Thế rồi ngày tháng cứ mãi rong chơi bên trời cho thỏa chí tang bồng, hồ hải: "Bốn mùa ngây ngô rong chơi trên đường phố/ Mấy mùa nhấp nhô lang thang nơi phố chợ/ Chợt nghĩ về kiếp người một cõi phiêu du/ Ngày đêm tối âm u mờ tia sáng sương mù ban mai”. Tháng ngày rong chơi bên đầu đường, nơi phố chợ chắc hẵn thích lắm ru. Ngày tháng dần trôi, đời người chóng phai như lá kia héo úa trên cành, rồi sẽ lần lượt rớt rơi xuống mặt đất như một luật định ngàn đời: ”Bốn mùa của đất trời chẳng của riêng ai/ Tháng ngày tàn phai/ Đời người như lá úa trên cao rụng đầy/ Mặt đất như ngủ say/ Phân vân phận người/ Bốn mùa vẫn ngây ngô đong đầy giọt nước mắt trần gian". 
Sống trong bốn mùa phải có tình yêu thương lẫn nhau như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng lên tiếng kêu gọi nhân gian: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để làm gì em biết không ... để gió cuốn đi ...”. Ca khúc “Bốn mùa yêu thương” sẽ nói lên điều đó nơi mùa xuân: “Xuân chợt biếc trên lộc mềm ươm lá/ Nụ mai vàng e ấp cánh đầu tiên/ Chim én nhỏ bốn phương trời xa lạ/ Chở êm đềm từ giọng hát trao duyên”. Rồi một mùa hạ, với những hàng cây phượng thắm, tiếng ve râm ran một buổi chiều nọ. Mùa hạ cũng lá lúc cổng trường khép lại, để những câu hát một thời yêu đương của lứa tuổi học trò vang vọng: "Mùa hạ đón em bằng chùm hoa phượng thắm/ Bằng tiếng ve thảng thốt rớt vào chiều/ Trước cổng trường bồi hồi câu hát cũ/ Nghe thời gian nhắc nhớ một thời yêu”. Xuân hạ thu đông đủ bốn mùa, hết xuân, hạ rồi một mùa thu xôn xao đến gần: “Từ ấy em về phương trời nào/ Chẳng có cho nhau cái vẫy chào/ Mỗi lúc tiếng lòng vương chân bước/ Có nghe mùa thu đang xôn xao”. Rồi mùa mùa đông lạnh lẽo dần tới, những giọt nắng hồng phai rồi, ai đó cảm thấy cái giá lạnh của mùa đông mà thèm thuồng một vòng tay ấm để phần nào vơi bớt đi nỗi cô đơn, lạnh giá; cho đời bớt đi nỗi mênh mông, vắng xa: “Chiều nay một mùa đông/ Nghe thèm giọt nắng hồng/ Thèm một vòng tay ấm/ Cho đời bớt mênh mông”. Tình yêu thương bốn mùa nào ngờ đâu cũng tan tành như mây khói, cũng vỡ tan như bèo mây, để những giọt sầu còn đọng lại trên mắt mi ai kia: "Trong anh có đủ bốn mùa/ Xuân đi hạ đến gió thu trở về/ Đông qua trong nỗi tái tê/ Tuyết rơi phủ kín lê thê cõi lòng/ Tình anh em vẫn nhớ mong/ Ngờ đâu tan vỡ sầu đong lệ đầy”. Nhưng hết thảy mọi điều, trong anh luôn tồn tại bốn mùa để yêu thương.  
