Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Những nghịch lý trong tự sát và văn học

Những nghịch lý
trong tự sát và văn học

Mặc dù số lượng những nhà văn nổi tiếng chọn hình thức tự sát để kết thúc đời mình là thật sự đáng kể nhưng vẫn chưa nhiều hơn ở nhóm những ngành nghề khác.
“Ngay cả khi còn dang dở, The Pale King [1] vẫn cứ là một tác phẩm văn học xuất chúng - một cuộc thám hiểm tới cõi bí hiểm nhất của loài người, một công trình được dựng lên nhờ bản lĩnh phi thường của người nghệ sĩ. David [2] bắt tay vào cuốn tiểu thuyết để đời của mình với một đề tài khó nhằn muôn thuở - nỗi buồn, sự tẻ nhạt - đổi lại, anh đã biến chúng thành một hành trình ly kỳ đầy hài hước lẫn xúc động.
Bất cứ ai từng có cơ hội tiếp xúc với David đều quá hiểu một chuyện rằng, anh sẽ không đời nào để độc giả trông thấy những tác phẩm của mình nếu như chúng chưa hoàn chỉnh theo cách anh muốn. Nhưng giờ, cả thế giới có được trong tay cuốn tiểu thuyết dù chưa hoàn tất của anh, ai có thể làm ngơ mà không đọc nó? David đã chẳng còn trên cõi đời này đểngăn sự tò mò của chúng ta, anh cũng chẳng còn khả năng tha thứ nếu như ta cứ một mực khăng khăng phải đọc nó.” - Theo Michael Pietsch - người biên tập cho cuốn The Pale King của David Foster Wallace.
“Ở Pháp, quá trình tiếp nhận cuốn Tự sát của Edourd Levé [3] thường bị chi phối bởi hiện thực về cái chết của chính tác giả. Ai cũng hiểu, đây là một tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, được viết bởi một cái tôi khác ngoài tác giả, kể câu chuyện về một người bạn đã quyết định tự sát hai mươi năm về trước; và người ta cũng biết rằng, Levé trên thực tế, đã để lại một lá thư tuyệt mệnh khác trước khi chính thức từ giã cuộc đời, nhưng không ai có thể ngưng liên tưởng rằng câu chữ trong văn bản kia chính là những lời diễn giải kỹ càng nhất cho quyết định tự sát của tác giả sau này.” - Theo Jan Steyn, lời bạt cho cuốn Tự sát của Edouard Levé.
Một hành động mà đi kèm với nó là văn bản cùng những diễn giải về chủ thể nhưngbuộc phải được đọc thông qua những người khác: “tự sát” và “văn học” thật ra lại là những khái niệm mang nhiều những nét tương đồng.
Mặc dù số lượng những nhà văn nổi tiếng chọn hình thức tự sát để kết thúc đời mình là thật sự đáng kể nhưng vẫn chưa nhiều hơn ở nhóm những ngành nghề khác. Người ta thống kê được rằng, những người theo đuổi ngành y tỷ lệ tự sát cao nhất. Tuy nhiên, nhà văn lại đặc thù là những kẻ sở hữu mối ràng buộc chặt chẽ với thế giới của ngôn từ nên nhờ đó, họ có thể có những cách kết nối đặc biệt với lãnh địa của cái chết, và tất nhiên, cả với một trải nghiệm như tự sát.
Trong cuốn Literature and the Right to Death, Maurice Blanchot [4] đã phát hiện ra rằng, nhờ sự xuất hiện của ngôn ngữ, con người đã có thể tiệm cận được ý tưởng về cái chết. Trước ngôn từ, cuộc đời đơn giản chỉ có sự “tồn tại”. Cái cây sẽ chỉ là một vật thể vô định hình, không bản sắc trước khi nó được đặt tên là “cái cây”. Nói một cách rõ ràng hơn, khi ta gọi “cái cây” hay thậm chí gọi “vật thể vô định hình” trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đều không còn chỉ chính cái cây đang tồn tại khách quan kia nữa. Bởi, cũng giống như “cái chết” chỉ được thật sự biết tới khi người ta hoàn thành xong “sự sống”, “cái cây” của một thực tại trước ngôn từ cũng đã chết đi ngay khi nó đi vào ngôn từ; trừ khi ở trong một diễn biến xa xôi nào đó, con người có thể trải nghiệm được sự chết và những cung bậc của nó ngay trong sự sống.
