Người duy nhất
được nhận nửa vầng trăng
Tác phẩm “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”
Họa sĩ Nguyễn Tường
Lân
Trong Truyện Kiều, có ba người đàn ông được Thúy Kiều yêu.
Chuyện đơn giản vậy thôi mà mãi nửa sau thế kỷ 20 mới cơ bản được người đời thừa
nhận. Cả một thế kỷ nay, dường như người ta đều thống nhất đánh giá về Thúy Kiều
Kim Trọng và Thúy Kiều Từ Hải. Cả hai quan hệ đó ít nhiều được lý tưởng hóa và
lối phô diễn của Nguyễn Du về họ đều chịu ảnh hưởng sâu nặng bởi văn chương ước
lệ và trên những mức độ khác nhau, có vẻ đều được kết thúc có hậu hoặc chí ít
cũng được hưởng luật bù trừ. Họ chỉ bị hiểu lầm hồi cuối thế kỷ 19 đầu 20, bởi
các bậc đại nho. Các cụ coi Truyện Kiều là sách tà dâm. Vì thế không coi Kiều
ra gì nên cũng phủ nhận luôn Kim Trọng, Từ Hải. Tham tri Bộ Hình Nguyễn Công Trứ
sinh năm 1778, có lúc bị truất làm lính thú. Cụ Trứ rất mê hát ả đào nên viết một
bài ca trù Vịnh Thúy Kiều trong đó coi Kiều chỉ là cánh hoa tàn đem
bán lại thanh lâu, đặt Từ Hải chỉ như khách làng chơi - Ngang bằng với Mã Giám
Sinh. Rủa Kiều đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm và rút ra kết luận: Nghĩ đời
mà ngán cho đời. Cụ nghè Ngô Đức Kế, sinh sau Nguyễn Công Trứ đúng 100 năm -
năm 1887, đã từng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo tới 13 năm, trong các bài báo
như Nền Quốc Văn, Luận về Chánh học và Tà thuyết... trên báo Hữu
Thanh tháng 4 và tháng 9/1924 gọi Thúy Kiều là con đĩ và vì thế chuyện tình
Thúy Kiều - Kim Trọng cụ coi là việc bất chính. Kim Trọng và Từ Hải còn bị
như thế thì nói gì đến Thúc Kỳ Tâm. Làm gì được các cụ nhắc đến.
Riêng Thúc Sinh thì có khác. Mặc dù đến nửa sau thế kỷ 20 và
đầu 21, người ta vẫn đánh giá mối tình Thúy Kiều với chàng Kỳ Tâm họ Thúc này
thật là khác nhau.
Thực ra, Nguyễn Du đã có dụng ý từ đầu. Ngay ở phần lý lịch
xuất thân cũng đã khác xa với Kim Trọng, Từ Hải. Một người là thiên tài. Một
người là hùm thiêng. Chàng Thúc nhà ta thường thôi. Vốn là người huyện
Tích, châu Thường. Được học hành đôi chút nên xếp vào nòi thư hương. Có vẻ vẫn
theo đòi đèn sách nhưng chưa đỗ đạt cao sang gì. Mới đang thực tập thương trường
bằng việc theo cha mở một ngôi hàng ở Lâm Truy. Nguyễn Du đã cố ý giới thiệu
chàng như một người thường mà nhờ đó, ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du không bị
gò bó bất cứ điều gì để miêu tả cái nhân cách của một người thường đó. Và điều
kỳ lạ đã xảy ra. Không phải Kim Trọng hay Từ Hải mà chính là Thúc Sinh được
Nguyễn Tiên Điền dành cho ưu ái nhiều nhất. Hiện thực nhất mà cũng sinh động nhất.