Khác với một lần lạc vào cõi tiên trong ca khúc “Một chiều bên giáo đường” năm trước, nay trở về cõi trần bên bờ hồ xanh trong một buổi chiều vàng với cái nắng, cái gió cũng chẳng kém phần thơ mộng, nhất là được du thuyền trên bến sông nước: “Nắng lấp lánh bên bờ hồ trong xanh/ Gió mơn man đưa thuyền anh lướt tới/ Nơi chân trời xa xôi ai nào tới/ Một chiều nắng gió ôi thần tiên bên hồ”. Thuyền đi ra khơi, những con sóng va đập nhè nhẹ vào mạn thuyền, bọt nước trắng xóa đằng sau để thuyền lướt tới. Xa xa là những tòa cao ốc của Chicago đứng sừng sững. Nắng chiều buông xuống, một không gian hồ nước lai láng, mênh mông của Ngũ Đại Hồ. Cảnh quan ấy, ai thấy mà không khỏi “đối cảnh sinh tình” được: “Sóng xô sóng xô thuyền anh ra khơi/ Tới bờ bến lạ/ Nghĩ xa nghĩ gần/ Một thoáng bâng khuâng/ Chiều hồ mênh mông/ Nắng chiều nhẹ buông/ Gió miền muôn phương”. Một điệp khúc trong đoạn này của ca khúc “Nắng gió chiều hồ xanh”: “Nhấp nhô nhấp nhô/ Thuyền lướt khơi xa/ Đến miền đất lạ/ Mơ xa mơ gần/ Một chốc lâng lâng/ Thuyền đi bến xa/ Gió chiều mông lung/ Đất trời mênh mông”. Thế rồi thời gian 45 phút thoáng qua nhanh, thuyền đã cập bến nơi cũ, để mọi người lên bờ mà mơ màng nhớ mãi một chiều nắng gió vàng vọt bên hồ xanh: “Nắng gió chiều hồ xanh thoáng qua nhanh/ Thuyền anh cập bến đến nơi ban đầu/ Đi tới đâu ngày dài đêm thâu ai thấu/ Nắng gió chiều vàng nhớ mơ màng trong tôi”. 
Ở Illinois - Chicago đường  sá  rộng thênh thang, cỏ cây hoa lá xanh tươi bốn mùa, thành thử không khỏi ngạc nhiên mà kêu lên rằng: “Màu xanh lá”. Ngoài đường, sân vườn đầy rẫy những những bông hoa đủ màu, đủ loại. Những thảm cỏ xanh mượt mà thênh thang nơi ven đồi, bên những hồ nước nhỏ trông thích thật, chẳng khác nào như một Đà Lạt; quê hương xứ sở của ngàn hoa quanh năm suốt tháng. Nhìn nơi đâu cũng hiện hữu một màu xanh của cỏ cây, hoa lá trông đẹp mắt biết dường nào: ”Xanh lá cây tươi xanh/ Xanh bên vườn bên phố/ Xanh ven đường đồi cỏ/ Cho đời thêm xanh/ Xanh tươi mãi bên trời”. Cây cỏ xanh tươi bốn mùa, màu xanh mang lại cho con người ta niềm hy vọng, cho dù rất mỏng manh như một cuộc tình nào đó, ai mà biết được. Ngàn hoa vẫn thắm tươi muôn màu dâng tặng cho đời, cho người: ”Màu xanh của lá là màu xanh hy vọng trong anh trong tôi/ Ngàn hoa thắm tươi dâng đời thay lời màu xanh cây cỏ/ Biết ai tỏ chốn này/ Cỏ cây mãi tươi xanh bốn mùa”. Rồi một hôm bên khu vườn lạ nhà ai bỗng dưng biến mất một màu xanh, mà nghĩ ngợi bao điều đến thiên nhiên, đến thời gian ngày nào xa xưa mất hút trong tiềm thức bên vườn xưa ngày xa: ”Một chiều hôm tôi bỗng thấy màu xanh của lá/ Khu vườn lạ nhà ai/ Rồi một sớm mai/ Sao vắng bóng đồi xanh của lá/ Bên vườn xưa ngày xa”. Thời gian có đợi chờ ai đâu, ngay cả một màu xanh nếu ta không biết nâng niu chăm chút rồi thì nó cũng sẽ biến mất một ngày nào đó thôi. Nắng gió mây trời có lẽ cũng làm tàn phai đi màu thời gian, màu xanh của cỏ cây hoa lá; nhưng may mà mùa xuân bên trời; để rồi màu xanh lá vẫn mãi tươi xanh trong một chiều xuân nào: ”Màu xanh của lá là màu xanh cỏ cây/ Nắng tươi thắm màu/ Cây cỏ xanh trong một chiều xuân”. Thiên nhiên bên trời vẫn một màu xanh tươi đẹp một cách tự nhiên như nhiên. Chúng ta hãy trân trọng và nâng niu một màu xanh dâng tặng cho người, cho đời.