Trước ngôn từ, “chết” chỉ đơn thuần là một sự chuyển dịch giữa những trạng thái sống. Sau đó, nó trở thành sự dịch chuyển giữa những trạng sống nhưng mang tính bản thể luận. Từ ý nghĩa đơn giản để biểu thị những thay đổi như khi ta hớt tóc hay cắt móng tay, giờ đây, cùng với sự nở rộng của ngôn từ, cái chết “thăng tiến” trở thành ý niệm về một sự đứt gãy nghiêm trọng cỡ chuyện diệt chủng hay tuyệt chủng trong đời sống. “Phát ngôn” thật ra chính là công việc đòi hỏi chúng ta phải chôn vùi xuống đáy biển tất cả những ý nghĩa được kiến tạo trước đó về sự vật trước khi quyết định nói ra lời nào về nó. Chúa ban sự sống, còn việc của con người là phá hủy chúng đi”.
Trong từ điển của nhân loại, nhà văn được miêu tả như là những người có năng lực “phân thân” ra khỏi những mô thức đời sống bất biến thông thường nhờ vào khả năng sử dụng ngôn từ theo những cách cá biệt. “Tôi viết thế này sẽ chính xác hơn: “cái chết đang lên tiếng ở bên trong tôi.” Blanchot viết. “Rõ ràng là, ở bên trong tôi, sức mạnh thôi thúc tôi nói ra lại nằm chính ở trong khoảnh khắc tôi biến mất khỏi sự tồn tại của mình.” Nhà văn là kẻ đứng xa nhất với thực tại ở cả không-thời gian, và trong một chừng mực nào đó, chính y cũng tự kiến tạo nên những thực tại hư cấu, giam giữ mình trong một thế giới tưởng tượng mà có thể xem như là những nghĩa địa sống. Đối với nhà văn, trở lại được với thực tại là công cuộc đòi hỏi nhiều ý chí và nỗ lực “dấn thân” hơn ở bất cứ hành trình nào. Và một khi họ từ bỏ, điều mà chắc chắn sẽ đem lại cho nhà văn sự tuyệt vọng đau đớn tột cùng, họ sẽ chọn im lặng - cái chết của tác giả bên trong một con người – hoặc tự sát - cái chết của tác giả thông qua cái chết của một con người.
“Cái chết phải chăng chính là một món quà của sự tự do?” Blanchot tự hỏi, “được chết phải chăng là khoảnh khắc viên mãn nhất khi sống?” Chúng ta chỉ có thể trả lời: “Nếu quả thực vậy thì đó cũng là điểm mù, là khoảnh khắc trống rỗng nhất của tự do, là bằng chứng cụ thể cho luận điểm: tự do rốt cục vẫn luôn là một khái niệm trừu tượng, mù mờ, thậm chí luô rơi vào diện bị lý tưởng hóa (như trong văn học). Còn thực tế này vẫn chỉ toàn là đói nghèo và sự buồn tẻ.” Đây chính là nghịch lý cốt lõi nằm trong bản chất của cả hành vi sáng tác văn học lẫn hành vi tự sát. Và theo cách này, tự sát và sáng tác văn học lại luôn song hành với nhau, cho dù “điểm đến cuộc đời” của từng nhà văn có thể rất khác nhau.