Lâu nay Thúc Sinh thường vẫn bị xem thường. Chưa nói đến việc
đôi khi bị bỏ qua. Người ta quá chú tâm vào việc phân vai thiện ác, đến Thúy Kiều,
Hoạn Thư, Tú Bà đến Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến v.v... Giáo sư Lê Đình Kỵ
trong công trình nổi tiếng của ông - Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của
Nguyễn Du ở chương 1 phần 2 về những con người trong Truyện Kiều, Thúc
Sinh không được xếp một phần riêng mà được đề cập đến dưới cái bóng của Hoạn
Thư và nhận được kết luận thuộc loại người trung gian. Thúc Sinh muốn
được như Kim Trọng, Từ Hải nhưng vì ươn hèn bất lực và vì không có một mối tình
chân chính, nên cuối cùng đối với Kiều đã xử sự khi thì như người dưng nước lã,
khi thì như một Sở Khanh bất đắc dĩ. Logic của tính cách nhân vật cũng là logic
của con đường thứ 3 trong Truyện Kiều (1). Thúc Sinh không được như Kim Trọng
và Từ Hải và trong ba người ấy Thúc Sinh là vô nghĩa nhất.
Có nhà nghiên cứu tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa đã
chia các nhân vật trong Truyện Kiều thành bốn thế giới: thế giới cao nhân,
thế giới quý nhân, thế giới tiện nhân và thế giới mỹ nhân (2). Thế giới
cao nhân và tiện nhân thì rõ rồi. Thế giới quý nhân hàm chỉ các gia đình giàu
có, dòng dõi, các quan chức, có truyền thống sinh hoạt riêng để từ đó nói là Hoạn
Thư thuộc giới quý nhân, điển hình cho gia đình gia giáo. Và bằng chứng
là Hoạn Thư chỉ thực hiện kế sách trả thù của mình khi Hoạn bà đã đồng
ý...?!. Rằng hay thì thật là hay nhưng nghe như thế nào ấy. Và Thúc Sinh
được đề cập đến ở thế giới quý nhân nhưng không phải là quý nhân mà được
xem là người ... ba phải, đa cảm, si tình. Kim Trọng hậu tình hơn. Như
thế Thúc Sinh không lọt vào cao nhân, quý nhân mà tiện nhân cũng không phải? Vậy
là một người thường như tôi đã gọi chàng được không? Giữa 4 thế giới nhân vật ấy,
Thúc Sinh không phải Sở Khanh, Mã Giám Sinh. Càng không phải ngang cùng một loại
với Kim Trọng, Từ Hải?
Với nhà văn Vũ Hạnh và giáo sư Trần Nho Thìn thì Thúc Sinh đã
có vị trí tốt hơn nhiều. Chàng ngang bằng với Kim Trọng, Từ Hải. Theo nhà văn
Vũ Hạnh, ba người đàn ông được Kiều yêu bình đẳng và ngang nhau. Họ là ba
trạng thái không thể thiếu được của một người tình hoàn toàn. Chân thành của
Kim Trọng. Hướng dẫn lý trí của Từ Hải. Bản năng, si mê của Thúc Sinh (3).
Giáo sư Trần Nho Thìn dường như đi tiên phong trong cách đọc nhân vật Truyền Kiều
theo quan điểm bản thể luận, từ góc nhìn triết luận với hai phạm trù thân và tâm thuộc bản
thể luận của con người để chỉ ra một cách sâu sắc rằng Thúc Sinh có một vị
trị đáng kể, rằng thái độ của Nguyễn Du không thể không nói là không trân
trọng Thúc Sinh. Nhưng xem chừng giáo sư Trần Nho Thìn có phần nào kìm lại
trong giới hạn cho thật phải chăng? Ông cho là có thể có chút hài hước nào đó
nhà thơ thể hiện khi viết về Thúc Sinh. Nhưng Nguyễn Du cũng trân trọng
chăm chút cho lứa đôi Kiều – Thúc bằng việc không có cuộc chia ly nào lại
tả thấm thía như của quan hệ này. Đôi lứa Kiều Thúc cũng được Nguyễn Du giới
thiệu trang trọng không thua kém gì Kim Trọng - Thúy Kiều, Từ Hải - Thúy
Kiều (4).