 “Hãy nói lời yêu thương” là điệp khúc tình yêu trong tập này, nó là đề tài muôn thuở gắn bó con người với con người trong đời sống, không có một lời yêu thương con người sẽ trở nên lẻ loi, đơn độc; thế nên chỉ có tình yêu thương ở đời mới xua tan đi những tị hiềm, ích kỷ đơn phương trong cuộc sống. Tình yêu thương không bờ bến: “Hãy sống với nhau lời yêu thương thật thà/ Hãy đến với nhau như sương đầu ngọn cây kẻ lá/ Tình yêu thương thương yêu nơi bờ bến lạ/ Ngày sau xa ta luôn có nhau trong đời”. Sự yêu thương phải thật thà, phải vĩnh cữu ngàn đời đến những khi tóc thôi còn xanh mới đủ, mới trọn vẹn nghĩa tình, mới đáp ứng được nhu cầu của tình yêu thương giữa con người với nhau trên mặt đất. Nếu thiếu đi những tình cảm thiêng liêng quí báu đó, con người cũng sẽ như những vật vô tri, vô giác mà thôi: “Cuộc đời ơi vươn cao lên cao/ Ngàn hoa lá xanh tươi hôm nào/ Hãy thương yêu nhau đến với nhau ngày bạc đầu/ Hãy nói lời yêu thương đến tận cùng”. Một nụ cười thân thiện, trìu mến, một ánh mắt long lanh chứa chan tình người, một trái tim nhân hậu luôn cháy bỏng tình yêu thương. Đó là những sứ giả của tình yêu, thiết tưởng không thể vắng bóng trong cuộc đời này: “Hãy sống với nhau niềm tin yêu cuộc sống/ Hãy ngước mắt lên nhìn trời xanh mây trắng/ Ánh mắt long lanh, nụ cười trìu mến/ Bỏng cháy trong tim”. Lời nói chưa đủ để sưởi ấm lòng nhau, mà phải bằng những cử chỉ hành động cho nhau thật thà, tình yêu thương mặn nồng, đậm đà ... thế mới đủ nghĩa yêu thương: “Hãy đến bên nhau/ Nói với nhau lời yêu thương đậm đà/ Hãy thiết tha đời nhau/ Trao cho nhau yêu thương mặn nồng/ Cháy bỏng trái tim ta”. 
Những ngày tháng nào bên trời mưa nhiều, sương khói dày đặc cả lối đi, và hình như nó vô tình dang díu tâm hồn ai kia trong ca khúc thật dễ thương: “Màu phai sương”. Bài hát này có đoạn: “Như khói như sương như vấn vương tơ trời/ Phủ kín nơi nao bước đường đi tới/ Màn sương mù giăng đầy khắp lối/ Sương khói tơ trời díu dang tâm hồn tôi”. Một người ngồi bên song cửa hiên nhà, mà chứng kiến cảnh những lá vàng của mùa thu đang rơi rụng khắp đầy, màn sương mù bao phủ không gian; ai nào dám đón đưa những gió sương bên trời; chỉ có mộng với mơ về những mùa thu nơi phương nam xa mù tít mù; bao ngày từng ủ ấp, nhớ nhung, hoài vọng: “Lá thu rơi rụng rơi tơi bời/ Người ngồi nơi hiên kia/ Bóng sương mù bao phủ/ Chợt nhớ mùa thu một mùa thu năm nào/ Ơi chao nhung nhớ mùa thu xiết bao”. Đến đây ca khúc được chuyển sang giọng mi trưởng cho vơi đi nỗi buồn thương, tiếc nuối: “Ngày gian lao nơi cõi đời trần thế/ Đắm say mê ngày rời quê thân yêu/ Dấu vết chân xưa/ Nhớ sao cho vừa ngày tháng cũ/ Kỷ niệm trong tôi tựa màu phai sương mù”.