Ở Mỹ, hành vi tự sát được xem như là một hiện tượng tâm lý - xã hội, cùng “trường” với trầm cảm, bệnh tâm thần, hội chứng anomie [5], chủ nghĩa vị kỉ, các hành vi cô lập xã hội, vấn đề tự ý thức, nỗi buồn chán, sự tuyệt vọng… Trong khi ở Pháp, mặc dù được trang bị đầy đủ lý thuyết khoa học của Durkheim [6], người Pháp vẫn luôn nhìn nhận tự sát ở một khía cạnh siêu hình, bên cạnh những khái niệm về sự tồn tại, cảm giác hiện hữu, tính đại diện, khả năng nhận thức, sự phi lý, và cảm quan về số mệnh.
Mỗi cách tiếp cận đều đem lại một cách hiểu khác nhau cho từ “sự vô nghĩa” trong cụm “sự vô nghĩa của cuộc sống”. Nếu nhìn về khía cạnh tâm lý học, chất vấn về “sự vô nghĩa” cũng không khác là bao như khi ta đặt câu hỏi để đánh giá về tính giá trị hay tầm quan trọng của một vấn đề, và như vậy đồng nghĩa với chuyện ta cũng trao cho mình một câu trả lời lạc quan rằng, một cá nhân có khả năng thay đổi được hoàn cảnh của mình, rằng, những tổn thương trong cuộc sống là hoàn toàn có thể chữa lành được. Nhưng ngược lại, một khi nhìn “sự vô nghĩa” như một khái niệm siêu hình, đây hoàn trở thành câu chuyện về kí hiệu học. Còn gì bi quan hơn khi phũ phàng nhận ra “sự vô nghĩa” là một phương diện bất biến thuộc về thân phận con người, nó cố định chặt chẽ như mối quan hệ giữa tồn tại của con người với ngôn ngữ, giữa ngôn ngữ với phần còn lại thế giới này.
Cho dù được đề cập trong bất kì không gian nào (riêng tư trong nhà hay ngoài nơi công cộng), theo bất cứ cách diễn giải nào (có thể nhiều hay ít tính bạo lực, được cường điệu hóa hoặc là không), “tự sát” luôn đòi hỏi một phiên chất vấn không hồi kết và không có chỗ để đặt ra những câu hỏi đơn giản.
Hơn bất cứ hành vi nào, “tự sát” luôn cần có một lời giải thích cho nó. Giống như những kẻ phạm tội luôn chuẩn bị một bản kế hoạch chi tiết cho tội ác của mình, những kẻ đào tẩu thì thường để lại một lá thư, hành vi tự sát tích hợp cả hai kiểu và có biến tấu theo cách riêng, nó vừa có vẻ của một tội ác, vừa hao hao giống hành vi của một kẻ muốn bỏ trốn khỏi chính căn nhà của mình - mặc dù cả hai khái niệm bỏ trốn hay phạm tội đều có thể liệt những phạm trù siêu hình, không định nghĩa được.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp khó khăn về diễn giải khi cần nói về “tự sát”. Hoặc đúng hơn, nói về “tự sát” cũng là đang động chạm đến vấn đề kinh điển của thông diễn từ xưa tới nay. Bởi, chỉ có thông qua hình thức tự sát, thì chết mới được coi là “hành động” chứ không còn là một trạng thái. Nhưng đó cũng chính là hành động cực đoan sẽ ngay lập tức cắt lìa tác giả khỏi bối cảnh có thể để đưa ra lý do và khả năng để cho ta chất vấn xa hơn. Chúng ta liệu có thể khẳng định khi cầm trên tay một lá thư tuyệt mệnh rằng “không có gì nằm ngoài văn bản”? Chúng ta liệu có thể không quan tâm đến tác giả mà cứ thế áp dụng lý thuyết về “sự ngụy biện về chủ đích” ở đây? Và liệu rằng một lá thư tuyệt mệnh có thể được thuần túy xem xét như là một văn bản dụng được ý tưởng về “cái chết của tác giả” của Roland Barthes hay rồi chúng ta sẽ luẩn quẩn mãi trong câu chuyện con gà hay quả trứng có trước?