Như thế cũng như nhà văn Vũ Hạnh, vị thế Thúc Sinh, suy cho đến
cùng và may lắm rồi, cũng chỉ ngang bằng với Từ Hải, Kim Trọng cùng được yêu
Thúy Kiều mà thôi.
Thực ra Nguyễn Du giành nhiều ưu ái hơn cả cho Thúc Sinh. Người
được tự nhiên nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên của Thúy Kiều đương nhiên không phải
lũ tiện nhân như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh. Nhưng cũng không phải là Kim
Trọng, Từ Hải. Một người thiên tài (chữ của Nguyễn Du) – vào
trong phong nhã ra ngoài hào hoa như Kim Trọng; Một người anh hùng hùm
thiêng, cả đến sự xuất hiện cũng được miêu tả như là một sự siêu phàm như Từ Hải bỗng
đâu có khách biên đình sang chơi thì làm gì có được tâm trạng cảm phục cái
vẻ đẹp thiên nhiên ấy. Để chuẩn bị cho sự hiện diện bức tranh lõa thể ấy, Nguyễn
Du đã đặt nó trong một phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có cái gì đó vừa quyến
rũ, vừa thấp thỏm và dự báo.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Còn Thúy Kiều nhi nữ không có một sự e ngại nào cả. Thoải
mái và thư thái với bản thân mình và với cả Thúc Sinh. Đó là một buổi thong
dong, thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa. Cảnh và người thật không phải
của lầu xanh. Ở đoạn này, có thể Nguyễn Du đã say mê với bản thân mình nữa. Cụ
Phạm Quỳnh, hồi năm 1919 có một trước tác về Truyện Kiều viết rằng Trước
Truyện Kiều không có sách gì hay bằng Truyện Kiều mà sau Truyện Kiều
không có sách gì hay hơn Truyện Kiều nữa (5). Lời khen này có thể dùng để
chỉ hai câu thơ này cũng không đến nỗi phải phân vân.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên.
Thật là thanh tao đến tận cùng trong miêu tả cái tục. Thúc
Sinh được Nguyễn Du cho là người duy nhất được ngắm nghía kỹ càng cái vẻ đẹp
thuần khiết đấy. Sinh càng tỏ nét càng khen. Và cũng không đến nỗi nào,
khi Nguyễn Du không để Thúc Sinh vốn là con người thường ấy làm một hành vi hay
nói ra một điều gì bất nhã. Nguyễn Du vẫn cho con người ấy tỏ ra thuộc nòi thư
hương mà ngụ tình tay thảo một thiên luật đường – làm thơ về sự lõa lồ.
Nguyễn Du đã không có ác ý với Thúc Sinh mà trái lại. Cái đoạn này chẳng cứ các
cụ nhà nho ta cách đây 100 năm lấy làm bằng cớ cho là tà dâm mà ngay cả Thích
Nhất Hạnh, trong sách Thả một bè lau - có phụ đề Truyện Kiều dưới
cái nhìn thiền quán mãi đến năm 1992 vẫn còn phẫn nộ: Với một cô gái
làm nghệ mãi dâm thì không thể dùng những chữ này được. Hơn nữa chắc chắn cô ta
có một cái sẹo ở bụng rất lớn mà cụ đã không nói tới. Cô đã tự tử gần chết thì
cái sẹo đó phải rất to... có phải cụ giấu diếm sự thật hay không... (6)
Thưa cụ Thích Nhất Hạnh, có lẽ ít ai nghĩ rằng Nguyễn Du lại đi giấu diếm sự thật.