Bản thân cuộc sống là những nốt nhạc thăng hoa rồi, chứ cần tìm đâu cho xa xôi. Âm nhạc  giúp cho người ta diễn tả có mạch lạc những âm điệu của đời sống tinh thần con người; ghi lại nhịp đập trái tim của người nghệ sĩ bằng những thanh âm thực sự của tấm lòng mình. Có đôi khi cũng chán đi kiếp người: ”Thà  như ...” có lẽ thích thú hơn nhiều: "Thà như chim hoang nơi khu rừng hoang/ Sống đời tự do thênh thang đồi xanh/ Cuộc sống yên lành cùng trời xanh mây trắng/ Với gió nắng trăng sao say sưa suốt bốn mùa”. Thà như một giọt mưa phất phơ bay giữa đời, trong một chiều gió mưa nhiều, cho đời một chút ơn ngày cũ, cũng đủ cho tấm lòng ai kia: “Thà như giọt mưa đong đưa chiều gió/ Phất phơ trong một chiều gió mưa nhiều/ Lang thang mây trời/ Mong manh hạt sương rơi muôn nơi/ Cho đời chút ơn ngày xưa đó”. Thà như chim muông, gió nắng trăng sao chưa đủ; vẫn còn có bao ngày hoa lá cỏ bên đồi, tiếng hát bên dòng suối thơ ngày nào: “Thà như hoa lá cỏ trên đồi/ Ôi màu xanh tươi khắp trời/ Điểm tô cho đời màu xanh lá cỏ non/ Tiếng hát véo von lưng chừng đồi ven suối”. Thà như giọt mưa rớt xuống ruộng đồng cho mùa màng xanh tươi tốt, cho chim muông no đầy mùa lúa thơm tốt tươi. Những giọt sương trên đầu ngọn cây kẻ lá kia, hoa xanh tươi mấy mùa nọ, chừng ấy chắc cũng đủ góp thêm cho đời những sắc hương, mật ngọt; cũng đủ cho con người quên lặng lẽ kiếp người: “Thà như giọt mưa lả chả rơi xuống ruộng đồng/ Cho chim muông no đầy mùa lúa thơm/ Thà như giọt mưa/ Như sương long lanh đầu ngọn cỏ/ Mơn man cành hoa lá xanh tươi cho đời”.
Đời người có bao giờ thoát khỏi vòng kim cô sinh-lão-bệnh-tử đâu. Có sinh thì có tử là chuyện thường tình, nhưng bệnh hoạn thì khổ đau lắm lắm vậy. Thế rồi một chiều nọ, tôi đến thăm anh bạn bị bại liệt cả người, đứng đi không vững được; nhiều khó khăn lắm trong đời sống. Không chỉ là chuyện đi thăm viếng bình thường, nào ngờ anh bạn lại cố gắng hì hục viết thư cho tôi để tạ từ cám ơn, tôi đọc thư từng chữ viết nguệch ngoạc như người mới tập viết, bởi lẽ chắc anh viết bằng tay trái. Thật cảm động vô cùng. Biết nói gì đây, thôi thì tôi ráng viết cho được một ca khúc để tặng anh, để nhớ về năm tháng cũ, những ngày anh còn khỏe mạnh. Thế là ca khúc: “Cho đời một chút ơn ngày cũ” được hoàn thành sau bữa cơm chiều một cách nhanh chóng vì những cảm xúc, cảm động dâng trào trong tôi: “Nằm đây với bao ngày mệt nhoài xác thân/ Và ngồi đây trong những chiều xót xa tình thâm/ Ân cần hỏi thăm tình thân ngày xưa cũ/ Nhắn nhủ đôi lời ta luôn có nhau trong đời”. Như một lời gọi kêu trong đời sống tưởng chừng bình thường, hãy cố gắng sống dù chỉ một ngày trong thoi thóp, trong bệnh tật khổ đau. Một làn hơi đi vô là sự sống, một làn hơi đi ra là sự chết vậy. Cám ơn Thượng đế đã cho ta sống những ngày nơi trần gian: “Một ngày vẫn sống/ Gắng sức cho đời/ Chút ơn ngày xưa nhớ/ Một làn hơi thở/ Tiếp nối những ngày/ Biết ơn nơi trần thế”. Cái cao quý ở con người là nghĩa tình, tình nghĩa chung thủy vợ chồng, tình tri kỷ bạn bè và người thân với nhau. Sống mà không tình nghĩa thì chẳng còn gì để nói trên đời. Hãy yêu thương nhau bằng cả con tim mình, sống tri kỷ, thủy chung đến ngày tóc thôi còn xanh: “Người thương yêu ơi trọn đời sắt son bên nhau/ Hãy nói với nhau đến với nhau yêu thương bạc đầu/ Tình người yêu thương nhau/ Như lá hoa xinh tươi muôn màu/ Như bướm hoa chim kêu ngày nhớ nhau”. Phải có một nghị lực phi thường chống chọi lại trong những ngày bệnh tật hoành hành xác thân. Hãy cố gắng vươn lên mà sống vì mọi người. Hãy vô tư cho đời vơi đi mọi khổ đau vốn có. Phải cố gắng sống đời với nhau trên hành tinh này dù chỉ một ngày, vì dù sao cuộc đời này vẫn còn đẹp chán: Hoa vẫn nở, chim vẫn kêu, nắng vẫn lên bên trời, những vì sao vẫn sáng rực bầu trời đêm đen và vầng trăng vẫn lung linh huyền ảo chiếu sáng trong đêm trời thanh, gió mát ngày nào. Phải cố vươn vai mà sống với đời này: “Hãy vươn lên đi/ Sống vô tư yêu cuộc đời này/ Hãy cố lên đi/ Gắng lên đi anh ơi/ Sống đời với nhau”.