Một mảnh giấy nhàu nát để lại cùng dòng chữ viết tay có vẻ đã được viết trong quằn quại, đau đớn “Tôi không còn muốn sống nữa nên giờ tôi sẽ tự lấy đi cuộc sống của mình” chắc chắn không thể là một lá thư tuyệt mệnh nếu như ngay sau đó, chủ nhân của mảnh giấy được phát hiện đang ngồi thưởng trà trước màn hình tivi. Vậy thì mảnh giấy đó có ý nghĩa gì trong trường hợp này? Một lời thông báo về ý định tự sát có tính chất trình diễn, phô trương và thậm chí là vô duyên? Tự sát - hành động có thể khiến những từ ngữ trên mảnh giấy trở nên có nghĩa lại chính là hành động mà bản thân nó không bao giờ có thể diễn giải được thông qua ngần ấy ký tự được để lại. Những lá thư tuyệt mệnh được tìm thấy cho dù có độ dài đến đâu cũng là không đủ đối với những người đọc nó, đó là những văn bản mà người ta cần và muốn được đọc nhất dẫu có đem tới họ nhiều những bàng hoàng, tuyệt vọng. Giống như một đứa trẻ lên ba, một người đang cầm trên tay một lá thư tuyệt mệnh sẽ không thể ngừng thắc mắc và ngổn ngang những câu hỏi “tại sao” - những dòng thư phải kéo dài vô tận may ra mới có thể làm vừa lòng họ. Điều này khiến cho lá thư tuyệt mệnh để lại hay bản thân việc tự sát trở thành vô nghĩa (khi mà người ra đi đã cố giải thích rằng cuộc sống đơn giản cần phải kết thúc lúc này). Những người khi quyết định chết đi rồi nhưng vẫn còn bị đeo đẳng bởi nghĩa vụ phải giải thích cho cái chết của mình có lẽ là những kẻ thiệt thòi nhất thế gian. Bởi y chẳng những chưa bao giờ được sống một cách đúng nghĩa mà còn không có khả năng tự giết được chính mình.
Và mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn cả trăm lần khi hành vi tự sát được gắn với việc sáng tác của một nhà văn. “Tự sát” có nhiều yếu tố mang dáng dấp của một thể loại văn học mặc dù hiển nhiên chưa có một ai từng làm công tác phân loại cho nó.
Đối với một lá thư tuyệt mệnh,ai mới thực sự là chủ nhân của chúng? Chính người quyết định tự tử hay người sáng tác? Sau cái chết của Nietzsch [7] - đương nhiên là ông đã không tự sát - người ta tìm được những mảnh giấy vụn với dòng chữ “Tôi đã quên chiếc ô của mình” trong rất nhiều những bản thảo chưa được xuất bản của ông. Câu hỏi ở đây là, liệu rằng thông điệp của dòng note kia có đơn giản như tất cả mọi người đều thấy, hay, như thường lệ, là một kiểu ẩn dụ của Nietzsche, một câu khái quát có vẻ giá trị trong tuyển tập Ý chí quyền lực bỏ ngăn kéo của ông? “Tôi đã quên chiếc ô của mình” - là một câu của Nietzsche, một người bình thường, hay của Nietzsche, một nhà văn, một triết gia?
Trong trường hợp của một diễn viên, Richard Burbage [8] chưa bao giờ được cho là đã tự sát ngay cả khi anh ta nói anh ta luôn sống trong vai diễn Hamlet. Nhưng, một nhà văn thì không bao giờ bước từ cánh gà ra sân khấu hay chiều ngược lại. Không có một ranh giới cụ thể nhất định nào gián cách được những phát ngôn của y ra khỏi ngữ cảnh để phân định được khi nào tư cách của một nhà văn được hiện diện, khi nào thì chỉ là một người bình thường đang viết.