Nguyễn Du chỉ vượt lên giới hạn của thời đại mình, công khai thừa nhận và ca ngợi
vẻ đẹp hình thể của con người mà lâu nay người ta không dám thừa nhận nó và
tình yêu của con người không chỉ mơ hồ gió trăng mà trong cả dục tình. Thúc
Sinh đã được hưởng cái nhìn vượt thời đại đó của Nguyễn Du. Còn chàng Kim phong
nhã hào hoa thì không thể được; khi sóng tình dường đã xiêu xiêu, xem ra âu yếm
có chiều lả lơi thì Nguyễn Du đã dành tới 22 câu thơ để Kiều thuyết giáo về chữ
trinh, về đạo tòng phu... Mười lăm năm sau đoạn trường gặp lại, lúc đầu thì thật
trữ tình động phòng dìu dặt chén mồi nhưng lại bị chặn lại bởi cái bâng
khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa. Nguyễn Du thiên tài đến mức thật là dài
dòng viết ra tới 86 câu thơ cho việc họ gặp lại nhau. Hết chuyện này đến chuyện
khác rồi lại gảy đàn cho đến lúc gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông để
trong trạng thái kết thúc nửa chừng chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm
thơ. Nghe nói Garcia Marquez, tác giả của Trăm năm cô đơn đọc đến đoạn
này trong bản Kiều tiếng Pháp đã chép miệng bảo: Tiếc thật, chưa đến được...
cái hiện thực huyền ảo lắm. Nhạt... Thực ra Marquez cũng hiểu Nguyễn Du để diễn
biến như thế là hợp lẽ. Không thể khác được. Sau 15 năm ở lầu xanh thiếp từ
ngộ biến đến giờ, ong qua bướm lại đã thừa xấu xa thì còn làm gì hay hơn
ngoài nói chuyện và mượn tiếng đàn u sầu để trang trải suốt năm cung, tiếng nào
cũng não nùng xót xa cả.
Truyền tình giữa Từ Hải với Thúy Kiều Nguyễn Du để không khí
trang nghiêm như buổi thiết triều ở cung đình. Đặt giường thất bảo,
vây màn bát tiên đúng như Vũ Hạnh gọi tên cho nó là hướng dẫn lý trí...
Đáng chú ý nhất, tình cảm của Nguyễn Du giành cho Thúc Sinh
hơn là với Kim Trọng - Từ Hải ở những đoạn tả cảnh khi chia tay với Thúy Kiều.
Cảnh chia tay Kim Trọng – Thúy Kiều, sau khi hai người đã hẹn
ước thề bồi, Kim Trọng phải về quê nhà vì nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa
xôi, Nguyễn Du miêu tả lẻ loi và nhàn nhạt lắm, khi người ra đi buộc yên quẩy
gánh vội vàng, phong cảnh buồn mà thấy xa lạ và thưa thớt quá.
Buồn trông phong cảnh quê người
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.
Cuộc chia tay giữa Kiều với Từ Hải cũng đặt trong sự trang
hoàng, oai vệ, nghi lễ. Mới được nửa năm hương lửa đương nồng thì Từ
đã động lòng bốn phương nên thanh gươm yên ngựa lên đường đi thẳng - thẳng
dong. Thúy Kiều ở lại trong cảnh buồn rêu phong sân rêu chẳng rẽ dấu giày,
cỏ cao hơn thước liễu gầy hơn phân. Với Từ Hải có cái gì thật xa xôi như cánh
hồng bay bổng tuyệt vời, đã mòn con mắt phương trời đăm đăm mà Kiều bé nhỏ
không với tới được.
Chia tay với Thúc Sinh thì khác hẳn. Phong cảnh và tâm trạng
được miêu tả vào loại hay nhất, đằm thắm và say mê nhất của tình yêu lứa đôi.
Tràn trề yêu thương. Cũng chỉ mới 6 tháng quen nhau giống như Từ Hải nhưng ở
Thúc Sinh là nửa năm hơi tiếng vừa quen, sân ngô cành bích đã chen lá vàng.
Mùa thu tuyệt vời đang đến. Thúc Sinh tỏ ra am hiểu lịch lãm tình đời khi sử dụng
phép chiến hòa với Tú Bà để đón được Thúy Kiều hoàn lương, làm nên cuộc
sống lứa đôi đầm ấm nhất của đời sống Truyện Kiều; không ai có được cả tình lẫn
sắc như thế. Bây giờ Thúc Sinh không phải nhìn ngắm như người mới làm quen ngày
hoa lựu đỏ lập lòe mới vào hè thủa ấy mà vây hòa mặn nồng yên ấm.