Thiền sư thi sĩ Tuệ Sỹ có những bài thơ rất hay mà uyên thâm ở đời, ca khúc “Khung trời hội cũ” là một ví dụ. Bài thơ có tên gọi là “Không đề”, hay “Khung trời cũ”. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đã phổ nhạc với tên gọi: “Khung trời hội cũ”. Thi sĩ Bùi Giáng thì khen ngợi bài thơ “Không đề” không tiếc lời: “Nhưng có ai ngờ đâu nhà sư e dè kín đáo kia, không hề có bao giờ vướng lụy. Lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía, mất ăn mất ngủ: “Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ/ Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang/ Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/ Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”. Mới nghe có bốn câu thôi mà đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ. Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u uẩn của lòng mình bơ vơ không gột rữa: “Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở/ Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”. Tuệ sỹ đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xôi đại hải. Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá qui tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du: “Cười với nắng một ngày sao chóng thế/ Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng”. Một tiếng “buồn chăng” lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán. Tiết nhịp lời thơ như biến đổi: “Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ/ Bụi đường dài gót mỏi đi quanh”. Tiết điệu cũng rời rạc như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi “đá” sớm giã từ mọi yêu thương?: “Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ/ Suối nguồn xa ngược nước xuôi dòng”. 
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường vôi nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.
Bùi Giáng viết riêng một bài thơ ca ngợi bài này với kết luận: “Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ của đường thi Trung hoa với siêu thực Tây phương”.
Một chút hương hoa ngày cũ vẫn còn đâu đó trong đời được lắng đọng trong ca khúc: “Còn đó chút hương xưa”: “Một thoáng hương xưa ngày nào/ Vẫn còn phảng phất đâu đây/ Một chút thơ ngây ngày nào/ Sao mãi nhớ trong lòng tôi, ngày xa xôi”. Giờ chỉ còn là dĩ vãng của những ngày xa xưa bên khu vườn nọ: Những chú ong hút mật ngọt cho đời, những cánh bướm vàng vờn bay theo chiều gió ban trưa bên vườn xưa nào đó: “Ôi! ngày xưa nhung nhớ sao vừa/ Ban trưa bướm vàng bên vườn xưa/ Ơ! ngày thơ nhớ nhung xa mờ/ Đợi chờ ngày thiên thu trong mơ”. Một sớm tinh mơ trong khu vườn xưa ngày ấy; không những chỉ có ong bướm vàng bay lượn, mà cón có cả những chú chim chuyền cành ríu rít ca vang, để rồi đắm chìm trong mơ sương tan ban chiều, đêm sẽ đến trong quạnh hiu, cô tịch: “Còn đó một sớm tinh mơ ngày thơ/ Còn đó tiếng chim bên vườn xưa nhớ nhiều/ Ban trưa mơ sương tan khi chiều/ Đêm quạnh hiu ngày tàn chốn cô liêu”. Năm tháng dần qua đi, những kỷ niệm xa xưa còn đó, vẫn còn một chút hương xưa bềnh bồng ngày nọ. Ngày nắng vẫn lên bên trời, dòng thời gian lùi xa vào quá khứ mơ hồ: “Còn đó chút hương bềnh bồng/ Ngày vừa lên thênh thang nắng hồng/ Bồng bềnh trôi như áng mây bay theo dòng thời gian về cõi mơ hồ”.