Đó cũng là lý do mà Jacques Derrida [9] trong cuốn Spurs [10] sau nhiều lần cố gắng diễn giản thì cuối cùng đã kết luận: ý nghĩa của dòng “cập nhật trạng thái” có vẻ đầy ẩn ý về chiếc ô của Nietzsche là “không thể kết luận được.” Nó cũng tương tự với trường hợp của những lá thư tuyệt mệnh với style phổ thông nhất như: “Tôi không còn muốn sống nữa nên giờ tôi sẽ tự lấy đi cuộc sống của mình”. Rất có thể những dòng văn bản như thế này lại là lời đề từ của một bài thơ, một truyện ngắn hay tiểu luận nào đó… thay vì là một phát ngôn cho một hành động cụ thể. Giống như chuyện ta cũng không có lý do gì để khẳng định khi đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện thì nó ám chỉ tới tác giả, hoặc một cái “tôi” khác của tác giả, hay thật ra chỉ là một nhân vật hư cấu của y. Điều này cũng đã được Roland Barthes [11] cảnh báo tới chúng ta từ rất sớm trong cuốn sách mang tên ông, rằng: mọi thứ rất có thể chỉ là phát ngôn của một nhân vật trong tiểu thuyết. Và những dòng có vẻ như của một lá thư tuyệt mệnh cũng rất có thể chỉ là một trích dẫn hơn là một tuyên bố, nhưng nếu chẳng may, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng đó cũng là những dòng cuối cùng của tác giả đã viết thì khả năng gây tổn thương, mất mát cho những người đọc vẫn là cực lớn. Một lá thư (có vẻ) tuyệt mệnh càng chi tiết, cụ thể, không chỉ thông báo suông về ý định tự sát, mà còn có những tự sự đi kèm, cặn kẽ những lí do và để ngỏ nhiều những chỉ dẫn,… sẽ càng làm những người đọc hoang mang, lẫn lộn thật giả.
Trong trường hợp không có một văn bản cụ thể nào note về việc tự sát được để lại, thì bằng mọi giá, người ta cũng sẽ lục lọi để tìm ra những manh mối và ôm một niềm tin có phần mù quáng rằng, chúng chắc chắn được cất giấu sâu trong những sáng tác của nhà văn - lúc này, bất cứ một câu văn bóng gió nào cũng tiềm tàng nguy cơ đang che đậy về ý định tự sát, bất cứ một từ nào được dùng cũng có thể mang dáng dấp của một bia mộ. Giống như một ca tự sát của thực tế đang được các điều tra viên xem xét trong nhà xác, “thi thể” của một “nhà văn đã tự sát” cũng sẽ được khám nghiệm bởi những nhà thông diễn, từ xa lạ cho đến quen sơ, quen thân, từ kẻ diễn giải nghiệp dư cho đến những tay chuyên gia phân tích. Và phải nhờ có “cái chết” của nhà văn hay những người tự vẫn thì mới có công ăn việc làm cho những người làm công tác thông diễn hay điều tra. Các nhà phê bình văn học nói riêng đã không thể xây dựng được một nguyên tắc nhất định nào cho công việc diễn giải của mình. Một nhân vật hư cấu tự sát trong tác phẩm viết năm 20 tuổi của nhà văn liệu có liên can tới chết thực sự của chính anh ta năm 40 tuổi? Chúng ta sẽ khác đi thế nào khi nghĩ về chàng Werther [12] nếu như Goethe [13] giả sử đã tự tay giết chính mình sau khi viết cuốn Marienbad Elegy? “Anh ta thật ra đã được định sẵn là phải chết bởi chính bàn tay của mình sau những đổ vỡ trong tình yêu.” - ai có thể sẽ phán xét mập mờ như vậy, nói đúng cũng được mà nói sai cũng xong.