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
Hương càng đượm lửa càng nồng
Càng sôi vẻ ngọc càng hồng màu sen
Họ đẹp đôi đến nỗi khi Thúc Ông đưa Kiều và Thúc Sinh ra xét
xử trước quan tòa – không phải Hồ Tôn Hiến nhưng mặt vị này cũng mặt sắt đen
sì, phải hạ một câu khen thơ Kiều hay như thơ thời thịnh Đường và ông
quan mặt sắt đánh giá lại cái người đã bán mình chuộc cha lấy 300 lạng bằng một
giá trị khác Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân. Với logic ấy Nguyễn Du
chuẩn bị cho Kiều Thúc chia tay thật cổ điển và lãng mạn, đầy nhạc tính.
Sông Tấn một dải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan.
Rồi hiện lên phong cảnh chia tay Kiều Thúc, có lẽ là hay nhất
trong Truyện Kiều và cả trong văn học trung đại Việt Nam. Nó làm cho bao nhiêu
ý định muốn bình thơ bỗng trở nên không nỡ để ảnh hưởng đến sự toàn bích ấy.
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Và cái gì đến cũng phải đến. Chỉ có Thúc Sinh mới được chia nửa
vầng trăng. Không ai khác.
Trong tình sử Kiều Kim dài đến 15 năm, Trăng đã xuất hiện đến
10 lần. Có phải ít đâu.
Gương Nga chênh chếch dòm song.
Vầng trăng dọi qua cửa sổ.
Vầng trăng khuyết đĩa dầu vơi.
Trăng khuyết dầu vơi là sự thay đổi của thời gian.
Lần lần ngày gió đêm trăng.
Sự ẩn hiện thường tình ngày qua ngày của trăng như gió mà
thôi.
Nhặt thưa gương giọi đầu cành.
Ánh trăng đậm nhạt trên đầu cành lá.
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Theo tích dưới bóng trăng tưởng như có người con gái đi đến.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời.
Trăng sáng vằng vặc trên trời cao.
Bóng tàu vừa nhạt vẻ ngân.
Bóng tàu lá hiện ra trong khi vầng trăng đã nhạt.
Trăng thề còn đó trơ trơ.
Trăng như lời thề ngày xưa vẫn trơ trơ giữa trời.
Còn vầng trăng bạc còn lời thề xưa.
Lời thề xưa vẫn còn như ánh trăng bạc.
Trăng tàn mà lại thêm tươi.
Trăng đã tàn rồi đang tươi hơn lại.
Thực ra vầng trăng của họ đã khác tự lâu rồi. Khi rơi vào tay
Mã Giám Sinh giữa buổi vi lô san sát hơi may, Thúy Kiều đã thấy vầng trăng ấy
khác. Thấy trăng mà thẹn những lời non sông. Kim Trọng không phải là
người được nhận nửa vầng trăng của Thúy Kiều và của Nguyễn Du.
Thi hào Nguyễn Du giành tới 372 câu thơ trong tổng số 3254
câu thơ để nói về chuyện Từ Hải. Nhưng tiếc thay vầng trăng chỉ xuất hiện một lần,
nó cũng không phải một nửa vầng trăng mê đắm hai kẻ si tình đã chia nửa cho
nhau. Nguyễn Du viết Lần thâu gió mát trăng thanh. Gió mát trăng
thanh thật nhưng chỉ là lần thâu thôi. Lần thâu nghĩa là trăng của hết đêm này
đến đêm khác. Một sự tuần tự như phép đếm của thời gian thôi mà.