“Một niềm tin sắt son” là khúc ca được viết tại vùng rừng núi của huyện Khánh Vĩnh để kỷ niệm một chuyến du xuân một ngày đầu năm: “Giữa núi đồi điệp trùng/ Lòng bâng khuâng một sớm mùa xuân/ Bên giáo đường vắng im nguyện cầu/ Bao linh hồn oan khiên ơi siêu thoát”. Giữa rừng rú bạt ngàn, hiển hiện một ngôi nhà thờ với những giáo dân là người dân tộc, họ đang chăm chú nguyện cầu cho sự bình an trong tâm hồn, cho xua tan đi những nỗi khó khăn, nhọc nhằn trong đời sống: “Giữa tháng ngày nhọc nhằn nuối tiếc/ Tấm hình hài lặng bóng thời gian/ Đời gian nan muộn phiền dấu vết/ Lang thang mây trời ngày tháng thênh thang. Vẵng xa tiếng chuông nhà thờ vọng lại như gọi kêu hồn ai hãy tỉnh giấc mơ hoang đời, cánh cửa thiên đàng kia luôn rộng mở để những linh hồn lạc loài có nơi nương tựa, thoát siêu cõi tục phàm: “Tiếng kinh cầu vọng vang giáo đường/ Xua tan đêm trường tỉnh giấc mơ hoang/ Chốn thiên đường mở toang cánh cửa/ Đón mời thập phương đếm đong thời gian”. Một niềm tin sắt son từ đây, bởi lẽ Phật tại tâm, Chúa ngự trị trên trời ban ơn phước lành cho mỗi chúng ta: “Ngày tháng thiên đàng vầng sáng thiên thu/ Kìa nhà hoang rừng rú bạt ngàn/ Đấng cứu thế nơi tâm hồn con/ Vững lòng tiến bước một niềm tin sắt son”.
Nhà thơ Ngưng Thu đã viết lên bài thơ “Say đêm” để cho chúng ta đọc: “Vừa khuất mặt trời hoàng hôn khuất/ Đàn chim về tổ muộn kêu nhau/ Vừa lúc vầng trăng nhô vừa lúc/ Gió đưa hương cúc thoảng quanh đồi/ Trăng rớt bên thềm trăng rớt xuống/ Mặt hồ im vắng mặt hồ im”. Trong bài thơ thể hiện nào là mặt trời, vầng trăng, cảnh hoàng hôn, đàn chim, gió, mặt hồ im... là cả một không gian say sưa quyện vào nhau theo thời gian. “Đàn ai réo rắt đàn ai ngỡ/ Âm mùa bung vỡ giữa không thinh/ Với tay lên trời ta với tay/ Hái sao ta hái cánh sao bay/ Mây nhẹ như là mây rất nhẹ/ Nâng bỗng hồn ta say rất say”. Một tiếng đàn trong đêm vắng lặng, những vì sao rơi rụng giữa trời, một làn gió thoảng trong đêm vắng cũng đủ cho tâm hồn ta lâng lâng theo chiều gió nhẹ đưa, nâng bỗng hồn ta lên trong chếnh choáng hơi men. “Hoàng hôn khuất lại say đêm/ Trăng say rớt nhẹ bên thềm dạ lan/ Hoa say hương tỏa lan man/ Ta say chếnh choáng ôm đàn lãng du”. Hoàng hôn khuất, trăng say, hoa say, và người nghệ sĩ với cây đàn cũng “Say đêm” khác nào.