Tranh "Nỗi đau của chàng Werther"
Những khía cạnh nhìn từ hành vi tự sát có thể gợi dẫn chúng ta một thông điệp rằng: những ý tưởng như “không một ý nghĩa nào nằm ngoài văn bản” hay “có thể hiểu được thấu đáo câu chữ của nhà văn bằng cách lục lọi thông tin từ tiểu sử của ông ấy” giờ đây là không đủ dùng và không đủ thuyết phục khi thực hành đọc văn bản. Liệu chúng ta có thể kìm lòng mà không tìm cách “giải mã” một ca tự sát bằng việc huy động mọi dữ kiện có được bất kể có hợp lý hay không? Một khi còn thở thì có vẻ như chúng ta sẽ khó mà để yên cho những “vụ tự sát” có quyền là một điều bí mật.
Chú thích:
[1] The Pale King, tạm dịch Nhà vua nhợt nhạt, cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành của Foster WallaceDavid khi anh tự sát vào năm 2008. Ngay cả khi còn dang dở, The Pale King vẫn là một tác phẩm lớn với 50 chương có độ dài khác nhau với tổng số hơn 500 trang.
[2] Foster WallaceDavid (1962-2008), nhà văn người Mỹ, đã tự tử ở tuổi 46 sau khi phải vật lộn với chứng trầm cảm trong nhiều năm. Cuốn tiểu thuyết Infinite Jest (1996) của anh được tạp chí Time liệt kê là một trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất được xuất bản từ năm 1923 đến 2005.
[3] Édouard Levé (1965-2007), nhà văn, nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia người Pháp, đã treo cổ tự sát ở tuổi 42. Tự sát (Suicide) là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Levé, anh đã giao nó cho biên tập của mình 10 ngày trước khi anh tự sát.
[4] Maurice Blanchot (1907-2003) nhà văn, triết gia, lý thuyết gia văn học người Pháp.
[5] Anomie: một trạng thái của ý thức đạo đức-tâm lý công cộng hoặc cá nhân, được đặc trưng bởi sự tham nhũng của các chuẩn mực đạo đức, sự sụp đổ của hệ thống giá trị đạo đức. Khái niệm anomie được đề Durkheim Emil, với mục đích diễn giải một phản ứng hành vi lệch lạc, ví dụ, ý định tự tử, hành vi bất hợp pháp.
[6] Émile Durkheim (1858-1917), nhà xã hội học người Pháp nổi tiếng, người đặt nền móng xây dựng chủ nghĩa chức năng và chủ nghĩa cấu trúc; góp công lớn trong sự hình thành bộ môn xã hội học và nhân chủng học.
[7] Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 – 1900) triết gia nổi tiếng người Phổ, nhân vật quan trọng của triết học hiện đại với các công trình về chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), phân tâm học (psychoanalysis) …
[8] Richard Burbage (1567-1619), một diễn viên sân khấu người Anh, là bạn và thường xuyên diễn các vở kịch của William Shakespeare.
[9]Jacques Derrida (1930-2004), nhà triết học người Pháp, phát triển lý thuyết phê phán được biết đến là giải cấu trúc (déconstruction), các tác phẩm của ông được gọi là hậu cấu trúc luận và có gắn với triết học hậu hiện đại.
[10]Spurs, cuốn sách của Derrida với ý tưởng “giải cấu trúc” các luận đề của Nietzsche.
[11] Roland Gérard Barthes (1915-1980), nhà lý luận văn học, triết gia, nhà ký hiệu học người Pháp, ảnh hưởng tới sự phát triển của các trường phái lý thuyết bao gồm chủ nghĩa cấu trúc, ký hiệu học, xã hội học, nhân chủng học và chủ nghĩa hậu cấu trúc.
[12] Werther, nhân vật chính đã tự sát sau những đổ vỡ trong tình yêu trong cuốn tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Wertherra đời năm 1774,tiểu thuyết kinh điển của văn hào Johann Wolfgang von Goethe trong phong trào "Bão táp và xung kích" (Sturm und Drang) ở Thời kỳ Khai sáng trong lịch sử Đức nửa cuối thế kỷ thứ 18
[13] Wolfgang von Goethe (1749-1832), nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ lỗi lạc người Đức, được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới.
1/9/2020
Kiều Chinh
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 6.1.2020
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...