Chuyện tình duyên Kiều Thúc bắt đầu từ câu 1275 đến câu 2040,
khoảng 765 câu. Tức là đến khi Trạc Tuyền Kiều trốn khỏi am thờ ở nhà Hoạn Thư
đến gặp vãi Giác Duyên lần đầu. Cũng tới 10 lần trăng xuất hiện. Đủ các cung bậc
ánh sáng của tâm trạng và dáng vẻ của trăng. Nào là Trăng sầu, Non
đoài ngậm gương, Trăng tủi hoa sầu, Nửa vầng trăng khuyết không
phải đĩa dầu hao như Kim Trọng mà là ba sao giữa trời; Nào là Trăng mới in ngần, sân Thu
trăng đã vài phen đứng đầu... Đặc biệt nhất Nguyễn Du đã xẻ làm đôi vầng
trăng thương nhớ và Thúc Sinh là người duy nhất được nhận nửa vầng trăng ấy.
Hình tượng này đẹp đến nỗi trong thi ca hiện đại có người đã mượn lại và mượn rất
hay.
Nguyễn Du giành bao ưu ái cho Thúc Sinh Thúy Kiều. Đến nỗi cả
câu thơ đẹp nhất của văn học trung đại ông cũng dành bởi cái nhìn Thúc Sinh.
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Đôi khi có cảm tưởng bị lôi kéo bởi sự ưu ái đó, Nguyễn Du đã
quên đi cả bản thân họ mà làm cho những tâm trạng của họ như là tâm trạng của
chính thi hào thoát ra.
Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.
Người ta hay nói cái hèn của Thúc Sinh khi thấp cơ thua trí
đàn bà. Nguyễn Du thừa nhận điều đó. Nhưng dường như ông cố gắng làm nhẹ bớt đi
và trao cho chàng cơ hội được hưởng những lời tốt đẹp mà Kiều cũng sẵn lòng ghi
nhận. Sau lời nói có phần nhẫn tâm bảo Kiều liệu mà cao chạy xa bay, ái ân
ta có ngần này mà thôi thì lại chẳng biết bao giờ mới nối lại lời non
nước và hứa dù sông cạn đá mòn, con tằm có thác vẫn còn
vương tơ. Không thể không nói là giảo ngôn. Nhưng quả thực Nguyễn Du đã làm cho
Thúc Sinh phần nào đó chung tình trong con mắt Thúy Kiều.
Việc Thúy Kiều báo ân cũng là một điểm nhấn. Trước hết là những
lời nói ân tình của Kiều. Nàng chỉ nhắc lại như là một kỷ niệm của ân nghĩa. Rằng Lâm
Truy người cũ chàng còn nhớ không? Rằng đó là nghĩa trọng nghìn non.
Kiều còn ví tình yêu của họ như Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng, tức là
như sao Hôm sao Mai chẳng bao giờ gặp nhau nên ai mà dám phụ lòng cố nhân
được. Lôgic câu chuyện vì thế, không phải ai khác, trên cả vãi Giác Duyên người
đã vớt Kiều trong cơn sóng tử nạn, Thúc Sinh lại là người thứ nhất được báo ân
“gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân”. Và quan trọng hơn là cái lý do được nhận tạ lòng
dễ xứng, báo ân gọi là. Nguyễn Du ơi! Còn ai hơn Thúc Sinh được nữa. Ngần ấy gấm
và bạc mà còn bảo gọi là thì có quá nhún nhường hay không?
Vậy có phải Thúc Sinh - người duy nhất được nhận nửa vầng
trăng ấy là nhân cách sống Nguyễn Du cổ xúy và ca ngợi chăng? - không. Hoàn
toàn không. Tuyệt đối không! Nguyễn Du làm như thế bởi vì với tư cách là một
thi nhân, tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp sáng tác của ông được đặt trên nền tảng
của sự ràng buộc bởi chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. Thúc Sinh không
phải là nhân vật được lý tưởng hóa như Kim Trọng, Từ Hải. Thúc không phải là
thiên tài. Cũng không phải là hùm thiêng. Như đã nói ở trên, chàng là một người
thường. Hành động và suy nghĩ theo quy luật và tâm thế của một người thường.