Trong bài thơ “Vị mặn thời gian” gồm 6 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu, mỗi câu 5 chữ; có lẽ thích nhất là 2 câu: “Đường đời có vị mặn/ Hương đời có mùi cay”. Theo tôi, với chừng ấy chữ cũng đủ lắm ru, nó nói lên hết được ý nghĩa của bài thơ trọn vẹn rồi. “Con chim hót líu lo/ Đón mặt trời thức dậy/ Em đi trong nắng mới/ Tuổi thơ ơi tuổi thơ”. Chim hót, mặt trời thức dậy, nắng vàng, sân trường, và cả một buổi chiều dần xuống, những hình ảnh thật đẹp làm sao ở tuổi thơ đầy mộng mơ, trắng trong: “Nắng vàng lên mái tóc/ Sân trường thơm cỏ dại/ Em bước chân ngài ngại/ Chiều qua ơi chiều qua”. Rong chơi bốn phương trời phiêu lãng theo tháng năm, nhưng năm tháng ngủ bờ vai ai mà chẳng hay biết. Đôi khi vui cũng ươn ướt mắt, chứ nói gì buồn sẽ khóc thành giọt lệ, thôi thì xin nỗi buồn hãy tạm biệt từ đây, bởi vì đã có những niềm vui ngự trị nơi đây rồi: “Bốn phương trời phiêu lãng/ Năm tháng ngủ bờ vai/ Em cười ươn ướt mắt/ Buồn ơi ta chào mi”. Hương đời, đường đời, vị mặn, mùi cay đủ thứ trong cuộc sống trong "Vị mặn thời gian". Nhớ về nơi trường cũ, bạn bè thân thương hay thầy cô mến yêu thuở nào: “Đường đời có vị mặn/ Hương đời có mùi cay/ Trường xưa thương biết mấy/ Em chừ còn nhớ ai”. "Vị mặn thời gian" sẽ trả lời tất cả: “Tay gầy ôm kỷ niệm/ Bụi phấn nào lao xao/ Em tàn nhang quá khứ/ Ơi vị mặn thời gian”. Năm tháng dù qua đi, đời tôi dù có khác, nhưng tuổi thơ mãi mãi gắn bó theo đời tôi. Rồi một sớm mai kia khi mặt trời thức giấc, chim vẫn hót líu lo, và ta vẫn rong chơi trong nắng mới như những ngày còn thơ, vô tư: “Chim vẫn hót líu lo/ Mặt trời đang thức dậy/ Em rong chơi nắng mới/ Tuổi thơ ơi tuổi thơ”.
Tôi rời Illinoise - Chicago vào một ngày của tháng 6 năm 2015. Xuân về tết đến, gia đình người ta sum vầy, đoàn tụ; còn tôi trong quạnh quẽ, đơn côi, trống trải khôn cùng; bởi lẽ con cháu mỗi đứa một phương trời xa lạ. Chỉ còn lại nỗi niềm nhớ nhung trong xa cách, và rồi viết nên ca khúc: “Nơi phương trời mùa xuân” để phần nào giải bày tâm sự: “Kìa rộn ràng mùa xuân chim én về/ Ngàn nỗi nhớ miên man hôn giấc mê/ Đất trời mênh mông với tay cùng hư không/ Lòng ngậm ngùi tháng năm ngày nhớ mong”. Mùa xuân về cháu con nhớ mong là tâm trạng trong những ngày đầu xuân. Ước chi trong giấc mơ mình sẽ đi tới nơi, đến chốn để vơi đi nỗi trống vắng, cách xa vời vợi: “Chỉ là giấc mơ giấc mơ qua/ Nghìn trùng cách xa đợi với mong/ Mùa xuân về cháu con nhớ nhung/ Nơi phương trời biết bao ngày ngóng trông xa vời vợi”. Mùa xuân, một lần nữa lại về cùng đất trời; về với mọi người với bao vẻ đẹp diệu kì: Hoa lá, bướm ong, chim chóc rộn ràng mùa xuân, nhưng duy nhất chắc chỉ có một người vẫn lặng lẽ nhìn về phương trời xa với bao khắc khoải, chờ mong trong vô vọng: “Mùa xuân bên trời mùa xuân về/ Ngàn hoa lá sum sê tràn trề/ Đàn ong bướm khoe màu tươi sắc thắm/ Bầy chim chóc chuyền cành vui đầm ấm”. Người đời thường nói: “Dù ai buồn khổ đến đâu, trong ba ngày tết đổi sầu thành vui”. Biết thì biết vậy thôi, nhưng sao trong lòng cứ mãi miên man một nỗi buồn khôn tả. Tại sao vậy?, bởi lẽ chốn cũ, người thân không gặp được, thôi thì đành lặng lẽ mình tôi với ta vậy thôi: “Mùa xuân mùa xuân về khắp nơi nơi/ Chốn cũ người thân nay xa rồi/ Mình ta với tôi chơi vơi nơi dòng đời/ Ước mong ngày xa xưa nay buồn trôi”. Nơi phương trời mùa xuân chỉ còn ngóng với trông nơi xa vời: “Như đàn chim kia nơi phương trời nào xa xôi/ Mùa xuân đến rồi nhớ về nơi nao ngóng trông trong xa mờ”.
Tập ca khúc thứ 40 này được hoàn thành vào trung tuần tháng 6/2016 tại Illinoise - Chicago. Thế là; với thời gian tuy không dài từ tháng 4/2013 đến nay, tôi đã hì hục viết xong 800 ca khúc. Những ca khúc được ra đời có thể là từ thơ phổ nhạc, hoặc phỏng thơ của người khác, hay tự tôi viết lấy lời những khi có cảm xúc trong một hoàn cảnh cụ thể; nhưng theo tôi, thì tôi thích viết cả lời luôn cho trọn. Thú thật, cũng không dễ dàng chút nào, bởi vì vừa học vừa viết nhạc khó khăn lắm, nhưng tôi thực hiện được nhờ lòng yêu thích, đam mê đến say mê ngày đêm, năm này đến tháng nọ mới được; chứ đơn giản đâu!. Ngẫm nghĩ chặng đường qua mà kinh lắm thay, vì  sức lao động không ngừng nghỉ của mình.
Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn tập ca khúc thứ 40 này được hoàn tất từ phương trời xa, coi như một món quà kỷ niệm của chuyến đi. Và những người bạn của tôi, những người yêu thích âm nhạc hãy cùng tôi hát ca vang; cho vui “Ngày tháng rong chơi bên trời”. 
                        Illinois - Chicago 14/6/2016
                                       Triều Châu

Rong chơi cuối trời quên lãng
Hoàng Thi Thơ - Khánh Ly
Khung trời hội cũ - Thơ Tuệ Sỹ
Nhạc Hoàng Ngọc Tuấn
Lệ Mai và Hoàng Ngọc Tuấn trình bày
 

    
Mục lục
(20 ca khúc xếp theo A,B,C...) 
1) Bốn mùa ngây ngô – Triều Châu
2) Bốn mùa yêu thương – Triều Châu
3) Cho đời một chút ơn ngày cũ – Triều Châu
4) Chứng kiến – Triều Châu    
5) Còn đó chút hương xưa – Triều Châu    
6) Hãy nói lời yêu thương – Triều Châu  
7) Khung trời hội cũ – Tuệ Sỹ    
8) Màu phai sương – Triều Châu    
9) Màu xanh lá – Triều Châu  
10) Một chiều nơi phương xa – Triều Châu     
11) Một niềm tin sắt son  – Triều Châu    
12) Mưa rơi chiều thu – Triều Châu       
13) Nắng gió chiều hồ xanh – Triều Châu
14) Ngày tháng rong chơi bên trời – Triều Châu   
15) Nghe tiếng mưa đêm – Triều Châu   
16) Nơi phương trời mùa xuân – Triều Châu   
17) Quây quanh lửa hồng – Triều Châu    
18) Say đêm – Ngưng Thu   
19) Thà như – Triều Châu      
20) Vị mặn thời gian – Lăng Già Tâm.
Ca khúc
   Con đường
  đến
   Giai điệu
    Tập 40
    Triều Châu
     ''Của tin còn một chút này làm ghi... ” Nguyễn Du
   Illinois - Chicago  14/06/2016
Theo trieuchau1957@gmail.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...