Chuyện tình yêu với Thúy Kiều và thấp cơ thua trí vợ Hoạn Thư là câu chuyện có
thật như là có thật ở cuộc đời này. Khi vào thăm Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay những
khu lăng mộ của các Vua Nguyễn ở Huế thấy chỗ nhốt cung nữ còn sống sát gần
lăng sau khi vua đã chết mới hiểu vì sao mơ ước của họ được làm người thường mà
khát khao đến thế. Cả tiến trình diễn biến câu chuyện, Thúc Sinh không bị ép
làm bất cứ điều gì, những áp lực của lý tưởng hóa. Những người đi theo lý thuyết
điển hình hóa nhân vật, xưa nay phân tích thường để tâm đến Thúy Kiều, Tú Bà,
Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến v.v… mà đôi khi chưa thật để mắt đến Thúc Sinh. Thúc Sinh
trong diện mạo một người bình thường đã là nhân vật sinh động góp phần cho Truyện
Kiều trở nên áng văn bất hủ. Trong đời sống tinh thần từ xưa đến nay, không biết
đã bao nhiêu lần, người Việt Nam tha thứ cho những Thúc Sinh ở ngoài đời. Nguyễn
Du cũng như thế. Bởi vậy ai mà trách ông được khi động đến cái phần ưu ái với
Thúc Sinh.
Năm 2011, vào lúc cuối đông, sau khi rời chốn quan trường,
tôi cùng vợ vào Tiên Điền, Nghi Xuân viếng Nguyễn Du. Trên đường đi gió bấc thổi
rất lạnh phía sau lưng. Lá cây bị gió lật mặt sau lên trắng xóa dọc cung đường
thiên lý. Thỉnh thoảng lại gặp những dòng sông lớn. Không hiểu những năm gió bụi
Nguyễn Du xuôi ngược từ đất Bắc Hà vào xứ Nghệ có thấy gió thổi thế không? Và
ông đã bao nhiêu lần tan vào hoàng hôn lênh láng trên mặt sóng những dòng
sông ấy? Còn tôi cứ ngỡ gió chạy sau lưng mình với đau đáu câu hỏi thiên hạ đã
gói hết 3254 câu Kiều suốt hơn 200 năm qua hay chưa? Vào đến Tiên Điền rồi, khi
ra bãi biển Thiên Cầm mới hay gió bấc lệch đông không chạy sau lưng khách bộ
hành mà từ biển đi vào Nghi Xuân. Gió Bấc chồm lên trên những đợt sóng lớn ào ạt
đỗ vào bờ cát Thiên Cầm lạnh giá. Vắng lặng không một bóng người. Nhưng cát ở
Thiên Cầm lúc ấy thật vàng và đằm thắm. Thấm thoát thế mà 10 năm đã qua không
trở lại. Và 3254 câu Kiều thiên hạ chẳng bao giờ gói hết được đâu.
Chú thích:
1. Lê Đình Kỵ - Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn
Du. NXB Hội nhà văn thành phố HCM -1992- Trang 159.
2. Lê Nguyên Cẩn - Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa -
Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ 21- NXB Giáo dục 2009 - từ trang
349 đến trang 420.
3. Vũ Hạnh - Trích theo Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế
kỷ 21 - NXB Giáo dục - 2009 trang 471.
4. Trần Nho Thìn - Nhân vật Truyện Kiều và vấn đề tiếp cận nhân
học văn hóa Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ 21- NXB Giáo dục từ
trang 463 đến trang 561.
5. Phạm Quỳnh - Luận giải văn học và triết học - Nhà xuất bản
Văn học năm 2016 - trang 150.
6. Thích Nhất Hạnh - Bẻ một bè lau - NXB Văn hóa Sài gòn - năm
2007 - Trang 139 - 140.
7. Garcia Marquez (1927-2014) nhà văn nổi tiếng Colombia - Tác
phẩm Trăm năm cô đơn (Cien ànos de Joledad) - Giải thưởng Nobel văn học 1982.
27/3/2020
Khuất Bình Nguyên
Nguồn: Bài in trong Viết và đọc
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét